SIÊU HÌNH HỌC
Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica
(Bản tiếng Tây Ban Nha - NXB. 1981)
Fr. Luis Supan, Metaphysics
(Bản tiếng Anh - NXB. 1991)
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.
***
***
PHẦN I: CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ
***
PHẦN II: CÁC SIÊU NGHIỆM
***
CHƯƠNG I: NHỮNG KHÍA CẠNH SIÊU NGHIỆM CỦA "HỮU THỂ"
CHƯƠNG II: TÍNH ĐƠN NHẤT CỦA “HỮU THỂ”
CHƯƠNG III: CHÂN LÝ
I. “HỮU THỂ” VÀ CHÂN LÝ
Chân lý là điều gì đó chủ yếu được gán cho những phán đoán của trí tuệ. Chẳng hạn, chúng ta nói rằng một con người đã nói lên sự thật, hoặc một mệnh đề là thật. Chân lý thuộc về những hoạt động của trí khôn nào phù hợp với thực tại và diễn tả thực tại cách trung thực. Một phán đoán là thực khi nó quả quyết một điều nào đó tồn tại mà trên thực tế điều đó có tồn tại, hoặc khi nó phát biểu rằng một điều gì đó không hiện hữu, mà trên thực tế điều đó không hiện hữu.
Tuy nhiên, chân lý của trí hiểu tùy thuộc vào “hữu thể” (truth of the understanding depends on being). Nếu trí năng là thực khi nó phù hợp với thực tại, thì hiển nhiên tính thực hữu hoặc sự hiện hữu của các sự vật cũng như khả năng chúng được trí khôn nắm bắt phải được giả định bởi chân lý, tính thực hữu đó là nền tảng và thước đo chân lý.
Nói khác đi, trí năng sẽ không chân thực trong hành vi nhận biết nếu như những sự vật không có nơi mình sự thật của riêng chúng, tức là chân lý “hữu thể” luận (ontological truth). Theo nghĩa này, Thánh Thomas nói rằng “veritas supra ens fundatur” (chân lý thì đặt nền tảng trên “hữu thể”);[1] hoặc những lời của thánh Augustine: “Bất cứ điều gì là chân thực, đều chân thực theo mức độ nó là “hữu thể””.[2]
II. CHÂN LÝ LÀ ĐẶC ĐIỂM SIÊU NGHIỆM CỦA “HỮU THỂ”
Như vậy, nền tảng của chân lý luận lý (chân lý về mặt nhận thức) chính là chân lý “hữu thể” luận, hoặc chân lý vốn thuộc về “hữu thể” xét nguyên nó. Chân lý thì đồng nhất với “hữu thể”. Tuy nhiên, nó thêm vào “hữu thể” một mối tương quan phù hợp với một trí năng có khả năng nhận biết nó (Truth is identical with being. However, it adds to being a relation of conformity with an intellect capable of knowing it). Cũng giống như tính đơn nhất và tính thiện hảo, nó là một đặc điểm siêu nghiệm của “hữu thể”. Đang khi tính thiện hảo thêm vào cho “hữu thể” khía cạnh “đáng ước mong”, thì chân lý thêm vào cho “hữu thể” một qui chiếu về trí năng.
1. Chân lý nơi các sự vật: chân lý “hữu thể” luận (The truth of things: ontological truth)
“Hữu thể” là chân thực trong mức độ nó là khả tri (Being is true insofar as it is intelligible), tức là, trong mức độ nó có khả năng trở thành đối tượng cho một hành vi hiểu biết chân thực. “Hữu thể” có tính khả tri tùy theo mức độ nó có việc hiện hữu, vì đây là gốc rễ của toàn bộ tính khả tri. “Điều gì hiện hữu” thì có thể được nhận biết; “điều gì không hiện hữu” thì cũng không thể được nhận biết.
Vì lý do đó, “ens et verum convertuntur”, “hữu thể và chân lý là tương đương nhau. “Tùy theo mức độ mà mỗi sự vật có được hiện hữu thì nó có thể được nhận biết… Chân lý, cũng như tính thiện hảo, có thể được hoán chuyển với “hữu thể””.[3] Do đó, những “hữu thể” càng hoàn bị thì tự thân lại càng khả tri hơn, cũng như một ánh sáng càng mạnh mẽ hơn thì càng khiến cho dễ nhìn thấy hơn nữa. Tuy nhiên, vì trí năng của con người là bất toàn, nên điều mà tự thân là khả tri nhất (yếu tính của Thiên Chúa) lại càng khó hiểu cho chúng ta. Chúng ta có kinh nghiệm tương tự về mặt trời và sự sáng của nó làm chúng ta lóa mắt.
