Lm. Đaminh Thiệu O.Cist
“Công việc mang tính tinh thần cuối cùng của Lòng Thương Xót yêu cầu chúng ta hãy cầu nguyện cho cả người còn sống lẫn những người đã qua đời”.
***
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 30 tháng 11 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về việc “Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho cả người còn sống lẫn người đã qua đời”.
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Bài Giáo Lý hôm nay sẽ kết thúc chu kỳ dành cho Lòng Thương Xót. Các bài Giáo Lý về Lòng Thương Xót sẽ kết thúc, nhưng chính Lòng Thương Xót thì vẫn phải tiếp tục! Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tất cả những điều này, và chúng ta hãy duy trì nó như là niềm an ủi và chỗ tựa trong tâm hồn.
Công việc mang tính tinh thần cuối cùng của Lòng Thương Xót yêu cầu chúng ta hãy cầu nguyện cho cả người còn sống lẫn những người đã qua đời. Chúng ta cũng có thể xếp công việc về thể xác cuối cùng của Lòng Thương Xót vào điểm này, tức công việc mà nó yêu cầu chúng ta phải an táng những người quá cố. Có thể lời yêu cầu này hiếm khi xuất hiện: Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên thế giới mà tại đó, chiến tranh đang hoành hành, cũng như đang bị gây ảnh hưởng bởi bom đạn mỗi ngày, và những bom đạn ấy đang rắc gieo nỗi sợ hãi cả ngày lẫn đêm, cũng như đang cướp đi rất nhiều mạng sống của những nạn nhân vô tội, thì công việc này quả là có tính thời sự đầy đau buồn. Trong mối liên hệ này, Kinh Thánh trình bày cho chúng ta một mẫu gương thật tuyệt vời: Đó là mẫu gương về ông Tô-bi-a bố, người đã đặt cuộc sống của mình vào trong thế nguy hiểm khi ông an táng những người quá cố, bất chấp lệnh cấm của nhà vua (xc. Tb 1,17-19; 2,2-4). Ngày hôm nay cũng có nhiều con người đang mạo hiểm với sự sống của mình qua việc an táng những nạn nhân nghèo nàn của chiến tranh. Vì thế, công việc của Lòng Thương Xót về khía cạnh thân xác ấy không hề xa lạ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nó mời gọi chúng ta hãy nhớ tới ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, mà trong ngày hôm đó, Đức Trinh Nữ Maria cùng với Thánh Gioan và một số phụ nữ đã đứng dưới chân Thập Giá của Chúa Giêsu. Sau khi Ngài lìa thế, Giuse người Arimathe đã đến. Ông là một người giầu và là thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái, nhưng đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và đã nhường cho Ngài ngôi mộ mới tinh mà ông mới làm cho mình trong một núi đá. Đích thân ông đã đến gặp Philatô và xin phép mai táng thi hài của Chúa Giêsu: Ông đã thực thi một công việc đích thực của Lòng Thương Xót với nhiều sự can đảm (xc. Mt 27,57-60)! Đối với các Kitô hữu, việc an táng chính là một hành vi đạo đức, nhưng cũng là một hành vi Đức Tin to lớn. Người ta đặt thi hài của những người thân vào trong những nấm mộ, trong niềm hy vọng vào sự phục sinh của họ (xc. 1Cor 15,1-34). Trong Dân Thánh, nghi thức an táng vẫn còn rất mạnh và được cảm nhận một cách rất sâu, cũng như có một sự cộng hưởng đặc biệt trong tháng 11 này, tức tháng được dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đã khuất.
Việc cầu nguyện cho những người đã khuất, trước tiên là một dấu chỉ của sự nhìn nhận những chứng tá mà họ đã để lại cũng như những điều tốt lành mà họ đã làm. Đó là một lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban tặng họ cho chúng ta cũng như vì Đức Ái và tình bằng hữu của họ. Trong Thánh Lễ, Giáo Hội cầu nguyện cho những người đã qua đời với một cách thức đặc biệt. Lúc đó, Linh mục sẽ nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến (những) tôi tớ Chúa là T... (và T...) được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an. Lạy Chúa, chúng con xin Chúa thương ban cho các tín hữu ấy, và tất cả mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã an nghỉ trong Ðức Kitô, được vào nơi hạnh phúc sáng láng và bình an” (Kinh Tạ Ơn I). Đó là một sự tưởng nhớ đơn giản, nhưng đầy công hiệu và tràn đầy ý nghĩa, vì Ngài trao phó những người thân yêu của chúng ta cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với niềm hy vọng Kitô giáo, để họ được ở trên Thiên Đàng với Ngài, và trong niềm trông cậy vào một cuộc tái gặp gỡ trong mầu nhiệm Tình Yêu này, tức mầu nhiệm mà chúng ta không nhận thức được nhưng chúng ta biết về nó rằng, nó có thực, và nó chính là lời hứa mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Tất cả chúng ta đều sẽ phục sinh, và sẽ ở với họ, bên Chúa Giêsu, mãi mãi.
