Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:46

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô Về Sự Tha Thứ Và Cho Đi Featured

Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi để trở thành một chứng nhân của lòng thương xót, và điều này diễn ra trên con đường của sự thánh thiện.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 21 tháng 09 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về việc “Trở nên thương xót có ý nghĩa gì đối với các môn đệ?”.

***

 

Anh Chị Em Thân Mến, xin chào buổi sáng!

Chúng ta vừa nghe đoạn Tin Mừng Theo Thánh Luca (Lc 6:36-38) mà câu châm ngôn của Năm Thánh Ngoại Thường này trích dẫn: “Hãy có lòng nhân từ như Cha”. Câu nói đầy đủ là: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ” (câu 36). Đó không phải là một câu khẩu hiệu, mà là một sự dấn thân của cuộc sống. Để hiểu câu này cách rõ ràng, chúng ta có thể so sánh nó với đoạn song song của nó trong Tin Mừng Matthew, đoạn mà Chúa Giêsu nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Trong đoạn gọi là Bài Giảng Trên Núi, đoạn mở đầu bằng Tám Mối Phúc, Chúa dạy về sự hoàn hảo hệ tại ở nơi tình yêu, sự thành toàn của mọi qui định của Lề Luật.

Theo cùng một cách tiếp cận này, Thánh Luca làm rõ cách cụ thể rằng sự hoàn hảo là tình yêu thương xót: trở nên hoàn hảo có nghĩa là biết xót thương. Vậy thì một người không thương xót có hoàn hảo không? Không! Sự tốt lành và hoàn hảo có cội rễ ở nơi lòng thương xót. Thiên Chúa chắc chắn là hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn Ngài theo cách đó, thì thật là không thể đối với con người để phấn đấu đến sự hoàn hảo ấy. Thay vào đó, đặt Ngài trước mắt chúng ta như là Đấng Xót Thương sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự hoàn hảo của Ngài hệ tại ở đâu và điều đó khích lệ chúng ta trở nên giống như Ngài, đầy tràn tình yêu, về sự hiểu biết và lòng thương xót.

Nhưng tôi tự hỏi: liệu những lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Có thật sự là có thể để yêu thương như Thiên Chúa yêu và để thương xót như Ngài không?

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ thấy rằng toàn bộ sự mạc khải của Thiên Chúa là một tình yêu tiệm tiến và không mỏi mệt dành cho con người: Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương bằng một tình yêu khôn dò khôn thấu và tuôn đổ tình yêu ấy cách dồi dào trên mọi tạo vật. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của lịch sử của tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Một tình yêu vốn quá lớn lao mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể nhận ra. Thật rõ ràng là, so với tình yêu này vốn không có thước đo, thì tình yêu của chúng ta sẽ luôn luôn có khiếm khuyết. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên hoàn hảo như Chúa Cha, Ngài không nghĩ về số lượng! Ngài mời gọi các môn đệ của Ngài hãy trở thành dấu chỉ, các kênh, và chứng nhân của lòng thương xót của Ngài.

Và Giáo Hội không thể nhưng trở thành bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới, trong suốt mọi thời đại và dành cho toàn thể nhân loại. Do đó, mọi Kitô Hữu đều được mời gọi để trở thành một chứng nhân của lòng thương xót, và điều này diễn ra trên con đường của sự thánh thiện. Chúng ta hãy nghĩ về nhiều vị Thánh đã trở nên thương xót vì các Ngài đã để cho tâm hồn các Ngài được đầy tràn bởi lòng thương xót Chúa. Các Ngài đã trao hiến xác thân cho tình yêu của Chúa, tuôn đổ tình yêu ấy ra trên nhiều nhu cầu của nhân loại khổ đau. Trong việc tuôn đổ của quá nhiều hình thức bác ái, việc đón nhận những phản chiếu diện mạo thương xót của Đức Kitô là điều có thể.

Chúng ta hãy tự hỏi chính mình: “Trở nên thương xót có ý nghĩa gì đối với các môn đệ?”. Chúa Giêsu giải thích điều đó bằng hai động từ: “Tha thứ” (câu 37)“Cho đi” (câu 38).