Từ điều trên, ta kết luận rằng mỗi sự vật thì khả tri theo mức độ nó là thực hữu (actual), chứ không phải theo mức độ nó còn trong tiềm năng (potential). Những sự vật được hiểu biết nhờ các hiện thế của chúng; đặc biệt hơn nữa là qua việc hiện hữu, qua hình thế bản thể và các phụ thể của chúng (những hình thế phụ thể). Trái lại, tiềm năng chỉ có thể được hiểu trong mối tương quan của nó với hiện thế (chúng ta nhận thấy rằng Phêrô có thể chạy, chỉ do việc ta nhận biết được hành vi chạy); chất liệu chỉ có thể được hiểu tùy theo mức độ nó là chủ thể tiềm năng đón nhận lấy hình thế (chúng ta nhận biết chất liệu đệ nhất của những bản thể vật thể tùy theo mức nó là vật chất vàng, bạc hoặc một điều gì đó).
2. Chân lý qui chiếu về Thiên Chúa và qui chiếu về trí tuệ con người (Truth in reference to God and in reference to man’s mind)
Giờ đây chúng ta có thể tiến thêm một bước, và khẳng định được rằng, “những sự vật là chân thực theo nhiều cách, tùy thuộc vào việc chúng qui chiếu về trí năng Thiên Chúa hay qui chiếu về trí năng con người” (things are true in different ways depending on whether they are referred to God’s intellect or to the human intellect). “Những sự vật thì không được gọi là thực trừ phi chúng phù hợp với một trí năng… Những sự vật tự nhiên được định vị giữa hai trí năng khác nhau, và chúng được gọi là thực theo hai ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào việc chúng phù hợp với một trong hai trí năng đó. Chiếu theo việc phù hợp với trí năng Thiên Chúa, chúng là thực theo mức độ chúng hoàn tất điều mà chúng đã được trí tuệ của Thiên Chúa hướng dẫn đến… Liên quan đến trí năng con người, chúng là thực khi chúng có thể khơi lên một lối hiểu chân thực, và những sự vật bị coi là giả khi bề ngoài của chúng không phù hợp với yếu tính của chúng hay cách thức mà chúng hiện hữu”.[4] Chính trong ý nghĩa này mà chúng ta nói rằng một miếng kim loại giống như vàng thì trên thực tế chỉ là vàng giả.
Hai lối qui chiếu trên kéo theo những hệ quả sau:
a/. Chân lý của những sự vật là nền tảng và mức đo trí năng con người (The truth of things is the basis and measure of the human intellect): những sự vật tự nhiên, mà từ đó trí năng chúng ta lảy ra nhận thức của mình, thì đo lường trí năng chúng ta. Như Thánh Thomas phát biểu, “bất cứ “hữu thể” nào cũng được nhận biết theo mức độ nó là thực hữu, và do đó tính thực hữu của mỗi sự vật là một kiểu ánh sáng nằm bên trong “hữu thể” đó”.[5] Ánh sáng bên trong đó (mà nói cho cùng cũng chỉ là việc hiện hữu) chính là điều khiến cho nó là thực và khả tri. Do đó, mối tương quan giữa các “hữu thể” với trí năng con người chỉ là mối tương quan thuộc trí; những sự vật không có thêm một mối tương quan mới (thực sự) nào khi chúng được con người hiểu biết. Sự chân thực của chúng không tùy thuộc vào chuyện con người có nhận biết chúng hay không; trái lại, trí năng của chúng ta có một sự lệ thuộc thực tế vào chân lý “hữu thể” luận.
