Thông Điệp

Saturday, 04 April 2020 15:46

Thông Điệp Haurietis Aquas In Gaudio (Sẽ Hoan Vui Múc Nước) Của ĐGH Pi-ô XII (Ngày 15-05-1956) Featured

THÔNG ĐIỆP HAURIETIS AQUAS IN GAUDIO

(SẼ HOAN VUI MÚC NƯỚC)

VỀ VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

***

Đức Thánh Cha Pi-ô XII (1938 -1958)

***

BỐ CỤC THÔNG ĐIỆP

 

☼ TÁC GIẢ THÔNG ĐIỆP: Đức PIO XII Giáo Hoàng 1938 -1958

☼ TÊN THÔNG ĐIỆP: Haurietis Aquas in Gaudio (sẽ hoan vui múc nước)

☼ NGÀY BAN HÀNH: 15 tháng 5 năm 1956.

☼ CƠ QUAN PHỔ BIẾN: Công giáo Osservatore Romano của Toà Thánh Vatican.

CHƯƠNG I: Nền tảng việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Cựu Ước

a – Tín Hữu cần am hiểu đúng bản chất của việc Tôn Sùng Thánh Tâm.

b – Thông Điệp nghiên cứu bản chất việcTôn Sùng Thánh Tâm.

c - Hình ảnh việc Tôn Sùng trong Cựu Ước.

CHƯƠNG II: Nền tảng việc Tôn Sùng trong Cựu Ước và truyền thống

a – Tình Yêu của Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.

b – Ba thứ Tình Yêu nơi Đức Kitô: Thần Tính, Thiêng liêng, Khả Giác.

c - Tiếng nói truyền thống các Giáo Phụ.

CHƯƠNG III: Thánh Tâm Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc

a – Thánh Tâm Chúa Giêsu biểu hiện tình thương hoàn hảo.

b - Các hồng ân của Thánh Tâm Chúa Giêsu: Bí Tích Thánh Thể, Đức Maria, việc Tế Lễ, Giáo Hội và các Bí Tích, Thánh thần hiện xuống.

c - Tôn Thờ Thánh Tâm là Tôn Thờ Ngôi Hai Nhập Thể.

CHƯƠNG IV: Phát nguyên và tiến trình việc Tôn Sùng Thánh Tâm

a - Phát sinh từ việc Tôn Kính các thương tích Chúa Giêsu.

b - Tiến triển qua thời trung cổ đến Maria MARGUERITE .

c - Toà Thánh Vatican ban hành lễ Thánh Tâm Chúa giêsu.

d - Việc Tôn Sùng Thánh Tâm có tình cách thiêng liêng siêu việt.

CHƯƠNG V: Thực hành việc Tôn Sùng Thánh Tâm một cách sáng suốt và sâu rộng

a - Khuyến khích tìm hiểu và thực hành việc Tôn Sùng Thánh Tâm.

b - Việc Tôn Sùng đáp ứng nhu cầu hiện đại của Giáo Hội.

c – Việc Tôn Sùng với Ơn Cứu Chuộc Thế Giới ngày nay.

KẾT LUẬN

Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và lòng Tôn Kính Trái Tim Vẹn Sạch của Đức Trinh Nữ Maria. Chúc mừng đệ nhất bách chu niên Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (1856-1956) và niềm hy vọng lớn.

***

CHƯƠNG I

NỀN TẢNG VÀ HÌNH ẢNH

VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU TRONG THỜI CỰU ƯỚC

 

I- Quan niệm xác đáng về việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu

Giáo Hội hằng đánh giá rất cao việc Tôn Thờ Trái Tim Chúa Giêsu, và quảng bá khắp nơi, cổ võ bằng nhiều cách, và xử dụng cả uy thế của mình để bảo vệ sự Tôn Thờ này: Chống lại các chủ nghĩa Duy nhiên và Duy Cảm.

Tiếc thay, trong quá khứ cũng như thời nay, sự Tôn Thờ cao cả này vẫn chưa được quý trọng đúng mức. Nhiều người, chẳng những không nhìn thấy sự Tôn Thờ này là nguồn lực hữu hiệu, để canh tân cải thiện đời sống người Kitô hữu, về phương diện gia đình, xã hội mà lại còn cho đó là một việc đạo đức nặng tình cảm hơn là lý trí.

II– Giáo huấn các vị Giáo Hoàng

Đức tiền nhiệm LEO XIII – 1878-1903 đã cam đoan việc Tôn Thờ Thánh tâm là:

“Hình thức phụng sự cao quý nhất”. Ngài còn công nhận đây là một loại thần dược chữa lành những chứng bệnh đang bức bách làm đau khổ cá nhân và toàn thể xã hội.

Ngay Đức PIO XI 19I2-1939 Đấng Ta kế vị trực tiếp, trong một thông điệp đã viết: “Nơi hình thức Tôn Thờ này, người ta đã chẳng tìm thấy được bản toát yếu của toàn bộ KiTô Giáo hay sao?. Và cả quy luật đời sống toàn thiện, hướng dẫn các linh hồn đến chỗ hiểu biết Đức Kitô và yêu mến Ngài một cách nồng nhiệt hơn hay sao?

Đối với Ta, Ngay ngày đầu triều đại Giáo hoàng, Ta đã vô cùng hoan hỷ trước sự bành trướng tốt đẹp của việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu Quả vậy, nhiều công trình đã được khởi xướng để canh tân và thích nghi việc Tôn Thờ này. Như các hiệp hội nâng cao giáo dục, văn hoá, Tôn giáo, Bác ái, những ấn phẩm về lịch sử, tu đức, làm sáng tỏ học thuyết về việc Tôn Sùng này.

Ngoài ra những tổ chức về Đền Tạ, biểu lộ lòng đạo đức sốt sắng do:” Đại Hội Tông Đồ Cầu Nguyện” đề xướng lên. Nhờ sự thúc đẩy của Đại Hội này, mà nhiều gia đình, học đường, công sở và ngay đến quốc gia, đã tự dâng hiến cho Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

III– Tình Yêu Thiên Chúa

o Căn bản của việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Khi chứng kiến được dòng nước ơn cứu độ chan chứa phi thường, tức là Hồng Ân của TÌNH YÊU THIÊN CHÚA, phun vọt ra từ Trái Tim Đấng Cứu Chuộc, đổ tràn đầy trên con cái Giáo Hội, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.

