Phỏng Vấn

Sunday, 05 April 2020 08:18

Đối Thoại Của Đức Thánh Cha Phanxicô Với Các Nghị Huynh Dòng Tên Trong Dịp Tổng Công Nghị Lần Thứ 36 Featured

Joseph C. Pham

 

LTS: Ngày 24-11-2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các Nghị Huynh đang tham dự Tổng Công Nghị lần thứ 36 của Dòng Tên. Tại đây, Đức Giáo Hoàng có một buổi trò chuyện thân mật với quý vị đang hiện diện.

***

***

 

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Ngài là một gương mẫu sống động về sự can đảm ngôn sứ. Bằng cách nào mà Ngài lại thông truyền lòng can đảm đó một cách quá hiệu quả? Chúng con thực hiện điều đó thế nào?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Can đảm không phải chỉ là việc tạo nên tiếng ồn, mà là về việc thực hiện tiếng ồn ấy cách tốt lành, khi nào và bằng cách nào để thực thi việc ấy. Trước hết, người ta phải biện phân liệu là người ta có nên tạo nên tiếng ồn hay không? Can đảm là sự cấu thành nên hành động tông đồ. Và ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần lòng can đảm và sự can đảm ngôn sứ. Ngày nay chúng ta cần một sự can đảm lên tiếng làm chứng, một sự can đảm ngôn sứ mà không biết đến sợ hãi. Thật đáng chú ý là đây là điều đầu tiên mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng: “Đừng Sợ”. Ngài biết tất cả mọi vấn đề các nước Phương Đông và sự can đảm dẫn Ngài đến việc đối diện với tất cả.

Vậy thì sự can đảm ngôn sứ đang đòi hỏi chúng ta ngày nay là gì? Chúng ta phải biện phân điều này. Đó là, sự can đảm ngôn sứ này cần được thông truyền đi đâu? Đó là một thái độ được sinh ra bởi động lực. Và động lực là sự can đảm lên tiếng làm chứng. Động lực được đặt trên Thiên Chúa là Đấng luôn luôn cao cả hơn. Hãy nhìn vào Thiên Chúa hằng luôn cao cả hơn ấy, sự biện phân đào sâu và tìm các vị trí để thông truyền lòng can đảm. Tôi tin rằng đây là công việc của anh em trong Hội Dòng này: biện phân “động lực” ở đâu, sự can đảm ngôn sứ, sự can đảm lên tiếng làm chứng, phải được hướng đi đâu.

Đôi khi, sự can đảm ngôn sứ đi cùng với việc ngoại giao, với công việc của sự thuyết phục đi kèm với các dấu chỉ mạnh mẽ. Chẳng hạn, sự can đảm ngôn sứ được kêu gọi để chống lại tình trạng tham nhũng lan rộng ở một số nước. Tham nhũng, chẳng hạn, như khi giai đoạn theo Hiến Pháp nhiệm kỳ của một vị trí kết thúc và rồi người ta tìm cách để cải tổ Hiến Pháp để duy trì quyền lực. Tôi tin rằng ở đây trong Hội Dòng này, trong công việc giảng dạy và gia tăng sự nhận thức xã hội của mình, phải làm việc bằng sự can đảm để cho mọi người tin rằng một đất nước không thể phát triển nếu nó không tôn trọng các nguyên tắc pháp luật mà đất nước ấy đã áp dụng để đảm bảo về khả năng quản trị trong tương lai.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, cách mà những nhà thực dân đối xử với những người dân tộc đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Những nhà thực dân tạo nên sự thích hợp về đất đai là một biến cố quan trọng mà những áp bức của họ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngài nghĩ gì về vấn đề này?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Trước hết, cần phải nói là ngày nay chúng ta ý thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của sự phong phú của các dân tộc thiểu số, đặc biệt khi mà, cả về mặt chính trị lẫn văn hóa, các thế lực khác có khuynh hướng đàn áp họ thậm chí còn nhiều hơn nữa ngang qua việc toàn cầu hóa được nhìn nhận như một “tinh cầu”, một sự toàn cầu hóa mà mọi thứ đều trở nên bị chuẩn hóa. Ngày nay, sự can đảm ngôn sứ của chúng ta, ý thức của chúng ta, phải đứng về phía sự hội nhập văn hóa. Và hình ảnh của chúng ta về toàn cầu hóa phải không được là một tinh cầu, nhưng là một khối đa diện. Tôi thích hình tượng mang tính hình học của khối đa diện, vì nó là một nhưng lại có nhiều mặt. Nó thể hiện sự hiệp nhất được tạo ra thế nào trong khi vẫn đảm bảo được căn tính của các d6n tộc, của con người, của các nền văn hóa. Đó là sự phong phú mà ngày nay chúng ta phải dành cho tiến trình toàn cầu hóa, vì bằng không thì nó sẽ đồng hóa và hủy diệt.

Tiến trình của sự toàn cầu hóa mang tính qui chuẩn hóa và hủy diệt sẽ hủy diệt các nền văn hóa dân tộc mà thực ra cần phải được khôi phục. Chúng ta phải khôi phục chúng bằng một phép tường giải đúng đắn vốn tạo nên nhiệm vụ này. Sự tường giải này không giống như vào thời kỳ đô hộ. Sự tường giải của thời đó là tìm cách cải đạo các dân tộc, để mở rộng Giáo Hội... do đó loại bỏ sự độc lập của dân tộc. Đó là một kiểu tập trung về sự tường giải, nơi mà đế chế thống trị một cách nào đó áp đặt niềm tin và nền văn hóa. Thật dễ hiểu là con người thời đó nghĩ theo cách này, nhưng ngày nay thì một sự tường giải khác biệt triệt để là cần thiết. Chúng ta phải giải thích mọi thứ theo cách khác, tôn trọng giá trị của mỗi dân tộc, nền văn hóa của họ, ngôn ngữ của họ. Chúng ta phải giúp cho tiến trình hội nhập văn hóa này, vốn đã trở nên quá quan trọng kể từ Công Đồng Vatican II.

