Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:11

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2010 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 44

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

Chúa Nhật 16 Tháng 05 Năm 2010

***

***

“Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số:

Những phương tiện truyền thông mới phục vụ Lời Chúa”

 

 

Anh chị em thân mến,

Đề tài của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội sắp đến – “Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện truyền thông mới phục vụ Lời Chúa” –, thật thích hợp được lồng vào trong hành trình của Năm Linh Mục, và đặt lên hàng đầu suy tư về một lãnh vực mục vụ rộng lớn và tế nhị như lãnh vực của truyền thông và của thế giới kỹ thuật số, trong đó người linh mục được ban tặng những khả năng mới mẻ thực thi thừa tác vụ phục vụ Lời Chúa của mình. Từ rất lâu đời, những phương tiện truyền thông hiện đại thuộc về những phương tiện thông thường được các cộng đoàn Giáo Hội sử dụng để diễn đạt trong những giới hạn của lãnh thổ riêng của họ và, rất thường, để thiết lập những hình thức trao đổi trên quy mô rộng lớn hơn, nhưng việc mở rộng của chúng gần đây và ảnh hưởng đáng kể của chúng luôn làm cho việc sử dụng chúng trong thừa tác vụ linh mục trở nên quan trọng và hữu ích hơn.

Bổn phận hàng đầu của linh mục là loan báo Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, và thông truyền ân sủng cứu độ đa dạng của Thiên Chúa xuyên qua các bí tích. Được triệu tập bởi Lời Chúa, Giáo Hội thừa nhận mình như là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông mà Thiên Chúa thực hiện với con người và mỗi linh mục được kêu gọi để xây dựng sự hiệp thông đó trong Ngài và với Ngài. Đó là phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục trong đó được thể hiện cách đặc biệt lời khẳng định của thánh Phaolô: “Quả thế, Kinh Thánh nói: Bất kỳ ai tin vào Người sẽ không phải hối tiếc… Quả thế, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu thoát. Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,11.13-15).

Để đưa ra những câu trả lời thích ứng với những câu hỏi ở giữa những biến chuyển văn hóa lớn lao mà thế giới của những người trẻ đặc biệt được cảnh báo, những con đường truyền thông được mở ra bởi những cuộc chinh phục công nghệ kỹ thuật giờ đây là một phương tiện không thể thiếu. Quả thế, khi nắm trong tay những phương tiện mang lại một khả năng diễn đạt hầu như vô hạn, thế giới kỹ thuật số mở ra những viễn ảnh hiện tại hóa đáng kể cho lời khích lệ của thánh Phaolô: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Do đó, với việc phổ biến chúng, trách nhiệm loan báo không chỉ gia tăng, nhưng còn trở nên cấp bách hơn và đòi hỏi một sự dấn thân có động cơ và hữu hiệu hơn. Về phương diện này, người linh mục như là ở khởi đầu của một “lịch sử mới mẻ”, bởi vì các công nghệ kỹ thuật hiện đại càng tạo nên những mối quan hệ mật thiết và thế giới kỹ thuật số càng mở rộng các biên cương của nó, thì người linh mục sẽ càng được mời gọi lưu tâm đến chúng về mặt mục vụ, gia tăng sự dấn thân của mình, để dùng các phương tiện truyền thông phục vụ Lời Chúa.

Tuy nhiên, việc mở rộng nhiều phương tiện truyền thông và “bảng các chức năng phong phú” của chúng có thể bao hàm nguy cơ của một việc sử dụng chủ yếu được gợi ý bởi đòi hỏi thuần túy là hiện diện ở đó, và, cách sai lầm, xem Website chỉ như là một nơi cần được chiếm ngữ. Trái lại, các linh mục được yêu cầu khả năng hiện diện trong thế giới kỹ thuật số trong sự trung thành liên lỉ với sứ điệp Tin Mừng, để thực thi vài trò của hướng dẫn cộng đoàn của họ, mà từ nay diễn đạt, thường luôn nhiều hơn nữa, giữa “những tiếng nói” đến từ thế giới kỹ thuật số, và loan báo Tin Mừng bằng cách dùng, bên cạnh những phương tiện truyền thống, phần cống hiến của thế hệ các phương tiện nghe nhìn mới (hình ảnh, video, phim hoạt hình, blog, các website) mà biểu lộ những cơ hội đối thoại mới mẻ và ngay cả những dụng cụ không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng và dạy giáo lý.

Xuyên qua những phương tiện truyền thông hiện đại, người linh mục sẽ có thể làm cho biết đến đời sống của Giáo Hội và giúp đỡ những con người hôm nay khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô, bằng cách kết hợp cách sử dụng thích hợp và thông thạo những dụng cụ như thế, cũng được thủ đắc trong suốt thời gian đào tạo, bên cạnh một sử chuẩn bị thần học vững chắc và một linh đạo linh mục vững vàng, được nuôi dưỡng bởi cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa. Hơn cả bàn tay của người điều khiển truyền thông, người linh mục, trong sự va chạm với thế giới kỹ thuật số, phải làm lộ ra tâm hồn thánh hiến của mình, để mang lại “linh hồn” không chỉ cho sự dấn thân mục vụ, nhưng còn cho dòng truyền thông liên tục của “mạng lưới”.

