Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:10

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô Về Sự An Ủi Của Đức Kitô Featured

“Đức Kitô mang tới cho nhân loại sự “an ủi”, “trong kinh nghiệm tràn đầy và vĩnh viễn của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu nhân từ ban xuống niềm vui, an bình và sự sống đời đời”.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 16 tháng 03 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Sự an ủi của Đức Kitô”.

***

Thân chào quý anh chị em!

Trong sách tiên tri Giêrêmia, người ta gọi Chương 30 và 31 là “sách an ủi” bởi vì lòng thương xót đã biểu lộ nơi đó với tất cả khả năng của nó để ủi an và mở lòng những người đau khổ ra với hy vọng. Ngày hôm nay, chúng ta cũng muốn nghe thông điệp ủi an đó.

Tiên tri Giêrêmia nói với dân Do Thái đã bị lưu đầy sang đất lạ và loan báo trước sự trở về tổ quốc của họ. Sự hồi hương này là một dấu hiệu của tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha không bỏ rơi con cái Người, nhưng vẫn săn sóc và cứu độ chúng. Lưu đầy đã là một kinh nghiệm khốc liệt cho Israel. Đức tin của họ đã chao đảo bởi vi ở trên đất khách, không có đền thờ, không có thờ phụng, sau khi nhìn thấy đất nước mình bị tàn phá, thật là khó khăn để tin vào lòng nhân hậu của Đức Chúa. Điều này khiến tôi nghĩ tới nước láng giềng Albany: làm cách nào, sau bao bách hại và tàn phá, nước này đã thành công đứng lên trong phẩm cách và đức tin. Người Do Thái lưu đầy cũng đã đau khổ như thế đó.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng đôi khi phải sống một hoàn cảnh lưu đầy, khi sự cô đơn, nỗi đau đớn hay cái chết làm chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Đã bao lần chúng ta nghe những lời này: “Thiên Chúa đã quên tôi rồi”, đó là những người đau khổ và cảm thấy bị bỏ rơi. Và biết bao anh em chúng ta phải sống, ngay vào lúc này, một tình trạng lưu đầy thực tế và thảm khốc, xa quê hương, đôi mắt lạc lõng trên những đổ nát của nhà cửa họ, nỗi lo sợ trong lòng và thường khi, khôn nỗi, với sự đau khổ đã mất những người thân. Trong những trường hợp đó, người ta sẽ tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Làm sao có thể biết bao nhiêu đau khổ đã đổ xuống những con người nam, nữ và những trẻ em vô tội? Và khi họ tìm cách đi vào một nơi nào khác, người ta đã đóng cửa lại với họ. Và họ đang ở đó, ngoài biên giới, bởi vì bao nhiêu cửa ngõ và trái tim đã đóng chặt. Những di dân của ngày hôm nay, đang rét mướt, không có gì ăn, và họ không thể bước vào, không cảm thấy được đón tiếp. Tôi rất thích nghe điều này, khi tôi thấy các quốc gia, các chính quyền mở lòng, mở cửa biên giới ra với họ.

Ngôn sứ Giêrêmia cho chúng ta một câu trả lời đầu tiên. Dân lưu đầy sẽ có thể thấy lại quê hương và bắt đầu trải nghiệm lại lòng thương xót của Chúa. Đó là lời loan báo an ủi to lớn nhất: hiện nay Thiên Chúa cũng không vắng mặt trong những tình huống thảm khốc này; Thiên Chúa gần gũi và Người làm những công trình cứu độ vĩ đại cho những ai phó thác cho Người. Không được đầu hàng thất vọng nhưng tiếp tục xác tín rằng điều thiện sẽ thắng điều ác và Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Vì thế ngôn sứ Giêrêmia đã hiến tiếng nói của ngài cho lời tình yêu của Thiên Chúa với dân Người:

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nhưng Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ xây ngươi lên và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel. Ngươi sẽ lại nên xinh đẹp với những chiếc trống cơm, ngươi sẽ xuất hiện giữa đám nhẩy múa tưng bừng” (Gr 31,3-4).

Đức Chúa trung tín, Người không bỏ rơi trong sự sầu não. Thiên Chúa thương yêu bằng một tình yêu bất tận, cho dù tội lỗi cũng không thể ngăn lại và nhờ ơn Người, lòng dạ con người tràn đầy niềm vui và an ủi.

Giấc mơ hồi hương vẫn tiếp nối trong những lời của ngôn sứ đã nói với những kẻ sẽ trở về Giêrusalem:

“Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Sion: lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Đức Chúa. Nào lúa thơm, rượu mới, dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thỏa thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon” (Gr 31,12).

Trong vui mừng và biết ơn, dân lưu đầy trở về Sion, leo lên núi thánh hướng về nhà Thiên Chúa và họ sẽ lại có thể cất lên những ca khúc và kinh nguyện tới Đức Chúa là Đấng đã giải thoát họ.  Sự trở về lại với Giêrusalem này và với của cải của họ được mô tả bằng một động từ có nghĩa là “chẩy về, chẩy tới”. Dân chúng được thấy như trong một động thái ngược đời, như một dòng sông dâng cao chẩy lên núi cao Sion, tràn lên  đỉnh núi. Hình ảnh táo bạo này để nói lên lòng Chúa thương sót cao cả nhường bao!

Đất nước mà dân chúng đã phải bỏ lại đã trở thành mồi ngon của kẻ thù, trở thành hoang vu. Bây giờ, đổi lại, nó đã lấy lại sự sống và lại nở hoa. Những kẻ lưu đầy cũng như một khu vườn được tưới nước, cũng như một thửa đất mầu mỡ. Dân Israel, được đưa về cố quốc bởi Đức Chúa của họ, đã dự khán chiến thắng của sự sống trên sự chết và chúc lành trên chúc dữ.

Chính như thế mà dân chúng được tăng cường và an ủi bởi Thiên Chúa. Câu nói này là quan trọng: được an ủi! Những kẻ hồi hương nhận được sự sống từ một nguồn mạch tuôn tưới cách nhưng không?

Ở điểm này, ngôn sứ loan báo sự tràn đầy niềm vui và luôn luôn xưng tụng thánh danh Thiên Chúa: “Tang tóc họ, Ta biến  thành hoan hỉ, và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng” (Gr 31,13).

Thánh Vịnh nói với chúng ta rằng, khi họ trở về cố quốc, miệng lưỡi họ đầy những tiếng cười; một niềm vui biết bao! Đó là quà tặng mà Đức Chúa cũng muốn ban cho mỗi người trong chúng ta, với sự tha thứ của Người có khả năng hoán cải và hòa giải.

Ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta lời loan báo, cho thấy sự trở về của những kẻ lưu đầy như một biểu tượng lớn của sự an ủi ban cho tấm lòng biết sám hối. Chúa Giêsu, về phần Người, đã mang tới cho sự hoàn tất thông điệp này của ngôn sứ. Sự trở về đích thực và dứt khoát từ vùng đất lưu đầy và ánh sáng an ủi sau màn đêm đen tối của khủng hoảng đức tin, được thực hiện trong dịp Lễ Phục Sinh, trong kinh nghiệm tràn đầy và vĩnh viễn của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu nhân từ ban xuống niềm vui, an bình và sự sống đời đời.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/a-paques-la-consolation-du-christ-traduction-complete/