Tông Huấn

Saturday, 04 April 2020 16:03

Tông Huấn Sacramentum Caritatis (Bí Tích Tình Yêu) Của ĐGH Benedict XVI (Ngày 22-02-2007) – (1) Featured

TÔNG HUẤN SACRAMENTUM CARITATIS

(BÍ TÍCH TÌNH YÊU)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2007

***

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI

***

DẪN NHẬP

 

1. Bí tích tình yêu,[1] Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này đã bày tỏ được tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x. Ga 15,13). Vâng, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13,1). Với cách diễn đạt này, tác giả Phúc Âm hướng chúng ta vào cử chỉ tự hạ tuyệt đối Chúa Giêsu đã thực hiện. Trước khi chết trên thập giá, Người đã lấy khăn thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Người. Tâm hồn các tông đồ phải sửng sốt biết bao trước cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc biết bao!

Lương thực chân lý

2. Nơi Bí tích Bàn Thờ, Chúa đến với con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27) và đã trở thành người bạn đường của họ. Trong Bí tích này, Chúa tự trở thành lương thực cho con người đang khao khát chân lý và tự do. Vì chỉ có chân lý mới thực sự làm cho chúng ta được tự do (x. Ga 8,36), nên Đức Kitô đã tự biến thành lương thực chân lý cho chúng ta. Với một nhận thức sâu xa về thực tại con người, thánh Augustin cho thấy rõ ràng con người sẽ tự ý hành động, và không do ép buộc, khi họ thấy mình có liên hệ với những gì lôi kéo và khơi dậy trong họ niềm khao khát. Khi người ta đặt câu hỏi cho vị thánh Giám mục này, cuối cùng thì điều gì lôi kéo con người cách sâu xa nhất, ngài trả lời: “Có điều gì linh hồn ao ước mãnh liệt cho bằng chân lý?”.[2] Thật vậy, mỗi người đều mang trong mình một sự khao khát triền miên về chân lý cuối cùng và tối thượng. Vì thế Chúa Giêsu, Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), hướng về con tim hổn hển của con người lữ hành đang khát, hướng về con tim khao khát đi tìm nước nguồn sự sống; hướng về con tim khắc khoải với chân lý. Đức Giêsu Kitô là Chân Lý đã hóa thành người, đang lôi kéo thế giới về với mình. “Chúa Giêsu là sao Bắc Đẩu chỉ đường cho con người đến với tự do. Không có Người, nhân loại sẽ mất định hướng, vì nếu không biết chân lý, tự do sẽ thay đổi bản chất, tự cô lập và trở thành độc đoán. Với Đức Giêsu Kitô, tự do mới tìm lại được chính mình”.[3] Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cách đặc biệt chân lý tình yêu, đó chính là bản chất của Thiên Chúa. Chân lý này được đặt nền tảng trên Phúc Âm, liên hệ đến từng cá nhân và toàn thể nhân loại. Hội Thánh tìm được trong Bí tích Thánh Thể trọng tâm sự sống cần thiết cho mình, luôn cố gắng loan báo cho mọi người Thiên Chúa là Tình yêu, dù người ta có nghe hay không (x. 2Tm 4,2).[4] Chính vì Đức Kitô đã trở thành lương thực chân lý cho chúng ta, nên Hội Thánh hướng đến mọi người và mời gọi họ tự do đón nhận ân huệ của Thiên Chúa.

Sự phát triển của nghi thức thánh lễ

3. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử hai ngàn năm của Hội Thánh, được Thánh Thần khôn ngoan dẫn dắt, với lòng biết ơn tràn đầy, chúng ta sẽ kinh ngạc trước sự phát triển của những hình thức nghi lễ qua dòng thời gian, nhờ đó, chúng ta tưởng niệm các biến cố ơn cứu độ của chúng ta. Từ những hình thức rất đa dạng của những thế kỷ đầu tiên và vẫn còn chiếu tỏa trong các nghi lễ của những Giáo hội Đông Phương Cổ, cho đến việc phổ biến nghi lễ Rôma; từ những hướng dẫn rõ ràng của Công Đồng Trento và quyển sách lễ của Đức thánh Giáo Hoàng Piô V cho đến cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican II khích lệ: mỗi thời đại của lịch sử Hội Thánh, việc cử hành Thánh Lễ, như là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, luôn chiếu tỏa trong nghi thức phụng vụ với sự phong phú đa dạng của nó. Khi nhìn lại lịch sử này, Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ 11, từ ngày 2 đến ngày 23 tháng 10 năm 2005 diễn ra tại Vatican, đã dâng lời cảm tạ sâu xa lên Thiên Chúa và công nhận rằng chính Chúa Thánh Thần đã hoạt động tích cực để hướng dẫn lịch sử này. Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đặc biệt ghi nhận và nhắc lại ảnh hưởng đầy ân sủng mà cuộc canh tân phụng vụ bắt nguồn từ Công Đồng Vatican II đã tác động trên đời sống Hội Thánh.[5] Thượng Hội Đồng Giám Mục đã có thể đánh giá việc đón nhận cuộc canh tân này trong những năm tiếp sau Công Đồng. Có rất nhiều cách đánh giá. Những khó khăn và cả những lạm dụng được nêu lên không làm mờ đi giá trị và sự hữu hiệu của cuộc canh tân còn chưa bộc lộ hết kho tàng ẩn chứa nơi mình. Cụ thể, là phải nhắm tới việc thấu hiểu những thay đổi theo ý hướng của Công Đồng trong sự duy nhất toàn thể của sự phát triển qua dòng lịch sử của nghi lễ, mà không đưa tới một sự gián đoạn nào do chính con người.[6]

Thượng Hội Đồng Giám Mục và Năm Thánh Thể

4. Cần phải nhấn mạnh sự liên hệ giữa Thượng Hội Đồng Giám Mục mới đây về Bí tích Thánh Thể và những gì diễn ra những năm vừa qua trong đời sống Hội Thánh. Trước nhất, chúng ta nhớ tới Năm Thánh vĩ đại 2000 mà vị Tiền Nhiệm đáng mến của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã hướng dẫn Hội Thánh bước vào thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo. Chiều kích Thánh Thể đã tô đậm nét Năm Thánh này. Chúng ta cũng không quên rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục đã có Năm Thánh Thể đi trước và chuẩn bị, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập, trong cái nhìn thật xa cho toàn thể Hội Thánh. Thời gian này được bắt đầu bằng Đại Hội quốc tế về Bí tích Thánh Thể tại Guadalajara vào tháng 10 năm 2004, và kết thúc vào cuối Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 11 ngày 23 tháng 10 năm 2005 với việc phong thánh cho 5 vị nổi bật về lòng đạo đức tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Đó là: thánh Giám mục Józek Bilczewski, các linh mục Gae-tano Catanoso, Zygmunt Gorazdowski và Alberto Hurtado Cruchaga, và tu sĩ capuchin Felice da Nicosia. Căn cứ trên các giáo huấn được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong Tông thư Mane nobiscum Domine (Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con)[7] và cám ơn các đề nghị đầy giá trị của Bộ Phượng Tự và kỷ luật các Bí tích,[8] nhiều địa phận và các nhóm trong Hội Thánh đã có nhiều khởi xướng để khơi dậy và gia tăng niềm tin của tín hữu vào Bí tích Thánh Thể, để nâng cao vẻ đẹp của việc cử hành và thúc đẩy việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể, nhờ đó động viên sự liên đới tích cực với những người túng thiếu. Sau hết cũng phải nhắc đến Thông điệp cuối cùng Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia)[9] của Đấng tiền nhiệm của tôi, với Thông điệp này, Ngài để lại cho chúng ta những điểm tựa chắc chắn thuộc huấn quyền về giáo lý Thánh Thể và một chứng từ cuối cùng cho thấy vị trí trung tâm của Bí tích thiên linh này trong đời sống của Ngài.

Mục đích của Tông huấn này

5. Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục có mục đích lấy lại sự phong phú của những suy tư và đề nghị được đề ra trong Đại hội thường kỳ của Thượng Hội Đồng các Giám mục – từ Đề Cương (Lineamenta) cho đến các Đề Nghị (Pro-positiones), giữa quá trình này còn có Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris), các Tham luận trước và sau cuộc Thảo Luận (Relationes ante et post disceptationem), các phát biểu của các Nghị Phụ, các dự thính viên (auditores) và các đại diện của các giáo hội anh em – với ý định triển khai vài định hướng căn bản nhằm gợi lên trong Hội Thánh những động lực và sự sốt sắng mới mẻ với Bí tích Thánh Thể. Trong ý thức về gia sản tín lý và kỷ luật được thu tập qua bao thế kỷ về Bí tích này,[10] và đón nhận ý kiến của các nghị phụ,[11] với Tông huấn này, tôi ao ước các Kitô hữu đào sâu liên hệ giữa mầu nhiệm Thánh Thể, hành động phụng vụviệc phượng tự mới trong tinh thần xuất phát từ Bí tích Thánh Thể, như là Bí tích tình yêu. Trong ý hướng này, tôi muốn liên kết Tông huấn này với Thông điệp đầu tiên của tôi Thiên Chúa Là Tình Yêu (Deus caritas est), trong Thông điệp, nhiều lần tôi đã nói đến Bí tích Thánh Thể để làm rõ nét liên hệ giữa Bí tích này và tình yêu Kitô giáo, yêu Chúa và yêu người: “Thiên Chúa hoá thành người lôi kéo tất cả chúng ta về với Người. Từ đó chúng ta hiểu được tại sao agapê cũng trở thành một tên gọi của Bí tích Thánh Thể: trong Thánh Thể, Tình Yêu (agapê) của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta, để trong chúng ta và qua chúng ta tiếp tục thực hiện công trình của Ngài”.[12]

***

PHẦN THỨ NHẤT

BÍ TÍCH THÁNH THỂ: MẦU NHIỆM MÀ CHÚNG TA TIN

“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến” (Ga 6,29)

 

Niềm tin vào Bí tích Thánh Thể của Hội Thánh

6. “Cao cả thay mầu nhiệm đức tin!”. Với lời kêu gọi ngay sau những lời truyền phép, vị chủ tế công bố mầu nhiệm được cử hành và biểu lộ sự kinh ngạc của mình trước sự biến thể từ bánh rượu thành Mình và Máu Đức Kitô – một thực tại vượt quá trí hiểu của con người. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể là “Mầu nhiệm đức tin” trong nghĩa tuyệt đối: “là tóm tắt và tổng hợp của đức tin chúng ta”.[13]. Đức tin của Hội Thánh trong bản chất là niềm tin Thánh Thể và được nuôi dưỡng cách đặc biệt nơi bàn tiệc Thánh Thể. Đức tin và các Bí tích là hai phương diện bổ túc cho nhau của đời sống Hội Thánh. Qua việc công bố Lời Chúa, đức tin được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ việc gặp gỡ đầy ân sủng với Chúa Phục Sinh, việc gặp gỡ này được thực hiện trong các Bí tích. “Đức tin biểu lộ qua nghi thức và nghi thức củng cố đức tin cách vững chắc”.[14] Vì thế, Bí tích Bàn Thờ luôn là trung tâm của đời sống Hội Thánh; “nhờ Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh luôn được tái sinh cách mới mẻ”.[15] Niềm tin vào Bí tích Thánh Thể càng sống động trong Dân Chúa, thì sự tham dự của họ vào đời sống Hội Thánh càng sâu xa nhờ gắn bó cách kiên vững vào sứ vụ do chính Đức Kitô trao phó cho các môn đệ của Người. Điều này đã được lịch sử Hội Thánh minh chứng. Mọi cuộc canh tân, một cách nào đó, đều liên kết với sự tái khám phá đức tin vào sự hiện diện của Chúa giữa Dân Người trong Bí tích Thánh Thể.

