Friday, 24 January 2020 11:17

Thực Tập “Từ Bi” Trong Đạo Phật Featured

THỰC TẬP “TỪ BI” TRONG ĐẠO PHẬT[1]

Đạt-lai Lạt-ma XIV

 

 

I. KHÁI NIỆM THUẬT NGỮ

“Từ bi” là Hán dịch của chữ “Karunâ” trong kinh sách tiếng Pali. “Từ” là lành, hiền từ; “bi” là thương xót, thương hại. Theo tiếng Hán, “Từ” (慈) là một phẩm tính của trái tim (hay tâm con người) diễn tả thái độ lành, hiền từ mang lại hạnh phúc và an lạc cho người khác; còn “Bi” (悲) cũng là một phẩm tính của trái tim (hay tâm con người) diễn tả thái độ đau thương, đau buồn trước những nỗi thống khổ của người khác. Trong các sách Tây phương, viết bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp, chữ “Karunâ” được dịch là “compassion”. Chữ “compassion” có gốc từ tiếng Latinh là “compassio”, có nghĩa là thương hại trước sự đau khổ của kẻ khác. Trong chữ “compassion”, có chữ “passion”, chữ này có gốc từ chữ “patior”, một động từtrong tiếng Latinh có nghĩa là chịu hay trải qua khổ đau, đau đớn.

Trên phương diện ngữ học và dịch thuật, quả thực chúng ta rất khó tìm được những chữ hoàn toàn tương đồng giữa các ngôn ngữ, nhất là những chữ này vừa có nguồn gốc khác nhau, lại vừa chịu ảnh hưởng ít hay nhiều các truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác nhau. Vì vậy, chữ “compassion” trong các sách Tây phương có thể không phản ảnh đúng và không lột tả được ý nghĩa của chữ “Karunâ” trong kinh sách nhà Phật. May mắn thay đã có vài dịch giả và nghiên cứu gia Tây phương nhận thấy điều này, họ đề nghị nên dùng thẳng chữ “Pali”“Karunâ”, giống như trường hợp rất nhiều chữ “Pali” khác đã được dùng thẳng, chẳng hạn như những chữ: kamma, nibbana, samsara,…

Trong kinh sách tiếng Việt, chữ “Từ bi”[2] cũng không lột tả hết ý nghĩa của chữ “Karunâ”, tức là hiền từ và thương xót. Ý nghĩa của “Từ bi” trong Phật giáo thật sự sâu xa hơn là ý nghĩa từ chương của chữ này. “Từ bi”  không chỉ vỏn vẹn là một “đức tính”, dù đó là “đức tính từ tâm”, cũng không chỉ là một thứ “xúc cảm”, say mê hay đam mê; (passion) chịu đựng hay trải qua đau khổ theo ngôn từ Tây phương. “Từ bi” cũng không phải là một thứ “tình cảm thụ động” bày tỏ sự thương hại của chúng ta trước khổ đau của chúng sinh, cũng không hẳn là một “khuynh hướng tinh thần”  muốn chia bớt và nhận chịu khổ đau của kẻ khác.

Vậy “Karunâ” hay “Từ bi”  trong Phật giáo là gì?

“Karunâ trong Phật giáo là khả năng nhận thức rằng mọi sinh linh có giác cảm, từ con người cho đến đến các sinh vật khác đều gánh chịu khổ đau, khi nào tất cả các sinh linh ấy chưa được giác ngộ và giải thoát, thì Từ bi chính là ước vọng mãnh liệt thúc đẩy ta phải giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta, ra khỏi khổ đau”.

Quả thực, “Từ bi”  là tâm nguyện muốn cho người khác thoát khỏi đau khổ. Chính nhờ có lòng bi mẫn mà chúng ta khao khát đạt đến giác ngộ. Chính lòng bi mẫn thúc giục ta dấn thân vào những pháp tu tập đức hạnh hướng đến quả Phật. Vì thế, chúng ta nhất thiết phải hiến mình trọn vẹn cho sự phát triển lòng bi mẫn.

Vì thế “Từ bi”  không có nghĩa đơn giản là “xót thương”  kẻ khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại “Từ bi” là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng vào hành động tu tập làm giác ngộ bản thân trước, kế đến hướng đến giác tha trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.

Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đạt được Giác ngộ, quyết tâm và phát nguyện đầu tiên của ngài chính là “Karunâ”, tức là lòng “Từ bi”. Ngài quyết định thuyết giảng cho chúng ta “Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau” (tức là “Đạo đế”, điều thứ tư trong “Tứ diệu đế”).

Đối với các trường phái Phật giáo Nguyên thủy, chẳng hạn như “Phật giáo Theravada”, “Từ bi” chứng thực và bảo đảm hành giả là một “đệ tử đích thực” của Phật, một “người con” của Phật, một người biết giữ gìn giới luật, biết trau dồi một tâm thức tích cực bằng “Bốn Phạm Trú” (còn gọi là “Tứ Vô lượng tâm”).[3] “Bốn Phạm trú” ấy là “Từ vô lượng” (metta): tâm lành hướng về mọi chúng sinh; “Bi vô lượng” (karunâ): xót thương và cứu giúp tất cả chúng sinh; “Hỷ vô lượng” (mudita): tâm thức vui mừng và hân hoan khi nhận thấy những điều lành của chúng sinh; “Xả vô lượng” (upekkha): buông thả tất cả những gì của chính ta cho chúng sinh (chữ này được giải thích hơi khác trong các kinh sách Tây phương: chữ “upekkha” được dịch ra tiếng Pháp là “Equanimité”, tức tâm thức trong sáng, bình đẳng không phân biệt và kỳ thị).

“Đại Từ”, “Đại bi”, “Đại hỷ”“Đại xả” là bốn liều thuốc hóa giải chống lại những thái độ vô minh (sai lầm). “Đại từ” hóa giải ý nghĩ “sống chết mặc bay”, xóa bỏ tâm sân hận. “Đại bi” hóa giải ý nghĩ “mặc kệ họ cứ đau khổ, chẳng dính líu gì đến ta”, xóa bỏ cái bản ngã vụ lợi, ích kỷ. “Đại hỷ” không cho phép ta cảm thấy “càng thích thú khi kẻ khác gánh chịu sự đau khổ, đáng đời cho họ”. “Đại xả”  đem đến cho ta những xúc cảm trong sáng và bình đẳng, hóa giải ý nghĩ “cái này của ta, của gia đình ta, của bạn bè ta, không tội gì mà buông xả cho người dưng nước lã hay vì kẻ khác”.

