Saturday, 25 January 2020 01:21

Lý Học Về Thượng Đế (Thần Luận Hay Thượng Đế Luận) Featured

LÝ HỌC VỀ THƯỢNG ĐẾ

(THẦN LUẬN HAY THƯỢNG ĐẾ LUẬN)

Lm. G.B. Nguyễn Đăng Trực, OP.

***

***

DẪN NHẬP

        CHƯƠNG I:  KHÁI QUÁT VỀ THƯỢNG ĐẾ
                              TIẾT 1:  ơng quan giữa con người và thượng đế
                              TIẾT 2:  Sự dữ và những vấn đề về thượng đế
                              TIẾT 3:  Khoa học và vấn đề thượng đế
                              TIẾT 4:  Tự do và vấn đề thượng đế

        CHƯƠNG II:  NHỮNG CHỨNG CỨ VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THƯỢNG ĐẾ
                              TIẾT 1:  Ý nghĩa và tầm mức
                              TIẾT 2:  Ngũ đạo của thánh Tôma Aquino
                             
        CHƯƠNG III:  THÁNH TÔMA VÀ LÝ THUYẾT VŨ TRỤ HỌC HIỆN ĐẠI
                               TIẾT 1:  Sáng tạo, tiến hóa theo thánh Toma Aquino
                               TIẾT 2:  Thánh Tôma Aquino và thuyết tiến hóa Big Bang

PHỤ LỤC

***

DẪN NHẬP

 

Lý học về Thượng Đế còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau: triết học về Thượng Đế (philosophy of God); thần học tự nhiên (natural theology); thần luận (theodicy); thần triết học (philosophical theology); thần lý học (rational theology) và nhiều tên gọi khác như: Thượng Đế học, gọi tên Thượng Đế; khám phá Thượng Đế v.v… Tựu trung, đó là môn học về Thượng Đế qua suy tư triết học, nghĩa là những gì lý trí tự nhiên của con người có thể khám phá về Thượng Đế như sự hiện hữu bản chất, thuộc tính hay các ưu phẩm: đơn thuần, phi vật chất, vĩnh cửu và những hoạt động hướng ngoại (sáng tạo…) của Thượng Đế trong thế giới.

Khác với thần học thánh (sacred theology) có mục tiêu tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa dựa vào ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa. Như vậy đối tượng chung của hai môn học (thần học tự nhiên và thần học siêu nhiên) hay còn gọi là đối tượng chất thể (material object) là Thượng Đế hay Thiên Chúa. Còn đối tượng đặc thù hay đối tượng riêng, còn gọi là đối tượng mô thể (formal object) của thần học tự nhiên là khám phá Thượng Đế dựa vào ánh sáng tự nhiên của lý trí.

Tuy nhiên, một số người dựa vào sách Thánh qua những cách diễn tả: Thiên Chúa là đấng “ẩn mình”; “tư tưởng của Ngài vượt xa tư tưởng loài người” để phủ nhận khả năng lý trí có thể khám phá và nhận biết Thiên Chúa. Triệt để hơn, thần học gia Karl Barth khẳng định rằng: môn thần học tự nhiên tự căn bản là sai lầm, vì theo ông, giữa tin và không tin có một sự đứt đoạn (discontinuity) tuyệt đối nghĩa là Thiên Chúa hoàn toàn là một Ai khác (Wholly Other), con người không thể nhận biết Ngài vì luôn ở trong tình trạng vô tri tuyệt đối (total ignorance). Đối với Thánh Toma Aquinô, về phương diện nhận thức, giữa tin và không tin còn có một nhịp cầu gọi là “khai đoạn đức tin” (preambles of faith).

