Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:00

Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II - Năm 2001 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 34

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Ngày 01 tháng Giêng năm 2001

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

"Đối thoại giữa các nền văn hóa

cho một nền văn minh của tình yêu thương và hòa bình"

 

 

1. Khởi đầu ngàn năm mới, càng có hy vọng thấy những tương quan giữa con người luôn được linh hứng hơn nữa do lý tưởng của một tình huynh đệ phổ quát thật sự. Nếu ta không chia sẻ một lý tưởng như vậy, thì hòa bình không thể bảo đảm cách bền vững được. Có nhiều dấu chỉ cho phép nghĩ rằng xác tín đó càng ngày càng biểu lộ mãnh liệt hơn trong lương tâm nhân loại. Giá trị tình huynh đệ được công bố qua các bản “hiến chương” lớn đòi những quyền nhân bản; giá trị đó được làm nổi bật lên cách cụ thể nhờ những qui chế lớn quốc tế, cách riêng nhờ Tô chức Liên Hiệp Quốc; sau cùng, hơn bao giờ hết bắt buộc phải nhận giá trị đó do quá trình toàn cầu hoá càng ngày càng liên kết số phận của nền kinh tế, văn hóa và xã hội.

Chính việc suy nghĩ của những tín đồ, trong các tôn giáo khác nhau, có xu hướng nhấn mạnh rằng tương quan với Thiên Chúa duy nhất, Cha chung của mọi người, chỉ giúp cho ta ý thức mình là anh em với nhau và giúp cho ta sống một cách thích đáng. Trong mạc khải của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, nguyên lý này được diễn tả cách rất triệt để: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8).

2. Nhưng đồng thời, ta không thể không thấy rằng cách nhận định chúng ta vừa nói bị che mờ bởi những vùng bóng tối rộng lớn và dày đặc. Nhân loại bắt đầu giai đoạn mới của lịch sử mình, mặc dầu còn mang những vết thương chưa lành; trong nhiều vùng, nhân loại bị thử thách bởi những cuộc xung đột cam go và đổ máu; nhân loại biết những khó khăn càng ngày càng lớn của tình liên đới trong các quan hệ giữa những người theo những nền văn hóa và văn minh khác nhau, nhưng luôn luôn gần nhau và tác động với nhau hơn trong cùng những phần đất như nhau.

Mỗi người đều biết khó mà dung hoà các vị trí thù địch, khi tâm trí bị khích động hừng hực và phẫn nộ do những hận thù xưa cũ và do những vấn đề quan trọng phải vất vả lắm mới tìm được lời giải đáp. Nhưng không phải là ít nguy hiểm hơn cho tương lai hòa bình nếu tỏ mình bất lực đương đầu cách khôn ngoan với những vấn đề được đặt ra do sự quân bình mới mà, trong nhiều nước, nhân loại lần hồi tìm gặp được, và điều này xảy ra là do sự tăng nhanh những làn sóng di dân phát sinh những hình thức kỳ lạ chung sống giữa những người khác nhau về mặt văn hóa và văn minh.

3. Do đó, tôi cho là cần thiết phải mời gọi những kẻ tin vào Chúa Kitô, và cùng với họ, tất cả những người có thiện ý, tiến hành suy tư về sự đối thoại giữa các nền văn hóa và truyền thống khác nhau của các dân tộc, cho thấy rằng chính nhờ sự đối thoại mà gặp được con đường cần thiết để xây dựng một thế giới được hòa giải, có khả năng nhìn đến tương lai mình cách thanh thản. Đó là một chủ đề chung cuộc trong viễn tượng hòa bình. Tôi lấy làm sung sướng vì Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cũng đã thấy và nêu lên sự khẩn cấp này, khi tuyên bố năm 2001 sẽ là “Năm Quốc tế đối thoại giữa các nền văn minh”.

Dĩ nhiên là tôi không nghĩ rằng, đối với một vấn đề như thế, người ta có thể đưa ra những giải pháp dễ dàng, sẵn sàng để sử dụng. Điều đã gian khổ là tiến hành sự thảo luận đơn thuần về hoàn cảnh xem ra như giao động mãi mãi, đến nỗi thoát khỏi dự án tiền định. Phải thêm cái khó ghép lại được những nguyên tắc và những giá trị mà trên lý thuyết có thể hòa hợp nhau nhưng trong cụ thể có nhiều yếu tố căng thẳng không dễ gì tổng hợp lại. Sau cùng, tại hạ tầng, cần sự cố gắng trong việc cam kết đạo đức của mỗi người, bắt buộc tính với tính ích kỷ của mình và với những hạn chế của mình.

Chính vì sự kiện này mà tôi thấy hữu ích việc suy tư chung về vấn đề này. Trong mục đích này, ở đây tôi nói hạn chế một số nguyên tắc nhằm hướng dẫn suy tư, sẵn sàng nghe điều Thần Khi Thiên Chúa nói với các Giáo Hội (x. Kh 2,7) và với tất cả nhân loại, trong bước chuyển chung cuộc này của lịch sử mình.

Con người và những nền văn hóa khác nhau

4. Khi nghiên cứu lịch sử nhân loại trong tổng thể của nó, ta luôn kinh ngạc vì những biểu hiện phức tạp và thay đổi cuả những nền văn hóa nhân loại. Những nền văn hóa này khác nhau do hành trình lịch sử phân biệt chúng, và do những đặc tính phát sinh từ đó và biến chúng thành duy nhất, độc đáo và có tổ chức, trong cấu trúc của nó. Văn hoá là một diễn tả đặc trưng của con người và của lịch sử con người, trên bình diện cá nhân hay tập thể. Thật vậy, con người không ngừng bị thúc đẩy bởi trí khôn và ý muốn của minh, “trau giồi những tài sản và những giá trị thiên nhiên”,[1] bằng cách điều hoà những sự hiểu biết cơ bản trong những tổng họp văn hóa luôn cao hơn và hệ thống hơn, nhất là những sự hiểu biết liên quan tới cuộc sống xã hội và chính trị, tới nền an ninh và phát triển kinh tế, tới sự xây dựng những giá trị và những quan điểm hiện sinh, có tính chất tôn giáo hơn hết, cho phép lịch sử cá nhân và cộng đồng của họ diển tiến theo những cách thức đích thực nhân bản.[2]

5. Những nền văn hóa luôn luôn được phân biệt bởi một số yếu tố vững bền và lâu dài, và bởi những yếu tố khác có tính năng động và không quan trọng. Mới xem qua, cái nhìn hướng tới một nền văn hóa cho phép khám phá ở đó nhất thiết những khía cạnh đặc biệt làm cho nền văn hóa đó khác với nền văn hóa của người quan sát nó, trao cho nó những nét riêng nơi tập trung những yếu tố rất khác biệt về bản chất. Phần nhiều, những nền văn hóa phát triển trên những vùng đất nhất định, mà những yếu tố địa lý, lịch sử và nhân văn tròng tréo nhau một cách độc đáo và duy nhất.

“Tính đặc thù” này của mỗi một nền văn hóa phản chiếu lại nhiều hay ít về cường độ trong những người có nền văn hóa đó, tùy theo động lực liên tục của những ảnh hưởng tác động trên các cá nhân và của những đóng góp mà những cá nhân đó, theo khả năng và trí tuệ mình, mang đến cho nền văn hóa của họ. Dầu sao đi nữa, làm người có nghĩa là cần thiết hiện hữu trong một nền văn hóa nhất định. Mỗi một người được đánh dấu bởi nền văn hóa họ nhận lãnh từ gia đình của họ và từ những nhóm người liên quan với họ, trải qua quảng đường giáo dục của họ và những ảnh hưởng rất khác biệt của môi trường họ sống, trải qua tương quan họ duy trì với phần đất họ đang cư trú. Trong tất cả những sự kiện đó, không có thuyết định mệnh nào, nhưng là một phép biện chứng thường kỳ giữa sức mạnh của những họp cách hoá và động lực của sự tự do.

Đào tạo nhân bản và sự thuộc về văn hóa

6. Sự tiếp nhận nền văn hóa riêng của mình như là yếu tố cấu trúc nhân phẩm, cách riêng trong giai đoạn đầu mới lớn lên, là một dữ kiện của kinh nghiệm phổ quát, nên không được đánh giá thấp tầm quan trọng của nó, Không có sự đâm rễ sâu như vậy trong đất mùn nhất định, thì con người có nguy cơ, khi còn trong tuổi thơ, bắt buộc phải theo những kích thích tố tương phản quá nhiều, không làm phát triển dễ dàng sự phát triển êm đềm và quân bình của họ. Tùy theo mối tương quan cơ bản này với những “nguồn gốc” riêng của mình – trên bình diện gia đình, mà cũng trên bình diện quốc gia, xã hội và văn hóa – mà phát triển nơi con người, cảm giác về “quê hương”, và văn hóa nhằm mục đích đảm nhận, nhiều hay ít tùy nơi chốn, một hình dáng “quốc gia”. Khi làm người, Con Thiên Chúa không những đã chọn một gia đình, nhưng cũng chọn một “quê hương”. Người vẫn luôn là Giêsu Nadareth, người thành Nadareth (x. Mc 10,47; Lc 18, 37; Ga 1, 45; 19, 19). Đây là một diễn tiến tự nhiên, nơi những hợp thành về mặt xã hội và tâm lý, tác động với nhau, với những hiệu quả thường là tích cực và xây dựng. Cho nên lòng yêu nước là một giá trị phải vun trồng, nhưng đừng có theo tinh thần hạn hẹp, đồng thời phải yêu tất cả gia đình nhân loại [3] và phải tránh những biểu lộ bệnh hoạn xuất hiện khi cảm giác về sự tùy thuộc tiêm nhiễm những dấu chứng tâng mình lên và loại trừ sự khác biệt, dưới những hình thức quốc gia, chủng tộc và bài ngoại.