Ta chỉ biết, với tấm lòng tri ân kêu mời Chư Huynh, hợp cùng Ta cao tiếng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa hằng quảng đại ban ơn.

Nhưng sau khi đã hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, Ta kính mời Chư Huynh, và tất cả con cái thân yêu của Giáo Hội có trong tâm trí lý do:

Tại sao Giáo Hội phải thờ phượng Trái Tim Đấng Cứu Chuộc, mới hy vọng hiểu được giá trị những bản văn từ Cựu Ước, liên quan đến việc Tôn Thờ này, và như Chư Huyng thừa rõ có hai lý do:

Thứ nhất : Trái Tim Chúa Giêsu, một chi thể đặc biệt cao quý của Nhân Tính Ngài đã “Hợp thành một thể cùng Ngôi Lời Thiên Chúa “Đó là nguyên nhân việc thờ phương Trái Tim Chúa Giêsu, như chính Giáo Hội hằng dâng lên cho con Thiên Chúa Nhập Thể,... Đây là một tín điều đã được long trọng tuyên bố tại Công Đồng ÊPHÊSÔ và Công đồng CONSTANTINOPLE.

Lý do thứ hai: Bởi vì hơn tất cả mọi thành phần khác của thân thể mình Chúa, Trái Tim Ngài là biểu hiệu tự nhiên của TÌNH YÊU vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại.

IV– Hình ảnh trong Cựu Ước

Giao Ước giữa Thiên Chúa ký kết với dân Ngài, trên cơ sở tình yêu cao cả, cho nên không phải là sự sợ hãi các hình phạt do sấm chớp trên đỉnh núi Sinai, đã gieo vào lòng dân, nhưng chính là TÌNH YÊU giữa họ đối với Thiên Chúa, như đã chép rằng:

“Hãy nghe, Hỡi ISRAEL Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất, Ngươi sẽ yêu mến YAVÊ, Thiên Chúa ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết sức ngươi, Các lời Ta truyền cho ngươi hôm nay, hãy ở trong lòng ngươi”.

Vì thế không nên ngạc nhiên khi thấy Moisen và các Tiên Tri mô tả mọi liên lạc giữa Thiên Chúa và dân Người, như tình tương thân giữa Cha –Con, giữa vợ chồng. Để mừng cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, Moisen đã cất lên bài ca lừng danh:

"Như đại bàng canh tổ chim con, là là trên đàn chim dại, Ngài đã trương cánh mà nhắc nó lên, và đỡ lấy nó trên bộ lông của Ngài.”

Ngôn Sứ ÔDê đã minh chứng Thiên Chúa giàu lòng Thánh Thiện, hằng yêu thương dân tộc được tuyển chọn, cho dù bị phản bội, hay xảo trá vô ơn: ”Thuở ISRAEL thơ bé Ta đã mến thương, và từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta. Chính Ta đã tập đi cho Ephraim. Ta bồng bế chúng trên cánh tay Ta. Nhưng chúng nào có biết chúng được Ta chăm sóc. Ta lôi kéo chúng bằng sợi dây tình người, với thừng chão yêu đương. Sự phản phúc của chúng, Ta đã chữa lành, cơn giận của Ta đã hối lại. Ta là sương móc cho Israel, như huệ, nó sẽ trổ hoa như rừng Liban, nó sẽ đâm rễ.”

Tiên tri Isia nói lên cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân riêng của Ngài như sau:

"Sion đã nói: Yavê đã bỏ rơi tôi, Thiên Chúa đã quên tôi.”

“Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, và cạn lòng thương đối với con nó đã mang, cho dù chúng quên, thì Ta, Ta sẽ không quên ngươi!”

Sách Diệu Ca viết những lời rất cảm động: “Như huệ giiữa gai góc, cũng vậy bạn của tôi giữa các thiếu nữ. Tôi thuộc về người yêu của tôi, và người yêu của tôi thuộc về tôi."

Tiên Tri Giêrêmia đã loan báo những kỳ công đầy thương xót của Thiên Chúa:” Ta đã yêu ngươi với một tình yêu vĩnh cửu; bởi thế với ngươi Ta đã giữ bền lòng ân nghĩa.”

“Nay đã đến ngày Ta sẽ ký kết với nhà Israel, và nhà Giuđa một giao ước mới. Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng, Ta sẽ viết lên trái tim chúng, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng; và Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng.”

***

CHƯƠNG II

NỀN TẢNG VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

TRONG TÂN ƯỚC VÀ CHÌNH TRUYỀN

 

I- Lòng mến của Thiên Chúa theo Tân Ước

Giao Ước Moisen thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Israel là dấu chỉ, là biểu tượng theo như Tiên Tri Giêrêmia tiên báo.

Giao Ước mới được Ngôi Lời Nhập Thể thành lập và kiện toàn: Ngài là đấng đã đem ơn giảng hoà lại cho nhân loại. Tân Ước không phải được ký kết bằng máu chiên bò, nhưng chính bằng Máu cực Thánh của: ”Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Giao Ước này không căn cứ trên sự thần phục và sợ hãi; trái lại trên tình yêu giữa người Cha và con cái.

Bởi vậy, CHƯ HUYNH ĐÁNG KÍNH!

Chúng Ta nên dừng lại một lúc tại đây để chiêm ngưỡng mầu nhiệm này, và thấm nhuần ánh sáng xuất phát từ Tin Mừng. Chúng ta đã thấy được sự thực hiện nguyện vọng của Thánh Phaolô - Vị Tông đồ dân ngoại – bày tỏ trong thư gửi cho Giáo Đoàn Êphêsô:

“Chớ gì Đức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi lòng tin ngõ hầu đã đâm rễ sâu, và có nền tảng trong lòng mến, anh em được biết lòng mến của Đức KiTô siêu vời, vượt qua trí khôn, và anh em được sung mãn, hòng được vào trong tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (3,71-19).

Mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta, trước tiên là một Mầu Nhiệm Tình Yêu: Tình yêu của Đức Kitô đối với Cha trên trời:

* Ngài đã dâng lên Cha Hy Lễ thập giá với trọn tấm lòng vâng phục.

* Ngài đã dâng lên Cha việc đền bồi, phạt tạ vô cùng dư dật vì tội lỗi nhân loại.

Thánh TôMa tiến sĩ đã viết: “Đức Kitô đã đau khổ vì yêu mến và vâng phục, đã dâng lên Thiên Chúa một lễ vật có già trị lớn lao hơn việc đền bồi mà tội lỗi nhân loại đòi hỏi.”

Đó cũng là Mầu Nhiệm Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả, và của Chúa cứu thế đối với loài người. Loài người hoàn toàn bất lực để tự đền bồi tội lỗi của mình.

Đức Kitô, nhờ công nghiệp phong phú vô lường của Ngài, khi đổ hết Máu Châu Báu ra, đã tái lập và kiện toàn Giao ước thân hữu giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Biết bao nhiêu lần Giao Ước thân hữu này đã bị vi phạm: Lần đầu tiên tại vườn Địa Đàng, do tội nguyện tổ Adong, và những lần khác nữa do vô số tội lỗi của dân Chúa đã chọn.

Với tư cách là đấng trung gian chính thức, Đức Kitô đã kiện toàn việc giảng hoà giữa nghĩa vụ và nợ nần của loài người chúng ta với các đòi hỏi của quyền Thiên Chúa: Chính Đức Kitô là tác giả sự hoà giải cực kỳ tuyệt diệu giữa sự công bằng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là Mầu Nhiệm cứu rỗi vô cùng siêu việt cho chúng ta.

Về điểm này, Thánh Tiến sĩ Thiên Thần phát biểu thâm thuý như sau: ’Thiên Chúa dùng sự đau khổ của Đức Kitô để cứu độ con người, thật là một cử chỉ rất thuận hợp với lòng THƯƠNG XÓT và sự CÔNG THẲNG của Người.

* Hợp với LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa: Bởi con người, không thể bởi tự khả năng mình, đền bù tột lỗi cả loài người. Cho nên Thiên Chúa đã thương ban cho một vị cứu tinh, nơi chính CON MỘT của NGƯỜI.

Chính hành động này nói lên lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa, còn hay hơn là, nếu Thiên Chúa chỉ ban ơn tha thứ, nhưng lại không đòi sự đền bồi.

* Hợp với phép công thẳng: Bởi do cuộc thương khó mà Đức Kitô đã đền hết tội lỗi nhân loại, và nhờ sự công chính của Đức Kitô, mà con người được giải phóng.

* Thánh Phaolô đã viết: "Thiên Chúa Đấng giàu LÒNG THƯƠNG XÓT hằng được thúc đẩy bởi tình yêu vô biên đối với chúng ta, ngay cả khi chúng ta đã chết trong tội lỗi, thì Ngài lại làm cho chúng ta được tái sinh với Đức Kitô.”

II- Ba Tình Yêu nơi Chúa Cứu Thế: Thần Linh, Thiêng Liêng, và Khả Giác

Để chúng ta có thể thực sự - tuỳ khả năng con người phàm của chúng ta - hiểu được mọi chiều rộng, dài, cao, sâu của Tình yêu Huyền Nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, đối với Cha trên trời, với nhân loại hoen ố vì tội luỵ thì cần phải lưu ý đến điểm này:

Tình yêu của Đức Kitô không phải chỉ là Tình Yêu Thần linh, bởi nó thuộc bản tính Thiên Chúa , như đã viết: "Thiên Chúa là Thần khí”. Thiên Chúa đã yêu thương ông bà nguyên tổ chúng ta bằng chính tình yêu này.

Trái lại, tình yêu được toả khắp Phúc Âm, khắp các Thánh Thư của các Tông đồ, và những mô tả tâm linh của Trái Tim Chúa Giêsu trong sách Khải Huyền, thì không phài là Thần Thiêng mà thôi, mà còn gồm tình yêu thương của cả một con người nữa, tức là tình yêu của Ngôi Lời Nhập Thể.

Quả Thật, Ngôi Lời Nhập Thể không phải mặc lấy một thân xác giả tạo. Đức Kitô là Ngôi Lời đã được kết hợp với một nhân tính, đầy đủ và hoàn hảo, được cưu mang trong cung lòng cực sạch của Đức Trinh Nữ Maria, do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây là một chân lý mà Giáo Hội, qua các vị Giáo Hoàng, qua các Công Đồng chung, đã long trọng tuyên bố và không ngừng xác nhận: ”Nơi Đức Kitô. Thần tính thật là hoàn hảo. Toàn cả Thiên Chúa làm người; và toàn cả con người được Thiên Chúa hoá”

Đức Kitô đã mặc lấy một thân xác thực sự, gồm đủ tất cả mọi tâm tình tự nhiên, đặc biệt là tinh thần trổi vượt hơn hết, thì Ngài phải có một trái tim thật, như trái tim chúng ta. Cho nên trong kinh cầu có câu: ”Trái Tim Chúa Giêsu hợp thành một thể cùng với ngôi hai Thiên Chúa”

Trái tim Chúa Giêsu chắc chắn đã nhảy đập vì yêu thương và vì những tình cảm khác. Nhưng tất cả tâm tình ấy lại hòa hợp với nhau với ý chí thuộc nhân tính đã thấm nhuần lòng mến của Thiên Chúa ban, vừa với chính tình yêu thần linh của Thiên Chúa (tình yêu mà Chúa Con thông chia cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần).

Sự hòa hợp giữa ba tình yêu ấy, hoàn toàn đến nỗi không gì có thể bất ổn xảy ra.

III- Các Giáo Phụ Là Những Chứng Nhân Của Giáo Lý Mạc Khải

Họ đã lãnh nhận rất hoàn hảo điều mà Thánh Phaolô khẳng định: Mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa vừa là nguyên thủy, vừa là tột đỉnh của Mầu Nhiệm Nhập Thể Và Cứu Chuộc.

Thánh JUSTINO đã viết: chúng ta thờ lạy và yêu mến NGÔI LỜI, con Thiên Chúa. Ngài đã làm người vì chúng ta, để khi tham dự vào sự yếu đuối của chúng ta, Ngài đem đến cho chúng ta phương thuốc trị liệu.

Thánh BAXILIO, khẳng định: nơi Đức Kitô có những tình cảm chân thực và thánh thiện. Hiển nhiên là Ngài đã tìm thấy những tình cảm tự nhiên, để minh chứng việc nhập thể của Ngài là xác thực,chứ không phải là huyền hoặc.

Thánh GIOAN KIM KHẨU quả quyết: Những cảm xúc khả giác Đức Kitô, kinh nghiệm được chứng tỏ là Ngài đã mặc lấy nhân tính trọn vẹn. Nếu Ngài không đồng nhân tính như chúng ta, chắc chắn Ngài đã không hai lần xúc động trước cảnh tang thương.

Trong số các giáo phụ Latinh, cần nhắc đến những vị mà ngày nay Hội Thánh tôn kính như các bậc Đại Tiến Sĩ.

Thánh AMROSTO: Minh chứng là những cảm xúc của Ngôi Lời nhập thể phát sinh một cách tự nhiên từ nhân tính mà Ngôi Lời đã kết hợp. Vì thế khi mặc lấy linh hồn, Ngài cũng mang lấy những tính chất của linh hồn. Chứ thực ra Thiên Chúa tự Ngài đâu có thể xúc động hay chết được.

Thánh HIERONIMO: Căn cứ vào sự hiện diện các tình cảm của Đức Kitô, quả quyết là Ngài thực sự mặc lấy nhân tính. Đức Kitô chịu sự đau khổ là để xác định bản tính con người của Ngài.

Thánh AUGUSTINO: Đặc biệt chú tâm đến sự hòa hợp giữa những tình cảm Ngôi Lời Nhập Thể và mục đích công trình cứu chuộc. Nếu Đức Giêsu đã mặc lấy bản tính nhân loại yếu hèn, và ngay cả cái chết của nó, không phải có những đòi hỏi của thân phận Ngài, nhưng là do ý muốn nhân lành của Ngài. Ngài muốn làm sáng tỏ nơi nhiệm thể của Ngài, tức là: Giáo Hội, mà Ngài là đầu, và các chi thể của Ngài là các Thánh và Tín hữu.

Bởi vậy, nếu có ai trong họ gặp thử thách, phải buồn phiền, đau khổ, thì chớ nên nghĩ mình bị thất sủng, hay vì tội lỗi, nhưng đó chỉ là dấu chỉ nói lên sự yếu đuối của con người mà thôi. Kẻ ấy phải nên theo sát gương Chúa Giêsu là đầu.

***

CHƯƠNG III

TRÁI TIM CHÚA GIÊSU VÀ CÔNG TRÌNH CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI

 

I- Trái Tim Chúa Giêsu Biểu Tượng Tình Thương Hoàn Hảo

Từ những trang Phúc Âm, soi chiếu chúng ta, nhờ đó chúng ta tiến sâu vào cung điện Trái Tim Chúa Giêsu, để cùng với Thánh Phaolô ca tụng: sự ca tụng phong phú khôn tả của ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, trong Đức Kitô do lòng nhân hậu của Người.

Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu đã có ngay hai tình yêu thuộc nhân tính và thần tính, vừa khi Đức Trinh Nữ Maria thưa hai tiếng: “xin vâng”, và khi ấy theo lời Thánh Phaolô ngôi lời Thiên Chúa bước vào trần gian và nói: “Hy sinh và lễ vật cha chẳng màng, nhưng Cha đã tạo nên thân xác cho Con. Các lễ toàn thiêu và tạ tội, Cha chẳng đoái, nên con xin thưa: này con đến (như trong sách đã viết về Con) để thi hành ý muốn của Cha, lạy Cha”

Chính trong ý muốn này mà chúng ta được tán thành, nhờ việc Đức Giêsu Kitô đã dâng hiến mình, duy chỉ một lần.

Tại gia đình Nazaret, cũng chính lòng mến ấy, và các tâm tính thuộc nhân tính và thần tính, hằng được hòa hợp với nhau, mà Chúa Giêsu đã đàm đạo với mẹ hiền, với dưỡng phụ Giuse mà Ngài hằng giúp đỡ tuân phục, trong những lúc ấy Ngài cũng sống với ba thứ tình yêu đã đề cập ở trên. Chính những tình yêu này đã thúc đẩy Ngài:

- Thực hiện những cuộc hành trình vì sứ vụ tông đồ

- Làm những phép lạ, chữa lành mọi bệnh tật cho kẻ sống lại

- Chịu vất vả chịu đói khát, thức đêm cầu nguyện với Cha trên trời

- Giảng dạy, giải thích các dụ ngôn: Về con chiên lạc, đứa con hoang đàng, đồng bạc bị mất.

Chính lòng Thiên Chúa được bộc lộ trong việc làm và lời nói ấy.

Nhưng tình yêu Trái Tim Chúa dạt dào hơn nữa, khi chính Ngài thốt ra những lời yêu thương nồng nàn, như khi thấy đám đông mệt mỏi và đói lả, Ngài liền lớn tiếng: “Ta xót thương đám đông này”

Khi nhìn thấy thành Giêrusalem mà Ngài yêu quí bị mù quáng và tội lỗi, nên sẽ bị triệt hoàn toàn: “ hỡi Giêrusalem! Giêrusalem! ngươi giết hại các Tiên Tri, và ném đá những kẻ đã được sai đến cùng ngươi. Bao lần ta muốn quy tụ con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, nhưng người đã không muốn”.

