Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:00

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô Về Cái Chết Trong Gia Đình Featured

Mỗi khi một gia đình gặp tang tóc – thậm chí tang tóc khủng khiếp – họ tìm thấy sức mạnh để bảo vệ đức tin và đức mến là những điều liên kết chúng ta với những người mà chúng ta yêu thương, nó ngăn chặn không cho sự chết lấy đi tất cả mọi sự.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về cái chết của những người thân yêu trong Gia Đình.

***

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong loạt bài giáo lý về gia đình, hôm nay chúng ta lấy cảm hứng trực tiếp từ quang cảnh được Thánh Sử Luca thuật lại mà chúng ta vừa nghe (x. Lc 7: 11-15).  Đó là một cảnh rất cảm động, cho thấy chúng ta lòng từ bi của Đức Kitô đối với những người đau khổ – ở trường hợp này là một góa phụ đã mất người con duy nhất của bà – và cũng cho chúng ta thấy quyền năng của Chúa Giêsu trên sự chết.

Chết là một kinh nghiệm chạm đến tất cả các gia đình, không trừ gia đình nào.  Nó là một phần của cuộc sống; nhưng với tình cảm gia đình, cái chết không bao giờ có vẻ là tự nhiên.  Đối với cha mẹ, thì việc sống lâu hơn con cái của mình là điều quá đau lòng; nó ngược lại với tính chất cơ bản của chính mối liên hệ đem lại ý nghĩa cho các gia đình.  Việc mất đi một người con trai hay con gái làm cho thời gian dường như hoàn toàn ngừng lại: nó mở ra một vực thẳm nuốt trửng cả quá khứ lẫn tương lai.  Cái chết, lấy đi một đứa con hay một người trẻ, là một đòn giáng mạnh vào những lời hứa, những món quà và những hy sinh của tình yêu hân hoan mang đến cho cuộc sống mà chúng ta đã sinh ra.  Thường những cha mẹ đến dự thánh lễ ở Santa Marta với hình của một người con trai, một người con gái, một em bé, một em trai, một em gái, và họ nói với tôi: “Nó mất rồi, nó đã mất rồi”.  Và khuôn mặt của họ chứa đầy đau buồn.  Cái chết chạm đến chúng ta, và khi là cái chết của một đứa con, thì nó chạm đến chúng một cách sâu xa.  Cả gia đình bị tê liệt, không nói nên lời.  Và một đứa trẻ còn lại một mình khi mất một hoặc cả hai cha mẹ cũng đau khổ một cách tương tự. Em hỏi: “Cha tôi đâu? Mẹ tôi đâu? – Phải rồi, ở trên trời" - "Tại sao tôi không thể nhìn thấy mẹ?” Câu hỏi này bao trùm nỗi thống khổ trong tâm hồn của một đứa trẻ còn sót lại một mình.  Sự trống rỗng về việc bị bỏ rơi mở ra trong em khiến em càng thêm đau đớn bởi sự thể là em chưa có kinh nghiệm sống để thậm chí “đặt tên” cho điều đã xảy ra. “Khi nào cha tôi trở lại?” - “Khi nào mẹ tôi đến?” Chúng ta biết nói gì khi một đứa trẻ bị khổ đau?  Cái chết trong gia đình là như thế.

Trong những trường hợp này, cái chết như một tổng thể màu đen mở ra trong cuộc sống của gia đình, và chúng ta không thể giải thích được nó. Đôi khi người ta thậm chí còn đi xa hơn nữa, đến nỗi đổ lỗi cho Thiên Chúa. Có bao nhiêu người – tôi hiểu họ – tức giận Thiên Chúa, nói phạm thượng rằng: “Tại sao Ngài lại lấy đi con trai của tôi, con gái của tôi?  Không có Thiên Chúa, Thiên Chúa không hiện hữu!  Tại sao Ngài lại làm điều ấy?”  Chúng ta đã quá thường xuyên nghe những lời ấy.  Nhưng về cơ bản thì sự giận dữ này là điều xuất phát từ con tim quá đau đớn; việc mất đi một người con trai hay con gái của một người cha hay một người mẹ, là một đau buồn lớn lao.  Điều này xảy ra hoài trong các gia đình.  Trong những trường hợp này, tôi đã nói, cái chết giống như một lỗ hổng.  Nhưng cái chết về thể lý có “những đồng lõa” thậm chí còn tồi tệ hơn chính nó, được gọi là thù hận, ghen tương, kiêu ngạo, tham lam; tóm lại, tội lỗi của một thế giới làm công cho thần chết và làm cho nó thậm chí còn đau đớn và bất công hơn nhiều.  Những mối liên hệ của gia đình dường như là những nạn nhân bị tiền định và bất lực của những quyền lực tiếp tay thần chết, đang đánh dấu lịch sử nhân loại.  Chúng ta hãy nghĩ đến sự “bình thường” vô lý mà với nó, ở những thời điểm và địa điểm nào đó, các biến cố thêm vào sự kinh hoàng của cái chết gây ra bởi sự thù hận và sự thờ ơ của những con người khác. Nguyện xin Chúa giữ chúng ta khỏi trở thành quen thuộc với việc này!

