Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:12

Sứ Điệp Mùa Chay Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2011 Featured

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

Năm 2011

***

***

“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa,

lại cùng được trỗi dậy với Người” (x. Cl 2,12)

 

 

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay, mùa dẫn chúng ta đến cử hành lễ Phục Sinh rất thánh, đối với Giáo Hội là một thời gian phụng vụ thực sự quý báu và quan trọng. Vì thế, tôi vui mừng gởi tới anh chị em sứ điệp này, để Mùa Chay này có thể được sống với tất cả lòng hăng say cần thiết. Trong lúc chờ đợi cuộc gặp gỡ chung cuộc với Phu Quân của mình vào dịp lễ Vượt Qua vĩnh cửu, cộng đoàn Giáo Hội tăng cường con đường thanh tẩy trong tinh thần của mình, bằng một đời sống cầu nguyện chuyên cần và một đức ái năng động, để múc lấy sự sống mới trong Chúa Kitô cách dồi dào hơn trong Mầu Nhiệm Cứu Chuộc.[1]

1. Sự sống này đã được thông truyền cho chúng ta vào ngày chúng ta chịu Phép Rửa rồi khi, “đã trở nên những người tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô”, chúng ta đã bắt đầu “cuộc mạo hiểm vui tươi và phấn khởi của người môn đệ”.[2] Trong các thư của mình, thánh Phaolô nhiều lần nhấn mạnh đến sự hiệp thông hoàn toàn đặc biệt với Con Thiên Chúa, được thể hiện vào giây phút dìm mình vào nước rửa tội. Sự kiện Phép Rửa được lãnh nhận thường nhất lúc còn ít tuổi chỉ cho chúng ta cách rõ ràng rằng nó là một ân huệ của Thiên Chúa: Không ai xứng đáng sự sống đời đời bằng sức riêng của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội lỗi và ban cho chúng ta sống cuộc sống của chúng ta với “chính những tâm tình như Chúa Kitô Giêsu” (Pl 2,5), được thông ban cho con người cách nhưng không.

Trong thư gởi tín hữu Philipphê, vị Tông đồ dân ngoại soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa của cuộc biến đổi được thực hiện nhờ việc tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, bằng cách chỉ cho chúng ta mục đích theo đuổi: “biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11). Bởi thế, Phép Rửa không phải là một nghi thức của quá khứ, nó là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng mang lại hình dạng cho toàn thể cuộc sống của người chịu Phép Rửa, thông truyền cho nó sự sống thần linh và kêu gọi nó đến một cuộc hoán cải chân thành, được đánh động và nâng đỡ bởi Ân sủng, như thế cho phép nó đạt tới tầm vóc trưởng thành của Chúa Kitô.

Một mối liên hệ đặc thù kết hiệp Phép Rửa với Mùa Chay như là thời gian thuận tiện để cảm nghiệm ân sủng cứu độ. Các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II đã đưa ra lời kêu gọi cho hết mọi Mục tử của Giáo Hội để “các yếu tố Phép Rửa của phụng vụ Mùa Chay được sử dụng cách phong phú hơn”.[3] Quả thật, từ ban đầu, Giáo Hội đã kết hiệp Canh Thức Vượt Qua và việc cử hành Phép Rửa: trong bí tích này được thực hiện Mầu Nhiệm lớn lao trong đó con người chết đi cho tội lỗi, trở nên tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô phục sinh, và lãnh nhận chính Thánh Thần Thiên Chúa này, Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết (x. Rm 8,11). Ân huệ nhưng không này phải được làm sống lại liên lỉ nơi mỗi người chúng ta, và Mùa Chay ban tặng cho chúng ta một lộ trình tương tự với lộ trình của thời gian dự tòng mà, đối với các Kitô hữu của Giáo Hội nguyên thủy cũng như đối với các Kitô hữu hôm nay, là một nơi cần thiết học biết đức tin và đời sống Kitô hữu: họ sống thực sự Phép Rửa của mình như là một hành vi quyết định cho toàn thể cuộc sống của họ.