Việc tưởng nhớ tới những tín hữu đã qua đời cũng không được phép làm cho chúng ta quên đi mất việc cầu nguyện cho những người đang sống mà họ đang cùng với chúng ta vượt qua những thử thách của cuộc sống mỗi ngày. Sự cần thiết trong việc cầu nguyện cho những người còn sống càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta giữ họ trong ánh sáng của Kinh Tin Kính, khi chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin sự hiệp thông giữa các Thánh”. Mầu nhiệm này diễn tả vẻ mỹ miều của Lòng Thương Xót mà Chúa Giêsu đã mặc khải. Trong sự tế, sự hiệp thông giữa các Thánh chỉ cho chúng ta thấy rằng, tất cả chúng ta đều đã được dìm vào trong sự sống của Thiên Chúa, cũng như đang cùng sống trong Tình Yêu của Ngài. Tất cả chúng ta, cả người sống cũng như người quá cố, đều tham dự vào sự hiệp thông, tức là một sự hiệp nhất; hiệp nhất trong sự hiệp thông của những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy; và trong sự hiệp thông của những người đã được nuôi dưỡng bằng thân mình của Chúa Kitô, và thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều ở trong cùng một gia đình, và được hiệp nhất trong gia đình đó. Và vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau.
Có rất nhiều những hình thức khác nhau để cầu nguyện cho những người thân cận của chúng ta! Tất cả đều có hiệu lực và đều được Thiên Chúa đón nhận, nếu chúng đến từ tận đáy lòng. Cha nghĩ một cách đặc biệt đến những người cha và những người mẹ mà họ vẫn thường chúc lành cho con cái của họ vào mỗi buổi sáng cũng như mỗi buồi tối. Thói quen này vẫn đang còn tồn tại trong một số gia đình: việc chúc lành cho con cái chính là một lời cầu nguyện; Cha nghĩ tới việc cầu nguyện cho những người đau yếu khi chúng ta đến thăm họ và cầu nguyện cho họ; Cha nghĩ tới những lời nguyện giúp cầu thay trong âm thầm, đôi khi dưới những giọt lụy, trong vô vàn những trạng huống khác nhau, mà người ta cầu cho họ. Hôm qua, một người đàn ông tốt lành và cũng là một doanh nhân, đã đến dự Lễ tại nguyện đường Thánh Mác-ta. Người doanh nhân trẻ này phải đóng cửa công ty của mình vì anh ta không vượt qua được. Anh ta đã khóc và nói với Cha: “Con không thể để lại 50 gia đình trong tình trạng không có công ăn việc làm. Con có thể tuyên bố sự phá sản của gia đình: con đi về nhà với tiền bạc của con, nhưng con tim của con sẽ khóc về 50 gia đình này trong suốt cuộc đời con”. Ở đây chúng ta có một Kitô hữu tốt lành, anh biết cầu nguyện với những công việc của mình: Anh đi dự Lễ và cầu xin Chúa chỉ cho một lối ra, không riêng cho anh, nhưng còn cho cả 50 gia đình. Doanh nhân này có thể cầu nguyện với con tim và với những hành động. Anh ấy hiểu về việc cầu nguyện cho tha nhân.
Tình trạng này thật khó khăn. Anh ta không tìm kiếm một lối ra đơn giản nhất: “Họ sẽ quen thôi”. Anh là một Kitô hữu. Được nghe anh ta nói như thế, Cha cảm thấy rất ích lợi cho mình! Có lẽ trong thời đại hôm nay cũng vẫn đang có biết bao nhiêu là những người như anh, ngay trong thời điểm này, tức thời điểm mà tiếc rằng, rất nhiều người đang thiếu công ăn việc làm. Cha cũng nghĩ tới việc phải cảm ơn về một thông tin tốt lành mà nó liên quan đến một người bạn, một người bà con hay một đồng nghiệp…: Một lời “Xin tạ ơn Chúa vì những điều tốt đẹp này!” cũng là một hình thức cầu nguyện cho người khác! Tạ ơn Chúa, khi mọi việc diễn ra tốt đẹp. Đôi khi, như Thánh Phao-lô nói, “Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Thần Khí cầu nguyện trong chúng ta. Vì thế chúng ta hãy mở con tim chúng ta ra để Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta thông qua việc khảo sát những khát vọng thẳm sâu nhất và đưa đến sự thành toàn. Đối với chúng ta và đối với những người khác, trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng để cho Thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện như trong Kinh Lạy Cha, vì chắc chắn, Thánh Ý Ngài chính là điều tốt lành nhất; đó là điều tốt lành của một người Cha, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta: cầu nguyện và để cho Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Đó là điều tốt đẹp trong cuộc sống: Cầu nguyện và tạ ơn Chúa để cầu xin một cái gì đó, khóc lóc, nếu có một khó khăn, giống như người thanh niên này. Nhưng con tim luôn phải được mở ra cho Chúa Thánh Thần, để Ngài cầu nguyện trong chúng ta, với chúng ta và cho chúng ta.
Trong khi chúng ta kết thúc loạt bài Giáo Lý này về Lòng Thương Xót, chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện cho nhau, để những công việc cả về thân xác lẫn tinh thần của Đức Thương Xót ngày càng trở nên phong cách sống của chúng ta. Như vào lúc đầu Cha đã nói, chúng ta kết thúc loạt bài Giáo Lý này ở đây. Chúng ta đã quan sát 14 công việc của Đức Thương Xót, nhưng Lòng Thương Xót vẫn sẽ tiếp tục và chúng ta phải luyện tập nó trong 14 cách này. Xin cảm ơn anh chị em.
Quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư ngày 30 tháng 11 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng