LTS: Vào lúc 04 giờ 00 chiều ngày 24/06/2016, sau nghi thức chào cờ và duyệt qua hàng quân danh dự tại sân bay, Đức Thánh Cha đã được tháp tùng về Nhà Thờ Chính Tòa Tông Đồ cũng là trụ sở Giáo Hội Armeni Tông Truyền ở Etchmiadzin. Theo truyền thống, các cuộc viếng thăm của các vị thủ lãnh tôn giáo bắt đầu với một nghi thức cầu nguyện ngắn tại Nhà Thờ Chính Tòa ở Etchmiadzin. Nghi thức bắt đầu bằng bài nguyện ca Hrashapar dâng kính thánh Gregorio Vị Soi sáng, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Karekin II cùng hôn bàn thờ, và hai vị Giám Mục đọc Thánh Vịnh 122: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Nào ta hãy đi về nhà Chúa. Chân chúng tôi đã dừng lại ở cửa ngươi, hỡi Jerusalem!”. Sau đó, Đức Thượng Phụ Karekin II đọc bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha. Đáp từ, Đức Thánh Cha ca ngợi đức tin của nhân dân Armeni, sự giao hảo và cộng tác tốt đẹp giữa Giáo Hội này với Cộng Giáo, đồng thời ngài nhắc đến những thách đố đang chờ đợi hai Giáo Hội.
***
***
Diễn Văn Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Chào Đức Thượng Phụ Karekin II và toàn thể Giáo Hội Tông Truyền Armenia
Hiền Đệ Đáng Kính,
Đức Thượng Phụ Tối Cao của Toàn Dân Armenia,
Anh Chị Em Thân Mến trong Đức Kitô,
Thật là xúc động đối với tôi khi được bước qua ngưỡng cửa của đất thánh này, một chứng tá đối với lịch sử của người dân của các bạn và trung tâm mà từ đó nền linh đạo của đất nước này toả sáng. Tôi coi đó là một món quà quý giá của Thiên Chúa khi được đến bàn thờ thánh mà từ đó ánh sáng của Đức Kitô chiếu tỏa trên Armenia. Tôi xin chào Đức Thượng Phụ của Toàn Dân Armenia, Đức Karekin II, bằng lời cám ơn chân thành vì lời mời quý giá của Ngài cho chuyến thăm Etchmiadzin Thánh Thiêng, và tất cả Tổng Giám Mục và Giám Mục của Giáo Hội Tông Đồ Armenia. Tôi xin cám ơn các bạn vì sự đón tiếp nồng hậu và vui tươi của các bạn. Dấu chỉ của tình yêu này nói lên cách rõ ràng, hơn bất kì một lời nói nào có thể thực hiện, ý nghĩa của tình bằng hữu và tình bác ái huynh đệ.
Vào dịp trọng đại này, tôi xin tạ ơn Thiên Chúa vì ánh sáng của niềm tin đã thắp lên trên đất nước của các bạn, niềm tin đã mang lại cho Armenia căn tính đặc biệt và làm cho đất nước này trở thành một sứ giả của Đức Kitô giữa muôn dân nước. Đức Kitô là vinh quang và ánh sáng của các bạn. Ngài là mặt trời Đấng đã soi sáng và làm cho các bạn được sống, đồng hành và nuôi dưỡng các bạn, đặc biệt trong thời gian thử thách. Tôi cúi đầu trước lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã muốn rằng đất nước Armenia phải trở thành, vào năm 301, quốc gia đầu tiên chấp nhận Kitô Giáo như là tôn giáo của mình, vào một thời điểm mà những cuộc bách hại vẫn đang hoành hành trên khắp Đế Chế La Mã.
Đối với Armenia, niềm tin vào Đức Kitô đã không giống như một tấm áo để mặc vào hay cởi ra như là những hoàn cảnh hay mệnh lệnh tiện nghi, mà như là một phần thiết yếu của căn tính của đất nước này, một quà tặng của tầm quan trọng bao la, để được đón nhận bằng niềm vui, bảo tồn bằng sự nỗ lực và sức mạnh lớn lao, thậm chí với cái giá của chính mạng sống. Như Thánh Gioan Phaolô II đã viết: “Bằng ‘phép rửa’ của cộng đồng Armenia... người dân đạt được một căn tính mới vốn trở thành một phần mang tính thiết chế và không thể tách lìa của đời sống người Armenia. Sẽ không còn có thể nghĩ rằng niềm tin không còn cấu thành như một yếu tố chính yếu trong số các thành phần của căn tính này nữa”.[1] Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn vì chứng tá sáng ngời này của niềm tin. Đó là một gương sáng ngời của hiệu quả lớn lao và hoa trái của phép rửa đã lãnh nhận 1,700 năm trước, cùng với dấu chỉ rõ ràng và thánh thiện của sự tử đạo, điều luôn đi kèm với lịch sử của dân tộc các bạn.
