Sunday, 05 April 2020 08:13

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Thánh Lễ Tại Tbilisi, Georgia Featured

LTS: Lúc 9g30 sáng thứ Bảy, ngày 01-10-2016, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại sân vận động Meskhi, thành phố Tbilisi, Georgia. Sân vận động này có 27.000 chỗ ngồi, và là sân vận động lớn thứ hai trong nước, sau sân vận động Boris Paichadze. Cùng tham dự trong thánh lễ với Đức Thánh Cha, có đại diện các Giáo Hội Kitô gồm: Latin, Armeni Công Giáo, Assiro-Candle, Tin Lành Baptist và Luther, cùng các quan chức chính phủ.

***

***

 

Anh chị em thân mến,

Trong số nhiều kho tàng của đất nước được chúc phúc này, có một kho tàng nổi bật là tầm quan trọng của phụ nữ. Như Thánh Therese Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay, đã viết: “Những người phụ nữ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn rất nhiều so với đàn ông”.[1] Ở đây tại Georgia này có rất nhiều các bà và các mẹ là những người không mỏi mệt để bảo vệ và thông truyền đức tin vốn được gieo vào trong mảnh đất này của Thánh Nino; và họ mang lại nguồn nước trong sạch của sự an ủi của Thiên Chúa cho biết bao nhiêu hoàn cảnh bi đát và mâu thuẫn.

Điều này giúp cho chúng ta trân quý vẻ đẹp của thông điệp của Thiên Chúa trong bài đọc thứ nhất: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66:13). Như người mẹ mang lấy ở nơi bản thân bà những gánh nặng và nhọc nhằn của con cái mình, thì Thiên Chúa cũng vậy sẽ mang lấy ở nơi Ngài tội lỗi và những vấn đề của chúng ta. Ngài là Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta vô biên, quan tâm đến những lời cầu nguyện của chúng ta và lau sạch những giọt nước mắt của chúng ta. Khi Ngài nhìn đến chúng ta, Ngài luôn cảm động và trở nên dịu dàng, bằng một tình yêu từ thẳm sâu của hữu thể Ngài, vượt ra khỏi bất cứ một sự dữ nào mà chúng ta có thể, chúng ta vẫn luôn là con cái của Ngài; Ngài muốn ôm chúng ta vào trong vòng tay của Ngài, bảo vệ chúng ta, và giải thoát chúng ta ra khỏi sự hiểm nguy và sự dữ. Chúng ta hãy để cho những lời này của Chúa vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”.

Sự an ủi mà chúng ta cần, ngay giữa mớ bòng bong mà chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống, rõ ràng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong chúng ta là nguồn của sự an ủi đích thực, điều đang ở nơi chúng ta, sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi sự dữ, mang lại sự bình an và gia tăng niềm vui của chúng ta. Vì lý do này, nếu chúng ta muốn kinh nghiệm sự an ủi của Ngài, thì chúng ta phải dành chỗ cho Thiên Chúa ở trong đời sống của chúng ta. Và để cho Thiên Chúa cư ngụ liên lỉ ở trong chúng ta, chúng ta phải mở ra các cánh cửa tâm hồn mình cho Ngài và đừng để Ngài ở ngoài. Có những cánh cửa của sự an ủi mà phải luôn được mở ra, vì Chúa Giêsu đặc biệt yêu thích đi vào ngang qua đó: Tin Mừng mà chúng ta đọc hằng ngày và mang theo cùng với chúng ta, sự cầu nguyện thinh lặng trong thờ phượng, xưng tội, Thánh Thể. Chính qua những cánh cửa này mà CHúa đi vào và mang lại một hương vị mới cho thực tại. Tuy nhiên, khi cánh cửa của tâm hồn chúng ta khép lại, thì ánh sáng của Ngài không thể đi vào và mọi thứ vẫn còn tăm tối. Rồi chúng ta dần quen với tình trạng tiêu cực, với những điều không đúng, với những thực tại không bao giờ thay đổi. Chúng ta mang lấy kết cục là tự nhận chìm mình vào trong sự buồn sầu, ở trong thẳm sâu của khổ đau, cô lập. Mặt khác, nếu chúng ta mở rộng các cánh cửa của sự an ủi, thì ánh sáng của Thiên Chúa đi vào!