MẦU NHIỆM BA NGÔI CỰC THÁNH VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Bánh từ trời ban xuống

7. Nội dung chính yếu của niềm tin vào Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của Thiên Chúa, của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong cuộc trao đổi của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô, chúng ta gặp được một cách giải thích thật sáng sủa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Các lời này cho thấy cội rễ sâu xa của ân huệ Thiên Chúa. Trong Bí tích Thánh Thể, không phải Chúa Giêsu trao ban “một điều gì”, nhưng Người tự hiến chính mình; Người đã hiến dâng thân xác mình và đã đổ máu mình ra. Với cách thức này, Người ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thủy của tình yêu này. Người là Chúa Con hằng hữu, được Cha trao ban cho chúng ta. Trong Phúc Âm, chúng ta được nghe lời Chúa Giêsu một lần nữa; sau phép lạ hóa bánh và cá để nuôi sống dân chúng, Người nói với những kẻ đối thoại đã theo Người cho đến Hội Đường Capharnaum: “Cha tôi ban cho các ông bánh đích thực từ trời. Vì bánh Thiên Chúa ban, là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6,32-33) và xa hơn nữa, Người đã đồng hóa bánh này với Thịt và Máu của Người: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Với cách thức này, Chúa Giêsu tự mạc khải mình là Bánh sự sống được Thiên Chúa vĩnh hằng trao ban cho con người.

Ân huệ nhưng không của Thiên Chúa Ba Ngôi

8. Trong Bí tích Thánh Thể, kế hoạch tình yêu tự biểu lộ rõ ràng, kế hoạch này xác định hướng đi cho toàn thể lịch sử cứu độ (x. Ep 1,10; 3,8-11). Trong kế hoạch này Thiên Chúa Ba Ngôi (Deus Trinitas), tự tại là tình yêu (x. 1Ga 4,7-8), dấn thân cách trọn vẹn trong thân phận nhân loại của chúng ta. Trong bánh rượu, dưới hình dạng của cả hai, Đức Kitô tự hiến chính mình cho chúng ta trong bữa tiệc Vượt qua (x. Lc 22,14-20; 1Cr 11,23-26); đó là sự sống viên mãn của Thiên Chúa đến với chúng ta và được chia sẻ cho chúng ta dưới hình thức Bí tích. Thiên Chúa là sự hiệp thông toàn hảo của tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngay trong mầu nhiệm sáng tạo, con người lãnh nhận ơn gọi được chia sẻ một cách nào đó vào hơi thở sinh động của Thiên Chúa (x. St 2,7). Nhưng chính trong Đức Kitô đã chết và đã sống lại, cũng như trong việc ban tràn đầy Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,34) mà chúng ta được thông phần vào nơi sâu thẳm nhất của Thiên Chúa.[16] Đức Giêsu Kitô, Đấng “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14), trao ban cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa trong hồng ân Bí tích Thánh Thể. Đây là một ân huệ tuyệt đối nhưng không, đến từ lời hứa của Thiên Chúa và được ban dư đầy. Hội Thánh đón nhận, cử hành và tôn thờ hồng ân này với một lòng vâng phục trung thành. “Mầu nhiệm đức tin” là mầu nhiệm của tình yêu Chúa Ba Ngôi mà chúng ta được mời gọi thông phần nhờ ân sủng. Vì thế chúng ta phải cùng với thánh Augustin kêu lên: “Nếu anh thấy được tình yêu, anh sẽ thấy Thiên Chúa Ba Ngôi”.[17]

BÍ TÍCH THÁNH THỂ: CHÚA GIÊSU LÀ CHIÊN HIẾN TẾ ĐÍCH THỰC

Giao ước mới và vĩnh cửu trong máu con chiên

9. Sứ vụ, do đó mà Chúa Giêsu đến với chúng ta, được hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt qua. Trước khi “trao Thần Khí”, Người đã nói từ trên thập giá, từ đó Người sẽ lôi kéo mọi người đến với mình (x. Ga 12,32): “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Trong mầu nhiệm vâng phục của Người cho đến chết, và chết trên thập giá (x. Pl 2,8), giao ước mới và vĩnh cửu được thực hiện. Trong thân xác bị đóng đinh của Người, sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của con người đã gặp gỡ nhau một cách dứt khoát trong khế ước vĩnh viễn, có giá trị muôn đời. Con Thiên Chúa đã đền tội cho con người một lần thay cho tất cả (x. Dt 7,27; 1Ga 2,2; 4,10). Như tôi đã có lần nhấn mạnh: “Trong cái chết thập giá của Người, Thiên Chúa đã chống lại chính mình, khi ban tặng chính mình để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất”.[18] Trong mầu nhiệm Vượt qua, việc giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và sự chết đã được thực hiện cách trọn vẹn. Trong thời điểm thiết lập Bí tích Thánh Thể, chính Chúa Giêsu nói về “giao ước mới và vĩnh cửu” được đóng ấn bằng chính máu của Người (x. Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20). Mục đích cuối cùng đã nổi bật rõ ràng ngay từ lúc khởi đầu đời sống công khai của Người. Khi thấy Chúa Giêsu đến với mình ở bờ sông Giođan, Gioan Tẩy Giả đã kêu lên: “Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Câu nói này được lập lại đầy ý nghĩa trong mỗi Thánh Lễ, khi vị chủ tế mời gọi trước khi hiệp lễ: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian! Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa!”. Chúa Giêsu là chiên vượt qua đích thực, tự nguyện trở thành lễ vật dâng lên Thiên Chúa cho chúng ta và qua đó Người thực hiện giao ước mới và vĩnh cửu. Bí tích Thánh Thể chứa đựng điều mới mẻ triệt để này, lại được trao ban cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ.[19]

Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể

10. Điều đó mời gọi chúng ta suy niệm về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc cuối cùng. Việc thiết lập này diễn ra trong bối cảnh một bữa tiệc nghi lễ, tưởng niệm biến cố đặt nền tảng cho dân Israel là cuộc giải thoát khỏi ách nộ lệ bên Ai Cập. Bữa tiệc nghi lễ được liên kết với việc sát tế các con chiên (x. Xh 12,1-28.43-51) là kỷ niệm về quá khứ, nhưng đồng thời là kỷ niệm mang tính tiên tri, là sự loan báo về một cuộc giải phóng trong tương lai. Thật vậy, dân chúng biết rõ rằng cuộc giải phóng đó chưa phải là cuộc giải phóng cuối cùng, vì lịch sử của họ còn mang đầy dấu chứng nô lệ và tội lỗi. Kỷ niệm về cuộc giải phóng trong quá khứ dẫn đến việc khẩn cầu và chờ đợi một ơn cứu độ sâu xa hơn, thật cơ bản, phổ quát và tối hậu. Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đưa vào tính chất mới mẻ của ân huệ Người. Trong lời kinh cảm tạ Berakah, Người tạ ơn Thiên Chúa không những vì các biến cố vĩ đại của quá khứ, nhưng còn vì việc Người được “tôn vinh”. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thể hiện trước hy tế thập giá và chiến thắng phục sinh. Đồng thời Người minh chứng mình là con chiên đích thực chịu sát tế, được nhìn thấy trước trong kế hoạch của Chúa Cha ngay từ ban đầu khi sáng tạo vũ trụ, như lá thư thứ nhất của thánh Phêrô đã viết (x. 1Pr 1,18-20). Khi đưa hy lễ của Người vào trong bối cảnh này, Chúa Giêsu loan báo ý nghĩa cứu độ của cái chết và sự phục sinh của Người, mầu nhiệm trở thành sự canh tân lịch sử và toàn thể vũ trụ. Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể cho thấy cái chết của Người, dù khủng khiếp và phi lý, đã trở thành trong Chúa Giêsu một hành vi yêu thương cao vời, và đối với nhân loại là cuộc giải phóng hoàn toàn khỏi sự dữ.

Figura transit in veritatem (hình ảnh biến thành sự thật)

11. Với cách thức này, Chúa Giêsu đã đưa một điều hoàn toàn mới mẻ vào trong thâm sâu tiệc hy tế của Do Thái. Đối với những người Kitô hữu, chúng ta không cần lặp lại tiệc này. Các giáo phụ nói rõ ràng figura transit in veritatem, hình ảnh đã biến đổi thành sự thật: những gì đã được loan báo về các thực tại sẽ đến, bây giờ nhường chỗ cho sự thật. Nghi thức cổ xưa đã hoàn tất và đã được hồng ân tình yêu của Con Thiên Chúa nhập thể kết thúc rồi. Lương thực chân lý, là chính Đức Kitô chịu sát tế vì chúng ta, “đã chấm dứt các hình ảnh” (dat figuris terminum).[20] Mệnh lệnh: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy!” (Lc 22,19; 1Cr 11,25) đòi buộc chúng ta đáp lại hiến lễ của Người và thực hiện lại cách Bí tích. Với những lời này, Chúa muốn cho Hội Thánh, sinh ra từ hy tế của Người, đón nhận hồng ân đó, và dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần triển khai mẫu thức phụng vụ của Bí tích này. Việc cử hành tưởng niệm hồng ân tuyệt hảo của Người không cốt ở việc lập lại cách đơn thuần bữa tiệc cuối cùng, nhưng là ở Bí tích Thánh Thể, nghĩa là nơi điều mới mẻ triệt để của phượng tự Kitô giáo. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta sứ vụ bước vào “Giờ” của Người: “Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào hành vi dâng hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn được tích cực lôi cuốn vào sự tự hiến của Người”.[21] Người “cuốn hút chúng ta vào trong Người”.[22] Sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa đưa vào các thụ tạo một nguyên nhân biến đổi tận gốc, giống như một thứ “bùng nổ hạt nhân”, theo kiểu nói quen thuộc của thời đại chúng ta, sự biến đổi thấm nhập vào trong tâm của thực tại nhằm khởi động một tiến trình biến đổi thực tại, hướng tới mục đích cuối cùng là biến đổi toàn thể vũ trụ cho đến khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15,28).