Phật giáo Tây tạng thường đưa ra hình ảnh sau đây để giải thích thế nào là lòng “Từ bi” và thế nào là một cái nhìn đúng đắn: “Nếu có một người cầm gậy đánh ta, ta không kết tội chiếc gậy đã làm cho ta phải đau đớn, ta cũng không kết tội kẻ đã cầm gậy đánh ta,… mà ta phải kết tội sự nóng giận đang chi phối, thúc đẩy và hành hạ người đang cầm gậy đánh ta”. Nếu ta biết kết tội sự nóng giận đang giày vò người cầm gậy, tức là ta phát lộ lòng “Từ bi” đối với họ. Chính hận thù và giận dữ đang tàn phá họ và làm cho họ khổ đau. “Từ bi” buộc ta phải giúp họ trút bỏ sự giận dữ và hận thù trong lòng họ và quên đi những đau đớn của ta. Đấy là một cái nhìn đúng đắn, cái nhìn của một người con Phật. “Từ bi” là như thế, không phải đơn giản là một thứ tình cảm xót thương.

Nói chung, “Từ bi” trong các trường phái Đại thừa là thái độ và cái nhìn đã được trình bày trên đây. Đó là “phẩm tính” cao cả của người Bồ-tát, là trọng tâm của sự giác ngộ. “Từ bi” được tượng trưng bởi Phật A-Di-Đà (Phật giáo Nhật bản gọi là Amiba), và bởi Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tiếng Phạn là “Avalokiteshvara”, danh hiệu tiếng Phạn của Ngài là “Lokesvara”. Phật giáo Tây tạng gọi Quán Thế Âm là “Tchenrezi”, Phật giáo Trung hoa gọi là Quan Âm (Guanyin), Phật giáo Nhật bản gọi là “Kannon”. Quan Âm trong Phật giáo Trung hoa, Nhật bản, Việt Nam,… được tượng trưng bằng một người phụ nữ. Kể lể như thế để ta có thể hình dung “Từ bi”  trong Phật giáo nói chung, kể cả truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa, có tầm quan trọng như thế nào. “Từ bi” chẳng những là thức ăn nuôi dưỡng người Bồ-tát mà còn là sự biểu lộ của Phật tính, của giác ngộ nữa.

II. LÒNG BI MẪN VÀ TỪ BI QUÁN TRONG ĐẠO PHẬT

Mọi người trên thế giới đều có mối tương quan và tùy thuộc lẫn nhau. Sự bình an và hạnh phúc của cá nhân tôi là mối quan tâm của tôi. Tôi có trách nhiệm về điều đó. Nhưng sự bình an và hạnh phúc của toàn xã hội là mối quan tâm của tất cả mọi người. Mỗi người trong chúng ta đều có phần trách nhiệm phải làm bất cứ việc gì trong khả năng mình để cải thiện thế giới. Trong thời đại chúng ta, lòng từ bi là một nhu cầu thiết yếu chứ không phải đòi hỏi thái quá. Con người là động vật mang tính xã hội và phải chung sống với nhau, cho dù chúng ta có thích điều đó hay không. Nếu chúng ta không thật lòng tử tế và có lòng từ bi đối với nhau thì chính sự tồn tại của chúng ta sẽ bị đe dọa. Thậm chí nếu chúng ta có muốn ích kỷ thì cũng nên ích kỷ một cách khôn ngoan và hiểu rằng sự sống cũng như hạnh phúc của chúng ta luôn tùy thuộc vào người khác. Do đó, sự tử tế và lòng từ bi đối với người khác là thiết yếu.

Các loài ong, kiến không có tôn giáo, không có sự giáo dục hay quan niệm sống, nhưng chúng vẫn sống hợp tác với nhau theo bản năng. Vì làm như vậy chúng mới bảo đảm được sự sống còn của bầy đàn và sự an toàn của mỗi thành viên trong đó. Chắc chắn con người chúng ta, vốn thông minh và tinh tế hơn nhiều, cũng có thể làm được như thế!

Vì vậy, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ người khác bằng mọi cách theo khả năng của mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể mong đợi có thể tức thì làm thay đổi thế giới. Vì khi chúng ta chưa giác ngộ [4] thì mọi hành vi làm lợi lạc cho tha nhân đều rất hạn chế. Không có sự an ổn nội tâm thì không thể có thế giới an bình. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực hoàn thiện chính mình để từ đó có thể hết lòng giúp đỡ người khác.

1. Các khía cạnh của lòng bi mẫn

a. Sự cảm thông

Trong bước đầu tiên hướng đến một trái tim bi mẫn, ta nhất thiết phải phát triển sự cảm thông hay gần gũi với người khác. Ta cũng phải nhận ra sự nghiêm trọng trong những khổ đau của họ. Càng gần gũi với một người, ta càng thấy rõ hơn rằng nỗi khổ đau của họ là nghiêm trọng đến mức không thể chịu đựng nổi. Sự gần gũi tôi nói đây không phải về mặt thể xác, cũng không cần thiết phải là về tình cảm. Đó là một cảm thức trách nhiệm, quan tâm đến một người khác. Để phát triển một sự gần gũi như thế, ta nhất thiết phải suy ngẫm về những đức tính giúp nuôi dưỡng hạnh phúc của người khác.

Chúng ta phải suy ngẫm đến mức thấy được rằng điều này mang lại hạnh phúc và an bình nội tâm cho mọi người như thế nào. Chúng ta phải suy ngẫm đến mức nhận ra được người khác tôn trọng và quý mến ta như thế nào khi ta đối xử với họ bằng một thái độ như thế. Ta phải suy ngẫm về những tác hại của sự ích kỷ, thấy được rằng chúng đã khiến ta hành động bất thiện như thế nào, và sự nghiệp hiện nay của riêng ta là lợi thế có được từ những người kém may mắn hơn ta như thế nào. Việc chiêm nghiệm về lòng tốt của người khác là điều quan trọng. Nhận thức này cũng là kết quả của việc nuôi dưỡng sự cảm thông.

