Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:02

Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Của ĐGH Gioan Phaolô II – Năm 2005 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ XX

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Chúa Nhật 20 Tháng 08 Năm 2005

***

***

“Chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2)

 

 

Các bạn trẻ thân mến!

1. Năm nay chúng ta đã cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XIX bằng cách suy niệm về ước muốn của mấy người Hy Lạp đến Jerusalem trong dịp lễ Vượt Qua: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 12,2). Và giờ đây chúng ta đang trên đường hướng đến Cologne, nơi sẽ cử hành ngày Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XX vào tháng 8 năm 2005.

Chủ đề của ngày Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới là “Chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2). Chủ đề này có thể giúp các bạn trẻ từ khắp các châu lục thể hiện lại trên bình diện tinh thần hành trình của các vị đạo sĩ mà theo một truyền thống đạo đức, thánh tích của các ngài đang được tôn kính ngay tại thành phố này, và như các vị đạo sĩ, gặp gỡ Đấng Mesesiah của mọi dân tộc.

Thật vậy, ánh sáng của Chúa Kitô đã khai mở tâm trí các đạo sĩ. Thánh sử thuật lại: “Họ ra đi” (Mt 2,9), can đảm dấn bước theo những lối đi lạ lẫm, thực hiện một cuộc hành trình dài và khó khăn. Họ đã không ngần ngại bỏ hết mọi sự để lần theo ngôi sao mà họ đã thấy mọc lên ở phương Đông (x. Mt 2,2). Noi gương các đạo sĩ, người trẻ chúng con sẵn sàng thực hiện cuộc “hành trình” đến Cologne từ mọi miền trên thế giới. Điều quan trọng đối với chúng con không chỉ là bận tâm đến việc tổ chức bên ngoài cho ngày Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng trước hết phải chăm lo cho việc chuẩn bị thiêng liêng, trong bầu khí đức tin và lắng nghe Lời Chúa.

2. “Và ngôi sao... lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” (Mt 2,9). Các đạo sĩ đã đến được Bethlehem vì họ đã sẵn lòng để cho ngôi sao hướng dẫn. Thế nên “trông thấy ngôi sao, họ vô cùng mừng rỡ” (Mt 2,10). Các bạn trẻ thân mến, điều quan trọng là hiểu được các dấu chỉ Thiên Chúa dùng để kêu gọi và hướng dẫn chúng ta. Một khi ý thức mình được Ngài dẫn dắt, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui đích thực và sâu xa, niềm mong ước mãnh liệt được gặp Người và sức mạnh kiên trì để theo Người với lòng vâng phục.

“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria” (Mt 2,11) Thoạt nhìn, chuyện này chẳng có gì lạ thường. Thế nhưng Hài Nhi này khác với các trẻ thơ khác: Người là Con duy nhất của Thiên Chúa, song đã trút bỏ vinh quang của mình (x. Pl 2,7) và đến thế gian để chết trên thánh giá. Người đã hạ cố đến với chúng ta và trở nên nghèo khó để mạc khải cho chúng ta vinh quang thần linh của Người, vinh quang mà chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn trên trời, quê hương vinh phúc của chúng ta.

Ai có thể phát minh ra dấu chỉ tình yêu lớn hơn thế? Chúng ta ngây ngất trước mầu nhiệm Thiên Chúa đã hạ cố mang lấy thân phận con người của chúng ta, đến độ hiến cả mạng sống trên thánh giá (x. Pl 2,6-8). Trong cái nghèo của Người - như thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta - Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9) đã đến đem ơn cứu rỗi cho các tội nhân. Làm sao chúng ta có thể tạ ơn Chúa vì lòng nhân từ như thế của Người?

3. Các đạo sĩ đã gặp Chúa Giêsu ở “Bethlehem”, nghĩa là ở “Nhà Bánh”. Trong chuồng ngựa khiêm tốn ở Bethlehem, trên mấy cọng rơm, chơ vơ “hạt lúa mì” hay Đấng đã chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,24). Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh chiếc bánh để nói về chính mình và về sứ vụ cứu độ của mình. Người nói: “Tôi là bánh ban sự sống”, “Tôi là bánh từ trời xuống”, “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,35.41.51).