“Chân lý được gán cho những sự vật, khi qui chiếu về trí năng con người, thì cách nào đó là ngẫu trừ (accidental) cho các sự vật đó, vì chúng vẫn tồn tại tự thân (nơi yếu tính của chúng) cho dù không hề có trí năng con người. Nhưng chân lý được gán cho những sự vật qui chiếu về trí năng của Thiên Chúa thì không thể tách biệt khỏi chúng, vì sự hiện hữu độc lập của chúng phải lệ thuộc vào trí năng của Thiên Chúa, vốn đem lại cho chúng việc hiện hữu”.[6]
Do đó, “hữu thể” không thể được giản lược vào tính khả tri của nó dành cho con người: “hữu thể” không hoàn toàn y chang như nó được hiểu biết, hoặc được tri giác, như Berkeley đã tuyên bố (“esse” est percipi) (Being cannot, therefore, be reduced to its intelligibility for man: being is not the same as being understood). Những nền triết học duy nội tại thì coi tính khả tri như nền tảng của “hữu thể”, do đó nhìn mọi vật theo cách hoàn toàn khác. Chẳng hạn, thuyết duy tâm xét những sự vật chỉ trong mức độ chúng là những đối tượng nhận thức mà thôi. Nhưng “đối tượng” nơi thuyết duy tâm thì không có nghĩa một sự vật ở bên ngoài trí năng con người, đúng hơn, đó là sự vật như được trình bày trong trí năng. Tóm lại, đối với thuyết duy tâm, chân lý không còn phải là sự phù hợp giữa trí năng với sự vật, đúng ra, nó là sự phù hợp với “đối tượng” của mình, như vậy cũng chẳng khác gì nói rằng “trí năng nhận biết chính mình”.
b/. Chân lý của những “hữu thể” thụ tạo thì đặt nền tảng nơi Trí Năng Thiên Chúa (The truth of created beings is based on God’s Intellect). Các thụ tạo có một mối tương quan lệ thuộc thực sự vào Trí Năng sáng tạo của Thiên Chúa. Các sự vật được đo lường bởi Trí Năng Thiên Chúa, trong Trí Năng đó mọi thụ tạo hiện diện, như những đồ thủ công hiện diện nơi trí tuệ của thợ thủ công. Nói khác đi, chân lý của sự vật thì đã được sắp đặt trước nơi Trí Tuệ Thiên Chúa, vốn là căn nguyên gương mẫu của chúng. Do đó, mở rộng trước chân lý của sự vật cũng chính là chịu khuất phục trước Thiên Chúa.
Thánh Thomas tóm tắt học thuyết này như sau:[7]
a/. “Trí Năng Thiên Chúa xác định (“đo lường”) mọi sự vật, nhưng lại không bị bất cứ sự vật nào xác định” – mensurans non mensuratus;
b/. “Những sự vật tự nhiên xác định (trí tuệ con người) và, đến lượt mình, lại được xác định hoặc được đo lường (bởi Trí Năng Thiên Chúa)” – mensurans et mensurata;
c/. “Trí năng của chúng ta được xác định bởi những sự vật, và không đo lường sự vật” – mensuratus, non mensurans.
III. CHÂN LÝ NƠI TRÍ NĂNG CON NGƯỜI
Chân lý của trí năng con người, hay chân lý luận lý, là sự phù hợp giữa trí năng với thực tại: “adaequatio rei et intellectus”. Chúng ta có thể phát biểu xác thực rằng “Phêrô đang chạy”, nếu như chuyện này thực sự xảy ra, phán đoán của chúng ta sẽ là giả nếu như Phêrô đang đứng yên tại chỗ.
Theo nghĩa chặt, sự giả trá chỉ có thể nảy sinh nơi trí năng con người (như một khiếm khuyết), vì “hữu thể”, xét nguyên nó thì luôn luôn là thật. Ta dễ coi điều gì là giả về mặt “hữu thể” luận nếu như điều đó dẫn đến sai lầm, giống như trường hợp tiền giả. Tuy nhiên, nơi chính bản thân nó, tiền giả cũng thật sự là nó, và nó có những điều kiện thiết yếu để được hiểu một cách đúng đắn. “Tính giả trá “hữu thể” luận” của nó chỉ là ngẫu trừ, bởi vì chuyện đó không dựa trên hiện hữu của nó, nhưng dựa trên sự tương tự của nó đối với những sự vật khác.