Ta phải nhận ra rằng, sự nghiệp vật chất của ta thật sự phụ thuộc vào sự cộng tác và đóng góp của những người khác như thế nào. Mỗi một khía cạnh phúc lợi hiện tại của ta đều nhờ vào sự làm việc khó nhọc của những người khác. Khi ta nhìn quanh mình, ngôi nhà ta đang sống và làm việc, những con đường ta đi, quần áo ta mặc hay thực phẩm ta ăn, ta phải thừa nhận rằng tất cả đều được cung cấp bởi những người khác. Sẽ không có gì trong số những điều đó tồn tại để ta hưởng thụ hay sử dụng, nếu không nhờ vào lòng tốt của quá nhiều người mà ta không quen biết. Khi suy ngẫm theo cách này, sự trân trọng của ta đối với người khác sẽ phát triển, đồng thời sự cảm thông và gần gũi của ta đối với người khác cũng sẽ gia tăng. Ta nhất thiết phải nỗ lực để nhận ra sự phụ thuộc của ta vào những người mà ta sinh lòng bi mẫn. Nhận thức này thậm chí sẽ giúp họ gần gũi ta nhiều hơn.

Cần phải có sự chú tâm kiên trì để có thể nhìn người khác thông qua lăng kính giảm bớt sự vị kỷ. Ta phải nỗ lực để nhận ra ảnh hưởng cực kỳ lớn lao của người khác đối với hạnh phúc của bản thân ta. Khi ta kiềm chế không buông thả theo một quan điểm sống ích kỷ, ta có thể thay thế bằng một quan điểm biết trân trọng hết thảy mọi chúng sinh. Ta không nên mong đợi là quan điểm của mình đối với người khác sẽ thay đổi một cách tức thì.

b. Nhận ra khổ đau của người khác

Sau khi phát triển sự cảm thông và gần gũi, thực hành quan trọng tiếp theo trong quá trình trau dồi lòng bi mẫn là hiểu thấu được bản chất của đau khổ. Lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh phải bắt nguồn từ việc nhận biết được nỗi khổ đau của họ. Một điều rất đặc thù trong sự suy ngẫm về nỗi khổ đau là, nếu ta chú tâm vào nỗi khổ đau của chính mình rồi sau mới mở rộng nhận thức ấy đến những khổ đau của người khác, thì thực hành đó sẽ có khuynh hướng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Lòng bi mẫn của ta đối với người khác sẽ phát triển khi nhận thức về những khổ đau của họ được phát triển.

- Tất cả chúng ta đều cảm thông một cách tự nhiên đối với những người đang trải qua nỗi khổ vì bệnh tật đau đớn, hoặc nỗi đau mất người thân yêu. Đây là một loại khổ mà trong đạo Phật gọi là khổ vì đau khổ (khổ khổ).

- Việc khởi sinh lòng bi mẫn sẽ khó khăn hơn đối với người đang trải qua những gì mà đạo Phật gọi là nỗi khổ của sự đổi thay, biến hoại, trong thuật ngữ truyền thống có thể bao gồm cả những kinh nghiệm vui thích (lạc thọ) như tận hưởng danh vọng hay sự giàu sang. Đây là loại khổ thứ hai - hoại khổ. Khi ta thấy người khác tận hưởng thành công trong đời sống thế tục, thay vì khởi lòng bi mẫn thương xót vì biết rằng những thứ ấy cuối cùng cũng sẽ kết thúc, khiến họ phải khổ đau thất vọng vì mất mát, thì ta lại thường có khuynh hướng ngưỡng mộ và đôi khi thậm chí là ghen tị. Nếu ta có sự hiểu biết chân thật về khổ đau và bản chất của nó, ta sẽ nhận ra rằng, việc thụ hưởng danh vọng và giàu sang là tạm bợ biết bao và niềm vui có được từ đó sẽ kết thúc một cách tự nhiên như thế nào, khiến người ta phải đau khổ.

- Còn có loại khổ thứ ba với mức độ sâu sắc hơn và là loại đau khổ vi tế nhất - hành khổ. Ta trải qua nỗi khổ này triền miên vì nó chính là hệ quả của vòng luân hồi do vô minh. Bản chất của vòng luân hồi là ta phải liên tục phạm sai lầm bởi những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Và khi nào ta còn bị chúng điều khiển, thì bản thân sự hiện hữu của ta chính là một dạng thức biểu hiện của đau khổ. Mức độ đau khổ này bao trùm suốt cuộc đời ta, xô đẩy ta loanh quanh mãi trong vòng luẩn quẩn của những xúc cảm tiêu cực và hành vi bất thiện. Tuy nhiên, loại khổ này rất khó nhận biết. Nó không phải trạng thái đau khổ rõ ràng như ta nhận thấy trong nỗi khổ vì khổ đau (khổ khổ), cũng không phải đối nghịch với sự giàu sang thịnh vượng như ta nhận thấy trong nỗi khổ vì sự thay đổi, biến hoại (hoại khổ). Thế nhưng, nỗi khổ đau bao trùm này (hành khổ) là sâu sắc nhất, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống.

Một khi ta phát triển được sự hiểu biết sâu sắc về ba mức độ đau khổ qua kinh nghiệm của chính bản thân mình, việc chuyển sự quan tâm của ta đến những khổ đau của người khác và suy ngẫm về ba mức độ khổ đau như trên sẽ dễ dàng hơn. Từ đó ta có thể phát triển tâm nguyện mong sao cho tất cả chúng sinh đều được thoát khỏi mọi khổ đau. Một khi ta có thể kết hợp sự cảm thông đối với người khác và sự hiểu biết sâu sắc về những nỗi khổ đau mà họ đang chịu đựng, ta sẽ dễ dàng sinh khởi lòng bi mẫn chân thật đối với họ. Chúng ta nhất thiết phải thực hiện điều này một cách liên tục, không gián đoạn. Ta có thể so sánh tiến trình này với việc tạo ra một tia lửa bằng cách chà xát hai que củi. Chúng ta biết rằng, để đạt đến thời điểm phát ra tia lửa, ta nhất thiết phải duy trì lực ma sát liên tục để đều đặn tăng dần nhiệt độ lên đến mức mà que củi có thể bốc cháy. Tương tự, khi ta nỗ lực để phát triển những phẩm chất tinh thần như lòng bi mẫn, ta nhất thiết phải chuyên cần vận dụng những pháp tu tập tinh thần cần thiết để đạt đến kết quả mong muốn. Loay hoay với việc này theo cách ngẫu hứng sẽ chẳng mang lại chút lợi ích thật sự nào.

