LTS: Sáng Chúa Nhật ngày 04-09-2016, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng cử hành đại lễ Tuyên Chân phước Teresa Calcutta lên hàng hiển thánh. Trước hàng trăm ngàn người tham dự đại lễ, qua bài giảng, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến những “vùng ngoại vi” được thăm viếng và nâng đỡ bởi Mẹ Teresa, như một sự viếng thăm của Thiên Chúa; và “Lòng Thương Xót đối với Mẹ là “muối” mang đến mùi vị cho mỗi công trình của Mẹ, và “ánh sáng” chiếu rọi những tối tăm của những ai không còn cả nước mắt để khóc cho sự khó nghèo và đau khổ của mình”.
***
***
Tình yêu nhưng không và tự do của vị thánh Teresa thành Calcutta
“Nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?” (Kn 9,13).
Câu hỏi này trong sách Khôn Ngoan, chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, cho chúng ta thấy cuộc đời chúng ta như một mầu nhiệm, mà chìa khóa diễn giải không thuộc về chúng ta. Luôn có hai tác nhân chính trong lịch sử: một đàng là Thiên Chúa, một đàng là chúng ta. Chúng ta có bổn phận nhận ra lời gọi của Thiên Chúa và, rồi sau đó, đón nhận thánh ý Người. Nhưng để đón nhận thánh ý Người mà không do dự, chúng ta có tự hỏi: thánh ý của Thiên Chúa là thế nào? Trong cùng một đoạn của Sách Khôn Ngoan, chúng ta thấy được câu trả lời: “Chính vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Người” (câu 18). Để chứng thực lời gọi của Thiên Chúa, chúng ta phải tự hỏi và hiểu được cái gì làm đẹp lòng Người. Quá nhiều khi, các ngôn sứ loan báo điều làm đẹp lòng Chúa. Thông điệp của các ngài tìm thấy một sự tổng hợp đáng ca ngợi trong câu: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” (Hs 6,6; Mt 9,13). Mọi công trình thương xót đều làm đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì trong người anh em mà chúng ta giúp đỡ, chúng ta nhận ra chân dung của Thiên Chúa mà không ai có thể thấy được (x. Ga 1,18).
Mỗi lần chúng ta cúi xuống những nhu cầu của anh em chúng ta, chúng ta cho Chúa Giêsu ăn uống; chúng ta hiến áo quần, chúng ta an ủi và chúng ta thăm viếng Con Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Như thế, chúng ta được kêu gọi diễn dịch trong sự kín đáo điều mà chúng ta cầu khẩn trong kinh nguyện và tuyên xưng đức tin. Không có gì thay thế dược đức ái: những người dấn thân phục vụ anh em mình, dù là không biết, cũng là những người yêu mến Thiên Chúa (x. 1Ga 3,16-18; Gc 2,14-18).
Tuy nhiên, đời sống Kitô giáo, không phải chỉ là một sự giúp đỡ được cung cấp trong lúc thiếu thốn. Nếu chỉ có thế, thật là một ý niệm liên đới nhân bản tốt đẹp gây ra một lợi ích tức thời, nhưng nó sẽ cằn cỗi, bởi vì không có gốc rễ. Sự dấn thân mà Chúa yêu cầu, trái lại, là sự dấn thân của một ơn gọi bác ái qua đó mọi môn đệ của Đức Kitô đặt cả cuộc đời mình để phục vụ, để mỗi ngày lớn lên trong tình yêu. Chúng ta đã nghe trong bài Phúc Âm kể rằng: “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 14,25). Hôm nay, những “đám đông” đó được tượng trưng bởi thế giới rộng lớn những người tình nguyện, đang quy tụ ở đây nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em là đám đông đó đi theo Thầy và làm hiển thị tình yêu cụ thể của Thầy đối với mỗi người. Tôi xin lập lại với anh chị em những lời của thánh Phaolô Tông Đồ: “Tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì… anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi” (Plm 7).
Những người tình nguyện đã an ủi được biết bao tâm hồn! Họ đã nâng đỡ được bao bàn tay! Họ đã lau khô biết bao dòng lệ! Biết bao tình yêu kín đáo, khiêm nhường và vô vị lợi đã được mang ra phục vụ! Công tác phục vụ đáng ca ngợi này thể hiện đức tin và biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha đang tới gần gũi với những người đang trong cơn thiếu thốn. Đi theo Đức Giêsu là một sự dấn thân nghiêm túc, đồng thời cũng là vui tươi; điều này đòi hỏi tính triệt để và lòng can đảm để nhận ra Thầy Chí Thánh trong kẻ nghèo hèn nhất, bị đời ruồng rẫy nhất để phục vụ người đó.
Bởi vậy, những người tình nguyện, vì yêu Chúa Giêsu, đã phục vụ những người hạng chót và những người trần trụi, không chờ đợi bất cứ một sự cảm ơn hay đền đáp nào, mà đã từ chối tất cả những thứ đó, vì họ đã khám phá ra tình yêu chân chính. Và mỗi người trong chúng ta có thể nói: cũng như Chúa đã đến với tôi và cúi xuống với tôi trong lúc túng quẫn, cũng như thế, tôi cũng phải tới với Người và cúi xuống với những người đã mất lòng tin hay đang sống như là không có Thiên Chúa, xuống những người trẻ không có phẩm giá và không có lý tưởng, xuống những gia đình đang cơn khủng hoảng, xuống những bệnh nhân và những người tù tội, xuống những người tỵ nạn và di dân, xuống những người yếu hèn và những người không được bảo vệ về thể xác cũng như tinh thần, xuống những trẻ vị thành niên bị bỏ rơi, cũng như những người già sống trong cô độc.
