Sunday, 05 April 2020 08:12

Bài Giảng Lễ Của Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Đền Thờ Thánh Gioan Phaolô II Featured

LTS: Vào lúc 10g00, ngày 30-7-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ với 2000 linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Ba Lan. Ngài mời gọi họ ra đi thi hành sứ mạng, và sống tín thác nơi Chúa.

***

***

 

Anh chị em thân mến,

Những lời của Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Ga 20:19-31) nói cho chúng ta về một nơi chốn, một người môn đệ và một cuốn sách.

Nơi chốn là nơi các môn đệ qui tụ lại vào buổi tối Phục Sinh; chúng ta chỉ đọc thấy là các cánh cửa khép kín (x. c. 19). Tám ngày sau, các môn đệ lại tập họp nhau ở đó một lần nữa, và các cánh cửa vấn đóng kín (x. c. 26). Chúa Giêsu bước vào, đứng ở giữa các ông và ban cho họ bình an, Thần Khí và sự tha thứ tội lỗi: tắt một lời, lòng thương xót của Thiên Chúa. Phía sau những cánh cửa khép kín này vang vọng lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (c. 21).

Chúa Giêsu sai. Ngay từ đầu, Ngài muốn Giáo Hội của Ngài là một Giáo Hội di chuyển, một Giáo Hội đi ra thế giới. Và Ngài muốn Giáo Hội làm điều này như Ngài đã thực hiện. Ngài không được Chúa Cha sai vào trong thế giới để tận dụng quyền lực, mà để mặc lấy hình dạng của một người nô lệ (x. Pl 2:7); Ngài đến không phải “để được phục vụ, mà để phục vụ” (Mc 10:45) và để mang lại Tin Mừng (x. Lc 4:18). Cùng một cách thế, các môn đệ của Ngài được sai đi trong mọi thời đại. Điều trái ngược thật đáng chú ý: trong khi các môn đệ thì đóng cửa lại vì sợ, thì Chúa Giêsu lại sai họ ra đi thi hành sứ mạng. Ngài muốn họ hãy mở các cánh cửa ra và đi ra để loan báo sự tha thứ và bình an của Thiên Chúa, bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lời mời gọi này cũng được nói với chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể không nghe tiếng vang vọng của lời mời gọi này trong một lời mời gọi quan trọng của Thánh Gioan Phaolô II: “Hãy mở các cánh cửa?” Tuy nhiên, trong đời sống của chúng ta là các linh mục, người thanh hiến, chúng ta có thể thường bị cám dỗ để ở lại trong sự khép kín, vì sợ hoặc tiện nghi, ở lại bên trong bản thân chúng ta và trong những môi trường của chúng ta. Đó là một chuyến đi một chiều, không có vé khứ hồi. Nó liên quan đến việc thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi bản thân chúng ta, đánh mất mạng sống chúng ta vì Ngài (x. Mc 8:35) và ra đi trên con đường của sự cho đi bản thân. Chúa Giêsu cũng không thích những hành trình thực hiện nửa vời, những cánh cửa khép hờ, đời sống chân trong chân ngoài. Ngài mời gọi chúng ta hãy đóng hành lý thật gọn nhẹ cho hành trình, để ra đi bỏ lại sự an toàn của chúng ta, chỉ với Ngài mà thôi là sức mạnh của chúng ta.

