LTS : Hôm thứ bảy 23/4/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thông điệp video cho các Thanh Thiếu Niên nhân dịp Đại Hội Hành Hương Năm Thánh Lòng Thương Xót, được tập trung tại sân thế vận hội Rôma. Và sáng ngày Chúa Nhật 24/4/2016, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ cho các bạn trẻ và khách hành hương. Sau đây là bài giảng của Đức Giáo Hoàng:
***
***
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:
là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Các con thiếu niên, thiếu nữ thân mến, ngày hôm nay, Chúa đã giao cho các con một trách nhiệm lớn lao biết bao! Người phán với chúng ta rằng, thiên hạ sẽ nhận biết các môn đệ của Chúa Giêsu qua phong cách họ yêu thương nhau. Tình yêu, nói cách khác, là tấm thẻ căn cước của người Kitô hữu, đó là “tài liệu” duy nhất có giá trị để được công nhận là môn đệ của Chúa Giêsu. Nếu tài liệu đó hết hạn và không được thường xuyên đổi mới, chúng ta không còn là chứng nhân của Thầy nữa. Vì thế, cha hỏi các con: Các con có muốn đón nhận lời Chúa Giêsu mời gọi trở thành môn đệ của Người không? Các con có muốn là những người bạn trung thành không? Người bạn đích thực của Chúa Giêsu chủ yếu được nhận biết là bởi “tình yêu cụ thể”, chứ không phải tình yêu “trên mây”, không, “tình yêu cụ thể” chói sáng trong cuộc sống của mình. Tình yêu luôn là cụ thể. Ai không cụ thể mà nói về tình yêu chỉ là người làm phim nhiều tập trên truyền hình, làm tiểu thuyết truyền hình. Các con có muốn trải nghiệm cái tình yêu do Người ban xuống cho chúng ta không? Chúng ta hãy tìm cách vào học trong trường của Người, vốn là một học đường sự sống để dậy yêu thương. Và đó là một công việc của mỗi ngày: học tập yêu thương.
Đầu tiên và trước hết, yêu thương, thật là đẹp, đó là con đường để được hạnh phúc. Nhưng không phải là dễ, có nhiều đòi hỏi, cần sự nỗ lực. Chúng ta hãy nghĩ tới điều gì xẩy ra khi chúng ta nhận được một món quà tặng: điều đó khiến chúng ta sung sướng, nhưng để chuẩn bị món quà đó, nhiều người rộng lượng đã cống hiến thời gian và nỗ lực; và như thế, khi trao tặng chúng ta cái gì, những người đó cũng đã tặng cho chúng ta một chút gì của chính họ, chút gì mà họ đã phải nhịn. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến quà tặng mà cha mẹ các con, những huynh trưởng của các con đã hiến tặng các con để các con có thể đi tới Rôma cho ngày Đại Hội Năm Thánh này được dành cho các con. Họ đã lên kế hoạch, tổ chức, chuẩn bị tất cả cho các con, và điều này mang lại cho họ niềm vui, kể cả có khi chính bản thân họ đã phải từ chối một chuyến du ngoạn. Đó là sự cụ thể của tình yêu. Quả vậy, yêu thương “có nghĩa là cho đi”, không phải chỉ là cho đi vật chất, mà nhiều khi cho đi cái gì của chính mình: thời gian, tình bạn, khả năng của họ.
Chúng ta hãy trông lên Chúa, là Đấng rộng lương vô song. Chúng ta nhận được từ Người nhiều ân huệ, và mỗi ngày chúng ta phải tạ ơn Người… Cha muốn hỏi các con: Mỗi ngày các con có tạ ơn Chúa không? Dù cho chúng ta có quên Người, thì Người vẫn không quên, mỗi ngày ban cho chúng ta một món quà đặc biệt. Không phải là một món quà có thể cầm lấy trong tay và sử dụng, mà là một món quà to lớn cho cả cuợc đời. Người ban cho chúng ta “tình bạn chung thủy” của Người, tình bạn mà Người không bao giờ đòi lại. Dù cho con có làm Người thất vọng và tách xa Người, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương con và thân cận với con, vẫn tiếp tục tin tưởng nơi con, hơn cả con tin vào chính con nữa. Và điều đó là quan trọng! Bởi vì mối đe dọa chính ngăn chặn không cho con lớn nên người, chính là con không được ai tin tưởng – cái đó thật là buồn! -, khi con cảm thấy mình bị gạt ra xa. Trái lại, Chúa luôn ở với con và Người rất vui lòng khi ở với con. Cũng như Người đã làm với các môn đệ trẻ của Người, Người đã nhìn vào mắt con và gọi con hãy đi theo Người, hãy tin vào lời Người mà “tiến ra khơi”, và “thả lưới”, điều này có nghĩa là đặt hết tài năng của con trên đời nơi Người; một cách không sợ hãi. Chúa Giêsu kiên nhẫn đợi chờ con, Người đợi chờ một câu trả lời, Người đợi chờ câu “xin vâng” của con.