CHÚA THÁNH THẦN VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần

12. Với lời ngài và bánh rượu, Chúa đã ban tặng chúng ta các yếu tố chính yếu của phượng tự mới. Hội Thánh, Hiền thê của Người, được mời gọi mỗi ngày cử hành tiệc Thánh Thể để tưởng niệm Người. Bằng cách thức đó, Hội Thánh đã ghi vào lịch sử nhân loại hy tế cứu độ của Phu Quân mình và làm cho hy tế đó hiện diện cách Bí tích trong các nền văn hóa. Mầu nhiệm vĩ đại này được cử hành trong các hình thức phụng vụ mà Hội Thánh, nhờ Thánh Thần hướng dẫn, đã phát triển qua không gian và thời gian.[23] Cần phải gợi lên trong chúng ta ý thức về vai trò quyết định của Chúa Thánh Thần trong việc phát triển hình thức phụng vụ và trong việc đào sâu các mầu nhiệm thần linh. Đấng An Ủi, ân huệ đầu tiên được Thiên Chúa ban cho các tín hữu,[24] là Đấng hoạt động ngay trong cuộc sáng tạo (x. St 1,2), hiện diện trong suốt đời sống của Ngôi Lời nhập thể: Đức Giêsu Kitô đã được Đức Trinh Nữ Maria cưu mang nhờ tác động của Thánh Thần (x. Mt 1,18; Lc 1,35); vào lúc khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã thấy Thánh Thần nơi sông Giođan dưới hình bồ câu ngự xuống trên mình (x. Mt 3,16tt); chính trong Thánh Thần mà Đức Giêsu đã hoạt động, rao giảng và vui sướng ca ngợi (x. Lc 10,21); và trong Thánh Thần, Người đã dâng hiến chính mình làm lễ vật (x. Dt 9,14). Trong lời giã biệt theo Phúc Âm thánh Gioan, Đức Giêsu cho thấy liên hệ rõ ràng giữa việc hiến dâng cuộc sống mình trong mầu nhiệm Vượt qua và hồng ân Thánh Thần được ban cho các kẻ thuộc về Người (x. Ga 16,7). Như Đấng Phục sinh còn mang đầy dấu chứng khổ nạn trên thân xác, Người có thể ban Thánh Thần qua hơi thở của mình (x. Ga 20,22) và cho các kẻ thuộc về Người tham gia vào sứ vụ của Người (x. Ga 20,21). Thánh Thần sẽ dạy và giúp các môn đệ nhớ lại tất cả những gì Đức Kitô đã nói với họ (x. Ga 14,26); vì là Thánh Thần Chân lý (x. Ga 15,26), Ngài có trách nhiệm hướng dẫn các môn đệ vào chân lý toàn vẹn (x. Ga 16,13). Theo trình thuật nơi sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ đang cùng tụ họp cầu nguyện với Đức Maria vào ngày lễ Hiện Xuống (x. Cv 2,1-4), Ngài đổ tràn sức mạnh để họ thực hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Như thế dưới tác động của Thánh Thần, Đức Kitô vẫn hiện diện và hoạt động trong lòng Hội Thánh, từ chính Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống.

Chúa Thánh Thần và việc cử hành thánh lễ

13. Dựa trên nền tảng này, chúng ta có thể thấy vai trò quyết định của Chúa Thánh Thần trong việc cử hành thánh lễ và đặc biệt trong việc biến thể. Các giáo phụ rất ý thức về vấn đề này. Thánh Xyrilô thành Giêrusalem trong quyển Giáo lý của mình nhắc nhớ rằng chúng ta “khẩn cầu Thiên Chúa nhân từ sai Thánh Thần của Người đến trên lễ vật đây, để Người biến bánh trở thành Thân Thể Đức Kitô và rượu trở thành Máu của Đức Kitô. Những gì Thánh Thần đụng chạm tới đều được thánh hóa và hoàn toàn biến đổi”.[25] Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh rằng vị chủ tế khẩn cầu Chúa Thánh Thần, khi ngài cử hành hy tế;[26] thánh nhân nói tiếp: như ngôn sứ Êlia, người tôi tớ Chúa, vị chủ tế kêu cầu Chúa Thánh Thần đến để “khi ân sủng xuống trên lễ vật, linh hồn mọi người nhờ đó được bừng cháy lên sốt sắng”.[27] Quan trọng nhất đối với đời sống thiêng liêng của các tín hữu là được nhận thức rõ ràng về sự phong phú của các kinh nguyện Thánh Thể (Anaphora): thêm vào các lời Đức Kitô phán trong Tiệc Ly, kinh nguyện Thánh Thể còn có kinh Epiklesis, lời khẩn cầu dâng lên Chúa Cha xin ban hồng ân Thánh Thần xuống, để bánh rượu trở thành Mình Máu Đức Giêsu Kitô và “cả cộng đoàn luôn trở thành Thần Thể Đức Kitô”.[28] Chúa Thánh Thần, Đấng mà vị chủ tế khẩn cầu ngự xuống trên bánh rượu đang được đặt trên bàn thờ, cũng là Đấng kết hợp các tín hữu “trở thành một thân thể” và biến họ thành lễ vật thiêng liêng làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha.[29]

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ HỘI THÁNH

Bí tích Thánh Thể, nguyên lý nhân quả của Hội Thánh

14. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đưa tín hữu vào trong “Giờ” của Người; theo cách thức đó, Người cho chúng ta thấy liên hệ mà Người muốn có giữa Người với chúng ta, giữa cá nhân Người với Hội Thánh. Thật vậy, chính Đức Kitô, trong hy tế thập giá, đã sinh ra Hội Thánh như Hiền thê và thân thể của Người. Các giáo phụ suy gẫm cách say mê về liên hệ giữa nguồn gốc của Eva xuất phát từ cạnh sườn ông Adam đang say ngủ (x. St 2,21-23) với Eva mới là Hội Thánh xuất phát từ cạnh sườn bị khai mở của Đức Kitô đang chìm trong giấc ngủ của cái chết: như thánh Gioan trình thuật, từ cạnh sườn bị đâm thâu tuôn chảy máu và nước (x. Ga 19,34) biểu trưng cho các Bí tích.[30] Một cái nhìn chiêm ngắm “Đấng mà cạnh sườn bị đâm thâu” (Ga 19,37) sẽ giúp chúng ta suy niệm về liên hệ nhân quả giữa hy tế của Đức Kitô, Bí tích Thánh Thể và Hội Thánh. Thật vậy: “Hội Thánh sống nhờ Bí tích Thánh Thể”.[31] Vì trong Bí tích này hy tế cứu độ của Đức Kitô thực sự hiện diện, buộc mọi người phải chân nhận “có một ảnh hưởng nhân quả của Bí tích Thánh Thể vào chính nguồn gốc của Hội Thánh”.[32] Bí tích Thánh Thể chính là Đức Kitô, Đấng tự hiến ban chính mình cho chúng ta và không ngừng xây dựng chúng ta trở thành thân thể của Người. Vì thế, trong liên hệ hỗ tương giữa Bí tích Thánh Thể là Bí tích xây dựng Hội Thánh, với chính Hội Thánh là nơi “làm nên” Bí tích Thánh Thể,[33] nguyên nhân thứ nhất được diễn tả trong công thức đầu tiên: Hội Thánh có thể cử hành và thờ phượng mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể chính vì Đức Kitô đã tự hiến trước cho Hội Thánh trong hy tế thập giá. Việc Hội Thánh có khả năng “làm nên” Bí tích Thánh Thể hoàn toàn bắt nguồn từ sự tự hiến của Đức Kitô cho Hội Thánh. Nơi đây, chúng ta khám phá một phương diện hết sức thuyết phục trong công thức của thánh Gioan: “Người đã yêu chúng ta trước” (x. 1Ga 4,19). Cứ mỗi lúc cử hành, chúng ta tuyên xưng hồng ân Đức Kitô là trên hết. Đặc tính nguyên nhân của Bí tích Thánh Thể làm phát sinh Hội Thánh tỏ lộ cách dứt khoát ưu thế của sự kiện này là Đức Kitô đã yêu chúng ta trước, không những về mặt thời gian, nhưng cả về mặt hữu thể! Cho đến mãi muôn đời, Người vẫn là Đấng đã yêu thương chúng ta trước!

Bí tích Thánh Thể và sự hiệp thông trong Hội Thánh

15. Bí tích Thánh Thể là yếu tố nền tảng cho sự hiện hữu và hoạt động của Hội Thánh. Vì thế, Kitô giáo vào thời kỳ đầu thường dùng chung một cách diễn tả là Corpus Christi (Mình Chúa Kitô) để nói về thân xác do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, về Mình Chúa trong Bí tích Thánh Thể và về thân thể Hội Thánh của Đức Kitô.[34] Dữ kiện được lưu truyền giúp chúng ta có được một ý thức rõ ràng về sự bất phân ly giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Chúa Giêsu, khi tự hiến mình cho chúng ta làm của lễ hy sinh, trong hồng ân của Người đã loan báo một cách hữu hiệu mầu nhiệm Hội Thánh. Điểm đặc biệt, Kinh Nguyện Thánh Thể II liên kết lời cầu xin cho sự hiệp nhất của Hội Thánh với lời kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần sau khi truyền phép, bằng công thức như sau: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. Công thức này cho thấy rõ ràng hiệu quả (res) của Bí tích Thánh Thể là sự hiệp nhất của các tín hữu trong sự hiệp thông Hội Thánh. Như thế Bí tích Thánh Thể tỏ hiện là nền tảng của Hội Thánh là mầu nhiệm Hiệp thông.[35]

Tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp “Hội Thánh sống nhờ Thánh Thể” (Ecclesia de Eucha-ristia) giúp chúng ta chú ý đến liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và hiệp thông. Ngài nói việc cử hành tưởng niệm Đức Kitô là “cách thể hiện cao cả nhất dưới dạng Bí tích sự hiệp thông trong Hội Thánh”.[36] Sự duy nhất của hiệp thông Hội Thánh biểu lộ cách cụ thể trong các cộng đoàn Kitô hữu và được lập lại trong cử hành Thánh Thể, việc làm này vừa kết hợp họ lại và làm cho họ khác biệt nhau trong các Giáo Hội địa phương, “trong và nhờ những Giáo Hội địa phương này Hội Thánh Công Giáo duy nhất được thể hiện” (in quibus et ex quibus una et unica Ecclesia catholica exsistit).[37] Chính thực tại của một Bí tích Thánh Thể duy nhất được cử hành trong từng địa phận vây quanh vị Giám mục của riêng mình giúp chúng ta hiểu rõ làm thế nào những Giáo Hội từng vùng tồn tại trong (in) và từ Hội Thánh (ex Ecclesia). “Sự đơn nhất và bất khả phân ly của Thân Thể Chúa trong Bí tích Thánh Thể đòi buộc sự đơn nhất của thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh duy nhất và không phân chia. Chính từ trung tâm Bí tích Thánh Thể mới có được sự cởi mở cần thiết của từng cộng đoàn đang cử hành, của từng Giáo hội địa phương: được lôi kéo bởi những cánh tay rộng mở của Chúa, mà người ta được tháp nhập vào thân thể duy nhất và không phân chia”.[38] Từ nền tảng này, trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, mỗi tín hữu thấy mình hiện diện trong Hội Thánh của Người, có nghĩa là Hội Thánh của Đức Kitô. Trong quan niệm đúng đắn như thế về Bí tích Thánh Thể, sự hiệp thông Hội Thánh tự minh chứng là một thực tại Công Giáo tự bản chất.[39] Nhấn mạnh đến căn nguyên của sự hiệp thông Hội Thánh xuất phát từ Bí tích Thánh Thể, có thể đóng góp đầy hiệu năng cho việc đối thoại đại kết với các Giáo Hội và các Cộng Đoàn giáo hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Ngai Tòa thánh Phêrô. Bí tích Thánh Thể kết nối một cách khách quan mối giây liên kết bền chặt giữa Hội Thánh Công Giáo và các Giáo Hội Chính thống, là những Giáo Hội còn nắm vững bản chất không sai lệch và nguyên vẹn của mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể. Đồng thời, việc nhấn mạnh đến đặc tính giáo hội của Bí tích Thánh Thể cũng có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đối thoại với các cộng đoàn phát sinh từ cuộc Cải Cách.[40]

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CÁC BÍ TÍCH

Đặc tính Bí tích của Hội Thánh

16. Công Đồng Vatican II đã nhắc nhớ rằng “tất cả các Bí tích, cũng như các thừa tác vụ trong Hội Thánh và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô; Người là Chiên Vượt Qua của chúng ta; Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã nhờ Thánh Thần mà có sự sống và làm cho con người được sống. Như thế, Người mời gọi và dẫn đưa con người hiến dâng chính mình, dâng những vất vả của mình và mọi tạo vật làm một với Người”.[41] Người ta sẽ hiểu sự liên hệ thâm sâu của Bí tích Thánh Thể với tất cả các Bí tích khác và với đời sống Kitô hữu ngay từ gốc rễ khi nhìn mầu nhiệm Hội Thánh như Bí tích.[42] Về chủ đề này, Công Đồng còn nhấn mạnh: “Trong Chúa Kitô, Hội Thánh một cách nào đó là Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.[43] Như thánh Cyprianô nói: “Hội thánh như dân được kết hợp từ sự duy nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”,[44] nên Hội thánh là Bí tích của sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực vậy, Hội Thánh là “Bí tích phổ quát của ơn cứu độ”;[45] điều này cho thấy “nhiệm cục” Bí tích xác định cách thức Đức Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất, nhờ Chúa Thánh Thần, đến với cuộc sống của chúng ta trong những đặc thù riêng của cuộc sống ấy. Hội thánh đón nhận và đồng thời diễn tả chính mình trong bảy Bí tích; nhờ các Bí tích này, ân sủng của Thiên Chúa tác động cụ thể trên cuộc sống của các tín hữu, để trọn cuộc đời đã được Đức Kitô cứu độ trở thành một phượng tự đẹp lòng Thiên Chúa. Trong nhãn quan này, tôi muốn nhấn mạnh đến vài yếu tố được các nghị phụ nêu lên, có thể giúp chúng ta nắm bắt được mối liên hệ của tất cả các Bí tích với Mầu Nhiệm Thánh Thể.

I. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VỚI VIỆC KHAI TÂM KITÔ GIÁO

Bí tích Thánh Thể, sự viên mãn của việc khai tâm Kitô giáo

17. Nếu thật sự Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, thì trước hết tiến trình khai tâm Kitô giáo phải hướng đến khả năng lãnh nhận Bí tích này. Như các Nghị Phụ đã nói, chúng ta phải tự hỏi xem cộng đoàn của chúng ta đã ý thức rõ về mối liên hệ chặt chẽ giữa các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể hay chưa.[46] Chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta được rửa tội và thêm sức để nhằm vào việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Điều này đưa đến trách nhiệm mục vụ, phải giúp người ta có một sự hiểu biết thống nhất hơn về tiến trình khai tâm Kitô giáo. Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô,[47] được đón nhận vào Hội thánh và trở thành con Thiên Chúa, đó là cửa ngõ để tiến đến các Bí tích khác. Với Bí tích này, chúng ta được gia nhập vào Thân Thể duy nhất của Đức Kitô (x. 1Cr 12,13), vào dân tư tế. Tuy nhiên, chính việc tham dự vào hy tế Thánh Thể mới kiện toàn trong chúng ta những gì Bí tích Rửa Tội đã ban cho chúng ta. Các ân huệ của Chúa Thánh Thần cũng được trao ban để xây dựng thân thể Đức Kitô và một chứng từ mạnh mẽ hơn cho Tin Mừng trong thế giới.[48] Vì thế, Bí tích Thánh Thể cực thánh mới kiện toàn việc khai tâm Kitô giáo và trở thành trung tâm và mục đích của toàn bộ đời sống Bí tích.[49]

Trình tự của các Bí tích khai tâm

18. Về điều này, cần phải chú ý đến trình tự của các Bí tích khai tâm. Trong Hội Thánh có nhiều truyền thống khác nhau. Sự khác biệt này xuất hiện rõ rệt trong các truyền thống của giáo hội Đông Phương[50] và trong thực hành của Phương Tây về việc khai tâm cho người trưởng thành[51] so với khai tâm của các trẻ em.[52] Sự khác biệt như thế không thuộc về mặt tín lý, nhưng là về mặt mục vụ. Cần phải xem xét cụ thể cách thực hành nào sẽ giúp ích nhiều nhất cho người tín hữu thấy Bí tích Thánh Thể là một thực tại mà toàn bộ việc khai tâm đều phải nhắm tới. Các Hội Đồng Giám Mục đều muốn cộng tác với các Bộ thuộc giáo triều Rôma để đánh giá các cách khai tâm hiện hành, để nhờ hoạt động giáo dục của các cộng đoàn chúng ta, người Kitô hữu được giúp đỡ để trưởng thành ngày một hơn trong một cuộc sống hướng chiều về Thánh Thể, có khả năng trả lời về niềm hy vọng của mình theo cách thức thích hợp với thời đại chúng ta (x. 1Pr 3,15).

Khai tâm, cộng đoàn giáo hội và gia đình

19. Phải luôn nhắc nhớ tất cả việc khai tâm Kitô giáo là con đường hoán cải được hoàn tất nhờ vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và trong liên hệ kiên vững với cộng đoàn giáo hội, dù đó là trường hợp của một người trưởng thành xin gia nhập vào Hội Thánh như ở những nơi vừa được Phúc Âm hóa và trong những vùng đã bị tục hóa, hay là do cha mẹ xin cho con cái mình. Về đề tài này, trước tiên tôi muốn mọi người chú tâm vào liên hệ giữa sự khai tâm Kitô giáo với gia đình. Trong hoạt động mục vụ, gia đình Kitô hữu phải tham gia vào con đường khai tâm này. Việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Rước Lễ lần đầu là những thời điểm quyết định không những cho cá nhân của người lãnh nhận Bí tích, nhưng là cho cả gia đình; gia đình cũng cần phải được cộng đoàn giáo hội với các thành phần khác nhau nâng đỡ trong trách nhiệm giáo dục.[53] Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của việc Rước Lễ lần đầu. Nhiều Kitô hữu vẫn luôn nhớ đến ngày kỷ niệm này như là giây phút đầu tiên, dù chỉ là sơ khởi, khám phá tầm quan trọng của sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Việc mục vụ của giáo xứ phải biết tận dụng cơ hội đầy ý nghĩa này một cách thích hợp.

II. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ BÍ TÍCH GIAO HÒA

Sự liên hệ nội tại của hai Bí tích này

20. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xác quyết rằng, tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể sẽ đưa đến việc đánh giá cao Bí tích Giao Hòa.[54] Căn cứ vào sự liên kết giữa những Bí tích này, giáo lý đúng đắn về ý nghĩa Bí tích Thánh Thể phải dẫn đến con đường sám hối (x. 1Cr 11,27-29). Phải công nhận rằng, các tín hữu trong thời đại chúng ta, đang sống trong một văn hóa xa dần cảm thức về tội lỗi[55] đưa đến một thái độ hời hợt, quên sự cần thiết phải ở trong ân nghĩa của Thiên Chúa thì mới có thể rước lễ cách xứng đáng.[56] Trong thực tế, việc đánh mất ý thức về tội luôn đưa đến sự hời hợt để nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Cũng cần gợi lên cho người tín hữu những yếu tố trong nghi thức thánh lễ, giúp ý thức về tội mình và đồng thời về lòng thương xót của Thiên Chúa.[57] Ngoài ra, liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao Hòa giúp chúng ta nhớ rằng, tội lỗi không bao giờ là thực tại hoàn toàn cá nhân; tội luôn mang một thương tổn giữa cộng đoàn giáo hội, mà chúng ta được gia nhập nhờ Bí tích Rửa Tội. Vì thế việc hòa giải, như các giáo phụ gọi, là một loại phép rửa đòi lao nhọc (laboriosus quidam baptismus),[58] để nhấn mạnh hiệu quả của con đường sám hối là tái lập sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, biểu lộ qua việc lại được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.[59]

Vài hướng dẫn mục vụ

21. Thượng Hội Đồng nhắc nhớ rằng trách nhiệm mục vụ của Giám mục trong địa phận là phải thúc đẩy giáo dục lòng sám hối xuất phát từ Bí tích Thánh Thể và khuyến khích giáo dân thường xuyên đi xưng tội. Mọi linh mục phải quảng đại trong việc ban Bí tích Giao Hòa.[60] Về vấn đề này, phải chú ý đến việc đặt các tòa giải tội cách nào để dễ nhận ra và phải làm nổi bật ý nghĩa của Bí tích này. Tôi xin các vị mục tử, phải chú ý đến cách thức trao ban Bí tích Giao Hòa và thu hẹp việc thực hành xá giải chung vào những trường hợp được qui định,[61] vì việc giải tội cá nhân là hình thức thông thường duy nhất.[62] Để có thể canh tân việc lãnh nhận Bí tích Giao Hòa, mỗi Giáo Phận phải luôn có một linh mục mang đặc quyền Xá Giải (Paenitentiarius).[63] Cuối cùng, việc thực hành khôn ngoan và quân bình để lãnh nhận các ân xá cho bản thân hay cho các kẻ đã qua đời, sẽ là một hỗ trợ hữu ích để gây ý thức về mối kiên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao Hòa. Với ân xá này, “chúng ta nhận được ơn tha thứ các hình phạt tạm do tội lỗi trước mặt Thiên Chúa dù lỗi lầm đã được tha thứ”.[64] Việc sử dụng các ân xá giúp hiểu rằng với sức lực của riêng mình, chúng ta không thể nào sửa đổi lại điều xấu đã phạm và tội lỗi của từng cá nhân cũng làm hại cho toàn thể cộng đoàn. Vì thế việc thực hành ân xá cho thấy, ngoài giáo lý về công trạng vô tận của Đức Kitô và của sự hiệp thông các thánh, “chúng ta được kết hợp chặt chẽ với nhau trong Đức Kitô và đời sống siêu nhiên của mỗi người cũng đem lại lợi ích cho kẻ khác”.[65] Vì chính cách làm này, trong số các điều kiện, đòi buộc phải lãnh nhận Bí tích Giao Hòa và rước lễ, nên việc thực hành này có thể nâng đỡ các tín hữu thật hữu hiệu trên con đường sám hối và trong việc khám phá đặc tính trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống người Kitô hữu.

III. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

22. Chúa Giêsu không những sai các môn đệ đi chữa lành bệnh nhân (x. Mt 10,8; Lc 9,2; 10,9), nhưng còn thiết lập một Bí tích đặc biệt cho họ: đó là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.[66]thư của thánh Giacôbê xác nhận hành động Bí tích này đã có trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x. 5,14-16). Nếu Bí tích Thánh Thể cho thấy cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô được biến đổi thành tình yêu, thì Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân nối kết những người đang đau yếu với việc tự hiến của Đức Kitô để mang lại ơn cứu độ cho mọi người, đến độ bệnh nhân trong mầu nhiệm hiệp thông chư thánh cũng được tham gia vào việc cứu độ thế giới. Sự liên hệ của những Bí tích này được biểu hiện khi bệnh tật trở nên trầm trọng: “Hội Thánh trao ban cho những người hấp hối, ngoài Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, còn có Bí tích Thánh Thể như Của Ăn Đàng”.[67] Trên đường trở về Nhà Cha, việc rước lấy Mình Máu thánh Chúa như mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và sức lực cho sự phục sinh: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Việc rước lấy Của Ăn Đàng khai mở cho bệnh nhân sự viên mãn của mầu nhiệm vượt qua, vì thế phải bảo đảm cho bệnh nhân rước lễ.[68] Việc chú tâm và chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân, sẽ chắc chắn đem đến lợi ích thiêng liêng cho cả cộng đoàn, vì biết rằng điều mà chúng ta làm cho người bé mọn nhất, là chúng ta làm cho Đức Kitô (x. Mt 25,40).

IV. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Nhân danh Đức Kitô là Đầu (In persona Christi capitis)

23. Sự liên hệ nội tại giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh xuất phát từ chính lời của Chúa Giêsu trong phòng Tiệc Ly: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy!” (Lc 22,19). Vào chiều trước khi chịu khổ nạn, Đức Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và đồng thời cũng thiết lập chức tư tế của Giao Ước Mới. Người là tư tế, là lễ vật và là bàn thờ: Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa Cha và đoàn dân (x. Dt 5,5-10), lễ vật đền tội (x. 1Ga 2,2; 4,10) tự hiến dâng trên bàn thờ thập giá. Không ai có thể nói: “Này là Mình Thầy” và: “Này là chén Máu Thầy” nếu không phải là nhân Danh và trong cương vị của Đức Kitô, Đấng là Thượng tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu (x. Dt 8-9). Trong các cuộc họp khoáng đại khác, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã trao đổi về thừa tác vụ tư tế, về căn tính của thừa tác viên,[69] và về việc đào tạo các ứng viên.[70] Nhân dịp này và dựa vào cuộc trao đổi trong Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa rồi, tôi buộc phải gợi lại vài điểm quan trọng, về liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Trước tiên, cần phải nhắc đến liên hệ giữa Chức Thánh và Bí tích Thánh Thể được biểu lộ rõ ràng cụ thể trong thánh lễ do vị Giám mục hay vị linh mục chủ sự nhân danh Đức Kitô là Đầu.

Theo giáo lý Hội Thánh, Bí tích Truyền Chức Thánh là điều kiện tất yếu để cho việc cử hành thánh lễ được thành sự.[71]“trong việc phục vụ Giáo hội của thừa tác viên có chức thánh, chính Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh của Người như là Đầu của thân thể, Mục Tử của đàn chiên, Thượng Tế của hy lễ cứu chuộc”.[72] Đương nhiên, “thừa tác viên đã được truyền chức thánh hoạt động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi ngài dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện của Hội Thánh, nhất là khi ngài dâng hy tế Thánh Thể”.[73] Vì thế buộc các linh mục phải ý thức rằng, trong tất cả thừa tác vụ của mình, không bao giờ được tự xem mình hay ý kiến của mình đứng hàng đầu, nhưng phải là chính Đức Giêsu Kitô. Mỗi cố gắng làm cho mình trở thành chủ chốt của hành vi phượng tự đều đi ngược với căn tính của linh mục. Vị chủ tế trước tiên phải là người phục vụ và phải luôn cố gắng trở thành dấu chỉ và khí cụ được Đức Kitô sử dụng, để luôn hướng về Người. Điều này chỉ được biểu lộ rõ ràng trong sự khiêm tốn khi cử hành phụng vụ, vâng theo các nghi thức, tập trung tâm tình và trí tuệ vào nghi thức, cố gắng loại bỏ tất cả những gì tạo ra cảm tưởng đó là sáng kiến cá nhân. Vì thế tôi khuyên hàng giáo sĩ phải ý thức sâu xa rằng thừa tác vụ Bí tích Thánh Thể là một phục vụ thật khiêm tốn dành cho Đức Giêsu Kitô và cho Hội Thánh của Người. Như thánh Augustin nói, chức tư tế là thừa tác vụ của tình yêu (amoris officium);[74] đó là thừa tác vụ của vị mục tử nhân lành, dám hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,14-15).

Bí tích Thánh Thể và việc độc thân linh mục

24. Các nghị phụ muốn nhấn mạnh, thừa tác vụ linh mục được trao ban qua Bí tích Truyền Chức Thánh đòi buộc phải có sự đồng hình đồng dạng hoàn toàn với Đức Kitô. Dù vẫn luôn tôn trọng những thực hành khác biệt và truyền thống đông phương, cũng cần phải nhắc lại ý nghĩa sâu xa của việc độc thân linh mục, được xem như một sự phong phú vô giá và cũng được giáo hội đông phương công nhận trong khi tuyển chọn ứng viên Giám mục giữa các linh mục sống đời độc thân. Chọn lựa sống độc thân là cách diễn tả cụ thể sự hy sinh để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và sự tự hiến chính mình cho Nước Thiên Chúa.[75] Sự kiện Đức Kitô, vị Thượng Tế vĩnh cửu, đã sống sứ vụ của mình cho đến hy tế thập giá, trong bậc sống khiết tịnh, là điểm tựa vững chắc để nắm rõ ý nghĩa truyền thống của giáo hội Latin trong vấn đề này. Vì thế thực thiếu sót khi nhìn độc thân linh mục chỉ trên bình diện chức năng. Trong thực tế, đời sống độc thân chỉ muốn trình bày một sự đồng dạng với lối sống của Đức Kitô. Một sự chọn lựa như thế trước tiên mang đặc tính hôn nhân, là một cảm nhận trong trái tim của Đức Kitô như vị Hôn Phu tự hiến cuộc sống của mình cho hôn thê. Kết hợp với truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, với Công Đồng Vatican II[76] và với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của tôi,[77] tôi xin nhắc lại sự tốt đẹp và tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục như dấu chứng nổi bật việc tận hiến trọn vẹn và dứt khoát cho Đức Kitô, cho Hội Thánh và cho Nước Thiên Chúa, và tôi xác nhận thêm một lần nữa đặc tính bó buộc của truyền thống Latin. Linh mục độc thân sống trong sự trưởng thành, niềm vui và tận hiến, thực sự là một phúc lành lớn lao cho Hội Thánh và xã hội.

Việc thiếu linh mục và mục vụ ơn gọi

25. Về sự liên hệ giữa Bí tích Truyền Chức Thánh và Bí tích Thánh Thể, Thượng Hội Đồng phải dừng lại trước hoàn cảnh khó khăn xuất hiện trong vài địa phận khi đối diện với việc thiếu linh mục. Điều này không những xảy ra nơi vài vùng vừa mới được Phúc-âm-hóa, nhưng cả trong những nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Đương nhiên việc phân bố linh mục cho hợp lý cũng là một cách giải quyết. Thế nhưng cũng cần có một nỗ lực để gây ý thức mạnh hơn về tình trạng này. Trong những vùng cần đến sự chăm sóc mục vụ, các Giám mục phải liên kết với các Hội Dòng và những nhóm mới thuộc Hội Thánh, nhưng vẫn tôn trọng đặc sủng của họ, và khuyến khích mọi thành phần giáo sĩ thật sẵn sàng để phục vụ Hội Thánh ở các nơi cần thiết dù có phải hy sinh.[78] Ngoài ra, trong Thượng Hội Đồng, các Nghị Phụ cũng bàn thảo về những quan tâm mục vụ cần phải thể hiện để có được, nhất là nơi giới trẻ, sự cởi mở tâm hồn cho ơn gọi linh mục. Hoàn cảnh như thế không thể giải quyết bằng những phương tiện thực dụng. Cần phải tránh việc các Giám Mục, dưới áp lực lo lắng đến tác vụ vì lý do thiếu linh mục, không thực hiện sự phân định ơn gọi cách thích hợp và chấp nhận để được đào tạo cách đặc biệt và để cho chịu chức thánh những ứng viên không có những đặc tính cần thiết cho thừa tác vụ linh mục.[79][67] Một hàng giáo sĩ thiếu sự đào tạo, chấp nhận cho chịu chức mà không có sự phân định cần thiết, sẽ khó cống hiến một chứng từ có khả năng khơi dậy nơi người khác sự khao khát đáp lại cách quảng đại lời mời gọi của Đức Kitô. Mục vụ ơn gọi phải có sự hợp tác của toàn thể cộng đoàn trong mọi thành phần.[80] Đương nhiên, công tác mục vụ rộng rãi này cũng phải bao gồm cả việc gây ý thức cho các gia đình, thường dửng dưng, nếu không công khai chống đối trước ý tưởng ơn gọi làm linh mục. Ước gì các gia đình thật quảng đại đón nhận hồng ân sự sống và giáo dục con cái sẵn sàng phục vụ cho ý muốn của Thiên Chúa: cần phải có sự can đảm để đề nghị người trẻ bước theo Đức Kitô cách triệt để, bằng cách cho họ thấy sự hấp dẫn của ơn gọi ấy.

Lòng biết ơn và hy vọng

26. Cuối cùng, cần phải tin tưởng và hy vọng vào những sáng kiến của Thiên Chúa. Dù nhiều vùng thiếu linh mục, nhưng không thể nghi ngờ rằng Đức Kitô vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người bỏ tất cả các hoạt động khác, để hoàn toàn tận hiến cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh, rao giảng Tin Mừng và làm việc mục vụ. Trong hoàn cảnh này, tôi muốn nói lên lòng biết ơn của Hội Thánh đối với tất cả các Giám Mục và linh mục đang chu toàn sứ vụ của mình với sự hy sinh và nhiệt thành đến cùng. Đương nhiên lòng biết ơn này cũng dành cho các vị phó tế đã được đặt tay “không để lãnh chức linh mục, nhưng để phục vụ”.[81] Theo chỉ thị của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi cũng cám ơn đặc biệt các linh mục thuộc nhóm Fidei-donum (tặng phẩm đức tin), với thẩm quyền và sự dấn thân quảng đại đã xây dựng những cộng đoàn bằng cách rao giảng Lời Chúa và bẻ Bánh Sự Sống, thật tận lực trong việc phục vụ công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.[82] Cũng phải tạ ơn Thiên Chúa vì nhiều linh mục đã chịu đau khổ đến độ hy sinh mạng sống để phục vụ Đức Kitô. Gương sáng hùng hồn của họ cho thấy làm linh mục đến nơi đến chốn có nghĩa là gì. Chứng từ đầy cảm động của họ có thể giúp nhiều người trẻ bước theo Đức Kitô và dâng hiến cuộc sống mình cho tha nhân, và như thế là tìm được cuộc sống đích thực.

V. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Thánh Thể, Bí tích mang đặc tính hôn nhân

27. Bí tích Thánh Thể, Bí tích tình yêu, có một liên hệ đặc biệt với tình yêu giữa người nam và người nữ, được kết hợp với nhau trong hôn nhân. Đào sâu liên hệ này là điều cần thiết cho thời đại chúng ta.[83] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần xác quyết đặc tính hôn nhân của Bí tích Thánh Thể và liên hệ của Bí tích này với Bí tích Hôn Phối: “Bí tích Thánh Thể là Bí tích của ơn cứu độ chúng ta. Đó là Bí tích của hôn phu và hôn thê”.[84] Ngoài ra “trọn cuộc đời người Kitô hữu mang dấu ấn tình yêu hôn nhân của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta hội nhập vào Dân Thiên Chúa, là mầu nhiệm mang tính chất hôn nhân; có thể gọi Bí tích này “cuộc tắm rửa tân hôn” đi trước tiệc cưới, là Bí tích Thánh Thể”.[85] Bí tích Thánh Thể củng cố liên tục sự duy nhất và tình yêu bất khả phân ly của mọi hôn nhân Kitô giáo. Trong Bí tích này, nhờ quyền năng Bí tích, ràng buộc hôn nhân được nối kết nội tại với sự duy nhất Thánh Thể giữa Đức Kitô là hôn phu và Hội Thánh là hôn thê (x. Ep 5,31-32). Sự ưng thuận lẫn nhau mà vợ chồng thực hiện trong Đức Kitô và làm họ thành một cộng đoàn sự sống và tình yêu, cũng mang một chiều kích Thánh Thể. Thật vậy, theo thần học của thánh Phaolô, tình yêu hôn nhân là dấu chỉ Bí tích tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh của Người – một tình yêu đạt tới chóp đỉnh nơi thập giá, cũng là cách diễn tả tiệc cưới của Người với nhân loại, đồng thời là nguồn gốc và trung tâm của Bí tích Thánh Thể. Chính vì thế Hội Thánh biểu lộ sự gần gũi thiêng liêng với những ai đặt gia đình của họ trên nền tảng Bí tích Hôn Phối.[86] Gia đình – hội thánh tại gia[87] – là tế bào tiên khởi của đời sống Hội Thánh, đặc biệt vì vai trò quyết định của nó trong việc giáo dục con cái theo Kitô giáo.[88] Nối tiếp tư tưởng này, Thượng Hội Đồng khuyên nhủ công nhận trách nhiệm đặc biệt của người phụ nữ trong gia đình và xã hội – một trách nhiệm cần phải được bảo vệ, gìn giữ và khuyến khích.[89] Vai trò làm vợ và làm mẹ là một thực tại tuyệt đối cần thiết phải luôn được đề cao.

Bí tích Thánh Thể và tính duy nhất của hôn nhân

28. Chính trong ánh sáng liên hệ nội tại giữa hôn nhân, gia đình và Bí tích Thánh Thể mà chúng ta có thể nhìn vài vấn đề mục vụ. Mối liên hệ trung thành, bất khả phân ly và tuyệt đối nối kết Đức Kitô với Hội Thánh và được diễn tả cách Bí tích trong Thánh Thể, đáp ứng với đặc điểm nhân bản nguyên thủy theo đó người đàn ông dứt khoát liên kết với một người đàn bà duy nhất và ngược lại (x. St 2,24; Mt 19,5). Căn cứ trên nền tảng tư tưởng này, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã trao đổi về vấn đề mục vụ cho những người đón nhận Tin Mừng, nhưng lại xuất phát từ những nền văn hóa cho phép thực hành đa thê. Những ai sống trong hoàn cảnh như thế phải được nâng đỡ, khi họ đón nhận niềm tin Kitô giáo, để dự phóng nhân bản của họ được hội nhập vào tính chất mới mẻ triệt để của Đức Kitô. Trong thời gian dự tòng, Đức Kitô sẽ đến với họ trong hoàn cảnh đặc biệt của họ và kêu gọi họ tiến đến chân lý toàn vẹn của tình yêu qua con đường của những từ bỏ cần thiết, nhằm đưa họ đến sự hiệp thông hoàn hảo của Hội Thánh. Hội Thánh đồng hành với họ bằng sự chăm sóc mục vụ đầy dịu dàng, nhưng dứt khoát,[90] làm cho họ thấy ánh sáng của các mầu nhiệm Kitô giáo chiếu tỏa trên bản tính tự nhiên và những khao khát của con người như thế nào.

Bí tích Thánh Thể và đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân

29. Nếu Bí tích Thánh Thể nói lên tính chất kiên định của tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô đối với Hội Thánh của Người, người ta cũng hiểu tại sao Bí tích này đòi buộc đặc tính bất khả phân ly trong liên hệ với Bí tích Hôn Phối, một đặc tính mà bất cứ tình yêu chân thật nào cũng mong muốn.[91] Vì thế Thượng Hội Đồng chú tâm đến việc mục vụ cho những hoàn cảnh đau thương trong đó nhiều Kitô hữu, sau khi lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, lại ly dị và ký kết một hôn ước mới. Đó là một vấn đề mục vụ khó khăn và rắc rối, một vết thương thật sự trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, mà con số tín hữu trong hoàn cảnh này ngày càng gia tăng. Các mục tử, vì tình yêu chân lý, có trách nhiệm, phân biệt rõ ràng những hoàn cảnh khác nhau để giúp đỡ về mặt tinh thần cho các tín hữu này.[92] Thượng Hội Đồng Giám Mục căn cứ vào Thánh Kinh (x. Mc 10,2-12) xác định thực hành của Hội Thánh, không thể cho những người đã ly dị tái hôn được lãnh nhận các Bí tích, chỉ vì tình trạng và điều kiện của họ nghịch lại cách khách quan sự liên hệ tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, điều được biểu lộ và hiện thực trong Bí tích Thánh Thể. Dù hoàn cảnh như thế, những người đã ly dị tái hôn vẫn luôn thuộc về Hội Thánh; Hội Thánh vẫn đồng hành với họ bằng một sự chú tâm đặc biệt, với ước mong họ vẫn giữ được nhiều chừng nào có thể một lối sống Kitô giáo, nhờ tham dự thánh lễ, dù không được rước lễ, nhưng vẫn nghe Lời Chúa, tôn thờ Bí tích Thánh Thể, cầu nguyện, thông phần vào đời sống cộng đoàn, nhờ đối thoại cách tin tưởng với một linh mục hay với một vị linh hướng, nhờ tận tuỵ sống đức bác ái và sám hối, nhờ dấn thân trong việc giáo dục con cái.

Nếu như có nghi ngờ hợp pháp về việc thành sự của Bí tích Hôn Phối đã ký kết, cần phải làm những gì cần thiết để minh chứng cụ thể. Với sự tôn trọng đầy đủ giáo luật,[93] cần phải có trong giáo phận các tòa án giáo hội vừa mang tính chất mục vụ, vừa hoạt động nghiêm túc và mau lẹ.[94] Vì thế mỗi địa phận cần có một số người được chuẩn bị để các toà án giáo hội vận hành một cách tốt đẹp. Tôi nhắc lại rằng “việc làm cho cơ chế của giáo hội hoạt động trong các tòa án luôn luôn gần gũi hơn với người tín hữu là một bó buộc thật sự”.[95] Cần phải tránh coi việc chăm sóc mục vụ như đối ngược lại với giáo luật; nhưng phải nghĩ rằng lòng yêu mến chân lý là điểm gặp gỡ căn bản giữa lề luật và mục vụ. Chân lý này không bao giờ là một điều thuần tuý trừu tượng, nhưng phải “đi vào cuộc sống nhân bản và Kitô giáo của mọi tín hữu”.[96] Cuối cùng, nơi nào tính bất thành sự của Bí tích Hôn Phối không được công nhận và nơi nào các điều kiện khách quan làm cho đời sống chung không thể thay đổi được, Hội Thánh động viên các tín hữu cố gắng sống quan hệ của họ theo những đòi buộc của lề luật Thiên Chúa, như bạn hữu, như anh em; họ có thể tiến đến bàn tiệc thánh của Chúa, như cách thực hành truyền thống của Hội Thánh đã chấp nhận. Để cho con đường được khả thể và có hiệu năng, cần phải có sự trợ giúp của vị mục tử và nhờ vào những sáng kiến giáo hội phù hợp, trong khi phải tránh chúc lành cho những quan hệ này trong bất cứ trường hợp nào, để không gây xôn xao giữa giáo dân về vấn đề giá trị của Bí tích Hôn Phối.[97]

