SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN THỨ 97
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Chúa Nhật 16 Tháng 01 Năm 2011
***
***
“Một gia đình nhân loại duy nhất”
Anh chị em thân mến,
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn mang lại cho toàn thể Giáo Hội cơ hội suy tư về một đề tài gắn liến với hiện tương di dân đang gia tăng, cơ hội cầu nguyện để các tâm hồn mở ra cho sự tiếp đón của người Kitô hữu và làm việc để gia tăng trên thế giới sự công bằng và bác ái, những trụ cột của việc xây dựng một nền hòa bình đích thực và bền vững. “Như Thầy đã yêu mến các con, các con cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34) là lời mời gọi mà Chúa mạnh mẽ nói với chúng ta và làm mới chúng ta luôn: nếu Chúa Cha kêu gọi chúng ta trở nên những người con yêu dấu trong Con yêu dấu của Ngài, thì Ngài cũng kêu gọi chúng ta hết thảy nhìn nhận nhau như là những anh chị em trong Chúa Kitô.
Từ mối liên hệ sâu xa này giữa những con người nảy sinh đề tài mà năm nay tôi đã chọn làm suy tư: “Một gia đình nhân loại duy nhất”, một gia đình anh chị em duy nhất trong những xã hội đang luôn trở nên đa sắc tộc và liên văn hóa, nơi những con người của những tôn giáo khác nhau cũng được khích lệ đối thoại, để có thể đạt tới sự chung sống yên bình và hiệu quả trong sự tôn trọng những khác biệt chính đáng. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Thật vậy, mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Ðấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người”.[1] Như thế, “chúng ta không sống cạnh nhau cách ngẫu nhiên; chúng ta hết thảy trải qua cùng một con đường như là những con người và do đó như là anh chị em”.[2]
Con đường là như nhau, con đường của sự sống, nhưng những hoàn cảnh mà chúng ta trải qua trên chặng đường này thì khác nhau: nhiều người phải đương đầu với kinh nghiệm khó khăn về sự di cư, nơi những diễn tả khác nhau của nó: quốc nội hay quốc ngoại, thường xuyên hay theo mùa, kinh tế hay chính trị, tự nguyện hay bó buộc. Trong những trường hợp khác nhau, việc ra đi khỏi đất nước của mình được gây nên bởi những hình thức bách hại khác nhau, đến nỗi việc trốn chạy là cần thiết. Vả lại, chính hiện tượng toàn cầu hóa, đặc điểm của thời đại chúng ta, không chỉ là một tiến trình kinh tế xã hội, nhưng còn bao hàm “một nhân loại càng ngày càng trở nên liên kết”, vượt quá những biên cương địa lý và văn hóa. Về vấn đề này, Giáo Hội không ngừng nhắc nhớ rằng ý nghĩa sâu xa của tiến trình lịch sử này và tiêu chí luân lý nền tảng của nó rõ ràng nảy sinh ra từ sự hiệp nhất của gia đình nhân loại và từ sự phát triển của nó trong sự thiện.[3] Bởi thế, tất cả mọi người đều thuộc về một gia đình duy nhất, người di cư hay dân chúng địa phương đón tiếp họ, và tất cả mọi người đều có cùng một quyền hưởng những của cải của trái đất mà mục đích của nó là phổ quát, như học thuyết xã hội của Giáo Hội dạy. Chính ở đây mà sự liên đới và chia sẻ tìm thấy nền tảng của chúng.
“Trong một xã hội trên đường toàn cầu hóa, thì công ích và sự dấn thân cho nó không thể không đảm nhận những chiều kích của toàn thể gia đình nhân loại, tức là của cộng đồng các dân tộc và các quốc gia, đến độ hình thành sự hiệp nhất và hòa bình cho thành đô nhân loại, và, cách nào đó, biến nó thành hình ảnh tiên trưng của thành đô không biên giới của Thiên Chúa”.[4] Đó là viễn ảnh trong đó cũng cần phải xem xét thực tại di dân. Quả thế, như Tôi tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã nhận xét, “việc thiếu tình huynh đệ giữa những con người và giữa các dân tộc là nguyên nhân sâu xa của việc chậm phát triển”,[5] và - chúng ta có thể thêm vào - nó tác động mạnh đến hiện tượng di dân. Tình huynh đệ nhân loại là kinh nghiệm, đôi khi gây ngạc nhiên, về một mối quan hệ xích lại gần, bằng một liên hệ sâu xa với người khác, khác với tôi, được đặt nền tảng trên sự kiện là những con người. Được đảm nhận và sống cách có trách nhiệm, nó nuôi dưỡng một đời sống hiệp thông và chia sẻ với mọi người, đặc biệt với những người di dân; nó nâng đỡ việc trao ban chính mình cho người khác, vì thiện ích của họ, thiện ích của mọi người, nơi cộng đồng chính trị địa phương, quốc gia và thế giới.