Trong dân Thiên Chúa, nhờ ân sủng mà lòng từ bi của Ngài ban cho nơi Chúa Giêsu, nhiều gia đình minh chứng bằng việc làm rằng chết không phải là hết: đây là một hành động đức tin thực sự.  Mỗi khi một gia đình gặp tang tóc – thậm chí tang tóc khủng khiếp – họ tìm thấy sức mạnh để bảo vệ đức tin và đức mến là những điều liên kết chúng ta với những người mà chúng ta yêu thương, nó ngăn chặn không cho tử thần lấy đi tất cả mọi sự. Chúng ta phải đối đầu với bóng tối tử thần bằng việc làm mãnh liệt hơn của đức ái. “Lạy Thiên Chúa của con, xin chiếu sáng vào sự tăm tối của con!” – là lời khẩn cầu của kinh chiều. Trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa, Đấng chẳng bỏ rơi một ai trong những kẻ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người, chúng ta có thể rút “nọc độc” ra khỏi tử thần, như Thánh Phaolô đã nói (1 Corinthians 15:55); chúng ta có thể ngăn chặn không cho nó đầu độc cuộc sống chúng ta, không cho nó làm cho tình yêu của chúng ta ra vô ích, không cho nó đẩy chúng ta vào vực thẳm đen tối nhất.

Trong đức tin này, chúng ta có thể an ủi nhau, vì biết rằng Chúa đã chiến thắng tử thần một lần là đủ.  Những người thân yêu của chúng ta không biến mất trong tăm tối của hư không: đức cậy đảm bảo với chúng ta rằng họ đang ở trong vòng tay nhân lành và uy dũng của Thiên Chúa.  Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Vì vậy, phương thế là để cho đức ái lớn lên, làm cho nó mạnh mẽ hơn, và đức ái sẽ bảo vệ chúng ta cho đến ngày mà mọi giọt nước mắt sẽ được lau khô, khi “cái chết sẽ không còn nữa, cũng chẳng còn than van hay khóc lóc hoặc đớn đau nữa” (Kh 21: 4).  Nếu chúng ta để cho đức tin này nâng đỡ mình, kinh nghiệm đau buồn có thể tạo ra một sự đoàn kết mạnh mẽ hơn về những mối liên hệ gia đình, một sự cởi mở mới trước sự đớn đau của các gia đình khác, một tình huynh đệ mới với các gia đình đang được sinh ra và tái sinh trong đức cậy.  Được sinh ra và tái sinh trong đức cậy, điều này ban cho chúng ta đức tin.  Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến đoạn văn cuối cùng của Tin Mừng mà anh chị em đã nghe hôm nay (Lc 7: 11-15). Sau khi Chúa Giêsu đã cho người thanh niên, người con trai duy nhất của một góa phụ, sống lại,  Tin Mừng nói: “Chúa Giêsu đã trao anh lại cho mẹ anh”. Và đây là hy vọng của chúng ta!  Tất cả những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, Chúa sẽ trao họ lại cho chúng ta và chúng ta sẽ ở cùng với họ. Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta thất vọng!  Chúng ta hãy nhớ rõ hành động này của Chúa Giêsu: “Và Chúa Giêsu đã trao anh lại cho mẹ anh”, đó là điều Chúa sẽ làm với tất cả những người thân yêu của chúng ta trong gia đình!

Đức tin này bảo vệ chúng ta khỏi quan niệm về sự chết của hư vô chủ nghĩa, cũng như khỏi những an ủi giả tạo của thế gian, ngõ hầu chân lý Kitô giáo “không bi nguy cơ trộn lẫn với những huyền thoại đủ loại”, chịu thua những “nghi thức mê tín dị đoan, dù cổ xưa hay tân thời” (Đức Benedict XVI, Kinh Truyền Tin, 2 tháng 11, 2008). Ngày nay các mục tử và tất cả các Kitô hữu phải diễn tả một cách cụ thể hơn ý nghĩa của đức tin liên quan đến các kinh nghiệm tang tóc của gia đình.  Chúng ta không được từ chối họ quyền khóc – chúng ta phải khóc trong tang tóc – “Chúa Giêsu đã khóc” và “thổn thức sâu xa” vì sự mất mát lớn lao của một gia đình mà Người đã yêu thương (x Ga 11: 33-37).  Chúng ta có thể rút ra từ lời chứng đơn giản và mạnh mẽ của nhiều gia đình, là những gia đình có thể nắm được, trong sự đi qua rất khó khăn của cái chết, sự đi qua an toàn của Chúa, chịu đóng đinh và phục sinh, với lời hứa không thể thu hồi được của Người về sự sống lại của người chết.  Việc làm của tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn việc làm của tử thần.  Chính tình yêu ấy, chính vì tình yêu ấy, mà chúng ta phải làm cho mình thành “những phụ tá” tận tuỵ, với đức tin của mình!  Và hãy nhớ việc làm của Chúa Giêsu: “Và Chúa Giêsu đã trao anh cho mẹ anh”, vậy, Người sẽ làm như thế với tất cả những người thân yêu của chúng ta và với chúng ta khi chúng ta gặp lại, khi cái chết cuối cùng sẽ bị chinh phục nơi chúng ta.  Nó bị chinh phục bởi Thánh Giá của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sẽ phục hồi tất cả lại cho gia đình..

 

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150617_udienza-generale.html