Phaolô Phạm Xuân Khôi
Trong các văn kiện của Công Đồng có ba văn kiện đề cập đến những vấn đề mà các Công Đồng trước đây không đề cập đến là vấn đề Tự Do Tôn Giáo, Đại Kết và liên hệ với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo. Nhiều người cho rằng theo tinh thần của ba văn kiện này thì chúng ta chỉ cần đối thoại với những người ngoài Công Giáo chứ không cần phải truyền giáo nữa, vì Hội Thánh công nhận con người chỉ cần sống theo lương tâm là đủ và các tôn giáo khác dù là Tin Lành, Do Thái giáo, Phật Giáo hay Hồi Giáo đều là những phương tiện cứu độ của Thiên Chúa. Như thế thì Sắc Lệnh về truyền giáo được viết ra để làm gì vì nó xem ra trái ngược với tinh thần của ba văn kiện nói trên. Thực ra bốn văn kiện này liên hệ mật thiết với nhau và bổ túc cho nhau. Trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ tóm tắt những điểm chính của cả bốn văn kiện và trình bày sự liên hệ giữa chúng và với những văn kiện khác của Công Đồng, đặc biệt là với sự vụ truyền giáo.
1. Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Digitatis Humanae)
Digitatis Humanae nói rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền này do Thiên Chúa ban. Vì thế, trong lãnh vực tôn giáo, không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với những người khác, trong những giới hạn chính đáng. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự.
Điều này không có nghĩa là Hội Thánh coi tất cả các tôn giáo đều như nhau, vì các Nghị Phụ nói thêm về Kitô Giáo rằng “Chúng tôi tin rằng Tôn Giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền. Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người,” (1) và mọi người không những chỉ có quyền, mà còn có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý (2). Vì thế, tuy có quyền tự do tôn giáo, nhưng bổn phận của con người là “phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tin theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý.”(3) Nhiệm vụ thiết yếu của quyền bính dân sự là bảo vệ và phát huy những quyền bất khả xâm phạm của con người. Do đó, quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân (6 và 7).
Công Đồng không quên nhấn mạnh rằng Hội Thánh “phải làm việc không quản khó nhọc: ‘để Lời Chúa được lan rộng và sáng tỏ’ (2Th 3:1)” cùng tha thiết xin các con cái mình cầu nguyện cho hết mọi người để họ nhận biết chân lý. Hội Thánh cũng nhắc nhở các tín hữu phải luôn luôn tìm cách thấu hiểu chân lý mà Chúa đã trao ban, phải trung thành loan truyền và can đảm bảo vệ nó, nhưng không được dùng những phương tiện trái với tinh thần Tin Mừng. Đồng thời họ hãy lấy tình thương, sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn để đối xử với những kẻ chưa nhận biết đức tin (14).
2. Sắc Lệnh về Đại Kết– Hiệp Nhất Kitô giáo (Unitatis Redintegratio)
Digitatis Humanae được soạn thảo dựa trên giáo huấn của Lumen Gentium. Sắc Lệnh quả quyết rằng Đức Kitô thành lập một Hội Thánh, và Hội Thánh này ‘tồn tại’ trong Hội Thánh Công Giáo. Ngay từ buổi sơ khai, trong Hội Thánh độc nhất và duy nhất của Thiên Chúa đã xuất hiện ít nhiều rạn nứt. Nhưng trong các thời đại kế tiếp, phát sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều cộng đoàn đáng kể đã hoàn toàn ly khai khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh này, mà “đôi khi cũng tại lỗi những người ở cả hai bên.” Những người “tin ở Đức Kitô và đã được rửa tội đúng phép vẫn còn hiệp thông với Hội Thánh này một cách nào đó cho dầu không được hoàn hảo.”
