Sunday, 05 April 2020 08:12

Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Thánh Lễ Kính Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Đồ Featured

LTS: Vào lúc 09 giờ 30, thứ Tư ngày 29/06/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô; đồng thời Đức Thánh Cha đã làm phép các dây Pallium của các Tổng Giám Mục được bổ nhiệm trong năm nay. Tham dự trong thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô còn có phái đoàn của Phủ Thượng Phụ đại kết Contantinople, dưới sự hướng dẫn của Đức Thượng Phụ Methodios de Boston.

***

***

 

Anh chị em thân mến,

Lời Thiên Chúa trong phụng vụ hôm nay chứa đựng một nhị thức trung tâm: đóng/mở. Chúng ta cũng có thể so sánh hình ảnh này với biểu tượng chìa khóa, mà Chúa Giêsu hứa cho ông Simon Phêrô để ông có thể mở cửa Nước Trời, và đương nhiên không phải để đóng cửa này đối với người ta, như nhiều kinh sư và người pharisêu giả hình mà Chúa Giêsu đã khiển trách (x. Mt 23, 13).

Bài đọc Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 12, 1-11) trình bầy cho chúng ta ba sự đóng cửa: sự đóng cửa của thánh Phêrô trong tù; sự đóng cửa của cộng đoàn tĩnh tâm cầu nguyện; và – trong bối cảnh trực tiếp với bản văn của chúng ta -  sự đóng cửa nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, còn gọi là Marco, nơi thánh Phêrô tới gõ cửa sau khi được giải thoát.

Liên quan đến đóng cửa, cầu nguyện có vẻ như là lối thoát chính: lối thoát cho cộng đoàn, đang có nguy cơ khép kín vì sự bách hại và sợ hãi; lối thoát cho thánh Phêrô, là đấng, lúc đầu sứ vụ của ngài do Chúa giao phó, đã bị vua Herodea bỏ tù và có nguy cơ bị xử tử hình. Trong lúc thánh Phêrô đang ở tù, “Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12,5). Và Chúa nhậm lời và sai thiên sứ của Người tới giải cứu ông “thoát khỏi tay vua Herodea” (x. Cv 12,11). Lời cầu nguyện, như một sự phó mặc khiêm nhường cho Thiên Chúa và Thánh Ý của Người, luôn là lối thoát cho những sự đóng kín mang tính cá nhân và cộng đồng của chúng ta.

Cũng như thánh Phaolô, khi viết cho ông Timothe, ngài nói về kinh nghiệm được giải cứu của ngài, lối thoát khỏi nguy hiểm cho chính ngài bị kết án tử hình; trái lại, Chúa đã ở bên ngài và ban cho ngài sức mạnh để có thể đưa đến sự viên mãn của công trình Phúc Âm hóa muôn dân của ngài (x. 2Tm 4,17). Nhưng thánh Phaolô nói về một sự “mở cửa” to lớn hơn, mở ra một chân trời vô cùng rộng lớn: chân trời của cuộc sống đời đời, đang chờ đợi ngài cuối cuộc “hành trình” dưới thế. Thật là đẹp khi thấy cuộc đời của Thánh Tông Đồ toàn bộ “đi ra” nhờ Phúc Âm: tất cả phóng về phía trước, trước tiên để mang Đức Kitô tới cho những ai chưa biến đến Người, và sau đó để gieo mình trong vòng tay Người, và được Người dẫn dắt, an toàn, vào Vương Quốc của Người.

Chúng ta hãy trở lại với thánh Phêrô. Đoạn Phúc Âm (Mt 16, 13-19) về sự tuyên xưng đức tin của ngài và sứ vụ được Chúa Giêsu trao cho ngài sau đó, cho thấy cuộc đời ông Simon, ngư dân miền Galilee, - cũng như cuộc đời của mỗi người chúng ta - mở ra, triển nở trọn vẹn khi nó đón nhận ân điển đức tin từ Thiên Chúa Cha. Rồi ông Simon lên đường - một con đường dài và khó khăn - sẽ đưa ngài đi ra khỏi chính mình,  khỏi những an toàn của con người, nhất là khỏi tính kiêu ngạo pha lẫn lòng can đảm và vị tha rộng lượng. Trên hành trình giải thoát đó, sự cầu nguyện của Chúa Giêsu mang tính quyết định: “Thầy đã cầu nguyện cho anh [Simon] để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32). Và cũng mang tính quyết định là cái nhìn đầy thương cảm của Chúa sau khi ông Phêrô đã chối Chúa ba lần: một cái nhìn chạm đến con tim và lau khô những giọt nước mắt hối cải (x. Lc 22,61-62). Khi đó ông Simon Phêrô đã được giải thoát ra khỏi nhà tù của cái tôi kiêu ngoại và sợ hãi, và ngài đã vượt khỏi cám dỗ đóng kín mình lại trước tiếng gọi của Chúa Giêsu đi theo Người trên con đường Thánh Giá.

Như tôi đã nói, trong bối cảnh trước mắt của đoạn sách Tông Đồ Công Vụ, có một chi tiết rất có ích cho chúng ta để ghi nhớ (x. Cv 12,12-17). Khi thánh Phêrô được tự do một cách kỳ diệu, ra khỏi nhà tù của vua Herodea, ngài đi tới nhà mẹ của ông Gioan, còn gọi là Marco. Ngài gõ cửa, và từ bên trong nữ tỳ có tên là Rhode trả lời, khi nhận ra giọng nói của thánh Phêrô, thay vì mở cửa, cô không tin và rất vui mừng chạy đi báo cho bà chủ của cô. Câu chuyện, có vẻ khôi hài, cho chúng ta nhận thấy một bầu khí sợ hãi trong đó cộng đoàn Kitô hữu phải sống, bị giam hãm trong nhà, và đóng kín cả với những bất ngờ của Thiên Chúa […]. Chi tiết này nói cho chúng ta về cám dỗ đang còn hiện diện trong Giáo Hội: cám dỗ khép kín mình lại, trước nguy biến. Nhưng cũng có ở đây vòng xoắn qua đó hành động của Thiên Chúa có thể thục hiện: thánh Luca nói rằng trong nhà đó “có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện” (c. 12).

Cầu nguyện cho phép ân điển mở ra một lối thoát: từ sự đóng cửa tới sự mở cửa, từ sự sợ hãi tới sự can đảm, từ sự sầu muộn tới nỗi vui mừng. Và chúng ta có thể thêm rằng: từ chia rẽ tới hợp nhất. Phải, ngày hôm nay chúng ta nói lên điều đó, xác tín, với các người anh em chúng ta trong Phái Đoàn được gửi tới bởi Đức Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômê thân mến, để tham dự ngày lễ kính các Thánh Bổn Mạng của Rôma. Một ngày lễ hiệp thông cho toàn thể Giáo Hội, cũng như sự hiện diện của các Đức Tổng Giám Mục đã thể hiện khi tới đây dự lễ làm phép dây Pallium, sẽ được trao cho các ngài bởi những Đại Diện của tôi trong các ngai tòa của các ngài.

Cầu xin các thánh Phêrô và Phaolô chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta có thể vui vẻ đi trên con đường này, có thể trải nghiệm tác động giải thoát của Thiên Chúa và làm chứng cho tác động đó cho hết thẩy mọi người.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/le-pape-francois-indique-la-voie-de-sortie-des-situations-fermees/