Sunday, 05 April 2020 08:13

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Thánh Lễ Tuyên 7 Vị Hiển Thánh Featured

LTS: Vào lúc 10g00, sáng Chúa Nhật 16 tháng11 năm 2016, Đức Thánh Cha tuyên hiển thánh cho 7 chân phước. Đó là sư huynh Salomone Leclerq dòng La San, tử đạo năm 1792 dưới thời cách mạng Pháp; thiếu niến Jose Sanchez del Rio 14 tuổi người Mexico, bị xử bắn vì không chối bỏ đức tin Công Giáo; ĐC Emanuel Gonzales Garda, người Tây Ban Nha; cha sở José Gabriel Brochero người Argentina; Cha Alfonso Maria Fusco người Italia sáng lập Dòng các Nữ tu thánh Gioan Tẩy Giả; cha Lodovico Pavoni, người Italia, sáng lập Hội Thánh Barnaba chuyên giúp giới trẻ nghèo, và nữ tu Elizabeth Chúa Ba Ngôi Dòng Cát Minh nhặt phép người Pháp. Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có 50 Hồng Y, 150 Tổng Giám Mục, Giám Mục và 1.000 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, phái đoàn các nước có tân hiển thánh và hơn 120.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh. Các bài sách Thánh được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và Pháp. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và Hy Lạp. Các lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Ý, Guarani và Hà Lan.

***

***

 

Anh chị em thân mến!

Khởi đầu Thánh Lễ hôm nay, chúng ta đã cầu xin cùng Thiên Chúa: “Xin ban cho chúng con một con tim sẵn sàng và trung tín, biết phục vụ Chúa cách chân thành” (Lời Nguyện Nhập Lễ).

Nếu chỉ có một mình, chúng ta sẽ không có khả năng hình thành nên một con tim như thế, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện điều ấy. Vì thế, trong khi cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta ơn đó; chúng ta hãy khẩn xin Ngài ban cho chúng ta ơn đó như là ân huệ, và như là “sự sáng tạo” của Ngài. Bằng cách đó chúng ta sẽ được dẫn vào trong đề tài cầu nguyện mà nó đứng trong trung tâm điểm của các Bài Đọc Kinh Thánh Chúa Nhật hôm nay. Đó cũng là một lời đề nghị dành cho chúng ta, những người đang quy tụ tại đây để tham dự Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho một số vị Thánh. Các Ngài đã đạt tới được đích điểm, nhờ cầu nguyện, các Ngài đã có một con tim sẵn sàng và trung tín: Các Ngài đã cầu nguyện, đã chiến đấu và đã chiến thắng với tất cả sức lực.

Vậy cầu nguyện: như Moses, trước tiên, ông là một người của Thiên Chúa, một người của cầu nguyện. Hôm nay, trong trình thuật nói về trận chiến chống lại quân A-ma-lếch, chúng ta thấy ông đứng trên ngọn núi với đôi tay giơ cao; sau một hồi dài, ông đã để cho đôi tay của mình rũ xuống, vì nó trở nên quá nặng đối với ông, và sau đó dân Chúa đã bị rớt lại phía sau. Aaron và Hur đã phải đặt Moses ngồi trên một tảng đá, và mỗi người đứng một bên cầm cánh tay của Moses giơ lên cho tới khi đạt tới được chiến thắng chung cuộc.

Đó là phong cách của đời sống tinh thần mà Giáo Hội đòi hỏi từ nơi chúng ta: không phải để chiến thắng trong chiến tranh, nhưng để đạt được hòa bình!

Trong trình thuật về Moses có một sứ điệp quan trọng: Sứ mạng cầu nguyện đòi hỏi người ta phải hỗ trợ lẫn nhau. Sự mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi, và đôi khi chúng ta không thể tiếp tục cầu nguyện được nữa, nhưng với sự hỗ trợ của những người anh chị em, chúng ta lại có thể tiếp tục cầu nguyện cho tới khi Thiên Chúa hoàn tất công việc của Ngài.