c. Lòng từ ái

Trong khi lòng bi mẫn là mong muốn mọi người thoát khỏi khổ đau, thì lòng từ ái là mong muốn mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Cũng giống như với lòng bi mẫn, khi ta nuôi dưỡng lòng từ ái thì điều quan trọng là phải bắt đầu bằng việc chọn một con người cụ thể để tập trung sự quán niệm, và sau đó mở rộng phạm vi quan tâm ngày càng rộng hơn nữa, cho đến mức hoàn thiện cuối cùng và bao gồm tất cả chúng sinh. Một lần nữa, ta cũng bắt đầu bằng cách chọn một đối tượng quán niệm là người không gây cảm xúc gì mạnh mẽ nơi ta. Sau đó, ta mở rộng sự quán niệm này đến bạn bè, người thân trong gia đình, và cuối cùng là những người đặc biệt đối nghịch với ta. Đối tượng quán niệm của ta phải là một con người thật sự, và ta phải phát triển lòng từ bi hướng về người đó đến mức có thể thật sự khởi sinh lòng từ bi đối với tất cả những người khác. Mỗi lần thực hành ta chỉ nên chọn một người để quán niệm. Nếu không, pháp quán từ bi của ta có thể cuối cùng cũng chỉ tạo ra một cảm xúc rất chung chung đối với tất cả mọi người, và không tạo ra được sự tập trung hay năng lực đặc biệt cho sự quán niệm. Và như vậy, khi ta thật sự vận dụng sự quán niệm theo cách này hướng đến những con người đặc biệt mà ta không ưa thích, ta thậm chí có thể sẽ không sinh khởi được lòng từ bi và nghĩ rằng: “Ồ, hắn ta là một trường hợp ngoại lệ”.

2. Từ bi quán

a. Lòng bi mẫn và Tánh không

Lòng bi mẫn mà ta nhất thiết phải đạt đến qua quá trình tu tập khởi sinh từ tuệ giác quán chiếu về Tánh không, bản chất rốt ráo của thực tại. Bản chất rốt ráo này là mọi khía cạnh của thực tại đều không có tự tính tự tồn tại, tất cả các Pháp đều không có một tự tính đồng nhất. Chúng ta tự gán ghép phẩm chất “có tự tính tự tồn” này cho thân tâm ta, để rồi nhận thức về cái “khái niệm” trạng thái khách quan do chính mình gán ghép đó như là “bản ngã” hay “cái tôi”. Cảm thức mạnh mẽ về bản ngã này sau đó lại bám víu vào một kiểu bản chất tự tồn nào đó của các pháp, chẳng hạn như là “tính chất xe” của một chiếc xe hơi mới mà ta khao khát.

Và kết quả của sự cụ thể hóa khái niệm như vừa nêu trên cùng với sự bám víu tiếp theo sau nó là ta cũng có thể sẽ phải trải qua những cảm xúc như sân hận hoặc khổ đau trong tình huống không có được đối tượng mà mình khao khát, như: xe hơi, máy vi tính mới,… hay có thể là bất kì sự vật gì. Sự cụ thể hóa như trên thực sự có nghĩa là, chính ta đã gán ghép cho các đối tượng ấy một thực thể mà chúng không hề có. Khi lòng bi mẫn được kết hợp với sự nhận hiểu về cách thức mà tất cả những đau khổ của chúng ta đều xuất phát từ nhận thức sai lầm về bản chất thực tại, đó là lúc ta đạt được bước tiếp theo trên cuộc hành trình tâm linh. Khi ta nhận ra rằng nền tảng của khổ đau chính là nhận thức sai lầm này, là sự bám víu sai lầm vào một “cái tôi” ảo không thực sụ có, ta sẽ thấy rằng khổ đau có thể loại trừ. Một khi ta từ bỏ nhận thức sai lầm, ta sẽ không còn vướng vào khổ đau nữa.

Khi thấu rõ được rằng những đau khổ của con người là có thể ngăn ngừa, có thể khắc phục, lòng cảm thông của ta đối với sự thiếu khả năng tự giải thoát của chúng sinh sẽ dẫn đến một lòng bi mẫn còn mạnh mẽ hơn nữa. Nếu không rõ biết như vậy, cho dù lòng bi mẫn của ta có thể là mạnh mẽ, nhưng rất có thể ta sẽ rơi vào tình trạng thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng.

b. Quán từ bi như thế nào?

Nếu ta thật sự muốn phát triển lòng bi mẫn, ta phải dành nhiều thời gian hơn cho điều đó chứ không chỉ giới hạn ở những thời ngồi thiền chính thức. Đó là mục tiêu mà ta nhất thiết phải toàn tâm toàn ý thệ nguyện đạt đến. Nếu mỗi ngày ta thực sự có được thời gian để ngồi quán niệm thì rất tốt. Như tôi đã đề nghị, buổi sáng sớm là thời gian rất tốt cho việc quán niệm như thế, vì tâm trí ta đặc biệt sáng suốt vào lúc ấy. Tuy nhiên, ta nhất thiết phải dành nhiều thời gian hơn cho việc nuôi dưỡng lòng bi mẫn chứ không chỉ là quán niệm vào buổi sáng. Chẳng hạn, trong những thời ngồi thiền chính thức ngoài buổi sáng, ta nỗ lực phát triển sự cảm thông và gần gũi với người khác. Ta quán chiếu về sự khổ đau bế tắc của họ.

Và một khi trong ta đã sinh khởi lòng bi mẫn chân thật, ta cần phải duy trì và hoàn toàn trải nghiệm tâm bi mẫn ấy, sử dụng pháp thiền chỉ (định tâm) để duy trì sự tập trung mà không khởi sinh tư tưởng hay suy diễn. Điều này cho phép lòng bi mẫn thấm đẫm tràn ngập trong ta. Và khi cảm xúc bi mẫn bắt đầu yếu ớt dần đi, ta lại vận dụng suy luận theo pháp thiền quán để khơi dậy trở lại lòng bi mẫn của mình. Ta thay đổi qua lại giữa hai pháp thiền chỉ và quán, rất giống như người thợ gốm làm việc với đất sét, cho nước vào nhồi và tạo hình đúng lúc cần thiết.