Một số người khác dựa vào phân tích triết học để giới hạn khả năng lý trí con người đối với thế giới siêu nghiệm. Tiêu biểu là triết gia Immanuel Kant, ông phân biệt thế giới tự thể (noumenon) chỉ nhận thức được bằng trực giác tri thức (intellectual intuition) với thế giới hiện tượng (phenomenon) không nhận thức được bằng trực giác giác quan (vì ông không công nhận có trực giác giác quan) mà chỉ nhận thức được bằng những hình thức tổng hợp thuộc khả cảm tính (synthetic forms of sensibility) cùng với các phạm trù hiểu biết (categories of understanding). Tuy nhiên, theo ông tâm trí con người chỉ tiếp xúc được với thế giới hiện tượng, nhưng thế giới hiện tượng lại vô cơ cấu, vô định hình, nếu muốn tri thức chúng, lý trí phải áp đặt những thể thức (forms) hay cơ cấu (structures) mới có thể hiểu biết được. Lý trí xử lý dữ liệu nhận được qua các giác quan bằng các phạm trù của trí tuệ. Phạm trù của trí tuệ là hoàn toàn hình thức, chúng không có nội dung. Nội dung phải được các giác quan cung cấp. Vì thế phạm trù chỉ là những quy tắc để tổ chức dữ kiện và nếu không có các dữ kiện, chúng trở nên trống rỗng. Trí tuệ được các giác quan cung cấp dữ kiện để những phạm trù của trí tuệ tổ chức. Thượng Đế không phải là dữ kiện giác quan nên trí tuệ không tổ chức được Ngài. Lý trí không có khả năng vượt qua kinh nghiệm khả giác nên gọi là lý trí bị giới hạn (J.P.II gọi là lý trí tách biệt ratioseparata) nhưng Kant tìm cách giới hạn lý trí để tạo không gian cho đức tin. Cần lưu ý, nguyên lý nhân quả cũng là một trong các phạm trù của trí tuệ, nó là nguyên lý của trí tuệ giới hạn, nên chỉ dùng để tổ chức các dữ kiện được giác quan cung cấp, không áp dụng cho những gì nằm bên ngoài mọi kinh nghiệm khả giác, do đó, không thể dựa vào nguyên lý nhân quả để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế, Ngài không phải là đối tượng của nhận thức giác quan. Ngài thuộc thế giới siêu nghiệm, là đối tượng của trực giác trí tuệ hay tri thức nói trên. Đó là lý do Kant phủ nhận khả năng của luận chứng vũ trụ học (cosmological argument) nhằm đạt tới thực tại tối hậu.

Vai trò của lý trí trong Kitô giáo

Trong thông điệp “Đức tin và lý trí” Đức Joan Phaolo II đã mở đầu bằng một khẳng định rất ấn tượng “Đức tin và lý trí ví được như đôi cánh giúp trí tuệ con người vươn lên chiêm ngưỡng Chân lý… tựu trung là nhận biết chính Thiên Chúa”. Kiểu nói đức tin và lý trí diễn tả một tổng hợp quân bình như chức năng đôi cánh lành mạnh, khác với cách diễn tả lưỡng phân (dichotomy): đức tin hay lý trí, có nguy cơ làm lệch sự cân bằng.

Trong thông điệp “Spe Salvi” Đức Benedicto 16 cũng viết “Đức tin mà không có lý trí sẽ trở nên chủ nghĩa quá khích. Lý trí mà không có đức tin sẽ dẫn đến sự bế tắc tuyệt vọng. Lý trí cần đến đức tin nếu như nó muốn trở thành toàn diện. Lý trí và đức tin cần đến nhau tự bản chất và do sứ vụ của chúng”. Theo đó, “Đức tin có thể làm cho lý trí thực hiện chức năng của nó cách hữu hiệu hơn và nhận ra đối tượng riêng của nó cách rõ ràng hơn” (Deus Caritas est, 28).

Nhân ngày lễ kính thánh Toma Aquino, 28/01/2007, Đức Benedicto 16 cũng nhắc lại tổng hợp đức tin và lý trí do thánh nhân khởi xướng từ thời Trung cổ: “Nhờ đặc sủng vừa là triết gia vừa là thần học gia, thánh Toma đã đề xuất một tổng hợp tuyệt vời giữa đức tin và lý trí. Hai chiều kích này thể hiện cách hữu hiệu trong các cuộc gặp gỡ và đối thoại của con người”.