Đấng đáng kính Gioan Phaolô II, nhân dịp Ngày Thế giới Di dân năm 2001, đã nhấn mạnh rằng “[công ích phổ quát] bao gồm toàn thể gia đinh các dân tộc, bên trên mọi thói ích kỷ quốc gia chủ nghĩa. Chính trong bối cảnh này mà cần phải xem xét quyền di dân. Giáo Hội nhìn nhận mọi người có quyền này, dưới khía cạnh kéo của nó: có thể đi ra khỏi đất nước của mình và có thể vào một nước khác tìm kiếm những điều kiện sống tốt hơn”.[6] Đồng thời, các Nhà nước có quyền đặt quy chế cho các luồng di dân và bảo vệ các biên giới của mình, mà vẫn luôn bảo đảm sự tôn trọng đối với phẩm giá của mỗi nhân vị. Vả lại, những người nhập cư có nghĩa vụ hội nhập vào đất nước đón tiếp, tôn trọng những luật lệ và căn tính quốc gia của nó. “Như thế sẽ phải dung hoà việc tiếp đón đối với mọi người, đặc biệt với những người túng thiếu, với việc lượng giá các điều kiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng và hòa bình đối với các cư dân xuất thân từ đất nước và đối với những người đến sáp nhập với họ”.[7]
Trong bối cảnh này, sự hiện diện của Giáo Hội như là dân Thiên Chúa đang lữ hành trong lịch sử giữa tất cả các dân tộc khác, là một nguồn tin tưởng và hy vọng. Quả thế, Giáo Hội là “trong Chúa Kitô, cách nào đó là bí tích, tức là vừa là dấu chỉ vừa là phương thế của sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất tất cả loài người”;[8] và, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần nơi mình, “nỗ lực hướng đến việc khôi phục tình huynh đệ phổ quát không phải là vô ích”.[9] Cách đặc biệt, chính Thánh Thể là, trong lòng Giáo Hội, một nguồn mạch hiệp thông vô tận cho toàn thể nhân loại. Nhờ nó, Dân Thiên Chúa ôm lấy “mọi quốc gia, chủng tộc, dân tộc và ngôn ngữ” (Kh 7,9). không phải xuyên qua một thứ quyền lực thánh thiêng, nhưng xuyên qua sự phục vụ cao cả của đức ái. Quả thế, việc thực thi đức ái, đặc biết đối với những người nghèo và yếu thế nhất, là một tiêu chí chứng tỏ tính đích thực của những cử hành Thánh Thể.[10]
Chính dưới ánh sáng của đề tài “Một gia đình duy nhất”, mà cần phải xem xét cách cụ thể hoàn cảnh của những người tị nạn và những di dân bó buộc khác, họ đại diện cho một phần quan trọng của hiện tượng di dân. Đối với những người đang chạy trốn những bạo lực và bách hại này, cộng đồng quốc tế đã có những dấn thân rõ rệt. Việc tôn trọng các quyền của họ, cũng như những lo âu đúng đắn đối với sự an toàn và sự liên đới xã hội, tạo điều kiện cho một sự chung sống ổn định và hài hòa.
Cũng trong trường hợp các di dân bó buộc, sự liên đới được nuôi dưỡng bởi “kho dự trữ” tình yêu mà nảy sinh từ sự kiện xem mình như là một gia đình nhân loại duy nhất và, đối với các tín hữu Công Giáo, như những chi thể của Nhiệm Thể của Chúa Kitô: Quả thế, chúng ta lệ thuộc lẫn nhau, hết thảy chúng ta đều có trách nhiệm về anh chị em của chúng ta trong nhân tính, và, đối với những người tin, trong đức tin. Như tôi đã từng có dịp nói, “đón tiếp những người tị nạn và dành cho họ lòng hiếu khách biểu lộ một cử chỉ liên đới nhân loại đúng đắn đối với mọi người, để họ không cảm thấy bị cô lập do sự bất bao dung và do thiếu quan tâm”.[11] Điều đó có nghĩa rằng sẽ cần phải giúp đỡ những ai đang bị bó buộc rời bỏ mái nhà hay mảnh đất của họ để tìm ra một nơi mà họ sẽ có thể sống trong hòa bình và an toàn, làm việc và đảm nhận những quyền và nghĩa vụ hiện có nơi đất nước tiếp đón họ, bằng cách đóng góp vào công ích, mà không quên đi chiều kích tôn giáo của cuộc sống.
