SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN THỨ 96
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Năm 2010
***
***
“Những trẻ Di Dân và Tị Nạn Vị thành niên”
Anh Chị em thân mến,
Nhân việc cử hành Ngày Thế giới Di Dân và tị nạn Cha muốn một lần nữa bày tỏ mối quan tâm canh cánh của Giáo Hội với tất cả những ai, cách này hay cách khác, đang trải nghiệm đời sống của một người di dân. Đây là một hiện tượng, như Cha đã viết trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân lý) tác động mạnh trên chúng ta vì số người bị ảnh hưởng khá đông, kèm theo nhiều vấn đề trong các lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo, với những thách đố đầy kịch tính trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Người Di dân là một người có những quyền căn bản bất khả nhượng phải được trân trọng nơi mọi người và trong mọi hoàn cảnh.[1] Chủ đề năm nay “Những trẻ Di dân và tị nạn vị thành niên” đề cao một lãnh vực mà người Kitô hữu rất quan tâm, vì chúng ta được nhắc tới lời cảnh báo của Chúa Kitô, Đấng trong ngày chung thẩm đã qui về cho chính mình tất cả những gì chúng ta đã làm hoặc không làm cho “một người bé mọn nhất” (x. Mt 25, 40.45). Làm sao chúng ta có thể phủ nhận những trẻ di dân và tị nạn vị thành niên là “những người bé mọn nhất”? Lúc bé thơ, chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm của một người di dân như Phúc Âm đã ghi lại, khi Ngài được cha mẹ là Thánh Giuse và Mẹ Maria đưa đi tị nạn bên Ai Cập, nhằm thoát khỏi những hiểm nguy đe dọa của bạo vương Herode (x. Mt 2,14).
Trong khi Công Ước Quốc Tế về các Quyền của trẻ em khẳng định rõ là những quyền lợi thiết thân nhất của trẻ vị thành niên luôn phải được bảo trọng,[2] nghĩa là nhìn nhận các quyền căn bản của trẻ vị thành niên nam và nữ cũng ngang bằng những quyền của người lớn đã trưởng thành, nhưng thực tế thật phũ phàng đã không diễn ra như vậy. Mặc dù công luận đã ý thức được nhu cầu cấp bách và dốc quyết cho hành động bảo vệ các trẻ vị thành niên, nhưng nhiều trẻ vẫn bị bỏ mặc cho số phận, và trong nhiều trường hợp chúng đã bị khai thác bóc lột. Vị tiền nhiệm đáng kính của Cha, Đức Gioan Phaolo II đã nói tới thảm họa này trong sứ điệp ngỏ với ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nhân cuộc họp thượng đỉnh thế giới về trẻ em ngày 22 tháng 9 năm 1990. “Tôi là chứng nhân của sự đau khổ cùng cực của hàng triệu trẻ em trên khắp các đại lục. Chúng là những kẻ yếu đuối nhất, vì chúng không có khả năng tối thiểu để nói lên nguyện vọng của mình”.[3] Cha tha thiết mong ước các trẻ di dân vị thành niên được quan tâm đến. Chúng là những thiếu niên cần có một môi trường xã hội chấp nhận và hỗ trợ để chúng có thể phát triển thể lý, văn hóa, tinh thần và đạo đức. Sống nơi đất khách không tình thân nương tựa nhiều khi còn chồng chất lên chúng gian truân và khó khăn, nhất là những thiếu niên không có sự nâng đỡ từ phía gia đình.
Một khía cạnh tiêu biểu của di dân vị thành niên là tình trạng các trẻ được sinh ra trong quốc gia tị nạn hay những trẻ không sống với cha mẹ, vì cha mẹ chúng đã phải di cư ngay sau khi chúng sinh ra và chỉ sau này mới được đoàn tụ. Những thiếu niên này thuộc 2 nền văn hóa với tất cả những thuận lợi lẫn những trở ngại. Chúng có cơ hội hưởng được kinh nghiệm phong phú về sự giao thoa giữa hai truyền thống văn hóa khác nhau. Điều quan trọng là những thiếu niên này cần được đi học, nhờ đó, hội nhập được vào môi trường làm việc. Như thế sự hội nhập mang tính xã hội của chúng được dễ dàng vì đã nhận được sự giáo dục và xã hội tương thức. Không nên quên là giai đoạn thiếu niên là giai đoạn căn bản của việc huấn luyện nhân cách con người.
Một trường hợp đặc biệt khác của trẻ vị thành niên là những trẻ tị nạn. Đây là những trẻ, vì nhiều nguyên do khác nhau, đã phải trốn khỏi quê hương mình, nơi chúng không nhận được sự bảo vệ thích đáng. Những thống kê cho biết con số này đang gia tăng. Chính vì thế, hiện tượng này kêu gọi một sự đánh giá đúng mức và hành động điều phối đưa ra được những phương thế thích đáng để ngăn ngừa, bảo vệ và tiếp đón, như đã được đề ra trước trong Công Ước về các quyền của trẻ em.[4]
Giờ đây, Cha hướng đặc biệt tới các giáo xứ và các hiệp hội Công Giáo đầy lòng tin tưởng và yêu mến, đang bỏ rất nhiều công sức để đáp ứng các nhu cầu của anh chị em của chúng ta. Đang lúc Cha bầy tỏ lòng biết ơn với tất cả mọi người đã làm các việc này với lòng quảng đại lớn lao, Cha muốn mời mọi Kitô hữu hãy nhạy bén với những thách đố về mục vụ và xã hội phát sinh ra trong hoàn cảnh người di dân và tị nạn vị thành niên.
Lời của Chúa Giêsu luôn vang vọng trong con tim của chúng ta: “Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp” (Mt 25,35), cũng giống như lệnh truyền trọng tâm mà Ngài đã để lại: Chúng ta hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức, và hãy liên kết tình yêu này với tình yêu thương đồng loại (x. Mt 22,37-39). Điều này phải giúp chúng ta nhận ra là bất kỳ một sự can thiệp cụ thể nào chúng ta làm cũng cần được nuôi dưỡng trước tiên bởi đức tin, trong tác động của ân sủng và Sự Quan Phòng của Chúa. Sống như thế, lòng hiếu khách và sự liên đới với những anh chị em xa lạ, nhất là với các trẻ em, trở thành sự công bố Tin Mừng về tình liên đới. Giáo Hội loan báo điều này khi Giáo Hội mở rộng vòng tay và tranh đấu để quyền lợi của người di dân và tị nạn được trân trọng, để thôi thúc các nhà lãnh đạo các quốc gia, và những người có trách nhiệm trong các tổ chức và cơ chế quốc tế nhằm cổ võ những đề xuất thích đáng nâng đỡ người di dân.
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria che chở chúng ta và giúp chúng ta hiểu được những khó khăn của những anh chị em đang sống xa quê hương. Cha bảo đảm với tất cả những ai đang dấn thân phục vụ những người di dân và tị nạn, là họ luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của Cha và Cha thân ái gởi tới họ Phép lành Tòa Thánh.
Ban hành tại Vatican, ngày 16 tháng 10 năm 2009
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
- Lm. Giuse Trần Ðức Anh, O.P.,
chuyển ý từ bản tiếng Italia.
[1] x. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân lý), Ngày 29-06-2009, số 62.
[2] x. Công Ước Quốc Tế về các Quyền của trẻ em, khoản 3,1.
[3] x. L’Osservatore Romano (Báo Quan Sát viên Roma), bản tiếng Anh, xuất bản 01.10.1990, trang 13.
[4] x. Công Ước Quốc Tế về các Quyền của trẻ em, khoản 22.