Thông thường, tốt nhất là ban đầu ta không nên dành quá nhiều thời gian cho những buổi thiền định chính thức. Ta sẽ không thể phát tâm từ bi với tất cả chúng sinh trong một sớm một chiều. Ta cũng sẽ không thành tựu trong một tháng hay một năm. Nếu ta có thể giảm thiểu khuynh hướng ích kỷ và phát triển đôi chút sự quan tâm đến người khác trước khi từ bỏ cõi đời, xem như ta đã sống có ích trong kiếp này. Thay vì thế, nếu ta cố ép mình phải đạt đến quả Phật trong một khoảng thời gian ngắn, không bao lâu ta sẽ mệt mỏi trong việc hành trì. Khi ấy, chỉ riêng quang cảnh nơi ta ngồi thiền chính thức mỗi buổi sáng cũng đủ để khơi dậy sự nản lòng.

c. Tâm đại bi

Trạng thái Phật quả tối thượng được tin là có thể đạt đến trong một đời người. Đó là đối với những hành giả phi thường đã trải qua nhiều kiếp tu tập trước đây để chuẩn bị cho cơ hội thành tựu này. Ta chỉ có thể cảm thấy khâm phục những hành giả như thế và noi gương họ để phát triển sự kiên trì thay vì cố ép mình đến bất kỳ mức độ thái quá nào. Tốt nhất là ta đi theo con đường trung đạo, tránh đi sự thờ ơ lãnh đạm và sự cuồng nhiệt quá độ. Ta cần phải chắc chắn rằng, dù bất cứ việc gì ta làm cũng đều duy trì được một phần tác động hay ảnh hưởng từ sự thực hành thiền định, nhằm định hướng cho mọi hành vi của ta trong đời sống hằng ngày. Nhờ làm được như thế nên mọi việc ta làm ngoài những thời thiền định chính thức đều trở thành một phần trong sự rèn luyện tâm từ bi. Thật không khó để phát triển sự thương cảm đối với một em bé trong bệnh viện hay một người quen đang đau khổ than khóc vì cái chết của người bạn đời. Ta nhất thiết phải bắt đầu suy xét đến việc làm thế nào để tâm hồn rộng mở đến cả những người mà ta thường ganh ghét, những người có cuộc sống tốt đẹp và giàu sang. Với nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về bản chất khổ đau, đã đạt được từ những buổi ngồi thiền, ta sẽ có được khả năng hướng tâm bi mẫn đến cả những người như thế. Cuối cùng, ta phải có được khả năng hướng tâm bi mẫn về tất cả chúng sinh cũng theo cách như vậy, thấy được rằng tình trạng của họ luôn phụ thuộc vào những điều kiện của vòng sinh tử luân hồi. Bằng cách này, mọi sự tương tác giữa ta và người khác đều trở thành những chất xúc tác để lòng bi mẫn của ta càng thêm sâu sắc hơn. Đây là cách thức để ta giữ cho tâm hồn rộng mở trong cuộc sống hằng ngày, ngoài những thời gian thiền định chính thức.

Lòng bi mẫn chân thật luôn có sự mãnh liệt và phát khởi tự nhiên giống như tình yêu người mẹ dành cho đứa con đau khổ của mình. Suốt trong ngày, sự quan tâm của người mẹ như thế dành cho con mình luôn ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ và hành động của bà ta. Đây là thái độ mà ta cần phải nỗ lực nuôi dưỡng hướng đến mỗi một và tất cả chúng sinh. Khi ta kinh nghiệm được điều này, ta đã phát khởi được tâm đại bi. Một khi ta đã có được cảm xúc sâu sắc nhờ vào lòng đại từ đại bi và tâm hồn đã rung động bởi những ý tưởng vị tha, nhất định ta sẽ phát nguyện hiến mình cho sự giải thoát tất cả chúng sinh khỏi những khổ đau mà họ đang gánh chịu trong vòng luân hồi, là vòng xoay của sự sinh ra, chết đi rồi tái sinh mà tất cả chúng ta đều là những tù nhân bị giam hãm trong đó. Nỗi khổ đau của ta không chỉ giới hạn trong hoàn cảnh hiện tại. Theo quan điểm Đạo Phật, hoàn cảnh hiện tại được làm người như chúng ta là tương đối thoải mái. Tuy nhiên, ta sẽ chịu đựng khó khăn hơn nhiều trong tương lai nếu ta không tận dụng được cơ hội hiện tại. Lòng bi mẫn giúp ta kiềm chế được cách suy nghĩ ích kỷ. Ta trải nghiệm được niềm hỷ lạc lớn lao và không bao giờ rơi vào cực đoan của việc mưu cầu hạnh phúc và sự giải thoát cho riêng mình. Ta tiếp tục nỗ lực để phát triển và hoàn thiện đức hạnh và trí tuệ. Với lòng bi mẫn như thế, cuối cùng ta sẽ đạt được tất cả những điều kiện cần thiết để đạt đến giác ngộ. Vì vậy, ta nhất thiết phải nuôi dưỡng lòng bi mẫn ngay từ lúc khởi đầu con đường tâm linh của mình.

III. THỰC HÀNH LÒNG BI MẪN

Nhân tố chính yếu của một đời sống hạnh phúc và một xã hội hòa hợp chính là lòng bi mẫn. Lòng bi mẫn, điểm tinh yếu trong giáo pháp của Đức Phật, cũng luôn được khuyến khích bởi tất cả các tôn giáo trên thế giới.

Lòng bi mẫn là sự truyền thông trung thực và trực tiếp với người khác. Đó là khả năng cảm thông với người khác và đưa ra sự giúp đỡ hoàn toàn tự nhiên như cứu giúp chính bản thân mình. Vì ranh giới phân biệt giữa “ta”“người khác” được thu hẹp, nên lòng bi mẫn thấm đẫm tính khiêm hạ. Vì mong muốn cho người khác được thoát khổ là một tâm nguyện rất mạnh mẽ nên lòng bi mẫn cũng mang tính kiên cường, quả cảm.

Khi có ai đó vượt đường xe ta trên xa lộ một cách nguy hiểm, thay vì giận dữ chửi rủa, ta có thể đặt mình vào vị trí của người ấy. Đôi khi chính ta cũng là người lái xe bất cẩn, thường là vì ta bận tâm lo nghĩ điều gì đó quan trọng. Người tài xế kia cũng vậy. Ta luôn muốn được người khác bỏ qua cho những lỗi lầm của minh, vì thế ta cũng nên tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Chúng ta có thể học cách thương yêu mọi người giống như tình cảm thương yêu ta vẫn dành cho gia đình và bè bạn. Ta muốn con cái ta, cha mẹ ta đều được hạnh phúc. Những người khác có thể không phải họ hàng của ta, nhưng họ cũng là cha mẹ, con cái của ai đó. Họ cũng giống nhau ở những cương vị là cha mẹ, là con cái, chỉ có khác biệt duy nhất khi mô tả là “của họ” thay vì “của ta”. Một khi chúng ta nhận ra được tính chất chủ quan của những danh xưng “ta”“người khác”, tình thương yêu và lòng bi mẫn của chúng ta sẽ có thể trải rộng đến mọi người một cách bình đẳng không phân biệt. Bằng cách đó, những cảm giác xa lạ và rào cản giữa mọi người sẽ được xóa bỏ. Làm sao ta có thể yêu thương những người bị xã hội xem là xấu ác? Không một con người nào sinh ra vốn sẵn là xấu ác và hoàn toàn chỉ có những mặt xấu ác. Mọi người đều có tiềm năng trở thành một vị Phật.