Digitatis Humanae nhìn nhận rằng “có một số yếu tố, thậm chí có rất nhiều yếu tố trong những yếu tố quan trọng nhất và những đóng góp là những gì cùng nhau xây dựng và đem lại sự sống cho chính Hội Thánh, có thể hiện hữu ở bên ngoài biên giới hữu hình của Hội Thánh Công Giáo: như Lời Chúa bằng văn tự, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy và bác mến, cùng những ơn bề trong khác của Chúa Thánh Thần, cũng như những yếu tố hữu hình. Tất cả những điều này, là những điều đến từ Đức Kitô và dẫn chúng ta trở lại với Người, đương nhiên thuộc quyền Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô” (3). Nói cách khác, mặc dù còn “những khiếm khuyết”, đặc biệt là quanh việc nhìn nhận Tòa Thánh Phêrô, Bí Tích Thánh Thể, và các bí tích khác, nhất là Bí Tích Truyển Chức Thánh, chúng ta thừa nhận rằng: “Thánh Thần của Đức Kitô không khước từ sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý đã được ủy thác cho Hội Thánh Công Giáo.”
Sau khi thừa thừa nhận điều này, Sác Lệnh nói về việc thực hành đại kết, bằng cách đề nghị cầu nguyện chung, mặc dù việc cùng nhau cầu nguyện này chưa có tính bí tích; triệt để học hỏi các truyền thống của nhau; cộng tác với nhau trong việc truyền giáo; và trình bày rõ ràng giáo huấn Công Giáo như phương tiện hướng đến hiệp nhất Kitô giáo.
Một sự phân biệt cẩn thận được viết trong các chương 14 đến 17 về sự tách biệt giữa các Hội Thánh Đông Phương (Chính Thống Giáo) và Tây phương. Các Hội Thánh Đông Phương vẫn còn giữ quyền kế vị các Tông Đồ và các Bí Tích, được coi là “các Hội Thánh chị em” (14), và văn kiện vạch ra vẻ đẹp của nghi thức phụng tự của họ, và truyền thống vĩ đại của các Giáo Phụ Đông Phương, như những nguồn nguồn mạch cũng làm cho Hội Thánh Tây Phương thêm phong phú.
Để kết luận, Digitatis Humanae khuyến cáo các tín hữu phải “tránh mọi sự nhẹ dạ và nhiệt thành thiếu khôn ngoan” có thể phương hại tới việc phát triển công cuộc hiệp nhất. Hoạt động hiệp nhất của họ phải hoàn toàn “trung thành với chân lý do các Tông Ðồ và các Giáo Phụ truyền lại và phù hợp với đức tin luôn được Hội Thánh Công Giáo tuyên xưng, đồng thời hướng tới sự sung mãn nhờ đó Chúa muốn Thân Thể Người được lớn lên qua các thời đại” (24).
3. Tuyên Ngôn về Liên Lạc với cácTôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate)
Tuyên Ngôn Nostra Aetate là một văn kiện bị hiểu lầm và bị cắt nghĩa sai lầm nhiều nhất. Sở dĩ có sự sai lầm này vì bản dịch tiếng Việt của GHHV Piô X không chỉnh, và có một số thần học gia nổi danh đã cố tình dùng một phần của văn kiện này để biện minh cho những suy tư thần học trái ngược với giáo huấn của Hội Thánh về vai trò của Đức Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt là các thần học gia chủ trương “tôn giáo đa nguyên” (religious pluralism) và những người cho rằng mình có thể “theo nhiều tôn giáo một lúc” (multiple religious belonging).
Trong phần mở đầu, Nostra Aetate tuyên bố rằng “mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa.” Vì thế mà con người cảm nhận được sự hiện hữu của một quyền lực hay một vị Thần Linh Tối Cao. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống họ thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo.
Đối với các tôn giáo lớn trên thế giới như Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo: “Hội Thánh Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Hội Thánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường mang lại một tia sáng của Chân Lý ấy, là Chân Lý chiếu soi tất cả mọi người.” Bản dịch của GHHV Piô X dịch sai là “cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người.” Vì dịch tia sáng thành ánh sáng nên nhiều người giải thích rằng các tôn giáo khác tự chúng cũng có ánh sáng chân lý. Nhưng Công Đồng nói rõ là các tôn giáo khác “cũng thường đem lại một tia sáng của Chân Lý ấy”, có nghĩa là các tôn giáo khác chỉ có thể đem lại cho người ta ánh sáng khi phản chiếu một tia sáng (radium) của Chân Lý ấy (illius Veritatis), và Chân Lý ấy cũng là Ánh Sáng muôn dân (Lumen gentium), tức là Đức Kitô.
Nostra Aetate cũng nhắc nhở các tín hữu rằng “Hội Thánh rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Đức Kitô, Ðấng là ‘đường, sự thật và sự sống’ (Ga 14:6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình”. Câu này thường bị người ta bỏ qua khi trích dẫn Nostra Aetate. Cuối cùng, nhiều người chỉ nhấn mạnh đến câu: “Hội Thánh khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác” mà bỏ câu: “bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô hữu” để biện minh cho những học thuyết sai lạc của mình.
Sau đó Tuyên Ngôn nói đến những điểm khác biệt và tương đồng và giữa Công Giáo và Hồi Giáo, đặc biệt là việc họ tôn kính Đức Mẹ và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ, cùng việc họ tôn trọng đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Cuối cùng Tuyên Ngôn kêu gọi mọi người nên quên đi những bất hòa và hiềm thù trong quá khứ “để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người.”
Về Do Thái giáo, Nostra Aetate “tuyên xưng rằng mọi Kitô hữu đều là con cái ông Abraham theo đức tin…. cũng như sự cứu độ của Hội Thánh đã được ám chỉ cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành của dân ưu tuyển ra khỏi đất nô lệ….” Các Tông Ðồ cũng như rất nhiều môn đệ đầu tiên của các ngài đã sinh ra từ dân tộc Do Thái. Do đó, “vì người Do Thái và Kitô hữu cùng có chung một di sản tinh thần thật vĩ đại, nên Thánh Công Ðồng muốn cổ võ, khuyến khích sự hiểu biết và kính trọng nhau, nhất là bằng việc học hỏi Thánh Kinh, thần học và đối thoại trong tinh thần anh em.” Còn việc giết Chúa, chúng ta cũng không thể quy trách một cách hàm hồ cho tất cả những người Do Thái đương thời, mà không có sự phân biệt, hoặc người Do Thái của ngày nay.
Một lần nữa, trước khi nói đến vấn đề kỳ thị (5), Công Đồng nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh có bổn phận “loan báo thập giá Đức Kitô như dấu hiệu tình yêu Chúa đối với hết mọi người và như nguồn mạch mọi ân sủng.”(4)
4. Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Hội Thánh (Ad gentes)
Ad gentes quả quyết rằng vì được Thiên Chúa sai đến muôn dân như “bí tích cứu độ phổ quát”, Hội Thánh, nhất quyết loan báo Tin Mừng cho hết mọi người. Tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Hội Thánh, là muối đất và ánh sáng trần gian, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để “cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Đức Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất” (1). Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo (2). Ý định của Chúa Cha nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những kế hoạch tôn giáo. Đôi khi các tôn giáo có thể được coi như những con đường hướng về Thiên Chúa hoặc chuẩn bị Tin Mừng, nhưng chúng cần phải được soi dẫn và tu bổ. Hơn nữa, Chúa Cha đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan cùng hòa giải họ với chính Ngài. Do đó, bằng đường lối nhập thể, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Những gì Chúa Giêsu đã một lần rao giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được công bố và truyền bá tới tận cùng trái đất, bắt đầu từ Giêrusalem ngõ hầu những gì đã một lần thực hiện cho phần rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực qua suốt dòng thời gian, cho hết mọi người (3). Chính Chúa Giêsu trước khi tự hiến cho thế gian, đã xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi (4). Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh làm bí tích cứu độ, và sai các Tông Ðồ đi khắp thế gian khi Người truyền: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân: rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20). Do đó, Hội Thánh có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Đức Kitô (5). Vì thế hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Hội Thánh, và tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy tụ vào một đoàn duy nhất, và như thế họ có thể đồng lòng làm chứng về Đức Kitô trước mặt muôn dân (6). Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, Ðấng “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Giêsu Kitô, Ðấng đã tự hiến để cứu chuộc mọi người” (1Tm 2:4-6), “và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác” (Cv 4:12). Vậy mọi người, nhờ lời giảng dạy của Hội Thánh mà nhận biết Người, phải trở lại với Người và chịu phép Rửa để tháp nhập vào chính Người và vào Hội Thánh, Thân Thể Người. Sau cùng, nhờ hoạt động truyền giáo này, Thiên Chúa được hoàn toàn tôn vinh, một khi con người ý thức chấp nhận hoàn toàn công trình cứu chuộc mà Ngài đã hoàn thành trong Đức Kitô. Do đó, nhờ hoạt động truyền giáo, ý định của Thiên Chúa được hoàn tất (7).
5. Liên hệ giữa Bốn Văn Kiện và Các Văn Kiện khác của Công Đồng
Sở dĩ người ta thấy có những điều trái ngược giữa bốn văn kiện trên vì có nhiều người đã trích dẫn một phần của một văn kiện mà không đếm xỉa gì đến sự liên hệ của nó với những phần khác để biện minh cho những lập luận của họ. Để hiểu các văn kiện cho đúng, chúng ta phải đọc chúng theo giáo huấn của bốn Hiến Chế của Công Đồng, đặc biệt là Lumen gentium và Dei Verbum. Hơn nữa còn phải chú ý đến mức độ ưu tiên của các văn kiện, trong đó các Hiến Chế Tín Lý đứng hàng đầu, rồi đến Hiến Chế Mục Vụ, sau đó mới đến các Sắc Lệnh và cuối cùng là các Tuyên Ngôn. Chúng tôi sẽ giải thích rõ về mức độ ưu tiên của các văn kiện này trong những bài sau. Để giúp chúng ta hiểu đúng các văn kiện Công Đồng, Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 đã đưa ra những nguyên tắc để giải thích các văn kiện của Công Đồng trong đó nhấn mạnh bốn điểm chính sau đây:
• Mỗi đoạn và văn kiện của Công Đồng phải được giải thích theo nội dung của những văn kiện khác, để người ta có thể hiểu đúng toàn thể giáo huấn của Công Đồng;
• Bốn hiến chế của Công Đồng là chìa khóa để giải thích những văn kiện khác;
• Tầm quan trọng về mục vụ của các văn kiện không được tách rời khỏi, hoặc đưa ra đối chọi với, nội dung tín lý của nó.
• Công Đồng phải được giải thích trong sự liên tục với truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, kể cà các Công Đồng trước.
Do đó khi không áp dụng những nguyên tắc này vào việc giải thích các văn kiện Công Đồng sẽ gây ra sai lầm hay bóp méo những giáo huấn của Hội Thánh, làm cho các văn kiện này thay vì hòa hợp với nhau thì lại xung khắc nhau.
Kết Luận
Theo Lumem gentium thì Hội Thánh xem tất cả những gì là chân thiện nơi những người ngoài Kitô giáo như để chuẩn bị họ lãnh nhận Tin Mừng, và như một ân huệ mà Thiên Chúa ban cho họ để họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm mà phán đoán sai lạc khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, phụng sự tạo vật hơn là Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1:21, 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: “Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16:15), nên Hội Thánh tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo (LG 16). Hoạt động của Giáo Hội Thánh không nhằm tiêu diệt những gì là thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, nhưng thanh lọc, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người ( LG 17).
Trong Unitatis Redintegratio, Digitatis Humanae và Nostra Aetate, các Nghị phụ cũng nhắc nhở các tín hữu phải luôn luôn nhớ đến sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã truyền và phải trung thành với giáo lý của Hội Thánh. Như vậy chúng ta thấy hai Tuyên Ngôn Digitatis Humanae và Nostra Aetate không phải là giáo huấn về tín lý của Hội Thánh mà là những lời Hội Thánh muốn ngỏ cùng tất cả mọi người kể cả những người ngoài Công Giáo. Đương nhiên là khi nói với họ, Công Đồng muốn nói ngắn gọn mà không đề cập đến những vấn đề tín lý sâu xa như được nhắc đến trong các Hiến Chế hay Sắc Lệnh dành cho người Công Giáo. Vì thế không thể chỉ trich dẫn một vài câu trong hai văn kiện trên để cho đó là toàn thể giáo huấn của Hội Thánh về Tự Do Tôn Giáo hay về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo. Và nhất là không thể chỉ dựa vào một phần của những văn kiện ấy mà kết luận rằng chúng ta không cần phải truyền giáo nữa.
Viết theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X đối chiếu bằng bản Latinh của Tòa Thánh.