SỨ ÐIỆP GIÁNG SINH URBI ET ORBI
CỦA ÐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Ngày 25 Tháng 12 Năm 2009
***
***
Anh chị em quý mến của thành phố Rôma và của toàn thế giới
và tất cả quý vị, những người nam và người nữ được Chúa yêu thương!
“Lux fulgebit hodie super nos, Quia natus est nobis Dominus.
– Hôm nay, ánh sáng bừng chiếu trên chúng ta, Vì Chúa đã sinh ra cho chúng ta”.[1]
Phụng vụ của Thánh Lễ Rạng Đông đã nhắc lại cho chúng ta rằng, từ nay, đêm đã qua, ngày đã tỏ rạng; ánh sáng phát xuất từ hang Bethlehem đang bừng sáng trên chúng ta.
Tuy nhiên, Kinh Thánh và Phụng vụ không nói với chúng ta về ánh sáng tự nhiên, nhưng là về một ánh sáng khác, ánh sáng đặc biệt, được định hướng đến một “cái chúng ta” theo cách nào đó, cũng chính là “cái chúng ta” mà Hài Nhi ở Bethlehem “đã sinh ra” cho. “Cái chúng ta” này, đó là Giáo Hội, đại gia đình phổ quát của những người tin vào Chúa Kitô, đã hy vọng chờ đợi cuộc giáng sinh mới của Đấng Cứu Độ và, hôm nay, đang cử hành trong mầu nhiệm này tính thời sự thường hằng của biến cố này.
Lúc ban đầu, chung quanh hang đá Bethlehem, “cái chúng ta” này đã hầu như vô hình trước mắt người đời. Như Tin Mừng thánh Luca tường thuật cho chúng ta, cùng với Đức Maria và thánh Giuse, nó gồm có một số mục đồng khiêm tốn đã đến hang đá, sau khi đã được các thiên thần loan báo. Ánh sáng của lễ Giáng Sinh đầu tiên đã như là một ngọn lửa được thắp sáng trong đêm tối. Chung quanh, tất cả là bóng tối, đang khi mà trong hang đá đã bừng sáng “Ánh Sáng thực, chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Tuy nhiên, tất cả đã được diễn ra trong sự đơn sơ và kín đáo, theo phong cách mà Thiên Chúa thực hiện trong suốt lịch sử cứu độ. Thiên Chúa muốn thắp sáng những ánh sáng hạn hẹp, để tiếp đên chiếu sáng trên một phạm vi rộng lớn. Chân Lý, cũng như Tình Yêu, mà là nội dung của ánh sáng, được thắp sáng ở nơi đâu ánh sáng được đón nhận, tiếp đến được lan rộng thành những vòng tròn đồng tâm, hầu như nhờ tiếp xúc, trong các tâm hồn và tâm trí của những ai mà, đang khi mở mình cách tự do ra cho hào quang của nó, đến lượt nó trở thành những nguồn sáng. Chính lịch sử của Giáo Hội mà bắt đầu hành trình của mình nơi hang Bethlehem nghèo hèn, và, xuyên qua các thế kỷ, trở thành Dân và là nguồn ánh sáng cho nhân loại. Ngày nay cũng thế, xuyên qua những ai đến gặp gỡ Hài Nhi, Thiên Chúa vẫn còn thắp sáng những ngọn lửa trong đêm tối của thế giới để kêu gọi con người đến nhìn nhận nơi Chúa Giêsu là “dấu chỉ” của sự hiện diện cứu độ và giải thoát của ngài và mở rộng “cái chúng ta” của những người tin vào Chúa Kitô đến toàn thể nhân loại.
Ở nơi nào có một “cái chúng ta” đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, thì ở đó bừng sáng lên ánh sáng của Chúa Kitô, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Giáo Hội, cũng như Đức Trinh Nữ Maria, đề tặng Chúa Giêsu cho thế giới, người Con mà chính Giáo Hội đã lãnh nhận như là quà tặng, và là Đấng đã đến giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Như Đức Maria, Giáo Hội không sợ hãi, vì Hài Nhi này là sức mạnh của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội không giữ Ngài cho mình: Giáo Hội đề tặng Ngài cho tất cả những ai tìm kiếm Ngài với một tâm hồn chân thành, cho những người khiêm tốn của trần gian và cho những người sầu khổ, cho những nạn nhân của bạo lực, cho những ai khao khát sự thiện hòa bình. Ngày nay cung thế, đối với gia đình nhân loại được ghi dấu sâu xa bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhưng còn trước tiên nữa là luân lý, và bởi những vết thương đau đớn của chiến tranh và xung đột, dưới hình thức của sự chia sẻ và của lòng trung tín đối với con người, Giáo Hội lặp lại cùng với các mục đồng: “Chúng ta hãy đi tận đến Bethlehem” (Lc 2,15), ở đó chúng ta sẽ gặp thấy niềm hy vọng của chúng ta.