Nói cách khác, cuộc sống của các môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, một cuộc sống mà chúng ta được mời gọi để sống, được hình thành bởi tình yêu cụ thể, một tình yêu, nói cách khác, được đánh dấu bằng sự phục vụ và sự sẵn lòng. Đó là một cuộc sống không có không gian khép kín hoặc tài sản riêng cho việc sử dụng riêng của chúng ta. Những người chọn để rập khuôn toàn bộ đời sống ở nơi Chúa Giêsu sẽ không còn chọn những không gian riêng của mình nữa; họ đi đến nơi họ được sai đến, sẵn sàng đáp trả Đấng mời gọi. Họ thậm chí không chọn thời gian riêng của mình nữa. Căn nhà nơi họ sống không thuộc về họ, bởi vì Giáo Hội và thế giới là không gian mở của sứ mạng của họ. Sự giàu có của họ là đặt Thiên Chúa ở ngay giữa đời sống của họ và chẳng tìm kiếm điều gì khác cho chính mình. Vì thế họ thoát khỏi sự thoả mãn của việc được ở trung tâm của mọi sự; họ không xây dựng trên nền tảng lung lay của sức mạnh thế gian, hoặc yên vị ở nơi những an nhàn lấn loát việc phúc âm hoá. Họ không lãng phí thời gian để lên kế hoạch cho một tương lai đảm bảo, họ không liều lĩnh để trở nên cô lập và buồn thảm, khép mình trong những bức tường chật hẹp của một sự qui ngã không có niềm vui và chán ngắt. Khi tìm kiếm hạnh phúc của họ ở nơi Chúa, họ không bằng lòng với một cuộc sống tầm thường, nhưng bùng cháy lòng khao khát làm chứng và đi ra đến với người khác. Họ yêu thích chịu rủi ro và ra đi, không bị giới hạn cho những đường mòn đã được toả sáng, mà mở ra và trung thành với những nẻo đường được Thần Khí chỉ ra. Thay vì chỉ ghé ngang, họ vui mừng để truyền giáo.

Thứ hai, Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta với một môn đệ là người có tên: Tôma. Trong sự do dự của ông và những nỗ lực của ông để hiểu, người môn đệ này, mặc dù cách nào đó bướng bỉnh, nhưng có một chút giống chúng ta và chúng ta thấy mình giống ông. Không ý thức về điều đó, ông mang lại cho chúng ta một món quà lớn: ông làm cho chúng ta xích lại gần Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa không ẩn núp khỏi những người tìm kiếm Ngài. Chúa Giêsu tỏ cho Tôma các vết thương vinh hiển của Ngài; Ngài giúp cho ông chạm tay vào sự dịu dàng vô biên của Thiên Chúa, những dấu chỉ rõ ràng của việc Ngài đã chịu biết bao nhiêu đau khổ vì tình yêu dành cho nhân loại.

Đối với chúng ta là các môn đệ của Ngài, thật quan trọng để đặt bản tính con người của chúng ta trong mối liên lạc với thân xác của Chúa, mang đến cho Ngài, bằng một niềm tin trọn vẹn và sự chân thành tuyệt đối, toàn bộ hữu thể của chúng ta. Khi Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina, Ngài thật vui khi chúng ta kể cho Ngài mọi sự: Ngài không chán ngán với cuộc sống của chúng ta, điều mà Ngài đã biết; Ngài đợi chờ chúng ta để kể cho Ngài kể cả những biến cố của một ngày sống (x. Nhật Ký, 6/09/1937). Đó là con đường tìm kiếm Thiên Chúa: ngang qua cầu nguyện vốn rõ ràng và không sợ hãi để trao phó hết cho Ngài những rắc rối của chúng ta, những vật lộn của chúng ta và sự kháng cự của chúng ta. Trái tim của Chúa Giêsu được chinh phục bởi sự cởi mở chân thành, bởi những trái tim biết nhận biết và đau khổ vì những yếu đuối của họ, nhưng tin tưởng rằng chắc chắn có lòng thương xót của Thiên Chúa đang hoạt động.

Chúa Giêsu đòi hỏi gì từ chúng ta? Ngài mong muốn các tâm hồn thật sự được thánh hiến, những tâm hồn kín múc sự sống từ sự tha thứ của Ngài để tuôn đổ sự tha thứ ấy bằng lòng thương cảm dành cho anh chị em chúng ta. Chúa Giêsu muốn những tâm hồn mở ra và dịu dàng đối với người yếu thế, chứ chưa bao giờ là những tâm hồn chai đá. Ngài muốn những tâm hồn ngoan ngoãn và trong sạch không làm chán ngán những người mà Giáo Hội giao phó như là những người hướng dẫn của chúng ta. Các môn đệ không ngần ngại để đặt câu hỏi, nhưng họ có sự can đảm để đối diện với những nghi ngại của họ và trình bày với Chúa, với người đào luyện của họ và các bề trên của họ, mà không có những toan tính hoặc mưu đồ. Một người môn đệ trung tín dự phần vào sự biện phân tỉnh thức liên lỉ, biết rằng tâm hồn cần phải được huấn luyện hằng ngày, bắt đầu bằng những tình cảm, để thoát khỏi mọi hình thức của sự hai lòng trong thái độ và trong cuộc sống.

