SỨ ÐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI
CỦA ÐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
NGÀY 08 THÁNG 04 NĂM 2007
***
***
Kính thưa anh chị em trên khắp thế giới!
Kính thưa tất cả những người thiện chí!
Chúa Kitô đã sống lại! Bình an cho anh chị em! Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm trọng đại, nền tảng của niềm tin và hy vọng của Kitô giáo: Đức Giêsu Nazareth, kẻ chịu chết trên thập giá, vào ngày thứ ba Người đã sống lại từ cõi chết, theo như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của các thiên sứ vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, cho bà Maria Magdalena và những phụ nữ khác chạy đến mồ, ngày hôm nay lại được lặp lại một lần nữa cho chúng ta: “Tại sao đi tìm ở nơi những người chết Kẻ hiện đang sống? Người không còn đây nữa; Người đã sống lại rồi!” (Lc 24,5-6).
Thật không khó mường tượng tâm tình của các phụ nữ vào lúc ấy: những tâm tình buồn sấu thương tiếc vì cái chết của Chúa mình, những tâm tình nghi nan và ngỡ ngàng trước một sự kiện quá lạ lùng, khó mà tin được. Thế nhưng ngôi mồ đã được mở toang và trống rỗng: thân xác không còn nữa.Hai ông Phêrô và Gioan, được các bà bá cáo, đã chạy đến mồ và chứng thực rằng các bà nói đúng. Lòng tin mà các tông đồ đặt vào đức Giêsu như là đấng Mêsia đang mong đợi, đã bị thử thách nặng nề do cây thập giá gây ra vấp phạm. Trong thời gian Người bị bắt, bị lên án và chịu chết, các ông đã tẩu tán, nhưng bây giờ họ lại quy tụ, giữa cảnh hoang mang và lạc hướng. Lúc các ông còn mang trong lòng nỗi ước ao được chứng cớ hiểm minh thì chính Đấng Phục Sinh đã đến gặp gỡ. Đây không phải là mộng ảo hoặc tưởng tượng chủ quan về cuộc gặp gỡ, nhung là một kinh nghiệm đich thực tuy dù họ không mong đợi, và chính vì thế mà rất xúc động: “Đức Giêsu hiện đến ở giữa các ông và nói: Bằng an cho các con!” (Ga 20,19).
Nghe những lời ấy, lòng tin hầu như tắt lịm lại được khơi dậy. Các tông đồ thuật lại cho ông Tôma, vắng mặt trong buổi hội ngộ kỳ diệu lần thứ nhất: Đúng rồi, Chúa đã hoàn thành những gì đã báo trước; Người đã sống lại thật và chúng tôi đã thấy và đã chạm đến Người. Nhung ông Tôma vẫn do dự nghi nan. Tám ngày sau khi Đức Giêsu đến lần thứ hai ở nhà Tiệc Ly, Người nói với ông: “Anh hãy để ngón tay mình ở đây và hãy nhìn những bàn tay của Thầy, hãy chìa bàn tay ra và xỏ vào cạnh sườn của Thầy, và đừng cứng lòng tin nữa nhưng hãy tin đi”. Tông đồ Tôma đã đáp lại bằng một lời tuyên xưng cảm động: “Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20,27-28).
“Lạy Chúa của tôi và Thiên Chúa của tôi!”. Chúng ta cũng hãy lặp lại lời tuyên xưng đức tin của ông Tôma. Tôi muốn chọn những lời ấy làm câu chúc cho lễ Phục Sinh năm nay, bởi vì nhân loại hôm nay đang mong chờ nơi các Kitô hữu chứng tá của cuộc Phục sinh của Chúa Kitô; người ta đang cần gặp gỡ Người và có thể nhận biết Người như là Thiên Chúa thật và Con Người thật. Nếu như nơi tông đồ Tôma, chúng ta có thể bắt gặp những nghi nan do dự của biết bao Kitô hữu thời nay, những nỗi sợ hãi và thất vọng của biết bao nhiều con người ngày nay, thì cùng với ông, chúng ta cũng có thể tái khám phá cách xác tín lòng tin vào Đức Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta. Lòng tin này, được những vị kế nhiệm của các thánh tông đồ truyền lại qua dòng thời gian, vẫn còn tiếp tục, bởi vì Chúa phục sinh không còn chết nữa. Người sống ở trong Giáo Hội và dẫn dắt Giáo Hội cách chắc chắn tiến đến việc hoàn tất kế hoạch hằng hữu của ơn cứu độ.