2. Để nghiêm chỉnh đi theo con đường dẫn đến lễ Phục Sinh và chuẩn bị chúng ta cử hành Cuộc Phục Sinh của Chúa – mà là lễ hân hoan và long trọng nhất của năm phụng vụ –, điều gì có thể là thích hợp nhất nếu chúng ta để cho Lời Chúa hướng dẫn? Đó là lý do tại sao Giáo Hội, xuyên qua các bản văn Tin Mừng được công bố vào các Chúa Nhật Mùa Chay, dẫn đưa chúng ta đến một cuộc gặp gỡ đặc biệt sâu xa với Chúa, làm cho chúng ta một lần nữa trải qua các giai đoạn khai tâm Kitô giáo: đối với các dự dòng để lãnh nhận bí tích tái sinh; đối với những ai đã được rửa tội rồi, để thực hiện những bước quyết định bước theo Chúa Kitô, trong sự trao hiến trọn vẹn hơn nữa.

Chúa Nhật đầu tiên của hành trình Mùa Chay soi sáng thân phận trần thế của chúng ta. Cuộc chiến đấu chiến thắng của Chúa Giêsu trên những cám dỗ mà khai mào thời gian sứ vụ của Ngài, là một lời mời gọi ý thức về sự mỏng giòn của chúng ta để đón nhận Ân sủng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và củng cố chúng ta cách mới mẻ trong Chúa Kitô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.[4] Đó là một lời mời gọi thúc bách nhắc nhở chúng ta, theo gương Chúa Kitô và kết hiệp với Ngài, rằng đức tin Kitô giáo bao hàm một cuộc chiến đấu chống lại “những bậc thống trị thế giới tối tăm này” (Ep 6,12) nơi mà ma quỷ đang hoạt động và, ngay cả vào thời của chúng ta, không ngừng cám dỗ tất cả những người muốn đến gần Chúa: Chúa Kitô thoát ra chiến thắng cuộc chiến đấu này, để cũng mở tâm hồn chúng ta cho niềm hy vọng và dẫn đưa chúng ta đến chiến thắng trên những quyến rũ của sự dữ.

Đoạn Tin Mừng về Cuộc Biến Hình của Chúa làm cho chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô mà báo trước sự phục sinh và loan báo việc thần hóa con người. Cộng đoàn Kitô hữu khám phá rằng theo chân các Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, nó được dẫn đưa “riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1) để đón nhận sự trao ban Ân sủng của Thiên Chúa theo cách mới mẻ, trong Chúa Kitô, với tư cách là con trong Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (câu 5). Những lời này mời gọi chúng ta rời bỏ tiếng xì xào của đời thường để dìm mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài muốn thông ban cho chúng ta mỗi ngày một Lời mà thấm nhập sâu xa vào tâm trí chúng ta, nơi đâu nó phân định sự thiện và sự dữ (x. Dt 4,12) và củng cố ý muốn bước theo Chúa của chúng ta.

“Chị cho tôi xin nước uống” (Ga 4,7). Lời thỉnh cầu này của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari, được tường thuật lại cho chúng ta trong phụng vụ của Chúa Nhật thứ ba, diễn tả tình yêu tha thiết của Thiên Chúa đối với mọi người và muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta ước muốn trao ban “nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (câu 14): đó là ân huệ Chúa Thánh Thần, Đấng biến các Kitô hữu thành “những người thờ phượng đích thực”, có khả năng cầu xin Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (câu 23). Chỉ duy nước này mới có thể làm đỡ cơn khát sự thiện, sự thật và vẻ đẹp của chúng ta! Chỉ nước này, được ban cho chúng ta qua Chúa Con, mới có thể tưới mát những sa mạc của tâm hồn lo lắng và không được thỏa mãn “bao lâu nó không nghỉ yên bên Chúa”, theo kiểu nói danh tiếng của thánh Augustin.

Chúa Nhật về người mù bẩm sinh trình bày cho chúng ta Chúa Kitô như là ánh sáng thế gian. Tin Mừng chất vấn mỗi một chúng ta: “Anh có tin vào Con Người không?” – “Thưa Ngài, tôi tin!” (Ga 9,35.38), người mù bẩm sinh vui mừng trả lời nhân danh mọi tín hữu. Phép lạ chữa lành này là dấu chỉ rằng Chúa Kitô, khi làm cho thấy được, cũng muốn mở cái nhìn nội tâm của chúng ta ra để đức tin của chúng ta càng ngày càng sâu xa và chúng ta có thể nhận ra nơi Ngài Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúa Kitô chiếu sáng tất cả bóng tối của cuộc sống và ban cho con người sống như “con cái ánh sáng”.