Nhưng Thiên Chúa không an ủi chúng ta chỉ ở nơi tâm hồn; qua tiên tri Isaia Ngài thêm: “Tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (66:13). Tại Giêrusalem, có nghĩa là, ở thành đô của Thiên Chúa, ở trong cộng đoàn: đó là khi chúng ta hiệp nhất, trong sự hiệp thông, mà sự an ủi của Thiên Chúa hoạt động ở nơi chúng ta. Trong Giáo Hội chúng ta tìm thấy sự an ủi, Giáo Hội là ngôi nhà của sự an ủi: ở đây Thiên Chúa muốn an ủi chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi chính mình: Tôi là ai trong Giáo Hội, tôi có mang lại sự an ủi của Thiên Chúa không? Tôi có biết cách đón tiếp người khác như là khách và an ủi những người mà tôi thấy mỏi mệt và đang bị chán nản không? Ngay cả khi chịu đựng sự áp bức và khước từ, thì một Kitô Hữu luôn luôn được mời gọi để mang lại niềm hy vọng cho tâm hồn của những người đã đầu hàng, khích lệ người ngã gục, mang lại ánh sáng của Chúa Giêsu, sự ấm áp của sự hiện diện của Ngài và sự tha thứ của Ngài vốn khôi phục chúng ta. Biết bao nhiêu người đang chịu thử thách và bất công, và sống trong sự lo âu. Tâm hồn chúng ta cần được sức dầu bằng sự an ủi của Thiên Chúa, điều vốn không cất đi những vấn đề của chúng ta, nhưng mang lại cho chúng ta sức mạnh để yêu thương, để mang lấy nỗi đau cách bình an. Lãnh nhận và mang lại sự an ủi của Thiên Chúa: sứ mạng này của Giáo Hội là khẩn thiết. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhận lấy lời mời gọi này: để không chôn vùi chính bản thân chúng ta vào điều đang diễn ra sai lầm quanh chúng ta và bị buồn phiền bởi sự thiếu hòa hợp giữa chúng ta. Thật không tốt lành gì cho chúng ta để trở nên quen với một “môi trường giáo hội vi mô khép kín”; thật là tốt lành cho chúng ta khi biết chia sẻ những chân trời rộng mở ra cho niềm hy vọng, có lòng can đảm để khiêm tốn mở ra các cánh cửa và vượt ra khỏi chính bản thân chúng ta.

Tuy nhiên, có một điều kiện quan trọng để nhận lãnh sự an ủi của Thiên Chúa, và lời Ngài hôm nay nhắc nhớ chúng ta về điều này: trở nên nhỏ bé như trẻ thơ (x. Mt 18:3-4), để “trở nên giống như một đứa trẻ im lặng trước bầu sữa mẹ” (Tv 130:2). Để lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa chúng ta cần sự nhỏ bé này của tâm hồn: chỉ những người bé nhỏ mới có thể được bồng ẳm trong vòng tay của mẹ chúng.

Bất cứ ai trở nên như một trẻ nhỏ, Chúa Giêsu nói với chúng ta, “là kẻ lớn nhất trong nước trời” (Mt 18:4). Sự cao cả thật sự của con người hệ tại ở nơi việc làm cho chính bản thân mình nhỏ bé trước Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không được biết đến ngang qua những ý tưởng lớn lao hay việc nghiên cứu chuyên sâu, mà hơn thế ngang qua sự nhỏ bé của một tâm hồn khiêm nhường và tín thác. Để trở nên cao cả trước Đấng Tối Cao thì không đòi hỏi việc tích lũy danh dự hay uy tín hay những của cải và sự thành công trần thế, mà thay vào đó là một sự tự huỷ mình ra không hoàn toàn. Một đứa trẻ thì chẳng có gì để cho đi nhưng có mọi thứ để nhận. Một đứa trẻ thì dễ tổn thương, và tuỳ thuộc vào cha mẹ nó. Một người trở nên như trẻ nhỏ thì nghèo nàn ở bản thân nhưng giàu có nơi Thiên Chúa.

