Sunday, 05 April 2020 08:09

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Featured

LTS : Hôm Chúa Nhật 15/05/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Trọng thể Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Đền thờ Thánh Phêrô vào lúc 10giờ00 sáng. Cùng đồng tế với ĐTC có gần 100 vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy chục Linh Mục. Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng: "Toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha bằng cách ban Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn, ủi an và bênh vực chúng ta trong cuộc sống".

***

***

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi!” (Ga 14,18)

 

Anh chị em thân mến,

Sứ mạng của Chúa Giêsu đã đạt tới tột điểm trong việc trao ban Chúa Thánh Thần. Sứ mạng ấy có mục đích căn bản là: tái khôi phục mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, mà mối tương quan đó đã bị phá vỡ vì tội lỗi; giải phóng chúng ta khỏi tình trạng mồ côi, và tái ban lại cho chúng ta tư cách làm con Thiên Chúa.

Khi viết cho các tín hữu thành Rôma, Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói rằng: “Tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa: nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Abba! – Cha ơi!” (Rm 8,14-15). Đây là mối tương quan được tái liên kết: Phụ tính của Thiên Chúa sẽ tái trở nên hữu hiệu trong chúng ta nhờ vào công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và nhờ vào các ơn ban của Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được ban xuống bởi Thiên Chúa Cha, và chính Ngài sẽ dẫn chúng ta đi đến với Thiên Chúa Cha. Toàn thể công trình cứu chuộc chính là một công trình tái sinh. Ở đây, nhờ vào các ân lộc của Chúa Cha và các ơn ban của Chúa Thánh Thần, phụ tính của Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi kiếp mồ côi mà chúng ta đã rơi vào đó. Ngay trong thời đại chúng ta, người ta cũng phát hiện ra những triệu chứng khác nhau mà chúng cho thấy tình trạng mồ côi của chúng ta: đó sự cô độc nội tâm mà chúng ta cũng nhận thấy giữa nhiều đám người, và đôi khi sự cô độc ấy sẽ có thể trở thành một nỗi buồn chán mang tính hiện sinh; đó là việc xem ra có vẻ thiếu phụ thuộc vào Thiên Chúa mà nó xuất hiện đồng thời với một sự khát khao nào đó về sự gần gũi của Ngài; đó là sự mù chữ theo nghĩa tinh thần mà nó rất phổ biến, đang làm cho chúng ta đánh mất đi khả năng cầu nguyện; đó là sự khó khăn trong việc cảm nhận được sự sống vĩnh cửu với tư cách là sự viên mãn của sự hiệp thông, mà sự hiệp thông ấy đã nhú mầm ngay ở đây rồi, và đơm bông kết trái sau khi chết, như là chân lý và thực tế; đó là sự vất vả trong việc nhìn nhận người khác như là những người anh chị em, theo mức độ mà những người anh chị em ấy đang là con cái của cùng một Thiên Chúa Cha; và những dấu chỉ tương tự khác.

Tư cách làm con Thiên Chúa, tức ơn gọi nguyên thủy của chúng ta, đối lập lại với tất cả những điều đó. Chính vì mục đích ấy mà chúng ta đã được tác thành nên; đó là gen ADN nội tại nhất của chúng ta, nhưng gen đó đã bị hủy hoại, và để tái khôi phục lại gen đó, sự hy sinh của người Con Một duy nhất là điều hết sức cần thiết. Từ ân sủng vô biên của Tình Yêu, mà cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá đã diễn tả, việc đổ Chúa Thánh Thần xuống như một dòng thác ân sủng vô tận, đã phát sinh cho toàn thể nhân loại. Ai dìm mình vào trong mầu nhiệm tái sinh này một cách tin tưởng, người ấy sẽ được tái sinh để bước vào sự viên mãn của sự sống với tư cách là con Thiên Chúa.

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi!”. Hôm nay, Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, những Lời của Chúa Giêsu cũng làm cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện từ mẫu của Mẹ Maria trong Nhà Tiệc Ly. Thân Mẫu của Chúa Giêsu đã hiện diện ở giữa Tông Đồ Đoàn khi họ đang quy tụ lại với nhau để cầu nguyện: Mẹ Maria chính là sự tưởng nhớ sống động của Chúa Con, và là lời kêu mời sống động của Chúa Thánh Thần. Mẹ là Thân Mẫu của Giáo hội. Chúng ta hãy trao phó cách đặc biệt cho Mẹ tất cả mọi Kitô hữu, các gia đình và các cộng đoàn, mà hơn bất cứ lúc nào hết, trong khoảnh khắc này, họ đang rất cần tới sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng bầu cử, Đấng cầu thay nguyện giúp, Đấng An Ủi, Thần Khí sự thật, tự do và hòa bình.

Thánh Phaolô đã không ngừng lập đi lập lại rằng, Chúa Thánh Thần chính là Đấng làm cho chúng ta trở thành những kẻ thuộc về Chúa Kitô: “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8,9). Và trong khi Chúa Thánh Thần gia cố mối tương quan của những kẻ thuộc về Chúa Kitô, Ngài làm cho chúng ta bước vào trong sự năng động mới của tình huynh muội. Nhờ vào người anh cả của tất cả mọi người, tức Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể bước vào trong mối tương quan với những người khác theo một cách thức mới, không còn phải là những kẻ mồ côi nữa, nhưng với tư cách là những người con của cùng một Thiên Chúa tốt lành và nhân hậu. Và điều đó biến đổi tất cả! Chúng ta sẽ có thể nhìn nhau như là những người anh chị em, và những khác biệt của chúng ta sẽ chỉ làm tăng thêm niềm vui cũng như làm tăng thêm sự ngỡ ngàng trước việc chúng ta cùng thuộc về một người Cha ấy, cũng như cùng thuộc về một tình huynh muội.

 

Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 15 tháng 05 năm 2016,

Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

+ Phanxicô

Giáo Hoàng