Trí năng con người thì tự thân hướng về chân lý (The human intellect is of itself directed towards the truth), vì nó có khả năng nhận biết những sự vật xét như những “hữu thể”, điều này thì các động vật không thể làm được. Tuy nhiên, sự phù hợp giữa trí năng với “hữu thể”, thì cuối cùng lại dựa trên việc hiện hữu của cả trí năng lẫn sự vật (The conformity of the intellect with being, however, is ultimately based on the act of being of both intellect and things). Đây không phải là một sự phù hợp đơn thuần giữa những sự vật tương tự nhau vốn ở cùng một cấp độ (hai thực tại của cùng một loài: chẳng hạn hai con người hoặc hai con ngựa), nhưng là sự phù hợp giữa điều ở bên trên (việc hiện hữu) và điều ở bên dưới (trí năng), hay là sự phù hợp giữa một hình ảnh được phản chiếu trong một tấm gương và đối vật tạo nên nó, hoặc là giữa một con triện và một dấu mà nó in trên thỏi sáp. Khi trí năng là thật, nó không trở thành sự vật được nhận biết, theo mặt thể lý. Trí năng chỉ phù hợp với sự vật bằng hành động (theo phụ thể) do thông dự vào việc hiện hữu của sự vật đó một cách nhất định, gọi là “theo ý hướng” (intentional). Khả năng để phù hợp như vậy thì nảy sinh từ việc hiện hữu của các sự vật được nhận biết (nếu chúng không tồn tại thì chúng không thể được hiểu biết) và nảy sinh từ việc hiện hữu của chính trí năng (những “hữu thể” không có trí năng thì không có nhận thức trí tuệ được).
Do đó, cần phải chủ trương rằng, khả năng của trí năng trong việc nhận biết chân lý, hoặc việc mở rộng tới “hữu thể”, thì không phải một điều gì xa lạ với “hữu thể”, như thể nó là một thứ gì tiên thiên của tinh thần con người. Nó là một điều gì đó nảy sinh từ việc hiện hữu, vốn là nền tảng cho chân lý.
Thuyết chủ quan (subjectivism) không đặt nền tảng chân lý trên “hữu thể”, nhưng trên việc “hiện hữu-cho- tôi” (being-for-me); tức là, cách thức mà tôi nhìn “hữu thể”, hoặc cách thức nó hiện diện cho ý thức của tôi. Aristotle đã phi bác sai lầm đó (mà các nhà Ngụy biện vẫn chủ trương) như sau: “Vì không phải chúng tôi nghĩ rằng bạn trắng mà bạn thực sự là trắng; đúng hơn đó là vì thực sự bạn trắng, nên khi chúng tôi khẳng định điều đó, là chúng tôi đã nói lên chân lý”.[8]
Heidegger nhấn mạnh rằng, chân lý là “apóphansis”: chỉ là “bề ngoài hoặc lối biểu lộ cho ý thức của con người”.[9] Những người khác lại đi theo triết học phân tích (chẳng hạn Strawson), nói về chân lý như là sự dư thừa (truth as redundance): như vậy chân lý được giản lược vào ý nghĩa chung được hai hoặc nhiều người hơn nữa hiểu về một vấn đề đặc thù mà họ đã sẵn sàng đồng ý.[10]
***
SÁCH ĐỌC THÊM
1/. SAINT THOMAS AQUINAS, De veritate, q.1.
2/. SAINT THOMAS AQUINAS, Summa Theologiae, q.16, a.1.
3/. ARISTOTLE, Metaphysica, Bk. VI, and IX.
4/. J. GARCIA LOPEZ, Doctrina de Santo Tomas sobre la verdad, EUNSA, Pamplona 1967.
5/. M. GRABMANN, Der gottliche Grund der menschlichen Wahrheitserkenntnis nach Augustin und Thomas von Aquin, Aschendorff, Munster 1924.
6/. J. PIEPER, El descubrimiento de la realidad (part II: “La verdad de las cosas”), Rialp, Madrid 1974.
7/. G. SOHNGEN, Sein und Gegenstand. Das scholastische Axiom “ens et verbum convertuntur” als Fundament metaphysischer und theologischer Spekulation, Aschendorffsche Verlagsbuchhandlung, Munster 1930.
[1] St. Thomas Aquinas, De Veritate, q. 10, a. 2, ad 3.
[2] St. Augustin, De Vera Religione, ch. 36.
[3] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q. 16, a. 3c.
[4] St. Thomas Aquinas, De Veritate, q. 1, a. 2c.
[5] Ibidem.
[6] St. Thomas Aquinas, De Veritate, q. 1, a. 5c.
[7] St. Thomas Aquinas, De Veritate, q. 1, a. 2.
[8] Aristotle, Metaphysica, Bk. IX, ch. 10, 1051b.
[9] Cf. B. Rioux, L’être et la vérité chez Heidegger et saint Thomas d’Aquin, P.U.F., Paris 1963.
[10] Cf. F. Inciarte, El problema de la verdal, “Veritas et Sapientia”, EUNSA, Pamplona, Spain 1975.