Trước sự đa dạng của các nền văn hóa nơi mà Hội Thánh hiện diện trong nhiều nước trên thế giới, Thượng Hội Đồng đã khuyên, đây là việc mục vụ thật quan trọng, trong khi chuẩn bị hôn nhân và khảo giáo lý, phải kiểm tra nghiêm túc những xác tín về những đòi hỏi của sự dấn thân để cho Bí tích Hôn Phối được thành sự. Một việc phân định cẩn trọng có thể tránh được vấn đề hai bạn trẻ, vì xúc cảm thúc đẩy hay những lý do hời hợt, lãnh nhận những trách nhiệm mà rồi họ sẽ không tôn trọng.[98] Điều thiện hảo mà Hội Thánh và toàn thể xã hội chờ đợi từ hôn nhân và gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân lớn lao đến mức độ mời gọi chúng ta dấn thân đến cùng trong lãnh vực mục vụ đặc biệt này. Hôn nhân và gia đình là những cơ chế phải được thăng tiến và bảo vệ khỏi mọi thứ trình bày sai lạc có thể xảy ra, bởi lẽ bất cứ tổn hại nào đến với hôn nhân và gia đình đều tổn hại đến đời sống chung của con người.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CÁNH CHUNG

Bí tích Thánh Thể: quà tặng cho con người đang lữ hành

30. Nếu các Bí tích là một thực tại thuộc về Hội Thánh lữ hành trong thời gian,[99] hướng đến việc biểu lộ trọn vẹn cuộc chiến thắng của Đức Kitô phục sinh; thì cũng đúng là, đặc biệt trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta được nếm trước sự viên mãn cánh chung mà mỗi người và cả tạo thành đều hướng đến (x. Rm 8,19t). Con người được tạo dựng để được hưởng hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu, mà chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta. Nhưng sự tự do đã bị tổn thương của chúng ta sẽ lạc lối, nếu ngay bây giờ không cảm nhận được một chút gì của sự viên mãn tương lai. Ngoài ra, mỗi người, để có thể đi đúng đường, cần phải được hướng dẫn về mục đích cuối cùng này. Thực vậy, mục đích cuối cùng chính là Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng chiến thắng tội lỗi và cái chết, đang hiện diện cách đặc biệt nơi việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Dù chúng ta “là những người xa lạ và lữ khách trên thế gian này” (1Pr 2,11), ngay bây giờ chúng ta nhờ đức tin được thông phần vào sự viên mãn của cuộc sống phục sinh. Tiệc Thánh Thể mạc khải chiều kích cánh chung, sẽ trợ giúp sự tự do của chúng ta đang trên đường lữ hành.

Tiệc cánh chung

31. Khi suy niệm về mầu nhiệm này, chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu, khi đến trần gian, đã tự liên kết với sự mong chờ của dân Do Thái, của toàn thể nhân loại và qua đó của cả tạo thành. Với việc tự hiến, Người khai mở cách khách quan thời đại cánh chung. Đức Kitô đến để qui tụ dân Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11,52), tỏ lộ ý định của Người là qui tụ cộng đoàn giao ước, để hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa với các tổ phụ (x. Gr 23,3; 31,10; Lc 1,55.70). Trong việc kêu gọi các tông đồ – có liên hệ đến mười hai chi tộc Israel – và trong trách nhiệm được trao phó cho họ nơi bàn Tiệc Ly trước cuộc khổ nạn mang ơn cứu độ, phải cử hành để tưởng nhớ đến Người, Chúa Giêsu cho thấy Người muốn chuyển trao cho cả cộng đoàn mà Người thành lập, trách nhiệm làm dấu chỉ và khí cụ trong lịch sử cho việc qui tụ cánh chung đã khởi đầu nơi Người. Vì thế, việc qui tụ cánh chung của Dân Chúa được thể hiện cách Bí tích trong mỗi cử hành Thánh Thể. Tiệc Thánh Thể đối với chúng ta là tham dự trước bàn tiệc cuối cùng, đã được các ngôn sứ công bố (x. Is 25,6-9) và được diễn tả trong Tân Ước như “tiệc cưới của Con Chiên” (x. Kh 19,7-9); tiệc này phải được cử hành trong niềm vui của cộng đoàn chư thánh.[100]

Lời cầu nguyện cho những kẻ đã qua đời

32. Việc cử hành Thánh Thể công bố cái chết của Chúa, ca tụng việc Người sống lại và mong chờ Người lại đến, là một đảm bảo cho vinh quang tương lai, trong đó cả thân xác của chúng ta cũng được tham dự vào vinh quang. Khi chúng ta cử hành tưởng niệm công cuộc cứu độ chúng ta, chúng ta củng cố niềm hy vọng vào sự phục sinh thân xác và vào việc gặp lại, mặt đối mặt, những người mang dấu ấn đức tin đã đi trước chúng ta. Từ cái nhìn này, tôi muốn cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc nhở mọi tín hữu sự cần thiết phải cầu nguyện – đặc biệt trong Thánh Lễ – cho những kẻ đã qua đời, để một khi được thanh luyện, họ có thể thưởng kiến Thiên Chúa.[101] Nếu chúng ta tái khám phá chiều kích cánh chung nằm trong Bí tích Thánh Thể mà ta cử hành và được tôn thờ, ta sẽ được nâng đỡ trên đường lữ hành và được củng cố trong niềm hy vọng vinh quang (x. Rm 5,2; Tt 2,13).

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỨC TRINH NỮ MARIA

33. Khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu, được mời gọi trong từng giây phút trở thành một phượng tự thiêng liêng và một hiến lễ đẹp lòng Thiên Chúa, nổi rõ lên từ mối liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác, và từ ý nghĩa cánh chung của các mầu nhiệm thánh. Nếu thật sự chúng ta vẫn còn đang trên đường tiến đến lúc thể hiện trọn vẹn niềm hy vọng của chúng ta, điều đó không có nghĩa là ngay bây giờ chúng ta không thể cảm tạ về tất cả những gì Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta đã được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta: việc đưa Đức Maria hồn xác lên trời là một dấu chỉ hy vọng vững chắc cho chúng ta, là những lữ khách trong thời gian, thấy được mục đích cánh chung mà Bí tích Thánh Thể đã cho chúng ta thưởng nếm từ bây giờ.

Trong Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta thấy thể hiện trọn vẹn hình thái Bí tích điều mà Thiên Chúa dùng để đến và đưa con người thọ tạo vào kế hoạch cứu độ của Người. Từ giây phút Truyền Tin đến lễ Hiện Xuống, Đức Maria thành Nazareth là con người sử dụng tự do của mình để hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Việc Thụ Thai Vô Nhiễm của Mẹ cho thấy rõ sự vâng phục vô điều kiện đối với lời Thiên Chúa. Trong từng giây phút, cuộc sống của Mẹ mang dấu ấn đức tin vâng phục đối với hoạt động của Thiên Chúa. Là Trinh Nữ lắng nghe, Mẹ sống thích ứng trọn vẹn với ý định của Thiên Chúa; các lời từ Thiên Chúa đến với Mẹ, được Mẹ gìn giữ trong tâm hồn, và khi ghép chúng lại như một bức tranh, Mẹ đã học hỏi chúng thật sâu xa (x. Lc 2,19.51); Đức Maria là người tín hữu vĩ đại, hoàn toàn phó thác mình trong tay Thiên Chúa và sẵn sàng thực hiện ý định của Ngài.[102] Mầu nhiệm này càng ngày càng mãnh liệt hơn, cho đến lúc hoàn tất trọn vẹn trong sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giêsu. Như Công Đồng Vatican II giải thích: “Như thế, Đức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó (x. Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Đức Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã ban Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: “Thưa Bà, này là con Bà!” (Ga 19,26-27).[103] Từ lúc Truyền Tin cho đến Thập Tự, Đức Maria là Đấng đón nhận Lời thành xác thể trong lòng Mẹ và cuối cùng nằm yên trong sự im lìm của cái chết. Cuối cùng, Mẹ là người giang tay ra đón lấy thân xác bị phó nộp và bây giờ đang bất động của Đấng đã yêu những người thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13,1).

Vì thế, trong phụng vụ Thánh Thể, mỗi lần đón nhận Mình và Máu thánh Đức Kitô, chúng ta cũng hướng về Mẹ, Đấng đã đón nhận hy tế của Đức Kitô cho toàn thể Hội Thánh, bằng cách đồng thuận hoàn toàn. Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng xác nhận “Đức Maria đã khai mở việc thông phần của Hội Thánh vào hy tế của Đấng cứu độ”.[104] Mẹ là Đấng vô nhiễm, đón nhận vô điều kiện ân huệ của Thiên Chúa và với cách thức này tham dự vào công trình cứu độ. Đức Maria thành Nazareth, hình ảnh của Hội Thánh vừa được khai sinh, cho chúng ta thấy rằng mỗi người chúng ta được mời gọi lãnh nhận quà tặng là chính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

 

 

 


[1] x. Th. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 73, a. 3.

[2] Th. Augustin, In Iohannis Evangelium Tractatus, 26,5: PL 35, 1609.

[3] Benedict XVI, Diễn văn cho các Tham Dự viên Khoá họp Khoáng đại của Thánh bộ Giáo lý Đức tin (10-02-2006): AAS 98 (2006), tr. 255.

[4] Benedict XVI, Diễn văn cho các thành viên Hội đồng Thư ký Thường trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục (1-6-2006): L'Osservatore Romano, 2-6-2006, tr. 5.

[5] x. Propositio 2.

[6] Tôi nhắc lại ở đây rằng cần có một chú giải sự liên tục đi liền với một cách hiểu đúng đắn quá trình phát triển phụng vụ sau Công Đồng Vatican II: x. Benedict XVI, Diễn văn cho Giáo triều (22-12-2005): AAS 98 (2006), tr. 44-45.

[7] x. AAS 97 (2005), tr. 337-352.

[8] x. Năm Thánh Thể: những gợi ý và đề nghị (15-10-2004): L'Osservatore Romano, 15-10-2004, Phụ lục.

[9] x. AAS 95 (2003), 433-475. Cũng nhắc lại Huấn thị của Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Redemptionis Sacramentum (25-3-2004): AAS 96 (2004), 549-601, mà Đức Gioan Phaolô II công khai mong nuốn.