Cũng trong thế giới kỹ thuật số, cần phải rõ rằng ý định yêu thương của Thiên Chúa trong Chúa Kitô dành cho chúng ta không phải là một điều của quá khứ hay là một công trình thông thái, nhưng là một thực tại cụ thể và hiện thực. Quả thế, việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số phải có thể cho con người của thời đại chúng ta, và cho nhân loại lầm lạc hôm nay, “thấy rằng Thiên Chúa gần gũi; rằng trong Chúa Kitô, chúng ta hết thảy thuộc về nhau”.[1]

Còn ai hơn linh mục, với tư cách là người của Chúa, có thể phát triển và đem vào thực hành, xuyên qua những khả năng của mình trong lãnh vực những phương tiện kỹ thuật số mới mẻ, một sự mục vụ cho thấy Thiên Chúa sống động và đang hành động trong thực tại thường ngày và trình bày sự khôn ngoan tôn giáo của quá khứ như là một kho tàng phong phú mà, cần múc lấy ở đó để sống ngày hôm nay cách xứng đáng và xây dựng tương lai cách đúng đắn. Nhiệm vụ của người làm việc trong các phương tiện truyền thông với tư cách là người được thánh hiến là nhiệm vụ mở ra con đường cho những cuộc gặp gỡ mới mẻ, bằng cách luôn đảm bảo phẩm chất của cuộc tiếp xúc của con người và sự quan tâm đối với những con người cũng như đối với những nhu cầu thiêng liêng đích thực của họ, bằng cách cho những người đang sống trong thời đại “kỹ thuật số” của chúng ta những dấu chỉ cần thiết để nhận ra Chúa; bằng cách mang lại cơ hội vun trồng sự mong đợi và niềm hy vọng và cơ hội lĩnh hội Lời Chúa mà cứu độ và tạo điều kiện cho sự phát triển con người toàn diện. Như thế, Lời Chúa sẽ có thể băng qua giữa những ngã đường vô số được tạo nên do mạng lưới giao nhau của những đường cao tốc đang cày nên không gian mạng và khẳng định “quyền công dân” của Thiên Chúa cho dầu vào thời đại nào, để, xuyên qua những hình thức truyền thông mới mẻ, Ngài có thể tiến bước trên những con đường dài của thành phố và dừng lại ở ngưỡng cửa của những mái nhà và những tâm hồn để vẫn còn nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, ta sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với ta” (Kh 3,20).

Trong sứ điệp năm ngoái, tôi đã khích lệ các vị hữu trách các doanh nghiệp truyền thông thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng đối với phẩm giá và giá trị của nhân vị. Đó là một trong những con đường mà Giáo Hội được kêu gọi thực thi “việc phục vụ nền văn hóa” trên “châu lục kỹ thuật số” hôm nay. Với Tin Mừng trên tay và trong tâm hồn, cần phải tái khẳng định rằng cũng đến lúc tiếp tục chuẩn bị những con đường dẫn đến Lời Chúa, mà không chểnh mảng lưu tâm đặc biệt đến những ai đang ở trong hoàn cảnh tìm kiếm, và còn hơn nữa, không chểnh mảng canh chừng như là bước đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng. Quả thế, việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số được mời gọi cũng lưu tâm đến những người không tin, những người nản chí và những người mang trong tâm hồn những ước muốn cái tuyệt đối và chân lý chóng qua, vì những phương tiện mới cho phép bước vào trong sự liên lạc với những tín hữu của mọi tôn giáo, với những người không tin và những người thuộc về các nền văn hóa khác. Như ngôn sứ Isaia đã đi đến chỗ hình dung một ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56,7), chúng ta có thể giả thiết rằng – như “hành lang của dân ngoại” trong Đền Thờ Jerusalem – website cũng có thể mở ra một không gian cho những người mà Thiên Chúa còn vô danh đối với họ.

Việc phát triển những công nghệ kỹ thuật mới và, trong toàn bộ của nó, thế giới kỹ thuật số biểu thị một tài nguyên quý giá cho toàn thể nhân loại và cho con người trong tính độc đáo của hữu thể của nó, cũng như là một động viên cho việc gặp gỡ và đối thoại. Nhưng chúng cũng được giới thiệu cho các tín hữu như là một cơ hội lớn lao. Quả thế, không có con đường nào có thể và phải bị đóng lại đối với những ai, nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh, dấn thân trở nên luôn gần hơn với con người. Do đó, những phương tiện truyền thông mới trước tiên mang lại cho các linh mục những viễn ảnh luôn luôn mới mẻ và bao la về mặt mục vụ, mà thúc đẩy các ngài làm nổi bật chiều kích phổ quát của Giáo Hội, vì một sự hiệp thông rộng lớn và cụ thể, trở nên những chứng tá, trong thế giới hôm nay, cho đời sống luôn luôn mới mẻ mà nảy sinh từ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, Người Con đời đời đã đến giữa chúng ta để cứu thoát chúng ta. Tuy nhiên, không được quên rằng sự phong nhiêu của thừa tác vụ linh mục, trước hết, phát xuất từ Chúa Kitô được gặp gỡ và lắng nghe qua đời sống cầu nguyện, được loan báo qua việc rao giảng và chứng tá bằng cuộc sống, được biết và yêu mến trong các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.

Các linh mục rất quý mến, tôi lặp lại lời mời gọi nắm bắt cách khôn ngoan những cơ hội đặc biệt mà truyền thông hiện đại mang lại. Xin Chúa biến anh em thành những người loan báo say mê Tin Mừng ngay cả trong “công trường”do các phương tiện truyền thông hiện nay tạo nên.

Với những lời cầu chúc đó, tôi khẩn cầu sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa và của Cha Sở Thánh xứ Ars xuống trên anh em và tôi ưu ái ban Phép lành Tòa Thánh cho mỗi một người.

 

Ban hành từ Vatican, ngày 24 tháng Giêng năm 2010,

ngày lễ Thánh Francis de Sales.

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Diễn từ cho Giáo Triều Rôma dịp chúc lễ Giáng Sinh: L’Osservatore Romano, ngày 21/12/ 2009, tr. 8.