Khi Tin Mừng của Chúa Nhật thứ Năm công bố sự phục sinh của Lazaro, chúng ta nhận thấy mình đang đối diện với mầu nhiệm tối hậu của cuộc sống của chúng ta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống… con có tin điều đó không?” (Ga 11,25-26). Theo chân Marta, thời gian đã đến đối với cộng đoàn Kitô hữu để ý thức một lần nữa đặt tất cả niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu Nazareth: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (câu 27). Sự hiệp thông với Chúa Kitô, trong cuộc sống này, chuẩn bị cho chúng ta vượt qua trở ngại của cái chết để sống đời đời trong Ngài. Niềm tin vào sự phục sinh của kẻ chết và niềm hy vọng vào sự sống đời đời mở tâm trí chúng ta đến ý nghĩa tối hậu của cuộc sống của chúng ta: Thiên Chúa đã tạo dựng con người cho sự phục sinh và sự sống; chân lý này trao ban một chiều kích đích thực và dứt khoát cho lịch sử nhân loại, cho cuộc sống bản thân, cho cuộc sống xã hội, cho văn hóa, chính trị, kinh tế. Tước đi khỏi ánh sáng đức tin, toàn thể vũ trụ sẽ tiêu vong, tù nhân cho một phần mộ không có tương lai lẫn hy vọng.

Hành trình Mùa Chay tìm thấy sự hoàn thành của nó nơi Tam Nhật Vượt Qua, cách cụ thể hơn nơi Đại Canh Thức của Đêm Thánh: khi lặp lại các lời hứa Phép Rửa, một lần nữa chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô là Chúa của cuộc đời chúng ta, cuộc đời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi chúng ta được tái sinh “bởi nước và Thánh Thần”, và chúng ta tái khẳng định quyết tâm vững chắc của chúng ta sống tương xứng với hành động của Ân sủng để trở nên những môn đệ của Ngài.

3. Việc chúng ta được dìm vào trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, qua bí tích Rửa Tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải phóng tâm hồn chúng ta khỏi sức nặng của những cái vật chất, khỏi mối liên hệ ích kỷ với “trái đất”, mà làm cho chúng ta nghèo nàn đi và ngăn không cho chúng ta sẵn sàng và đón nhận Thiên Chúa và tha nhân. Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã tỏ mình ra là Tình Yêu (x. 1Ga 4,7-10). Thập Giá của Chúa Kitô, “ngôn ngữ của Thập Giá” biểu lộ sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,18) được trao ban để nâng con người lên và dẫn nó đến ơn cứu độ: đó là hình thức triệt để nhất của tình yêu.[5] Qua việc thực hành chay tịnh, bố thí và cầu nguyện theo truyền thống, những dấu chỉ của ý muốn hoán cải của chúng ta, Mùa Chay dạy cho chúng ta sống theo cách luôn triệt để hơn tình yêu Chúa Kitô. Chay tịnh, mà có thể có những động cơ khác nhau, đối với người Kitô hữu, có một ý nghĩa tôn giáo sâu xa: khi làm nghèo đi bàn ăn của chúng ta, chúng ta học biết chiến thắng tính ích kỷ của chúng ta để sống logic của sự trao ban và của tình yêu; khi chấp nhận tước bỏ điều gì – mà không chỉ là dư thừa –, chúng ta học biết xoay chuyển cái nhìn của chúng ta khỏi “cái tôi” của chúng ta để khám phá Đấng nào đó bên cạnh chúng ta và nhận ra Thiên Chúa trên khuôn mặt của bao nhiêu người anh em của chúng ta. Đối với người Kitô hữu, thực hành chay tịnh không có gì là tình cảm ướt át cả, nhưng thật sự mở ra cho Thiên Chúa và cho sự khốn quẫn của con người; nó làm sao để tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở nên tình yêu cho tha nhân (x. Mc 12,31).

