Phỏng Vấn

Sunday, 05 April 2020 08:18

Bài Phỏng Vấn Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI Của Ký Giả Peter Seewald Tại Đan Viện Mater Ecclesiae - Chương III: Tôi Không Từ Bỏ Thập Giá Featured

ĐỨC BENEDICT XVI: CUỘC ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG

(BENOIT XVI: DERNIÈRES CONVERSATIONS)

Bài nói chuyện với Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI

của ký giả Peter Seewald tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican

Học viện Đaminh chuyển ngữ

***

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Đan Viện Mater Ecclesiae trong thành Vatican

***

PHẦN I: CHUÔNG THÀNH RÔMA

CHƯƠNG III: TÔI KHÔNG TỪ BỎ THẬP GIÁ

 

 

- Sau các cử hành phụng vụ cuối cùng với tư cách là đương kim Giáo hoàng và chào tạm biệt tại điện Vatican, một câu chuyện mới bắt đầu. Ngài rút lui, một thời gian, cùng với một nhóm nhỏ – các vị thư ký Georg Gaenswein, Alfred Xuereb và bốn nữ tu dòng Memores Domini – trong nơi nghỉ hè của Đức Thánh Cha, tức là Castel Gandolfo. Ngài theo dõi Mật viện từ nơi cư trú chứ?

Chắc chắn rồi.

- Ngài thực hiện điều này như thế nào?

Hiển nhiên, chúng tôi không tiếp đón ai và cũng không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhưng chúng tôi thấy những gì mọi người có thể nhìn thấy trên truyền hình. Chúng tôi đã xem truyền hình rất nhiều, đặc biệt là trong buổi tối bỏ phiếu.

- Ngài có ý tưởng nào đó về nét đặc trưng của người kế vị?

Không, không có!

- Không có bất kỳ linh cảm hay ý kiến nào sao?

Vâng, không có.

- Trong trường hợp đó, khi nói lời tạm biệt Giáo triều, làm sao ngài có thể hứa ngay lập tức vâng phục tuyệt đối người kế vị mình?

Giáo hoàng là Giáo hoàng, bất cứ ngài là ai.

- Tuy nhiên, dường như Đức Jorge Mario Bergoglio là một trong những người được yêu thích tại Mật viện năm 2005. Điều này đúng không ạ?

Tôi không có gì để nói về đề tài này (cười).

- Ngài suy nghĩ gì về giây phút người kế vị mình xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường thánh Phêrô? Hơn nữa, khi ngài nhận thấy Đức Tân Giáo hoàng chỉ mặc trang phục trắng?

Đó là việc của ngài, dù sao, chúng tôi cũng chỉ mặc trang phục trắng. Ngài không muốn đeo khăn vai. Điều đó không làm tôi suy nghĩ. Ngược lại, điều thực sự làm tôi xúc động là ngay trước khi tiến ra ban công, ngài đã cố gắng gọi điện cho tôi. Ngài không gặp tôi, vì chúng tôi đang xem truyền hình. Tôi cảm động bởi vì ngài cầu nguyện cho tôi, bởi sức thu hút nhanh chóng, tiếp đến là sự nồng nhiệt khi ngài chào đón dân chúng. Nhờ vậy, cách nào đó, ngay tức thì, tia lửa đã bùng lên. Thực sự là không ai dự kiến điều ấy. Tất nhiên, tôi biết ngài, nhưng tôi đã không nghĩ về ngài. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên. Thế nhưng, sự phấn khởi xuất hiện ngay, một phần vì cách ngài cầu nguyện, phần khác vì cách ngài nói với dân chúng.

- Ngài biết Đức Tân Giáo hoàng từ đâu?

Qua các cuộc ad limina, và qua việc trao đổi thư từ giữa chúng tôi. Tôi đã khám phá ra ngài là một người rất cương quyết, một người Argentina không ngần ngại nói thẳng thắn nói thật: Điều gì sẽ làm và điều gì sẽ không làm. Nhưng tôi đã không chứng kiến sự thân tình và hết sức lưu tâm của cá nhân ngài dành cho dân chúng. Đây là một bất ngờ cho tôi.

- Ngài nghĩ đến một người nào khác?

Vâng, không phải nhân vật đặc biệt nào, nhưng không nghĩ là ngài.

- Đức Bergoglio không ở trong số ấy.

Không. Tôi đã không coi ngài là một trong các ứng viên có khả năng nhất.

- Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, cùng với ngài, Đức Bergoglio là một trong những nhân vật được yêu thích tại Mật viện trước.

Đúng vậy. Nhưng tôi nghĩ đó là quá khứ rồi. Người ta không còn nghe nói về ngài nữa.

- Ngài hài lòng với kết quả của bầu cử chứ?

Nghe danh tính của Đức Tân Giáo hoàng, thoạt tiên, tôi có một chút do dự. Nhưng khi chứng kiến cách ngài nói với Thiên Chúa và dân chúng, niềm vui tràn ngập trong tôi. Và hạnh phúc cũng trào dâng.

- Chúng ta đã rõ: người ta không thể nói rằng những hiểu biết hay linh cảm về căn tính của người kế vị sẽ tạo điều kiện dễ dàng để ngài từ chức?

Không. Hồng y đoàn có tự do và có sự năng động riêng. Không thể dự đoán ai sẽ được chọn cuối cùng.

- Đức Thánh Cha Phanxicô mang đến rất nhiều điều mới: Đó là linh mục dòng Tên đầu tiên nhận ngai tòa thánh Phêrô; người đầu tiên mang danh hiệu Phanxicô. Nhất là, đó là Giáo hoàng đầu tiên đến từ “Tân Thế giới”. Điều này hẳn phải quyết định về “cấu trúc của Giáo hội Công giáo” chứ ạ?

Giáo hội không bất động, Giáo hội năng động và rộng mở đồng thời Giáo hội có những tiến triển mới. Giáo hội không buộc phải cố định trong bất kỳ sơ đồ nào đã hoàn toàn được thực hiện, nhưng Giáo hội liên tục tạo ra những điều ngạc nhiên, Giáo hội sở hữu tính năng động khả thể để tự canh tân mọi lúc. Ngay trong thời đại chúng ta và các sự kiện chúng ta không dự kiến cho thấy Giáo hội sống động và có đầy đủ khả năng canh tân, điều đó rất đẹp và đáng khích lệ.

Mặt khác, người ta dự kiến rằng Nam Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Đó là lục địa Công giáo lớn nhất, đồng thời là lục địa chịu nhiều đau khổ và khó khăn hơn cả. Dù tất cả những đau khổ và khó khăn, ở đó vẫn có các giám mục hoàn toàn vượt trội, vẫn là một Giáo hội rất năng động. Thế nên, người ta có thể nghĩ rằng theo nghĩa nào đó, giờ của Nam Mỹ đã đến. Hơn nữa, Đức Tân Giáo hoàng vừa là người Ý và là người Nam Mỹ, điều này nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau cách chặt chẽ giữa Cựu và Tân thế giới, cùng với sự hiệp nhất bên trong của lịch sử.

- Với Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo hội Công giáo mất tính quy Châu Âu. Dù sao, đó cũng là sự suy yếu.

Thực ra, tự mình Châu Âu không còn là trung tâm của Giáo hội hoàn vũ. Từ nay, trong tính phổ quát, Giáo hội thực sự có sự cân bằng trên các châu lục khác nhau. Châu Âu vẫn giữ được trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của mình. Tuy nhiên, ở Châu Âu, đức tin nếm trải sự suy yếu như vậy, bởi thực tại đơn giản đó, một cách hạn chế, đức tin ấy không còn tạo nên động cơ thực sự của Giáo hội phổ quát và động cơ của đức tin trong Giáo hội. Chúng ta cũng nhận thấy rằng, các yếu tố mới, chẳng hạn Châu Phi, Nam Mỹ hay Philippines mang lại một động lực mới cho Giáo hội, làm sinh động và phục hồi lòng nhiệt thành cho Tây Phương mệt mỏi, đánh thức sự chán nản và xu hướng lãng quên đức tin của Tây Phương. Khi nghĩ về nước Đức nói riêng, tôi không thể phủ nhận rằng, người ta gặp thấy ở đó một đức tin sống động, một cam kết chân thành với Chúa và với con người. Nhưng mặt khác, người ta chỉ có thể nhận thấy sức mạnh của bộ máy quan liêu, lý thuyết đức tin, chính trị và sự thiếu hụt sức sống năng động, dường như đa phần bị đè nén bởi cơ cấu. Vì vậy, cần khuyến khích nhận ra các sức mạnh khác được khẳng định trong Giáo hội hoàn vũ - và rằng Châu Âu sẽ lại trở thành một vùng đất truyền giáo.

