Lm. Đaminh Thiệu O.Cist
“Ngay cả chúng ta cũng thường là những kẻ gây phiền phức đối với người khác”.
***
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 16 tháng 11 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về “nhân đức kiên nhẫn”.
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Chúng ta hãy dành Bài Giáo Lý hôm nay để nói về một công việc của Đức Thương Người, mà tất cả chúng ta đều biết rất rõ, nhưng có lẽ chúng ta lại không đưa nó vào trong thực hành như chúng ta nên: kiên nhẫn chịu đựng những điều gây phiến toái. Tất cả chúng ta đều rất cỏ khả năng trong việc nhận ra một thực tại mà nó có thể quấy rầy chúng ta: điều này sẽ xảy ra khi chúng ta gặp gỡ một ai đó trên đường, hay khi chúng ta nhận được một cú điện thoại,… Đôi khi những con người gây phiền toái này lại là những người đang ở gần chúng ta nhất: Trong số những người quen luôn luôn có một ai đó; họ thiếu cả nơi làm việc, thậm chí cả thời gian rảnh. Chúng ta nên cư xử với những người gây phiền phức này thế nào? Nhưng ngay cả chúng ta cũng thường là những kẻ gây phiền phức đối với người khác. Tại sao việc kiên nhẫn chịu đựng những điều gây phiền phức lại được kể vào trong số những công việc của Đức Thương Người?
Trong Kinh Thánh chúng ta thấy rằng, chính Thiên Chúa phải trở nên nhân hậu để chịu đựng sự than trách của Dân Ngài. Chẳng hạn như được thuật lại trong sách Xuất Hành, thực tế thì Dân này là Dân không ai có thể chịu đựng được: trước tiên, Dân than khóc về kiếp nô lệ của mình tại Ai Cập và đã được Thiên Chúa giải thoát; sau đó trong sa mạc, Dân lại than trách vì thiếu lương thực (xc. Xh 16,3), và Thiên Chúa đã phải dùng chim cút và Manna để nuôi Dân (xc. Xh 16,13-16). Nhưng sự than trách vẫn không ngừng. Moses đã phải thi hành nhiệm vụ với tư cách là người trung gian giữa Thiên Chúa và Dân Người, và đôi khi chính ông cũng là kẻ gây phiền phức đối với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã kiên nhẫn và dậy cho Moses cũng như cho Dân biết chiều kích căn bản của việc cầu nguyện.
Trong mối liên hệ này, một vấn nạn đầu tiên được đặt ra: Có khi nào chúng ta thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm để xem xem, liệu có phải đôi khi chúng ta cũng là những kẻ gây phiền phức đối với những người khác hay không? Việc chỉ tay vào những lầm lỗi và những thiếu sót của người khác là điều rất đơn giản, nhưng chúng ta cũng phải học để đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ.
Trước tiên chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã phải biểu lộ biết bao nhiêu là sự kiên nhẫn trong suốt ba năm cuộc sống công khai của Ngài! Một lần kia, khi Ngài đang đi cùng các môn đệ của mình, thì Ngài đã bị cản lại bởi mẹ của ông Giacôbê và Gioan, vì bà ta muốn nói với Ngài rằng: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một đứa ngồi bên hữu, và một đứa ngồi bên tả của Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,21). Người mẹ đã đại diện cho các mối quan tâm của hai đứa con, vì bà là mẹ của họ… Chúa Giêsu đã sử dụng cơ hội này như là điểm xuất phát để bày tỏ một trong những giáo huấn có tính nền tảng: Nước của Ngài không phải là Nước của quyền lực, nó cũng không phải là Nước của sự vinh quang theo cách nghĩ của dân ngoại, nhưng là Nước của sự phục vụ cũng như Nước của sự hiến thân vì người khác. Chúa Giêsu dậy phải không ngừng đi vào trong những điều chính yếu cũng như phải mở rộng tầm nhìn để đảm nhận trách nhiệm đối với sứ mạng riêng. Ở đây chúng ta có thể nhận ra lời mời gọi hãy thực thi những công việc khác của Đức Thương Người xét theo khía cạnh tinh thần: răn bảo kẻ có tội, chỉ dậy kẻ u mê. Chúng ta hãy nhớ đến sự dấn thân to lớn mà người ta có thể thực thi khi người ta giúp đỡ con người để họ phát triển trong Đức Tin và trong cuộc sống. Cha nghĩ tới – chẳng hạn như – các Giáo Lý Viên – trong số họ có rất nhiều người mẹ cũng như nhiều Nữ Tu –, họ đã sử dụng thời gian để giới thiệu cho người trẻ biết về những viên đá nền của Đức Tin. Điều ấy đòi hỏi biết bao nhiêu là nỗ lực, đặc biệt là khi những người trẻ lại thích chơi đùa hơn là thích học hỏi Giáo Lý!
Đồng hành trên đường tìm kiếm những điều chính yếu là điều rất tuyệt vời và quan trọng, vì điều đó cho phép chúng ta chia sẻ niềm vui trong việc tận hưởng ý nghĩa cuộc sống. Cuộc gặp gỡ với những người chỉ dừng lại nơi những điều nông cạn bên ngoài, thiển cận và tầm thường, rất hay xảy ra; thường là vì họ đã không gặp gỡ được bất cứ người nào khích lệ họ hãy kiếm tìm điều khác, trân kính những điều thực sự quý báu. Việc dạy người khác hướng cái nhìn về những điều chính yếu chính là một sự giúp đỡ có tính quyết định, đặc biệt là trong thời đại như thời đại chúng ta đây, mà có vẻ như nó đã đánh mất phương hướng, và mải miết đi theo những hình thức gây thỏa mãn cách rẻ mạt và chóng vánh. Việc dậy cho người khác nhận ra điều mà Thiên Chúa đang muốn từ nơi chúng ta, và chúng ta có thể đáp ứng điều đó như thế nào, có nghĩa là chọn đi theo con đường phát triển trong ơn gọi cá nhân, con đường dẫn tới niềm vui đích thực. Những lời mà Chúa Giêsu dành cho bà mẹ của ông Giacôbê và Gioan cũng như cho cả nhóm môn đệ, đã chỉ ra con đường giúp ngăn ngừa việc sa vào sự đố kỵ, tham vọng, phỉnh nịnh và cơn cám dỗ mà chúng luôn luôn rình rập, ngay cả giữa các Kitô hữu chúng ta. Sự cần thiết phải tư vấn, cảnh báo, nhắc nhở và dậy dỗ không được phép thúc đẩy chúng ta tới chỗ cảm thấy mình trổi vượt trên người khác, nhưng ép buộc chúng ta đặc biệt là phải trở về lại với chính mình để kiểm thảo lương tâm mình xem, liệu chúng ta có đáp ứng được tất cả mọi đòi hỏi của chúng ta về người khác hay không. Trong mối liên hệ này, chúng ta đừng quên những lời sau đây của Chúa Giêsu: “Sao anh lại thấy cái rác trong con mắt của người anh em mình, mà cái xà trong con mắt của chính anh thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41). Ước gì Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hầu trở nên kiên nhẫn trong sự chịu đựng, cũng như trở nên khiêm nhượng và giản dị trong việc khuyên bảo.
Quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư ngày 16 tháng 11 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng