Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:01

Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo Của ĐGH Gioan Phaolô II – Năm 2004 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO LẦN THỨ 78

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Năm 2004

***

***

“Thánh Thể và Truyền Giáo”

 

 

Anh chị em rất thân mến!

1. Vào buổi khởi đầu ngàn năm thứ ba này, nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội vẫn còn là một điều cấp bách mà tôi đã nhắc nhớ nhiều lần. Như tôi đã lưu ý trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc), việc truyền giáo chưa hề hoàn tất và vì thế chúng ta phải dấn thân hết sức mình phục vụ công cuộc này.[1] Toàn thể Dân Chúa, vào mỗi thời điểm của cuộc hành trình trong lịch sử, được kêu gọi chia sẻ “cái khát” của Đấng Cứu Chuộc (x. Ga 19,28). Các thánh là những người đã luôn cảm nhận cách sâu sắc nỗi khao khát này là ước muốn cứu vớt các linh hồn: chẳng hạn chỉ cần nghĩ đến thánh nữ Têrêxa thành Lisieux, Đấng bảo trợ các công cuộc truyền giáo, và Đức Cha Comboni, vị tông đồ vĩ đại tại châu Phi, người mà tôi mới vui mừng đưa lên tôn vinh nơi bàn thờ.

Những thách thức về mặt xã hội và tôn giáo mà nhân loại phải đương đầu trong thời đại chúng ta thúc đẩy các tín hữu khơi lại nhiệt tình truyền giáo của mình. Vâng! điều cần thiết là phải can đảm tái phát động công cuộc truyền giáo “đến với muôn dân”, khởi đi từ việâc loan báo Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc mọi người. Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, mà sẽ được cử hành tại Guadalajara, nước Mêhicô,vào tháng mười tới đây, tháng truyền giáo, sẽ là một cơ hội đặc biệt để tạo nên ý thức chung về nghĩa vụ truyền giáo chung quanh bàn tiệc Mình và Máu Chúa Kitô. Tập hợp chung quanh bàn thờ, Giáo Hội hiểu rõ hơn nguồn gốc của mình và mệnh lệnh đã lãnh nhận là phải truyền giáo. Như chủ đề ngày thế giới truyền giáo năm nay nhấn mạnh, “Thánh Thể và Truyền Giáo” làm thành một cặp không thể tách rời. Thêm vào suy tư về mối liên kết giữa mầu nhiệm Thánh Thể và mầu nhiệm Giáo Hội, năm nay chúng ta còn qui chiếu một cách đầy ý nghĩa về Đức Trinh Nữ Maria, nhờ việc cử hành kỷ niệm 150 năm công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854-2004). Chúng ta hãy chiêm ngắm Thánh Thể với con mắt của Đức Maria. Cậy vào sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, Giáo Hội trao tặng Chúa Kitô, bánh ban ơn cứu độ, cho mọi dân tộc, ngõ hầu mọi người nhìn nhận và đón nhận Người như Đấng Cứu độ duy nhất.

2. Trở lại phòng Tiệc Ly bằng tâm trí, năm vừa qua, chính xác là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tôi đã ký Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia. Giờ đây, anh chị em rất thân mến, tôi muốn nhắc lại một vài đoạn trong thông điệp này khả dĩ giúp chúng ta sống ngày Thế Giới Truyền Giáo sắp tới với một tinh thần Thánh Thể.

“Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Thánh Thể”: Tôi đã viết như thế, đồng thời ghi nhận rằng sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô (x. Ga 20,21) và kín múc được sức mạnh thiêng liêng nhờ việc thông hiệp với Mình và Máu Người. Mục đích của Thánh Thể chính là “hiệp nhất nhân loại với Chúa Kitô và, trong Người, hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (Ecclesia de Eucharistia). Khi tham dự hy tế Thánh Thể, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tính phổ quát của ơn cứu chuộc và, do đó, sự cấp bách của sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, mà chương trình, “tập trung vào chính Chúa Kitô, là Đấng ta phải biết, yêu mến và noi theo, để, trong Người, ta sống sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, và, với Người, ta biến đổi lịch sử, cho đến khi lịch sử được hoàn thành trong thành Jerusalem trên trời”.[2]

Chung quanh Chúa Kitô Thánh Thể, Giáo Hội tăng trưởng như dân tộc, đền thờ và gia đình của Thiên Chúa: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đồng thời, Giáo Hội hiểu rõ hơn đặc tính của mình là bí tích phổ quát của ơn cứu độ và là thực tại hữu hình có cơ cấu phẩm trật. Hẳn nhiên “không một cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng nếu không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành phép Thánh Thể chí thánh”.[3] Cuối mỗi thánh lễ, khi chủ tế giải tán cộng đoàn bằng những lời “Thánh lễ đã xong, anh chị em hãy ra đi”, hết mọi người đều phải cảm thấy mình được sai đi như là “người thừa sai của Thánh Thể”, loan truyền ở khắp mọi môi trường sống hồng ân vĩ đại đã lãnh nhận. Thực vậy, người nào gặp gỡ Chúa Kitô trong phép Thánh Thể không thể nào không công bố bằng cuộc sống mình tình yêu hay thương xót của Đấng Cứu Chuộc.

3. Ngoài ra, để sống phép Thánh Thể, cần thiết phải dành nhiều thời gian thờ phượng trước bí tích cực thánh, đó là kinh nghiệm hằng ngày của bản thân tôi, nhờ đó tôi kín múc được sức mạnh, nguồn an ủi và sự nâng đỡ.[4] Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng phép Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo”,[5] là “nguồn mạch và chóp đỉnh của việc Phúc Âm hóa”.[6] Bánh và rượu, là hoa quả công lao của con người, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, được biến đổi thành mình và máu Chúa Kitô, trở nên bảo chứng cho một “trời mới và đất mới” (Kh 21,1), được Giáo Hội loan báo trong sứ vụ thường ngày. Trong Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta tôn thờ sự hiện diện trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Cha đã nói lên lời chung cuộc về con người và lịch sử con người.

Liệu Giáo Hội có thể thực hiện ơn gọi riêng của mình mà không vun trồng một mối tương quan liên lỉ với Thánh Thể, không nuôi mình bằng lương thực có sức thánh hóa này, không đặt hoạt động truyền giáo của mình dựa trên sự trợ lực không thể thiếu này? Để Phúc Âm hóa thế giới, cần phải có những tông đồ “chuyên gia” về việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngắm Thánh Thể.

4. Trong phép Thánh Thể, chúng ta sống lại mầu nhiệm cứu chuộc đạt đến chóp đỉnh trong hy tế của Chúa Kitô, như được làm nổi bật trong lời truyền phép: “Mình Thầy hiến tế vì anh em…; Máu Thầy đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Chúa Kitô đã chết cho mọi người; và, cho mọi người, Người là hồng ân cứu độ, mà phép Thánh Thể làm cho hiện diện cách bí tích theo dòng lịch sử: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Mệnh lệnh này được trao cho các thừa tác viên được truyền chức nhờ bí tích Truyền Chức Thánh. Hết mọi người đều được mời đến tham dự bữa tiệc và hy tế này, hầu nhờ đó họ có thể thông phần vào chính sự sống của Chúa Kitô: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57) Được nuôi dưỡng bằng chính Chúa, các tín hữu hiểu được rằng nghĩa vụ truyền giáo cốt tại trở nên “một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa, được Thánh Thần thánh hóa” (Rm 15,16), để ngày càng trở nên “một lòng một ý” (Cv 4,32) và làm chứng cho tình yêu của Chúa đến tận cùng trái đất.