Tông Đồ Tôma, ở phần kết của yêu cầu đầy cảm xúc của ông, không chỉ đi đến chỗ tin vào sự phục sinh, mà còn tìm thấy ở nơi Chúa Giêsu kho tàng cao quý nhất của đời ông, Chúa của ông. Ông nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi” (c. 28). Thật tốt cho chúng ta mỗi ngày biết cầu nguyện những lời tuyệt vời này, và để nói với Chúa: Chúa là kho tàng của con, con đường mà con phải theo, cốt tuỷ của đời con, tất cả của con.

Câu cuối cùng của Bài Tin Mừng hôm nay nói về một cuốn sách: Chính Tin Mừng mà, chúng ta được nói đến, không chứa đựng hết nhiều dấu chỉ khác mà Chúa Giêsu đã thực hiện (c. 30). Sau dấu chỉ lớn lao của lòng thương xót của Ngài, chúng ta có thể nói rằng không cần thêm một dấu chỉ nào khác nữa. Nhưng còn một thách đố vẫn còn đó. Có một chỗ để đó cho những dấu chỉ cần thiết để được chúng ta thực hiện, những con người đã lãnh nhận Thần Khí của tình yêu và được mời gọi để loan báo lòng thương xót. Cần phải nói rằng Tin Mừng, cuốn sách sống động của lòng thương xót của Thiên Chúa cần phải liên tục được đọc đi đọc lại, vẫn còn nhiều trang trống để đó. Tin Mừng vẫn cứ là một cuốn sách mở mà chúng ta được mời gọi để viết vào với cùng một phong cách, bởi các công việc của lòng thương xót mà chúng ta thực hành. Tôi xin hỏi các bạn câu này: Những trang sách của cuộc đời các bạn giống như thế nào? Chúng có trống không? Xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta trong điều này. Xin Mẹ, Đấng hoàn toàn đón tiếp lời của Thiên Chúa vào trong cuộc sống của Mẹ (x. Lc 8:20-21), ban cho chúng ta ân sủng để trở thành những tác giả sống động của Tin Mừng. Xin Mẹ của Lòng Thương Xót của chúng ta dạy cho chúng ta biết cách thực hiện việc chăm sóc cụ thể những vết thương của Chúa Giêsu ở nơi anh chị em chúng ta đang cần sự giúp đỡ, những người đang ở cạnh chúng ta và những người ở xa, người đau yếu và di dân, bởi vì bằng việc phục vụ những người đau khổ chúng ta tôn vinh thân xác của Đức Kitô. Xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết dành trọn vẹn bản thân chúng ta cho những điều thiện hảo của người tín hữu được uỷ thác cho chúng ta, và thể hiện sự quan tâm dành cho nhau như là những anh chị em đích thực trong sự hiệp thông của Giáo Hội, Mẹ Thánh của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Mỗi người chúng ta đang mang ở trong tâm hồn mình một trang rất cá nhân của cuốn sách của lòng thương xót Chúa. Đó là câu chuyện riêng về ơn gọi của chúng ta, tiếng nói của tình yêu đã cuốn hút chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta, dẫn chúng ta đến việc bỏ lại mọi sự trước lời của Ngài và đi theo Ngài (x. Lc 5:11). Hôm nay chúng ta hay hết lòng gợi lại ký ức về tiếng gọi của Ngài, một tiếng gọi mạnh mẽ hơn bất kì một sự kháng cự và mỏi mệt nào từ phía chúng ta. Khi chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể, trung tâm của đời sống chúng ta, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã đi vào qua những cánh cửa khép kín của chúng ta bằng lòng thương xót của Ngài, vì đã gọi chúng ta, giống như Tôma, bằng tên, và vì đã ban cho chúng ta ân sủng để tiếp tục viết lên Tin Mừng của tình yêu của Ngài.