- Người ta nói rằng Thiên Chúa nhẹ nhàng sửa chữa mỗi Giáo hoàng qua người kế vị mình - Đức Phanxicô sửa ngài điều gì?

(Cười). Sự thật là như thế. Đó là, qua sự quan tâm trực tiếp của ngài đến con người. Dường như, điều này rất quan trọng đối với tôi. Nhưng cơ bản, ngài cũng là một Giáo hoàng suy tư. Khi tôi đọc Tông huấn Evangelii Gaudium- Niềm vui Tin Mừng hay các cuộc phỏng vấn của ngài, tôi nhận thấy ngài là một người suy xét, một người dành hết tâm lực cho các vấn đề của thời đại chúng ta. Đồng thời, ngài có một liên hệ rất trực tiếp với con người, luôn ở giữa họ. Ngài không sống tại cung điện, nhưng tại nhà thánh Martha, đó là vì ngài muốn luôn được mọi người bao quanh. Tôi muốn nói rằng, người ta hoàn toàn có thể đề nghị ngài ở nơi cao sang, nhưng điều này mang lại một chiều kích mới. Có lẽ tôi đã thực sự không hiện diện đủ với mọi người. Tôi cũng muốn nói đến lòng can đảm nhờ đó ngài tiếp cận vấn đề và tìm kiếm giải pháp.

- Đối với ngài, người kế vị dường như hơi mãnh liệt và kỳ lạ ?

(Cười.) Mỗi người đều có tính khí riêng. Người này tỏ ra kiềm chế, người kia năng động hơn một chút như người ta tưởng tượng. Nhưng tôi đánh giá cao mối liên hệ trực tiếp của ngài với dân chúng. Tất nhiên, tôi tự hỏi sẽ mất bao lâu để ngài làm được điều đó. Bởi vì, cần có nhiều sức khỏe để có thể bắt tay hai trăm người, thậm chí mỗi thứ tư, và các dịp tương tự. Nhưng chúng ta hãy đặt điều này trong bàn tay Thiên Chúa.

- Phong cách của Đức Tân Giáo hoàng không có vấn đề đối với ngài chứ?

Không. Ngược lại, tôi thấy phong cách đó tuyệt vời.

- Đức nguyên Giáo hoàng và đương kim Giáo hoàng sống trong cùng một khu vực, cách nhau vài trăm mét. Hình như ngài sẵn sàng giúp người kế vị mình. Liệu Đức Tân giáo hoàng có thực sự sử dụng kinh nghiệm và lời khuyên của ngài không?

Thường là không có cơ hội. Đôi khi ngài hỏi tôi vài vấn đề nào đó, ví dụ về các cuộc phỏng vấn ngài đã thực hiện với tờ Cattolica Civiltà[1]. Tất nhiên, tôi nói với ngài quan điểm của tôi. Nhưng nhìn chung, tôi rất hài lòng khi không phải tham gia nữa.

- Điều đó có nghĩa là ngài không nhận được trước bản văn Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô - Evangelii Gaudium?

Đúng vậy. Nhưng chính ngài đã viết cho tôi một lá thư về chủ đề này, với nét chữ nhỏ xinh. Nét chữ ngài viết nhỏ hơn nét chữ của tôi nhiều. So với ngài, thực sự tôi viết lớn hơn.

- Thật khó tin.

Thế nhưng sự thật là như vậy. Đó là một lá thư rất dễ thương, và tôi nhận được Tông huấn này theo cách hoàn toàn đặc biệt, Tông huấn với bìa trắng, đó là đặc tính dành riêng cho Giáo hoàng. Tôi đang đọc Tông huấn. Đây là một văn bản ngắn, nhưng rất đẹp, rất hấp dẫn. Tất nhiên, không phải hoàn toàn do ngài viết, nhưng Tông huấn chứa đựng nhiều yếu tố cá nhân của ngài.

- Một số nhà bình luận giải thích văn bản này như là một sự thay đổi hướng đi, nhất là vì nó đòi lại sự phân quyền trong Giáo hội. Ngài thấy trong văn bản có tính chương trình này một sự đoạn tuuyệt với triều đại Giáo hoàng của ngài không?

