LTS: Vào lúc 17 giờ, ngày 27/7/2016, trong khuôn khổ chuyến tông du Ba Lan và chủ sự các nghi thức chính yếu của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31, Đức Thánh Cha đã tới lâu đài Wawel, cũng là dinh thự và phủ Tổng Thống, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giới chức chính trị, dân sự và ngoại giao đoàn. Tổng thống và phu nhân đã tiếp đón Đức Thánh Cha trong sân danh dự của phủ Tổng Thống, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với sự hiện diện của khoảng 800 người.
***
***
Thưa Ngài Tổng Thống,
Thưa Các Nhà Cầm Quyền,
Thưa Các Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,
Thưa Các Hiệu Trưởng Đại Học,
Thưa Quý Ông Bà,
Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến Ngài Tổng Thống, và tôi xin cám ơn Ngài vì sự đón tiếp rất nồng hậu và những lời chào đón thật tốt lành. Tôi thật vui mừng được chào đón quí thành viên của Chính Phủ và Thượng Viện, các Hiệu Trưởng Đại Học, các Nhà Cầm Quyền khu vực và thành phố, cũng như các thành viên của Ngoại Giao Đoàn và các nhà cầm quyền khác đang hiện diện. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến vùng trung đông Châu Âu và tôi vui mừng khởi đầu với đất nước Ba Lan, quê hương của Thánh Gioan Phaolô II không thể nào quên, người sáng lập và người cổ võ các kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô thích nói về một Châu Âu đang thở bằng hai buồng phổi. Lý tưởng về một nền nhân văn Châu Âu mới được gợi hứng bởi việc thở đầy sáng tạo và phối hợp của hai buồng phổi này, cùng với nền văn minh chung đã có căn rễ sâu xa của nó ở nơi Kitô Giáo.
Ký ức là dấu ấn của người dân Ba Lan. Tôi luôn bị ấn tưởng bởi cảm thức rất rõ ràng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về lịch sử. Bất cứ khi nào Ngài nói về một dân tộc, Ngài bắt đầu từ lịch sử của nó, để mang lại sự phong phú về nhân bản và tinh thần của dân tộc ấy. Một sự ý thức về căn tính của một dân tộc, thoát khỏi những kỳ vọng vượt trội, là không thể thiếu đối với việc thiết lập một cộng đồng quốc gia trên nền tảng của di sản con người, xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo của nó, do đó khích lệ một đời sống xã hội và văn hoá trong một tinh thần của sự trung thành liên lỉ đối với truyền thống và, đồng thời, mở ra cho sự đổi mới và tương lai. Theo đó, gần đây các bạn đã tổ chức dịp kỷ niệm 1,050 năm Phép Rửa của Ba Lan. Thực ra đó là một thời khắc mạnh mẽ của sự hiệp nhất quốc gia, vốn tái khẳng định lại sự hoà hợp, thậm chí ngay giữa sự khác nhau về quan điểm, là con đường chắc chắn để đạt tới thiện ích chung cho toàn thể người dân Ba Lan.
Tương tự, sự hợp tác hiệu quả trong lãnh vực quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau lớn mạnh ngang qua sự ý thức về, và tôn trọng dành cho, căn tính của dân tộc mình và của các dân tộc khác. Việc đối thoại sẽ khôn thể tồn tại trừ khi mỗi bên biết khởi đi từ căn tính của mình. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày mỗi cá nhân và xã hội, có hai kiểu ký ức: tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Ký ức tốt lành là điều mà Kinh Thánh tỏ cho chúng ta trong Kinh Magnificat, bài ca của Mẹ Maria, Đấng đã ca tụng Thiên Chúa và công trình cứu chuộc của Ngài. Mặt khác, ký ức tiêu cực giữ trong tư tưởng và tâm hồn một cách ám ảnh dính chặt vào sự dữ, đặc biệt là những điều sai trái mà người khác thực hiện. Nhìn vào lịch sử gần đây của các bạn, tôi tạ ơn Thiên Chúa là các bạn đã có thể để cho ký tức tốt lành thắng thế, chẳng hạn, bằng việc kỷ niệm dịp 50 năm về sự tha thứ được đưa ra và chấp nhận bởi cả hai hội đồng giám mục Ba Lan và Đức, sau Thế Chiến Thứ Hai. Sáng kiến đó, trước tiên có liên hệ đến các cộng đồng giáo hội, cũng gợi lên một tiến trình xã hội, chính trị, văn hoá và tôn giáo không thể vãn hồi làm thay đổi lịch sử về các mối quan hệ giữa hai dân tộc. Ở đây chúng ta cũng có thể nghĩ về Tuyên Bố Chung giữa Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan và Giáo Hội Chính Thống Moscow: một việc làm khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau và huynh đệ không chỉ giữa hai Giáo Hội, mà còn giữa hai dân tộc.
Do đó, đất nước Ba Lan cao quý đã thể hiện cách mà người ta có thể nuôi dưỡng ký ức tốt đẹp trong khi bỏ lại phía sau ký ức xấu. Điều này đòi hỏi một niềm hy vọng và niềm tin vững vàng vào Đấng dẫn dắt định mệnh của các dân tộc, mở ra các cánh cửa khép kín, biến các vấn đề thành những cơ hội và tạo nên những cảnh mới từ những hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng. Đây là chứng cứ rõ ràng từ kinh nghiệm lịch sử riêng của Ba Lan. Sau những cơn bão và thời kỳ đen tối, dân tộc của các bạn, đã giành lại được phẩm giá của nó, có thể nói, giống như những người Do Thái trở về từ Babylon, “Ta tưởng mình như giữa giấc mơ... Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126:1-2). Một sự ý thức về tiến trình được thực hiện và vui mừng trước những mục tiêu đã đạt được, sau đó trở thành một nguồn sức mạnh và bình an cho việc đối diện với những thách đố hiện tại. Những việc này đỏi hỏi sự can đảm của sự thật và một sự cam kết đạo đức liên lỉ, để đảm bảo rằng các quyết định và hành động, cũng như các mối quan hệ con người, sẽ luôn luôn tôn trọng phẩm giá của con người. Bằng cách này, mọi lãnh vực của hành động có liên hệ, bao gồm cả kinh tế, những quan tâm về môi trường và việc giải quyết hiện tượng phức tạp của việc di dân.
Lãnh vực sau cùng này đòi hỏi sự khôn ngoan và lòng thương cảm lớn lao, để vượt thắng sự sợ hãi và đạt được sự tốt lành lớn lao hơn. Có một sự cần thiết để tìm kiếm các lý do cho việc di dân từ Ba Lan và để sắp xếp sự trở về đối với tất cả những ai muốn hồi hương. Cũng như điều cần thiết là một tinh thần sẵn sàng để đón tiếp những người chạy trốn chiến tranh và nạn đói, và tình liên đới với những người đã bị tước hết những quyền căn bản, bao gồm cả quyền tuyên xưng niềm tin của họ vào sự tự do và an toàn. Đồng thời, những hình thức trao và hợp tác mới cần phải được phát triển trên bình diện quốc tế để giải quyết những mâu thuẫn và chiến tranh vốn đã buộc quá nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và quê hương của họ. Điều này có nghĩa là làm mọi thứ có thể để xoa dịu sự đau khổ trong khi làm việc không ngừng nghỉ bằng sự khôn ngoan và liên lỉ cho công lý và hoà bình, làm chứng trong thực hành đối với các giá trị nhân bản và Kitô Giáo.
Dưới ánh sáng của lịch sử ngàn năm của đất nước, tôi mời gọi đất nước Ba Lan hãy nhìn bằng niềm hy vọng đến tương lai và những vấn đề đang đặt ra trước mắt. Một cách tiếp cận như thế sẽ mến chuộng bầu khí tôn trọng giữa các thành phần của xã hội và cuộc tranh luận mang tính xây dựng về những vị thế khác biệt. Cách tiếp cận này cũng tạo nên những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển dân sự, kinh tế và thậm chí nhân khẩu, nuôi dưỡng niềm hy vọng mang lại đời sống tốt lành cho các thế hệ tương lai. Người trẻ không chỉ phải giải quyết với những vấn đề, mà hơn thế có thể vui hưởng vẻ đẹp của công trình tạo dựng, những lợi ích mà chúng ta có thể mang lại và niềm hy vọng mà chúng ta có thể trao ban. Các chính sách xã hội trong việc hỗ trợ gia đình, tế bào thiết yếu và nền tảng của xã hội, hỗ trợ các gia đình không may mắn và nghèo, và giúp đỡ một cách có trách nhiệm để đón nhận sự sống, do đó sẽ cho thấy thậm chí hiệu quả hơn nữa. Sự sống phải luôn luôn được đón nhận và bảo vệ. Hai điều này đi đôi với nhau – đón nhận và bảo vệ, từ hoài thai cho đến cái chết tự nhiên. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để tôn trọng sự sống và chăm sóc nó. Mặt khác, đó là trách nhiệm của Nhà Nước, Giáo Hội và xã hội để đồng hành và trợ giúp cách cụ thể cho những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, để một đứa trẻ sẽ không bao giờ bị coi là một gánh nặng nhưng là một quà tặng, và những người đang chịu tổn thương và nghèo nhất sẽ không bị bỏ rơi.
Thưa Ngài Tổng Thống,
Như đã trải qua lịch sử lâu dài của nó, đất nước Ba Lan có thể dựa vào sự hợp tác của Giáo Hội Công Giáo, để dưới ánh sáng của các nguyên lý Kitô Giáo nền tảng đã làm gia tăng lịch sử và căn tính của Ba Lan, đất nước có thể, trong những hoàn cảnh lịch sử đã đổi thay, tiến bước trong sự trung thành với các truyền thống tốt nhất của nó và với niềm tin và niềm hy vọng, thậm chí ngay trong những thời điểm gian khó.
Một lần nữa trong sự thể hiện lòng biết ơn của tôi, tôi hết lòng cầu chúc cho Ngài và tất cả mọi người hiện diện, một sự phục vụ bình an và sinh hoa trái vì thiện ích chung.
Xin Đức Mẹ Czestochowa ban phúc lành và bảo vệ Ba Lan!