Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:37

Đức Phanxicô Nói Với Hội Đồng Giáo Dân: Chúng Ta Cần Các Giáo Dân Được Huấn Luyện Kỹ Càng Featured

LTS: Theo tin của tờ L’Osservatore Romano, hôm thứ Sáu 17/06/2016, nhân kỳ họp toàn thể lần thứ 28 của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, trước khi Hội Đồng này được sát nhập vào Thánh Bộ Giáo Dân, Sự Sống và Gia Đình, Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với Hội Đồng. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài.

***

***

 

Anh chị em thân mến,

Tôi không muốn những lời này là lời “valediction” với Thánh Bộ, lời từ giã, nhưng thực ra đây là những lời cám ơn đối với mọi công việc đã thực hiện.

Tôi tiếp kiến anh chị em nhân dịp anh chị em họp kỳ họp toàn thể. Tôi chào mừng anh chị em một cách thân tình và tôi cám ơn Đức Hồng Y Chủ Tịch về những lời tốt đẹp của ngài. Kỳ họp này của anh chị em có một tính chất đặc biệt, vì, như tôi đã loan báo, Hội Đồng Giáo Hoàng của anh chị em sẽ mang một diện mạo mới. Việc này kết thúc một giai đoạn quan trọng và mở ra một giai đoạn mới cho một Cơ Quan của Giáo Triều Rôma, một Cơ Quan vốn hỗ trợ sự sống, sự trưởng thành và các biến đổi của hàng ngũ giáo dân Công Giáo kể từ Công Đồng Vatican II cho tới nay.

Do đó, đây là dịp thuận tiện để nhìn lại gần 50 năm hoạt động của Cơ Quan, và cùng một lúc, dự phóng sự hiện diện đổi mới nhằm phục vụ giáo dân, đang liên tiếp lên men và gặp gỡ nhiều vấn đề mới. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân được khai sinh do ý muốn minh nhiên của Công Đồng Vatican II, là Công Đồng, trong Sắc Lệnh về tông đồ giáo dân, đã muốn thiết lập ra “trong Tòa Thánh, một văn phòng đặc biệt nhằm phục vụ và thúc đẩy việc tông đồ của hàng ngũ giáo dân” ngõ hầu trợ giúp “bằng cách góp ý kiến cho hàng giáo phẩm và hàng ngũ giáo dân trong các công trình làm việc tông đồ của họ”.[1] Do đó, Chân Phúc Phaolô VI đã khai sinh ra Cơ Quan này, một Cơ Quan mà tôi không do dự mô tả là “một trong các hoa trái tốp đẹp nhất của Công Đồng Vatican II” [2] - và ngài quả là “người cha” của Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học Italia (FUCI), của giới trẻ và của hàng ngũ giáo dân; ngài làm việc rất nhiều và có cảm tình rất nhiều với cơ quan này, coi thành quả này không như một cơ quan kiểm soát mà đúng hơn như một trung tâm phối trí, nghiên cứu, tham khảo, nhằm “kích thích hàng ngũ giáo dân tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội […] trong tư cách thành viên của các hiệp hội […] hay trong tư cách tín hữu giáo dân”.[3] Hội Đồng Giáo Hoàng hiện hữu để kích thích!

Bởi thế, tôi xin cảm tạ Chúa về các thành quả phong phú và rất nhiều thách đố trong các năm qua. Chẳng hạn, ta có thể nhớ đến mùa năng nổ mới, một mùa, ngoài các hiệp hội giáo dân với lịch sử lâu dài và xứng đáng ra, còn chứng kiến rất nhiều Phong Trào và Cộng Đồng Mới phát sinh từ thúc đẩy truyền giáo cao độ; các Phong Trào mà anh chị em từng theo dõi trong diễn trình phát triển của họ, đồng hành với họ một cách đầy quan tâm và trợ giúp họ trong giai đoạn tế nhị để tư cách pháp lý của họ được thừa nhận chính thức. Và rồi còn xuất hiện nhiều thừa tác vụ giáo dân mới mẻ, đã được ủy thác cho khá nhiều sinh hoạt tông đồ. Hơn nữa, điều cần nhấn mạnh là vai trò càng ngày càng gia tăng của phụ nữ trong Giáo Hội với sự hiện diện, sự mẫn cảm và các tài năng của họ. Và sau cùng, là việc tạo ra ngày Giới Trẻ Thế Giới, một cử chỉ đầy tính quan phòng của Thánh Gioan Phaolô II, một khí cụ truyền giảng Tin Mừng cho các thế hệ mới, được anh chị em trông coi với một dấn thân đặc biệt.

Do đó, anh chị em có thể nói rằng sự ủy nhiệm mà anh chị em tiếp nhận từ Công Đồng chính là một uỷ nhiệm “thúc đẩy” hàng ngũ giáo dân mỗi ngày mỗi tham dự tốt hơn vào sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội, không phải do sự “ủy quyền” của hàng giáo phẩm, mà là vì việc tông đồ của họ “là tham dự vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, một sứ mệnh mà chính Chúa, qua Phép Rửa và Phép Thêm Sức, đã trao phó cho mọi người”.[4] Và đó chính là lối vào! Ta bước vào Giáo Hội qua Phép Rửa, không qua việc truyền chức linh mục hay giám mục; ta bước vào qua Phép Rửa! và tất cả chúng ta đều bước vào cùng qua một lối ấy. Chính Phép Rửa biến mọi tín hữu giáo dân thành môn đệ truyền giáo của Chúa, thành muối đất, thành ánh sáng thế gian, thành men bột biến đổi mọi thực tại từ bên trong.

