THÔNG ĐIỆP MARTER ET MAGISTER
(HIỀN MẪU VÀ TÔN SƯ)
VỀ SỰ BIẾN CHUYỂN HIỆN NAY CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA NHỮNG NGUYÊN TẮC KITÔ GIÁO
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
NGÀY 15 THÁNG 05 NĂM 1961
***
***
GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP MARTER ET MAGISTER
Một thông điệp cho kỷ nguyên kỹ thuật
Sau những giáo huấn “theo hoàn cảnh” của Đức Piô XII, thông điệp Mater et Magistra lại kết nối với hệ thống giáo huấn xã hội bắt đầu từ các thông điệp Rerum Novarum (RN) và Quadragesimo Anno (QA). Thực vậy thông điệp này, vào năm 1961, tự giới thiệu như là một toát lược nhỏ, tóm tắt giáo huấn của các vị tiền nhiệm của Đức Gioan XXIII trước khi “giải thích tư tưởng Giáo hội Chúa Kitô về những vấn đề mới mẻ và quan trọng nhất của thời đại” (số 50). Làm thế, thông điệp hẳn phải là đã thấu đáo hết vấn đề, nhưng chỉ với tập văn kiện này, nó đã vượt thông điệp Quadragesimo Anno khá xa về chiều rộng và thông điệp Rerum Novarum hai lần về mặt thực hành.
Vào thời điểm này của thời điểm lịch sử, thông điệp này là bày tỏ sự cần thiết phải nói tới những đóng góp mới của một thế giới công nghiệp ngày càng phức tạp hơn, với những hoàn cảnh ngày càng khác biệt nhau, và đồng thời là một thế giới ngày càng liên kết hơn, trong đó những biến chuyển ít nhiều đã chạm tới mọi giai cấp xã hội và mọi cá nhân. Năm 1961: nói cho cùng, chính trong các nước phát triển, người ta đã chứng kiến những hệ quả rõ ràng và cụ thể của thời kỳ “ba mươi năm vẻ vang”, một từ ngữ đã trở nên phổ biến của Jean Fourasté để chỉ ba mười năm vừa qua trước đó với sự phát triển chưa từng có. Trong ba đoạn văn được thu tập lại cách tài tình (số 47-49), thông điệp bắt đầu bằng việc liệt kê những biến chuyển đã xẩy ra hoặc đang diễn ra trong các lãnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế (số 47) và chính trị (số 49). Có lẽ phải coi những đoạn này trước hết như là toàn thể cái mạch ngầm của những gì cần phải điểm xét lại. Chúng ta chỉ nhắc lại ba tình hình đương thời lúc ấy tạo nên cái khung lịch sử cho thông điệp, đó là: việc chinh phục không gian là một bước nhảy vọt mới ngoài sự tưởng tượng của khoa học, biểu trưng của mọi sự thu ngắn khoảng cách không gian, thời gian đã có và sắp đến (xe ô tô, các phương tiện nghe nhìn…); sự can thiệp gia tăng của nhà nước để tái phân phối nguồn sản phẩm và bảo đảm an sinh xã hội ở mức cao nhất, hơn nữa nhằm nâng cao mức sống thật đáng kể; hầu như chấm dứt các chính sách thuộc địa, nhưng đối lại, là sự ý thức ngày càng sôi động hơn về tình trạng kém phát triển của các nước phía nam, trong khi các nước phía bắc bước vào thời kỳ hưởng thụ tràn lan, và như thế càng làm gia tăng chênh lệch giữa hai vùng.
Trong bối cảnh đổi thay như thế, chúng ta hẳn là không nên chờ đợi nơi thông điệp kỷ niệm Mẫu sư này sẽ tỏ lộ một sự độc đáo có tính cách mạng đối với các thông điệp tiền bối của nó; đó không phải là tham vọng của nó, mà đúng hơn nó nhằm giúp ta nhận định và định hướng theo giáo huấn đã có, nhưng trong hoàn cảnh mới. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể nêu lên mộ số điểm mới mẻ và những trọng tâm được chuyển dịch[1].
Những trọng điểm mới
Có thể ghi nhận trước hết điểm nhấn mới: sự công bằng nói chung (không có tính từ “xã hội” đi theo), với việc giảm trừ những bất công hay nổ lực cụ thể cho công lý mà có lẽ công bằng đòi hỏi. Chính sự gia tăng của cải do sản xuất và được sẵn dùng (những tiện ghi) lại là nguy cơ làm tăng thêm chênh lệch giữa những cá nhân và các nhóm xã hội, giữa những kẻ nắm giữ tài sản hay tư bản với những người làm công, giữa những loại người làm công khác nhau, giữa các thành thị hưởng được những phúc lợi do công nghiệp hóa với những vùng nông thôn kém phát triển và trở nên hoang mạc dần, giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển. Cái nhìn về sự công bằng như thế lý giải một vài mặt mới lạ nào đó của văn kiện. Vậy nên, người ta đã ngạc nhiên về độ dài của đoạn văn kiện bàn về nông nghiệp; nhưng lý do cũng dể hiểu thôi: năm 1961, những người nông dân dường như bị bỏ quên trong công cuộc phát triển.
Không phải thông điệp, nhân danh công lý, xét lại những quyền tự do cơ bản về kinh tế; về điểm này, thông điệp lấy lại giáo thuyết của các đấng tiền nhiệm về quyền tư hữu chẳng hạn, hay về quyền có sáng kiến riêng thiết yếu, hay về kinh tế thị trường, theo nghĩa là một xã hội, theo như các ngài cổ võ, phải tuân theo mệnh lệnh của “trật tự luân lý” và “công ích”, và loại trừ mọi hình thức của chủ nghĩa kinh tế tự do thuần túy hoặc “man rợ”: phải tránh xa chủ nghĩa này, là vì bản chất phi luân của nó, đôi khi lại được biện minh trên lý thuyết cũng như vì sự bất công dai dẳng mà nó tạo ra.
Thông điệp Mater et Magistra nhấn mạnh tới khía cạnh này đồng thời thừa nhận sự can thiệp hợp pháp của nhà nước, dù gì cũng đã có trong thực tế. “Các chính quyền phải hiện diện cách tích cực nhằm thúc đẩy hợp lý phát triển sản xuất, cho sự tiến bộ xã hội và cho phúc lợi của mọi công dân”. Họ phải hành động làm sao để “khuyến khích, kích thích, phối hợp, hỗ trợ và tổng hợp” (số 52-53). Đây quả là một định nghĩa tốt cho cái gọi là một nhà nước bảo trợ (État- Providence) mà ngày nay được tranh cãi nhiều. Trong cùng một ý hướng đó và liên hệ với nó, là hiện tượng “xã hội hóa”. Nguồn gốc hết sức rõ ràng của từ ngữ này đã khiến một số người bảo thủ tránh né vấn đề; tuy vậy, trào lưu ấy là hiển nhiên: chính nhờ đó mà những người thuộc các xã hội phát triển có xu hướng trở thành “trung tâm của những mối quan hệ xã hội, luôn tăng trưởng về số lượng và về mức độ sâu rộng, nếu không phải là về mức độ mạnh mẽ”. Công việc “quản trị” này của người công dân làm họ phụ thuộc vào vô số mạng lưới phức tạp khiến họ phải đảm trách cuộc sống của họ ở nhiều mức độ và có thể làm họ trở nên vô trách nhiệm, dẫu sao cũng bao hàm rất nhiều khía cạnh tích cực: trước hết nó mang sức sống đến cho vô số sáng kiến, phong trào, nhóm, hiệp hội, tổ chức thuộc lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa; cả khi nhà nước gánh vác trách nhiệm hay chỉ can thiệp để kích thích, thì chính yếu vẫn là nhằm làm cho xã hội dân sự được sống động lên, nhằm đưa phúc lợi đến cho mọi người, gồm cả những người bị thiệt thòi nhất trong xã hội, nhắm đến xã hội thêm tình liên đới hơn nữa.
Đối trọng thực cho sự can thiệp ngày càng tăng của nhà nước thực ra nằm ở nơi nguyên tắc bổ trợ, một nguyên tắc được tái xác định cách chắc chắn hơn bao giờ hết: mọi cái do sáng kiến cá nhân và nhóm trung gian có thể thực hiện bằng những phương thế riêng đều phải quy về họ; không cần thiết, cũng như phải tránh thay thế vai trò của họ; nhà nước có mặt là đề phối hợp và trợ giúp, không hơn không kém. Sự “công bằng” đơn thuần mà thông điệp nói đến còn liên hệ tinh thần trách nhiệm này, được các cá nhân và các hiệp hội chấp nhận và đảm đương: “tham dự” là một trong những từ ngữ chủ chốt.
Điều đáng nói cũng liên hệ rất nhiều tới xí nghiệp. Nếu “quyền hạn và sự hiệu quả của sự thống nhất lãnh đạo” được Đức Gioan XXIII tái xác nhận, thì xí nghiệp càng cố phải trở nên một “cộng đồng những nhân vị, trong các mối quan hệ, các nhiệm vụ và hoàn cảnh của mọi nhân viên của mình” (số 91). Xí nghiệp “cộng đồng nhân vị” vào một thời nào đó sau này, thành ngữ này sẽ trở thành hiện thực, nếu không thì mục của nó sẽ…
Hơn nữa ngoài điểm quan tâm mới của thông điệp của lương bổng thích đáng – không chỉ nhằm đến có đồng tiền để sinh nhai và để hồi phục sức lao động của công nhân, nhưng còn phải nhằm biểu hiện “tất cả phần sáng tạo của công nhân”, thông điệp còn xét thấy rằng những người lao động phải nên góp phần làm ích cho xí nghiệp, dựa trên một số tiêu chuẩn. Thông điệp còn đi xa hơn khi đề xuất cách rõ ràng rằng có lẽ phải đi đến mức người lao động được tham gia vào sở hữu xí nghiệp và góp vốn cho xí nghiệp, hình thức thế nào còn phải xác định thêm, có thể bằng cách theo hợp đồng và từng trường hợp một. Đức Gioan XXIII dường như còn quan tâm tới một sự tham gia tích cực của những người lao động vào đời sống xí nghiệp. Và như thế tham dự vào sự định hình nên xí nghiệp, tham gia vào những sách lược chẳng hạn, vào việc soạn ra những chính sách cho xí nghiệp. Nhưng tham gia đến mực độ nào? Vấn đề còn bỏ ngỏ. Chúng ta chỉ lưu ý lối diễn tả của thông điệp còn ở mặt tiêu cực: phải làm sao tránh đừng để cho “công nhân chỉ còn là hạng người chỉ làm việc trong âm thầm lặng lẽ, không có chút năng lực nào biến kinh nghiệm của họ thành giá trị, hoàn toàn thụ động trước những quyết định lèo lái hoạt động của họ” (số 92). Lời khuyên này – có phải là việc “đồng quản trị”? – có phải luôn là thực tế ngoại lệ đối với một vài nơi đặc ưu và miễn trừ cho một vài nhà lãnh đạo đặc biệt? Tuy vậy, nếu như công bằng là thúc đẩy “nhân vị”, chúng ta phải đi tới mức đó.
Liệt kê các mục của văn kiện
Không thể trước tiên làm nổi bật những điểm mới hay những trọng điểm mới của một thông điệp cụ thể; nhưng chúng ta có thể nhắc đến những mục lớn của nó.
Từ số 1-50: sau khi nói lại hoàn cảnh thúc đẩy sự khai sinh thông điệp – thời gian 70 năm sau thông điệp Rerum Novarum, thông điệp này trở lại với giáo huấn của Đức Leô XIII, Piô XI và Piô XII, để làm rõ những điểm nổi bật khẳng định lại sự liên tục của Mater et Magistra đối với giáo huấn của các vị tiền nhiệm về những điểm quan trọng (như thái độ đối với chủ nghĩa Mácxít, CNXH và chủ nghĩa tư bản tự do).