Đứng trước những cảnh buôn bán diễn ra trước Đền Thánh, Trái Tim Người vừa thiết tha yêu mến Cha, vừa nổi cơn thịnh nộ: “Như đã viết rằng: Nhà ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi biến nó thành hang trộm cướp”.

Trái tim Ngài còn xúc động vì sợ hãi, khi thấy giờ thống khổ đến gần, nên đã kêu lên: “Lạy Cha nếu có thể được xin cho chén này qua đi khỏi con”.

Khi bị đóng đinh trên Thập Giá, Ngài mới để lộ Trái Tim sôi động, nào thiết tha yêu mến, nào xót thương, nào khắc khoải, xao xuyến… tất cả những tâm tình ấy nói lên nhữngcâu đầy nghĩa:

- Lạy Cha xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm!

* Lạy Thiên Chúa nhân sao Cha bỏ con!

* Quả thật! quả thật ! Ta bảo ngươi: hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với ta!

* Lạy Cha! Con ký thác hồn con trong tay Cha!

II– Hồng Ân Của Chúa Giêsu: Bí Tích Thánh Thể: Đức Maria – Việc Tế Lễ

Có ai hiểu nổi tình yêu vô biên tràn ngập trái tim Chúa Giêsu, lúc Ngài trao ban cho nhân loại, những kho tàng vô giá sau đây:

1– Chính bản thân Ngài trong bí tích Thánh thể

2– Mẹ chí Thánh của Ngài, qua lời phó thác cho chúng ta.

3– Việc tế lễ, Ngài cho chúng ta tham dự.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ: ngay trước khi bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ Đức Kitô biết mình sẽ lập Bí Tích Mình và Máu Thánh Ngài. Thánh Tâm Ngài bồi hồi xúc động biết bao, khi Ngài phán với các Tông Đồ: “Ta ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con, trước khi chịu nạn”. Hẳn nhiên những tình cảm của Ngài đã cao tột độ, khi Ngài “cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra, ban cho họ mà rằng: “Này là Mình Thầy phải hy sinh vì các con, hãy làm việc này mà nhờ đến Thầy !”. Và cầm lấy chén sau bữa ăn: “Chén này là giao ước mới trong máu Thầy, phải đổ ra vì các con !”

Người ta có thể khẳng định rằng: Phép Thánh Thể đáng tôn thờ, vừa là Bí Tích của Chúa trao ban cho nhân loại, vừa là Hy Lễ Ngài tự hiến tế không ngừng, “Từ lúc mặt trời mọc, đến lúc mặt trời lặn” Hy Lễ Hiến Tế này, cùng với chức Linh Mục là một Hồng Ân của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

ĐỨC MARIA: Cũng là một ân huệ rất quí báu của Trái Tim Chúa Giêsu Ngài đã ban cho chúng ta Đức Mẹ Thiên Chúa, để làm Mẹ chúng ta. Người là Mẹ của Đấng Cứu chuộc, theo huyết nhục. Đồng thời cũng đã cộng tác với con mình, để đưa con cháu Eva về sự sống ân sủng. Bởi vậy Mẹ thật xứng đáng là Mẹ của nhân loại.

CUỘC HIẾN TẾ: Thêm vào ơn: “Tự trao ban chính mình, không đổ máu” dưới hình thức Bánh và Rượu, Chúa Giêsu còn muốn như một biểu chứng tột đỉnh của tình yêu vô biên, tự hiến tế đẫm máu trên Thập Giá để nêu gương về tình yêu cao cả của Ngài, như Ngài đã báo với các môn đệ: “Không có lòng mến nào lớn hơn, là thí mạng sống mình vì bạn hữu”

Với Hy Lễ Golgotha, Chúa Giêsu con Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta một cách tuyệt hảo, tình yêu của chính Thiên Chúa. Bởi thế chính là do TÌNH YÊU hơn là do bạo lực của lý hình, mà Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thập Giá, cuộc hy sinh tự ý của Ngài là ân huệ tối thượng Ngài đã ban cho tất cả mọi người, như lời Thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Người đã yêu tôi và phó nộp mình vì tôi”.

III– Hồng Ân Của Thánh Tâm Chúa Giêsu: Giáo Hội Và Các Bí Tích

Trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng chính đáng về TÌNH YÊU vô biên đã thúc đẩy Đấng cứu chuộc kết hợp với GIÁO HỘI, trong máu của Ngài. Chính từ trái tim bị thương tích của Ngài, mà Giáo Hội được khai sinh, và nên nguồn ban phát ơn cứu độ.

Cũng chính từ Trái Tim đó, đã tuôn chảy dồi dào các ân sủng của các Bí Tích, để con cái Giáo Hội đến múc lấy sự sống siêu phàm.

Biểu tượng này chẳng xa lạ gì với các GIÁO PHỤ và nhiều tác giả thời danh trong Giáo Hội. Thánh TÔMA TIẾN SĨ đã viết: “Từ cạnh sườn Đức Kitô, đã chảy NƯỚC để rửa chúng ta, và MÁU để cứu chuộc chúng ta. NƯỚC liên quan đến Bí Tích Rửa Tội, MÁU liên quan đến Bí Tích Thánh Thể”.

Trong đoạn văn này, vết thương từ “cạnh sườn” phải được hiểu là TRÁI TIM Chúa Giêsu đã bị lưỡi dòng đâm thâu. Bởi vậy vết thương của Trái Tim cực Thánh Chúa Giêsu dù Ngài đã chết cũng là hình ảnh sinh động của TÌNH YÊU hoàn toàn tự do của Thiên Chúa, đã ban con một của Ngài để cứu chuộc nhân loại.

Cũng chính do TÌNH YÊU ấy mà Chúa Giêsu đã yêu thương tất cả chúng ta, đến nỗi đã hy sinh đẫm máu. Vì chúng ta, trên núi Sọ, Ngài đã phó nộp mình vì ta, và làm lễ vật hy sinh dâng lên Thiên Chúa Cha.

Sau khi Phục Sinh, và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, với thân xác chói lọi vinh quang vĩnh cửu, Chúa Giêsu cũng không ngừng biểu lộ tình yêu nồng nàn của Ngài cho Giáo Hội, hôn thê của Ngài.