Tôi muốn nói đến những nỗ lực về việc hội nhập văn hóa tồn tại trong những thời kỳ đầu của việc truyền giáo. Những sáng kiến này đã được sinh ra từ một kiểu kinh nghiệm giống với kinh nghiệp của Phaolô với Dân Ngoại. Chúa Thánh Thần một cách rõ ràng đã tỏ ra cho Thánh Phaolô thấy rằng Tin Mừng cần phải được hội nhập vào trong các dân tộc Ngoại. Cùng một điều đã được lặp lại trong kỷ nguyên mở rộng việc truyền giáo. Chẳng hạn, hãy xem xét kinh nghiệm của Matteo Ricci và Roberto de Nobili. Các vị ấy là những người tiên phong, nhưng là một khái niệm mang tính đồng nhất của chủ nghĩa tập trung vào Rôma làm dừng lại kinh nghiệm ấy, giải thích điều đó. Chủ nghĩa này làm ngăn chặn một cuộc đối thoại mà trong đó các nền văn hóa được tôn trọng. Và điều này xảy ra vì các nền văn hóa giải thích các phong tục văn hóa với một phép tường giải mang tính tôn giáo. Chẳng hạn, việc tôn trọng người chết, đã bị nhầm lẫn với ngẫu tượng. Ở đây, các nhà tường giải đóng một vai trò quan trọng. Vào thời điểm này tôi tin rằng điều đó là quan trọng, với một sự nhận thức lớn lao hơn này mà chúng đang nói đến những dân tộc thiểu số, để cổ võ sự thể hiện, văn hóa, của mỗi dân tộc... và cùng một trật, Phúc Âm Hóa, vốn chạm đến phụng vụ và chạm đến những diễn tả về sự thờ phượng. Và Bộ Phụng Tự chấp nhận điều này.

Tôi kết thúc bằng một ký ức có liên quan đến thần học luân lý. Khi tôi còn là một sinh viên thần học, tôi đã được giao nhiệm vụ để trở thành một quản thủ thư viện. Khi coi lại một bản văn Mexico về luân lý từ những năm 1700, được viết dưới dạng hỏi thưa, tôi thấy có một câu hỏi thế này: “Sự kết hôn giữa một người Tây Ban Nha và một người phụ nữ dân tộc thì có phải là tội trọng không?”. Câu trả lời của một nhà luân lý, là người Dòng Đaminh, làm tôi bật cười: “Vấn đề nghiêm trọng, do đó sẽ là một trọng tội đối với vấn đề, nhưng vì kết quả của việc này sẽ làm cho Kitô Giáo trở nên nhiều hơn nữa để mở rộng Nước Thiên Chúa, nên sẽ không nặng bằng việc ấy ở Châu Âu”.

Hỏi: Trong lời Ngài nói Ngài đã đưa ra cách rõ ràng một nền luân lý dựa trên sự biện phân. Ngài đề nghị chúng con sẽ tiến hành thế nào trong lãnh vực luân lý khi nói đến sự biện phân năng động này của các hoàn cảnh luân lý? Đối với con thì thật không thể để ở lại trong một sự giải thích về một việc áp dụng thêm vào của một qui định vốn bị giới hạn khi xét đế những hoàn cảnh cụ thể như những trường hợp của một qui định chung.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Biện phân là yếu tố chính: khả năng biện phân. Tôi nhấn mạnh về sự thiếu biện phân trong quá trình đạo tạo các linh mục. Chúng ta sẽ đối diện với mối nguy trở nên quen với sự rạch ròi “trắng hay đen”, đối với luật lệ. Nhìn chung, chúng ta khá gần gũi với sự biện phân. Một điều rõ ràng: ngày nay, trong một số trường hợp giống nhau, thì sự khô cứng vốn xa lìa khỏi sự biện phân về các hoàn cảnh được giới thiệu. Và điều đó thật nguy hiểm, bởi vì điều đó có thể dẫn chúng ta đến với một sự kết nối luân lý vốn có ý nghĩa mang tính quỷ thuật. Điều đó xuất hiện trong nhiều công thức khác nhau, nhưng luôn luôn đi theo cùng một trật. Tôi rất sợ điều này. Đây là điều mà tôi đã nói trong một cuộc gặp gỡ với anh em Dòng Tên tại Krakow trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Có những anh em Dòng Tên hỏi tôi rằng, tôi nghĩ Hội Dòng có thể làm gì?, và tôi trả lời là một nhiệm vụ quan trọng của Hội Dòng là đào luyện các chủng sinh và linh mục cách biện phân.