7. Vậy nếu điều quan trọng là biết đề cao những giá trị của nền văn hóa riêng mình, thì đàng khác nên ý thức rằng mỗi nền văn hóa, vì là sản phẩm điển hình nhân bản, và được điều hoà về mặt lịch sử, nên không tránh khỏi những hạn chế. Muốn cho cảm giác về sự tùy thuộc văn hóa không biến thành dây khoá kéo, có một thứ thuốc giải độc hiệu nghiệm: sự nhìn nhận êm thấm các nền văn hóa khác mà không bị ảnh hưởng bởi những thành kiến tiêu cực. Hơn nữa, một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và thẳng thắn cho thấy các nền văn hóa, bên này những biểu hiệu bên ngoài rõ ràng nhất của chúng, rất thường chung những yếu tố đầy ý nghĩa. Người ta cũng thấy như vậy trong sự kế tiếp lịch sử của những nền văn hóa và văn minh. Giáo Hội khi nhìn lên Chúa Kitô, Đấng biểu lộ đầy đủ con người cho chính con người,[4] theo kinh nghiệm dồi dào tích trữ trong hai ngàn năm lịch sử, xác tín rằng “dưới mọi thay đổi, có nhiều sự không thay đổi”.[5] Sự liên tục này có nền tảng trên những đặc diểm chủ yếu và phổ quát trong chương trình của Thiên Chúa đối với con người.

Những khác biệt văn hóa phải hiểu trong viễn ảnh cơ bản của sự duy nhất nhân loại, của dữ liệu lịch sử và thực thể đầu tiên, mà nhờ đó có thể nắm bắt ý nghĩa sâu xa của chính những khác biệt. Thật vậy, chỉ cái nhìn toàn cảnh về những yếu tố hiệp nhất cũng như những khác biệt, mới có thể hiểu và giải thích toán bộ chân lý của mọi thứ văn hóa nhân bản.[6]

Sự khác biệt về văn hóa và sự tôn trọng lẫn nhau

8. Trong quá khứ, những dị biệt giữa các nền văn hóa thường bị phát giác như nguồn gốc của những hiểu lầm giữa các dân tộc, và cũng là nguyên do những vụ xung đột và chiến tranh. Nhưng ngày nay, vô phúc thay, trong các phần thế giới khác nhau, càng ngày chúng ta còn lo ngại vì chứng kiến sự quyết tâm bút chiến của một số nền văn hóa chống lại những nền văn hóa khác. Hiện tượng ngày lần hồi có thể biến thành những căng thẳng và những xung đột thảm bại, và gây nên không ít đau khổ cho hoàn cảnh của những thiểu số dân tộc và văn hóa, vì bi bắt buộc phải sống trong khung cảnh của những đa số khác biệt về mặt văn hóa, thường có những thái độ và những cư xử thù địch và kỳ thị chủng tộc.

Giáp mặt với kịch bản đó, tất cả những người thiện chí không thể không tự hỏi về những đường hướng đạo đức căn bản, đánh dấu kinh nghiệm văn hóa của một cộng đồng nào đó. Những nền văn hóa, như con người làm thành ra nó, phải trải qua “mầu nhiệm sự gian tà” hành động trong lịch sử nhân loại (x. 2Tx 2,7) và nó cũng cần sự cứu rỗi và chuộc tội. Tính chính thống của mỗi nền văn hóa nhân loại, và giá trị của văn tả phong tục (ethos) mà nó truyền đạt, như sự vững chắc của định hướng luân ly của nó, có thể bằng cách nào đó được do lường theo sự kiện là văn hóa vì con người và vì sự thăng tiến phẩm giá con người, ở mọi cấp bậc và mọi khung cảnh.

9. Sự cấp tiến hoá của những nền văn hóa kháng nghịch với mọi ảnh hưởng mang phúc lành bên ngoài, thì chắc chắn là điều đáng bận tâm. Nhưng sự chấp nhận thụ động mọi thứ văn hóa, hay là một số khía cạnh lớn hơn của nó, theo những mẫu mực thế giới phương Tây, là những mẫu mực từ nay thoát ly khỏi đất mùn kitô giáo, linh hứng bởi một quan niệm về cuộc sống văn hóa và vô thần, và linh hứng bởi những hình thức cá nhân chủ nghĩa cấp tiến, sự chấp nhận đó cũng là điều nguy hiểm. Đây là một hiện tượng kích thước rộng lớn, được những chiến dịch trung gian hùng mạnh nâng đỡ, nhằm mang lại những kiểu sống, những dự án xã hội và kinh tế, và tựu trung, một cái nhìn tổng quát về chân lý, những thứ đó xói mòn từ bên trong những nền tảng văn hóa khác nhau và những nền văn minh rất cao. Do nghĩa mở rộng về khoa học và kỷ thuật của chúng, những kiểu văn hóa phương Tây xem ra mê hoặc và quyến rủ, nhưng vô phúc thay chúng biểu lộ ngày càng rõ nét, một cảnh nghèo nàn tiến triển hơn lên trong các lãnh vực nhân bản, thiêng liêng và luân lý. Nền văn hóa sinh ra chúng nó, được đánh dấu bằng cao vọng bi đát muốn thực hiện phúc lợi con người mà không cần Thiên Chúa, sự Thiện Tối Cao. Nhưng Công ĐồngVatican II cảnh cáo, “tạo vật mà không có Đấng Tạo Hóa sẽ tan biến”.[7] Một nền văn hóa mà từ chối qui chiếu về Thiên Chúa, mất linh hồn và đồng thời định hướng của nó, trở thành một nền văn hóa sự chết, như được chứng minh qua những biến cố bi thảm của thế kỷ XX và qua những hậu quả có tính vô tín, như ta nhận thấy ngày nay trong những khu vực rộng lớn của thế giới trời Tây.

Đối thoại giữa các nền văn hóa

10. Một cách tương tự như điều xảy ra cho con người có thành người là qua sự cởi mở đón nhận kẻ khác và qua sự hiến mình quảng đại, các nền văn hóa được xây dựng do con người và để phục vụ con người, cũng phải được định hình bởi những năng lực riêng biệt của sự đối thoại và hiệp thông, trên nền tảng sự duy nhất nguyên thủy và cơ bản của gia đình nhân loại, phát sinh từ tay Thiên Chúa, Đấng “từ một nguyên lý duy nhất, đã tạo dựng nhân loại” (Ac 17,26).

Theo nghĩa này, sự đối thoại giữa các nền văn hóa, chủ đề của sứ điệp Ngày thế giới Hòa Bình này, xuất hiện như một đòi hỏi nội tại thuộc bản tính của chính con người và của nền văn hóa. Vì là những diễn tả lịch sử khác nhau và xứng hợ về sự duy nhất nguyên thủy của gia đình nhân loại, các nền văn hóa nhờ đối thoại mà duy trì được những đặc thù của mình, cũng như sự hiểu biết và thông hiệp với nhau. Quan niệm hiệp thông, theo mạc khải kitô giáo, lấy nguồn gốc và kiểu mẫu cao thượng của nó trong một Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Ga 17,11.21), quan niệm đó không bao giờ là sự thu nhỏ lại trạng thái đồng đều như nhau, cững không phải là sự nhìn nhận bắt buộc, cũng không phải là sự đồng hoá; trên thực tế, hiệp thông là cách diễn tả sự hội tụ của một khác biệt nhiều hình thức và nó thành dấu chỉ vẻ phong phú và sự hứa hẹn phát triển.

Sự đối thoại nhằm nhìn nhận sự phong phú của sự khác biệt và chuẩn bị các tâm hồn đón nhận nhau, trong viển ảnh cửa một sự hợp tác chân chính, đáp ứng lại ơn gọi nguyên thủy tiến tới hợp nhất gia đình toàn vẹn. Xét như thế, sự đối thoại là một khí cụ trổi vượt để thực hiện nền văn minh tình yêu và hòa bình, mà đấng tiền nhiệm tôi Đức Phaolo VI đã cho biét như là lý tưởng phải linh hứng cuộc sống văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế của thời đại chúng ta. Khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, điều khẩn cấp là đề nghị lại con đường đối thoại cho một thế giới bị đánh dấu bởi quá nhiều xung đột và khủng bố, một thế giới đôi khi ngã lòng va không có khả năng khám khá đường chân trời hy vọng va hòa bình.

Năng lực và những nguy hiểm của sự truyền thông thế giới

11. Sự đối thoại giữa các nền văn hóa xem ra đặc biệt cần, nếu ta xem xét ảnh hưởng của những kỷ thuật mới truyền thông trên sự sống cuả con người và của các dân tộc. Chúng ta ở trong thời kỳ truyền thông thế giới, đang kiến tạo thế giới theo những mẫu văn hóa mới, nhiều hay ít xa lạ với những mẫu xa xưa. Sự thông tin chính xác và hiện thực, ít nhất trên nguyên tắc, thực tế ai cũng có thể nhận được, trong bất cứ phần đất nào trên thế giới.

Sự tự do đổ xô những hình ảnh và những tiếng nói trên khắp thế giới, đang biến đổi không những liên quan giữa các dân tộc về mặt chính trị và kinh tế, mà còn biến đổi sự hiểu biết về thế giới nữa. Hiện tượng này cung cấp nhiều khả năng, ngày trước cho là không tưởng, nhưng nó cũng gồm một số phương diện tiêu cực và nguy hiểm. Sự kiện một số nhỏ các nước nắm giữ độc quyền các “kỹ nghệ” văn hóa và phân phát các sản phẩm đó ra khắp nơi trái đất, cho một công chúng luôn nới rộng, sự kiện đó có thể tạo nên một nguyên nhân dũng mãnh làm xói mòn những đặc thù văn hóa. Chính những sản phẩm chứa đựng và truyền sang những hệ thống ẩn tàng của giá trị, và như vậy có thể kích thích nơi những người hưởng thụ những hiệu quả là mất quyền sở hữu và mất căn tính.

Thách đố của những làn sóng di cư

12. Cách thức và sự đào luyện đối thoại đặc biệt có ý nghĩa trước vấn đề phức tạp di dân, một hiện tượng xã hội quan trọng thời đại chúng ta. Sự xuất hành vĩ đại nhiều dân tộc từ vùng này sang vùng khác trong hành tinh, làm thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú đối với những kẻ liên hệ, cho nên sinh ra hậu quà là sự pha trộn những truyền thống và những tập quán khác biệt,gây nên những ảnh hưởng vang dội đáng kể trong những xứ gốc và những xứ tiếp nhận. Sự tiếp nhận dành cho những người di dân bởi những nước tiếp rước họ và khả năng riêng của họ hội nhập vào trong môi trường nhân bản mới, là bao nhiêu yếu tố đánh giá tính chất của việc đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau.

Trên thực tế, về chủ đề hội nhập văn hóa, được bàn cãi biết bao ngày nay, không dễ tìm ra những nền tảng và những cấu trúc bảo đảm, một cách quân bình và công bình, những quyền lợi và những bổn phận của những người đón nhận cũng như của những kẻ đươc đón nhận. Theo lịch sử, tiến trình di dân diển ra dưới những hình thức rất khác biệt và vói những hậu quả rời rạc. Nhiều nền văn minh được phát triển và thêm phong phú chính nhờ những phần đóng góp do sự di dân. Trong những trường họp khác, những khác biệt văn hóa của thổ dân và những di dân không được sáp nhập, nhưng chúng chứng tỏ khả năng sống chung, nhờ thực hiện sự kính trọng nhau giữa những con người, và sự chấp nhận hay sự dung tha những phong tục khác nhau. Vô phúc thay, cũng vẫn còn những hoàn cảnh mà những khó khăn trong việc gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác biệt, không bao giờ giải quyết nổi, và những căng thẳng trở nên nguyên nhân những va chạm định kỳ.

13. Trong một lãnh vực phức tạp như vậy, không có những công thức “ma thuật”; nhưng bổn phận chúng ta là nêu lên một số nguyên tắc căn bản đạo đức để qui chiếu về. Trước hết, phải nhớ tới nguyên tắc theo đó những người di dân phải luôn luôn được đối xử với sự kính nễ xứng với phẩm giá nhân vị. Khi cần kiểm soát làn sóng di dân, việc đánh giá người ta phải làm về công ích phải uốn theo nguyên tắc này. Lúc đó phải dung hoà sự tiếp nhận xứng cho tất cả mọi con người, cách riêng cho những kẻ nghèo khổ, với sự đánh giá những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng và an bình cho dân cư gốc trong xứ và cho những dân đến ở với họ. Còn về những yếu tố văn hóa các người di dân mang đến, chúng sẽ được kính trọng và tiếp nhận theo mức độ chúng không trái ngược với những giá trị đạo đức phổ quát, ghi khắc trong luật tự nhiên, cũng không trái ngược với những nhân quyền cơ bản.

Tôn trọng các nền văn hóa và “bộ mặt văn hóa” trong vùng

14. Khó mà phân định tới mức nào những người di dân có quyền hưởng sự nhìn nhận công khai trên pháp lý về những phát biểu văn hóa riêng của họ, những phát biẻu đó không dễ dàng hòa hợp với phong tục của đa số công dân. Trong khuôn khổ một sự cởi mở quan trọng, giải đáp của bài toán này gắn liền với sự đánh giá cụ thể về công ích, tại một thời điểm lịch sử rõ rệt và trong một vị trí lãnh thổ và xã hội nhất định. Điều đó tùy thuộc nhiều vào sự hiện diện trong các đầu óc một nền văn hóa đón tiếp, văn hóa đó, không khuất phục lãnh đạm chủ nghĩa liên quan những giá trị, biết liên kết những lý lẽ của căn tính và của việc đối thoại.

Đàng khác, như tôi đã xác định như trên, ta không thể coi thường tầm quan trọng của nền văn hó riêng của một lãnh thổ để đạt sự phát triển quân bình của những kẻ tùy thuộc lãnh thổ này từ lúc họ mới sinh, cách riêng từ tuổi tế nhị nhất khi họ lớn lên. Từ phương diện này, ta có thể duy trì như đường hướng đáng nhận, cái đường hướng nhằm bảo đảm “một sự quân bình” nào đó trong một phần đất ấn định, cân xứng với nền văn hóa đặc điểm của nó; một sự quân bình, vẫn cởi mở với những thiểu số và kính trọng những quyền căn bản của họ, cho phép tính lâu dài và sự phát triển của một “gương mặt văn hóa” nhất định, nghĩa là của một gia sản cơ bản gòm có tiếng nói, có những truyền thống và những giá trị thường liên hệ với kinh nghiệm của nước nhà và với ý nghĩa của “quê hương”.

15. Nhưng điều rõ ràng là sự đòi buộc “của sự quân bình” quan hệ với “gương mặt văn hóa” của một lãnh thổ không thể được thỏa mãn bởi những chứng thư đơn thuần luật pháp, bởi vì những chứng thư này sẽ không hiệu nghiệm nếu thiếu nền tảng trong văn tả phong tục của quần chúng, và hơn hết chúng phải thay đổi trường họp một nền văn hóa thật sự mất đi khả năng làm sống một dân tộc hay một lãnh thổ, vì trở nên đơn thuần một sản gnhiệp giữ lại trong các viện bảo tàng hay trong các đài nghệ thuật hay văn chương.

Quả vậy, bao lâu nó thật sư sống động, văn hóa không có lý do sợ bị tiêu diệt, đang khi không một luật pháp nào có thể giữ nó lại trong sự sống nếu nó đã chết trong các tâm trí rồi. Trong viển ảnh đối thoại giữa các văn hóa, ta không thể ngăn cấm văn hóa này đề nghị với văn hóa kia những giá trị nó tin tưởng, miển là sự đó được thực hành trong sự tôn trọng quyền tự do và lương tâm con người. “Chân lý chỉ bắt buộc bởi sức mạnh của chính chân lý thâm nhập vào lòng trí bằng bao nhiêu diệu hiền cũng như sức mạnh”.[8]

Ý thức về những giá trị chung

17. Trước những bất bình đẵng ngày càng lớn hiện hữu trong thế giới, giá trị đầu tiên phải luôn luôn cổ võ sự ý thức, chắc là tình liên đới. Tất cả mọi xã hội tự quản trị mình trên nền tảng của sự liên hệ nguyên thủy của những con ngườ với nhau, phát triển thành những câu lạc bộ luôn rộng lớn hơn – từ gia đình cho tới những nhóm xã hội trung gian khác-, cho đến câu lạc của xã hội dân sự toàn vẹn và của cộng đồng quốc gia. Về phía mình, các Nước không thể làm gì khác hơn là giữ quan hệ với nhau: hoàn cảnh hiện nay hành tinh tùy thuộc vào nhau giúp ta thấy rõ hơn sự chung số phận của toàn thể gia đình nhân loại, tán trợ sự quí trọng nhơn đức liên đới nơi tất cả những người có trí óc.

Nhân dịp này, cần nêu rõ sự tùy thuộc nhau càng ngày càng gia tăng, đi tới chỗ đưa ra ánh sáng nhiều sự khác biệt, như mất quân bình giữa những nước giàu và những nước nghèo; sự nức rạn xã hội, bên trong mỗi xứ, giữa những người sống trong sự giàu có và những người bị xúc phạm đến phẩm giá mình là vì họ thiếu thốn dầu sự cần thiết; sự xuống cấp của môi trường và trên bình diện nhân bản, bị gây nên và gia tốc bởi việc xử dụng vô trách nhiệm các tài nguyên thiên nhiên. Những bất bình đẳng và những khác biệt xã hội này thêm nhiều, trong vài trường họp, đến nổi đưa các nước nghèo nhất tới chỗ phiêu bạt không kiểm soát nổi.

Như vậy phải nhường chỗ cho việc cổ võ công lý tại trung tâm một văn hóa đích thực liên đới. Không những phải cho của dư thừa cho những kẻ thiếu thốn, mà phải “mang lại sự giúp đỡ của mình để đưa vào chu trình phát triển kinh tế và nhân bản toàn thể những dân tộc bị loại trừ hay bị quăng ra bên lề. Điều này có thể thực hiện được không những nếu ta múc trong của thặng dư mà thế giới chúng ta sản xuất dồi dào, nhưng nhất là nếu ta thay đổi những kiểu sống, những mẫu sản xuất và tiêu thụ, những cơ cấu quyền hành được thiết lập đang quản trị ngày nay các xã hội”.[9]

Giá trị hòa bình

18. Văn hoá của sự liên đới liên kết chặt chẽ với giá trị của hòa bình, mục tiêu chính của mọi xã hội, cũng như của cộng đồng quốc gia và quốc tế. Nhưng, trên con đường đưa tới sự hòa hợp hơn giữa các dân tộc, còn nhiều những thách đố thế giới phải đương đầu: những thách đố đó đặt mỗi người trước những sự lựa chọn không thể khoan giãn được. Đang khi người ta ra sức dấn thân bài trừ việc sản xuất những vũ khí hạt nhân, thì sự gia tăng võ trang đáng bận tâm co cơ nguy nuôi dưỡng và phổ biến một nền văn hóa cạnh tranh và xung đột, không những các Quốc gia dính liếu vào đó, mà còn những thực thể không thuộc thể chế, như những nhóm bán quân sự và những tổ chức khủng bố.

Thế giới còn gặp phải những hậu quả của những trận chiến qúa khứ và hiện tại, và những thảm cảnh gây nên bởi việc xử dụng các mìn bẩy cá nhân và bởi xử dụng những khí giới kinh khủng hoá học và sinh vật học, hậu qủa nhiễm độc của những sự hiểu biết về kỹ thuật và khoa học hiện nay. Và còn nói gì về nguy cơ trương kỳ xung đột giữa các nước, nội chiến bên trong các quốc gia và nạn khủng bố tràn lan, mà các tổ chức liên quốc gia và các chính phủ các Nước tõ ra gần như bất lực đánh bại? Trước những đe dọa thể đó, tất cả phải cảm thấy có bổn phận luân lý tiến hành không chậm trễ những lựa chọn cụ thể, để phát động nguyên nhân hòa bình và hiểu biết giữa những con người.