Về những điểm đó thông điệp này sẽ không bàn tới về thực tế nữa. Kế đến, nhắc lại trong ba đoạn tóm lược những biến chuyển đặc sắc đã xảy ra từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Từ số 51-121: xác định và triển khai một số điểm
- Cần thiết có sự can thiệp của nhà nước, nhưng “nguyên tắc bổ trợ” vẫn là nền tảng, ủy thác cho những hiệp hội trung gian tất cả những gì nảy sinh từ những sáng kiến và trách nhiệm của họ;
- Hiện tượng xã hội hóa, như sự tương tác, sự liên đới, linh hoạt hóa xã hội dân sự quốc gia và quốc tế, phải được khuyên khích, mặc cho có một số hạn chế nào đó;
- Vấn đề thù lao và lương bổng thích đáng: đi theo hướng tham dự;
- Các cơ cấu: được làm ra vì con người và vì phẩm giá con người, chúng đòi hỏi sự hiện diện của người lao động ở mọi mức độ, sáng tạo sản phẩm cũng như quyết định;
- Tái khẳng định quyền tư hữu như là một quyền con người nhưng nhắc đến một sự bất công vô cớ về sự phân phối tài sản và quyền của hết mọi người về tư hữu: đồng lương và nghề nghiệp là những phương thế để đạt đến điều đó.
Từ số 122-211: những khía cạnh mới của vấn đề xã hội
- Phát triển lâu dài về nông nghiệp, một lãnh vực đang trên đường hiện đại hóa nhưng còn rất chậm, nếu không nói là còn kém phát triển;
- Các nước đang phát triển, “có lẽ là vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta”, những thái độ và lập trường cụ thể phải có nơi các nước giàu;
- Việc gia tăng nhân khẩu, những cách giải quyết hạn chế sự gia tăng, không chấp nhận được đối với phẩm giá con người, những khả năng trong lãnh vực này của con người dạ vào “những triển vọng vô hạn do những thành tựu của tiến bộ khoa học và kỹ thuật.”
Từ 212-263: những chỉ dẫn và khuyên bảo mục vụ, những áp dụng thực tế
- Chống lại các ý thức hệ thế tục, khẳng định lại về một thế giới và một nhân loại trong sự quan phòng của Thiên Chúa;
- Cần thiết phải có một học thuyết xã hội thích hợp cho những Kitô hữu, học thuyết đó phải được rút ra từ những thái độ và những giải pháp cụ thể.
Vài suy nghĩ về số phận của Mater et Magistra
Nếu xét về thời sự, thông điệp này chắc nhắn đã lỗi thời. Những trọng tâm của ngày nay đã khác, người ta không còn bàn về sự tăng trưởng nữa, nhưng bàn về sự khủng hoảng, thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Thay cho một thái độ lạc quan vững tâm về tương lai, dù vẫn có những điểm đen tối, là một sự vỡ mộng, bấp bênh, lo âu, sợ hãi tương lai. Người ta ít đặt vấn đề tái phân phối của cải cho bằng là cách thức và khả năng để tạo ra chúng. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 – tin học hóa và tự động hóa – làm biến đổi sâu sắc con người. Con người có nguy cơ bị tước mất việc làm, rất nhiều việc làm xem ra sẽ biến mất; hẳn nhiên, điều đó có thể đem đến nhiều cuộc giải phóng mới (chẳng hạn về vấn đề có thêm thời gian rảnh rỗi), nhưng vẫn cha giải hòa được êm xuôi giữa những ràng buộc và những khả năng mới. Làm chủ được thông tin và truyền thông trở nên là điều cốt yếu: quốc gia nào có được chúng sẽ nắm được quyền bá chủ mới. Cũng trong thời đại này, vai trò của nhà nước được xét lại một cách kiên quyết bởi tư tưởng tự do như là một làn gió mới.
Tuy vậy, dù có những thiếu sót dễ hiểu đó, do ở chính tính thời sự lịch sử, thông điệp Mater et Magistra vẫn giữ được cái giọng điệu rất hiện đại. Nó quả thực là một thông điệp của thời đại kỹ thuật, được cả thế giới biết đến. Vấn đề không còn chỉ là lên tiếng về tình cảnh phi nhân của giới công nhân (Rerum Novarum), vấn đề không phải là nói lại sự kiện rằng trật tự xã hội Kitô giáo đang phải đối phó với những ý thức hệ lớn đang đe dọa (Quadragesimo anno); mà phải làm sao giúp con người phân định cái chân thực và công bằng trong hoàn cảnh của thế giới phát triển năm 1960: sự tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử, vấn đề xã hội hóa và sự lệ thuộc lẫn nhau của con người và các nhóm, vai trò cùng gia tăng của mọi đối tác xã hội, những chia rẽ mới giữa người giàu và người nghèo. Thế giới của chúng ta đã và vẫn còn là như thế đấy.
Thông điệp, dù không thể nói ra hết được bằng lời lẽ, cũng đã thúc đẩy những vấn đề chính yếu của những năm sắp tới, những vấn đề ấy rốt cuộc sẽ là nội dung của thông điệp hoặc chủ đề suy tư rất quan trọng ở Công đồng. Một cách vắn tắt, chúng ta sẽ nêu ra ba vấn đề trong số đó.
Vấn đề gia tăng dân số, thông điệp quyết liệt lên án, dù một cách kín đáo, những “phương sách làm tổn hại đến trật tự luân lý Thiên Chúa đã thiết lập” (số 189) và “những phương tiện không xứng hợp với phẩm giá con người, phát xuất từ một quan nhiệm duy vật về con người về sự sống” (số 191), nói cách khác, là những phương tiện điều hòa sinh sản hay ngừa thai bất hợp pháp. Vấn đề này, như ta biết, còn đấu tranh rất quyết liệt trong những quốc gia đang phát triển, nhưng cả trong những quốc gia phát triển cũng vậy với những lý do khác: xã hội sung túc mang đến cùng với nó cuộc cách mạng về phong hóa, đặc biệt là sự giải phóng và nhiều vai trò mới đối với phụ nữ, nó xem xét lại cách sâu xa những lối sống của xã hội truyền thống. Đức Phaolô VI, với thông điệp Humne Vitae (1968) sẽ phản ứng lại, về vấn đề này thông điệp đó đã và ngày nay vẫn còn là học thuyết của Giáo hội; nhưng như ta đã biết, về mặt lý thuyết cũng như thực hành, có nhiều người rất khó chấp nhận học thuyết này. Cách chung, người ta có thể nói rằng Mater et Magistra đã đánh giá thấp hoặc không quan tâm đầy đủ những phản hồi sâu xa của dòng cuộc sống thường nhật và các não trạng hiện nay.
Vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề các nước kém phát triển, “có lẽ là vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta” (số 157). Thông điệp đã cho rằng vấn đề chưa được bàn đến một cách kỹ lưỡng. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng gia tăng cách nghiêm trọng hơn. Đứng trước gương xấu và cũng là thách đố này, các dân tộc và cá nhân giàu có thường đáp lại bằng sự vô tâm, bất lực hay bằng một sự quảng đại có tính toán, có tính cách nhỏ giọt và phân tán. Một thông điệp dành riêng để bàn vấn đề này là điều thiết yếu, đó sẽ là thông đệp Populorum Progressio, là một văn kiện mạnh mẽ của Đức Phaolô VI (1967).
Sau cùng, Giáo hội năm 1961 còn ý thức mình là Mater et Magistra, tức Mẹ và Thầy: là ánh sáng, sự khôn ngoan và sức mạnh cho các dân tộc đang gặp khó khăn và khốn đốn, là sự nhắc nhớ đến nguồn gốc và cùng đích siêu nhiêu của lịch sử của họ. Giáo hội là “Nhiệm Thể của Đức Kitô”, gần gũi và quan tâm đến lịch sử của con người, nhưng lại “vượt trên” mọi nhốn nháo hỗn độn; như thế có lẽ sẽ khiến người ta nghĩ rằng bản thân Giáo hội vẫn bình an vô sự đối với những biến động của thời đại. Nhưng Giáo hội là gì, Giáo hội đứng ở đâu đối với thế giới? Do đâu có quyền lên tiếng? Chúng ta đã biết đó là những vấn đề lớn mà Công Đồng sẽ bàn tới trong năm sau đó, từ hiến chế Lumen Gentium đến Gaudium et Spes. Có lẽ phải thấy cho được một biểu tượng trong đoạn văn đầu tiên của văn kiện nổi tiếng này. Một biểu tượng thần học: Giáo hội nói với thế giới vì Giáo hội ở trong thế giới; không chỉ “gần gũi và quan tâm đến” nhưng còn đích thân tham dự vào vận mệnh vui mừng và hy vọng của thế giới, dấn sâu trong thế giới như men không phải “của” thế giới, nhưng lại cũng không phải “ở ngoài” thế giới. Kế đến là một biểu tượng xã hội học của thực tại đang diễn ra này: trong những năm này, Giáo hội đã luôn được tránh khỏi tác động của những biến chuyển của thế giới, Giáo hội nay sắp gặp một khủng hoảng chưa từng thấy nơi chính mình, trước sự kinh ngạc của công luận. Đây không phải là nơi để nhìn lại lịch sử sau Công đồng, việc tổng kết lịch sử còn được bàn cãi nhiều và Giáo hội cũng còn chưa bước ra khỏi giai đoạn lịch sử này. Tuy nhiên, người ta phải nhận thấy rằng “vị trí của diễn văn này”, ít là đối với một thời, không còn trung lập hoặc tùy phụ nữa và thông điệp Mater et Magistra cũng còn thể hiện một kết thúc và một bước ngoặc về vấn đề này.
Ngoại trừ những người cực đoan trong thế giới chính trị và tôn giáo, nói chung, thông điệp này rất được tán thưởng, thông điệp còn được mọi bên dùng tới. Chắc hẳn là nhờ sự góp phần của cái diện mạo ít mang tính ý thức hệ của nó. Cụ thể là, ở Tây Ban Nha với chính thể Franco, người ta đã đón mừng thông điệp. Trong khi Che Guevara, lúc bấy giờ đang là Bộ trưởng Công nghiệp Cuba, giới thiệu nó với “những người công nhân hầm mỏ Công giáo ở Châu Mỹ” để đọc, nếu như họ muốn tránh một cuộc cánh mạng xã hội. Nhìn lại, chúng ta có thể nói thông điệp đã mở ra một hướng tương lai; thông điệp đã đề ra tư tưởng để mở đường; thông điệp đã xác định một hướng đi Kitô giáo, không phải chính xác là một dự án xã hội, nhưng trong một bối cảnh chính trị đủ rộng, thông điệp đã gợi lên những phương hướng và những hiệu chỉnh như là nguyên tắc khởi đầu: phải tôn trọng nhân vị như là giá trị luôn vượt trên những sách lược cụ thể về kinh tế chính trị, và không thể bị nó thống trị.
***
NỘI DUNG THÔNG ĐIỆP
Dẫn nhập (số 1-9)
I. Giáo huấn về xã hội của giáo hội từ Đức Lêô XIII đến Đức Piô XII
Thời kỳ của Đức Lêô XIII với thông điệp “Rerum Novarum”. Đức Piô XI với “Quadragesimo anno”. Đức Piô XII với thông điệp Truyền Thanh năm 1941. Những đổi thay hiện tại và mục đích của thông điệp mới (số 10-50).
II. Xác định chi tiết học thuyết
Sáng kiến riêng và sự can thiệp của nhà nước (số 51-58).
Xã hội hóa. Sự kiện những thuận lợi và bất thuận lợi. Làm sao để lợi dụng nó (số 59-67).
Trả công lao động. Những bất bình đẳng và bất công. Lương bổng thích đáng. Tiến bộ kinh tế và tiến bộ xã hội. Quyền được góp vốn của những người lao động. Lương bổng và công ích của đất nước (số 68-81).
Xí nghiệp. Công bằng trong cơ cấu. Những hình thái thủ công nghiệp và hợp tác xã. Sự tham gia của người lao động. Các hiệp hội của những người lao động. Các công đoàn. OIT (số 82-103).
Quyền sở hữu. Quyền sở hữu và lãnh đạo. An ninh, bảo hiểm và cạnh tranh nghề nghiệp. Tính hợp pháp của quyền sở hữu (số 104-121).
III. Những khía cạnh mới của vấn đề xã hội
Sự công bằng trong tương quan giữa ngành nông nghiệp và các ngành khác. Dòng chảy lao động từ nông thôn và những nguyên nhân của nó. Những biện pháp ưu đãi cho nông thôn. Những vấn đề đặc thù. Khai thác nông nghiệp. Vai trò của nông dân. Sự cần thiết thành lập hiệp hội (số 123-149).
Sự cân đối giữc các vùng trong một đất nước (số 150-156).
Những quan hệ giữa các quốc gia phát triển và quốc gia kém phát triển. Tình trạng kém phát triển. Nghĩa vụ liên đới và bác ái. Cứu trợ khẩn cấp. Hỗ trợ cho phát triển. Vài chuẩn mực. Công giáo tiến hành (số 157-184).
Phát triển dân số và phát triển kinh tế. Những vấn đề đáng lo ngại. Vấn đề của thế giới. Trong những nước kém ưu đãi. Chuyển thông sự sống. Tài sản của trái đất là để phục vụ cho con người (số 185-199).
Vấn đề hợp tác quốc tế (số 200-211).
IV. Những chỉ dẫn mục vụ
Các hệ tư tưởng sai lầm hay què cụt. Thiên Chúa là nền tảng thiết yếu cho một trật tự công bằng. Ý nghĩa và giá trị của học thuyết và phổ biến giáo thuyết. Những cơ sở cho người Kitô hữu hành động trong xã hội. Nhân bản hóa nền văn minh hiện đại. Kitô giáo và sự phát triển con người. Ý nghĩa của lao động đối với những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô. Từ giáo huấn đến thực tế. Sự hữu hiệu của những nguyên tắc xã hội của Kitô giáo (số 213-263).
***
THÔNG ĐIỆP MARTER ET MAGISTER
(HIỀN MẪU VÀ TÔN SƯ)
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
15-05-1961
***
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII
***
LỜI MỞ
1. Giáo hội phổ thông khắp thiên hạ, là Hiền mẫu và tôn sư của các dân tộc. Chúa Giêsu đã lập ra, để toàn thể nhân loại trải qua các thời đại lịch sử, mà tìm sẵn trong lòng và trong tình yêu của Người, một nguồn sống dồi dào cao siêu và một bảo đảm cho họ chắc được cứu rỗi phần hồn.
Đấng thành lập Giáo hội làm cột trụ và nền tảng vững chắc của chân lý cũng đã uỷ cho Giáo hội hai sứ vụ: trước là sinh sản, sau là giáo dục và hướng dẫn đoàn con, với một lòng mẫu tử ân cần, bảo vệ mạng sống từng người và mạng sống các dân tộc. Đời nào cũng như đời nào Giáo hội đã tận tâm tôn trọng và bảo vệ phẩm giá đặc biệt của con người.
2. Thực ra, đạo Chúa Kitô phối hợp trời đất với nhau. Vừa đón nhận loài người trong thực tế cụ thể, tinh thần và vật chất, trí tuệ và ý chí, vừa tha thiết kêu mời họ hướng tâm lên, đi từ những hoàn cảnh phù vân và hằng biến đổi của thế sự, mà vươn mình lên tuyệt đỉnh của đời sống vĩnh cửu, là chốn họ mới tận hưởng hạnh phúc và hòa bình trường sinh.
3. Đành rằng sứ vụ trực tiếp của Giáo hội là thánh hóa các linh hồn và thông cho họ những ơn phúc siêu nhiên cần thiết. Nhưng gián tiếp Giáo hội cũng ân cần với đời sống thường ngày của nhân loại. Đối với từng người, Giáo hội hằng lưu tâm đến nhu cầu và địa vị sinh hoạt của họ; Còn đối với các dân tộc, Giáo hội lo cho chúng luôn luôn phồn thịnh và hưởng nền văn minh trong đủ mọi khía cạnh và tùy theo mọi thời đại?
4. Làm như vậy, Giáo hội chỉ thể hiện sứ mệnh cao cả của Chúa Kitô, là vị sáng lập. Xưa kia Chúa Kitô lo nhất, là cứu chuộc nhân loại về phần siêu nhiên vĩnh cửu. Nhắm mục đích ấy Chúa nói: “Ta là đường, sự thật và là sự sống. Ta là ánh sáng thế gian”. Chỗ khác Chúa động lòng thương đám dân đói lả, Chúa than thở rằng: “Ta động lòng thương đám đông này”. Đó là một bằng chứng rõ ràng, Chúa cũng lo đến những đòi hỏi thế tục của các dân tộc. Những lời nói và những gương hạnh của Đấng Cứu Thế xưa luôn luôn minh chứng rằng: Tâm hồn Người nặng chĩu những mối lo ấy.
5. Tỉ dụ như Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; cho dân chúng đỡ đói. Nhưng qua phép lạ ấy, Người lấy bánh nuôi xác làm tượng trưng bánh hằng sống là thực phẩm của các linh hồn Người sẽ phân phát cho toàn thể nhân loại, trước khi chịu tử nạn.
6. Bởi thế Giáo hội noi gương và tuân lệnh Chúa Kitô, có người lấy làm ngạc nhiên là sao suốt trong hai nghìn năm lịch sử từ ngày lập chức phó tế xưa cho đến ngày nay, Giáo hội nêu cao đuốc bác ái không ngừng, chẳng những bằng huấn luyện mà lại bằng cả những gương hạnh không sao kể xiết được. Nhờ lòng bác ái Giáo hội mới dung hòa được luật thương yêu nhau với những thực hành bác ái của Người. Nhờ lòng bác ái, Giáo hội thể hiện một cách tuyệt diệu luật thi ân hai điều vốn là toát yếu học thuyết và hành động xã hội của Giáo hội.
Vì thế mà chúng ta cũng phải tin nhận bức thông điệp RN do Đức Tiên Giáo hoàng Lêo XIII đáng ghi nhớ, đã công bố 70 năm về trước, là một bằng chứng vĩ đại về học thuyết và mọi hành động xã hội của Giáo hội trải qua trong lịch sử.
7. Đức Lêô XIII đã công bố bức thông điệp ấy để nêu lên những nguyên tắc căn bản, ai cũng phải áp dụng để giải quyết vấn đề lao động cho thích hợp với đạo thánh Chúa Kitô. Chẳng mấy khi nào những huấn lệnh của một vị giáo hoàng làm rung động cả thế giới bằng khi ấy. Vì những vấn đề được giải quyết thì sâu rộng, và cũng vì cách giải quyết đã có sức nhiệm phát động quần chúng lạ lùng.
8. Thực ra, không bao giờ thế giới được nghe những lời chỉ dẫn và những huấn điều quan trọng đến thế, quan trọng đến nỗi không thể quên đi được. Bức thông điệp ấy đã mở rộng cho Giáo hội một con đường hoạt động mới. Chúa chiên cao thượng nhất, thông cảm chịu lấy những sự đau khổ, những than vãn và những nguyện vọng của các dân đen bị áp bức, rồi đứng dậy bênh hộ quyền bất khả xâm phạm của họ.
9. Ngày nay, dầu một quãng thời gian lâu dài đã trôi qua, bức thông điệp ấy vẫn có giá trị hợp thời và thực thể trong các văn kiện của những giáo hoàng liên tiếp kế vị Đức Lêô XIII. Vì học thuyết xã hội của những giáo hoàng ấy xuất hiện từ ở bức thông điệp của Đức Lêô XIII, hoặc là nguồn tiên hứng, hoặc là nguồn ý kiến các ngài diễn giảng dài hơn hoặc là nguồn tràn lời an ủi và nâng đỡ các kitô hữu hành động. Hợp thời và thực thể hơn nữa, ngay trong những tổ chức mới của các dân tộc là một tang chứng rực rỡ, những nguyên tắc đã được khảo cứu tường tận, những huấn lệnh lịch sử, những lời khuyên nhủ thiết tha đã được biên ghi trong bức thông điệp RN ngày nay vẫn có giá trị như xưa, mà lại dẫn khởi những huấn lệnh mới và thích thời giúp người ta, hoặc tìm hiểu vấn đề xã hội sâu hơn và thích hợp với đời ta bây giờ hơn, hoặc quyết tâm đảm nhiệm phận sự riêng.
***
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG HUẤN LỆNH CỦA BỨC THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM
VÀ NHỮNG TIẾN TRIỂN THÍCH ĐÁNG CỦA NHỮNG HUẤN THỊ ẤY
QUA CÁC VĂN KIỆN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PI-Ô XI VÀ PI-Ô XII
10. Đời Đức Lêô XIII lên tiếng, đã đầy những biến cố sâu thẳm, những mâu thuẫn gay go, những khởi loạn hung ác trong đủ mọi phạm vi kinh tế, chính trị. Nhưng đời ấy càng đen tối, học thuyết của Người công bố càng sáng rực.
11. Ai cũng thừa biết hồi đó, quan niệm phổ thông nhất về cả hai phương diện học thuyết và thực hành, vừa đề cao kinh tế có những tiềm lực tự nhiên hướng dẫn, vừa chối không chịu đặt kinh tế dưới quyền luân lý điều khiển. Thành ra ai tham gia vào những hành động kinh tế, chỉ cốt theo đuổi một mục đích là gây tư lợi. Những nguyên do tự nhiên hợp tắc kích thích mọi hành động kinh tế, chỉ còn tuân cứ một điều luật tối cao, là tự do cạnh tranh vô chừng hạn. Lời lãi của tư bản, giá hàng hóa và công vụ, hoa lợi và lương bổng đều được chỉ định tùy theo luật thị trường, vô thức độc quyền. Chính quyền không phương cách nào can thiệp vào lãnh vực kinh tế này. Đồng thời, các nghiệp đoàn tùy theo dân nọ nước kia, hoặc bị cấm đoán, hoặc bị mua chuộc, hoặc chỉ được nhận là những tổ chức tư nhân.
12. Dưới một định chế như vậy, lý kẻ mạnh bao giờ cũng được nhận là phải, không những trong lý thuyết mà lại trong thực tế nữa. Nó chỉ huy mọi mối liên hệ giữa loài người. Kết quả, giới kinh tế trên dưới hoàn toàn hỗn độn.
13. Đang lúc thiểu số dồn lại trong tay những tài sản mênh mông, thì phần đa số công nhân nheo nhóc trong cảnh khổ cực ngày càng khó chịu. Lương bổng hạ, đến nỗi công nhân không những không đủ nuôi sống mà lại còn không tránh được nạn đói rách. Những dân đen vô sản phải làm việc trong các hoàn cảnh nguy hại đến sức khỏe, luân lý và đức tin của họ. Hoàn cảnh lao động nữ giới và các thanh niên, thì càng bất nhân hơn nữa. Quái tượng của một đời sống thất nghiệp, đêm ngày hằng xuất hiện trước mặt công nhân. Dần dần gia đình lâm nguy sợ phải ly tán!
14. Hậu quả tất nhiên là giới lao động bất mãn lòng đầy căm hờn. Công nhân cự tuyệt xã tắc tiền định. Những tà thuyết xã hội quá khích tha hồ lưu chuyển trong giới lao động. Họ không thấy phương dược tà thuyết ấy hại hơn cả cơn bệnh cần phải sửa chữa.
I. CANH TÂN XÃ HỘI: NGUYÊN TẮC CĂN BẢN
15. Trong những trường hợp ấy, bức thông điệp của Đức Lêô XIII là một thông điệp xã hội căn cứ vào những đòi hỏi chính đáng của nhân loại vừa nhiễm đầy những nguyên tắc và tinh thần phúc âm. Không kể những phe quá khích ai cũng biết họ sẽ kịch liệt chống cự, cả thế giới đều nhiệt liệt hoan nghênh và ngạc nhiên cảm phục bức thông điệp ấy. Thực ra, lần ấy không phải là lần đầu mà thế sự được tòa thánh lưu tâm đến, và giới lao động được Đức Giáo Hoàng biện hộ. Đức Lêô XIII thật không thiếu gì những văn kiện nêu lên vấn đề ấy và mở đường tìm giải pháp. Nhưng lần này mới là lần đầu tiên, mà tòa thánh kết cấu tổng hợp trong một bức thông điệp nguyên tắc và chương trình hành động xã hội của Giáo hội. Ngày nay ta phải nhận thực rằng: Bức thông điệp RN là học thuyết xã hội kinh tế của Giáo hội nói được là toàn thư.
