SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 44
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Chúa Nhật 29 Tháng 04 Năm 2007
***
***
"Ơn Gọi là để phục vụ cho Giáo Hội Hiệp Thông"
Chư Huynh đáng kính trong hàng Giám mục,
Anh chị em thân mến,
Hằng năm ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Ơn Gọi là dịp tốt để làm nổi bật tầm quan trọng của ơn gọi trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, và là dịp thuận tiện để gia tăng cầu nguyện cho các ơn gọi được thêm nhiều và có phẩm chất. Vào ngày cử hành sắp tới, tôi muốn toàn thể dân Chúa chú ý đến chủ đề thật thời sự như sau: Ơn Gọi là để phục vụ cho Giáo Hội Hiệp Thông.
Năm vừa qua, mở đầu loạt bài giáo lý mới trong những buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, nói về tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, tôi đã lưu ý rằng cộng đoàn kitô đầu tiên đã được thiết lập, nơi nhóm nhỏ nguyên thuỷ, khi vài người thuyền chài ở miền Galilêa, gặp Chúa Giêsu và để cho cái nhìn của Người thu phục, và để cho giọng nói của Người thuyết phục và chấp nhận lời mời gọi khẩn thiết: “Hãy theo Ta, và Ta sẽ làm cho anh em trở thành những kẻ lưới cá con người!” (Mc 1,17; x. Mt 4,19). Thật vậy, Thiên Chúa đã luôn chọn vài người để cộng tác trực tiếp hơn với Ngài, trong việc thực hiện ý định cứu rỗi của Ngài. Trong Cựu Ước, vào khởi đầu, Chúa đã chọn Ông Abraham để thành lập một “dân tộc đông đúc” (St 12,2); và tiếp đó, Ngài đã chọn Ông Môsê để giải phóng dân Israel khỏi cảnh làm nô lệ bên Aicập (x. Xh 3,10). Sau đó, Thiên Chúa đã chỉ định vài nhân vật khác nữa, đặc biệt là các tiên tri, để bảo vệ và duy trì giao ước với dân Ngài được luôn sống động. Trong Tân ước, Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai được hứa trước, đã mời gọi cách riêng những tông đồ hãy ở lại sống với Người (x. Mc 3,14) và chia sẻ sứ mạng của Người. Trong bữa tiệc ly, khi trao phó cho các ông trách vụ tiếp tục cử hành việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người, cho đến khi Người trở lại trong vinh quang vào lúc kết thúc lịch sử, thì Chúa Giêsu đã khẩn cầu tha thiết Thiên Chúa Cha cho các tông đồ như sau: “Con đã làm cho họ biết được Danh Cha và con sẽ làm cho họ biết thêm nữa, ngõ hầu tình yêu mà Cha yêu thương Con được hiện diện trong họ và Con trong họ” (Ga 17,26). Sứ mạng của Giáo Hội được thiết lập trên sự hiệp thông sâu xa và trung thành với Thiên Chúa.
Hiến Chế về Giáo Hội, Ánh Sáng Muôn Dân, của Công Ðồng Vatican II, mô tả giáo hội như là “một đoàn dân được quy tụ lại nên một do bởi sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần”;[1] và trong đoàn dân này có phản chiếu chính mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðiều nầy đòi buộc rằng trong Giáo Hội, hiểu như là Dân Thiên Chúa, có phản chiếu Tình Yêu Ba Ngôi và cũng đòi buộc rằng, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, tất cả mọi thành phần giáo hội kết thành “một thân thể và một tinh thần duy nhất” trong Chúa Kitô. Nhất là khi Dân Chúa này quy tụ lại để cử hành Thánh Thể, một đoàn dân được tổ chức chặt chẽ dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn, một đoàn dân sống mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em. Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của sự hiệp nhất giáo hội mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho, vào lúc sắp bước vào cuộc thương khó: “Lạy Cha,... ước chi họ được nên một trong chúng ta, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con vào thế gian” (Ga 17, 21). Sự hiệp nhất sâu xa này cổ võ trổ sinh nhiều ơn gọi quảng đại, để phục vụ Giáo Hội: một khi có đầy tràn tình yêu Thiên Chúa, thì tâm hồn người tín hữu được thôi thúc dấn thân hoàn toàn cho công cuộc Nước Chúa. Ðể cổ võ ơn gọi, điều quan trọng là có một mục vụ biết chú ý đến mầu nhiệm Giáo Hội - như Hiệp Thông, bởi vì ai sống trong một cộng đoàn giáo hội hoà thuận, đồng trách nhiệm, biết tiên liệu chăm sóc cho nhau, thì chắc chắn người đó sẽ dễ dàng học biết cách phân định lời mời gọi của Chúa. Việc chăm sóc cho các ơn gọi đòi hỏi “một sự huấn luyện” liên lỉ để lắng nghe tiếng Chúa, như tiên tri Êli đã làm, để giúp cho cậu bé Samuel hiểu điều Thiên Chúa muốn nơi cậu, và giúp cho cậu thực hiện nó một cách mau mắn (x. 1Sm 3,9). Giờ đây sự lắng nghe đầy vâng phục và trung thành chỉ có thể có được trong bầu khí hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa. Và điều nầy được thực hiện nhất là trong việc cầu nguyện. Theo mệnh lệnh rõ ràng của Chúa, chúng ta cần phải khẩn cầu Thiên Chúa thương ban những ơn gọi, trước tiên bằng việc cùng nhau cầu nguyện không mệt mỏi với Ðấng là “chủ mùa gặt”. Lời mời gọi được nói lên trong hình thức số nhiều: “Chúng con hãy cầu xin vị Chủ Mùa Gặt, xin Ngài sai đến những thợ đến gặt lúa” (Mt 9,38). Lời mời gọi này của Chúa quả thật tương xứng với cách thức của lời kinh “Lạy Cha chúng con” (Mt 6,9), lời cầu nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta, và là lời “tổng hợp trọn cả Tin Mừng”, theo cách nói rõ ràng của giáo phụ Tertullianô.[2] Trong chìa khóa để đọc hiểu điều này, còn có lời nói đầy ý nghĩa khác nữa của Chúa Giêsu như sau: “Nếu hai người trong chúng con trên mặt đất này đồng ý với nhau để xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy trên trời sẽ ban điều đó cho chúng con” (Mt 18,19). Ðấng chăn chiên nhân lành mời gọi chúng ta hãy cầu xin Cha trên trời, hãy cầu nguyện hiệp nhất với nhau và cách khẩn thiết, ngõ hầu Cha trên trời sai đến những ơn gọi để phục vụ Giáo Hội Hiệp Thông.
Thu nhận kinh nghiệm mục vụ của những thế kỷ đã qua, Công Ðồng Vatican II đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc huấn luyện những linh mục tương lai sống sự hiệp thông giáo hội đích thực. Về điểm này, chúng ta đọc trong sắc lệnh về Huấn Luyện Linh Mục, Presbyterorum Ordinis, như sau: “Khi thi hành tác vụ của Chúa Kitô, Thủ lãnh và Mục Tử, và theo quyền được trao ban cho, các linh mục, nhân danh Giám Mục, quy tụ gia đình của Thiên Chúa, như một cộng đồng huynh đệ sinh hoạt trong sự hiệp nhất; nhờ qua Chúa Kitô, các linh mục hướng dẫn gia đình Thiên Chúa này đến với Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần”.[3] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về các chủ chăn, “Pastores Dabo Vobis”, đã làm vọng lại quả quyết trên của Công Ðồng; tông huấn nhấn mạnh rằng linh mục là “kẻ phục vụ cho giáo hội hiệp thông, bởi vì - trong sự hiệp nhất với Giám mục và trong tương quan chặt chẽ với linh mục đoàn - linh mục xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn giáo hội trong sự hoà hợp của nhiều ơn gọi khác nhau, của nhiều đoàn sủng và nhiều việc phục vụ khác nhau”.[4] Ðiều cần thiết là bên trong nội bộ của Dân Kitô, mọi thừa tác vụ và đoàn sủng đều hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn; Đức Giám mục và các linh mục có trách nhiệm cổ võ sự hiệp thông này, trong sự hoà hợp với mỗi ơn gọi và việc phục vụ khác nhau trong giáo hội. Ðời tận hiến, chẳng hạn, trong tính cách riêng biệt của nó, cũng là để phục vụ cho sự hiệp thông này, như được làm nổi bật trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Ðời Tận Hiến (Vita Consecrata) của vị tiền nhiệm tôi, Ðức Gioan Phaolô II, như sau: “Ðời tận hiến chắc chắn có công vì đã đóng góp hữu hiệu để giữ luôn sống động trong giáo hội sự đòi buộc của tình huynh đệ, như là lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Với việc liên lỉ cổ võ cho tình thương huynh đệ, cả trong hình thức đời sống chung, đời tận hiến mạc khải cho biết rằng sự tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa có thể làm thay đổi những tương quan giữa con người, vừa sáng tạo ra một kiểu mẫu mới của tình liên đới”.[5]