Sau cùng, tôi xin nói lên một tư tưởng cụ thể, luôn được kèm theo bằng lời cầu nguyện, cho các sinh viên nước ngoài và quốc tế, mà cũng biểu hiện một thực tại đang gia tăng giữa lòng hiện tượng di dân to lớn. Nó hệ tại một phạm trù cũng mặc lấy một tầm quan trọng xã hội, trong viễn ảnh trở về lại các đất nước nguồn gốc của họ, với tư cách là những nhà lãnh đạo tương lai. Họ tạo nên “những chiếc cầu văn hóa” và kinh tế giữa những nước này và những nước tiếp đón, và tất cả điều đó rõ ràng đi theo hướng hình thành nên “một gia đình nhân loại duy nhất”. Chính sự xác tín này mà cần phải nâng đỡ sự dấn thân cho các sinh viên nước ngoài và kèm theo sự chú ý đối với các vấn đề cụ thể của họ, như là những khó khăn tài chính hay nỗi sợ hãi cảm thấy cô độc để đối diện với một môi trường xã hội và đại học rất khác biệt, cũng như những khó khăn hội nhập. Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng “thuộc về một cộng đồng đại học có nghĩa là ở chỗ giao tiếp giữa các nền văn hóa đã khuôn đúc nên thế giới hiện đại”.[12] Chính ở trường học và ở đại học mà nền văn hóa của các thế hệ mới được hình thành: trong một chừng mực to lớn nào đó, khả năng xem nhân loại như là một gia đình được kêu gọi trở nên hiệp nhất trong đa dạng, tùy thuộc vào những thể chế này.
Anh chị em thân mến, thế giới di dân là rộng lớn và đa dạng. Nó được hình thành từ những kinh nghiệm tuyệt với và hứa hẹn, cũng như, bất hạnh thay, từ những kinh nghiệm khác, bi đát và bất xứng của con người và các xã hội tự cho là dân sự. Đối với Giáo Hội, thực tại này cấu thành một dấu chỉ hùng hồn của thời đại chúng ta, mà cách rõ ràng hơn nữa nhấn mạnh ơn gọi của nhân loại hình thành nên một gia đình duy nhất và, đồng thời, những khó khăn, mà thay vì hợp nhất nó, lại chia rẽ và xâu xé nó. Chúng ta đừng đánh mất niềm hy vọng và cùng nhau cầu xin với Thiên Chúa là Cha của mọi người, để Ngài giúp đỡ chúng ta trở nên, mỗi người với tư cách là người đầu tiên, những người nam và người nữ có khả năng tương giao huynh đệ; và, trên bình diện xã hội, chính trị và thể chế, để việc hiểu biết và quý trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa được gia tăng. Với những lời cầu chúc này, đồng thời cầu xin sự cầu bầu của Đức Thánh Trinh Nữ Maria Stella Maris (Sao Biển), bằng tất cả tấm lòng, tôi xin gửi đến mọi người Phép Lành Tòa Thánh, cách đặc biệt cho những người di dân và tin nạn và cho hết những ai đang làm việc trong lĩnh vực quan trọng này.
Ban hành từ Castel Gandolfo, ngày 27 tháng 9 năm 2010
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
- Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.
[1] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra aetate, số 1.
[2] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình, 2008, số 6.
[3] x. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý), Ngày 29-06-2009, số 42.
[4] Ibid., số 7.
[5] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (Phát triển các dân tộc), Ngày 26-03-1967, số 66.
[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân, năm 2001, số 3; x. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (Hiền mẫu và tôn sư), Ngày 15-05-1961, số 30; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư Octogesima adveniens (Bát thập niên), Ngày 14-05-1971, số 17.
[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình, 2001, số 13.
[8] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 1.
[9] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 38.
[10] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Mane nobiscum Domine (Lạy Chúa xin ở lại với chúng con), Ngày 07-10-2004, số 28.
[11] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Diễn văn trong Buổi tiếp kiến chung, ngày 20/06/2007: Insegnamenti II, 1 (2007), pp. 1158.
[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn cho các Giám mục Hòa Kỳ thuộc Giáo tỉnh Chicago, Indianapolis và Milwaukee, đang viếng thăm ad limina ngày 30/05/1998, art. 6: Insegnamenti XXI, 1 [1998], pp. 1116.