Tôi cũng xin tạ ơn Thiên Chúa vì hành trình mà Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Đồ Armenia đã diễn ra qua cuộc đối thoại chân thành và huynh đệ cho việc đến để chia sẻ trọn vẹn bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đạt tới sự hiệp nhất mà Chúa chúng ta đã cầu xin, để các môn đệ của Ngài có thể nên một và thế giới có thể tin. Tôi vui mừng nhắc lại động lực mang tính quyết định trước sự phát triển các mối quan hệ gần gũi hơn và củng cố cuộc đối thoại giữa hai Giáo Hội của chúng ta trong những năm gần đây bởi các Đức Thượng Phụ Vasken I và Karekin I, và bởi Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI. Như là những giai đoạn quan trọng của sự dự phần mang tính đại kết này, tôi muốn đề cập: dịp tưởng niệm Các Chứng Nhân của Niềm Tin trong thế kỷ 20 trong Đại Năm Thánh 2000; việc gửi đến Đức Thượng Phụ của các bạn thánh tích của Người Cha của Người Kitô Hữu Armenia, Thánh Gregory Khai Sáng, vì Ngôi Nhà Thờ Chánh Tòa mới của Yerevan; Tuyên Bố Chung của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ của các bạn, được ký kết tại đây ở Etchmiadzin Thánh này; và các chuyến thăm mà Đức Thượng Phụ của các bạn đã thực hiện đến Vatican cho các sự kiện và dịp tưởng niệm quan trọng.
Đáng buồn thay, thế giới của chúng ta đang bị đánh dấu bởi những chia rẽ và mâu thuẫn, cũng như mởi nhiều hình thức nghèo nàn về vật chất và tinh thần nghiêm trọng, bao gồm cả việc khai thác con người, kể cả trẻ em và người cao tuổi. Thế giới này đang mong đợi từ người Kitô Hữu một chứng tá của sự tôn trọng nhau và sự hợp tác huynh đệ có khả năng làm tỏ lộ cho hết mọi lương tâm sức mạnh và sự thật của sự phục sinh của Đức Kitô. Sự dấn thân nhẫn nại và bền bỉ cho sự hiệp nhất trọn vẹn, sự phát triển của những sáng kiến chung và sự hợp tác giữa toàn bộ các môn đệ của Chúa trong việc phục vụ cho thiện ích chung: tất cả những việc này giống như một ánh sáng rạng ngời trong đêm tối và một lệnh truyền để kinh nghiệm thậm chí là những khác biệt của chúng ta trong một thái độ của bác ái và hiểu biết lẫn nhau. Tinh thần của công cuộc đại kết cũng mang lấy một giá trị gương mẫu của những khuôn khổ hữu hình của cộng đoàn Giáo Hội; nó tượng trưng cho mọi người một lời thỉnh nguyện mạnh mẽ để đạt tới những sự đa dạng bằng đối thoại và tôn trọng dành cho hết mọi điều hiệp nhất chúng ta. Điều đó cũng ngăn chặn việc khai thác và thao túng niềm tin, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tái khám phá lại những cội rễ đúng đắn của niềm tin, và để thông truyền, bảo vệ và loan truyền chân lý bằng sự tôn trọng dành cho phẩm giá của mọi con người nhân loại và bằng những cách làm tỏ lộ sự hiện diện của tình yêu và ơn cứu độ mà chúng ta mong muốn lan toả. Bằng cách này, chúng ta sẽ mang lại cho thế giới – vốn quá cần đến sự hiện diện này – một chứng tá thuyết phục rằng Đức Kitô đang sống và đang hoạt động, có thể mở ra những con đường mới của sự hòa giải giữa các quốc gia, các nền văn minh và tôn giáo. Chúng ta sẽ mang lại một chứng tá đáng tin cậy rằng Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót.
Anh chị em thân mến, khi các việc làm của chúng ta được thúc đẩy bởi sức mạnh của tình yêu Đức Kitô, thì sự hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau sẽ phát triển, một hành trình đại kết sinh hoa trái sẽ trở nên có thể, và tất cả mọi người dân thiện chí, và toàn thể xã hội, được chỉ ra một cách cụ thể để hòa hợp các mâu thuẫn vốn đang xét nát đời sống dân sự và tạo nên những chia rẽ vốn cho thấy khó chữa lành. Xin Thiên Chúa Toàn Năng, Là Cha của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria Chí Thánh, Thánh Gregory Khai Sáng, “trụ cột ánh sáng cho Hội Thánh của người Armenia”, và Thánh Gregory Narek, Tiến Sĩ Hội Thánh, chúc lành cho tất cả các bạn và toàn thể đất nước Armenia. Xin Ngài gìn giữ các bạn luôn mãi trong niềm tin mà các bạn đã lãnh nhận từ các bậc tổ tiên của các bạn, và từ đó mà các bạn được sinh ra để trở nên chứng tá vinh quang trong các thời đại.
[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Dịp Kỷ Niệm 1700 Năm Ngày Chịu Phép Rửa Của Người Dân Armenia, 02 Feb, 2001, số 2.