16. Chỉ một người thật dũng cảm mới cho xuất hiện bức thông điệp ấy. Đang lúc bao người cảnh cáo Giáo hội chỉ biết khuyên nhủ kẻ bần cùng chịu nhịn phận bạc của mình, và yêu cầu kẻ giàu sang hãy quảng đại giúp đỡ họ, Đức Lêô XIII chỗi dậy không chút ngần ngại tuyên bố và biện hộ quyền lợi bất khả xâm phạm của giới lao động. Đã thầm quyết trình bày những nguyên tắc bất di bất dịch của học thuyết xã hội công giáo, Người long trọng tuyên bố trước rằng: Ta bàn đến vấn đề này với một lòng tin vững chắc, vì giải quyết vấn đề ấy là việc chính thức thuộc về linh quyền của ta. Vấn đề xã hội hiện nay sôi nổi cực độ. Không tìm giải pháp ở tôn giáo và Giáo hội thì không ai giải quyết được một cách hiệu nghiệm.
17. Anh em đáng kính, chắc anh em thừa biết những nguyên tắc mà Đức Tiên Giáo hoàng đã long trọng và minh bạch đề cao giải bày. Nhờ những nguyên tắc ấy, xã hội nhân loại mới chắc được tái tạo trong đủ mọi phạm vi kinh tế và xã hội.
Nguyên tắc thứ nhất
18. Trước hết, cần lao biểu dương nhân cách của con người, nên nếu coi nó chỉ là một món hàng, là tội. Đối với phần đa số nhân loại, cần lao là sinh kế độc nhất. Bởi thế chủ nhân không được thanh toán lương bổng công nhân như thể công việc của họ là đồ mua bán ở thị trường. Phải định lương trả cho thợ theo công bằng và bác ái. Không thì dầu giao kèo cần lao được đôi bên ưng nhận và ký kết, công bằng cũng bị tổn thương nặng nề.
Nguyên tắc thứ hai
19. Quyền tư hữu, kể luôn khí cụ máy móc, là quyền tự nhiên của từng công dân, chính quyền không bãi bỏ được. Nhưng vì quyền tư hữu là một tác dụng có tư cách xã hội, tư nhân sử dụng không những để gây lợi ích riêng mà lại để góp phần vào công ích nữa.
20. Vì mục đích chính quyền là thể hiện công ích, thì chính quyền không thể nào bỏ phớt, không dính dáng vào lãnh vực kinh tế. Trái lại chính quyền phải thúc đẩy dân chúng tăng gia sản xuất, cho mọi công dân đủ sống về vật chất: “Vì có thực mới vực được đạo”. Chính quyền lại phải bênh vực quyền lợi của mọi công dân, nhất là quyền lợi kẻ yếu đuối như công nhân, phụ nữ và thiếu niên. Chính quyền không thể nào tránh phận sự quyết liệt cải hóa thân phận công nhân.
21. Chính quyền lại phải kiểm soát những giao kèo cần lao, để chắc nó được ký kết theo công bằng và minh chính. Chính quyền cũng phải kiểm soát các công trường, để phẩm cách hồn xác của công nhân khỏi bị tổn thương. Về phương diện ấy, bức thông điệp của Đức Lêô XIII đã nêu cao những nguyên tắc căn bản của một xã tắc công bằng và minh chính, và ảnh hưởng sâu rộng đến luật pháp của các chính phủ đương kim. Ngày nay quốc gia nào cũng tùy tâm lý riêng hưởng lợi. Trong bức thông điệp Tứ Thập Niên (QA) Đức Piô XI nhận thực điều đó rằng: “Những nguyên tắc của Đức Lêô XIII đã phát huy mà lại phát triển nữa, một ngành mới trong dân luật, tức là luật lao động.”
22. Bức thông điệp RN cũng thừa nhận cho công nhân quyền tự nhiên lập công đoàn, hoặc dành riêng cho công nhân, hoặc chung cho công nhân và chủ nhân, và tổ chức những công đoàn ấy tùy theo những đòi hỏi của từng công nghệ. Bức thông điệp ấy cũng quả quyết công nhân hành động tự do, theo ý nguyện riêng, và theo thể cách ích lợi nhất của họ. Không ai ngăn cấm, không ai phản đối được ý nguyện chính đáng của họ.
23. Sau hết công nhân và chủ nhân phải đối đãi với nhau theo những nguyên tắc của tính hợp quần của nhân loại và tình nghĩa huynh đệ của đạo Chúa Kitô. Hai chủ nghĩa tha hồ cạnh tranh của phe tự do, và giai cấp tương tranh của Các Mác, đều trái ngược học thuyết công giáo và tính tự nhiên của nhân loại.
24. Anh em đáng kính, đó là những nguyên tắc làm căn bản cho một xã tắc xã hội kinh tế chính đáng, vững bền.
25. Bởi thế không lạ gì khi thấy bao người công giáo tài trí lỗi lạc tuân cứ những chỉ thị của Đức Lêô XIII, và thành thực đua nhau tìm trăm phương ngàn cách áp dụng vào thực tế học thuyết xã hội công giáo. Ngoài ra ở khắp bốn phương cũng đã không thiếu gì những người thiện chí cảm hứng những xu hướng tự nhiên của nhân loại, mà rảo bước cùng nhau theo con đường ấy.
26. Không phải là vô lý mà bức thông điệp của Đức Lêô XIII được gọi và hiện giờ còn mang tên là Đại Hiến Chương của mọi cố gắng tái tạo kinh tế và xã hội hiện tại.
II. ĐỨC PIÔ XI VÀ BỨC THÔNG ĐIỆP AQUADRAGESIO ANNO
27. Bức thông điệp RN ra đời được 40 năm, thì Đức Tiên Giáo hoàng Piô XI đã cho xuất hiện một bức thông điệp khác với nhan đề là QA cũng là một văn kiện cực kỳ quan trọng.
28. Văn kiện mới này lại chứng minh quyền lợi và phận sự của Giáo hội phải góp công tìm giải quyết những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng làm xúc động toàn thể nhân loại hiện tại. Đức Tiên Giáo hoàng lại xác định lần nữa những nguyên tắc và những huấn lệnh của bức thông điệp RN, là những nguyên tắc và những huấn lệnh còn thích thời. Người cũng nhân dịp ấy để phân minh một vài quan điểm học thuyết xã hội công giáo, còn đang khiến cả giáo dân bất đồng ý với nhau, rồi định thể cách áp dụng những nguyên tắc và huấn lệnh nói trên vào tình trạng xã hội mới.
29. Thực ra thời kỳ đó đã có bao nhiêu kitô hữu do dự không biết nghĩ gì về quyền tư hữu, quy chế lương bổng, và chế độ xã hội dưới hình thức điều độ mới.
30. Về quyền tư hữu, Đức Tiên Giáo hoàng vẫn quả quyết là quyền tự nhiên của từng cá nhân, nhưng Người nhấn mạnh và định rõ tư cách cùng phận sự xã hội của mọi tư sản.
31. Về quy chế lương bổng Người phi bác luận thuyết thường công bố là một quy chế bất công. Nhưng Người cũng kết án những thể cách thực hành quy chế đó nhiều khi là vô nhân đạo và quá bất công. Người lại xác định luật lệ và những điều kiện phải tuân cứ cho quy chế ấy hợp với sự công bằng và minh chính.
32. Theo lời Đức Tiên Giáo hoàng chỉ dậy, trong thời kỳ này thì rất nên mượn của giao kèo xã hội một vài điểm chính để bổ khuyết cho giao kèo cần lao xưa kia. Vì nhờ vậy lao động và công nhân được tham gia vào tổ chức xí nghiệp, về phương diện chấp hành và chia hoa lợi nữa.
33. Còn một điều rất quan trọng phải lưu tâm đến trong cả phạm vi lý thuyết và thực hành, là không định giá công lao và trả công thợ cho công bằng, nếu kẻ ấy coi thường tư cách cá nhân và xã hội của cần lao. Nên khi xác định lương bổng phải chăng của công nhân, chủ nhân phải vừa lưu tâm đến nhu cầu riêng và nhu cầu gia đình của công nhân, vừa phải thanh toán tình trạng xí nghiệp đã mướn họ và những đòi hỏi của nền kinh tế chung.
34. Đức Tiên Giáo hoàng cũng tuyên bố rằng: Cộng sản tự tận gốc tương phản với công giáo chủ nghĩa. Người công giáo không nỡ nào xác nhận chủ nghĩa xã hội, dầu cả dưới những hình thức điều độ mới. Lý do là vì theo chủ nghĩa xã hội bất cứ dưới hình thức nào, đời sống con người chỉ kết thúc trong hiện tại, mục đích là sống an nhàn ở dưới thế. Hơn nữa, chủ nghĩa xã hội đặt cứu cánh xã hội ở chỗ tăng gia sản xuất, là hạn chế quyền tự do của con người. Sau hết chủ nghĩa xã hội thiếu một quan niệm xác đáng về phận vụ chính quyền trong xã hội.
35. Dầu sao Đức Piô XI cũng nhận thực trong vòng 40 năm, kể từ ngày bức thông điệp RN xuất hiện, thời thế đã biến chuyển rất nhiều. Chế độ tự do cạnh tranh theo chính sách biện luận riêng của nó, đã đi đến chỗ tự tiêu. Các tài sản rộng lớn đều dồn lại trong tay thiểu số người triệu phú. Chuyên quyền kinh tế kèm theo đó cũng nằm trong tay kẻ ấy, sự thường họ không phải là chủ sản đâu, mà chỉ là người thu thác và làm quản lý những tư bản lớn, họ được tự do tiêu dụng và quản nhiệm.
36. Đức Tiên Giáo hoàng cũng minh xác rằng: Kế tiếp chính sách tự do thị trường trước kia, ngày nay ta thấy xuất hiện một chế độ kinh tế độc tài. Trước thì người ta chỉ ham tư lợi, ngày nay người ta lộng hành tham quyền. Đời sống kinh tế hóa nên một đời sống gay go, hung ác và tàn nhẫn kinh khủng. Kết quả chính quyền lệ thuộc mối lợi giàu sang. Tiền tài đứng lên làm bá chủ thế giới.
37. Xã hội đã sai chính đạo. Đức Giáo Hoàng định rõ những nguyên tắc cần thiết để dứt khoát những sự tàn nhẫn kia. Kinh tế phải tái nhập vào quy tắc luân lý. Lợi ích riêng của từng cá nhân và các đoàn thể phải quy phục những đòi hỏi của công ích. Theo lời Đức Giáo Hoàng chỉ dạy, để hoàn tất công việc ấy, phải tái lập trong xã hội nhân loại những tổ chức kinh tế và nghiệp đoàn tư nhân, không phải do chính phủ đề cử, bèn là do công dân tự lập. nhờ vậy chính quyền mới trở về với sứ vụ riêng của họ, là gây dựng và bảo vệ công ích. Còn trên bình diện quốc tế, các quốc gia phải hợp tác với nhau để thể hiện một nền kinh tế chung cho cả nhân loại.
38. Những đề tài đặc sắc trong bức thông điệp của Đức Piô XI thì gồm tắt trong hai điểm chính: điểm thứ nhất là chối hẳn không chịu nhận làm luật căn bản tuyệt đối của nền kinh tế, hoặc tư lợi riêng của từng cá nhân hay từng đoàn thể, hoặc luật tự do cạnh tranh vô hạn, hoặc độc quyền kẻ giầu sang, hoặc lãnh vực quốc gia, hoặc những tham vọng tương đương khác.
39. Trái lại tất cả mọi hành động kinh tế phải quy phục luật công bằng và bác ái là căn bản tuyệt đối của xã hội.
40. Điểm thứ hai: Đức Piô XI tha thiết yêu cầu lập ra những cơ cấu công hay tư, quốc gia hay quốc tế, đặt dưới sự hướng dẫn của công bằng xã hội, để gây dựng một thứ tự pháp lý cần cho tổ chức kinh tế dung hòa được tư lợi với công ích.
III. THƯ TÍN TRUYỀN THANH DỊP LỄ CHÚA HIỆN XUỐNG
41. Đức Giáo Hoàng Piô XII mà ta vinh hạnh kế vị, cũng đã góp một phần không ít trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ xã hội. Ngày 1.6.1941, dịp lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài truyền qua làn sóng vô tuyến điện một thơ tín, mục đích là nhắc lại cho thế giới công giáo lưu tâm đến một ngày kỷ niệm đáng viết bằng chữ vàng trong lịch sử Giáo hội, tức là kỷ niệm ngũ thập niên (15.5.1891) bức thông điệp RN của Đức Lêô XIII. Đức Giáo Hoàng nhân dịp ấy mà cảm tạ Chúa toàn năng đã linh ứng cho người đại diện Chúa ở dưới thế, và tận tâm ca ngợi Đức Chúa Thánh Thần đã dùng bức thông điệp ấy mà thổi một loạt hơi tái tạo vào thế giới, là một bức thư càng ngày càng làm nổi lên cả nhân loại.
42. Trong thông điệp truyền thanh này, Đức Giáo Hoàng đòi lại quyền bất khả xâm phạm cho Giáo hội xét đoán bất cứ tổ chức xã hội nào, căn bản có phù hợp với trật tự bất di bất dịch Thiên Chúa dựng nên, cứu chuộc nhân loại, và tiền định cho muôn vật tiến triển theo luật tự nhiên và đạo mạc khải. Người cũng lại xác nhận rằng: Những huấn dụ của thông điệp RN vẫn rất hợp thời và còn hiệu nghiệm vô cùng. Người cũng nhân dịp ấy để nhắc lại những nguyên tắc luân lý áp dụng được vào ba điểm chính của một đời sống xã hội, kinh tế chính đáng, tức là quyền sử dụng vật chất, phận vụ cần lao, cảnh gia đình là ba điểm căn bản tương trợ nhau.
43. Về quyền sử dụng của cải, Đức Piô XII tuyên bố: đó là quyền ai cũng có và phải đòi lại để nuôi sống, vì là quyền trổi vượt bất cứ chuyên quyền kinh tế nào, kể luôn quyền tư hữu nữa. Quả thực, quyền tư hữu là quyền tự nhiên. Nhưng dầu sao Tạo hóa cấm quyền ấy không thể nào làm khó dễ cho toàn thể nhân loại đòi hỏi và sử dụng muôn vật cần thiết theo luật công bằng và bác ái là căn bản nền kinh tế Chúa an bài.
44. Về phận vụ cần lao, Đức Piô XII cũng căn cứ vào những huấn dụ của bức thông điệp RN mà quả quyết rằng: Cần lao vừa là một phận sự, vừa là một lợi tức của mỗi người. Thành ra chính những người tham gia vào cần lao, có quyền ưu tiên để phân định những mối giao tế trong việc làm. Chỉ có khi nào họ không muốn hay không thể nào giải quyết được những vấn đề ấy, thì khi đó chính quyền mới can thiệp được vào việc phân phối việc làm tùy theo hình thức và hạn định của công ích chính đáng.
45. Về cảnh gia đình Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng: Quyền tư hữu đối với của cải bảo đảm và mở mang đắc lực đời sống gia đình. Nó ban cho các gia trưởng quyền tự do chính đáng và cần thiết để thể hiện những nghĩa vụ đấng Tạo Hóa giao uỷ cho họ, về đủ mọi phương diện vật chất, tinh thần, tôn giáo và gia đình. Nhờ đó gia đình nào cũng có quyền đòi xuất dương di trú. Thành ra Đức Giáo Hoàng yêu cầu các quốc gia hoặc cho phép xuất ngoại hoặc đón nhận kẻ xin cư ngụ, phải thành thực loại bỏ tất cả những gì làm cho họ khó nảy ra hay làm phát ra một tinh thần tín nhiệm nhau thật lòng. Đôi bên thành tín với nhau, thì bên nào bên nấy cũng hưởng lợi và phát triển mức văn hóa của từng dân tộc.
Những biến chuyển mới lạ
46. Chính Đức Piô XII đã nhận thực tình trạng xã hội từ đời Đức Lêô XIII đã biến chuyển rất nhiều. Nhưng trong 20 năm vừa qua, ta nói được tình trạng ấy đã biến đổi tận gốc, hoặc trong nội bộ của từng quốc gia, hoặc trong những giao tế giữa các quốc gia.
47. Trong phạm vi khoa học, kỹ thuật và kinh tế, sự biến chuyển lạ nhất đã do nguyên tử lực phát minh mà càng ngày càng được áp dụng vào khía cạnh chiến tranh trước, sau vào những cố gắng dựng lại hòa bình thế giới. Nhưng sự biến chuyển đó lại bởi những nguyên nhân khác nữa:
Hóa học đem đến cho thế giới bao phương tiện chế tạo ra sản phẩm tổng hợp, nói được là vô chừng hạn.
Sự phát triển và hưởng dụng máy móc tự động trong khía cạnh kinh tế và công vụ. Nông nghiệp được canh tân một cách lạ lùng mau chóng.
Sự gần xa giữa các nước hầu như không còn đáng kể chi nữa, vì nhờ máy truyền thanh và truyền hình.
Sự vận chuyển mỗi ngày một mau chóng hơn...
Những thực hiện khởi đầu cho nhân loại không gian liên hành tinh vân vân...
48. Trong phạm vi xã hội cũng thế:
Sự bảo hiểm xã hội đã tiến triển, đến nỗi trong những nước kinh tế mở mang nhiều đã thấy xuất hiện những tổ chức bảo hiểm đủ mọi sự rủi ro nguy hiểm.
Nhờ các nghiệp đoàn đào tạo và làm phát triển mãi, nên ý thức và trách nhiệm kinh tế xã hội ngày càng sáng suốt hiệu lực.
Nền giáo dục căn bản đã mỗi ngày một lên cao trong đời sống đa số công dân.
Chỗ nào cũng thấy nếp sống sung túc hơn.
Những cấp bậc phẩm trật công nghệ liên lạc với nhau mau chóng hơn. Các giai cấp xã hội trước xa nhau một vực một trời ngày nay thì gần gũi hơn.
Dầu những người chỉ có nền văn hóa trung bình, họ cũng bắt đầu lưu tâm đến vấn đề thời sự quốc tế.
Nhưng sự kinh tế xã hội ngày càng tiến triển ở nước nọ nước kia, thì càng làm nổi bật lên những khía cạnh canh nông, kỹ nghệ và công vụ còn quá chênh lệch với nhau. Còn những địa phương cùng một quốc gia quá xa nhau, và trong phạm vi quốc tế, thì bao dân nước nguồn lợi nhiều ít khác nhau một vực một trời.
49. Trong phạm vi chính trị, cũng thấy bao sự lạ xảy ra.
Trong bao dân nước, công dân bất phân chủng tộc cũng được tham gia vào vận mệnh nước nhà.
Chính quyền mỗi ngày một can thiệp nhiều trong giới kinh tế xã hội. Trong phạm vi quốc tế chế độ thuộc địa cáo chung. Các dân Á Phi lần lượt thâu hồi nền độc lập chính trị.
Bao hội đoàn và tổ chức quốc tế được lập ra và phát triển, vượt qua biên giới từng quốc gia mà tìm gây lợi ích chung trong đủ mọi phạm vi kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, hay phụ trách những mối giao tế giữa các quốc gia.
Mục đích bức thông điệp này
50. Bởi thế, ta thú nhận phận vụ của ta là nêu cao đuốc sáng các Đức Tiên Giáo Hoàng đã nhóm lên, và khuyên nhủ mọi người hãy giải quyết những vấn đề xã hội mới trong ánh sáng và sự phấn khởi của những bức thông điệp trước, nhưng bằng những phương pháp thích hợp với đời ta bây giờ.
Nhân dịp này ta cũng có ý kỷ niệm bức thông điệp của Đức Lêô XIII. Nhưng nhận thực những sự biến chuyển mới lạ kể trên. Ta cũng muốn nhắc lại và xác định những nguyên tắc của các Đức Tiên Giáo Hoàng, để nhờ đó mà giải nghĩa rõ ràng những quan niệm của Giáo hội về các vấn đề quan trọng và mới lạ của thời đại.
***
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG XÁC ĐỊNH CẦN THIẾT VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI
CỦA BỨC THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM
I. SÁNG KIẾN TƯ NHÂN VÀ SỰ CAN THIỆP CỦA CHÍNH QUYỀN TRONG PHẠM VI KINH TẾ
51. Nguyên tắc căn bản ai cũng phải công nhận, là trong phạm vi kinh tế dầu có những hành động tư nhân mưu ích riêng, và những hành động đoàn thể gây lợi ích chung, thì hành động tư nhân vẫn có quyền ưu tiên.
52. Nhưng vì những lý do mà các Đức Tiên Giáo Hoàng đã xác định, chính quyền cũng phải can thiệp, để gia tăng sản xuất cho phải lẽ, cần cho xã hội phồn thịnh và các công dân hưởng lợi.
53. Sự can thiệp căn cứ vào nguyên tắc bổ trợ; mục đích là định hướng, củng cố, bổ khuyết và kiện toàn sáng kiến tư nhân. Nguyên tắc bổ trợ được Đức Giáo Hoàng Piô XI đã định nghĩa trong bức thông điệp QA rằng: (x.QA số 57)
54. Thực ra, ngày nay khoa học và kỹ thuật phát triển rất nhiều. Nhờ vậy chính quyền đủ phương tiện hơn, hoặc để giảm bớt sự chênh lệch giữa các chi tiết của nền kinh tế, hoặc để giải hòa các địa phương của cùng một quốc gia, và cả các nước trong thế giới. Cũng nhờ đó chính quyền có thể hạn chế được những thiệt hại do những cuộc biến loạn gây nên trong phạm vi kinh tế, và tìm sẵn những phương dược linh nghiệm để tránh nạn đại chúng thất nghiệp. Bởi thế Ta yêu cầu chính quyền vốn phải phụ trách công ích, hãy dùng trăm nghìn phương cách đó để can thiệp vào phạm vi kinh tế nhiều hơn, trật tự hơn mà thích dụng vào vật đích ấy, những cơ cấu, những tổ chức, những khí cụ và những phương pháp đã có sẵn trong tay.
55. Nhưng phải nhớ rằng: Dầu hành động kinh tế của chính quyền thấm nhiễm đời sống cộng đồng bao nhiêu, nó cũng không thể nào loại trừ quyền tự do hành động của tư nhân. Hơn thế nữa chính quyền phải hậu đãi mọi hành động tư nhân, miễn là những quyền chính yếu của con người được bảo đảm, nhất là quyền và phận sự của từng công dân phải nuôi sống và cấp đủ sự cần cho gia đình. Bất cứ chế độ kinh tế nào cũng phải để từng cá nhân và giúp đỡ mọi người dùng quyền tự do sản xuất của mình.
56. Ngoài ra, lịch sử cũng chứng minh rằng: Xã hội chỉ phồn thịnh trong trật tự, khi mọi công dân và chính quyền cộng tác với nhau chặt chẽ. Lúc nào họ cũng phải hành động đồng ý với nhau: Phận sự của họ thì riêng biệt, nhưng dầu sao cũng phải thích hợp với những đòi hỏi của công ích, tùy theo hoàn cảnh, thời đại và phong hóa.
57. Kinh nghiệm cũng dạy rằng: Ở đâu thiếu sáng kiến tư nhân, thì ở đó chế độ độc tài hiện đến, nền kinh tế bị tê liệt trong rất nhiều chi nhánh quan trọng. Dần dần những sản phẩm cần tiêu dụng thì thiếu, và phải tổ chức thêm bao công vụ cần thiết cho con người không những được thỏa mãn nhu cầu phần xác, mà lại cả những xu hướng phần hồn, là những xu hướng có sức nhiệm gây nên và kích thích óc tạo dựng và sáng kiến của từng cá nhân.
58. Trái lại chính quyền không chịu can thiệp theo lẽ phải, hay là chỉ can thiệp dở dang, thì cả quốc gia sa vào những cuộc hỗn loạn không ai cứu vãn được, những dân đen bị kẻ giầu vô nhân đạo lợi dụng một sách tàn bạo. Cỏ lùng mọc trong ruộng lúa thể nào, bởi vậy nước nào cũng có những kẻ bất nhân, thừa dịp ấy để lạm dụng phe yếu đuối.