Trên hành trình của chúng ta, chúng ta cũng vấp phải cám dỗ chiếm hữu, tình yêu tiền bạc, mà đối nghịch với sự tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta. Lòng tham lam chiếm hữu sinh ra bạo lực, tội phạm và cái chết; chính vì thế, Giáo Hội, đặc biệt vào thời gian Mùa Chay, kêu gọi thực hành bố thí, tức là chia sẻ. Trái lại, việc tôn thờ quá đáng của cải không chỉ tách rời chúng ta khỏi những người khác nhưng còn làm cho nhân vị của chúng ta trống rỗng khi để nó bất hạnh, khi nói dối nó và khi đánh lừa nó mà không thực hiện được những gì nó hứa hẹn, bởi vì nó thay thế Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống duy nhất, bằng các của cải vật chất. Bởi thế, làm sao chúng ta có thể hiểu lòng nhân từ phụ tử của Thiên Chúa nếu tâm hồn chúng ta đầy chính nó và đầy những kế hoạch mang lại ảo tưởng có thể đảm bảo tương lai của chúng ta? Sự cám dỗ hệ tại suy nghĩ như người giàu có của dụ ngôn: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm…”. Chúng ta biết Chúa trả lời thế nào: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Lc 12,19-20). Việc thực hành bố thí đưa chúng ta trở về với tính tối thượng của Thiên Chúa và sự chú ý đến người khác, nó làm cho chúng ta một lần nữa khám phá ra lòng nhân từ của Chúa Cha và đón nhận lòng thương xót của Ngài.

Trong suốt thời gian Mùa Chay, Giáo Hội đề nghị cho chúng ta Lời Chúa cách rất dồi dào. Khi suy niệm và nội tâm hóa nó để thể hiện nó ở đời thường, chúng ta khám phá ra một hình thức cầu nguyện quý báu và bất khả thay thế. Quả thế, việc chăm chú lắng nghe Thiên Chúa không ngừng nói với tâm hồn chúng ta, nuôi dưỡng hành trình đức tin mà chúng ta đã bắt đầu vào ngày chúng ta chịu Phép Rửa. Việc cầu nguyện cũng cho phép chúng ta bước vào trong một nhận thức mới về thời gian: quả thế, không có viễn ảnh về vĩnh cửu và siêu việt, thời gian chỉ là một nhịp điệu mà nhịp theo các bước chân của chúng ta hướng đến một chân trời không có tương lai. Trái lại, khi cầu nguyện, chúng ta dành thời gian cho Thiên Chúa, để khám phá ra rằng “những lời của Ngài sẽ không qua đi” (Mc 13,31), để bước vào trong sự hiệp thông thân mật với Đấng “mà không ai sẽ có thể cất khỏi chúng ta” (x. Ga 16,22), Đấng mở chúng ta ra cho niềm hy vọng không tuyệt vọng, cho sự sống đời đời.

Tóm lại, hành trình của Mùa Chay, mà chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thập Giá, hệ tại làm cho chúng ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Ngài” (Pl 3,10), để thực hiện một cuộc hoán cải đời sống sâu xa: để cho hoạt động của Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, như thánh Phaolô trên đường Damas; sống vững vàng theo thánh ý của Thiên Chúa; giải phóng chúng ta khỏi tính ích kỷ bằng cách vượt qua bản năng thống trị người khác và bằng cách mở chúng ta ra cho đức ái của Chúa Kitô. Thời gian Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận sự mỏng giòn của chúng ta, để đón nhận, xuyên qua một sự sửa đổi đời sống chân thành, Ân sủng đổi mới của Bí tích Sám Hối và dứt khoát tiến bước về Chúa Kitô.

Anh chị em thân mến, qua cuộc gặp gỡ cá nhân với Đấng Cứu Độ chúng ta và qua việc thực hành chay tịnh, bố thí và cầu nguyện, con đường hoán cải hướng đến lễ Phục Sinh dẫn chúng ta đến khám phá Phép Rửa của chúng ta cách mới mẻ. Vào thời gian Mùa Chay này, một lần nữa chúng ta hãy khám phá ra Ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vào giây phút chúng ta chịu Phép Rửa, để nó chiếu sáng và hướng dẫn mọi hành động của chúng ta. Những gì mà Bí tích này có ý nghĩa và thể hiện, chúng ta được mời gọi sống nó ngày qua ngày, bằng việc bước theo Chúa Kitô cách luôn quảng đại và đích thực hơn. Trong cuộc hành trình này, chúng ta phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa trong đức tin và trong thân xác của mình, để, như Mẹ, dìm chúng ta vào cái chết và sự phục sinh của Con Mẹ là Chúa Giêsu và được sự sống đời đời.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 04 tháng 11 năm 2010

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

- Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.

 

 

 


[1] x. Kinh Tiền Tụng I Mùa Chay.

[2] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng lễ Chúa chịu Phép Rửa, Ngày 10-01-2010.

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Về Phụng Vụ Thánh), số 109.

[4] x. Ordo Initiationis Christianae Adultorum, số 25.

[5] x. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 12.