Tôi và những người thuộc thế hệ của tôi, có lẽ không phải là những vị trẻ nhất ở đây, nhưng thế hệ của tôi và một số thế hệ sau nữa, đã được giáo dục trong thời kỳ triết thần suy đồi. Chúng tôi đã học thần học và triết học bằng những cuốn sổ tay. Đó là một nền triết thần suy đồi. Chẳng hạn, để giải thích “sự liên tục mang tính siêu hình” – điều này làm tôi bật cười mỗi khi tôi nhớ lại – chúng tôi được dạy lý thuyết về “puncta inflata”. Khi nền Triết Thần vĩ đại bắt đầu mất đi sức mạnh, thì cũng xuất hiện nền triết thần suy đồi đó mà ít nhất thế hệ của tôi và những thế hệ khác đã học.

Chính nền triết thần suy đồi này tạo nên thái độ mang tính quỷ thuật. Thật lạ lùng: khóa học về “bí tích hòa giải”, trong phân khoa thần học nói chung – không phải mọi nơi – đã được trình bày bởi các thầy về luân lý bí tích. Toàn bộ tinh cầu mang tính luân lý đã được giới hạn bởi “bạn có thể”, “bạn không thể”, “ở đây thì được ở đó thì không”. Trong một bài thi Nghe Giải Tội (Ad Audiendas), một đồng môn của tôi, khi được hỏi một câu hỏi hết sức phức tạp, thì nói rất đơn giản: “Nhưng thưa Cha, xin vui lòng, những điều này không xảy ra trong thực tế!”. Và người cho làm bài thi trả lời: “Nhưng điều đó có trong sách vở!”.

Trong lãnh vực luân lý chúng ta phải tiến bước mà không để rơi vào chủ nghĩa hoàn cảnh: mà thay vào đó, cần phải tiến bước trở lại với sự phong phú lớn lao chứa đựng trong chiều kích của sự biện phân; đây là nét đặc trưng của nền triết thần vĩ đại. Chúng ta cần lưu ý một điều: Thánh Tôma và Thánh Bonaventure khẳng định rằng nguyên tắc phổ quát thì áp dụng cho hết mọi trường hợp nhưng – các Ngài nói một cách cụ thể – khi nguyên tắc đi vào trong một trường hợp cụ thể, thì vấn đề trở nên đa dạng và nhiều sắc thái xuất hiện mà không làm thay đổi nguyên tắc. Phương pháp triết thần này vẫn có giá trị đến giờ. Đó là một phương pháp luân lý được Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo sử dụng. Và chính phương pháp này đã được sử dụng trong Tông huấn mới nhất, Amoris Laetitia, sau khi sự biện phân được toàn thể Giáo Hội sử dụng trong hai kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Nền luân lý được sử dụng trong Amoris Laetitia là theo trường phái Thomas, mà còn được chính Đại Thánh Sư Thomas Aquinas sử dụng nữa, chứ không phải của tác giả của thời kỳ “puncta inflata”.

Rõ ràng, trong lãnh vực luân lý, người ta phải xử lý bằng lòng nhiệt thành mang tính khoa học, và bằng tình yêu đối với Giáo Hội và sự biện phân. Có những điểm về luân lý mà chỉ trong sự cầu nguyện thì người ta mới có đủ ánh sáng để suy tư thần học. Và về điểm này, cho phép tôi lặp lại điều này, người ta phải thực hiện “thần học trên đầu gối của mình”. Bạn không thể suy tư thần học mà không cầu nguyện. Đây là một điểm chính và phải được thực hiện bằng cách này.

Hỏi: Về Hội Dòng có nhiều truyền thuyết: những truyền thuyết tích cực, từ những người như chúng ta, và những câu chuyện vốn có một chút tăm tối từ những người không phải thế. Đối với Ngài, đang rất yêu thương chúng con và biết rõ chúng con, thì con muốn hỏi: đâu là những điều mà Ngài muốn chúng con chú ý?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Đối với tôi thật khó để trả lời, bởi vì thật cần thiết để xem những phê bình xuất phát từ đâu. Thật khó, bởi vì trong hoàn cảnh của tôi và trong môi trường mà tôi đang sống, thì những phê bình về Hội Dòng có một hương vị chủ yếu là mang tính khôi phục. Nói cách khác, đó là những phê bình vốn mơ về một sự khôi phục một Hội Dòng có lẽ đã từng hấp dẫn, vì đó là thời của nó, nhưng nó không còn được mong muốn nữa trong thời đại của chúng ta, vì thời gian của Thiên Chúa đối với Hội Dòng ngày nay thì không còn là thời đó. Tôi nghĩ đây là một kiểu tranh luận phía sau sự phê bình. Nhưng Hội Dòng vào thời điểm này cần phải trung thành với điều mà Thần Khí dạy bảo mình.

Những lời phê bình cũng tùy thuộc vào người đưa ra lời phê bình. Chúng ta phải biện phân xem chúng xuất phát từ đâu. Tôi nghĩ rằng đôi khi thậm chí cả lời phê bình độc hại nhất thì cũng có thể nói lên điều gì đó giúp ích cho chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta cần phải lắng nghe hết mọi lời chỉ trích và biện phân chúng, đừng khép cửa lại trước bất cứ một sự phê bình chỉ trích nào, vì chúng ta sẽ có nguy cơ trở nên quen thuộc với các cánh cửa đóng kín; và điều đó thì không tốt. Sau khi biện phân thì người ta có thể nói: lời phê bình này không có nền tảng và tôi có thể cho nó sang một bên. Nhưng chúng ta phải áp dụng sự biện phân tất cả mọi lời phê bình mà chúng ta nghe, tôi dám nói là hằng ngày, mang tính cá nhân, nhưng luôn luôn bằng thiện chí, bằng sự mở ra của tâm hồn và trước mặt Thiên Chúa.

Hỏi: Chúng ta đang sống trong một thế giới mang nét đặc trưng về sự phân cực chính trị và tôn giáo. Thực ra, Ngài đã sống nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời của Ngài, trong tư cách là Giám Tỉnh và Tổng Giám Mục Buenos Aires. Từ kinh nghiệm của Ngài, thì đâu là những đề xuất cho chúng con để có thể luôn đối diện với những hoàn cảnh phân cực này, đặc biệt là khi anh em của chúng con có liên hệ đến những hoàn cảnh này?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi cho rằng chính trị nói chung, các nền chính trị lớn, đã ngày càng bị hạ thấp thành những nền chính trị nhỏ. Không chỉ trong nền chính trị theo đảng phái trong mỗi đất nước, mà còn ở nơi những nền chính trị khu vực ở cùng một châu lục. Tôi muốn nói câu hỏi cụ thể này – vì tôi đã được hỏi – bằng ba bài phát biểu tại Châu Âu, hai bài tại Strasburg và một bài tại Giải Charlemagne. Hội Đồng Giám Mục Pháp vừa mới công bố một thông báo về chính trị lấy lại hoặc tuân thủ nền chính trị của 15 hay 20 năm trước, “Réhabiliter la politique”, vốn rất quan trọng. Lời công bố ấy là hợp thời: nó mang lại sức mạnh cho chính trị, đối với chính trị như sự khéo léo được sử dụng để tạo nên sự hiệp nhất của người dân và sự hiệp nhất của một dân tộc với tất cả sự đa dạng vốn có ở nơi chúng. Nhìn chung, ý kiến mà tôi nghe là các nhà chính trị đang ở buổi xế tà. Các nước thiếu những nhà chính trị lớn là những người có thể dành cuộc đời họ cách nghiêm túc cho những thương thảo và không sợ đối thoại và đấu tranh, nhưng tiến bước, bằng sự thông minh và bằng đặc sủng đặc biệt đối với chính trị. Chính trị là một trong những hình thức cao nhất của bác ái. Đại chính trị. Và trong điều đó tôi nghĩ rằng sự phân cực không có tác dụng. Trái lại, điều giúp ích trong chính trị là đối thoại.

Hỏi: Đâu là kinh nghiệm của Ngài với những anh em trong Hội Dòng, theo nghĩa là vai trò của họ, và bằng cách nào người ta có thể hấp dẫn những anh em này bằng ơn gọi trở thành một người anh em trong Hội Dòng?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Kinh nghiệm của tôi với anh em luôn luôn là rất tích cực. Anh em mà tôi sống cùng trong thời gian của tôi là sinh viên, thì là những người khôn ngoan, rất khôn ngoan. Các vị ấy có một sự khôn ngoan khác với sự khôn ngoan của các học giả hay sự khôn ngoan của các linh mục. Ngày nay, kể cả những anh em có một vị trí học thuật cao và các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức, thì vẫn có một sự khôn ngoan khác với các linh mục, “Tôi không biết là gì”. Và tôi nghĩ điều này cần phải được duy trì, sự khôn ngoan, phẩm chất khôn ngoan đặc biệt đến từ việc là một người anh em.

Còn nữa, ở nơi những anh em mà tôi biết, tôi bị ấn tượng bởi cảm thức đặc biệt của họ, khả năng “ngửi” thấy điều mà họ có khi họ nói, chẳng hạn: “Hãy xem cha ấy, tôi nghĩ rằng cha ấy đang cần sự trợ giúp đặc biệt...”. Những anh em mà tôi biết thường có một sự thận trọng lớn lao. Và họ giúp đỡ người anh em nhận biết, trước bất cứ một thành viên nào khác trong cộng đoàn, điều gì đang xảy ra. Tôi không biết diễn tả điều ấy thế nào, tôi tin rằng có một ân sủng đặc biệt ở đây và chúng ta phải tìm xem ý Chúa là gì cho người anh em bây giờ, và chúng ta cũng phải tìm cách diễn tả điều ấy.

Hỏi: Con muốn nghe Ngài nói khi nào thì lời tiên tri của Isaia sẽ được thành toàn: “Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm”. Ở châu lục của con, Châu Phi, chúng con đã có đủ phương tiện để giết nhau gấp 10 lần.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Hoạt động vì hòa bình là khẩn thiết. Tôi nói hơn một năm rưỡi trước rằng, chúng ta đang sống trong Thế Chiến Thứ III, theo từng mảng và từng miếng. Giờ đây các mảng miếng đang qui tụ lại ngày một nhiều hơn. Chúng ta đang có chiến tranh. Đừng ngớ ngẩn. Thế giới đang có chiến tranh và vài nước đang trả giá. Chúng ta hãy nghĩ về Trung Đông, Châu Phi: có một hoàn cảnh chiến tranh liên tục. Các cuộc chiến lấy đi khỏi toàn bộ lịch sử sự xâm lược hóa và khai thác. Đúng thật là các nước có sự độc lập của mình, nhưng thường thì đất nước vốn trao cho họ sự độc lập thì lạ nuôi dưỡng vùng đất phụ cho chính nó nữa. Châu Phi vẫn là một mục tiêu khai thác cho sự giàu có. Ngay cả từ các nước trước đây thậm chí không nghĩ về châu lục này. Châu Phi luôn bị nhìn từ góc độ khai thác. Và rõ ràng điều này tạo nên chiến tranh.

Ngoài ra, ở một số nước có vấn đề ý thức hệ hóa, vốn tạo nên những rạn nứt. Tôi tin rằng hoạt động vì hòa bình đang ở ngã rẽ này, bên cảnh việc là một trong những mối phúc, thì là một ưu tiên. Khi nào thì hòa bình xuất hiện? Tôi không biết liệu hòa bình có xuất hiện trước khi Con Người ngự đến hay không, nhưng tôi biết, mặt khác, rằng chúng ta phải hoạt động vì hòa bình càng nhiều càng tốt, qua chính trị, qua việc sống chung. Hoà bình có thể xuất hiện. Hoà bình có thể. Với thái độ Kitô Giáo mà Chúa dạy cho chúng ta trong Tin Mừng, nhiều điều có thể được thực hiện, nhiều điều được thực hiện, và chúng ta tiến bước. Đôi khi điều này phải trả giá cao, ở ngôi thứ nhất. Và chúng ta sẽ phải tiến bước. Tử đạo là một phần của ơn gọi của chúng ta.

Hỏi: Chúng ta có thể được cứu thoát một mình không? Đâu là mối quan hệ giữa cứu chuộc cộng đồng và cứu chuộc cá nhân?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Không ai được cứu một mình. Tôi tin rằng nguyên tắc này cần phải được hiểu rất rõ: ơn cứu độ là dành cho Dân Thiên Chúa. Không ai được cứu một mình. Người muốn tự cứu lấy mình, cùng với con đường thành toàn của riêng mình, sẽ mang lấy kết cục cùng với tính từ mà Chúa Giêsu dùng quá nhiều lần: giả hình. Người ấy mang lấy kết cục trong sự giả hình. Để được cứu một mình, nỗ lực tự cứu lấy mình, với một thái độ ưu tuyển, là giả hình. Chúa đến để cứu mọi người.

Hỏi: Việc nghiên cứu thần học trong một ngữ cảnh đời sống thật có phải là tốt không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Lời khuyên của tôi là mọi sự mà người trẻ học và kinh nghiệm trong mối liên hệ đến các bối cảnh khác nhau, cũng là chủ thể cho sự biện phân cá nhân và cộng đoàn và đưa vào cầu nguyện. Cần phải có nghiên cứu học thuật, liên hệ với đời sống thật không chỉ là ở vùng ngoại biên mà ở biên của vùng ngoại biên, cầu nguyện và biện phân cá nhân và cộng đoàn. Nếu một cộng đoàn học viên thực thi hết tất cả điều này, tôi bình an. Khi một trong những điều này bị khiếm khuyết, thì tôi bắt đầu lo lắng. Nếu thiếu việc nghiên cứu, thì người ta sẽ nói linh tinh hoặc lý tưởng hóa các hoàn cảnh theo một cách đơn giản nhất. Nếu không có những bối cảnh thực và có tính khách quan, đồng hành bởi những người hiểu biết về môi trường và giúp đỡ, thì những chủ nghĩa lý tưởng ngu ngốc sẽ xuất hiện. Nếu thiếu cầu nguyện và biện phân, thì chúng ta có thể là những nhà xã hội hoặc những nhà khoa học chính trị rất tài giỏi, nhưng chúng ta sẽ không có sự can đảm tin mừng và thập giá tin mừng mà chúng ta phải vác lấy, như tôi đã nói ngay từ khởi đầu.

Hỏi: Hội Dòng, sau Tổng Công Nghị 35, đã tiến bước trong sự hiểu biết về những thách đố về môi trường. Chúng con đã đón nhận “Laudato Si’” bằng niềm vui. Chúng con cảm thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã mở ra những cánh cửa cho việc đối thoại với các tổ chức. Chúng con có thể làm gì hơn nữa để tiếp tục cảm thấy có liên hệ trong vấn đề này?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Laudato Si’ là một Tông thư mà trong đó nhiều người đã góp phần cộng tác, và các nhà khoa học là những người góp phần vào Tông thư đó đã được kêu gọi để nói thật đúng về những điều đã được phát hiện chứ không phải là những giả định thuần túy. Nhiều người đã cộng tác vào Tông thư. Công việc của tôi, thực ra, là đưa ra những định hướng, thực hiện một số chỉnh sửa và rồi chuẩn bị cho bản cuối cùng; đúng vậy, theo phong cách của tôi và loại bỏ một số thứ. Và tôi nghĩ chúng ta phải tiếp tục làm việc, qua một số thời điểm, về mặt học thuật cũng như chính trị. Thực ra, rõ ràng là thế giới này đang đau khổ, không chỉ vì sự ấm dần lên toàn cầu mà còn vì việc sử dụng sai mọi thứ và vì thiên nhiên đang bị đối xử tồi tệ.

Người ta cũng cần phải suy xét, về việc giải thích Laudato Si’, đó không phải là một “Tông thư xanh”. Đó là một Tông thư về xã hội. Tông thư này bắt đầu bằng thực tại của thời điểm này, vốn mang tính sinh thái, nhưng đó là một Tông thư xã hội. Rõ ràng là có những người đang chịu hậu quả là những người nghèo nhất, những người bị loại trừ. Đó là một Tông thư đối diện với nền văn hóa loại trừ con người này. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ về phần xã hội của Tông thư vì các thần học gia đóng góp vào Tông thư rất bận tâm để thể hiện nhiều tác động xã hội trước những sự thật về sinh thái. Cũng thật hữu ích khi nhìn vào Tông thư này là một Tông thư mang tính xã hội.

Hỏi: Đức Giáo Hoàng Phanxicô có muốn một Hội Dòng nghèo cho người nghèo không? Đâu là lời khuyên mà Ngài muốn nói với chúng con để bước đi theo hướng đó?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi nghĩ rằng về điểm này đối với sự nghèo mà Thánh Ignatius đã đi quá xa trước chúng ta. Khi một đọc Ngài nghĩ như thế nào về sự nghèo, và về lời khấn ấy vốn đòi buộc chúng ta phải không được thay đổi tình trạng nghèo trừ khi để làm cho nó trở nên ngặt hơn, thì chúng ta phải suy tư. Quan điểm của Thánh Ignatius không chỉ là một thái độ khổ hạnh, như thể là để đâm vào tôi làm cho tôi đau đớn hơn, mà đó là một sự yêu mến sự nghèo như là một phong cách sống, như là một con đường cứu độ, một con đường của giáo hội. Vì đối với Thánh Ignatius, và hai từ này mà Ngài sử dụng, sự ngheo vừa là một bà mẹ và thành lũy. Sự nghèo nuôi dưỡng, là mẹ, làm sinh ra sự sống thiêng liêng, một đời sống thánh thiện, một đời sống tông đồ. Nhưng đó cũng là một thành lũy, nó bảo vệ. Nhiều thảm họa giáo hội khởi sự vì thiếu sự nghèo, gồm cả bên ngoài Hội Dòng, tôi có ý muốn nói trong toàn thể Giáo Hội nói chung. Biết bao nhiêu là sự bê bối mà tôi, thật không may, đã phát hiện, được sinh ra bởi đồng tiền. Tôi tin rằng Thánh Ignatius có một trực giác lớn lao. Trong tầm nhìn của Ignatius về sự nghèo thì chúng ta có một nguồn độc lực để giúp chúng ta.

Giáo sĩ trị, vốn là một trong những căn bệnh nghiêm trọng nhất đang tồn tại trong Giáo Hội, tự làm xa chính bản thân Giáo Hội khỏi tình trạng nghèo. Giáo sĩ trị là giàu có. Nếu nó không giàu về tiền, thì nó giàu về niềm kiêu hãnh. Nhưng giáo sĩ trị thì giàu có: có một tình trạng giáo sĩ trị trong việc dính bén đến của cải. Giáo sĩ trị không để cho nó được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ nghèo, nó không để cho bản thân nó được bảo vệ bởi bức tường của sự nghèo. Giáo sĩ trị là một trong những hình thức của sự giàu có mà chúng ta phải chịu đau khổ cách nghiêm trọng nhất trong Giáo Hội ngày nay. Ít nhất là ở một số nơi của Giáo Hội. Ngay cả trong những kinh nghiệm hằng ngày nhất. Giáo Hội nghèo dành cho người nghèo là Giáo Hội của Tin Mừng, Bài Giảng trên Núi của Tin Mừng Matthew, và Bài Giảng trên Đồng Cỏ của Tin Mừng Luca, cũng như là phương thức mà qua đó chúng ta sẽ bị phán xét: Matthew 25. Tôi tin rằng Tin Mừng rất rõ ràng về điều này và thật cần thiết để bước đi theo hướng này. Nhưng tôi cũng khẳng định rằng thật tốt cho Hội Dòng khi đào sâu tầm nhìn của Ignatius về tình trạng nghèo, vì tôi tin đó là một tầm nhìn đối với toàn thể Giáo Hội. Một điều gì đó có thể giúp tất cả chúng ta.

Hỏi: Ngài đã nói rất rõ về tầm quan trọng của sự an ủi. Khi Ngài suy tư vào cuối mỗi ngày, đâu là những điều mang lại cho Ngài niềm an ủi, và đâu là những điều lấy đi khỏi Ngài niềm an ủi?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi nói với các gia đình, vì thế tôi có thể nói: tôi hơi bi quan, luôn luôn thế! Tôi không nói rằng tôi bị thất vọng, vì điều đó là không đúng. Đúng là tôi có khuynh hướng tập trung vào điều không hoạt động tốt. Vì thế đối với tôi niềm an ủi là giải pháp chống thất vọng hiệu quả nhất mà tôi từng có! Tôi cảm nhận được niềm an ủi khi tôi đứng trước Thiên Chúa, và để Ngài thể hiện điều mà Ngài đã thực hiện trong ngày. Khi vào cuối ngày tôi nhận ra là tôi đã được dẫn dắt, khi tôi nhận ra rằng bất chấp sự kháng cự của tôi, có một sức mạnh lèo lái ở đó, giống như một làn sóng đẩy tôi đi, điều này mang lại cho tôi niềm an ủi. Điều đó giống như là cảm giác, “Ngài ở đây”. Khi nói đến triều đại của tôi, điều an ủi tôi được cảm nhận từ bên trong: “Không phải là một sự đồng tâm của những phiếu bầu đưa tôi vào vũ điệu này, mà là việc Ngài ở đây”. Điều này an ủi tôi. Và khi tôi để ý đôi khi những kháng cự của tôi thắng, thì điều đó làm tôi lo buồn và dẫn tôi đến việc xin sự tha thứ. Điều này khá thường... và giúp ích cho tôi rất nhiều. Nhận biết rằng, như Thánh Ignatius nói, một người “bị ngăn trở” nhận biết rằng người ấy có những kháng cự và rằng mỗi ngày người ấy sống những kháng cự ấy và rằng đôi khi người ấy vượt thắng được và đôi khi không. Kinh nghiệm này sẽ giúp cho người ở trong vị trí của mình. Điều này hữu ích. Đây là kinh nghiệm cá nhân tôi, theo nghĩa đơn giản nhất có thể.