II. VẤN ĐỀ XÃ HỘI HÓA
Hiện tượng
59. Một trong những đặc điểm đời ta bây giờ, là cố gắng xã hội hóa mọi sự. Những mối giao tế giữa nhân loại mỗi ngày một thêm nhiều. Kết quả trong sự sinh hoạt và trong đủ mọi hành động thường xuyên. Loài người họp chung tìm liên lạc với nhau dưới mọi hình thức, và được tư pháp và công pháp xác nhận. Những cố gắng xã hội hóa này, nguyên do thì rất hợp thời: khoa học và kỹ thuật tiến bộ, năng lực sản xuất tăng lên, nền văn minh mỗi ngày một cao hơn.
60. Đời sống xã hội tiến hóa, vừa là tượng chứng, vừa là nguyên do của sự chính quyền mỗi ngày một can thiệp rộng sâu vào những vấn đề mật thiết liên quan với những xu hướng nội tâm của con người, toàn là những vấn đề quan trọng và tinh tế; như vấn đề bảo vệ sức khỏe, đào tạo thanh niên. Vấn đề hướng nghiệp: bình phục và tái huấn những lớp người bệnh tật về thể xác và trí não. Những sự xã hội hóa nói trên, cũng là kết quả tự nhiên của một khuynh hướng cực mạnh không ai thắng hãm được. Loài người tự nhiêm hướng về một đời sống tập đoàn, để kiếm được những lợi ích từng người mong đến, nhưng là lợi ích vượt qua năng lực tự nhiên của từng cá nhân. Chính vì khuynh hướng ấy, mà nhất là ngày nay, loài người đã tình nguyện tổ chức bao hội đoàn, bao cơ cấu, bao phong trào trong phạm vi quốc gia và quốc tế, và nhắm vào đủ mọi mục đích: kinh tế, xã hội, văn hóa, tiêu khiển, thể thao, nghề nghiệp hay chính trị.
Lợi ích và thiệt hại cũng nhiều
61. Lẽ cố nhiên tình trạng xã hội hóa nói trên thì lợi ích nhiều. Công dân cũng được nhờ rất nhiều. Như làm cho người dùng quyền lợi riêng trong phạm vi kinh tế xã hội dễ dàng và kết quả hơn, nhất là về sinh kế, thuốc men, giáo dục căn bản và phổ thông, tu nghiệp, nhà ở, việc làm, sự an nghỉ, và giải trí xứng đáng. Ngoài ra, nhờ những tổ chức thông tin, truyền bá tư tưởng rất tinh xảo như báo chí, chiếu phim ảnh, máy thu thanh, máy truyền hình; nên bất cứ người ta ở chỗ nào dầu xa gần bao nhiêu, thì ai nấy cũng dự thính được những việc xảy ra khắp ở hoàn cầu.
62. Nhưng đàng khác, sự phát triển giao tế trong đủ mọi phạm vi khía cạnh đời sống, đòi hỏi bao huấn lệnh hay luật lệ vốn phải xác định và chỉ dẫn thể cách liên lạc giữa nhân loại. Vì thế quyền tự do của từng cá nhân bị hạn chế một phần nào. Vì những kỹ thuật thường dùng, những phương pháp chỉ định, những điều kiện phải tuân giữ, chẳng còn mấy ai theo sáng kiến riêng, không cứ gì những ngoại hưởng đã hấp thụ lấy, chẳng còn mấy ai hành động được một cách tình nguyện, theo quyền lợi và nghĩa vụ riêng: Chẳng mấy ai tự do làm phát triển tâm trí tài năng theo lý tưởng được. Cứ đà xã hội này, phải chăng ngày mai con người sẽ phải sống như cái máy ư? Thiết tưởng là không.
63. Những cố gắng xã hội hóa nhân loại, đâu có tùy theo những tiềm lực tự nhiên hóa thiên nhiên. Trái lại, đó là những cố gắng ý thức tự do của con người. Dầu con người sống và hành động theo tính tự nhiên, nó vẫn ý thức trách nhiệm phải hành động theo những luật tự nhiên do đạo nhân tiền định cho, hay theo những luật kinh tế phải noi theo, dầu biết mình không sao gỡ mình ra khỏi mọi ảnh hưởng cảnh vực sinh hoạt riêng.
Làm sao mà lợi dụng tình trạng xã hội hóa này?
64. Như vậy, sự xã hội hóa mọi sự có thể và phải thực hiện theo một thể cách làm tăng gia ích lợi, và tùy theo có thể được làm giảm bớt mãi tai hại cho nhân loại.
65. Cho nên những người phụ trách chính quyền phải có một quan niệm xác đáng về công ích, gồm tắt tất cả mọi điều kiện cần thiết để con người phát triển nhân cách toàn diện của mình. Ta cũng thiết tưởng rằng: Những đoàn thể là trung gian giữa chính quyền và công dân; những tổ chức đủ thức vốn thể hiện sự xã hội hóa này phải đủ tự do, trước để đạt tới mục tiêu riêng trong sự thuận hòa và hợp tác. Sau để góp phần lợi cho công ích. Một yếu điều cũng cần thiết, là các hội đoàn kia, các tổ chức này phải kết thành những cộng đồng thật sự không những về hình thức, mà nhất là về cả bản tính nữa... Các nhân viên được đón nhận và đối xử cho xứng vị, họ được tham gia một cách hữu hiệu vào những hành động chung; thì các tổ chức đoàn thể nói trên mới đáng gọi là những cộng đồng thật sự.
66. Vậy trong thời kỳ những mối giao tế giữa nhân loại được phát triển lạ lùng, hễ quốc gia nào muốn bước tới một tổ chức hoàn bị, thì quốc gia ấy phải lo dung hòa cho thăng bằng sáng kiến tự do của từng cá nhân, những hội đoàn cùng chung một mục đích, với sự can thiệp của chính quyền, mục đích là phân phối và củng cố mọi sáng tác của tư nhân.
67. Một sự xã hội hóa, được thể hiện theo những chỉ lệnh trên và theo luật luân lý nữa thì sẽ không bao giờ gây nguy gì và không bao giờ trở nên một gánh nặng cho các công dân. Trái lại ta có thể hy vọng rằng: Mỗi người sẽ được tự do phát triển nhân cách và tài năng riêng, rồi tận tâm xây dựng xã hội theo chính nghĩa tứ hải giai huynh đệ. Theo lời Đức Piô XI viết trong thông điệp QA, đó là điều thiết yếu cho mọi quyền lợi và mọi nghĩa vụ của một đời sống xã hội công bằng được thỏa mãn điều hòa.
III. VẤN ĐỀ LƯƠNG BỔNG
Những sự bất công và bất hòa hiện tại
68. Ta đau xót trước cảnh thê thảm hằng tái diễn ngay trước mặt ta, của những đám đông người lao động lương bổng quá ít không đủ sống và không đủ nuôi gia đình; nên không vươn mình lên một địa vị sinh hoạt cân xứng với chức vị con người. Lý do chính, là ở những miền ấy, nền kỹ nghệ còn mới phôi thai, chưa phát triển điều hòa.
69. Nhưng dầu sao ở đa số những nước ấy, bên cạnh thân phận khổ cực của đại chúng, cũng không thiếu gì những người ưu thế giầu sang, sống phóng đãng xa hoa không quản gì đến kẻ bần cùng xấu số.
Nơi khác dân chúng phải đảm nhận bao việc, nói được là làm như trâu bò, để nền kinh tế quốc gia tăng vọt lên trong một thời gian rất ngắn, đó là một sự trái ngược với công bằng và nhân đạo. Còn chỗ khác, công quỹ phần lớn chỉ được tiêu dụng cho quốc gia nổi tiếng vang lừng, hay là đổi những món tiền khổng lồ lấy thêm võ khí đạn dược cho quốc gia.
70. Cả trong những nước nền kinh tế tiến triển nhiều, cũng không thiếu gì những chức vụ, mối lợi không đáng kể, giá trị viễn vông; những lương bổng cao lớn, đang lúc những công việc cần cù sản xuất của bao công dân lương thiện cần mẫn bị hạ giá lương bổng quá ít không đủ cho nhu cầu. Quả thực, so sánh với phần lợi họ góp vào công ích, hoa lợi xí nghiệp mướn họ, lợi tức quốc gia, thì lương bổng của họ quá hạ, có thể nói được là một sự trái công bằng xã hội.
Làm sao định giá lương cho công bằng
71. Lần nữa Ta nhận thực nghĩa vụ của Ta là quả quyết rằng: Ta không thể nào mbặc luật thị trường hay mặc kẻ ưu thế quy định giá lương trả công thợ một cách độc đoán, bèn phải quy định theo luật công bằng và nhân đạo. Số lương công nhân lĩnh nhận phải vừa đủ cho họ sống xứng vị con người và cấp đủ sự cần cho gia đình họ. Vậy muốn định đoạt số lương phải chăng cần xét ba điều: Năng lực sản xuất của từng người, tình trạng kinh tế của xí nghiệp, những đòi hỏi của công ích, nhất là những đòi hỏi của một công việc kéo dài quanh năm, và sau hết những đòi hỏi lợi ích chung của các quốc gia, tức là những tổ chức quốc tế kết tinh nên bởi nhiều quốc gia, khác nhau về quốc tính và diện tích.
72. Đời nào, chỗ nào những nguyên tắc ấy đều có giá trị, nên bắt buộc phải thực hiện. Nhưng trong thực hành, ai cũng phải tùy trường hợp mà cân nhắc nguồn lợi kẻ ấy sử dụng được. Những nguồn lợi ấy, quả thực hay thay đổi luôn, về phẩm và lượng giữa nước nọ nước kia, và trong một nước tùy theo từng địa phương và tùy thời tiết.
Làm sao mà dung hòa được sự phát triển kinh tế với sự tiến bộ của xã hội
73. Ngày nay nền kinh tế quốc gia ở nhiều nơi phát triển theo một tốc độ nhanh chóng lạ lùng, nhất là từ sau đệ nhị thế chiến vừa qua. Trong trường hợp đó ta phải đề cao một nguyên tắc tối hệ của công bằng xã hội, là sự tiến bộ của xã hội phải đi song đối và hòa nhịp với sự phát triển kinh tế. Nước thêm phong phú thì mọi từng lớp công dân phải hưởng phần đều hòa và không trừ ai. Ai cũng phải ân cần lưu ý, và dùng mọi phương tiện để mọi giai cấp xã hội sở hữu tiền tài khỏi quá chênh lệch. Sự quá chênh lệch ấy không những phải đề phòng cho nó khỏi tăng gia mãi, mà lại phải hết sức lo liệu để nó giảm bớt dần dần.
74. Lời Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII đã nói, thì chí lý thật: Kinh tế quốc gia phát nguồn từ ở những công việc các công dân chung sức hoàn thành trong cộng đồng xã hội. Vì lẽ ấy, nên mục đích của nó là cấp cho công dân đủ điều kiện vật chất, cần cho từng người làm phát triển nhân cách và tài năng riêng, một cách đầy đủ và đều hòa. Hễ quốc gia nào thực hiện được mục đích ấy một cách vĩnh viễn, thì quốc gia ấy thật phong phú, vì toàn dân hưởng phúc chung và từng người hòa thuận sử dụng những nguồn lợi thế tục theo đúng ý Tạo Hóa đã tiền định.
Cứ như trên, mực đo lường sự phồn thịnh của từng quốc gia, không phải là tổng số phẩm vật dư dật hay còn thiếu đâu, mà là cách thức phân công chia của cho công bằng, tức là cách thức hữu hiệu làm cho các công dân thuận bề phát triển và kiện toàn nhân cách riêng. Nền kinh tế quốc gia toàn diện, nguyên gốc và cứu cánh duy nhất là thế.
75. Về phương diện ấy, Ta phải nhắc đến một thực hiện thường quen ở nhiều nước bây giờ: Có những đại xí nghiệp và xí nghiệp trung bình đã quen lấy phần hoa lợi lập tư sản riêng, nên về tài chính họ tự túc được. Nhờ vậy năng lực sản xuất của những xí nghiệp được tăng gia rất nhiều. Nhưng đồng thời Ta phải quả quyết rằng: Vì các xí nghiệp ấy tự túc được về tài chánh, họ cũng phải công nhận cho công nhân quyền đòi một phần vốn tín dụng, nhất là khi số lương của công nhân không vượt quá mức tối thiểu.