Khi bước lại con đường Đấng Cứu Chuộc đã đi qua từ máng cỏ đơn nghèo đến tự hiến trên thánh giá, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn mầu nhiệm tình yêu của Người, tình yêu cứu chuộc nhân loại. Người Con mà Đức Maria đặt nằm trong máng cỏ, là Thiên Chúa làm người, Đấng chúng ta sẽ thấy bị đóng đinh vào thánh giá. Chính Đấng Cứu Chuộc ấy đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Trong chuồng ngựa ở Bethlehem, dưới vẻ đơn nghèo của một trẻ sơ sinh, Người đã để cho Đức Maria, thánh Giuse và các mục đồng thờ lạy; trong Bánh Thánh, chúng ta thờ lạy Người hiện diện một cách bí tích trong mình máu, linh hồn và thiên tính của Người, còn Người thì ban tặng chính mình cho chúng ta làm lương thực cho cuộc sống đời đời. Như vậy thánh lễ trở nên cuộc gặp gỡ yêu thương đích thực với Đấng đã hiến mình hoàn toàn cho chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, chúng con đừng ngần ngại đáp lại khi Người mời gọi chúng con tham dự “tiệc cưới Con Chiên” (x. Kh 19,9). Hãy lắng nghe Người, hãy dọn mình cho xứng đáng và đến gần Bí tích của bàn thờ, đặc biệt trong Năm Thánh Thể này (tháng Mười 2004 – 2005) mà cha đã thiết lập cho toàn Giáo Hội.

4. “Họ liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11). Nếu các đạo sĩ đã nhận biết và thờ lạy Hài Nhi Đức Maria ẵm trên tay như Đấng muôn dân trông đợi và các ngôn sứ đã báo trước, thì ngày nay chúng ta cũng có thể thờ phượng Người trong Thánh Thể, và nhìn nhận Người là Đấng Sáng Tạo, là Chúa và Cứu Chúa duy nhất của chúng ta.

“Họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11). Tặng vật các đạo sĩ dâng cho Đấng Mesesiah tượng trưng cho sự tôn thờ đích thực. Với vàng, họ nhấn mạnh đến thiên tính của Người; với nhũ hương, họ tuyên xưng Người là tư tế của Giao Ước Mới; qua việc dâng cho Người mộc dược, họ biểu dương Vị Ngôn sứ sẽ đổ máu mình để hoà giải nhân loại với Chúa Cha.

Các bạn trẻ thân mến, cả chúng con cũng hãy dâng cho Chúa nén vàng cuộc đời chúng con là tự do của chúng con để theo Người vì tình yêu bằng cách đáp lại tiếng Người kêu gọi; hãy để cho hương thơm kinh nguyện tha thiết của chúng con bay lên tới Người để ca ngợi vinh quang Người; hãy dâng cho Người mộc dược là lòng tri ân tuyệt đối của chúng con đối với Người, là Con người thật và là Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ chết như một tội nhân trên đồi Golgotha.

5. Chúng con hãy là những người thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, bằng cách dành cho Người chỗ vinh dự nhất trong cuộc đời chúng con! Sùng bái ngẫu tượng là cám dỗ của mọi thời. Buồn thay, có những người tìm giải đáp cho những vấn nạn của họ trong các thực hành tôn giáo không phù hợp với đức tin Kitô giáo. Có sự thôi thúc mạnh mẽ tin vào những huyền thoại hời hợt của thành công và quyền lực; thật nguy hiểm khi chấp nhận các quan niệm phù phiếm về linh thánh trình bày Thiên Chúa dưới hình thức năng lực vũ trụ, hay những hình thức khác nghịch với giáo huấn Công Giáo.

Các bạn trẻ thân mến, đừng chiều theo những ảo tưởng dối trá và những ham thích chóng qua vốn thường để lại sự trống rỗng bi thảm cho tâm hồn! Hãy khước từ những cám dỗ về tiền của, chủ nghĩa tiêu thụ và bạo lực xảo trá mà đôi khi các phương tiện truyền thông sử dụng.

Tôn thờ Thiên Chúa chân thật là hành vi chính đáng chống lại mọi hình thức thờ ngẫu tượng. Hãy tôn thờ Chúa Kitô: Người là Đá tảng trên đó tương lai của chúng con cũng như thế giới công bằng và liên đới hơn được dựng xây. Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An: nguồn ơn tha thứ và hoà giải, Đấng có thể làm cho mọi thành viên của gia đình nhân loại trở thành anh chị em với nhau.