Giá trị sự sống

19. Một sự đối thoại chính hiệu giữa các nền văn hóa, cọng thêm tinh thần tôn trọng nhau, không thể không nuôi dưỡng một cảm giác mạnh đối với giá trị của sự sống. Mạng sống con người không thể được xem như một đối tượng mà người ta muốn tùy ý xử dụng, nhưng như một thực tại thánh thiêng nhất và bất khả xâm phạm nhất hiện diện trên sân khấu thế giới.

Không thể có hòa bình khi mất đi sự bảo vệ của cải căn bản này. Người ta không thể cầu hòa bình mà lại khinh chê sự sống. Thời đại chúng ta biết những gương sáng của lòng quảng đại và hy sinh phục vụ sự sống, nhưng cũng biết cảnh đau buồn hàng trăm triệu người, vì sự độc ác và vô tư, mà phải chịu một số phận đau thương và tàn bạo. Đó là một vòng xoắn bi thảm của sự chết gồm có những sự giết người, tự tử, phá thai, làm chết êm dịu, cũng như những thực hiện huỷ hoại thân thể, những hành hạ thể xác và tâm lý, những hình thức cưỡng ép bất công, giam giữ trái phép, sử dụng không cần thiết án tử hình, những sự lưu đày, chế độ nô lệ, đĩ điếm, mua và bán phụ nữ và trẻ em. Ta có thể thêm những thực hành vô trách nhiệm tài di truyền học, như thụ thai vô tính (clonage) và sử dụng những phôi con người cho việc nghiên cứu, mà người ta ra sức biện minh bằng sự qui chiếu bất họp pháp về sự tự do, về sự tiến bộ văn hóa, về sự cổ động phát triển nhân bản.

Khi những nhân vật mỏng giòn nhất và không thể tự vệ ở xã hội bị những ác độc thể đó, thì chính quan niệm về gia đình đặt trên những giá trị nhân vị, tin tưởng, kính trọng và giúp đỡ nhau, đã tới chỗ bị lung lay trầm trọng. Một nền văn minh dựa trên tình yêu và hòa bình phải chống lại những thí nghiệm bất xứng đó đối với con người.

Giá trị của sự giáo dục

20. Muốn xây dựng nền văn minh tình yêu, sự đối thoại giữa các nền văn hóa phải nhắm vượt qua tất cả tính ích kỷ coi dân tộc mình là trung tâm, ngõ hầu điều hoà sự chú ý đối với căn tính riêng mình với sự hiểu biết kẻ khác và tôn trọng sự khác biệt. Trách nhiệm giáo dục tỏ ra cần thiết về phương diện này. Phải dạy các cá nhân ý thức nguồn gốc của mình và cung cấp những điểm đối chiếu cho phép họ xác định chỗ đứng riêng mình trong thế giới. Đồng thời sự giáo dục đó phải tìm mọi cách dạy sự tôn trọng các nền văn hóa khác. Phải nhìn xa hơn kinh nghiệm cá nhân trực tiếp mình và chấp nhận những dị biệt, bằng cách khám phá sự phong phú của lịch sử những kẻ khác và của những giá trị của họ.

Sự hiểu biết các nền văn hóa khác, thu được nhờ cảm giác phán đoán và dựa trên những điểm qui chiếu vững đạo đức, đưa tới một sự hiểu biết hơn những giá trị và những mức độ của nền văn hóa riêng mình, và đồng thời biểu lộ sự hiện hữu một gia sản chung cho toàn thể nhân loại. Chính nhờ chân trời rộng hơn này mà sự giáo dục có một vai trò riêng biệt trong việc xây dựng một thế giới liên đới hơn và hòa bình hơn. Việc giáo dục đó có thể góp phần khẳng định một chủ nghĩa nhân đạo nguyên vẹn, mở ra với chiều kích đạo đức và tôn giáo, biết coi trọng sự hiểu biết và tôn trọng những văn hóa và những giá trị thiêng liêng của những nền văn minh khác.

Sự tha thứ và hòa giải

21. Nhân dịp Đại xá đánh dấu năm thứ hai ngàn Chúa Giêsu sinh ra, Giáo Hội với một cường độ đặc biệt đã tha thiết kêu gọi hòa giải. Việc kêu gọi này có ý nghĩa trong khuôn khổ của chủ đề phức tạp về sự đối thoại giữa các nền văn hóa. Thật sự nhiều khi sự đối thoại khó khăn, bởi vì đè nặng trên nó quyền cấm cố của những di sản khốc liệt chiến tranh, xung đột, bạo lực và hận thù, mà trí óc vẫn ghi nhớ. Muốn vượt qua những rào cản của tình trạng không thể liên lạc nhau, con đường phải đi là con đường tha thứ và hòa giải. Nhân danh một thuyết hiện thực giải mê, nhiều người đánh giá con đường đó là không tưởng và ngây thơ. Theo cái nhìn Kitô giáo, ngược lại, đó là con đường duy nhất tiến tới hòa bình.