76. Trong phạm vi ấy, ta phải nhấn mạnh vào một nguyên tắc mà chính Đức Piô XII đã xác định trong bức thông điệp QA rằng: voir au titre capital and travail. (QA)
77. Kinh nghiệm dạy rằng: ta có sẵn trăm nghìn thể cách thực hiện nghĩa vụ công bằng này. Tỉ dụ như một việc đáng ước mong ngày nay hơn cả đời Đức Tiên Giáo Hoàng, là phải mở đường cho công nhân được tham gia vào quyền sở hữu của xí nghiệp đã mướn họ làm việc. Đức Piô XI viết rằng:
Lương bổng công nhân và công ích quốc gia
78. Ta cũng nên nhắc lại: sự thăng bằng giữa lương bổng và lợi tức chỉ có thể xác định được, khi ta đã cân nhắc kỹ công ích của từng quốc gia, và lợi ích chung của toàn thể nhân loại.
79. Công ích của từng quốc gia buộc phải liệu cho một số công nhân, có việc làm càng nhiều càng tốt. Phải chú ý đừng để những nhóm công nhân được biệt đãi, hoặc trong nước, hoặc trong cả giới lao động, hết sức duy trì sự thăng bằng giữa lương bổng và giá hàng, mở rộng cửa cho một số người được bước tới và hưởng dụng những vật phẩm và những tiện nghi của một đời sống tiến hóa; hoặc thủ tiêu, hoặc hạn chế sự chênh lệch giữa các ngành kinh tế: Canh nông, kỹ nghệ, tiện nghi thông dụng. Phải duy trì sự thăng bằng giữa sự phong phú mỗi ngày tăng lên, và sự mở mang những công vụ thiết yếu, lo cho mọi cơ cấu sản xuất luôn luôn tiến hóa theo sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nâng cao địa vị sinh hoạt không những người ta hưởng hiện tại, mà lại còn bắt đầu chuẩn bị một hậu lai khả quan hơn...
80. Công ích toàn thể nhân loại bắt buộc phải loại trừ những mưu ý thâm độc khỏi những cuộc cạnh tranh kinh tế của các dân tộc: Phải liệu sao cho nền kinh tế quốc gia tiến triển đều hòa trong sự cộng tác thân mật và kiến hiệu. Sau hết phải dùng đủ mọi phương cách hiệu lực để các dân nước chậm tiến chóng khuếch trương trình độ kinh tế của họ.
81. Lẽ cố nhiên công ích quốc gia và quốc tế nói trên, cũng phải tôn trọng, hoặc khi định đoạt phần hoa lợi phải chia cho những người phụ trách chỉ huy xí nghiệp, (phần ấy gọi là phần chia lợi tức do xí nghiệp gây nên), hoặc khi chia phần hoa lợi với những nhà tư bản đã góp vốn.
Xí nghiệp
Tổ chức cơ sở cho công bằng
82. Tuân giữ công bằng trong sự phân công chia của thì không đủ. Công bằng còn phải tôn trọng ngay trong tổ chức làm, xí nghiệp và các cơ cấu sản xuất nữa. Xét theo lý đương nhiên con người hành động và sản xuất, phải chịu phần trách nhiệm và kiện toàn nhân cách ngay trong việc làm của mình.
83. Vì thế, hễ khi nào thấy bất cứ tổ chức kinh tế nào khiến công nhân mất cả nhân cách, làm việc không chút trách nhiệm: chỉ là cái máy không sáng tác được điều gì, thì ta xét tổ chức kinh tế ấy là một tổ chức bất công, không cứ gì sản phẩm nhiều hay ít, được chia phần cho công bằng và nhân đạo hay không.
Xí nghiệp thì trăm thể thức
84. Ta không thể nào xác định trong một thành ngữ duy nhất, những tổ chức kinh tế nào là xứng với nhân cách con người hơn cả, và là những tổ chức hiệu nghiệm nhất, cho con người ý thức trách nhiệm riêng. Dầu sao Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII đã ban bố một vài huấn lệnh rất hợp thời: Những cơ sở tiểu và trung bất cứ về nông, công, thương hay kỹ nghệ phải được bảo vệ và nâng đỡ. Nhờ đã kết thành những hợp tác xã, các cơ sở đó hưởng được những tiện nghi và những ân huệ riêng của các đại xí nghiệp. Ở những chỗ nào đại xí nghiệp có năng lực sản xuất mạnh hơn, thì chỗ ấy giao kèo cần lao, cần phải bổ túc bằng những giao kèo xã hội.
85. Thành ra phải bảo vệ và cũng cố tùy theo những đòi hỏi của công ích, và tùy theo sự tiến bộ của kỹ thuật, và những tiểu công nghệ, những cơ sở gia đình nông dân và các hợp tác xã vốn phải bổ khuyết và ủng hộ những kinh doanh ấy.
Tiểu ban công nghệ và hợp tác xã
86. Trong đoạn sau Ta sẽ bàn về các kinh doanh nông nghiệp. Tại đây Ta phải có đôi lời về các “tiểu công nghệ và các hợp tác xã”.
87. Hai tổ chức kinh tế này chỉ có thể phồn thịnh và kết quả, khi đồ dùng và phương kế sản xuất luôn luôn đổi mới cho thích ứng với đà tiến của khoa học chuyên môn hiện tại, hoặc cho phù hợp với nhu cầu và sở thích kẻ tiêu thụ sản phẩm. Chính các nhà tiểu công nghệ và các nhân viên của hợp tác xã, phải thích ứng công việc của họ với thời đại.
88. Bởi thế việc cần thiết nhất, là huấn luyện họ ít nhất về kinh tế học tổng quát, và những thuật chuyên môn thích nghi.
Họ cũng đáng được chính phủ ủng hộ bằng một chính sách thích đáng, nhất là trong phương diện giáo dục, thuế pháp, ngân hàng, an ninh và các bảo đảm xã hội.
89. Các nhà tiểu công nghệ và hợp tác xã này hợp thành một năng lực sản xuất quan trọng. Họ đắc lực cộng tác vào đà tiến của xã hội văn minh. Nên chính quyền can thiệp nâng đỡ họ, thì thật đáng khen và đáng thúc đẩy.
90. Cũng vì thế mà Ta đem hết tình cha con khuyên nhủ các nhà tiểu công nghệ và hợp tác xã viên, dầu rải rắc khắp tứ phương cũng là con cái thân yêu của Ta, hãy ý thức trọng trách của họ. Bởi vì, nhờ họ, tinh thần trách nhiệm, ý chí cộng tác, và những cố gắng của con người đã được thúc đẩy mãnh liệt tạo nên những tác phẩm tinh vi mới mẻ.
Công nhân tham gia vào sự sống chung của xí nghiệp
91. Ta đồng ý với các vị tiền nhiệm: “Nguyện vọng của công nhân là muốn tham gia vào đời sống xí nghiệp đã mướn họ làm việc. Nhưng tham gia theo mực độ nào?” - Ta không thể nào quy định trước được, vì nó tùy theo hoàn cảnh thực tế của mỗi xí nghiệp. Mỗi xí nghiệp tình trạng khác nhau và dầu trong một xí nghiệp đi nữa, tình trạng cũng hay thay đổi; nhiều khi tự tận gốc và bất ngờ. Thế nhưng mà theo ý Ta, công nhân cũng phải góp một phần hữu hiệu trong tổ chức xí nghiệp tư hay công đã mướn họ làm việc. Người ta phải đua nhau hóa xí nghiệp thành một cộng đồng có thể cách nhân loại, hầu cho mỗi nhân viên cùng một tinh thần được liên lạc với nhau để hoàn tất công việc và thể hiện phận vụ riêng.
92. Mục đích cao siêu ấy, đòi hỏi ở ban giám đốc trị sự, kẻ đốc công và toàn thể công nhân, những mối giao thiệp với nhau đầy tình nghĩa tôn trọng, kính phục và thân yêu nhau. Nó cũng bắt buộc mọi người cộng tác vào công việc chung một cách thành thực và hữu hiệu. Ai cũng phải nhận thực rằng: Công việc của mình không phải chỉ là một sinh kế gây lợi cho mình, mà lại là một nhiệm vụ mình đã đảm nhận để gây lợi ích chung cho anh em.
Công nhân phải có quyền góp ý kiến, mà lại góp phần công trong việc tổ chức và phát triển xí nghiệp mới là phải lẽ. Đức Piô XII dạy rằng: “Phận vụ kinh tế xã hội ai cũng mong gánh vác một phần nào, thì nên cấm không cho ai làm việc vô trách nhiệm, mà chỉ lệ thuộc người khác trăm phần trăm. Thực ra xí nghiệp nào muốn tiến triển đều hòa, tất phải tôn trọng nhân cách của con người, nhưng dầu sao ban giám đốc cũng phải thống nhất, là điều kiện cần thiết để cho mọi việc chạy xuôi và kết quả nhiều. Nhưng không phải vì thế mà công nhân phải cứ ngày nào ngày ấy làm việc im lặng như một cái máy, không được phát biểu ý kiến, không rút kinh nghiệm, bao giờ cũng thụ động tuân theo ý định của ban giám đốc chia công tác và tổ chức công việc cho họ.
93. Sau hết, chính nhân tính đòi cho công nhân quyền lãnh nhận những trọng trách trong xí nghiệp của họ. Việc ấy lại rất thích hợp với đà tiến hiện tại của kinh tế, xã hội và quốc gia nữa.
94. Tội nghiệp thay ngày nay nền kinh tế xã hội đã quá chênh lệch, nên hay vi phạm công bằng và nhân đạo. Cũng có bao tà thuyết khuếch trương mạnh về mục đích, tổ chức và phận vụ kinh tế. Nhưng dầu sao đà tiến bộ của khoa học và kỹ nghệ cứ tiến hóa, đổi mới và phát triển theo một tốc độ nhanh chóng lạ lùng. Thành ra công nhân cần phải có năng lực và tài chuyên nghiệp hơn trước nhiều. Phải dành cho họ đủ phương tiện và thời giờ học tập, để họ mỗi ngày một biết rộng hơn, thêm văn hóa hơn và nhiệt thành với phận sự tu đức cùng tôn giáo hơn.
95. Ngày nay xã hội đủ phương tiện để kéo dài thời kỳ giáo dục và tu nghiệp cho các công nhân còn thiếu niên.
96. Nhờ vậy công nhân sẽ càng ngày càng đủ điều kiện gánh vác những trọng trách của họ đối với xí nghiệp đã nhận họ làm việc. Chính quyền cũng nên đánh thức công dân đủ mọi tầng lớp xã hội về phần trách nhiệm họ phải đảm nhận đối với công ích.
Những công đoàn tham gia vào vận mệnh quốc gia
97. Ai cũng nhận thực các công đoàn ngày nay đều phát triển rất nhiều. Sự thường các công đoàn ấy cũng được pháp luật quốc gia chuẩn y, và những tổ chức quốc tế chấp nhận. Các công đoàn phần nhiều không còn xúi giục công nhân phải tranh đấu nữa; nhưng, một phải cộng tác với chủ nhân, nhờ những khế ước hiệp đồng. Một điều cần thiết, hay ít nhất rất thích thời; là mong cho công nhân rộng quyền, góp ý kiến và gây ảnh hưởng cả ở ngoài xí nghiệp của họ, đến bất cứ đoàn thể xã hội nào.
98. Ngày nay xí nghiệp nào, bất phân tổ chức, năng lực, ảnh hưởng quốc gia lớn, nhỏ, nhiều, ít thể nào, cũng nhập vào tổ chức xã hội kinh tế quốc gia.
Xí nghiệp phồn thịnh hay sút kém tùy theo tổ chức đó
99. Nhưng định số phận của nền kinh tế quốc gia, không phải là quyền riêng của từng cơ quan sản xuất đâu. Đó là quyền chung của chính phủ, và các cơ cấu phụ trách của từng chi tiết của nền kinh tế, hoặc quốc gia hoặc quốc tế.
Thành ra, một điều rất nên mà lại rất cần nữa, là dành cho công nhân hay những người bênh hộ quyền lợi, nhu cầu và xu hướng công nhân, một chỗ ngang hàng với các chủ nhân và đại diện của họ bên chính quyền và các cơ cấu nói trên.
Nghiệp đoàn công nhân
100. Trước hết Ta phải đem hết tâm tư và tình cha con, mà nhìn đến những hội đoàn công nhân liên nghệ và các nghiệp đoàn lao công, đã lấy học thuyết công giáo làm căn bản và đang hành động ở khắp năm châu. Ta quên sao được những công lao anh em đã gánh vác, những trở lực anh em đã lướt thắng; hoặc trong phạm vi quốc gia, hay trong phạm vi quốc tế để bênh vực quyền lợi và cải thiện số phận vật chất lẫn tinh thần của công nhân một cách hữu hiệu liên tục.
101. Những người ấy còn đáng khen nữa, vì những kết quả họ đã thu lượm không những rực rỡ tức thời, mà lại gây ảnh hưởng đến cả giới lao công. Bằng cách phổ biến ra những nguyên tắc lành mạnh về lý thuyết và thực hành công giáo. Nhờ họ, đạo công giáo càng ngày càng ảnh hưởng rộng xa thánh thiện.
102. Ta cũng rất tán thành sự nghiệp của các con quý yêu, tinh thần công giáo cao xa, đã hoàn tất một công việc rất quan trọng, ngay trong những nghiệp đoàn không công giáo, nhưng trong tôn trọng luật thiên nhiên và công nhận quyền tự do tôn giáo và luân lý của các nhân viên.
103. Sau hết Ta thật tình thán phục tổ chức lao động quốc tế (OIT) đã từ mấy mươi năm đem hết tài lực và khôn khéo tìm chấn hưng một nền kinh tế xã hội công bằng và nhân nghĩa ở khắp thiên hạ. Nhờ vậy, những quyền lợi chính đáng của công nhân mới được tôn trọng.
Quyền tư hữu
Phân tách sở hữu và quyền hành
104. Trong những năm vừa qua ai cũng đã nhận thấy các xí nghiệp tìm cách tách biệt quyền hành, vốn chỉ huy mọi công việc, và quyền sở hữu của các cổ phần viên cấp vốn. Vì vậy chính quyền gặp phải bao trở lực. Làm sao mà biết được vật đích ban chỉ huy các xí nghiệp, nhất là các xí nghiệp ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế quốc gia, không bao giờ phạm đến công ích mà chính quyền vốn phải bảo vệ? Xét theo kinh nghiệm, trở lực trên vẫn còn nguyên vậy, không cứ gì tư bản cần thiết cho các xí nghiệp lớn do tư nhân hay do các tổ chức công cung cấp cho.
Sống yên vì tổ chức bảo hiểm và nghề chuyên môn
105. Một điều chắc chắn, là ngày nay nhờ có những hội bảo hiểm và những sở cứu tế xã hội, thì số người hướng về tương lai một cách yên trí và bình thản càng ngày càng đông. Xưa kia chỉ có những người có tài sản, dầu là một tài sản nhỏ bé đến đâu, mới sống được bình thản như vậy.
106. Ngày nay cũng có những người không thèm có sở hữu riêng, một chỉ mong có nghề nghiệp chuyên môn. Người ta tin ở những hoa lợi do một chuyên nghiệp gây nên, hay là quyền lợi do cần lao mà có, hơn cả những ân huệ hay những quyền lợi chỉ căn cứ vào tư bản.
107. Thái độ ấy biểu diễn nhân cách của cần lao. Cần lao từ ở con người phát xuất. Thành ra nó quý hơn cả sự giầu sang hay mọi của phú quý khác, vốn chỉ nâng đỡ con người từ bên ngoài mà thôi.
Đó là một bằng chứng rõ ràng, nhân cách đã phát triển nhiều trong con người hiện tại
108. Bởi thế ngày nay đã không thiếu gì người thắc mắc rằng: Thời thế hoàn cảnh đã biến đổi nhiều, không biết nguyên tắc kinh tế xã hội các Đức Tiên Giáo Hoàng đã công bố xưa còn đủ sức mạnh để bênh vực quyền sở hữu tự nhiên của con người đến các vật phẩm và các khí cụ sản xuất; Không biết những nguyên tắc ấy còn giá trị và hiệu lực như xưa chăng?
Quyền sở hữu vẫn có giá trị
109. Nhưng thắc mắc làm gì? Vì là vô lý...
Quyền tư hữu gồm cả những khí cụ sản xuất, đời nào cũng có giá trị, vì là quyền thiên nhiên bất tử. Con người có trước, xã hội có sau. Nên mọi tổ chức xã hội đều quy về con người là cùng đích. Ngoài ra đã nhận quyền tự do hành động của từng người trong phạm vi kinh tế, tất nhiên cũng phải nhận rằng: Tư nhân cũng tự do chọn lựa và hưởng dụng đủ mọi phương tiện cần thiết để thể hiện quyền ấy. Kinh nghiệm và lịch sử cũng dạy rằng: Hễ chính phủ nào chối không cho tư nhân dùng quyền đến những khí cụ sản xuất, thì chính phủ ấy cũng phạm đến hay bài trừ mọi quyền tự do căn bản khác. Như vậy đủ rõ, quyền tư hữu bảo đảm và củng cố đủ mọi quyền tự do của con người.
110. Như vậy ta mới hiểu những thay đổi lạ của bao phong trào và tổ chức xã hội chính trị quyết dung hòa tự do và công bằng: Trước, họ nhất định bài trừ quyền tư hữu đến các khí cụ sản xuất. Sau, vì xã hội đã biến chuyển, họ rút kinh nghiệm đổi ý, và sẵn sàng công nhận quyền tư hữu ấy.
111. Về vấn đề đó, Ta đồng ý với Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII, và nhắc lại những huấn lệnh của Ngài rằng:
Giáo hội bênh vực quyền tư hữu, đã có một mục đích cao siêu, vừa xã hội vừa luân lý. Giáo hội chẳng có ý duy trì tình trạng hiện tại, nguyên vì lý do ấy thể hiện thánh ý Chúa. Giáo hội cũng không nghiêng ngả về bên kẻ giầu sang quyền thế, mà bỏ mặc kẻ nghèo hèn người vô sản đâu.
Trái lại Giáo hội chỉ quyết cải hóa chế độ tư hữu cho thích hợp với ý định của Chúa và cân xứng với nhân cách con người hơn.
Quyền tư hữu vốn bảo đảm quyền tự do của con người, và nói được là một yếu tố thiết yếu của một tổ chức xã hội chính đáng.
112. Vì ở rất nhiều nước ngày nay, nền kinh tế được nâng cao vì năng lực sản xuất phát triển mau chóng lạ lùng; thì công bằng hợp tác với nhân đạo cũng đòi tăng lương bổng công nhân cho cân xứng, và tùy theo luật mực công ích chỉ định.
Phổ biến quyền dùng sở hữu
113. Quyền tư hữu bao quát cả khí cụ sản xuất nhất định là quyền tự nhiên. Quả quyết điều ấy là phải, nhưng vẫn chưa đủ. Ta phải cố gắng cho mọi tầng lớp xã hội hưởng dụng được quyền tư hữu quý hóa này.
114. Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII công bố rằng: Nhân cách đòi hỏi ở từng người phải có quyền tư hữu đến mọi của quý đời này, làm căn bản của một đời sống xứng đáng. Kèm theo đó lẽ dĩ nhiên có một nghĩa vụ, là liệu làm sao cho từng người có một sở hữu riêng. Đàng khác vì cần lao có giá trị đặc biệt, thì xã hội phải tổ chức làm sao cho cả giai cấp công nhân cũng đủ điều kiện chiếm lấy một phần sở hữu, cho dù sở hữu ấy bé nhỏ đến đâu đi nữa.
115. Không bao giờ bằng bây giờ, ta phải tuyên bố rằng: Phải lo liệu cho số người được hưởng quyền tư hữu trong xã hội càng ngày càng tăng thêm đông. Lý do là vì, những dân nước đang tiến triển về kinh tế, mỗi ngày một nhiều hơn. Bởi thế ai khéo dùng những kỹ thuật kinh tế hiệu nghiệm ngày nay, thì rất có thể gây nên một chính sách xã hội kinh tế thuận tiện cho số người có sở hữu riêng thêm đông mãi, ít nhất cho ai nấy cũng có nhà ở, đất ruộng, đồ dùng nhà tiểu công nghệ, nông trại gia đình, hay cổ phần trong các trung, đại xí nghiệp, như đã thấy có ở những nước kinh tế xã hội tiến bộ hơn.
Quyền công hữu
116. Đành rằng quyền tư hữu ở trên là quyền tự nhiên của từng người, nhưng chính phủ và các công sở cũng có thể giữ độc quyền trong những cơ cấu sản xuất có kèm theo một chuyên quyền kinh tế, mà khi tư nhân chiếm hữu sẽ làm nguy hại đến công ích.
117. Khuynh hướng đời ta là đòi mở rộng các sở hữu dành cho công quyền. Lý do vì công ích buộc chính phủ phải có những công quyền rộng rãi hơn. Nhưng dầu sao cũng cần phải nại đến nguyên tắc bảo trợ ta đã đề cập đến ở trên: Chính phủ và các công sở chỉ có thể đòi quyền hành tùy theo những đòi hỏi của công ích. Những mưu kế hạn chế hay tệ hơn nữa bài trừ quyền tư hữu đều phải xa tránh.
118. Sau hết, kẻ phụ trách mọi công cuộc kinh tế của chính phủ hay của các công sở đều phải là những người tài trí lỗi lạc, chuyên môn đặc sắc liêm chính và trung nghĩa không ai hồ nghi được. Chính quyền còn phải theo dõi, kiểm soát liên tục, ân cần tất cả các hành động của họ để tránh khỏi những chuyên quyền kinh tế quốc gia, dần dần rút vào trong tay một số tư nhân ưu thế, là một tai hại lớn cho công ích quốc gia.
Quyền tư hữu với trách vụ của nó
119. Các Đức Tiên Giáo Hoàng đã không ngừng nhắc đến trách vụ xã hội của mọi quyền tư hữu. Theo ý Chúa tiền định, mọi vật phẩm thiên nhiên, đều có mục đích là cung cấp đủ nhu cầu cho toàn thể nhân loại: Trong bức thông điệp RN của Đức Lêô XIII có câu: (RN, 19)
120. “Không phải vì trách chính phủ và các sở mỗi ngày một mở rộng mà trách vụ của quyền tư hữu ngày càng biến đi. Trách vụ ấy từ ở quyền tư hữu phát xuất ra. Ngoài ra đời nào cũng đã từng có những tình trạng đau thương những nỗi hàn vi cơ cực, chính phủ không sao biết được, nên cũng không sao hàn gắn được. Phạm vi mở rộng cho lòng từ thiện, và đức bác ái công giáo vẫn còn mênh mông bát ngát... Nhất là để thỏa mãn những nhu cầu phần hồn công quyền không thể nào đem lại hiệu lực bằng những hành động tư nhân, và các nghiệp đoàn tư nhân”.
121. Quyền tư là quyền tự nhiên và chính đáng. Phúc âm nhấn mạnh vào điều đó rất nhiều. Nhưng mặt khác, Chúa Kitô luôn tha thiết yêu cầu kẻ giàu sang, hãy biến đổi của cải đời này nên những của quý đời sau bằng cách san sẻ kho vàng của họ với những người nghèo khổ.
“tích trữ kho tàng dưới đất làm gì ! Mối mọt gỉ sét, sâu bọ sẽ nuốt dần. Kẻ trộm đào ngạch lấy đi. Chúng con hãy tích trữ kho tàng trên trời là chỗ không lo gỉ sét, không ai lấy trộm được”.
Chúa Kitô lại tuyên bố: “Bố thí cho kẻ nghèo tức là bố thí cho Thầy”. “Nếu lần nào chúng con thi ân cho kẻ hèn kém nhất trong anh em là chúng con thi ân cho chính mình Ta”.