Hỏi: Tông huấn “Evangelii Gaudium” rất gợi hứng và khích lệ chúng con nói nhiều hơn về chủ đề truyền giáo. Ngài có ý gì với những lời sau cùng, mà trong đó Ngài dạy chúng con phải tiếp tục tranh luận?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Một trong những nguy hiểm của những văn kiện của Giáo Hoàng là việc chúng tạo nên một chút lòng nhiệt thành, nhưng rồi người khác đi theo và rồi những văn kiện trước đó sẽ bị gác vào xó. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ thật quan trọng để tiếp tục làm việc, do đó điều cuối cùng muốn nói là các buổi họp cần được tổ chức và Thông điệp Evangelii Gaudium cần phải được đào sâu: nó diễn tả một cách đối diện với những vấn đề thuộc về Giáo Hội và công cuộc Tân Phúc Âm đối với đời sống Kitô Giáo. Tôi nghĩ rằng anh em đã nói đến một giáo huấn ở cuối cùng, và điều đó xuất phát từ văn kiện Aparecida. Trong Thông điệp đó, chúng tôi muốn nói đến Evangelii nuntiandi, vốn tiếp tục tươi mới theo thời gian, như văn kiện ấy có khi lần đầu tiên xuất hiện, và điều đó đối với tôi vẫn còn là một văn kiện mục vụ quan trọng nhất được viết sau Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, văn kiện ấy không được đề cập, văn kiện ấy không được trích dẫn.

À, điều tương tự có thể xảy ra với Evangelii gaudium. Một vài ngày trước tôi có đọc được là sẽ thật cần thiết để đề cập lại vấn đề bài giảng trong Evangelii gaudium, vì nó đã đi vào trong thinh lặng. Có một điều mà Giáo Hội cần phải chỉnh sửa trong việc rao giảng của mình vốn lấy đi một yếu tố mang tính giáo sĩ. Tôi tin rằng Evangelii gaudium cần phải được đào sâu, cần phải được nghiên cứu bởi các nhóm giáo dân, linh mục, trong các chủng viện, vì đó là hơi thở truyền giáo mà Giáo Hội ngày nay muốn có. Chúng ta cần phải tiến bước trong tinh thần này. Đó là một điều chưa kết thúc, như thể chúng ta có thể nói, “xong rồi, giờ tiếp tục với Laudato Si’. Và rồi, “lại xong rồi, giờ chúng ta tiếp tục với Amoris Laetitia”. Bằng mọi giá! Tôi đề nghị Evangelii Gaudium đối với anh em như một khuôn mẫu. Đó không phải là cội nguồn, trong Tông huấn này tôi muốn làm rất rõ thế. Tông huấn này tổng hợp Evangelii nuntiandi và văn kiện Aparecida lại. Mặc dù Tông huấn này xuất hiện sau Thượng Hội Đồng về Phúc Âm Hóa, nhưng điểm mạnh của Evangelii Gaudium là để trở về với những văn kiện này, để làm cho các văn kiện này tươi mới lại, và để mang các văn kiện này trở lại trong một sự trình bày mới. Evangelii gaudium là một khuôn mẫu tông đồ cho Giáo Hội ngày nay.

Hỏi: Giáo Hội đang trải qua một sự suy thoái về ơn gọi, đặc biệt ở những nơi mà Giáo Hội đã ngần ngại để cổ võ ơn gọi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Điều đó đã xảy ra với tôi tại Buenos Aires, khi làm Giám Mục, là các linh mục rất tốt lành, hơn một lần đã từng trò chuyện với tôi, nói rằng: “Trong giáo xứ của con có một người giáo dân ‘rất sáng giá!’”. Họ đã mô tả người giáo dân ấy là một người giáo dân hạng nhất và rồi đề nghị, “Đức Cha có nghĩ chúng ta nên biến ông ta thành một phó tế không?”. Đây là vấn đề: người giáo dân có giá trị, chúng ta hãy biến họ thành phó tế. Chúng ta đang giáo sĩ trị hóa họ.

Trong một lá thư gần đây tôi đã gửi cho Đức Hồng Y Ouellet, tôi đã viết rằng tại Châu Mỹ Latin, điều duy nhất ít nhiều cần được cứu thoát khỏi tình trạng giáo sĩ trị là lòng đạo đức bình dân. Thực ra, vì lòng đạo đức bình dân là một trong những điều này ‘của người giáo dân’ mà các linh mục không tin, người giáo dân rất sáng tạo. Rất cần thiết để điều chỉnh một số thứ, nhưng lòng đạo đức bình dân được cứu vì các linh mục đã không có liên hệ vào. Giáo sĩ trị sẽ không giúp cho sự phát triển, nó không làm cho sức mạnh của phép rửa phát triển. Ân sủng và sức mạnh Phúc Âm Hóa của sự thể hiện truyền giáo xuất phát từ ân sủng của Phép Rửa. Và giáo sĩ trị kiểm soát ân sủng này cách tồi tệ và tạo nên những lệ thuộc, mà đôi khi làm cho toàn thể người dân rơi vào tình trạng không trưởng thành cách nghiêm trọng. Tôi còn nhớ những cuộc chiến đã diễn ra khi tôi còn là sinh viên thần học hoặc là một linh mục trẻ và các cộng đoàn giáo hội xuất hiện. Tại sao? Vì người giáo dân bắt đầu có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, và những người đầu tiên cảm thấy không an toàn bởi một số vị linh mục. Tôi khái quát quá nhiều, nhưng tôi thực hiện điều này có mục đích: nếu tôi có đưa ra vấn đề là bởi vì vấn đề giáo sĩ trị quá nghiêm trọng.