Không. Tôi cũng vậy, tôi luôn mong muốn các Giáo hội địa phương sống động bao nhiêu có thể, và không cần nhiều hỗ trợ từ Rôma. Sự lớn mạnh của các Giáo hội địa phương rất quan trọng. Rõ ràng, các Giáo hội cũng phải mở ra với nhau và với thánh Phêrô, nếu không, nguy cơ sẽ phải chứng kiến sự phát triển chính trị hóa, quốc hữu hoá và thu hẹp văn hóa. Việc trao đổi giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát là quan trọng. Tôi cũng phải thừa nhận rằng, không may, chính các giám mục phản đối sự tập trung lại không có sáng kiến gì như người ta mong đợi từ họ. Điều này đã buộc chúng tôi phải liên tục giúp đỡ họ. Thật vậy, một Giáo hội địa phương càng sống sung mãn và sống động ở trung tâm đức tin, Giáo hội ấy càng đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ.

Không chỉ toàn thể Giáo hội tham gia vào việc quản trị Giáo hội địa phương, nhưng các công việc của Giáo hội địa phương mang tính quyết định cho toàn thể. Thánh Phaolô nói, khi một thành viên bị bệnh, tất cả đều bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi đức tin đang suy yếu ở Châu Âu, thì bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các Giáo hội khác - và ngược lại. Nếu một Giáo hội khác rơi vào mê tín, hoặc bị nhiễm các yếu tố không mong muốn khác hoặc thậm chí vô tín, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ. Từ đó, chúng ta thấy tầm quan trọng của sự tương tác. Chúng ta không thể bỏ qua việc phục vụ của thánh Phêrô hoặc việc phục vụ cho sự hiệp nhất, và cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của các Giáo hội địa phương.

- Vậy thì, ngài không nhận ra bất kỳ sự đoạn tuyệt nào với triều đại Giáo hoàng của ngài ?

Không. Rõ ràng, người ta có thể giải thích sai một vài bản văn để khẳng định mọi sự đã thay đổi. Khi người ta đem các bản văn ra khỏi bối cảnh, cách ly chúng, thì rất dễ tạo nên sự đối lập, nhưng khi xem xét toàn bộ, thì không như thế. Chắc chắn, có những đổi mới, nhưng chẳng có sự đối lập nào.

- Sau một năm, ngài hài lòng với Đức Phanxicô chứ?

Vâng. Có một sự tươi mới trong Giáo hội, một niềm vui mới, một đặc sủng mới làm vui lòng mọi người, điều đó rất tốt.

- Hai từ nổi bật đặc biệt trong bài phát biểu từ biệt của ngài trên quảng trường Phêrô. Lần đầu tiên, ngài loan báo trong buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng của ngài, khi tuyên bố: “Chúa đề nghị tôi đi lên [núi Tabor]”, Ngài muốn nói gì qua những lời này?

Điều này có liên hệ với đoạn mở đầu bài Tin Mừng ngày hôm đó. Nhưng trong giây phút như vậy, bài Tin mừng có một ý nghĩa cụ thể. Điều này có nghĩa là, cách nào đó, tôi đi với Chúa, tôi rời cuộc sống hàng ngày để leo lên một đỉnh núi khác, nơi tôi sẽ được kết hợp với Người theo cách trực tiếp và thân mật hơn; thế nên, đồng thời, tôi tách mình khỏi đám đông con người và lui vào trong sự thân mật nhất này.

- Thực tế là, buổi cử hành phụng vụ cuối cùng của ngài trùng hợp với Thứ Tư Lễ Tro chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Người ta có ấn tượng rằng ngài đang tìm cách để nói: Hãy nhìn xem, đây là điều tôi muốn hướng dẫn anh chị em: thanh tẩy, ăn chay, sám hối.

Điều đó cũng đã được dự kiến. Thực sự, tôi suy nghĩ về thứ Tư Lễ Tro này. Đó là nghi thức phụng vụ lớn mà tôi phải cử hành. Lễ này lẽ ra phải được tổ chức ở Santa Sabina, bởi vì Santa Sabina là nhà thờ trạm cổ, nhưng lần này, chúng tôi chuyển đến Vương cung Thánh đường Phêrô. Điều này có vẻ khá may mắn cho tôi, vì nghi thức phụng vụ cuối cùng đánh dấu sự khai mở thời kỳ sám hối, và do đó cũng liên hệ đến Memento Mori, tức là trang trọng bước vào cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô - nhưng đồng thời cũng bước vào mầu nhiệm Phục sinh. Ngày thứ Bảy Tuần Thánh đã ghi dấu sự khởi đầu cuộc đời tôi, và mặt khác, ngày thứ Tư Lễ Tro - trong nhiều ý nghĩa - ngày kết thúc việc phục vụ cụ thể của tôi là một điều gì đó đáng suy nghĩ, nhưng cũng được thể hiện như thế.