Các sinh hoạt của Giáo Hội, như các sinh hoạt ta vừa nhắc tới, luôn được thi hành bởi các khuôn mặt, trí và tâm của những con người cụ thể. Và điều quan trọng là: trong kỳ họp toàn thể của mình, anh chị em muốn tưởng nhớ tất cả những ai đã hy sinh đời họ một cách say mê và dấn thân trong việc sinh động hóa, cổ vũ và phối hợp đời sống và việc tông đồ của hàng ngũ giáo dân trong các năm qua. Trước nhất, nhiều vị Chủ Tịch đã lần lượt thay phiên nhau; rồi rất nhiều thành viên và cố vấn viên, trong đó có cả Karol Wojtyla (Đức Gioan Phaolô II), Đấng đã theo dõi Cơ Quan này một cách chăm chú và với tầm nhìn xa rộng ngay từ những bước đầu tiên của nó; và rồi còn rất nhiều thành viên giáo dân âm thầm làm việc vì lợi ích của hàng ngũ giáo dân Công Giáo.

Dưới sự soi sáng của con đường đã đi, đã tới lúc ta nhìn tương lai một lần nữa với lòng hy vọng. Nhiều việc vẫn còn cần phải làm, mở rộng các chân trời và tiếp nhận các thách đố mới do thực tại đem đến cho chúng ta. Chính từ đây, kế hoạch cải tổ Giáo Triều đã phát sinh, đặc biệt là việc hợp nhất cơ quan của anh chị em với Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình cũng như Hàn Lâm Viện về Sự Sống . Do đó, tôi mời gọi anh chị em tiếp nhận cuộc cải tổ này, một cuộc cải tổ có sự can dự của anh chị em, như một dấu chỉ sự đánh gía và sự quí mến cao đối với công việc của anh chị em và như dấu chỉ niềm tin tưởng đổi mới vào ơn gọi và sứ mệnh của hàng ngũ giáo dân trong Giáo Hội ngày nay. Để tiếp tục việc lèo lái của nó, cơ quan mới sắp được khai sinh sẽ dùng làm “bánh lái”: một là văn kiện Christifideles Laici, hai là văn kiện Evangelii Gaudium và Amoris Laetitia, lấy gia đình và việc bảo vệ sự sống làm các lãnh vực ưu tiên.

Trong giờ phút lịch sử đặc biệt này, và trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội được mời gọi ý thức hơn bao giờ hết việc trở thành “nhà cha nơi có chỗ cho mọi con người đang lao nhọc và có cuộc sống tội lỗi”;[5] trở thành một Giáo Hội luôn mãi ra đi, “một cộng đồng truyền giảng Tin Mừng […] có khả năng lãnh nhận sáng kiến mà không sợ sệt, khả năng gặp gỡ, tìm kiếm những người cách xa và khả năng tới các ngã ba đường để mời gọi những người bị loại bỏ”.[6] Tôi muốn đề nghị với anh chị em lấy nhị thức có thể phát biểu như sau “Giáo Hội ra đi – giáo dân ra đi” làm chân trời qui chiếu cho tương lai gần kề của anh chị em. Bởi thế, anh chị em cũng phải cất cao tầm mắt của anh chị em lên và nhìn ra “bên ngoài”, nhìn ra rất nhiều người của thế giới chúng ta đang ở tận phía xa kia, nhìn ra rất nhiều gia đình đang gặp khó khăn và cần lòng thương xót, nhìn ra rất nhiều lãnh vực tông đồ chưa được thăm dò, nhìn ra vô số các giáo dân có tâm hồn tốt lành và quảng đại sẵn sàng dùng năng lực của họ, thì giờ của họ, các khả năng của họ để phục vụ Tin Mừng, nếu họ được can dự, được các mục tử và các định chế của Giáo Hội đánh giá cao và hỗ trợ. Chúng ta đang cần các giáo dân dám dấn thân, dám để bàn tay của mình ra dơ bẩn, không sợ lầm lẫn, cứ nhắm đàng trước mà tiến tới. Chúng ta đang cần các giáo dân có viễn kiến tương lai, không khép mình vào những điều nhỏ mọn của cuộc sống.Và tôi từng nói điều này với giới trẻ: chúng ta đang cần các giáo dân thích nếm kinh nghiệm sống, dám mơ mộng. Nay là ngày người trẻ phải có các giấc mơ của người già. Trong nền văn hóa vứt bỏ này, chúng ta đừng để mình trở nên quen thuộc với việc vứt bỏ người cao niên! Chúng ta hãy thúc đẩy họ, chúng ta hãy thúc đẩy để họ biết mơ mộng và như tiên tri Gioen từng nói: “có những giấc mơ”, có khả năng mơ mộng, và đem lại cho mọi người chúng ta sức mạnh của viễn kiến tông đồ mới mẻ.

Các Thành Viên và các Cố Vấn thân mến,

Tôi xin cám ơn anh chị em vì công việc anh chị em thực hiện để phục vụ Cơ Quan này, và tôi khuyến khích anh chị em mở lòng mình ra, sẵn sàng vâng theo và khiêm nhường trước các điều mới mẻ của Thiên Chúa, những điều làm chúng ta ngạc nhiên và vượt quá khả năng của chúng ta nhưng không bao giờ lừa dối chúng ta, như Đức Mẹ đã làm; ngài là Mẹ và là Cô Giáo của chúng ta trong đức tin. Từ tận đáy lòng, tôi ban cho anh chị em và các người thân yêu của anh chị em phúc lành của tôi. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

 

Vatican, thứ Sáu ngày 17 tháng 06 năm 2016.

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 



[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (Tông Đồ Giáo Dân), số 26.

[2] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tự sắc Apostolatus Peragendi (10 tháng 12, 1976), 697.

[3] Ibidem.

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), 33.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), số 47.

[6] Ibid., số 24.