Ngài mang nơi tay, chân, cạnh sườn, những thương tích, tiêu biểu cho sự toàn năng của Ngài, trên ma quỉ, trên tội lỗi và sự chết, còn trong Trái Tim Ngài, như một kho tàng rất quí báu Ngài tích trữ bao nhiêu công nghiệp, hoa trái của cuộc khải hoàn, để rộng tay ban phát cho nhân loại đã được cứu rỗi.

Thánh Phaolô đã diễn tả: “Ngài đã lên cao, dẫn theo một đám tù binh, Ngài đã ban ơn lộc cho nhân loại… Đấng đã xuống, cũng chính Đấng đã lên trên mọi từng trời, để làm viên mãn mọi sự”.

IV– Hồng Ân Của Thánh Tâm Chúa Giêsu: Thánh Thần Hiện Xuống

Hồng ân của Chúa Thánh Thần được “đổ xuống” trên các Tông Đồ là dấu chỉ đầu tiên của tình thương vĩ đại của Chúa Giêsu, khi đã thăng thiên, khải hoàn bên hữu Đức Chúa Cha.

Quả thật, mười ngày sau, CHÚA THÁNH THẦN được sai đến trên các Tông Đồ, lúc ấy đang tụ họp trong nhà tiệc ly, theo lời Chúa Giêsu đã hứa trong bữa ăn cuối cùng: “Và Ta, Ta sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con, một Đấng bàu chữa khác, để Ngài sẽ ở lại với các con luôn mãi”.

THÁNH THẦN, ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu giữa Cha và Con được cử đến dưới hình thức lưỡi lửa, để thông truyền vào tâm hồn các Tông Đồ, tình yêu siêu nhiên, và tất cả các đặc sủng khác. Việc thông truyền tình yêu siêu nhiên này, cũng phát xuất từ TRÁI TIM Chúa Giêsu “nơi có ẩn chứa mọi kho tàng khôn ngoan và trí tri hết thảy”.

Chính tình yêu siêu nhiên này là THÁNH TÂM Đức Kitô, và của Thần khí Ngài, chính do Thần khí đó mà Giáo Hội được khai sinh và lan tràn đến khắp nơi.

* Lại cũng chính tình yêu đó đã mang lại cho các Tông đồ các Tử Đạo lòng can đảm chiến đấu anh dũng, cho đến chết trong máu đào để rao giảng và làm chứng chân lý cho Phúc Âm.

* Cũng chính nó đã soi sáng tâm hồn các chiến sĩ Hội Thánh, để các Ngài làm sáng tỏ và bảo vệ đức tin.

* Cũng chính nó đã nâng đỡ nhân đức các vị hiển tu và thúc đẩy họ thực hiện nhiều kỳ công, hữu ích cho đời sống phần rỗi trường cửu, và cũng cho đời sống hiện tại ở trần thế, đối với bản thân và với tha nhân.

* Sau cùng, cũng chính tình yêu siêu nhiên này, đã dẫn đưa các Trinh Nữ đến chỗ hân hoan tự nguyện khước từ những thú vui giác quan để hiến dâng trọn vẹn bản thân họ cho vị hôn phu trên trời.

* Để ca ngợi tình yêu siêu nhiên xuất phát từ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, Ngôi lời nhập thể, Thánh Phaolô đã viết một thiên khải hoàn ca, tiên báo cuộc toàn thắng của Nước Tình Yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.

V- Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Tôn Thờ Ngôi Hai Nhập Thể

Không có gì ngăn cản chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì Trái Tim Ngài thông phần tình yêu vô tận của Đấng Cứu Chuộc dành cho nhân loại, Trái Tim ấy hằng kết hợp bất khả phân ly với Ngôi Lời đích thật, nên nhờ Ngài và trong Ngài Trái Tim ấy được kết hợp với Thiên Chúa.

Trái tim của Đấng Cứu Chuộc là hình ảnh của Ngôi Lời Thiên Chúa của hai bản tính: Thần Tính và Nhân Tính. Do đó, Trái Tim Chúa Giêsu không phải là một biểu tượng, nhưng là tổng hợp của mầu nhiệm cứu độ. Bởi vậy, khi tôn thờ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu Kitô thì Trái Tim ấy chúng ta tôn thờ tình yêu hằng hữu của Ngôi Lời lẫn tình yêu nhân tính của Ngài.

Chúa Giêsu đã yêu Giáo Hội của Ngài. Hiện nay vẫn còn thế. Lời cầu nguyệt xuất phát từ lòng yêu vô tận của Ngài, hằng được dâng lên cho Cha trên trời không bao giờ ngưng.

Thánh Bonaventura nói: “Trái Tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng tên lính La mã đâm thâu là để nhớ vết thương hữu hình ấy, chúng ta thấy được vết thương tình yêu vô hình của Ngài.

Chắc chắn Cha trên trời khi nghe những lời chuyển cầu đầy tha thiết của chính con một của mình lại không ban xuống tràn đầy ân sủng cho hết mọi người hay sao?

Hồng Ân Của Chúa Giêsu: Bí Tích Thánh Thể

Có ai hiểu nổi tình yêu vô biên tràn ngập THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU lúc Ngài trao ban cho nhân loại kho tàng vô giá sau đây:

1. Chính bản thân Ngài, dưới hình thức Bánh và Rượu trong Bí Tích Thánh Thể.

2. Việc hiến tế không ngừng mà Ngài cho chúng ta tham dự.

***

CHƯƠNG IV

PHÁT NGUYÊN VÀ TIẾN TRÌNH

VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

 

I- Phát Sinh Từ Việc Tôn Kính Các Thương Tích Chúa Giêsu

CHƯ HUYNH ĐÁNG KÍNH

Ta vừa nêu lên những nét đại cương của mặc khải nguồn gốc sâu xa của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, những tư tưởng được Phúc Âm soi chiếu đã chứng minh một cách xác đáng là việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là việc tôn thờ tình yêu thuộc thần tính và nhân tính nơi Ngôi Lời Nhập Thể.

Hơn nữa đó cũng chính là việc tôn thờ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hằng ấp ủ tội nhân. Vì lẽ tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh thật là nguyên thủy của công trình cứu chuộc loài người.

Tình yêu này đã ảnh hưởng trên Trái Tim đáng tôn thờ của Chúa Giêsu và đã thúc đẩy Ngài đổ máu để giải thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Vì khi nhìn ngắm Trái Tim thật bị đâm thâu của Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế chúng ta cảm thấy được thúc đẩy mỗi lúc một mãnh liệt phải tôn thờ tình yêu vô biên của Ngài đối với loài người.

II- Tiến Triển Qua Thời Trung Cổ Đến Maria Margarita

Nếu muốn gợi lại những giai đoạn vinh quang của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong suốt dòng lịch sử đạo đức của các tín hữu, chúng ta sẽ ghi được ngay tên tuổi những vị thời danh đã được tuyên dương là “Tiên phong” khi việc tôn sùng này đang mới phát triển.

Chúng ta có thể ghi nhận: Thánh Bonaventura, Thánh Alberto Cả, Thánh Gertrude, Catherine, Francois de Sales,… còn Thánh Jean Eudes là tác giả bản lễ nghi phụng vụ đầu tiên về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lễ nghi này được long trọng cử hành lần thứ nhất ngày 20 tháng 10 năm 1672.

Nhưng trong số các danh nhân từng cổ võ cho việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một địa vị quan trọng phải được dành cho Thánh Nữ Maria Margarita. Điều này chắc không ai phủ nhận.

Thánh nữ Maria Margarita đã được chân phước Claude de la Colombière làm linh hướng, và trợ tá đắc lực cho vị nữ tu này trong việc hăng say cổ võ cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được lan rộng. Những thành công tốt đẹp của chị nữ tu khiến các tín hữu xa gần phải ngạc nhiên, thán phục. Chị đã khéo léo canh tân việc tôn thờ đó bằng cách dựa vào những hình thức đạo đức hướng về tình yêu và đền tạ.

III- Tòa Thánh Ban Hành Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thánh bộ lễ nghi bằng sắc lệnh ngày 25 tháng 01 năm 1765 (được Đức tiền nhiệm Clemente XIII chuẩn phê ngày 6 tháng 2 năm 1765) đã chấp thuận cho các giám mục Ba Lan và Tổng Hội rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu tại Roma được cử hành Thánh Lễ phục vụ về Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Nhưng đó là những chuẩn nhận đầu tiên. Chúng ta phải xem đó là một ân huệ được ban một cách hạn chế. Phải gần 100 năm sau mới có một sự phê chuẩn khác. Lần này quan trọng hơn và theo những nghi thức oai nghiêm hơn. Đó là sắc lệnh ngày 23 tháng 08 năm 1856 của thánh bộ lễ nghi. Bằng sắc lệnh này Đức Piô IX đã cho phổ biến khắp toàn thế giới Giáo Hội lễ rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu và phải được cử hành long trọng và xứng đáng.

CHƯ HUYNH ĐÁNG KÍNH!

Sau những gì được trình bày chúng ta thấy là chính Thánh Kinh truyền thống phụng vụ là những nguồn suối của việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính ở những nguồn suối này mà các tín hữu phải tìm đến để đi vào bản chất thâm sâu của việc tôn sùng này và nhận lãnh, nhờ suy niệm những thức ăn để nuôi dưỡng và gia tăng lòng sốt sắng của họ.

Từ vật thể chất là Trái Tim Chúa Giêsu và từ ý nghĩa biểu tượng của nó, nhờ đức tin soi chiếu chúng ta phải nâng tâm trí lên đến sự chiêm ngưỡng tình yêu thần phú của Ngài. Để rồi chúng ta đạt đến sự suy niệm và thờ phượng Tình Yêu Thiên Chúa nơi Ngôi Lời Nhập Thể.

Vậy để kết luận việc tôn thờ Trái Tim của Chúa Giêsu trong thực chất sâu xa của nó, chính là việc tôn thờ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA đối với chúng ta trong Đức Kitô việc tôn thờ này nhằm tôn vinh lòng mến Thiên Chúa đối với nhân loại và nhìn nhận Thiên Chúa tình yêu là đối tượng việc phụng thờ và tạ ơn.

Cùng đích việc tôn thờ này là dẫn đến tột đỉnh trọn lành của TÌNH YÊU, vì tình yêu này hằng kết hợp chúng ta với tình yêu Thiên Chúa và với tha nhân, nó làm cho chúng ta càng giữ trọn giới răn mới, thầy chí thánh đã trối lại cho các Tông Đồ: “Thầy ban cho các con một điều răn mới : các con hãy yêu thương nhau như thầy yêu mến các con”.

***

CHƯƠNG V

TÌM HIỂU VÀ THỰC HÀNH

VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CÁCH SÁNG SUỐT VÀ RỘNG RÃI HƠN

 

I– Khuyến Khích Tìm Hiểu Và Thực Hành Việc Tôn Sùng Thánh Tâm

CHƯ HUYNH ĐÁNG KÍNH!

Trước khi kết thúc hai tư tưởng lớn, đầy khích lệ về bản chất đích thực và giá trị cao quí đồi với đời sống các Kitô hữu, về việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Ta nhân cơ hội này nhắc lại với chư huynh và với tất cả con cái Ta trong Đức Kitô: Phải khuyến khích và tích cực cổ võ hình thức đạo đức rất dịu ngọt này, và nhờ đó ngay cả trong thời đại chúng ta cũng sẽ đón nhận được những lợi ích cả thể.

Ta khuyến khích tất cả trong Chúa Kitô, hãy hăng hái thực hành việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đối với những ai đang nhìn hình thức này như kẻ bàng quan, lòng phân vân giữa hiếu kỳ và tự do, ta ước mong thế nào họ cũng khám phá thấy rõ : đây là một việc tôn sùng đã có rất lâu đời trong Giáo Hội, đặt nền tảng vững chắc cho Thánh Kinh, hòa hợp với truyền thống và với phục vụ.

Việc tôn sùng này đã được các vị giáo chủ hết lời ca ngợi. Chẳng những các Ngài đã ban phép cử hành lễ tôn thờ Thánh Tâm trong toàn thể Giáo Hội, mà còn long trọng hiến dâng cả nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu nữa. Nhờ đó mà Giáo Hội lãnh nhận những hoa trái dồi dào quý báu : vô số ơn trở lại, nhiều người được canh tân đức tin, nhiều Kitô hữu được kết hợp với Chúa Cứu Thế khắng khít hơn.

II– Hoa Quả Dồi Dào Đáp Ứng Nhu Cầu Hiện Đại Của Giáo Hội

Thật Ta cảm thấy an ủi, khi đứng trước quang cảnh sùng mộ Thánh Tâm Chúa Giêsu được phát triển một cách lạ lùng, giữa các cộng đoàn tín hữu. Do đó sau khi cảm tạ Chúa cứu chuộc, là kho tàng tình yêu vô tận Ta không ngớt lời khen ngợi những ai, giáo sĩ cũng như giáo dân đã dấn thân tích cực để phát động việc tôn thờ Thánh Tâm.

Tuy nhiên, cho dù việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu đã trổ sinh hoa quả dồi dào và đời sống Kitô giáo đã bành trướng khắp nơi, thật là một điều vô vàn khổ tâm. Khi nhìn thấy con số những kẻ thù Thiên Chúa gia tăng, những lầm lạc của chủ nghĩa duy vật, những tự do phóng túng của lạc thú lan tràn trong công luận.

  Trước cảnh tượng của bao nhiêu sự dữ, đang tác hại mãnh liệt trong môi trường sống của cá nhân, gia đình xã hội chúng ta phải tìm phương thuốc ở đâu?

Để đáp ứng và đối phó với những khó khăn của thế giới hiện đại, thiết tưởng không còn phương cách cao trọng nào hơn việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, bởi thế theo gương vị tiền nhiệm của ta, là Đức Giáo Hoàng LEO XIII, Ta hân hoan nhắc lại những lời chỉ giáo của Ngài đã ban cuối thế kỷ vừa qua, cho toàn thể tín hữu và cho tất cả những ai mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho xã hội .

Ngày nay xuất hiện trước mắt chúng ta một biểu tượng thần linh khác, một điềm báo rất phúc lộc: đó là Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu… chói lọi và huy hoàng khôn tả, giữa những ngọn lửa hồng. Cần phải đặt mọi hy vọng vào Trái Tim Chúa, chính nơi Trái Tim Chúa mà chúng ta phải cầu xin và trông cậy ơn cứu độ cho loài người (thông điệp “Đấng Cứu Thế” rất nhân hậu).

Ta cũng ước ao cho tất cả những ai tự hào về danh hiệu Kitô hữu, và hằng chiến đấu để thiết lập vương quốc Chúa Kitô trên trần gian, sẽ tìm thấy ở việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa ngọn cờ và nguồn mạch của sự hiệp nhất của ơn cứu độ và ơn bình an.

Sau cùng, bởi lòng nhiệt thành muốn xây dựng một tường vững chắc để chặn đứng những âm mưu vô đạo của kẻ thù địch Thiên Chúa và Giáo Hội, và cũng vì mong muốn đem các quốc gia và toàn thể xã hội về lại con đường “ mến Chúa, yêu người”, ta không do dự tuyên bố rằng:

“việc tôn thờ Trái Tim cực Thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về TÌNH YÊU THIÊN CHÚA, bởi vì tình yêu vốn là nền tảng của Nước Trời phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia”.

Chính Đức LEO XIII cũng đã khôn khéo nhắc nhở: “sức mạnh và vẻ đẹp của vương quốc Đức Kitô vốn bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, nền tảng và chóp đỉnh của vương quốc ấy là TÌNH YÊU THÁNH THIỆN. Mọi nguyên tắc khác của đời sống đức tin đều do đó phát sinh ra.

***

CHƯƠNG VI

PHẦN KẾT THÚC

TÔN KÍNH TRÁI TIM VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẸ MARIA

“Từ thuở đời đời, do ý định của Thiên Chúa, chương trình cứu chuộc nhân loại phải được phát xuất từ tình yêu của THÁNH LINH, với cuộc tử nạn của CHÚA GIÊSU, và hợp thông với những đau khổ của ĐỨC MARIA, Mẹ Rất Thánh của Ngài.

Bởi vậy chúng ta đã được diễm phúc nhận lãnh sự sống siêu nhiên của Đức Kitô (nhờ Đức Mẹ), thì còn gì chính đáng hơn là: sau khi tôn thờ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU, chúng ta cũng phải biết ơn và đền tạ TRÁI TIM VẸN SẠCH CỦA ĐỨC MARIA”.

COR JESU ADVENIAT REGNUMTUUM * ADVENIAT PER MARIAM

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nước Cha ngự đến,

Xin cho nước Cha ngự đến. Qua Đức Maria.

NĂM NAY (1956) kỷ niệm ĐỆ NHỨT BÁCH CHU NIÊN, ngày Đức PIO IX ban hành sắc lệnh (23/08/1856) cho phép toàn thể Giáo Hội được cử hành lễ phụng vụ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU.

Ta khẩn nài Thiên Chúa ban ân sủng đặc biệt cho Giáo Hội để gặt hái những hoa quả thiêng liêng dồi dào, nhờ việc tôn thờ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU và sùng kính TRÁI TIM VÔ NHIỄM MẸ MARIA.

Ước gì vương quốc Thiên Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi trên thế giới vương quốc chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng vương quốc công lý yêu thương và an bình.

Với tất cả tấm lòng ưu ái, Ta xin gởi PHÉP LÀNH TÒA THÁNH đến các chư huynh cũng như hàng giáo sĩ và giáo dân, đã được ủy thác cho sư huynh, đặc biệt cho những ai đang dấn thân cổ võ và phát huy việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu.