LTS: Vào lúc 10 giờ 30, sáng ngày 25/06/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại quảng trường Vartanants, Gyumri, Armenia. Tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Thượng Phụ Karekin II, cũng như tổng thống, các giới chức đạo đời và khoảng 50 chục ngàn tín hữu. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh, Ý và Armeni.
***
***
Bài Giảng Lễ Của Đức Thượng Phụ Karekin II
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Thưa Đức Thánh Cha,
Thưa anh em thiêng liêng đáng kính và các con trung tín,
Hôm nay, khi Giáo Hội của chúng ta đang mừng kính Lễ Các Tông Đồ Thánh của Thiên Chúa, thông điệp này do Chúa chúng ta nói trực tiếp với các môn đệ của Ngài, lại vang vọng quá ngọt ngào và mạnh mẽ trong linh hồn chúng ta. Với cảm nhận tình yêu đầy ấm áp mà Thiên Chúa ban tặng này thay mặt toàn thể người tín hữu trong khu vực, chúng tôi chào đón Ngài đến với thành phố Gyumri, hiền huynh đáng kính trong Đức Kitô. Việc được hoà cùng hiền huynh trong việc cầu nguyện, một người bạn tuyệt vời của Giáo Hội Armenia và người dân Armenia, trong một Thánh Lễ do hiền huynh cử hành.
Gyumri là một trong những thành phố lịch sử của Armenia này nơi mà các giá trị Kitô Giáo Armenia nhiều thế kỷ đã trổ sinh, nơi mà nền lịch sử và nền văn hoá của người dân chúng tôi và tinh thần đại lượng đã được hình thành một cách hài hoà. Người dân thành phố Gyumri khác biệt vì niềm tin và tình yêu sâu sắc đặc biệt của họ đối với Giáo Hội. Họ cũng là những người cưu mang một truyền thống tốt đẹp của sự sống chung huynh đệ Kitô Giáo, điều đã được làm chứng bởi sự hiện diện đầy lời cầu nguyện của người tín hữu của các Giáo Hội Tông Đồ và Công Giáo Armenia, cũng như là của các nhánh Kitô Giáo khác. Trong những năm của chủ nghĩa vô thần Xô Viết, các nhà thờ đã bị phá hủy hoặc đóng cửa ở Armenia, và chỉ ngang qua sự kháng cự đầy lòng nhiệt thành của người dân của chúng tôi, mà Mẹ Hội Thánh Etchmiadzin và một số nhà thờ khác vẫn mở cửa. Trong thời gian ấy, nhà thờ Mẹ Thánh Thiên Chúa của Gyumri (Yotverk) đã mở cung lòng mẫu tử của mình và trở thành một nơi trú ẩn và một nơi cầu nguyện cho toàn bộ người Kitô Giáo của các quận Miền Bắc Armenia và của các thị trấn và làng mạc dân tộc người Georgia, bất chấp căn tính quốc gia của họ hoặc nhánh nào mà họ thuộc về, họ là người thuộc Giáo Hội Tông Đồ Armenia, Công Giáo hay Chính Thống Giáo Đông Phương. Phía sau phía bắc của nhà thờ Yotverk đã được biến thành một nơi cầu nguyện cho người tín hữu Công Giáo nơi mà tượng thập giá theo truyền thống Công Giáo được mang từ Nhà Thờ Công Giáo của làng Arevik đến, đã bị phá đổ và được duy trì cho đến ngày nay. Trong khi phía sau phía nam được dành cho Giáo Hội Chính Thống Nga nơi mà ở một vị trí vinh dự nấht, tượng Thánh Nicholas của Nga Người Làm Phép Lạ được đặt để. Do đó, thành phố Gyumri và nhà thờ Mẹ Thánh Thiên Chúa (Yotverk) đã trở thành người mang lại và rao giảng hữu hình cho công cuộc đại kết, nhiều năm trước khi định nghĩa hiện đại về đại kết đã được thiết lập.
Hiền huynh đáng kính trong Đức Kitô, thành phố mà chúng ta đang thăm hôm nay, ở nơi trái tim ấm áp và hiếu khách của nó, cũng mang lấy dấu ấn của sự đau khổ. Vào thời bình sinh của thế kỷ XX, khi người dân của chúng tôi là đối tượng của nạn diệt chủng, thành phố Gyumri cũng cảm thấy những cú đấm nặng nề cảu nền chính trị tàn phá và xâm lăng của Đế Chế Ottoman. Ngay nay cũng thế, thành phố Gyuri đang đối diện với các cửa khẩu đóng lại như là một chứng nhân cho nạn diệt chủng đã thực hiện một trăm năm trước và đối với những chính sách từ chối liên lỉ.
Người dân nhiệt thành ở Gyumri đã đứng lên trước tai hoạ của trận động đất bằng niềm tin và trái tim quả cảm. Nhân dịp này, chúng tôi thể hiện những lời biết ơn chân thành đến Giáo Hội Công Giáo, mà trong những ngày gian khó ấy đã góp một bàn tay trợ giúp của tình yêu huynh đệ cho các nạn nhân của trận động đất, theo những lời của vị tông đồ, “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10:24). Ngày nay cũng thế Con Em của chúng tôi ở Gyumri tiếp tục vượt qua những khó khăn và thực hiện những nỗ lực tận tuỵ để biến Gyumri thành một thành phố thịnh phượng và lớn mạnh. Những chứng tá cho điều này là Giáo Hội Công Giáo, được xây dựng trong những năm gần đây, và hai nhà thờ lịch sử được khôi phục, hướng về quảng trường này như là những biểu tượng cho sự hồi sinh của Gyumri.
Tạ ơn Thiên Chúa vì ngày phúc lành này của sự hiệp nhất trong cầu nguyện tại Gyumri, cùng với hiền huynh đáng kính Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta, chúng tôi mang đến cho các bạn, anh chị em tín hữu thân mến, lời thỉnh nguyện và mong muốn của chúng tôi để qua những bước đi vững vàng của niềm tin, tình yêu huynh đệ, và niềm hy vọng, các bạn sẽ làm chứng trong thế giới này cho giới răn sau của Đức Kitô: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34).
Với lòng mong muốn này, chúng tôi cũng xin chào và thể hiện lòng trân trọng và phúc lành của chúng tôi đối với các quan chức chính phủ Gyumri và khu vực, và cho người tín hữu Shirak của chúng tôi, Đức Giám Mục Đáng Kính Michael Ajapahyan, và hàng giáo sỹ đang cùng phục vụ của Ngài, cũng như cho hàng giáo sỹ của cộng đồng Công Giáo dưới sự dẫn dắt của Đức Tổng Giám Mục Đáng Kính Rafael Minassian. Chúng tôi cầu chúc cho các vị, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tiếp tục thành công việc chăm sóc mục vụ đoàn chiên của các vị và sự hợp tác trong tình yêu huynh đệ.
Chúng tôi dâng lời cầu nguyện của chúng tôi lên Thiên Chúa Toàn Năng với sự chuyển cầu của Các Thánh Tông Đồ và toàn thể chứng nhân của Chúa, cho nền hoà bình của thế giới, cho một cuộc sống phồn thịnh và an ninh cho nhân loại và hcho sự sống động của Hội Thánh của Đức Kitô.
Thưa Đức Thánh Cha, hiền huynh đáng kính của chúng tôi trong Đức Kitô, chuyến thăm của Ngài đến Gyumri là một sự căn tân tinh thần cho người tín hữu của khu vực Shirak, và điều này luôn được nhớ đến bằng sự ấm áp và tình yêu.
Một lần nữa bằng tâm hồn vui tươi chúng tôi khẳng định lại rằng chuyến thăm của Ngài là một lời chứng mới mẻ cho mối quan hệ huynh đệ giữa các Giáo Hội của chúng ta.
Xin Thiên Chúa giữ vững tình huynh đệ và làm cho việc hợp tác giữa các Giáo Hội của chúng ta sinh hoa trái. Bây giờ và đến muôn đời. Amen.
***
Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa… họ sẽ tu bổ những thành bị bỏ hoang” (Is 61:4).
Anh chị em thân mến, tại nơi đây, chúng ta có thể nói rằng lời của ngôn sứ Isaia đã thành sự thật. Sau những tàn phá khủng khiếp của động đất, chúng ta họp nhau hôm nay để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì đã được tái thiết.
Và chúng ta cũng có thể tự hỏi: Hôm nay Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta phải xây dựng những gì trong đời sống của chúng ta, và quan trọng hơn nữa là Người kêu gọi chúng ta xây dựng đời sống chúng ta dựa trên nền tảng gì? Để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này, Cha muốn đề nghị 3 nền tảng vững bền để dựa trên đó chúng ta có thể kiến thiết và tái thiết liên tục đời sống Kitô hữu.
Nền tảng thứ nhất là ghi nhớ. Một ân sủng chúng ta có thể khấn xin là khả năng ghi nhớ: để nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm trong chúng ta và cho chúng ta, và để nhắc chúng ta nhớ rằng, như Tin Mừng hôm nay kể rằng, Người đã không quên chúng ta nhưng Người “nhớ đến” chúng ta (Lk 1:72). Thiên Chúa đã chọn chúng ta, yêu thương chúng ta, kêu gọi chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Những điều kỳ diệu đã xảy ra trong câu chuyện tình yêu riêng tư của chúng ta với Ngài, và những điều này phải trở nên gia tài trong tâm trí chúng và tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, vẫn còn một sự ghi nhớ khác chúng ta cần duy trì: đó là ký ức của một dân tộc. Các dân tộc, cũng như những cá nhân, đều có một ký ức. Ký ức của dân tộc của anh chị em là cổ xưa và quý giá. Những giọng nói của anh chị em vang vọng lại của những vị hiền nhân và các thánh trong quá khứ; những từ ngữ của anh chị em gợi lên hình ảnh những vị đã tạo ra những ký tự của anh chị em để có thể tuyên xưng lời Chúa; những bài hát của anh chị em hòa trộn những ưu phiền và niềm vui của lịch sử. Khi anh chị em suy tư về những điều này, anh chị em có thể dễ dàng nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người không bỏ rơi anh chị em. Thậm chí trong lúc đối mặt với nghịch cảnh ghê gớm, chúng ta có thể nói lên những câu trong Tin Mừng hôm nay rằng: Thiên Chúa đã đến thăm dân tộc anh chị em (cf. Lk 1:68). Người đã nhớ đến lòng kiên trung vào Tin Mừng của anh chị em, những hoa trái đầu mùa của đức tin anh chị em, và tất cả những vị đã làm chứng tá rằng, thậm chí phải trả giá bằng máu của họ, tình yêu của Thiên Chúa quý giá hơn chính sự sống (Ps 63:4). Thật tốt đẹp để nhớ lại với tâm tình tri ân con đường đức tin Kitô giáo đã trở nên hơi thở của dân tộc anh chị em và trái tim của sự ghi nhớ lịch sử của họ.
Đức tin cũng là sự hy vọng cho tương lai của anh chị em và là ánh sáng cho hành trình đời sống. Đức tin là một nền tảng thứ hai mà cha muốn đề cập đến. Vẫn luôn có một sự nguy hiểm có thể làm lu mờ ánh sáng đức tin, và đó là một sự cám dỗ đưa nó thành một điều gì đó của quá khứ, một điều gì đó quan trọng nhưng thuộc về một thời đại khác, và coi đức tin như là một quyển sách trang trí đẹp để cất giữ trong bảo tàng. Khi bị khóa vào trong nơi lưu trữ của lịch sử, đức tin mất năng lực biến đổi, mất vẻ đẹp sống động của nó, mất tính mở rộng tích cực của nó cho mọi người. Tuy nhiên, đức tin được sinh ra và tái sinh từ sự gặp gỡ ban tặng sự sống với Chúa Giêsu, từ sự trải nghiệm lòng thương xót của Người chiếu tỏa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải làm thật tốt để canh tân sự gặp gỡ cuộc sống với Thiên Chúa mỗi ngày. Chúng ta phải làm thật tốt để đọc lời Chúa và cầu nguyện trong thinh lặng để mở tâm hồn ra cho tình yêu của Người. Chúng ta phải làm thật tốt để làm cho sự gặp gỡ của chúng ta với lòng nhân hậu của Thiên Chúa nhóm lên niềm vui trong tâm hồn của chúng ta: một niềm vui vượt lên trên nỗi buồn, một niềm vui thậm chí chống lại được với nỗi đau và rồi trở nên sự an bình. Tất cả những điều này canh tân đời song chúng ta, làm chúng ta được tự do và mở ra những điều bất ngờ, sẵn sàng cho Thiên Chúa và cho mọi người.
Việc cũng có thể xảy ra là Chúa Giêsu gọi chúng ta đi theo Ngài gần hơn, hy sinh đời sống của chúng ta cho Ngài và cho anh chị em chúng ta. Khi Ngài gọi – và cha nói điều này đặc biệt cho giới trẻ – Đừng e sợ; hãy nói với Ngài: “Xin vâng!”. Người hiểu chúng ta, Người thực sự yêu chúng ta, và Người muốn giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi những gánh nặng sợ hãi và kiêu ngạo. Bằng cách dành chỗ trong tâm hồn cho Người, chúng ta trở nên có khả năng chiếu tỏa tình yêu của Người. Do đó anh chị em sẽ có thể tiếp tục lịch sử rao giảng Tin Mừng vĩ đại của mình. Đây là điều Giáo Hội và thế giới đang rất cần trong những giai đoạn khó khăn này, và đây cũng là một thời gian của lòng thương xót.
Nền tảng thứ ba, sau sự ghi nhớ và đức tin, là tình yêu thương xót: trên tảng đá này, tảng đá của tình yêu mà chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa và tặng lại cho anh em của chúng ta, đó là nền tảng của một đời sống của môn đệ của Chúa Giêsu. Khi thực hành đức ái, khuôn mặt của Giáo Hội được trẻ hóa lại và đẹp lên. Tình yêu bằng hành động là danh thiếp của người Kitô hữu; trình bày bản thân mình bằng những cách thức khác có thể bị lạc lối hay thậm chí vô ích, vì qua tình yêu chúng ta dành cho tha nhân thì mọi người sẽ biết chúng ta là môn đệ của Người (Jn 13:35). Trên tất cả mọi sự, chúng ta được kêu gọi để kiến thiết và tái kiến thiết những con đường kết hiệp, kiên trì tạo ra những cây cầu nối cho hợp nhất và hoạt động để vượt qua những chia rẽ của chúng ta. Cầu chúc cho tất cả các tín hữu luôn là một tấm gương, hợp tác trong sự tôn trọng lẫn nhau và một tinh thần đối thoại, ý thức rằng: “Sự ganh đua duy nhất có thể có giữa những môn đệ của Chúa là xem ai có thể cho tặng tình yêu lớn hơn!”.[1]
Bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Isaia nhắc chúng ta nhớ rằng Thần Khí Chúa luôn ở với những ai đem tin vui đến cho người nghèo, hàn gắn lại những trái tim tan vỡ và ủi an (Is 61:1-2). Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn những người yêu mến Người. Thiên Chúa cư ngụ ở bất kỳ nơi đâu có tình yêu, được thể hiện đặc biệt bằng sự chăm sóc can đảm và thương xót dành cho những người đau yếu và người nghèo. Chúng ta thật sự cần điều này! Chúng ta cần những người Kitô hữu không cho phép họ bị sự mệt mỏi lấn áp, hoặc nghịch cảnh làm ngã lòng, nhưng là luôn chờ đợi, mở rộng tâm hồn và sẵn sàng phục vụ. Chúng ta cần những con người có thiện chí, những người giúp đỡ cho anh chị em của họ khi túng thiếu, bằng hành động chứ không thuần túy bằng lời nói. Chúng ta cần những xã hội công bằng hơn, ở đó mỗi cá nhân có thể sống một cuộc đời đúng với phẩm giá, và trên hết là được trả công xứng đáng với đóng góp trong công việc của họ.