6. “Họ đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2,12). Tin Mừng cho chúng ta biết sau khi gặp Đức Kitô, các đạo sĩ đã trở về nhà “bằng lối khác”. Việc thay đổi lộ trình này tượng trưng cho việc hoán cải mà những người gặp gỡ Chúa Giêsu được mời gọi thực hiện để trở nên những người thờ phượng chân thật như Chúa mong muốn (x. Ga 4,23-24). Điều này đòi hỏi phải bắt chước Người, bằng cách trở nên “của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” như thánh tông đồ Phaolô viết. Thánh tông đồ còn thêm rằng chúng ta đừng rập theo não trạng thế tục, nhưng hãy biến đổi con người bằng cách biến đổi tâm hồn, hầu có thể “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (x. Rm 12,1-2).

Việc lắng nghe Chúa Kitô và tôn thờ Người giúp chúng ta can đảm lựa chọn, có được những quyết định đôi khi anh hùng. Chúa Giêsu rất đòi hỏi, vì Người muốn chúng ta được hạnh phúc thực. Người mời gọi một số người bỏ mọi sự đi theo Người trong đời sống linh mục hay đời sống thánh hiến. Những ai nghe lời mời gọi này đừng sợ thưa “xin vâng” và hãy quảng đại bước theo Người. Ngoài những ơn gọi sống đời thánh hiến dưới những hình thức đặc biệt, còn có ơn gọi dành riêng cho mọi Kitô hữu đã được rửa tội: đó là ơn gọi đạt tới “đỉnh cao” trong đời sống Kitô hữu bình thường tức nên thánh.[1] Một khi chúng ta gặp Chúa Kitô và chấp nhận Tin Mừng của Người, đời sống chúng ta sẽ thay đổi và nhất thiết chúng ta sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người khác.

Có rất nhiều người cùng thời với chúng ta chưa biết đến tình yêu của Thiên Chúa hoặc đang tìm cách lấp đầy con tim bằng những thứ tầm thường. Thế nên điều khẩn thiết đối với chúng ta là làm chứng cho tình yêu được chiêm ngắm nơi Chúa Kitô. Lời mời tham dự ngày Giới Trẻ Thế Giới cũng được gửi tới các bạn là những người chưa được rửa tội hay chưa nhận ra mình trong Giáo Hội. Các bạn chẳng đang khao khát Đấng Tuyệt Đối và tìm kiếm “điều gì đó” đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của các bạn đó sao? Hãy đến với Chúa Kitô và các bạn sẽ không thất vọng.

7. Các bạn trẻ thân mến, Giáo Hội cần những chứng nhân đích thực cho việc tân Phúc Âm hóa: những người đã hoán cải đời sống nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu, những người có khả năng thông truyền kinh nghiệm này cho những người khác. Giáo Hội cần những vị thánh. Mọi người đều được mời gọi nên thánh, và chỉ có các vị thánh mới có thể canh tân nhân loại. Nhiều người trước chúng ta đã đi theo con đường anh hùng của Tin Mừng, và Cha khuyên chúng con hãy năng đến xin các vị ấy chuyển cầu. Gặp nhau ở Cologne, chúng con sẽ học biết rõ hơn một vài vị, chẳng hạn như thánh Boniface - vị tông đồ của nước Đức, các thánh thành Cologne, và đặc biệt là thánh Ursula, thánh Albert cả, thánh Teresa Benedicta Thánh giá (Edith Stein) và chân phước Adolf Kolping.

Trong các vị này, cha muốn lưu ý đặc biệt đến thánh Albert và thánh Teresa Benedicta Thánh giá là những vị, với thái độ nội tâm như các đạo sĩ, đã say mê tìm kiếm chân lý. Họ đã không ngần ngại vận dụng khả năng tri thức của mình để phục vụ đức tin, qua đó minh chứng đức tin và lý trí có liên quan với nhau và bổ sung cho nhau.

Các bạn trẻ thân mến, khi chúng con hướng về Cologne thì Giáo hoàng cũng đồng hành với chúng con trong kinh nguyện. Nguyện xin Mẹ Maria, “Người phụ nữ của Thánh Thể” và là Mẹ Khôn ngoan, nâng đỡ chúng con trên đường, soi sáng những quyết định của chúng con, và dạy chúng con yêu mến những gì là chân, thiện mỹ. Xin Mẹ dẫn đưa tất cả chúng con đến với Con của Mẹ, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn những ước vọng thâm sâu nhất của tâm trí con người.

Cha chúc lành cho chúng con!

 

Ban hành tại Castel Gandolfo, ngày 6 tháng tám, 2004.

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte (Khởi đầu thiên niên kỷ mới), Ngày 06-01-2001, số 31.