Lòng thương xót được thể hiện, trước hết, trong sự tha thứ: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (câu 37). Chúa Giêsu không có ý coi thường yếu tố công bằng của con người; Tuy nhiên, Ngài nhắc nhở các môn đệ rằng: để có các mối tương quan huynh đệ thì cần phải dừng lại những xét đoán và kết án. Thực vậy, sự tha thứ là cột trụ đang vận hành đời sống của cộng đồng Kitô Giáo, vì ở nơi đó thể hiện sự nhưng không của tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng tình yêu ấy trước. Một người Kitô Hữu phải tha thứ! – nhưng tại sao? Bởi vì người ấy đã được thứ tha. Tất cả chúng ta đang ở đây, hôm nay, trong Quảng Trường này, đều đã được tha thứ. Không một ai, trong đời sống của mình, lại không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Và vì chúng ta đã được tha thứ, nên chúng ta phải tha thứ. Chúng ta lặp lại điều đó mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng ta kẻ có nợ chúng con”, đó là, tha thứ cho những xúc phạm, tha thứ cho nhiều điều, vì chúng ta đã được tha thứ cho quá nhiều xúc phạm, quá nhiều tội lỗi. Và vì thế, thật dễ dàng để tha thứ: nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, thì tại sao tôi lại không thể tha thứ cho người khác? Chẳng lẽ tôi cao cả hơn cả Thiên Chúa sao? Cột trụ của sự tha thứ này cho chúng ta thấy được sự nhưng không của tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Thật là một sai lỗi khi xét đoán và kết án một người anh em phạm tội, không phải vì người ta không muốn nhận biết tội lỗi, mà vì kết án một tội nhân sẽ làm phá vỡ mối dây huynh đệ với người ấy và nguyền rủa lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn đầu hàng trên bất cứ một người con cái nào của Ngài. Chúng ta không có quyền để kết án người anh em sai lỗi của chúng ta; chúng ta không cao hơn người ấy: thay vào đó chúng ta có nghĩa vụ khôi phục phẩm giá làm con của Chúa Cha cho người ấy và đồng hành với người ấy trên hành trình của sự hoán cải.

Đối với Giáo Hội của Ngài, với chúng ta, Chúa Giêsu đưa ra một trụ cột thứ hai: “Cho đi”. Tha thứ là trụ cột thứ nhất; cho đi là trụ cột thứ hai: “Anh em hãy cho [...] Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (câu 38). Thiên Chúa đã cho nhiều vượt ra khỏi những công đức của chúng ta, nhưng Ngài thậm chí còn đại lượng hơn nữa với tất cả mọi người đang ở trên mặt đất này là những người đại lượng. Chúa Giêsu không nói điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không cho đi, mà là hình ảnh của “một tạo vật” tạo nên một nguyên tắc: bằng chính cách mà chúng ta yêu thương, chính bản thân chúng ta sẽ quyết định về cách mà chúng ta sẽ bị xét đoán, cách chúng ta được yêu thương. Nếu chúng ta thấy rõ có một luận lý chắc chắn: theo cách mà người ta nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì người ta hãy cho anh em mình như thế, và theo đúng cách mà người ta cho một người anh em, thì người ta sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa!

Do đó, tình yêu thương xót là con đường duy nhất phải đi. Biết bao nhiêu sự cần thiết mà tất cả chúng ta có về việc biết xót thương hơn nữa, hoặc đừng chà đạp người khác, đừng xét đoán, đừng “chồng chất” lên người khác bằng những lời chỉ trích, ghen tương, đố kị. Chúng ta phải tha thứ, xót thương, sống đời sống của chúng ta bằng tình yêu. Tình yêu này sẽ giúp các môn đệ của Chúa Giêsu không đánh mất căn tính đã lãnh nhận được từ Ngài, và nhận ra chính bản thân họ là con cái của cùng một Cha. Do đó, trong tình yêu mà họ thực hành trong cuộc sống, Lòng Thương Xót được làm cho sống động sẽ không có hồi kết (x. 1Cr 13:1-12). Nhưng đừng quên điều này: lòng thương xót và ơn ban; sự tha thứ và ơn ban, do đó khi tâm hồn sẽ mở rộng, nó sẽ mở rộng trong tình yêu. Thay vào đó, chủ nghĩa cái tôi và sự giận dữ sẽ làm cho tâm hồn trở nên nhỏ lại, điều sẽ trở nên khô cứng như một hòn đá. Điều gì bạn thích hơn, một tâm hồn chai đá hay một tâm hồn đầy tràn tình yêu? Nếu bạn thích một tâm hồn đầy tràn tình yêu hơn, hãy biết xót thương!