Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:10

Sứ Điệp Mùa Chay Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2010 Featured

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

Năm 2010

***

***

“Sự công chính của Thiên Chúa đã được biểu lộ nhờ niềm tin vào Chúa Kitô” (Rm 3,21-22)

 

 

Anh chị em thân mến,

Mỗi năm, nhân dịp Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chân thành nhìn lại đời sống dưới ánh sáng của các giáo huấn Tin Mừng. Năm nay, tôi xin đề nghị cho anh chị em một vài suy tư về một chủ đề rộng lớn, chủ đề về sự công bằng, khởi từ lời khẳng định của thánh Phaolô: “Sự công chính của Thiên Chúa đã được biểu lộ nhờ niềm tin vào Chúa Kitô” (Rm 3,21-22).

Sự công bằng: “Trả cho mỗi người những gì thuộc về người ấy – dare cuique suum”

Trước tiên, tôi muốn dừng lại ở ý nghĩa của từ “công bằng” mà, theo ngôn ngữ thông thường, có nghĩa là “trả cho mỗi người những gì thuộc về người ấy – dare cuique suum” theo như thành ngữ nổi tiếng của Ulpianus, luật gia người Rôma vào thế kỷ thứ III. Tuy nhiên, định nghĩa thông dụng này không nói rõ cái “thuộc về người ấy” (suum) này hệ tại điều gì mà cần phải bảo đảm cho mỗi người. Mà những gì thiết yếu cho con người thì luật lệ không thể bảo đảm. Để con người có thể hưởng được một cuộc sống phong phú, nó cần phải có điều gì đó thâm sâu hơn, cá nhân hơn và chỉ có thể được ban cho cách nhưng không: chúng ta có thể nói rằng, đối với con người, nó hệ tại sống tình yêu mà duy chỉ Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, mới có thể thông ban cho nó. Chắc chắn, các của cải vật chất là hữu ích và cần thiết. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã chăm sóc cho các bệnh nhân, Ngài đã nuôi dưỡng các đám đông đi theo Ngài và, chắc chắn, Ngài lên án sự dửng dưng mà, ngày nay vẫn còn, làm cho hàng trăm triệu người phải chết vì thiếu thức ăn đầy đủ, thiếu nước và săn sóc. Thế nhưng, đức công bằng phân phối không trả cho con người tất cả những gì thuộc về nó. Thực ra, con người thực chất cần sống bởi Thiên Chúa bởi vì những gì thuộc về nó vượt quá bánh ăn vô cùng. Về vấn đề này, Thánh Augustin nhận xét rằng “nếu công bằng là nhân đức trả cho mỗi người những gì thuộc về nó… thì như thế sẽ không có công bằng của con người mà cất con người khỏi vị Thiên Chúa đích thực”.[1]

Sự bất công đến từ đâu?

Tác giả Tin Mừng Marco truyền lại cho chúng ta những lời này của Chúa Giêsu được tuyên bố vào thời kỳ của Ngài lúc diễn ra cuộc tranh luận về những gì là sạch và những gì là ô uế: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được… Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,14-15; 20-21). Bên kia vấn đề tức thời về thức ăn, chúng ta có thể cho thấy nơi phản ứng của những người Biệt phái một cám dỗ thường xuyên nơi con người: cám dỗ chỉ nguồn gốc của sự dữ nơi một nguyên nhân bên ngoài. Khi nhìn sát hơn, người ta ghi nhận rằng nhiều ý thức hệ hiện đại truyền đi tiền giả định rằng: vì sự bất công đến từ bên ngoài, nên chỉ cần loại bỏ các nguyên nhân bên ngoài đang ngăn cản việc thực hiện sự công bằng là đủ. Chúa Giêsu cảnh giác cho chúng ta rằng cách suy nghĩ này là ngây thơ và mù quáng. Sự bất công, hậu quả của sự dữ, không chỉ đến từ những nguyên nhân bên ngoài; nó tìm thấy nguồn gốc của nó nơi tâm hồn con người nơi mà người ta khám phá ra những nền tảng của một sự cộng tác bí ẩn với sự dữ. Tác giả Thánh vịnh thừa nhận điều đó cách đau đớn: “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Vâng, con người trở nên mỏng giòn bởi một vết thương sâu xa làm giảm khả năng của nó bước vào trong sự hiệp thông với người khác. Vốn mở ra cho sự hỗ tương hiệp thông tự do, con người lại khám phá nơi mình một trọng lực kinh ngạc làm cho nó khép kín nơi chính mình, khẳng định mình trên và đối lập với những người khác: nó hệ tại sự ích kỷ, hậu quả của tội nguyên tổ. Adam và Eva đã bị sự dối trá của Satan quyến rũ. Khi chiếm lấy trái cây huyền bí, họ đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Họ đã thay thế một logíc nghi ngờ và cạnh tranh cho logíc tin tưởng vào Tình Yêu, logíc cướp đoạt và tự mãn thay cho logíc đón nhận và mong chờ tin tưởng đối với người khác (x. Kn 3,1-6) đến nỗi dẫn đến kết quả là một cảm giác lo âu và bất an. Làm thế nào con người có thể được giải thoát khỏi khuynh hướng ích kỷ này và có thể mở ra cho tình yêu?

Công bằng và Sedaqah

Giữa lòng sự khôn ngoan của Israël, chúng ta khám phá một mối liên hệ sâu xa giữa niềm tin vào vị Thiên Chúa mà “nâng kẻ yếu đuối lên từ bụi đất” (Tv 113,7) và sự công bằng đối với tha nhân. Từ sedaqah, trong tiếng Do Thái chỉ nhân đức công bằng, diễn tả cách tuyệt vời mối quan hệ này. Quả thế, sedaqah có nghĩa là chấp nhận hoàn toàn ý muốn của Thiên Chúa của Israël và sự công bằng đối với tha nhân (x. Xh 20,12-17), cách đặc biệt hơn đối với người nghèo khổ, người ngoại kiều, kẻ mồ côi và góa bụa (x. Đnl 10,18-19). Hai mệnh đề này được liên kết với nhau vì, đối với người Do Thái, trao ban cho người nghèo chỉ là sự hỗ tương của những gì Thiên Chúa đã làm cho họ: Ngài đã xúc động trước sự khốn khổ của dân Ngài. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên nếu việc ban Lề Luật cho Moses, ở núi Sinaï, đã diễn ra sau cuộc vượt qua Biển Đỏ. Quả thế, việc lắng nghe Lề Luật đòi hỏi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đầu tiên đã lắng nghe những tiếng kêu của dân Ngài và đã xuống để giải thoát dân khỏi quyền lực của Ai Cập (x. Xh 3,8). Thiên Chúa lưu tâm đến tiếng kêu của người khốn khổ nhưng, đáp lại, đòi hỏi được lắng nghe: ngài đòi hỏi công lý cho người nghèo (x. Hc 4,4-5.8-9), người ngoại kiều (x. Xh 22,20), người nô lệ (x. 15,12-18). Để sống sự công bằng, cần thiết ra khỏi giấc mơ mộng là sự tự mãn, sự khép kín sâu xa nơi chính mình sinh ra bất công. Nói cách khác, cần phải chấp nhận một cuộc xuất hành sâu xa hơn là cuộc xuất hành mà Thiên Chúa đã thực hiện với Moses, cần phải có một cuộc giải thoát tâm hồn mà chữ viết của Lề Luật là bất lực thực hiện. Bởi thế, phải chăng cần có một niềm hy vọng công lý cho con người?

Chúa Kitô: Công lý của Thiên Chúa

Việc loan báo Tin Mừng trả lời cách trọn vẹn cho sự khao khát công lý của con người. Thánh Phaolô Tông đồ nhấn mạnh điều đó trong Thư gởi tín hữu Rôma của mình: “Nhưng bây giờ, không cần đến Lề Luật, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện… nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô đối với tất cả những ai tin. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3,21-25).

Vì thế, đâu là công lý của Chúa Kitô? Trước tiên, đó là một công lý được nảy sinh từ ân sủng nơi mà con người không phải là đấng cứu độ và không thể cứu chữa cho chính mình và những người khác. Sự kiện việc thục tội được thực hiện trong “máu” của Chúa Kitô có nghĩa rằng những lễ hy sinh của con người không giải thoát nó khỏi gánh nặng của những lỗi lầm của nó, nhưng nhờ cử chỉ tình yêu của Thiên Chúa mà có một chiều kích vô tận, cho đến độ mang nơi Ngài lời nguyền đã được dành cho con người để trả lại cho nó phúc lành của Thiên Chúa (x. Gl 3,13-14). Nhưng lập tức người ta có thể phản đối: nó hệ tại loại công lý nào nếu người công chính chết cho kẻ có tội và kẻ có tội lại lãnh nhận phúc lành thuộc về người công chính? Phải chăng mỗi người không lãnh nhận cái trái ngược với những gì thuộc về mình? Trên thực tế, ở đây, công lý của Thiên Chúa tỏ ra khác biệt cách sâu xa với công lý của con người. Thiên Chúa đã trả thay cho chúng ta, nơi người Con của Ngài, cái giá chuộc lại, một giá thực sự quá mức. Đối diện với công lý của Thập Giá, con người có thể nổi loạn vì công lý này biểu lộ sự lệ thuộc của con người, sự lệ thuộc của nó đối với một người khác để là chính mình cách trọn vẹn. Hoán cải theo Chúa Kitô, tin vào Tin Mừng, ngụ ý việc từ bỏ thực sụ ảo tưởng tự mãn, khám phá và chấp nhận sự nghèo nàn (indigence) của mình cũng như sự cần thiết (indigence) của người khác và của Thiên Chúa, để khám phá sự cần thiết của ơn tha thứ và tình bằng hữu của Ngài.

Như thế, chúng ta hiểu rằng đức tin hoàn toàn không phải là điều gì đó tự nhiên, dễ dãi và hiển nhiên: cần phải khiêm tốn để chấp nhận rằng một ai khác giải thoát tôi khỏi cái tôi của tôi và đổi lại, ban cho tôi cách nhưng không cái mình (soi) của người ấy. Điều ấy được thực hiện cách đặc thù trong các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Nhờ hành động của Chúa Kitô, chúng ta có thể bước vào trong một công lý “cao cả hơn”, công lý của tình yêu (x. Rm 13,8-10), công lý của người mà, dù trong hoàn cảnh nào, đều tự coi mình là người mang nợ hơn là chủ nợ, bởi vì người ấy đã lãnh nhận hơn những gì mà người ấy có thể mong đợi. Dựa vào kinh nghiệm này, người Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào việc xây dựng những xã hội công bằng nơi mà tất cả mọi người lãnh nhận cái cần thiết để sống theo phẩm giá con người và là nơi mà công bằng được làm cho sinh động bởi tình yêu.

Anh chị em thân mến, thời gian Mùa Chay đạt tới đỉnh cao trong Tam nhật Vượt qua, mà trong suốt thời gian đó, năm nay nữa, chúng ta sẽ cử hành công lý của Thiên Chúa, mà là sự tròn đầy đức ái, trao ban và ơn cứu độ. Ước gì thời gian sám hối này, đối với mỗi người Kitô hữu, là một thời gian hoán cải đích thực và là thời gian hiểu biết sâu xa mầu nhiệm của Chúa Kitô đã đến thực hiện trọn vẹn công lý. Đang khi bày tỏ những nguyện ước này, với tất cả tấm lòng, tôi ban phép lành Tòa Thánh cho hết mọi người.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 30 tháng Mười năm 2009

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

- Lm. Giuse Trần Ðức Anh, O.P.,

chuyển ý từ bản tiếng Italia.

 

 

 

 


[1] Thánh Augustin, De Civitate Dei XIX, 21.