Những người tín hữu ngước mắt nhìn lên ảnh Đấng chịu đóng đinh. Trước khi tắt thở, chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Khi nghe những lời cuối cùng này của Đấng Cứu Thế đang hấp hối, tên trộm bị đóng đinh bên tả Người mở lòng đón nhận ân sủng trở lại, tiếp lấy Tin Mừng tha thứ và được lời hứa hưởng phúc muôn muôn đời. Gương này của Chúa Kitô bảo đảm với chúng ta rằng người ta có thể thật sự xô ngã vô số bức tường đóng kín sự thông thương và đối thoại giữa những con người. Sự hướng nhìn lên Đấng bị đóng đinh làm phát sinh trong chúng ta niềm tin tưởng việc tha thứ và hòa giải có thể trở nên một thực hành bình thường của cuộc sống hằng ngày và của mỗi nền văn hóa, và như vậy đó là một dịp cụ thể để kiến tạo hòa bình và tương lai cho nhân loại.

Nhớ lại kinh nghiệm đại xá có ý nghĩa của việc thanh tẩy ký ức, tôi muốn gởi tới các Kitô hữu một lời kêu gọi đặc biệt, ngõ hầu họ trở nên những chứng nhân và những vị thừa sai của sự tha thứ và hòa giải, như vậy, nhờ thường xuyên kêu cầu với Chúa hòa bình, sớm làm hiện thực lời tiên tri cả thể của ngôn sứ Isaia, lời tiên tri đó có thể áp dụng rộng rãi tới các dân tộc trên trái đất: “Ngày ấy sẽ có một con đường đi từ Ai cập đến Asua; Những người Asua sẽ sang Ai cập và những người Ai cập sẽ sang Asua. Những người Ai cập sẽ cùng với những người Asua thờ phượng Chúa. Ngày ấy Israel sẽ cùng với Ai cập va Asua làm thành bộ ba. Đó là phúc lành ngay giữa cõi đất mà Đức Chúa các đạo binh sẽ ban cho khi người phán: “Ta giáng phúc cho Ai cập, dân của Ta, cho Asua, công trình tay Ta làm ra, và cho Israel, cơ nghiệp của ta” ( Is 19,23-25).

Lời kêu gọi giới trẻ

22. Tôi muốn kết thúc Sứ Điệp Hòa Bình này bằng một lời kêu gọi đặc biệt đến chúng con, hỡi các bạn trẻ trên toàn thế giới, các con là tương lai nhân loại và là những viên đá sống động xây dựng nền văn minh tình thương. Cha lưu giữ trong lòng kỷ niệm của những cuộc gặp gỡ đầy xúc động và hy vọng mà cha đã sống với các con nhân dịp những Ngày thế giới mới đây của Giới trẻ tại Roma. Vẻ khắng khít của các con đã là vui tươi, xác tín và đầy hứa hẹn. Trong nghị lực của các con, trong sức sống của các con và trong tình yêu của các con đối với Chúa Kitô, cha đã thấy một tương lai bình thản hơn và nhân bản hơn cho thế giới.

Khi cảm thấy chúng con gần cha, cha nhận ra trong cha một tình cảm sâu xa biết ơn đối với Chúa, vì, qua tấm thảm sặc sỡ của tiếng nói các con, truyền thống các con và những não trạng khác biệt các con, Ngài ban cho cha ân sủng chiêm ngắm phép mầu của tính phổ quát, của tính Công Giáo, của tính duy nhất của Giáo Hội. Qua chúng con, cha khâm phục cách kỳ lạ sống sự khác biệt trong sự hiệp nhất cùng một đức tin, cùng một niềm hy vọng, cùng một đức ái, như một sự diễn tả cực kỳ hùng hồn về thực tại gây cảm xúc của Giáo Hội, dấu chỉ và khí cụ của Chúa Kitô đối với phần rỗi thế giới và sự hiệp nhất nhân loại.[10] Tin mừng kêu mời chúng con tái thiết sự hiệp nhất nguyên thủy của gia đình nhân loại mà nguồn gốc là Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hỡi các bạn trẻ thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa, một trách nhiệm cao cả và phấn khích đang chờ đợi các con: trở nên những người nam và nữ có khả năng xây dựng tình liên đới, hòa bình và tình yêu sự sống, trong sự kính trọng nhau. Chúng con hãy trở nên những nhà sáng tạo một nhân loại mới, nơi mà anh chị em, thành viên chung một gia đình, có thể sống trong hòa bình!

 

Ban hành tại Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2000,

Lễ kính trọng thể Đức Maria Vô Nhiễm,

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 

 


[1] Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, no. 53.

[2] cf. John Paul II, Address to the United Nations (15 October 1995).

[3] cf. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, no. 75.

[4] cf. Ibid., no. 22.

[5] Ibid., no. 10.

[6] John Paul II, Address to UNESCO (2 June 1980), no. 6.

[7] Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, no. 36.

[8] Second Vatican Ecumenical Council, Declaration on Religious Freedom Dignitatis Humanae, no. 1.

[9] John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, no. 58.

[10] cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, no. 1.