“Cái chúng ta” của Giáo Hội sống ở đâu Chúa Giêsu được sinh ra, nơi Đất Thánh, để mời gọi các cư dân của nó từ bỏ mọi logíc bạo động và báo thù và dấn thân bằng một sức mạnh mới mẻ và cách quảng đại trên con đường cùng chung sống hòa bình. “Cái chúng ta” của Giáo Hội hiện diện nơi những Nước khác của Trung Đông. Làm sao không nghĩ đến hoàn cảnh đầy sóng gió ở Irắc và đến đoàn chiên Kitô hữu bé nhỏ đang sống nơi Vùng này? Đôi khi họ chịu những bạo lực và bất công nhưng họ luôn sẵn sàng mang lại đóng góp của mình cho việc xây dựng sự chung sống dân sự trái ngược với cái logíc xung đột và chối từ người láng giềng. “Cái chúng ta” của Giáo Hội hoạt động ở Sri Lanka, ở Bán đảo Triều Tiên và ở Phi Luật Tân, cũng như ở những vùng đất Á Châu khác, như là men hòa giải và hòa bình. Trên lục địa Phi Châu, nó không ngừng nâng tiếng nói hướng về Thiên Chúa để cầu xin cho được chấm dứt mọi kiểu vòi tiền ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Nó mời gọi các cư dân của Guinée và Nigieria tôn trọng những quyền của mọi nhân vị và đối thoại. Đối với những cư dân của Madagascar, nó yêu cầu vượt quá những chia rẽ nội bộ và đón nhận lẫn nhau. Đối với mọi người, nó nhắc nhở rằng họ được kêu gọi đến niềm hy vọng, bất chấp những bi kịch, những thử thách và những khó khăn đang tiếp tục làm họ sầu não. Ở Âu Châu và ở Bắc Mỹ, “cái chúng ta” của Giáo Hội thúc giục vượt quá não trạng ích kỷ và chủ nghĩa kỹ thuật, thăng tiến công ích và tôn trọng những người yếu đuối hơn, khởi đầu bằng những người vẫn chưa còn sinh ra. Ở Honduras, nó giúp đỡ lấy lại con đường thể chế. Trong toàn Châu Mỹ Latinh, “cái chúng ta” của Giáo Hội là nhân tố căn tính, là sự tròn đầy chân lý và đức ái mà bất kỳ ý thức hệ nào cũng không thể thay thế, là tiếng kêu gọi tôn trọng các quyền bất khả tước bỏ của mọi nhân vị và phát triển toàn diện của nó, là lời loan báo công bằng và tình huynh đệ, nguồn hiệp nhất.
Trung thành với sự ủy nhiệm của Đấng Sáng Lập của mình, Giáo Hội liên đới với những ai bị tác động bởi những thiên tai và sự nghèo đói, cũng như trong các xã hội giàu có. Đối diện với cuộc xuất hành của những ai di cư khỏi mảnh đất của họ và bị đẩy đi xa vì nạn đói, vì sự bất bao dung hay do sự hủy hoại của môi trường, Giáo Hội là một sự hiện diện kêu gọi sự tiếp nhận. Tắt một lời, khắp nơi, Giáo Hội loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô bất chấp những bách hại, những kỳ thị, những tấn công và sự dửng dưng, đôi khi thù hận, mà – dù sao – cho phép Giáo Hội chia sẻ số phận của Thầy và Chúa của mình.
Thưa anh chị em quý mến, thật là ân huệ lớn lao khi thuộc về một sự hiệp thông mà dành cho mọi người! Đó là sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, ở giữa đó Đấng Emmanuel, là Đức Giêsu, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đã đi vào trong trần gian. Như các mục đồng cỏa Bethlehem, chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu và ánh sáng này với lòng tràn đầy thán phục và biết ơn!
Xin chúc mọi người Lễ Giáng Sinh vui tươi!
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
***
Sau bài sứ điệp là lời Chúc Mừng Giáng Sinh đọc bằng 65 ngôn ngữ (năm nay thêm tiếng Kazaco), bắt đầu là tiếng Ý, rồi các ngôn ngữ châu Âu, châu Phi, châu Á, và kết thúc với tiếng maori và Samoa ở châu Đại dương cùng với hai ngôn ngữ quốc tế là tiếng esperanto và Latin.
Sau cùng, Đức Thánh Cha ban phép lành với ơn Toàn Xá Urbi et Orbi, cho Thành phố Rôma và cho toàn Thế giới. Các tín hữu có thể lãnh ân xá qua đài truyền thanh và truyền hình. Trước đó, vị chủ sự đã đọc công thức xá giải các tội lỗi và hình phạt: “Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tội lỗi cho chúng ta, và ban cho chúng ta được ơn hoán cải và kiên trì làm việc thiện cho đến cùng”.
[1] Sách Lễ Rôma, Lễ Chúa Giáng Sinh – Thánh Lễ Rạng Đông, Ca nhập lễ.