Mỗi người chúng ta có thể bị cám dỗ cứng lòng tin giống như ông Tôma. Sự đau khổ, sự ác, những bất công, cái chết, cách riêng khi những điều đó ập xuống những kẻ vô tội – chẳng hạn như các thơ nhi nạn nhân của chiến tranh, khủng bố, bệnh tật, đói khát – những điều ấy chẳng làm cho đức tin của chúng ta lung lay đó sao? Thế nhưng, xem ra ngược đời, chính trong hoàn cảnh đó, sự cúng lòng tin của ông Tôma lại hữu ích và quý giá cho chúng ta, bởi vì nó giúp chúng ta thanh luyện khỏi mọi quan niệm sai lầm về Thiên Chúa và đưa chúng ta đến việc khám phá ra khuôn mặt đích thực của Ngài: khuôn mặt của một Thiên Chúa, nơi Đức Kitô, đã chuốc lấy cho mình những thương tích của nhân loại bị đả thương. Ông Tôma đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu và truyền lại cho Giáo Hội hồng ân của một đức tin được thanh luyện nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của đức Giêsu, và được củng cố nhờ cuộc gặp gỡ với Người đã phục sinh. Một đức tin hầu như đã chết và được tái sinh nhờ tiếp xúc với những thương tích của Đức Kitô, với những vết thương mà Đấng Phục Sinh không che giấu đi nhưng đã bày tỏ ra và tiếp tục trỏ ra cho chúng ta qua những nỗi khổ cực đau đớn của mỗi con người.
“Từ những thương tích của Người mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,24): đó là lời loan báo mà thánh Phêrô gửi đến những tân tòng tiên khởi. Những thương tích mà đối với ông Tôma trước đó đã là trở ngại cho đức tin bởi vì là dấu hiệu của cuộc thất bại của Đức Giêsu; nhưng, nhờ cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, chính những thương tích ấy lại trở thành chứng cớ của một tình yêu khải hoàn. Những thương tích mà Đức Kitô đã mang lấy vì yêu thương chúng ta giúp chúng ta hiểu được Thiên Chúa là ai, và lặp lại rằng “Lạy Chúa của tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi”. Duy một Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi mang trên mình những vết thương và sự đau khổ của chúng ta, nhất là của người vô tội, thì mới thật đáng tin.
Biết bao vết thương, biết bao đau khổ ở trên thế giới này. Không thiếu những tai hoạ thiên nhiên và những thảm trạng do con người gây ra đã gây ra cái chết cho vô số người và những thiệt hại vật chất khổng lồ. Tôi nghĩ đến những gì mới xảy ra ở Madagascar, quần đảo Salomon, Mỹ châu Latin và các vùng khác trên thế giới. Tôi nghĩ đến tai ương của nạn đói, các bệnh nan trị, cơn khủng bố, bắt cóc, và hằng ngàn khuôn mặt của bạo động – đôi khi dưới chiêu bài tôn giáo -, sự khinh miệt mạng sống, sự chà đạp nhân quyền, sự trục lợi người khác. Tôi lo lắng khi nhìn đến điều kiện của nhiều vùng bên Phi châu: tại Dafur và những xứ láng giềng, vẫn kéo dài tình trạng bất nhân khủng khiếp nhưng ít được dư luận để ý; ở Kinshasa, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, những cuộc đụng độ và cướp bóc diễn ra trong những tuần qua gây ra lo ngại cho tương lai của tiến trình dân chủ và sự tái thiết của nước Congo; ở Somalia, sự tái diễn những cuộc giao tranh đã đẩy xa viễn tượng hòa bình và gây nặng thêm cuộc khủng hoảng trong miền, cách riêng là các cảnh di dân và buôn bán vũ khí; một cuộc khủng hoàng trầm trọng đang đè nặng trên nước Zimbabwe, mà các Giám mục địa phương trong một văn kiện mới đây đã đề ra con đường duy nhất để vượt qua là sự cầu nguyện và sự tham gia đồng đều vào ích chung.
Hòa giải và hòa bình cũng cần thiết cho nhân dân ở Đông Timor sắp có những cuộc bầu cử quan trọng. Hòa bình cũng cần cho nước Sri Lanka, nơi mà duy chỉ một giải pháp thương thuyết mới có thể chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, và cho nước Afghanistan, với những dấu hiệu gia tăng sự bất ổn và xáo trộn. Tại Trung đông, bên cạnh những dấu hiệu đầy hy vọng của cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine, thì tiếc thay chẳng có gì tích cực ở Irak, nơi mà máu tiếp tục đổ ra vì những cuộc tàn sát, khiến cho dân chúng bó buộc phải bỏ chạy; tại Liban, sự tắc nghẽn của các định chế chính trị đã đe doạ vai trò của quốc gia này trong vùng Trung đông và trói buộc tương lai cách trầm trọng. Sau cùng, tôi không thể nào quên được những khó khăn mà các cộng đoàn Kitô hữu phải đương đầu mỗi ngày và cảnh tượng nhiều tín hữu buộc phải rời bỏ Đất được chúc lành, cái nôi của đức tin của chúng ta. Với những dân tộc ấy, tôi lặp lại ưu ái rằng tôi rất ở gần gũi họ về tinh thần.
Anh chị em thân mến, qua những thương tích của Đức Kitô, chúng ta có thể nhìn những sự dữ đang hoành hành nhân loại với cặp mắt của hy vọng. Thật vậy, khi sống lại, Chúa đã không cất sự đau khổ và sự dữ ra khỏi thế giới, nhưng đã thắng chúng tận rễ bằng Ân sủng dồi dào của Người. Người đã đối kháng Sự Dữ khống chế bằng Tình Yêu toàn năng của Người. Người đã để lại cho chúng ta con đường đưa tới bình an và hân hoan, đó là Tình Yêu không sợ cái chết. Người đã nói với các tông đồ: “Như Thầy đã yêu các con thế nào, các con hãy yêu thương nhau như vậy” (Ga 13,34).
Thưa các anh chị em trong đức tin đang nghe tôi từ mọi miền trái đất! Chúa Kitô Phục sinh đã sống giữa chúng ta: Người là niềm hy vọng của một tương lai tốt đẹp hơn. Khi chúng ta cùng thưa như thánh Tôma: “Lạy Chúa của tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi!”, thì mong sao vọng lên trong trái tim chúng ta lời nói êm ái và thúc bách của Chúa rằng: “Ai muốn phục vụ Tôi thì hãy đi theo Tôi, và Tôi ở đâu, thì kẻ phục vụ Tôi cũng sẽ ở đó. Nếu ai phục vụ Tôi, thì Chúa Cha sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26). Và cả chúng ta nữa, được kết hiệp với Người, chúng ta hãy sẵn sàng hiến mạng sống cho anh em (x. 1Ga 3,16), chúng ta trở thành những sứ đồ của hòa bình, sứ giả của niềm vui không sợ đau khổ, niềm vui của Phục sinh. Xin Đức Maria, thân mẫu của Đức Kitô Phục sinh, cầu cho chúng ta được hồng ân đó.
Chúc mừng lễ Phục Sinh!