Thánh Phaolô đã viết cho người môn sinh và cũng là cộng tác viên của Ngài là Thánh Timothe, và khuyên người môn sinh này hãy kiên định với những gì mà ông đã học và đã xác tín (xc. 2Tm 3,14). Nhưng Timothe cũng đã không thể thực hiện điều đó một mình: người ta không thể thành công trong “cuộc chiến” kiên định nếu không có cầu nguyện. Nhưng đó không phải là sự cầu nguyện theo dịp hay do dự, nhưng sự cầu nguyện ấy phải được thực hiện giống như Chúa Giêsu đã dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Đó là phong cách hành động của Kitô giáo: kiên trì trong cầu nguyện để kiên định với Đức Tin và với việc làm chứng. Và vì thế, một giọng nói sẽ cất lên trong chúng ta: “Nhưng Chúa ơi, làm sao lại không nản chí cơ chứ. Chúng con là những con người mà… Ngay cả Moses cũng mệt mỏi cơ mà!...”. Đúng là như vậy, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều mệt mỏi. Nhưng chúng ta không cô đơn, chúng ta là chi thể của một thân thể. Chúng ta là những chi thể của thân mình Chúa Kitô, của Giáo Hội, mà đôi tay của Giáo Hội ấy giơ lên cả ngày lẫn đêm nhờ vào sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh và của Thánh Thần Ngài. Và chỉ trong Giáo Hội cũng như chỉ nhờ vào lời cầu nguyện của Giáo Hội, chúng ta mới có thể kiên vững trong Đức Tin và trong việc làm chứng.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta đã nghe được lời hứa của Chúa Giêsu: Thiên Chúa sẽ bênh vực những kẻ mà Ngài tuyển chọn, hằng kêu cầu Ngài cả ngày lẫn đêm (xc. Lc 18,7). Đó là mầu nhiệm cầu nguyện: kêu cầu cùng Thiên Chúa, không nản chí, và khi bạn nản chí thì bạn hãy cầu xin ơn trợ giúp để tiếp tục giơ hai tay lên cao. Đó là việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta và đã ban cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện không có nghĩa là trốn vào trong một thế giới ý tưởng, thu mình vào trong một sự bình an sai lạc và ích kỷ. Trái lại, cầu nguyện có nghĩa là chiến đấu và để cho Chúa Thánh Thần cùng cầu nguyện trong chúng ta. Thực ra thì chính Chúa Thánh Thần sẽ là Đấng dạy cho chúng ta biết cầu nguyện, Ngài hướng dẫn chúng ta trong cầu nguyện, Ngài làm cho chúng ta cầu nguyện với tư cách là những người con trai và con gái của Thiên Chúa.

Các Thánh là những người nam và những người nữ hoàn toàn bước vào trong mầu nhiệm cầu nguyện; là những người nam và những người nữ chiến đấu với cầu nguyện, bằng cách là các Ngài để cho Chúa Thánh Thần cầu nguyện và chiến đấu trong các Ngài; các Ngài chiến đấu với tất cả sức lực của mình cho tới cùng, và cho tới khi chiến thắng, nhưng không phải một mình: Thiên Chúa chiến thắng trong và với các Ngài. Ngay cả bảy Chứng Nhân mà các Ngài được tôn phong Hiển Thánh hôm nay, cũng đã chiến đấu với sự cầu nguyện trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của Đức Tin và Đức Ái. Vì thế các Ngài đã luôn kiên vững trong Đức Tin với một con tim sẵn sàng và tín trung. Nhờ vào gương sáng và lời bầu cử của các Ngài, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta được trở nên những người nam và những người nữ của cầu nguyện: luôn kêu cầu cùng Ngài cả ngày lẫn đêm mà không hề nản chí, nhưng để cho Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta, và để cho mình được hỗ trợ trong cầu nguyện, để cánh tay luôn giơ lên cao cho tới khi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chiến thắng.

 

Quảng trường Thánh Phêrô, sáng Chúa Nhật ngày 16 tháng 10 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

Lm. Đaminh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