Tất cả ai cũng như ai, chúng ta có thể tự hỏi mình: làm sao chúng ta có thể được thương xót, với tất cả những lỗi lầm và sa ngã mà chúng ta nhìn thấy trong con người chúng ta? Cha muốn tiết lộ một ví dụ cụ thể, một sứ giả vĩ đại của lòng Chúa thương xót, một người cha muốn mọi người phải chú ý thật nhiều hơn nữa bằng cách tôn vinh ngài làm Tiến sĩ Giáo Hội Toàn cầu: đó là Thánh Gregory thành Narek, là lời nói và giọng nói của Armenia. Thật khó mà tìm được một ai có khả năng bằng ngài có thể dò tìm được những độ sâu của những nỗi thống khổ chôn giấu trong tâm hồn mỗi người. Nhưng ngài luôn luôn cân bằng được sự yếu đuối của con người với lòng thương xót của Chúa, vực dậy những lời nguyện cầu tín thác chân thành và đẫm lệ vào Thiên Chúa, vì Ngài là “người ban tặng những ân sủng, nguồn cội của mọi tốt lành… là tiếng nói vỗ về, là nguồn an ủi, là động lực niềm vui… là lòng thương cảm vô song, là lòng thương xót vô bờ bến… là cái hôn của sự cứu rỗi” (Ac 3:1). Người quả quyết rằng “ánh sáng của lòng Chúa thương xót không bao giờ bị che lấp bởi bóng tối của lòng thù hận” (Ac 16:1). Thánh Gregory thành Narek là người điều khiển cuộc sống, vì ngài dạy chúng ta rằng điều quan trọng nhất là biết nhận ra rằng chúng ta cần lòng thương xót. Cho dù có những vấp ngã và những vết thương gây ra cho chúng ta, chúng ta cũng không được trở nên ích kỷ nhưng phải mở tâm hồn chúng ta với lòng chân thành và tín thác cho Chúa, cho “Thiên Chúa luôn ở gần, yêu thương và nhân hậu” (Ac 17:2), “tràn đầy tình yêu cho nhân loại… một ngọn lửa đốt cháy tội lỗi (Ac 16:2).
Cùng với lời của Thánh Gregory, bây giờ con muốn khẩn xin lòng thương xót của Chúa và ân sủng suối nguồn tình yêu không bao giờ cạn của Người: là Chúa Thánh Thần, “Đấng bảo trợ quyền năng, đấng trung gian và kiến tạo hòa bình, chúng con xin dâng lên Người những lời nguyện cầu… Xin ban cho chúng con ân sủng biết trợ giúp lẫn nhau bằng bác ái và những công việc tốt lành… tinh thần dịu êm, lòng trắc ẩn, lòng nhân hậu yêu thương và lòng thương xót… Người và chính Người là lòng thương xót… Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Xin thương xót chúng con theo lòng thương xót vô biên của Người” (Hát Kinh Chúa Thánh Thần).
***
Lời chào cuối Lễ Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Kết thúc thánh lễ này, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đức Thượng Phụ Karekin II và Đức Tổng Giám mục Minassian về những lời chúc tốt đẹp. Tôi cũng xin cảm ơn Đức Đại Thượng Phụ và các vị Giám mục hiện diện, cũng như các linh mục và các giới chức chính quyền đã nồng nhiệt chào đón chúng tôi.
Tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, anh chị em đến Gyumri từ nhiều vùng khác nhau và từ Georgia lân cận. Đặc biệt tôi xin chào thăm tất cả anh chị em với lòng quảng đại và lòng bác ái thực tế đang giúp cho anh chị em của chúng ta trong cơn thiếu thốn. Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến bệnh viện ở Ashotsk, được khánh thành 25 năm trước và được biết đến như là “Bệnh viện của Giáo hoàng”. Bệnh viện được khai sinh từ tấm lòng của Thánh Gioan Phaolo II, và nó sẽ tiếp tục là một sự hiện diện quan trọng gần gũi với những ai đang đau khổ. Tôi cũng nghĩ đến những công việc bác ái của cộng đoàn Công Giáo địa phương và của các chị Nữ tu dòng Vô nhiễm Armenia và dòng Truyền giáo Bác ái của Chân phước Mẹ Maria Calcutta.
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, Mẹ của chúng ta, luôn trợ giúp anh chị em và dẫn dắt những bước đi của anh chị em trên con đường huynh đệ và hòa bình.
[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Bài giảng, 27 tháng 9 2001: Insegnamenti XXIV/2 [2001], pp. 478.