Trong lãnh vực tri thức học, khi bàn về khả năng của lý trí đạt tới chân lý đức tin, thánh Toma viết “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng Thiên Chúa lay động”. Rõ ràng đối với Kito hữu đức tin không phải là hành vi mù quáng (chúng ta sẽ bàn vấn đề này trong môn tri thức học).

Phạm vi nghiên cứu của chúng ta không nhằm minh giải tổng hợp đôi cánh lý trí – đức tin, nhưng chỉ tìm hiểu bên cánh lý trí, với những điều kiện khả dĩ sánh đôi với bên cánh đức tin, tạo thành động lực vươn tới thực tại tối hậu là Thiên Chúa.

Ngay từ thời Cổ đại, triết học đã biết vận dụng năng lực lý trí một cách triệt để mở ra một chân trời bao la vươn tới thực tại tối hậu, điển hình là triết học Plato và Aristote. Đáng tiếc, ngày nay theo Đức Joan Phaolo II và Benedicto 16, lý trí trong 2 lãnh vực triết học và khoa học tự nhiên bị co cụm và khép kín lại:

1. Nhiều triết gia không còn tin tưởng vào khả năng lý trí đạt tới chính thực tại, nó chỉ còn đóng vai trò giải thích những hiện tượng hay mô tả chủ quan về những kinh nghiệm chứ không còn đạt tới nền tảng khách quan của thực tại.

2. Khoa học tự nhiên cũng không còn duy trì được tinh thần khoa học đích thực nữa, nghĩa là không còn ý thức lãnh vực nghiên cứu của mình chỉ là một trong nhiều lãnh vực khác nhau trong tổng thể kiến thức con người. Từ đó xuất hiện thái độ duy khoa học (scientism), tuyệt đối hóa lãnh vực của mình và khẳng định chân lý khoa học là tiêu chuẩn duy nhất giúp đạt tới chân lý, từ đó dẫn tới thuyết vô thần khoa học, vì một khi lý trí bị trói chặt vào kỹ thuật thuần túy, sẽ tự đánh mất mình trong ảo tưởng về sự toàn năng của mình.

Còn đối với Giáo hội Công giáo, ngay từ đầu kỷ nguyên Kito giáo, vai trò của lý trí đã được khẳng định. Trong thư I thánh Phêrô (Pr,3,15) đã căn dặn: “Khi có ai chất vấn niềm hy vọng của anh em thì anh em phải sẵn sàng giải thích lý lẽ cho họ” nghĩa là không thể cứ nhắm mắt mà tin, phải lấy trí khôn mà suy, lấy lý luận mà giải thích, tránh những trực giác chưa chắc chắn, những tình cảm quá chủ quan. Và thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Roma (Rm:1, 19-20) viết “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Ngài thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Ngài”.

Tuy nhiên, cũng trong thời đó, người Athens đã mỉa mai bài diễn từ của Phaolo khi Ngài nói về người chết sống lại: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói”. Sau đó Celse, một triết gia ngoại giáo đã tố giác Kito giáo là kẻ thù của lý trí. Ông viết: “Bọn Kito hữu là những tên lợi dụng sự ngu dốt của những kẻ tin. Bọn họ nói: “Khôn ngoan trong thế giới này là một sự dữ và điên rồ là một sự thiện”, ông muốn nhái lại, 1 Cor 1,18 “Lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ thì đó lại là sức mạnh, của Thiên Chúa”. (Phê bình các tôn giáo qua các tác giả, Celse, tr. 37).

