Joseph C. Pham
LTS: Lúc gần 2 giờ 30 chiều, ngày 31/10/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund để tham dự buổi tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách. Lund chỉ có 82 ngàn dân cư, được chọn làm nơi cử hành buổi lễ tưởng niệm, vì đây là nơi các Giáo Hội Tin Lành Luther trên thế giới đã nhóm họp năm 1947 để thành lập Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới, năm tới là kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngày 31-10 được chọn để nhắc lại ngày cải cách: 31-10 năm 1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề của ông tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Đức. Đức Thánh Cha đã được bà Tổng Giám Mục Antje Jackelén, giáo chủ Tin Lành Luther Thụy Điển và Đức Giám Mục Công Giáo Anders Arborelius của giáo phận Stockholm chào đón tại cửa thánh đường và cùng đi rước tiến lên bàn thờ chính. Cùng thuộc đoàn rước này có các đại diện của Liên hiệp Luther thế giới. Trong số 600 khách mời hiện diện tại buổi cầu nguyện có hoàng gia Thụy Điển và chính quyền nước này. Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công Giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu hai Giáo Hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.
***
***
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15:4)
Những lời này, Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly, giúp cho chúng ta đi thẳng vào trong trái tim của Đức Kitô chỉ trước khi diễn ra sự hy sinh cuối cùng của Ngài trên thập giá. Chúng ta có thể cảm nhận được trái tim Ngài rung nhịp bằng tình yêu dành cho chúng ta và lòng khao khát sự hiệp nhất cho tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài nói cho chúng ta biết rằng Ngài là cây nho thật và chúng ta là cành, rằng như Ngài nên một với Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng phải nên một với Ngài nếu chúng ta muốn sinh hoa trái.
Ở đây tại Lund, trong giờ cầu nguyện này, chúng ta mong muốn thể hiện lòng khao khát chung để được nên một với Đức Kitô, để chúng ta có thể có sự sống. Chúng ta xin Ngài: “Lạy Chúa xin giúp chúng con ngay qua ân sủng mà biết hiệp nhất gần gũi hơn nữa với Ngài và do đó, cùng nhau, chúng con sẽ trở thành một chứng nhân hiệu quả hơn về niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu”. Đây cũng là một thời khắc để tạ ơn Thiên Chúa vì những nỗ lực của nhiều anh chị em của chúng ta từ nhiều cộng đồng Giáo Hội khác nhau là những người đã từ chối giao nộp cho sự chia rẽ, nhưng thay vào đó giữ cho niềm hy vọng về sự hòa giải giữa tất cả mọi người tin vào Chúa được sống động.
Là người Công Giáo và Tin Lành Luther, chúng ta đã thực hiện một hành trình hòa giải chung. Giờ đây, trong bối cảnh của việc kỷ niệm công cuộc Cải Cách vào năm 1517, chúng ta có thêm một cơ hội mới để chấp nhận con đường chung, một con đường đã hình thành trong vòng 50 năm qua trong công cuộc đối thoại đại kết giữa Liên Đoàn Luther Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta cũng không thể phó mặc cho sự chia rẽ và khoảng cách mà sự chia cách của chúng ta đã tạo nên ở nơi chúng ta. Chúng ta có cơ hội để sửa chữa một thời khắc quan trọng của lịch sử chúng ta bằng việc vượt ra khỏi những tranh cãi và những bất đồng vốn thường ngăn chặn chúng ta khỏi việc hiểu lẫn nhau.
Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng Chúa Cha là “người trồng nho” (x. câu 1) người trồng và tỉa cây nho để làm cho nó sinh nhiều hoa trái hơn (x. câu 2). Chúa Cha luôn quan tâm đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu, để xem liệu là chúng ta có thực sự nên một với Ngài (x. câu 4). Ngài canh phòng chúng ta, và cái nhìn tình yêu của Ngài khích lệ chúng ta thanh tẩy quá khứ và hợp tác trong hiện tại để mang lại một tương lai hiệp nhất mà Ngài quá mong muốn.