Trẻ con, vốn không có vấn đề trong việc hiểu về Thiên Chúa, có quá nhiều điều để dạy cho chúng ta: chúng sẽ dạy cho chúng ta rằng Ngài đạt được những điều cao cả ở nơi những người không kháng cự lại Ngài, những người đơn sơ và chân thành, không có sự hai lòng. Tin Mừng cho chúng ta thấy những kỳ công lớn lao đạt được thế nào bằng những điều nhỏ bé: một vài ổ bánh mì và hai con cá (x. Mt 14:15-20), một hạt cải bé xíu (x. Mc 4:30-32), với một hạt lúa mì chết đi trong lòng đất (x. Ga 12:24), với một món quà chỉ là một cốc nước lã (x. Mt 10:42), với hai đồng xu của người đàn bà goá (x. Lc 21:1-4), với sự khiêm nhường của Mẹ Maria, tôi tớ của Thiên Chúa (x. Lc 1:46-55).

Đây là sự cao cả gây kinh ngạc của Thiên Chúa, của một Thiên Chúa đầy những kinh ngạc và là Đấng yêu thích sự kinh ngạc: chúng ta hãy luôn thực tỉnh lòng khao khát và sự tin tưởng vào những kinh ngạc của Thiên Chúa! Điều đó sẽ giúp chúng ta nhớ rằng chúng ta luôn luôn và thiết yếu là con cái của Ngài: chứ không phải là những ông chủ của đời sống của chúng ta, mà là con cái của một Cha; không phải là những người lớn tự chủ và tự mãn, mà là những đứa trẻ luôn cần được nâng lên và ôm ấp, vốn cần tình yêu và sự tha thứ. Phúc cho các cộng đoàn Kitô Hữu đang sống sự đơn giản đúng đắn này của Tin Mừng! Nghèo trong phương tiện, nhưng họ lại giàu có ở nơi Thiên Chúa. Phúc cho những Mục Tử không đi theo luận lý của sự thành công thế tục, mà theo luật yêu thương: đón tiếp, lắng nghe, phục vụ.

Phúc cho Giáo Hội không giao nộp chính mình cho tiêu chí của chủ nghĩa chức năng và hiệu quả tổ chức, cũng như lo lắng về hình ảnh của mình. Đoàn chiên bé nhỏ và đáng yêu của Georgia, những người đang quá dấn thân cho những công việc bác ái và giáo dục, lãnh nhận sự khích lệ của Vị Mục Tử Nhân Lành, các bạn là những người được uỷ thác cho Ngài là Đấng sẽ vác các bạn trên vai và an ủi các bạn.

Tôi muốn tóm lược lại những tư tưởng này bằng những lời của Thánh Therese Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay. Ngài chỉ ra “con đường nhỏ bé” của Ngài để đến với Thiên Chúa, “sự tín thác của một đứa trẻ ngủ mà không sợ hãi gì trong vòng tay của Cha”, vì “Chúa Giêsu không đòi hỏi những hành động lớn lao từ chúng ta, mà chỉ đơn giản phó thác và biết ơn”.[2] Tuy nhiên, thật không may, như Ngài sau đó đã viết, và điều ấy vẫn còn đúng cho đến hôm nay, Thiên Chúa tìm kiếm “một vài tâm hòn biết phó thác vào Ngài mà không giữ lại điều gì, những người hiểu được sự dịu dàng của Tình Yêu vô biên của Ngài”.[3] Vị thánh trẻ và là Tiến Sĩ Hội Thánh, là một chuyên gia về “khoa học của tình yêu”,[4] và dạy chúng ta rằng: “Lòng bác ái hoàn hảo hệ tại ở việc mang lấy những sai lỗi của người khác, ở việc không bị kinh ngạc bởi sự yếu đuối của họ, ở việc vui trước những việc làm nhân đức nhỏ bé mà chúng ta thấy họ thực hiện”; thánh nữ cũng nhắc rằng: “Bác ái không thể bị che giấu ở trong thẳm sâu tâm hồn”.[5] Tất cả chúng ta hãy cùng nhau hôm nay khẩn xin ân sủng của một tâm hồn đơn sơ, một tâm hồn tin và sống trong sức mạnh dịu dàng của tình yêu; chúng ta hãy xin để sống trong sự bình an và sự tin tưởng hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

 

 


[1] St. Thérèse of lisieux, Tự Thuật, Bản Chép Tay A, VI.

[2] St. Thérèse of lisieux, Tự Thuật, Bản Chép Tay B.

[3] Ibidem.

[4] Ibidem.

[5] St. Thérèse of lisieux, Tự Thuật, Bản Chép Tay C.