Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:42

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Là Dấu Chỉ Của Niềm Hy Vọng Featured

Thế giới ngày nay được mời gọi trả lời cho thách đố của một cuộc chiến “từng mảnh” đang đe dọa nó. Bởi vì chính trong thế giới đang có chiến tranh này, cần có tình huynh đệ, cần có sự gần gũi, cần có đối thoại, cần có tình bằng hữu. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là dấu chỉ của niềm hy vọng vì nó là kinh nghiệm sống của tình huynh đệ vô biên giới.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 03 tháng 08 năm 2016, được tổ chức trong Đại Thính Đường Phaolô VI vì trời hè Roma quá nóng. Tuy nhiên đã có ngàn tín hữu khác theo dõi buổi gặp gỡ trên màn truyền hình ở quảng trường thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ cảm nghiệm về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 tại Krakow, Poland.

***

 

Anh Chị Em Thân Mến, xin chào buổi sáng!

Hôm nay, tôi muốn suy tư vắn gọn về Chuyến Tông Du mà tôi đã thực hiện trong mấy ngày qua đến Ba Lan.

Cơ hội cho chuyến đi là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, 25 năm sau dịp cử hành lịch sử ấy tại Czeschochowa, chỉ sau khi sụp đổ “Bức Màn Sắt”. Trải qua 25 năm này, Ba Lan đã thay đổi, Châu Âu đã thay đổi và thế giới đã thay đổi, và Đại Hội Giới Trẻ này trở thành một dấu chỉ mang tính ngôn sứ cho Ba Lan, cho Châu Âu và cho thế giới. Thế hệ những người thừa hưởng và tiếp nối tuổi trẻ mới của cuộc hành hương đã được sáng kiến bởi Thánh Gioan Phaolô II – đã mang lại câu trả lời cho thách đố ngày nay. Họ đã mang lại một dấu chỉ của niềm hy vọng, và dấu chỉ này được gọi là tình huynh đệ, bởi vì, thực ra, trong thế giới đang lâm chiến này, chúng ta cần tình huynh đệ, sự gần gũi, đối thoại và bằng hữu. Và đây là một dấu chỉ của niềm hy vọng: khi có tình huynh đệ.

Cụ thể chúng ta hãy bắt đầu với giới trẻ, những người là lý do đầu tiên cho chuyến đi. Một lần nữa họ đã trả lời cho mời gọi: họ đến từ khắp mọi nơi trên khắp thế giới – một số bạn trong số đó đang ở đây! [Ngài chỉ về khách hành hương trong Hội Trường] – Đó là một cuộc cử hành của mầu sắc, của các diện mạo, ngôn ngữ và lịch sử khác nhau. Tôi không biết bằng cách nào họ thực hiện việc ấy: họ nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng lại có thể hiểu nhau! Và tại sao lại như thế? Bởi vì họ có ý muốn đến với nhau, xây dựng những chiếc cầu của tình huynh đệ. Họ cũng đến với những vết thương của họ, với những vấn đề của họ và đặc biệt là với niềm vui của việc gặp gỡ nhau; và, một lần nữa, họ tạo thành một bức tranh ghép của tình huynh đệ. Người ta có thể nói về một bức tranh ghép của tình huynh đệ. Một bức tranh ghép mang tính tượng trưng của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một dải đa sắc mầu của các lá cờ được các bạn trẻ vẫy chào: thực ra, tại Đại Hội Giới Trẻ những lá cờ quốc gia trở nên đẹp đẽ hơn, có thể nói, chúng được “thanh luyện”, và các lá cờ của các quốc gia đang gặp mâu thuẫn ở trong số đó cũng vẫy lên bên cạnh. Và điều này thật tuyệt vời! Những lá cờ cũng đang ở đây... Hãy thể hiện đi nào!

Vì thế, trong cuộc đại gặp gỡ Năm Thánh này, giới trẻ trên khắp thế giới đã lãnh nhận được thông điệp của Lòng Thương Xót, để mang thông điệp ấy đi khắp mọi nơi trong các công việc thiêng liêng và thể lý của lòng thương xót. Tôi xin cám ơn hết mọi bạn trẻ đã đến Krakow! Và tôi cũng cám ơn những bạn đã hiệp cùng chúng tôi từ khắp mọi nơi trên trái đất này! – khi ở nhiều nơi những Đại Hội Giới Trẻ nhỏ đã được tổ chức trong sự kết nối với Đại Hội Giới Trẻ tại Krakow. Xin cho ơn ban mà các bạn đã lãnh nhận trở thành một câu trả lời hằng ngày cho lời mời gọi của Thiên Chúa. Một ký ức đầy tình cảm đến với Susanna, một cô gái người Roma của giáo phận này, người đã chết ngay sau khi đã tham gia vào Đại Hội Giới Trẻ, tại Vienna. Xin Thiên Chúa, Đấng chắc chắn đã đón nhận cô vào Thiên Đàng, an ủi người thân và bạn hữu của cô.

Trong chuyến đi này, tôi cũng đã đến thăm viếng Đền Thờ Czestochowa. Trước linh ảnh Mẹ, tôi đã lãnh nhận được ơn ban của cái nhìn của Mẹ, Đấng, một cách đặc biệt, là Mẹ của người dân Ba Lan, của quốc gia cao quý đã đau khổ quá nhiều và, bằng sức mạnh của niềm tin và đôi bàn tay mẫu tử của Mẹ, đã luôn vực dậy. Tôi đã chào một số người Ba Lan ở đây [trong Hội Trường]. Các bạn rất tốt, các bạn rất tốt! Ở đó, dưới cái nhìn, người ta hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cuộc hành trình của đất nước này, mà lịch sử của nó gắn liền một cách bất khả phân ly với Thập Giá Đức Kitô. Ở đó người ta chạm bằng tay vào đức tin của dân thánh của Thiên Chúa, điều giúp giữ niềm hy vọng qua thử thách; và điều cũng giúp giữ gìn sự khôn ngoan vốn là một sự quân bình giữa truyền thống và sáng tạo, giữa ký ức và tương lai. Và ngày nay Ba Lan nhắc nhớ toàn thể Châu Âu rằng Châu Lục này không thể có một tương lai mà không có giá trị tạo thành của nó, những giá trị mà sau đó đã mang lấy tầm nhìn Kitô Giáo về con người ở trung tâm. Trong những giá trị này là lòng thương xót, những giá trị mà hai người con tuyệt vời của mảnh đất Ba Lan đã là những tông đồ đặc biệt: Thánh Faustina Kowalska và Thánh Gioan Phaolô II.

Và, sau cùng, chuyến đi này cũng mang lấy một chân trời của thế giới, một thế giới được mời gọi để đáp trả lại trước thách đố của một cuộc chiến “từng mảnh”, vốn đang đe dọa thế giới. Và ở đây sự thinh lặng lớn lao của chuyến thăm đến Auschwitz-Birkenau rõ ràng hơn bất kỳ một ngôn từ nào. Trong sự thinh lặng ấy tôi đã nghe, tôi đã cảm thấy sự hiện diện của tất cả các linh hồn đã qua đi ở đó; tôi cảm thấy lòng thương cảm, lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà một số linh hồn thánh thiện đã có thể mang lại cho chốn vực thẳm ấy. Trong sự thinh lặng lớn lao ấy tôi đã cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân của bạo lực và chiến tranh. Và ở đó, ở tại nơi đó, tôi đã hiểu nhiều hơn bao giờ hết giá trị của ký ức, không chỉ như là một ký ức về các biến cố trong quá khứ, mà như là một sự cảnh báo và trách nhiệm của ngày hôm nay và ngày mai, để hạt giống của lòng hận thù và bạo lực sẽ không bén rễ ở nơi những luống cày của lịch sử. Và trong ký ức này của các cuộc chiến và của nhiều vết thương, của quá nhiều những nỗi sầu khổ đã kinh qua, cũng có quá nhiều người nam nữ của thời nay, những người đang phải chịu đựng chiến tranh, quá nhiều người anh chị em của chúng ta. Nhìn vào sự tàn bạo ấy, ở nơi trại tập trung ấy, ngay lập tức tôi đã nghĩ về những tàn bạo của ngày nay, vốn y như thế: không quá tập trung như ở nơi đó, mà khắp mọi nơi trên thế giới; thế giới này vốn đang phát bệnh vì bạo tàn, vì nỗi đau, vì chiến tranh, vì lòng hận thù, vì buồn phiền. Và đó là lý do vì sao tôi luôn xin các bạn cầu nguyện: xin Thiên Chúa ban cho chúng ta bình an!

Tôi tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria Đồng Trinh vì tất cả điều này. Và tôi thể hiện một lần nữa lòng biết ơn của tôi đến Ngài Tổng Thống Ba Lan và các Nhà Cầm Quyền khác, đến Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Krakow và đến toàn thể Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, và đến tất cả những ai mà, trong muôn vàn cách, đã làm cho sự kiện này trở nên khả thể, một sự kiện mang lại một dấu chỉ của tình huynh đệ và hòa bình cho Ba Lan, cho Châu Âu và cho thế giới. Tôi cũng muốn cám ơn các bạn tình nguyện viên trẻ đã làm việc hơn một năm để làm cho sự kiện này diễn ra; và cũng cám ơn giới truyền thông, những người hoạt động trong lãnh vực truyền thông: xin cám ơn các bạn quá nhiều vì đã làm cho Ngày này được biết đến khắp nơi trên thế giới. Và ở đây tôi không thể nào quên Anna Maria Jacobini, một ký giả người Ý đã mất mạng sống mình ở đó cách đột ngột. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho cô: cô đã rời bỏ chúng ta khi đang thi hành nhiệm vụ của cô ở đó.

Xin cám ơn các bạn!