[10] Chỉ để nhắc lại những điều chính yếu: Công Đồng chung Trentô, Học Thuyết và các điều khoản về hy tế Thánh Lễ, DS 1738-1759; Lêô XXIII, Thông điệp Mirae caritatis (28-5-1902): AAS (1903), tr. 115-136; Piô XII, Thông điệp Mediattor Dei (20-11-1947): AAS 39 (1947), tr. 521-595; Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei (3-9-1965): AAS 57 (1965), tr. 753-774; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003): AAS 95 (2003), tr. 433-475; Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Eucharisticum mysterium (25-5-1967): AAS 59 (1967), tr. 539-573; Huấn thị Liturgicam authenticam (28-4-2001): AAS 93 (2001), tr. 685-726.

[11] x. Propositio 1.

[12] số 14: AAS 98 (2006), tr. 229.

[13] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1327.

[14] Propositio 16.

[15] Benedict XVI, Bài giảng nhân Thánh Lễ Nhậm Chức tại Đền Thờ thánh Gioan Lateran (7-5-2005): AAS 97 (2005), tr. 725.

[16] x. Propositio 4.

[17] De Trinitate, VIII, 8, 12: CCL 50, 287.

[18] Thông điệp Deus caritas est – Thiên Chúa là Tình Yêu (25-12-2005), số 12: AAS 98 (2006), tr. 228.

[19] x. Propositio 3.

[20] Kinh Nhật Tụng Rôma, Thánh thi Kinh Sách lễ Mình Máu Thánh Chúa.

[21] Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est - Thiên Chúa là Tình Yêu (25-12-2005), số 13: AAS 98 (2006), tr. 228.

[22] x. Benedict XVI, Bài giảng tại cánh đồng Marienfeld (21-8-2005): AAS 97 (2005), tr. 891-892.

[23] x. Propositio 3.

[24] x. Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể IV.

[25] Giáo Lý XXIII, 7: PG 33, 1114 s.

[26] x. De Sacerdotio, VI, 4: PG 48, 681.

[27] Ibidem, III, 4: PG 48, 642.

[28] Propositio 22.

[29] x. Propositio 42: “Cuộc gặp gỡ Thánh Thể này được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi và thánh hóa chúng ta. Ngài đánh thức nơi người môn đệ ước muốn quyết liệt loan báo cho những người khác với lòng can đảm những gì đã nghe và đã sống, để dẫn đưa họ đến gặp gỡ chính Đức Kitô. Bằng cách này, khi được Hội Thánh sai đi, người môn đệ tự mở rộng một sứ vụ không biên giới”.

[30] x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium, số 3; ví dụ, xem T. Gioan Kim Khẩu, Giáo Lý 3,13-19: SC 50, tr. 174-177.

[31] Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), số 1: AAS 95 (2003), tr. 433.

[32] Ibidem, 21: AAS 95 (2003), tr. 447.

[33] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis (4-3-1979), số 20: AAS 71 (1979), tr. 309-316; Tông thư Dominicae Cenae (24-02-1980), số 4: AAS 72 (1980), tr. 119-121.

[34] x. Propositio 5.

[35] Th. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 80, a 4.

[36] số 38: AAS 95 (2003), tr. 458.

[37] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 23.

[38] Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Lá thư về một vài khía cạnh của toàn thể Hội Thánh như là sự hiệp thông Communionis Notio (28-5-1992), số 11: AAS 85 (1993), tr. 844-845.

[39] Propositio 5: “Thuật ngữ ‘Công Giáo’ diễn tả tính phổ quát phát xuất từ sự hiệp nhất mà Bí tích Thánh Thể, được cử hành nơi mỗi Giáo Hội, khích lệxây dựng. Như thế, trong Bí tích Thánh Thể, các Giáo Hội địa phương có phận vụ làm cho sự hiệp nhất và khác biệt của chính mình được trở nên hữu hình. Mối dây bác ái huynh đệ này làm cho sự hiệp thông ba ngôi được tỏ bày. Các Công Đồng và các Thượng Hội Đồng đã diễn tả khía cạnh huynh đệ này qua dòng lịch sử”.

[40] x. ibidem.

[41] Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 5.

[42] x. Propositio 14.

[43] Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 1.

[44] De Orat. Dom., 23: PL 4, 553.

[45] Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 48; xt. ibidem số 9.

[46] x. Propositio 13.

[47] x. Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 7.

[48] x. ibidem, số 11; Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh Ad Gentes, số 9.13.

[49] x. Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae (24-2-1980), số 7: AAS 72 (1980), tr. 124-127; x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 5.

[50] x. Bộ Giáo Luật cho các Giáo Hội Đông Phương, đ. 710.

[51] x. Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành, dẫn nhập tổng quát, số 34-36.

[52] x. Nghi thức Rửa Tội cho trẻ em, dẫn nhập, số 18-19.

[53] x. Propositio 15.

[54] x. Propositio 7; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), số 36: AAS 95 (2003), tr. 457-458.

[55] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Reconciliatio et Paenitentia (2-12-1984), số 18: AAS 77 (1985), tr. 224-228.

[56] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1385.

[57] Ở đây chúng ta nhớ đến Kinh Thương Xót hay những lời của linh mục và cộng đoàn trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh!”. Không phải là không có ý nghĩa khi phụng vụ chuẩn bị cả cho linh mục những lời nguyện rất đẹp, đã được truyền thống truyền lại cho chúng ta, nhắc chúng ta về nhu cầu cần được tha thứ, ví dụ như lời nguyện được đọc thầm trước khi mời các tín hữu hiệp lễ: “xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa, và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ”.

[58] x. T. Gioan Damasceno, Về đức tin chân thật, IV, 9: PG 94, 1124C; T. Gregôriô Nazianzeno, Discorso 39, 17: PG 36, 356A; Công Đồng Trentô, Doctrina de sacramento paenitentiae, cap. 2: DS 1672.

[59] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, số 11; Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Reconciliatio et Paenitentia (2-12-1984), số 30: AAS 77 (1985), tr. 256-257.

[60] x. Propositio 7.

[61] x. Gioan Phaolô II, Tự sắc Misericordia Dei (7-4-2002): AAS 94 (2002), tr. 452-459.

[62] Cùng với các Nghị Phụ thượng hội đồng tôi nhắc rằng các cử hành sám hối không có tính Bí tích, được nói đến trong Nghi thức Bí tích Hòa Giải, có thể có ích để làm gia tăng tinh thần hoán cải và hiệp thông trong các cộng đoàn Kitô giáo, như thế chuẩn bị các tâm hồn cử hành Bí tích này: x. Propositio 7.

[63] x. Bộ Giáo Luật, đ. 508.

[64] Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum doctrina (01-01-1967), Normae, số 1: AAS 59 (1967), tr. 21.

[65] Ibidem, số 9: AAS 59 (1967), tr. 18-19.

[66] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1499-1531.

[67] Ibidem, số 1524.

[68] x. Propositio 44.

[69] x. Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên họp khoáng đại lần thứ hai, Tài liệu về chức linh mục thừa tác Ultimis temporibus (30-11-1971): AAS 63 (1971), tr. 898-942.

[70] x. Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Pastores dabo vobis (25-3-1992), số 42-69: AAS 84 (1992), tr. 729-778.

[71] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, số 10; Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Lá thư về vài vấn đề liên quan đến tác vụ của Bí tích Thánh Thể Sacerdotium ministeriale (6-8-1983): AAS 75 (1983), tr. 1001- 1009.

[72] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1548.

[73] Ibidem, 1552.

[74] x. In Iohannis Evangelium Tractatus 123,5: PL 35, 1967.

[75] x. Propositio 11.

[76] x. Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 16.

[77] x. Gioan XXIII, Thông điệp Sacerdotii nostri primordia (1-8-1959): AAS 51 (1959), tr. 545-579; Phaolô VI, Thông điệp Sacerdotalis caelibatus (24-6-1967): AAS 59 (1967), tr. 657-697; Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (25-3-1992), số 29: AAS 84 (1992), tr. 703-705; Benedict XVI, Diễn văn cho Giáo triều (22-12-2006): L'Osservatore Romano, 23-12-2006, tr. 6.

[78] x. Propositio 11.

[79] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về đào tạo linh mục Optatam totius, số 6; Bộ Giáo Luật, đ. 241, § 1 và đ. 1029; Bộ Giáo Luật cho các Giáo Hội Đông Phương, đ. 342, § 1 và đ. 758; Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (25-3-1992) số 11.34.50: AAS 84 (1992), tr. 673-675; 712-714; 746-748; Thánh bộ Giáo sĩ, Chỉ nam tác vụ và đời sống linh mục Dives Ecclesiae (31-3-1994), số 58: LEV, 1994, tr. 56-58; Thánh bộ Giáo dục Công Giáo, Huấn thị về những tiêu chuẩn phân định ơn gọi liên quan đến những người có khuynh hướng đồng tính để xét cho họ vào chủng viện hay các chức thánh (4-11-2005): AAS 97 (2005), tr. 1007-1013.

[80] x. Propositio 12; Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (25-3-1992) số 41: AAS 84 (1992), tr. 726-729.

[81] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 29.

[82] x. Propositio 38.

[83] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Familiaris consortio (22-11-1981), số 57: AAS 74 (1982), tr. 149-150.

[84] Tông thư Mulieris dignitatem (15-8-1988), số 26: AAS 80 (1988), tr. 1715-1716.

[85] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1617.

[86] x. Propositio 8.

[87] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 11.

[88] x. Propositio 8.

[89] x. Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem (15-8-1988): AAS 80 (1988), tr. 1653-1729; Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Hội Thánh Công Giáo về sự cộng tác của người nam và người nữ trong Hội Thánh và trong thế giới (31-5-2004): AAS 96 (2004), tr. 671-687.

[90] x. Propositio 9.

[91] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1640.

[92] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Familiaris consortio (22-11-1981), số 84: AAS 74 (1982), tr. 184-186; Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Hội Thánh Công Giáo về việc cho các tín hữu đã ly dị tái hôn rước lễ Annus Internationalis Familiae (14-9-1994): AAS 86 (1994), tr. 974-979.

[93] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về các Văn Bản Lập Pháp, Huấn thị về các tiêu chuẩn cần cân nhắc trong các tòa án giáo hội về các ca hôn phối Dignitas connubii (25-01-2005), Vatican, 2005.

[94] x. Propositio 40.

[95] Benedict XVI, Diễn văn tại Tòa Án của Tòa Thượng Thẩm Rôma nhân dịp khai mạc năm pháp luật (28-01-2006): AAS 98 (2006), tr. 138.

[96] x. Propositio 40.

[97] x. ibidem.

[98] x. ibidem.

[99] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, 48.

[100] x. Propositio 3.

[101] Ở đây tôi ước muốn nhắc lại những lời đầy hy vọng và an ủi trong Kinh Nguyện Thánh Thể II: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”.

[102] x. Benedict XVI, Bài giảng (8-12-2005): AAS 98 (2006), tr. 15-16.

[103] Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 58.

[104] Propositio 4.