Trái lại, thánh Justino (100-160) một triết gia ngoại giáo cùng thời với Celse, lúc đó cũng đang truy tìm chân lý qua các triết thuyết đời đó. Sau khi trở thành Kito hữu, Ngài đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi đã tìm thấy một nền triết học chắc chắn và hữu ích nhất”. Ngài khẳng định đức tin và lý trí không mâu thuẫn nhau vì chân lý chỉ có một nguồn suối duy nhất là Thiên Chúa. Thánh Clemente thành Alexandria thuộc thế kỷ kế tiếp cũng gọi Tin Mừng là “triết lý chân thật” (Loạt bài về các Giáo phục của Đức Benedicto 16). ? Thế kỷ thứ V, thánh Âutinh mặc dù đề cao đức tin nhưng Ngài không loại bỏ sự cần thiết tìm kiếm lý do cho niềm tin. Châm ngôn của Ngài là “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin sâu sắc hơn” (Sermon 43:9). Ngày 31/1/2008, trong chuỗi bài suy niệm về thánh Âutinh, đức Benedicto 16 nói “Đức tin và lý trí là hai động lực dẫn ta đến sự hiểu biết tự nhiên và siêu nhiên, hai yếu tố không tách biệt nhau, cũng không đối lập nhau, luôn song hành với nhau. Ngài giải thích thêm: sự hòa hợp đức tin và lý trí có nghĩa là Thiên Chúa gần gũi với mọi người, cận kề trái tim và lý trí con người, nếu con người bước theo đường lối người”.

Thời Trung cổ, thánh Toma Aquino đã hệ thống hóa và phát triển tổng hợp đức tin – lý trí. Ngài gọi những gì lý trí có thể biết về Thiên Chúa là những khai đoạn đức tin (preambles of faith), Ngài viết “Thiên Chúa hiện hữu và những gì khác về Thiên Chúa mà lý trí tự nhiên có thể biết thì không phải là những điều phải tin (articles of faith) nhưng là những khai đoạn đức tin. Đức tin giả thiết kiến thức tự nhiên vì ngay cả ân sủng cũng giả thiết tự nhiên” (S.T, Ia, Q2, a.2 ad.1). Nơi khác thánh Toma cũng khẳng định “Đức tin không phá hủy lý trí, đúng hơn đức tin vượt trên lý trí và kiện toàn lý trí (De Veritate Q14, a.10 ad.9)”.

Sau này, một số triết gia Công giáo thế kỷ 20 theo trường phái Toma hiện sinh (existential Thomism) đã giải thích quan điểm của thánh nhân như sau: Theo Gilson “Đức tin không dẫn đến phá hủy lý tính của tri thức con người, đúng hơn, hỗ trợ trí năng phát triển đầy đủ hơn, như ân sủng không phá hủy tự nhiên nhưng chữa lành, kiện toàn và làm phát sinh nhiều hoa trái. Tương tự như thế, đức tin cũng hỗ trợ các hoạt động lý tính phát triển hữu hiệu và chân thành hơn”. Theo Jacques Maritain, lý trí cung cấp 3 dịch vụ cho đức tin:

1) chuẩn bị cho đức tin (khai đoạn đức tin),

2) Giải thích chân lý đức tin,

3) Bảo vệ chân lý đức tin.

Mạc khải nguyên nó không cần dịch vụ của lý trí vì về phương diện khách quan, mạc khải là tri thức của chính Thiên Chúa, tự thân chúng là tuyệt hảo, tuyệt nhiên không lệ thuộc tâm trí con người. Nhưng mạc khải này, nếu muốn hướng dẫn con người thì phải được con người đón nhận. Công tác chuẩn bị con người đón nhận đức tin là công việc của lý trí. Chẳng hạn, trước khi chúng ta tin những gì Thiên Chúa mạc khải thì lý trí đã phải xác quyết về sự hiện hữu của Ngài và xác định tâm trí ta có khả năng lãnh hội những chân lý siêu hình. Dĩ nhiên kiến thức về những khai đoạn đức tin, không phải là những điều kiện tiên quyết  để trở thành người tín hữu đích thực. Nói cách khác các chứng cứ thuần lý không phải là những điều kiện tất yếu dẫn tới niềm tin Kito giáo vì có rất nhiều người chưa bao giờ vận dụng khả năng thuần lý mà vẫn có đức tin sâu sắc về Thiên Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa có thể dùng những cơ hội nghiên cứu, suy tư để ban hay củng cố đức tin, cũng như Ngài có thể sử dụng bất cứ cơ hội nào Ngài muốn để ban hồng ân đức tin ấy. Trong thông điệp “Đức tin và lý trí” (1995), đức Joan Phaolo II đã chính thức đưa “khai đoạn đức tin vào môn học được gọi là thần học cơ bản (fundamental theology): “Với đặc tính riêng của nó là một môn có nhiệm vụ phải biện lý cho đức tin (1 Pet 3,15). Thần học căn bản phải biện bạch và giải bày mối quan hệ giữa đức tin và tư tưởng triết học.

Nhắc lại giáo huấn của thánh Phaolo (Rm1, 19-20) Công đồng Vat I lưu ý người ta về sự tồn tại của những chân lý có thể biết được cách tự nhiên nghĩa là bằng con đường triết học. Và để được đón nhận mạc khải của Thiên Chúa cần phải biết các chân lý ấy trước đã. Lấy ví dụ nhận thức tự nhiên về Thiên Chúa, khả năng phân tích mạc khải của Thiên Chúa với những hiện tượng khác hay là việc nhìn nhận tính khả tín của nó. Khả năng của ngôn ngữ loài người để nói một cách chân thật và có ý nghĩa về cả những điều vượt lên trên mọi kinh nghiệm của con người. Từ tất cả những chân lý trên, trí khôn được dẫn dắt tới chỗ nhìn nhận sự tồn tại của một con đường thực sự là dẫn nhập vào đức tin. Con đường ấy có thể đưa ta đến việc đón nhận mạc khải mà không hề làm hại tới những nguyên lý và tính độc lập của chính trí khôn” (m.67).

Công đồng Vat I (1870) trong hiến chế tín lý “Con Thiên Chúa” (Dei Filius), căn cứ trên nền tảng Thánh kinh (Rom 1, 19-20) đưa ra khẳng định: “Thiên Chúa có thể được nhận biết cách chắc chắn qua các loài thụ tạo nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí”. Đặc biệt, Công đồng coi khẳng định này như một điều tuyên tín (De fide, DH 3004).

Còn Công đồng VAT II trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 15 viết: “Trí khôn con người không chỉ giới hạn trong những hiện tượng mà thôi nhưng còn có thể thấu triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi”.

Ngược lại Anh em Tin Lành lại cho rằng sau khi loài người sa ngã và do hậu quả của tội lỗi trí tăng, con người không còn khả năng tìm đến với Thiên Chúa và hiểu biết Ngài đích thực nữa, do đó họ không chấp nhận môn thần học tự nhiên hay lý học về Thượng Đế. Đàng khác họ cũng cho rằng nhận thức về Thiên Chúa nơi các triết gia (lý trí) chỉ có tính cách trừu tượng và không tương xứng vì hữu thể tối hậu đạt được bằng con đường lý trí không diễn tả được một Thiên Chúa của lòng xót thương như đã được mạc khải trong Thánh Kinh và đặc biệt qua thân vị Đức Kitô.

Khi nói đến thực tại tối hậu của các triết gia, một vấn đề thường được nêu lên: Vấn đề Thượng Đế của các triết gia. Theo Pascal, Thượng Đế của các triết gia không phải là Thượng Đế của các tôn giáo, càng không phải là Thượng Đế mà các tín hữu tôn thờ. Người ta cho rằng sở dĩ các triết gia quan tâm tới Thượng Đế là “để cho công thức của thế giới được hoàn tất”, nghĩa là Thượng Đế của các triết gia chỉ là định đề để giúp cho nhà hiền triết giải thích chỗ cùng kỳ lý của vạn vật mà thôi. Một Thượng Đế như thế chỉ có bộ mặt lạnh lùng của những nguyên lý mà thôi.

Chúng ta không dừng lại để phân tích vấn đề phức tạp này, chỉ nhắc lại quan điểm của Linh mục Henry Lubac như một gợi ý tổng kết vấn đề: “Triết gia và nhà đạo đức, con người cổ sơ và con người văn minh, tư tưởng gia độc, sáng nhất và những tín hữu khiêm tốn nhất, nhà tiên tri, nhà thần bí, không chỉ cùng gặp nhau trên một tiếng khi mỗi người nói Thượng Đế. Vì nếu mỗi người có một hướng đi chính đáng thì họ thật sự gặp nhau hay ít ra họ thực sự hướng đến việc gặp nhau – dù rằng đối tượng của mỗi người có vẻ khác nhau. Trong thực tế chỉ có một Thượng Đế duy nhất: Thượng Đế của Trí Khôn, Thượng Đế của Lương Tâm, Thượng Đế của Mạc Khải siêu nhiên và Thượng Đế của lý trí. Thượng Đế của suy tư và Thượng Đế của kinh nghiệm. Thượng Đế của triết gia và Thượng Đế của nhà thần bí. Đối nghịch biết bao nhưng cũng duy nhất biết bao” (The Discovery of God, p.115), Henry Lubac (trích dịch tiếng Việt trong “Con người và vấn đề Thượng Đế, Louis Leahy”).