Trung tâm của mọi cộng đoàn kitô là Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống giáo hội. Nếu sống nhờ qua Bí Tích Thánh Thể, thì kẻ dấn thân phục vụ Tin Mừng sẽ tiến tới trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, và góp phần xây dựng giáo hội như sự hiệp thông. Chúng ta có thể quả quyết rằng “tình yêu thánh thể” thôi thúc và thiết lập nền tảng cho hoạt động mục vụ ơn gọi trong toàn thể giáo hội, bởi vì, như tôi đã viết trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, Deus Caritas Est, ơn gọi linh mục và ơn gọi cho những thừa tác vụ và những việc phục vụ khác, trổ sinh phong phú trong Dân Chúa, tại bất cứ nơi nào có những con người mà trong đó Chúa Kitô được biểu lộ ra qua Lời Chúa, trong các bí tích, và nhất là trong bí tích Thánh Thể. Và điều này, là bởi vì “trong phụng vụ của Giáo Hội, trong lời cầu nguyện của Giáo Hội, trong cộng đoàn sống động các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa và chúng ta học biết cách nhận ra sự hiện diện này trong cuộc sống thường ngày. Thiên Chúa là Ðấng trước tiên đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thưong chúng ta trước; vì thế chúng ta có thể đáp lại bằng tình yêu”.[6]
Cuối cùng chúng ta chạy đến với Mẹ Maria, Ðấng đã nâng đỡ cộng đoàn đầu tiên trong đó tất cả đều hiệp nhất với nhau và họp nhau thường xuyên để cầu nguyện” (x. Cv 1,14), xin Mẹ giúp cho Giáo Hội trở nên trong thế giới hôm nay một “hiện ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa”, trở nên dấu chỉ hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh, Ðấng đã mau mắn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa Cha khi thưa: “Này Tôi đây là nữ tì của Chúa” ( Lc 1,38), xin Mẹ khẩn cầu cho chúng ta ngõ hầu không bao giờ bị thiếu đi trong Dân Chúa những kẻ phục vụ cho niềm vui thần thiêng: không bao giờ bị thiếu đi những linh mục, trong sự hiệp thông với Giám mục của họ, biết trung thành rao giảng Tin Mừng và cử hành các bí tích, biết chăm sóc Dân Chúa và sẵn sàng rao giảng Phúc âm cho toàn thể nhân loại. Xin Mẹ hãy làm sao cho trong thời đại chúng ta được gia tăng con số những kẻ tận hiến, những kẻ sống ngược dòng đời, sống những lời khuyên phúc âm khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, và làm chứng một cách tiên tri cho Chúa Kitô và cho sứ điệp cứu rỗi của Chúa, một sứ điệp đầy sức giải phóng.
Anh chị em thân mến mà Chúa đã gọi theo những ơn gọi khác biệt nhau trong giáo hội, tôi muốn phó dâng đặc biệt anh chị em cho Mẹ Maria, bởi vì, hơn ai hết, Mẹ hiểu rõ ý nghĩa của Lời Chúa Giêsu: “Mẹ Ta và anh em Ta, chính là những ai lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành Lời đó” (Lc 8,21), xin Mẹ dạy anh chị em biết lắng nghe Con Thiên Chúa và là Con của Mẹ. Nguyện xin Mẹ trợ giúp anh chị em nói lên bằng chính đời sống mình lời thưa: “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (x. Dt 10,7). Với những ước mong trên, tôi bảo đảm nhớ đến mọi người trong lời cầu nguyện và chân thành ban Phép lành cho tất cả.
Ban hành tại Vatican, ngày 10 tháng 02 năm 2007
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 4.
[2] x. St. Tertullian, De Oratione, 1,6: CCL 1,258.
[3] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbytorerum Ordinis (Chức linh mục), số 6.
[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay), Ngày 25-03-1992, số 16.
[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 41.
[6] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 17.