Khi làm mới lại hằng ngày hy tế bàn thờ, trong cuộc hành trình xuyên qua các thế kỷ, Giáo Hội, đoàn Dân Thiên Chúa, trông đợi cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô. Đó là điều cộng đoàn Thánh Thể, tập họp chung quanh bàn thờ, công bố sau Truyền Phép. Với một lòng tin luôn được khơi lại, Giáo Hội tái khẳng định ước muốn cuộc gặp gỡ cuối cùng với Đấng sẽ đến hoàn tất kế hoạch cứu độ phổ quát của Người.

Nhờ hoạt động vô hình nhưng hiệu quả của Ngài, Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Kitô giáo trong cuộc hành trình thiêng liêng hằng ngày, mà trong đó không thể tránh gặp phải những lúc khó khăn và trải qua mầu nhiệm thập giá. Thánh Thể là nguồn trợ lực và bảo chứng chiến thắng chung cuộc cho những ai chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ; Thánh Thể là “bánh ban sự sống” nâng đỡ những ai, đến lượt mình, trở thành “tấm bánh được bẻ ra” cho anh chị em mình, đôi khi phải trả giá thậm chí bằng việc tử đạo để trung thành với Tin Mừng.

5. Như tôi đã nhắc đến, năm nay sẽ là năm thứ 150 kỷ niệm việc công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Maria đã đuợc “cứu chuộc một cách rất kỳ diệu nhờ công nghiệp của Con Ngài”.[7] Tôi có lưu ý, trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia: “Hướng nhìn lên Mẹ, chúng ta biết được năng lực biến đổi của Thánh Thể. Trong Mẹ, chúng ta nhìn thấy thế giới được đổi mới trong tình yêu”.[8]

Đức Maria, “nhà tạm đầu tiên trong lịch sử”,[9] chỉ và ban tặng cho chúng ta Chúa Kitô, là Đường, sự Thật và sự Sống của chúng ta” (x. Ga 14,6). Nếu Giáo Hội và Thánh Thể làm thành một cặp không thể tách rời, thì ta cũng phải nói như thế về cặp Đức Maria và Thánh Thể”.[10]

Tôi ước mong rằng sự trùng hợp may mắn của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế với dịp kỷ niệm năm thứ 150 công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội cống hiến cho các tín hữu, các giáo xứ và các Hội truyền giáo cơ hội để tăng cường nhiệt tình truyền giáo của mình, ngõ hầu “một nỗi khao khát đích thật phép Thánh Thể” [11] được duy trì sống động trong mỗi cộng đoàn.

Đây cũng là cơ hội rất thuận lợi để nhắc đến sự đóng góp đầy công lao mà các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cống hiến cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Tôi rất quý mến các Hội này và, nhân danh hết mọi người, tôi cám ơn các Hội này vì sự phục vụ quí báu đối với việc truyền giáo “đến với muôn dân” và đối với công cuộc tái Phúc Âm hóa. Tôi mời gọi mọi người hỗ trợ các Hội này, về mặt thiêng liêng và vật chất, ngõ hầu, nhờ sự góp phần đặc biệt của các Hội ấy, việc loan báo Tin Mừng có thể đạt đến mọi dân tộc trên trái đất.

Với những tâm tình này, đồng thời khẩn nài sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Maria, “người phụ nữ của phép Thánh Thể”, tôi hết lòng chúc phúc lành cho anh chị em.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 19 tháng 04 năm 2004,

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc), Ngày 07-12-1990, số 1.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội từ Bí tích Thánh Thể), Ngày 17-04-2003, số 60.

[3] Ibid., số 33; xem thêm: Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Chức vụ và đời sống Linh Mục), số 6.

[4] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội từ Bí tích Thánh Thể), Ngày 17-04-2003, số 25.

[5] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 11.

[6] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Chức vụ và đời sống Linh Mục), số 5.

[7] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 53.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội từ Bí tích Thánh Thể), Ngày 17-04-2003, số 62.

[9] Ibid., số 55

[10] Ibid., số 57.

[11] Ibid., số 33.