- Lời phát biểu từ biệt thứ hai của ngài đã nói rất mạnh mẽ: “Tôi không từ bỏ thập giá.”

Thực ra, người ta nói rằng tôi đã xuống khỏi thập giá, tôi đã làm mọi thứ trở nên dễ dàng cho tôi. Đó là lời chê trách mà tôi phải trông chờ. Và nhất là, tôi cần suy nghĩ sâu xa trước khi hoàn tất bước này. Tôi xác quyết rằng, đó không phải là cuộc trốn chạy, và chẳng phải do áp lực cụ thể vốn không hề tồn tại. Đó cũng không phải là một cuộc trốn tránh những đòi hỏi của đức tin, dẫn con người đến Thập giá. Đó là một cách khác để vẫn được liên kết với Đức Chúa chịu khổ hình, trong thinh lặng, trong sự vĩ đại của thinh lặng, và trong sự vĩ đại của lời nguyện sốt sắng cho toàn thể Giáo hội. Bước đi này không phải là cuộc trốn chạy, nhưng là một cách khác để vẫn trung tín với sứ vụ của tôi.

- Ngài đã không có tổ chức đại lễ chia tay mà chỉ loan báo trong buổi tiếp kiến chung.

Một đại lễ chia tay sẽ thực sự hoàn tất sự tục hóa mà anh đã đề cập. Cần phải giữ lại trong khuôn khổ những gì thuộc về tinh thần. Trong trường hợp này, phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro và cuộc gặp gỡ các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, vừa vui tươi vừa tĩnh lặng. Điều quan trọng không phải là số mệnh cá nhân con người, nhưng là sự hiện diện của mình với tư cách đại diện cho người khác. Do đó, thật thích hợp khi, một đàng, vừa gặp gỡ Giáo hội như một toàn thể thêm lần nữa, mặt khác vừa gặp gỡ những người muốn nói lời tạm biệt. Và không thực hiện điều này trong tinh thần của nghi lễ phàm tục, nhưng gặp nhau trong Lời Chúa và trong đức tin.

- Dù sao, nhìn từ bên ngoài, Ngài ra đi bằng trực thăng cũng làm tăng thêm nét “kịch tính”. Người ta có thể nói rằng, sinh thời chưa bao giờ Đức Giáo hoàng được đưa lên trời ...

Cười.

- Lúc đó, điều gì lướt qua tâm trí ngài?

Rất xúc động. Sự nồng ấm của buổi chia tay, nước mắt của các cộng sự viên (giọng nói bị ngắt quãng). Có một dòng chữ rất lớn trên nhà “Pastor Bonus”: “Thiên Chúa chúc lành cho cha”, và sau đó các chuông của Rôma ngân vang (Đức Giáo hoàng rơi lệ). Tôi vô cùng xúc động. Nhưng ở trên máy bay, và khi nghe tiếng chuông ở Rôma, tôi biết rằng mình phải dâng lời cảm tạ và đó là giờ tỏ lòng biết ơn.

 

 

 

***

XEM THÊM

 

 

* Phần I: CHUÔNG THÀNH RÔMA

- Chương I: Những ngày bình yên tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican

- Chương II: Từ Chức

- Chương III: Tôi không từ bỏ Thập Giá

* Phần II: CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ

- Chương I: Gia đình và Thời thơ ấu

- Chương II: Chiến tranh

- Chương III: Sinh viên, linh mục giúp xứ, giảng viên

- Chương IV: Tập sự và ngôi sao thần học

- Chương V: Công đồng: Giữa mơ ước và chấn thương

- Chương VI: Giáo sư và Giám mục

- Chương VII: Tổng trưởng

* Phần III – GIÁO HOÀNG CỦA CHÚA GIÊSU

- Chương I: Và bỗng nhiên làm Giáo Hoàng

- Chương II: Những khía cạnh của việc làm Giáo Hoàng

- Chương III: Tông du và gặp gỡ

- Chương IV: Những thiếu sót và các vấn đề...

* Kết luận

- Tiểu sử

 

 

 

 


[1] - Trong cuộc phỏng vấn ngài thực hiện với tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica và được xuất bản vào tháng 09 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời những câu hỏi liên quan đến hành trình cá nhân, tư tưởng và hình ảnh của ngài về Giáo Hội.