Còn nói về ơn gọi địa phương, tôi nói rằng sự giảm sút ơn gọi sẽ được bàn trong Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới. Tôi tin rằng, ơn gọi tồn tại, bạn chỉ cần phải biết làm thế nào để cổ võ ơn gọi và cách tham dự vào. Nếu một linh mục luôn ở trong tình trạng vội vàng, nếu vị linh mục đó tham gia vào hàng ngàn thứ hành chánh, nếu chúng ta không thuyết phục bản thân chúng ta rằng sự định hướng thiêng liêng không phải là một đặc sủng giáo sĩ, nhưng là một đặc sủng giáo dân (điều mà các linh mục cũng có thể phát triển), và nếu chúng ta không kêu gọi người giáo dân vào trong sự biện phân ơn gọi, thì rõ ràng là chúng ta sẽ không có ơn gọi.

Các bạn trẻ cần phải được lắng nghe; và các bạn trẻ có thể gây mỏi mệt. Các bạn ấy luôn đến với cùng những vấn đề và anh em phải lắng nghe các bạn ấy. Và dĩ nhiên, vì điều này mà anh em phải nhẫn nại, biết ngồi đó và lắng nghe. Và cũng cần phải sáng tạo: anh em phải giúp các bạn ấy làm các việc. Ngày nay, luôn luôn có những buổi gặp gỡ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, những buổi gặp gỡ không sinh hoa trái. Người trẻ cần phải được sai đi vào các hoạt động mang tính truyền giáo, giáo lý, hoặc xã hội, và những việc này rất có ích.

Có lần khi tôi đến một giáo xứ ở vùng ngoại biên, ở một xã nghèo. Vị linh mục đã kể cho tôi rằng, ngài đang xây một phòng họp. Và vì vị linh mục này cũng dạy tại một đại học của nhà nước, ngài đã khơi dậy lòng nhiệt thành và mong muốn các bạn nam nữ tham gia. Tôi đã đến vào một ngày Thứ Bảy và họ đang làm việc như những thợ xây: người kĩ sư đang quản lý mọi sự là một người Do Thái Giáo, một trong các bạn nữ là người vô thần và bạn khác, tôi không biết là gì, nhưng họ hiệp nhất trong một nhiệm vụ chung. Kinh nghiệm này dẫn đến một câu hỏi: tôi có thể làm điều gì cho người khác và với người khác không? Anh em phải giao việc cho giới trẻ và lắng nghe các bạn. Tôi nói hai điều này: 1) Không cổ võ ơn gọi địa phương là tự sát, điều đó đang trực tiếp làm cho Giáo Hội vô sinh, Giáo Hội là một bà mẹ; 2) Không cổ võ cho ơn gọi là một việc thắt ống dẫn trứng của Giáo Hội. Điều đó không giúp cho một bà mẹ có con. Và điều đó là nghiêm trọng.

Hỏi: Số hóa đang là nét đặc trưng của thời hiện đại này. Nó tạo nên tốc độ, sự căng thẳng, khủng hoảng. Thế thì nó tác động gì trên xã hội ngày nay? Cần phải làm gì để có cả tốc độ và chiều sâu?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Hà Lan, 30 năm trước hay hơn nữa, đã phát minh ra một từ: “tốc độ hóa”. Đó là, một sự tiến bộ mang tính hình học theo nghĩa là vận tốc; và chính ‘việc tốc độ hóa’ này vốn biến thế giới số thành một mối đe doạ tiềm tàng. Ở đây, tôi không nói về những khía cạnh tích cực của nó vì tất cả chúng ta đều biết rồi. Tôi cũng nhấn mạnh đến vấn đề tính thanh khoản, điều vốn có thể xóa bỏ điều gì là cụ thể.

Có người nói với tôi trước đó không lâu về một Giám mục Châu Âu khi vị này đến thăm một người bạn doanh nhân. Anh ta đã cho vị Giám mục thấy cách mà, trong 10 phút, anh ta có thể hoàn tất một hoạt động tạo ra lợi nhuận. Từ Los Angeles ông đã bán một dinh tự cho Hong Kong và trong vài phút có một khoản lợi nhuận mà ngay lập tức chuyển tới tài khoản của ông. Tính thanh khoản của nền kinh tế, tính thanh khoản của lao động: tất cả điều này tạo nên tình trạng thất nghiệp. Và một thế giới thanh khoản, người ta muốn có “lợi nhuận”, mặc dù tôi không thích từ này vì nó có chút gì đó hoài niệm. “Volver” là tựa của một vũ điệu tango của Argentina! Có một lòng muốn khôi phục lại chiều kích cụ thể của công việc. Tại Italia, 40% người trẻ ở tuổi 25 và dưới tuổi này đang thất nghiệp; tại Tây Ban Nha 50%;  tại Croatia 47%. Đó là một tín hiệu báo động cho thấy tài sản này đang tạo ra tình trạng thất nghiệp.

Xin cám ơn anh em về các câu hỏi và sự sống động của cuộc trò chuyện, và xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi nói quá thoải mái.

 

(Chuyển ngữ từ Tạp Chí La Civiltà Cattolica)