Các bạn trẻ thân mến, ở tuổi các con, nổi lên trong các con một cách mới mẻ, ước muốn yêu thương và được yêu thương. Nếu các con đến học trường của Người, Chúa sẽ dạy các con làm thế nào để sự yêu thương và trìu mến trở nên đẹp đẽ hơn. Người sẽ đặt trong trái tim các con một ý tốt, đó là ý “yêu thương mà không phải là chiếm đoạt”: tức là yêu thương người ta mà không muốn họ là của riêng mình, mà để họ được tự do. Quả thế, luôn có cám dỗ là làm ô uế tình yêu thương bởi tham vọng mang tính bản năng là chiếm lấy, là “sở hữu” cái gì mình thích: đó là tính ích kỷ. Và tương tự, nền văn hóa tiêu thụ tăng cường cho xu hướng đó. Nhưng mọi đồ vật, nếu ôm chặt quá, nó sẽ bị nhầu nát và hư hỏng: và rồi người ta sẽ thất vọng, tâm hồn bị xâm nhập bởi một sự trống vắng. Nếu các con lắng nghe lời Người, Chúa sẽ mặc khải cho các con bí quyết của sự trìu mến: “săn sóc” người khác, điều này có nghĩa là tôn trọng người đó, bảo vệ người đó và đợi chờ người đó. Đó là cụ thể của sự trìu mến và tình yêu thương.
Trong những năm tháng của tuổi trẻ, các con cũng cảm thấy một sự “ước muốn tự do” mãnh liệt. Nhiều người nói với các con rằng, tự do nghĩa là muốn làm gì thì làm. Nhưng ở đây cần phải biết nhiều lần nói “không”. Tự do không phải là luôn có thể làm điều gì tôi thích: điều này giam hãm, khiến ta xa cách, ngăn cản ta làm những người bạn cởi mở và chân thành; Không phải khi nào tôi cảm thấy thoải mái là mọi sự đều tốt đẹp. Tự do, ngược lại, là ân huệ có thể “lựa chọn cái tốt”: tự do là thế đó. Người tự do là người chọn lựa cái tốt, là người đi tìm điều gì vui lòng Thiên Chúa, kể cả điều đó đòi hỏi những nỗ lực, hay không mấy dễ dàng. Nhưng cha tin rằng các con, những người trẻ, các con không sợ phải nỗ lực, các con rất can đảm! Chỉ bằng những lựa chọn can đảm và mạnh mẽ, mới có thể thực hiện được những giấc mơ lớn lao đối với những người coi đây mới là điều xứng đáng để họ cống hiến cưộc đời mình. Các con đừng cam lòng chấp nhận cái tầm thường, “sống lay lất” trong tiện nghị và ngồi yên một chỗ; các con đừng tin vào những kẻ làm các con phân tâm rời bỏ sự phong phú đích thực, “là chính các con”, và nói với các con rằng cuộc đời chỉ đẹp khi mình có nhiều thứ: các con hãy đề phòng kẻ muốn làm cho các con tưởng mình có giá trị, khi mang chiếc mặt nạ mạnh mẽ, như những anh hùng trong phim, hay khi các con mặc những quần áo thời trang mới nhất. Hạnh phúc của các con là vô giá và không thể mặc cả được: không phải mà một “App” mà có thể tải về một chiếc điện thoại di động: kể cả phiên bản mới nhất cũng không thể giúp các con được tự do và lớn lên trong tình yêu. Sự tự do, là chuyện khác.
Vì tình yêu là một “ân huệ tự do” của kẻ có tấm lòng cởi mở; tình yêu là một trách nhiệm, nhưng là một trách nhiệm đẹp, kéo dài suốt đời; đó là sự cam kết hàng ngày của người biết thực hiện những giấc mơ lớn! Tôi nghiệp cho những người trẻ không biết mơ mộng, không dám mơ mộng! Nếu một người trẻ, ở độ tuổi các con, không có khả năng mơ mộng, hắn đã đến lúc về hưu rồi, hắn vô dụng! Tình yêu được nuôi dưỡng bằng tin tưởng, bằng tôn trọng và tha thứ. Tình yêu không được thực hiện bởi vì chúng ta nói về nó, mà khi chúng ta sống nó: nó không phải một bài thơ êm ái cần học thuộc lòng, nhưng là một sự chọn lựa cuộc sống cần mang ra thực hiện! Làm thế nào để chúng ta lớn lên trong tình yêu? Bí quyết vẫn là Chúa: Chúa Giêsu hiến thân cho chúng ta trong Thánh Lễ, Người ban cho chúng ta sự tha thứ và bình an trong Phép Giải Tội. Nơi đó, chúng ta học tập đón nhận Tình Yêu của Người, làm của riêng mình và làm cho tình yêu đó luân lưu trên thế giới. Và khi yêu thương có vẻ là nặng nề, khi khó khăn để nói không với điều sai trái, các con hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu, các con hãy ôm hôn Thánh Giá và đừng buông tay Người ra, bàn tay dẫn đưa các con lên cao và sẽ nâng đỡ các con dậy khi các con vấp ngã.
Cha biết các con có khả năng làm những động thái của tình bạn lớn lao và của lòng từ tâm. Các con được kêu gọi xây dựng tương lai như thế: với người khác và cho người khác, không bao giờ “chống” người khác! Người ta không xây dựng để “chống”: cái đó gọi là phá hủy. Các con sẽ làm những điều tuyệt diệu nếu các con chuẩn bị ngay từ bây giờ, bằng cách sống trọn vẹn tuổi thanh xuân của các con tràn đầy ân huệ, và không e sợ nỗ lực. Các con hãy làm như những nhà vô địch thể thao, đạt đến những mục tiêu cao cả nhất bằng cách rèn luyện khắc khổ hàng ngày với lòng khiêm nhượng. Mong rằng chương trình hàng ngày của các con là những công trình lòng thương xót: các con hãy hăng hái rèn luyện nó, để trở thành những “nhà vô địch của sự sống, vô địch của tình yêu!”. Như thế, các con sẽ được nhận biết như là các môn đệ của Chúa Giêsu. Và niềm vui của các con sẽ được trọn vẹn.
Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/jubile-des-ados-soyez-des-champions-texte-complet/