Saturday, 04 April 2020 15:08

Công Đồng Vatican II: Giáo Hội Bước Vào Thế Giới Featured

Bài của Samuel Lieven *

Phan Nam chuyển ngữ


Công đồng Vatican II (1962-1965) đã muốn hòa giải Giáo hội với thế giới. 50 năm sau ngày khai mạc, việc đó đã được thực hiện đến đâu ? Cùng với sử gia Philippe Levillain và Đức Tổng giám mục Gérard Defois, một nhà thần học, chúng ta cùng xem lại câu chuyện về một cuộc phiêu lưu mới chỉ trong những giai đoạn khởi đầu.

“ĐỂ cho một chút gió mát tràn vào trong căn nhà Giáo hội !” Đức Gioan XXIII đã diễn tả chính xác những gì ngài trông chờ vào việc triệu tập một công đồng chung ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng (1958-1963). Tuy nhiên, ngày 25-1-1959, khi vị tân giáo hoàng công bố cho các hồng y đang tụ họp trong Thánh đường Thánh-Phaolô-ngoại-thành dự án triệu tập các giám mục của toàn thế giới về Rôma, thì những lời của ngài được đón nhận trong một bầu khí im lặng hoàn toàn. Một công đồng ? Đó là một ý tưởng kỳ lạ không ai chờ đợi từ con người ngoại giao chuyên nghiệp có phong thái nhân từ này mà triều đại của ngài có vẻ như được báo trước là sẽ – quá ? – êm đềm. Công đồng cuối cùng trong lịch sử Giáo hội là Công đồng Vatican I (1870), sau khi thông qua tín điều vô ngộ của giáo hoàng, đã bị gián đoạn trong những hoàn cảnh bi đát – các đội quân của Ý chiếm Rôma. Tiếp đó, các dự án công đồng được soạn thảo dưới triều đại Đức Piô XI và Đức Piô XII chỉ nằm trên giấy. Vì thế mà lời loan báo của Đức Gioan XXIII hoàn toàn chìm lắng trong dư luận. “Triều đại của Đức Piô XII vừa kết thúc sau một cơn hấp hối dài. Trong những năm chiến tranh lạnh và những năm phát triển kinh tế vững vàng ấy, Rôma xem ra hoàn toàn đứng ngoài cuộc”. Đó là nhận định của ông Philippe Levillain, một sử gia chuyên về các triều đại giáo hoàng và là tùy viên báo chí của Tòa đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh trong giai đoạn diễn ra Công đồng.

Tại Pháp, đó là thời kỳ của hiện đại hóa, của việc suy nghĩ về vai trò của linh mục trong môi trường thành thị, của việc đưa ra một nền giáo lý phù hợp hơn với cuộc sống của con người… Tình trạng trăm hoa đua nở về thần học này gây nên những lo ngại cho Vatican về những đe dọa đến cốt lõi của Đức Tin. “Những nhiệt tình sáng tạo của chúng ta, cụ thể trong lãnh vực phụng vụ, đã bị các cấp thẩm quyền dè chừng”, Đức Tổng Giám mục Gérard Defois, lúc đó làm tuyên úy cho một trường trung học, nhớ lại. Còn đối với các thần học gia tên tuổi như các cha dòng Đa Minh Yves Congar, Marie-Dominique Chenu, linh mục dòng Tên Henri de Lubac, những vị này về sau là những bộ óc suy tư của Công đồng -, thì cuối những năm 1950 bị cấm giảng dạy. ”Nói thế để thấy rằng loan báo triệu tập Công đồng đến từ Rôma đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên biết mấy. Bởi vì người ta có thể trông chờ gì với một tình hình như thế”, Đức Cha Defois chia sẻ.

Sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ

Sử gia Philippe Levillain đã tổng kết rằng : “Làm cho Giáo hội thích nghi với thế giới hiện đại sau hai thế kỷ đối nghịch và trì hoãn : đó là toàn bộ công việc của Công đồng Vatican II”. Và một vị giáo hoàng như Đức Gioan XXIII phát động một sự kiện như thế, “sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ”, như Tướng de Gaulle nói sau đó, không phải là không có lý do. Làm sứ thần Tòa Thánh tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trong thời gian trước chiến tranh (Đệ nhị Thế chiến), Đức Giám mục Angelo Roncalli đã có kinh nghiệm về một Giáo hội mỏng dòn và thiểu số khi phải cố gắng tạo cho mình ý thức về tinh thần đại kết bên cạnh các Giáo hội Chính Thống giáo. Được bổ nhiệm làm sứ thần tại Paris sau Ngày Giải phóng (Paris), ngài đã nhìn thấy ở đó những biến chuyển của xã hội và những sáng kiến của hàng giáo sĩ. Vì thế mà ông Philippe Levillain đã nhấn mạnh : “Mang tinh thần phương Đông và hiện đại, là vị mục tử nồng hậu và gần gũi con người, Đức Gioan XXIII có nỗi ưu tư làm sao cho truyền thống của Giáo hội trở nên sống động”.

Nỗi ước muốn có một “aggiornamento” (cập nhật hóa) cho Giáo hội của vị giáo hoàng đã khởi sự, ngày 11-10-1962, bằng một cuộc trực tiếp truyền hình lịch sử trên toàn thế giới : hơn 2.300 vị giám mục và hồng y từ tất cả các châu lục, các nền văn hóa và chế độ chính trị, đã tạo thành một đoàn rước tiến vào đại thánh đường Thánh Phêrô để khai mạc Công đồng. Hàng trăm đại diện của các Giáo hội khác cũng được đến tham dự với tư cách dự thính. Đức Gioan XXIII đã tham dự năm hay sáu tháng làm việc đầu tiên của Công đồng. Công đồng Vatican II kéo dài từ 1962 đến 1965, mỗi năm có một khóa họp, trong đó các “nghị phụ công đồng” xem xét tất cả các lãnh vực : đức tin, phụng vụ, tự do tôn giáo, quan hệ với các tôn giáo khác… Để làm được việc đó, các ngài dựa trên sự giúp đỡ của gần 500 chuyên viên thần học được Đức Giáo hoàng chỉ định, trong số đó có nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Kung và nhà thần học người Đức Joseph Ratzinger, tức là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI hiện nay.

Khi bắt đầu khóa họp đầu tiên, vào tháng 10-1962, các nghị phụ công đồng phát hiện ra một chương trình đã được sắp xếp trước bởi Giáo triều Rôma trong giai đoạn chuẩn bị (1959-1962). Phản ứng trước cách làm việc này, các Đức Hồng y Achille Liénart, Giáo phận Lille; và Joseph Frings, Tổng Giám mục Cologne, yêu cầu phải để cho các nghị phụ chủ động sắp xếp công việc của Công đồng. Đức Giáo hoàng đồng ý. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm !

Tiếp theo sau sự kiện đầy kịch tính này, Công đồng diễn tiến trong một bầu khí đổi mới năng động mà ngay cả cái chết của vị “Giáo hoàng nhân từ” Gioan, vào tháng 6-1963, cũng không làm cho Công đồng bị gián đoạn : Ngay sau khi được bầu, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đồng ý để cho Công đồng tiếp tục và ngài đã bế mạc vào tháng 12-1965 trong một bầu khí hân hoan. Các hiến chế tín lý quan trọng đã cung cấp cho Giáo hội những đường hướng để bước vào thiên niên kỷ thứ ba : Hiến chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân) nói về Giáo hội như sự hiệp thông của các tín hữu; Hiến chế Dei Verbum(Lời Chúa) xác định Lời Chúa được đặt lại vào trung tâm đời sống của các Kitô hữu; Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) nói về mối quan hệ của Giáo hội với thế giới; Hiến chế Sacrosanctum concilium (Phụng vụ Thánh) về phụng vụ. Các văn kiện khác, như các tuyên ngôn Dignitatis humanae (Phẩm giá con người – về vấn đề tự do tôn giáo) và Nostra Aetate (Thời đại của chúng ta – vấn đề liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo) đưa ra các nguyên tắc cơ bản như quyền tự do lương tâm và sự cần thiết đối với mọi Kitô hữu đi gặp gỡ các tôn giáo khác.

Và sở dĩ Công đồng đã đến được với biết bao con người, đó là vì Vatican II là một công đồng của truyền thông. Sự hiện diện của giới truyền thông tại Rôma ngày càng tăng trong khoảng thời gian từ 1962 đến 1965. Ông Philippe Levillain nhớ lại : “Khởi đầu, các phiên thảo luận về các tín lý chỉ tạo ra một sự quan tâm hạn chế. Nhưng rồi dần dần, dư luận đã trông chờ các nghị phụ công đồng mang đến cho con người những câu trả lời cho mọi lo âu của thế giới.” Các nhà báo, vì muốn diễn tả các cuộc tranh luận bằng những từ ngữ dễ hiểu, đã áp dụng cho Giáo hội cách nói xuất phát từ giới chính trị : phe tiến bộ, phe bảo thủ… “Cách diễn tả có tính hai mặt này đã gây nhiễu đáng kể cuộc thảo luận thần học và cho đến hôm nay còn làm sai lệch sự hiểu biết của nhiều người về Công đồng”, Đức Giám mục Defois bày tỏ sự tiếc nuối.

Một “đổi mới trong tinh thần tiếp nối”

Vấn đề còn lại, sau 50 năm, đó là cuộc tranh cãi phải dành chỗ đứng nào cho Công đồng Vatican II. Aggiornamento mà Đức Gioan XXIII mong muốn đã trở thành, dưới ngòi bút của Đức Bênêđictô XVI, một “đổi mới trong tinh thần tiếp nối”. Một tư sắc của Đức Giáo hoàng đã “phục hồi” cách cử hành phụng vụ thời trước Công đồng (“nghi thức đặc biệt”) là nhằm vượt qua tình trạng đối đầu – mà theo Đức Giáo hoàng là giả tạo – giữa truyền thống và cải cách của Giáo hội.

Trong lúc đó, tình trạng bùng nổ thành thị, tình trạng tăng tốc toàn cầu hóa, tình trạng đa nguyên các xã hội đã làm vỡ tung các quy chiếu truyền thống. Các thái độ và các chờ đợi đối với Giáo hội ngày càng mang tính cá nhân. Có phải những thứ đó đã làm cho gia tài của Vatican II trở nên lỗi thời ? Đức Giám mục Defois đánh giá : “Chúng ta còn phải rút ra các hệ quả từ gần 80% các văn bản của Công đồng. Những triển khai dành cho sự gặp gỡ, cho đời sống cộng đoàn và cho mối quan hệ liên minh còn hoàn toàn chưa được khai thác. Đi ra gặp gỡ thế giới, hoạt động cho sự hiệp nhất của nhân loại : trực giác của các nghị phụ Công đồng chưa bao giờ tỏ ra đúng đắn hơn cho việc loan báo Tin Mừng trong thế kỷ XXI.”  Và Đức Giám mục Defois kết luận : “Mục đích không phải là mở rộng Giáo hội, nhưng làm cho Giáo hội biết sản sinh ra sự sống.”