Ở bất cứ nơi nào có một bàn tay chìa ra cầu xin một sự giúp đỡ để đứng dậy, phải thấy được sự có mặt của chúng ta, cũng như sự hiện diện của Giáo Hội nâng đỡ và ban hy vọng. Mẹ Teresa, trong suốt cuộc đời Mẹ, đã là một người phân phát rộng lượng lòng thương xót của Chúa, bằng cách luôn sẵn sàng đón nhận và bảo vệ sự sống con người, sự sống trong lòng người mẹ như sự sống bị bỏ đi, bị từ khước. Mẹ đã hết mình trong sự bảo vệ sự sống, và không ngừng tuyên bố rằng: “kẻ chưa được sinh ra là yếu ớt nhất, nhỏ bé nhất, đáng thương nhất”. Mẹ đã cúi xuống những người kiệt lực mà người ta bỏ chết bên vệ đường, vì nhận ra phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ; Mẹ đã mang tiếng nói của mình đến tai những người quyền thế trên trái đất, để họ nhìn nhận lỗi lầm của họ trước những tội ác của sự nghèo khổ mà chính họ đã tạo ra.
Đối với Mẹ, lòng thương xót là “chất muối” mang mùi vị đến cho mỗi công trình của Mẹ, và là “ánh sáng” soi rọi những vùng bóng tối của những kẻ không còn cả nước mắt để khóc cho thân phận nghèo khó và đau khổ của mình. Sứ mạng của Mẹ trong các vùng ngoại vi các thành phố và trong những vùng ngoại vi của cuộc sống kéo dài ở thời đại chúng ta như một sự làm chứng hùng hồn cho sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo khó giữa những người khó nghèo. Hôm nay, tôi đặt hình ảnh biểu tượng của người phụ nữ này và của người thánh hiến trong thế giới thiện nguyện: mong rằng Mẹ là gương thánh thiện cho chúng ta! Tôi nghĩ rằng chúng ta khó gọi Mẹ là Thánh Teresa: sự thánh thiện của Mẹ quá gần gũi, nên chúng ta sẽ tiếp tục gọi là “Mẹ Teresa”.
Mong rằng người thợ xây dựng lòng thương xót này luôn giúp cho chúng ta ngày càng hiểu hơn rằng tiêu chuẩn hành động duy nhất của chúng ta là tình yêu nhưng không, tự do đối với mọi chủ thuyết và mọi ràng buộc và cống hiến cho tất cả mọi người không phân biệt tiếng nói, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Teresa ưa nói rằng: “Tôi có thể không nói được tiếng của họ, nhưng tôi có thể mỉm cười”. Chúng ta hãy mang nụ cười trong trái tim và cống hiến nụ cười đó cho những người chúng ta gặp gỡ trên con đường chúng ta đi, nhất là những người đau khổ. Như thế, chúng ta sẽ mở rộng chân trời vui tươi và hy vọng cho biết bao người đang nản lòng, đang cần đến cả sự thông cảm lẫn lòng nhân từ.
***
Diễn Từ Của Đức Thánh Cha Trước Khi Kết Thúc Đại Lễ
Anh Chị Em Thân Mến,
Trong khi chúng ta chuẩn bị kết thúc buổi cử hành này, tôi muốn chào và cám ơn tất cả các bạn là những người đang tham dự:
Trước hết, Dòng Thừa Sai Bác Ái, những người thuộc về gia đình thiêng liêng của Mẹ Teresa Calcutta. Thánh Nữ Sáng Lập của các bạn luôn luôn nhìn đến hành trình của các bạn và giúp cho các bạn có khả năng trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, và với người nghèo.
Với lòng tôn trọng biết hơn, tôi xin chào tất cả các Vị Bản Quyền đang hiện diện, đặc biệt là những vị đến từ những nước có mối liên hệ gần gũi nhất với hình tượng của Vị Thánh mới, cũng như những phái đoàn chính thức và biết bao nhiêu khách hành hương đã đến từ quá nhiều quốc gia vào dịp vui mừng này. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho quốc gia của các bạn.
Với lòng trìu mến tôi xin chào tất cả các bạn, những tình nguyện viên và công nhân của lòng thương xót thân mến. Tôi xin phó thác các bạn cho sự bảo vệ của Mẹ Teresa: Xin Mẹ dạy cho các bạn biết chiêm ngắm và tôn thờ Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh mỗi ngày để nhận ra Ngài và phục vụ Ngài ở nơi những anh chị em đang cần giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta cũng hãy xin ân sủng này cho tất cả những người đang hiệp nhất với chúng ta qua truyền thông ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Vào thời khắc này tôi muốn nhắc đế nhiều người đang cống hiến bản thân họ cho việc phục vụ anh chị em của họ ở những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm. Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều nữ tu đang cho đi cuộc sống của mình mà không giữ lại. Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho nữ tu người Tây Ban Nha, Nữ Tu Isabel, đã bị giết hại cách đây 2 ngày tại thủ đô Haiti, một đất nước đã bị thử thách đớn đau, và vì điều đó mà tôi hy vọng một sự chấm dứt những hành vi bạo lực như thế và vì một sự an toàn lớn lao hơn cho hết mọi người. Chúng ta cũng hãy nhớ đến các Nữ Tu gần đây đã chịu cảnh bạo lực ở những đất nước như thế.
Chúng ta hãy thực hiện điều này bằng việc hướng đến cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ và Nữ Vương của tất cả các thánh.