Như vậy chúng ta đã thoáng thấy có nhiều quan điểm khác nhau về bên cánh lý trí:

1) Có lý trí của khoa học tự nhiên, lấy thực nghiệm làm tiêu chuẩn, nhưng với một tinh thần khoa học đích thực, ý thức lãnh vực hay phạm vi nghiên cứu của mình, luôn trân trọng thực tại hay biến cố, không dùng lý trí làm sai lệch thực tại hay phủ nhận thực tại. Trái lại, khuynh hướng khoa học khép kín dẫn đến thái độ duy khoa học (scientism), từ đó phát sinh chủ nghĩa vô thần khoa học.

2) Có lý trí triết học theo những khuynh hướng tách biệt (ratio separata), khước từ tiếp cận hay phủ nhận thực tại vượt trên chính nó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có lý trí triết học nhưng mở rộng chân trời hướng tới thực tại tối hậu và nhận ra đó là nguyên nhân đệ nhất hay nguyên nhân tối hậu của vũ trụ.

3) Sau cùng là lý trí Kito giáo (J.P. II) bao gồm lý trí khoa học với tinh thần khoa học đích thực, cùng với lý trí triết học mở rộng hướng về thực tại tối hậu là nguyên nhân đệ nhất và cũng là đấng sáng tạo vũ trụ.

Nhưng nói đến lý trí Kitô giáo, nhiều học giả có thái độ dè dặt. Theo họ, gọi như thế là mặc nhiên cho rằng lý trí Kito giáo là một biệt loại tự trang bị cho mình khả năng đưa ra những giải pháp đúng cho vấn đề chân lý của thực tại. Rõ ràng là một thái độ chủ quan. Về vấn đề này Joseph Pieper (1904-1997) giáo sư Đại học Miinter (Đức), được coi là một trong số các triết gia Kito giáo uy tín nhất của thế kỷ 20. Ông đã phản bác ý kiến trên đây và cho rằng: trên đường hướng về chân lý của thực tại, lý trí Kito giáo luôn có cảm thức huyền nhiệm về thực tại (sense of mystery), nỗ lực, khám phá chân lý thực tại tự thân tự, chứ không giản lược hay bóp méo thực tại theo cảm tính chủ quan vì biết rằng chỉ có trí năng đấng sáng tạo thực tại mới thấu suốt thực tại Ngài sáng tạo. Cũng từ quan điểm đó Thánh Toma Aquino đã đưa ra định nghĩa về chân lý của thực tại mà Đức Benedicto 16 đề cao trong tác phẩm “Đức Jesu Nazaret” phần II.

Tóm lại, lý học về Thượng Đế dựa trên những nhận thức căn bản đó để định hướng cho những bước đường dẫn tới Thượng Đế.

Khảo hướng của giáo trình này nương theo thái độ truy nhận hay phủ nhận Thượng Đế của con người ngày nay, thường không thông qua những chứng cứ suy lý về sự hiện hữu và thuộc tính của Ngài, nhưng thông qua những vấn đề của cuộc sống như vấn đề sự dữ, vấn đề tự do, vấn đề tiến hóa, lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ, nhất là khuynh hướng độc quyền của chủ thuyết khoa học, giản lược tất cả chân lý vào lãnh vực riêng của mình. Chìa khóa giúp giải quyết vấn đề qui chiếu về quan điểm của Thánh Toma Aquino và Giáo huấn của Giáo hội ngày nay về những vấn đề liên quan.