Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:00

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô Về Những Vết Thương Trong Gia Đình Featured

Khi người lớn mất bình tĩnh, khi mỗi người chỉ nghĩ đến mình, khi bố mẹ làm sự dữ, linh hồn con cái bị ảnh hưởng rất nhiều, nó phải gánh chịu một cảm giác tuyệt vọng.  Và đó là những vết thương để lại một vết hằn suốt đời.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 24 tháng 06 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về những thương tích trong gia đình.

***

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những bài giáo lý vừa qua chúng ta đã bàn về việc gia đình sống những sự mong manh của thân phận con người, như nghèo đói, bệnh tật, chết chóc.  Hôm nay chúng ta suy nghĩ về những vết thương mở ra chỉ giữa sự chung sống trong gia đình.  Nghĩa là, khi, trong chính gia đình có những sự dữ.  Đó là điều tồi tệ nhất!

Chúng ta biết rằng trong lịch sử của mọi gia đình đều có những lúc mà sự thân tình giữa những người thân yêu bị xúc phạm bởi cách cư xử của những phần tử trong gia đình.  Những lời nói và việc làm (và những thiếu sót!), là những điều, thay vì diễn tả tình yêu, lại làm giảm bớt nó, hoặc tệ hơn nữa, bóp chết nó.  Khi những vết thương này, trong lúc còn có thể điều trị được, lại bị người ta bỏ quên, chúng trở nên tồi tệ hơn: chúng biến thành ngạo mạn, thù hằn, khinh khi.  Và sau đó chúng có thể trở thành những vết rách hằn sâu, là điều chia rẽ vợ chồng, khiến người ta đi đến chỗ tìm sự thông cảm, nâng đỡ và an ủi nơi những người khác.  Nhưng thường thì những “người nâng đỡ này” không nghĩ đến những điều tốt đẹp của gia đình!

Việc làm cạn tình nghĩa vợ chồng khiến sự bất mãn trong những liên hệ lan rộng.  Và thường thì sự đổ vỡ “trút lên đầu” con cái.

Kìa, về con cái.  Tôi muốn ngừng lại một chút ở điểm này.  Bất chấp sự nhạy cảm có vẻ tiến bộ và tất cả những phân tích tâm lý tế nhị của chúng ta, tôi tự hỏi, chẳng lẽ chúng ta cũng bị gây mê trước những vết thương của linh hồn của con cái.  Càng cố gắng bù đắp bằng những món quà và đồ ăn vặt, chúng ta càng mất cảm giác về những vết thương – đau đớn và sâu xa hơn của linh hồn.  Chúng ta nói rất nhiều vấn đề về những rối loạn trong cách cư xử, sức khỏe tâm thần, hạnh phúc của con cái, sự lo âu của các bậc cha mẹ và con cái…. Nhưng chúng ta có biết vết thương trong linh hồn là gì không?  Chúng ta có cảm thấy sức nặng của quả núi đang nghiền nát linh hồn của con cái, trong những gia đình có sự dữ và ở đó người ta làm sự dữ, cho đến khi phá đổ mối liên hệ chung thuỷ trong hôn nhân không?  Sức nặng nào của những lựa chọn của mình – những lựa chọn xấu chẳng hạn – đang đè trên linh hồn con cái?  Khi người lớn mất bình tĩnh, khi mỗi người chỉ nghĩ đến mình, khi bố mẹ làm sự dữ, linh hồn con cái bị ảnh hưởng rất nhiều, nó phải gánh chịu một cảm giác tuyệt vọng.  Và đó là những vết thương để lại một vết hằn suốt đời.

Trong gia đình, tất cả mọi sự được gắn liền với nhau: khi linh hồn của gia đình bị thương ở một điểm nào, thì sự nhiễm trùng sẽ lan đến tất cả mọi người.  Khi một người nam và một người nữ, là những người đã cam kết trở nên “một xương một thịt” và tạo thành một gia đình, chỉ miên man nghĩ đến nhu cầu của mình, đến sự tự do và sự thỏa mãn của mình, sự lệch lạc này ảnh hưởng sâu xa đến tâm hồn và cuộc sống của con cái.  Biết bao lần con cái phải lẩn tránh để khóc một mình…. Chúng ta phải hiểu rõ điều này.  Chồng và vợ là một xương một thịt.  Nhưng con cái của họ là thịt của thịt của họ.  Nếu chúng ta nghĩ về sự nghiêm khắc trong đó Chúa Giêsu cảnh báo người lớn là không được làm gương mù cho những người bé nhỏ – mà chúng ta đã nghe trong đoạn Tin Mừng – (x. Matthew 18:6), chúng ta tốt nhất là hiểu rõ hơn Lời Người nói về trách nhiệm nặng nề của việc duy trì mối liên hệ hôn nhân là điều mở đầu gia đình nhân loại (x Mt 19,6-9).  Một khi người nam và người nữ trở nên một thân xác, thì tất cả những vết thương và tất cả sự rời bỏ gia đình của người cha và người mẹ đều ảnh hưởng đến thân xác sống động của con cái.

Đàng khác, đúng là có những trường hợp trong đó việc chia lìa là điều không thể tránh được.  Đôi khi có thể trở nên cần thiết về mặt luân lý, khi có vấn đề phải đem người vợ yếu đuối, hoặc con cái còn nhỏ, ra khỏi nhà để tránh những chấn thương nghiêm trọng hơn gây ra bởi tính kiêu căng và bạo tàn, bởi việc hạ nhục và lạm dụng, bóc lột và thờ ơ.

Nhờ ơn Thiên Chúa, không thiếu những người, được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu dành cho con cái, làm chứng cho lòng trung thành của họ với một mối liên hệ mà trong đó họ đã tin, là hầu như không thể phục hồi được.  Tuy nhiên, không phải tất cả những cặp ly hôn đều cảm thấy ơn gọi này.  Không phải ai cũng nhận ra, trong cô đơn, một lời mời gọi của Chúa nhắm vào họ.  Chung quanh chúng ta có rất nhiều gia đình trong những tình cảnh được gọi là bất thường – tôi không thích từ này – và chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi.  Làm sao giúp đỡ họ?  Làm sao đồng hành với họ?  Làm sao đồng hành với họ để con cái họ không trở thành những con tin của người cha hoặc người mẹ?

Chúng ta hãy xin Chúa một đức tin vĩ đại, để nhìn vào thực tại bằng cặp mắt của Thiên Chúa; và một đức ái lớn lao, để xích lại gần những con người bằng quả tim đầy thương xót của Người.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150624_udienza-generale.html