Chúng ta cũng phải làm việc bằng tình yêu và lòng trung thực của chúng ta về quá khứ của chúng ta, nhận biết sai lỗi và tìm kiếm sự tha thứ, vì chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi mới là thẩm phán của chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra bằng cùng một lòng chân thành và tình yêu sự chia rẽ của chúng ta đã xa cách chúng ta từ trực cảm nguyên thuỷ của dân Chúa, những con người một cách tự nhiên khao khát được nên một, và rằng nó đã bị làm cho kéo dài trong lịch sử bởi thế lực của thế gian này hơn là bởi người tín hữu, vốn hằng luôn và khắp nơi cần được hướng dẫn một cách chắc chắn và yêu thương bởi Vị Mục Tử Nhân Lành của mình. Chắc chắn, có một ý muốn chân thành từ cả hai phía để tuyên tín và giữ vững đức tin chân thật, nhưng đồng thời chúng ta nhận ra rằng chúng ta khép lại ở nơi bản thân chúng ta vì sợ hoặc bị lấn loát khi nói đến niềm tin mà người khác tuyên xưng bằng một cung giọng và ngôn ngữ khác. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Chúng ta phải đừng để cho bản thân chúng ta bị dẫn dắt bởi ý định của việc đặt bản thân chúng ta như những vị thẩm phán của lịch sử mà chỉ bởi động lực duy nhất là hiểu rõ hơn điều đã xảy ra và trở thành những sứ giả của chân lý”.[1] Thiên Chúa là người trồng nho, Đấng bằng tình yêu vô biên đã vun xới và bảo vệ cây nho; chúng ta hãy tiến bước bằng cái nhìn đầy quan phòng của Ngài. Một điều mà Ngài mong muốn là để chúng ta ở lại giống như những ngành nho sống động ở nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu. Với cái nhìn mới này vào quá khứ, chúng ta đừng tuyên bố để nhận ra sự chỉnh sửa không thể áp dụng được về điều đã diễn ra, mà “để nói rằng lịch sử đã khác”.[2]
Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Không có Thầy anh em chẳng thể làm gì được” (câu 5). Ngài là Đấng nuôi dưỡng chúng ta và khích lệ chúng ta để tìm cách để làm sự hiệp nhất của chúng ta trở nên tỏ tường hơn bao giờ hết. Chắc chắn, sự chia cách của chúng ta đã là một nguồn lớn lao của khổ đau và hiểu lầm, nhưng nó cũng dẫn chúng ta đến việc nhận ra một cách chân thành rằng không có Ngài chúng ta chẳng thể làm gì được; bằng cách này sự chia cách cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn một số khía cạnh của niềm tin. Với lòng biết ơn chúng ta nhận biết rằng Phong Trào Cải Cách đã giúp mang lại tính trọng tâm lớn lao cho Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội. Qua việc cùng nghe lời Chúa trong Kinh Thánh, những bước quan trọng đã được thực hiện trong công cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Đoàn Luther Thế Giới, mà chúng ta hiện đang vui mừng kỷ niệm 50 năm. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa để lời Ngài có thể giúp cho chúng ta hiệp nhất, vì đó là một nguồn nguôi dưỡng và sự sống; không có động lực từ lời thì chúng ta chẳng thể làm được việc gì.
Kinh nghiệm thiêng liêng của Martin Luther đang thách đố chúng ta hãy nhớ rằng tách ra khỏi Thiên Chúa chúng ta chẳng thể làm gì được. “Làm thế nào để tôi đạt tới một Thiên Chúa dễ gần?”. Đây là câu hỏi làm thao thức Luther. Trong thực tế, vấn đề về một mối quan hệ ngay chính với Thiên Chúa là một câu hỏi mang tính quyết định cho cuộc đời chúng ta. Như chúng ta biết, Luther đã gặp gỡ Thiên Chúa dễ gần ấy ở trong Tin Mừng của Chúa Giêsu, đã nhập thể, đã chết và sống lại. Với khái niệm “chỉ bởi ân sủng mà thôi”, Ngài nhắc nhớ chúng ta rằng: Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước, trước bất cứ một sự đáp trả nào của con người, thậm chí Ngài còn tìm cách làm thức tỉnh sự đáp trả ấy. Giáo lý về sự công chính do đó diễn tả yếu tính của sự hiện hữu của con người trước mặt Thiên Chúa.
Chúa Giêsu chuyển cầu cho chúng ta trong tư cách là trung gian trước Chúa Cha; Ngài xin Chúa Cha để cho các môn đệ của Ngài được nên một, “để thế gian tin” (Ga 17:21). Đây là điều an ủi chúng ta và khích lệ chúng ta để nên một với Chúa Giêsu, và do đó cầu nguyện: “Xin ban cho chúng con ơn hiệp nhất, để thế giới có thể tin vào sức mạnh của lòng thương xót Ngài”. Đây là chứng tá mà thế giới mong đợi từ chúng ta. Chúng ta là Kitô Hữu sẽ là những chứng nhân đáng tin cậy cho lòng thương xót đến mức mà sự tha thứ, canh tân và hòa giải được kinh nghiệm mỗi ngày trong chúng ta. Cùng nhau chúng ta có thể loan báo và làm tỏ lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, một cách cụ thể và vui tươi, bằng việc tôn trọng và cổ võ phẩm giá của mỗi người. Không có công việc phục vụ này cho thế giới và trong thế giới, niềm tin Kitô Hữu chưa hoàn hảo.
Là người thuộc Giáo Hội Luther và Công Giáo, chúng ta đang cầu nguyện cùng nhau trong Nhà Thờ Chính Toà này, ý thức rằng không có Thiên Chúa chúng ta chẳng thể làm được gì. Chúng ta xin sự trợ giúp này, để chúng ta có thể là những chi thể sống động, ở lại trong Ngài, hằng cần đến ân sủng của Ngài, để cùng nhau chúng ta có thể mang lời của Ngài đến cho thế giới, một thế giới vốn đang quá cần đến tình yêu và lòng thương xót dịu dàng của Ngài.
(Chuyển ngữ từ Vatican Radio)
[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức Hồng Y Johannes Willebrands, Chủ Tịch Uỷ Ban Hiện Nhất Kitô Giáo, ngày 31-10-1983.
[2] Uỷ Ban Giáo Hội Luther-Công Giáo Về Hiệp Nhất, Văn kiện “Từ Mâu Thuẫn Đến Hiệp Thông”, ngày 17-06-2013, số 16.