Những đám mây của sự mê lầm, sân hận và tham lam đang che khuất đi những phẩm tính tốt đẹp nền tảng trong người họ. Lấy ví dụ, thương yêu một tên tội phạm không có nghĩa là để cho anh ta tiếp tục làm hại người khác. Ta cần phải có lòng bi mẫn đối với cả những nạn nhân và thủ phạm của những hành vi gây hại. Vì không muốn cho kẻ gây hại tạo những nghiệp ác mang lại khổ đau tương lai cho chính họ, chúng ta cần ngăn cản họ. Dù vậy, khi không khởi tâm oán ghét hay thù hận, ta có thể từ bi cứu giúp tất cả các bên có liên quan trong một tình huống xấu. Trải lòng bi mẫn đến tất cả chúng sinh không có nghĩa là chúng ta xao lãng với gia đình và bè bạn của mình. Một số người quá quan tâm đến việc xây dựng hoàn thiện xã hội đến nỗi con cái họ gặp phải những vấn đề do thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ. Chúng ta rất dễ xem thường những người sống chung với mình. Tuy nhiên, ta nhất thiết không được quên rằng gia đình và bè bạn của ta cũng là những người mà ta có thể làm lợi lạc trước hết.

Phát triển lòng bi mẫn mỗi ngày

Việc tự nhủ rằng mình phải nhẫn nhục hay phải có lòng bi mẫn cũng không làm cho những phẩm tính tốt đẹp này sinh khởi trong tâm thức ta. Chúng cần phải được chú tâm nuôi dưỡng. Vì thế, điều quan trọng là phải dành một ít thời gian an tĩnh trong ngày để tu dưỡng phát triển nội tâm. Một vài phút an tĩnh vào buổi sáng sẽ giúp ta phát khởi động cơ không gây tổn hại đến người khác và giúp đỡ mọi người càng nhiều càng tốt trong suốt ngày hôm đó. Thời gian an tĩnh vào buổi tối cho ta cơ hội để xem xét lại và “tiêu hóa” những sự kiện trong ngày. Quán xét cách ứng xử của mình với những sự việc trong ngày sẽ giúp ta tự hiểu được chính mình. Ta có thể nhận thấy là mình rất nhạy cảm trước những lời chỉ trích hay cảm thấy như bị lợi dụng mỗi khi người khác nhờ ta giúp đỡ. Và rồi ta có thể tự hỏi mình xem liệu ta có muốn tiếp tục duy trì những khuynh hướng như thế.

Không cần phải phân tách rạch ròi giữa sự tu dưỡng an tĩnh của ta với các hoạt động cùng người khác. Khi ở một mình, ta có thể quán chiếu cuộc sống cũng như những hành vi của mình và quyết định xem ta muốn làm việc cùng người khác như thế nào. Khi làm việc, ta vận dụng và thực hành những điều đó. Sau đó, ta có thể quán chiếu lại những gì đã xảy ra khi làm việc, rút ra bài học từ kinh nghiệm bản thân và hình thành những quyết tâm mới cho các ứng xử trong tương lai. Bằng cách này, thời gian an tĩnh tu dưỡng mỗi ngày và những hoạt động thường nhật của ta sẽ bổ sung cho nhau. Ta trưởng thành nhờ đó và trong từng quãng thời gian đó. Sự duy trì đều đặn là quan trọng trong việc tự tu dưỡng. Dành ra đều đặn mỗi ngày 10 phút sẽ tốt hơn nhiều so với thiền tập 5 giờ liền mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, nếu mỗi năm ta có thể tham dự một khóa tu trong khoảng vài ba ngày hoặc vài tuần lễ, điều đó sẽ có giá trị rất lớn. Trong thời gian đó, ta có khả năng đi sâu hơn vào tiến trình tu dưỡng cá nhân.

Con người trong xã hội hiện đại rất bận rộn và dễ xao lãng việc tự tu dưỡng. Tuy nhiên, nếu ta thiết lập một cách rõ ràng những ưu tiên của mình thì việc dành thời gian cho quán chiếu nội tâm sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, ta cân nhắc tất cả những công việc mình cần phải làm và liệt kê ra theo tầm quan trọng của những việc ấy đối với ta. Bằng cách này, ta có được sự rõ ràng và quyết tâm cần thiết để sắp xếp thời biểu hằng ngày theo một cách dễ quản lý hơn. Điều quan trọng là phải đặt ra những mục tiêu thực tiễn cho việc thực hành tâm linh và không kỳ vọng bản thân mình tức thì thay đổi. Những điều kiện ngoại cảnh trong xã hội hiện đại có thể thay đổi rất nhanh chóng, nhưng khuynh hướng và tập quán, thói quen của chúng ta thì không. Sự nhẫn nại với chính mình cũng như với người khác là cần thiết. Nếu chúng ta xét nét và nghiêm khắc thái quá với chính mình, chắc chắn ta cũng sẽ ứng xử như thế với người khác. Nhưng một thái độ quá đáng như thế không giúp bản thân ta hay người khác thay đổi. Nếu ta có lòng thương yêu và nhẫn nhục với chính mình, chúng ta sẽ dần dần cải thiện. Tương tự, nếu ta ứng xử như vậy với người khác, ta sẽ không thiếu nhẫn nại hay đòi hỏi quá đáng nơi họ.

Sự cân bằng là thiết yếu. Đôi khi ta cần mở rộng hơn những giới hạn của mình. Và đôi khi ta cần sự an tĩnh để thấm nhuần những gì đã học được. Chúng ta cần nhạy bén nhận biết nhu cầu của bản thân mình vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào và có sự hành xử tương ứng, thích hợp. Thách thức không ngừng của chúng ta là phải tìm ra một giải pháp trung hòa giữa hai cực đoan: thúc ép bản thân vượt quá khả năng thật có hoặc sống buông thả và lười biếng. Khi ta trở nên khéo léo hơn trong việc cân bằng các hành vi của mình, ta sẽ có khả năng tránh được sự kiệt sức. Những người làm việc trong chuyên ngành tư vấn xã hội và những người có đời sống bận rộn thường đối mặt với nguy cơ vắt kiệt sức lực của chính mình.

Đôi khi thật khó đưa ra lời từ chối: “Rất tiếc! Cho dù đề án đó là rất giá trị, nhưng hiện giờ tôi không thể giúp quý vị trong đề án này”. Chúng ta có thể cảm thấy mình có lỗi hoặc quá lười nhác, như thể ta đang làm cho người khác phải suy sụp, tuyệt vọng. Tuy nhiên, nhận lãnh công việc vượt quá khả năng mình chẳng giúp ích gì cho bản thân ta cũng như người khác. Chúng ta cần đánh giá chính xác về khả năng của bản thân mình. Đôi khi ta có thể tham gia cùng lúc nhiều dự án. Nhưng có những lúc khác, ta cần sự yên tĩnh quán chiếu và học hỏi nhiều hơn. Nếu ta có được thời gian yên tĩnh này, ta sẽ hồi phục sinh lực và sau đó có khả năng giúp đỡ người khác lâu dài và hiệu quả hơn. Điều quan trọng là phải hiểu được rằng, sự hành trì chân chính là thực hành trong từng giây phút, ngày này sang ngày khác. Chúng ta làm bất cứ điều gì trong khả năng mình, với trí tuệ hiện có, và hồi hướng tất cả những điều đó vì lợi lạc cho hết thảy chúng sinh. Chúng ta chỉ cần sống cuộc sống đơn giản, sống tốt nhất trong khả năng mình. Điều này tự nó đã mang lại lợi ích lớn lao cho người khác. Ta không cần phải đợi đến sau khi thành Phật rồi mới bắt đầu việc giúp người.

***

PHỤ THÊM

LÒNG TỪ BI CỦA ĐỨC PHẬT

 

Tiếp theo bài viết về thực tập từ bi trong Đạo Phật, chúng tôi muốn bổ túc với hai đoạn văn nói đến lòng từ bi của Đức Phật, được thuật lại trong Kinh “Hoa Sen chánh pháp” (hay: Diệu-pháp Liên-hoa kinh; Pháp-hoa kinh, saddharma-pundarika sutra), một bộ kinh của phái Thiên-thai tông và của phái Pháp-hoa tông. Một đoạn nói đến Đức Phật động lòng trắc ẩn, đến cứu vớt chúng sinh bị giam trong ngục lửa, và một đoạn khác diễn tả Đức Phật trở nên nghèo để đi tìm đứa con hoang đàng và dẫn đưa nó về nhà. Toàn bộ sách nêu bật lòng đại độ của Đức Phật. Danh hiệu của Ngài là Đại-bi (Mahakaruna).[5]

1. Đối thoại giữa Đức Thế tôn với tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta)[6]

“Tại một khu dân cư của một thủ phủ, có một đại trưởng giả, lắm của, nhiều nhà đất và tôi tớ. Ngôi nhà của ông rộng lớn nhưng chỉ có một cửa. Nhiều người, một trăm, hai trăm cho đến năm trăm, cùng ở trong đó. Nhưng ngôi nhà ấy, lầu gác nhà chính đã hư cũ, tường vách lở rã, chân cột hư mục, rường nhà và đòn nóc đã xiêu nghiêng cửa. Và đột nhiên bốn phía cùng lúc dậy lửa, đốt cháy nhà cửa.

Con của đại trưởng giả có đến mười người, hai mươi người, vẫn ở trong ngôi nhà ấy. Đại trưởng giả thấy lửa dữ dội bốn phía dấy lên thì hết sức kinh sợ, nghĩ rằng dầu ta có thể do nơi cái cửa của ngôi nhà đang cháy này mà thoát ra một cách an tòan, nhưng các con ta thì trong nhà lửa cháy như vầy mà vẫn ham chơi giỡn, không hay không biết, không kinh không sợ. Hơi lửa đã xáp đến nơi mình, nóng rát như cắt mà lòng vẫn không chán không lo, không có ý gì thoát chạy. Đại trưởng giả lại nghĩ, thân mình và cánh tay ta rất mạnh, ta có thể dùng vạt áo hoặc ghế đẳng, gom các con lại ôm mà chạy ra. Nhưng đại trưởng giả lại nghĩ, ngôi nhà như vầy chỉ có một cửa, cửa ấy lại nhỏ hẹp. Các con nhỏ dại, chưa biết gì hết, lại lưu truyền đam mê chỗ chúng dang chơi, nên có thể có đứa con rơi xuống mà bị lửa đốt cháy. Vậy ta nên cho các con biết sự thế khủng khiếp, rằng ngôi nhà đã cháy, phải thoát ra cho mau, đừng để lửa đốt cháy mất. Nghĩ rồi, đại trưởng giả nói hết cho các con nghe những điều mình nghĩ, và giục các con cấp tốc chạy ra. Nhưng người cha thương xót và khéo bảo, mà những đứa con của ông vẫn ham chơi giỡn, không tin không sợ, không có lòng nào muốn ra, cũng không biết lửa là gì, nhà ra sao, cháy mất là thế nào, chỉ biết chạy qua chạy lại, giỡn cười và nhìn cha mà thôi.

Đại trưởng giả thấy vậy nghĩ rằng, ngôi nhà này đang bị lửa đốt cháy, ta với con ta không thoát gấp thì chắc chắn bị đốt. Ta phải lập chước phương tiện để làm cho các con khỏi bị tai họa. Là cha nên đại trưởng giả biết tâm ly các con mỗi đứa một sở thích. Những đồ chơi quí, đẹp và lạ, ý chúng chắc chắn rất ham. Ông bảo, cha có những đồ chơi các con rất thích, Những đồ ấy hiếm có, khó được, các con không lấy thì sau tất hối tiếc. Những đồ ấy là các cỗ xe dê, các cỗ xe hươu và các cỗ xe bò, hiện cha để cả ở ngoài cửa, các con có thể ra lấy mà chơi, Hãy chạy ra khỏi ngôi nhà này tức khắc, các con muốn chơi thứ nào cha cũng cho cả. Các con nghe cha nói đến đồ chơi vừa quý vừa đẹp thì trúng ý của chúng, nên đứa nào cũng đâm ra hăng hái, xô nhau, đẩy nhau, đua nhau mà chạy, giành nhau mà thoát khỏi nhà lửa”.

Chú giải:

Đại trưởng giả chính là đức Phật. Ngài dư sức để thoát ra khỏi căn nhà cháy, nhưng vì lòng thương xót bao la ví như người cha, Ngài đã dùng hết tài trí năng lực của mình để tìm cách đưa các con vượt qua ngọn lửa của sinh gìa bệnh chết, của lo buồn đau khổ, của ba độc tố vô minh, dục vọng và hận thù, giáo hóa cho họ đạt được tuệ giác vô thường. Chúng sinh chìm trong biển lửa mà họ cứ mải mê vui chơi. Đức Phật phải tìm kế đưa ra ba cỗ xe để dụ họ bước lên hầu thoát khỏi họa, đó là cỗ xe Thanh văn, cỗ xe Duyên giác, cỗ xe Phật đà. Hai cỗ xe đầu tượng trưng những cố gắng để đạt đến tuệ giác; còn cỗ xe Phật đà tượng trưng cho sự tin tưởng cầu khẩn các bồ tát, và rồi cũng được đưa tới Niết bàn.

2. Dụ ngôn đứa con hoang đàng [7]

a/. Một người tuổi nhỏ dại bỏ nhà cha trốn đến xứ khác, ở lâu mười năm, hai mươi năm, cho đến năm mươi năm. Khi tuổi lớn rồi, lại thêm nghèo khốn, người ấy bôn ba khắp nơi để kiếm cơm áo, lần hồi đến nhằm đô thành cha ở. Còn người cha thì trước đến giờ tìm con mà không được, nên dừng lại mà ở tại đô thành ấy. Ông rất giàu có. Tài sản và bảo vật, đại lọai như bạc vàng, lưu lý, san hô, hồ phách, pha lê và trân châu thì vô số. Mọi kho tàng đều tràn đầy. Có lắm phụ tá, môn lại và tôi tớ. Voi ngựa, xe cộ và bò dê thì vô số kể. Lợi tức thu chi khắp cả các nước. Thương khách rất đông đảo.

Người con nghèo khốn đi qua các vùng dân cư, hết xứ lớn đến xứ nhỏ, và rồi đến nhằm đô thành cha ở. Người cha vẫn thường nhớ con. Xa con hơn năm mươi năm mà ông chưa bao giờ nói việc ấy với ai, chỉ nghĩ riêng mà buồn tiếc. Ông lo già cả, nhiều của, vàng ngọc kho tàng tràn đầy mà không có con cháu, một mai chết thì của ấy tiêu tan vì không có người để giao phó. Lo nghĩ như vậy nên ông thường tha thiết nhớ con. Ông nghĩ nếu gặp con để giao của thì hết lo hết nghĩ, vui thích biết mấy.

b/. Người con nghèo khốn làm thuê làm mướn, lần hồi đến nhằm lâu đài người cha, đứng lại bên cửa, xa thấy người cha ngồi trên ngai sư tử mà ghế đẩu nâng chân cũng trang hòang vàng ngọc. Bà la môn, sát lợi và cư sĩ thì kính cẩn bao quanh. Thân ông trang sức bằng chuỗi ngọc trân châu giá trị ngàn vạn tiền vàng. Môn lại và tôi tớ thì cầm quạt lông trắng đứng hầu hai bên. Trên đầu thì che trướng đính ngọc và treo rủ xuống là những dải phan kết hoa. Dưới đất thì được rưới nước thơm và rải những thứ hoa danh tiếng. Bảo vật thì la liệt và đang được thu chi. Đủ thứ hoa mỹ và đặc biệt tôn nghiêm như vậy. Người con nghèo khốn thấy người cha tu thế lớn lao đến thế thì sợ hãi, hối tiếc đến nhằm chỗ này. Nghĩ thầm đây là vua hoặc ngang với vua, không phải chỗ mình làm mướn kiếm ăn. Chẳng bằng đi đến xóm nghèo, có chỗ bán sức, cơm áo dễ kiếm hơn. Ta đứng mãi ở đây thì có thể bị cưỡng bách làm việc. Nghĩ như vậy rồi nên bỏ chạy thật mau. Người cha, vị trưởng giả giàu có ấy, ngồi trên ngai sư tử nhưng thấy con thì nhận biết được liền, lòng rất vui mừng, nghĩ rằng bảo vật kho tàng của ta nay đã có người để giao phó rồi. Ta nhớ mãi đứa con này, không làm sao gặp được mà nay nó bỗng tự nhiên đến, rất hợp nguyện ước của ta. Ta già rồi mà vẫn ham con tiếc của! Tức thì sai phái viên cấp tốc chạy theo dẫn về. Phái viên chay mau đến bắt. Người con nghèo khốn kinh hãi, lớn tiếng kêu oan, tôi đâu có xúc phạm gì đến các người, tại sao các người bắt tôi? Phái viên bắt càng gấp, kéo bừa dẫn về. Người con nghèo khốn tự nghĩ vô tội bị bắt như bắt tù thì chắc phải chết. Càng nghĩ càng sợ mà ngất đi mà ngã xuống đất. Người cha từ xa thấy vậy thì bảo phái viên, ta không cần người này nữa, đừng dẫn người này về theo cách cưỡng bách như thế. Hãy lấy nước lạnh rưới mặt cho người này tỉnh lại, nhưng đừng nói gì với người này nữa. Người cha bảo như vậy vì biết con mình ý chí thấp hèn. Ông tự biế chính sự cao sang của mình làm cho con mình khiếp sợ. Biết đích là con trai của mình, nhưng người cha áp dụng phương tiện, không nói với ai rằng người này là con tôi. Ông bảo phái viên nói với con mình, rằng ta thả anh, anh đi đâu tùy ý. Người con nghèo khốn mừng như được sự chưa từng có, từ đất đứng dậy, đi đến xóm nghèo để kiếm cơm áo.

Trưởng giả muốn dẫn dụ con mình nên lập chước phương tiện. Ông kín đáo sai hai phái viên hình sắc tiều tụy, không oai phong gì, dặn rằng các người đi tìm người nghèo khốn vừa rồi, từ từ nói rằng ở đây ta có việc thuê làm, trả giá gấp đôi. Người ấy chịu thì các người dẫn về cho làm. Người ấy có hỏi muốn thuê làm gì, thì các người bảo thuê quét dọn dơ bẩn, và chúng tôi cùng làm với anh. Hai phái viên tức khắc đi tìm người con nghèo khốn. Tìm được rồi nói rõ mọi việc. Người con nghèo khốn hỏi biết giá thuê, rồi đi liền đến lâu đài người cha mà quét dọn dơ bẩn với hai người kia.

Người cha thấy con như vậy thì vừa thương xót vừa quái lạ. Ngày khác, từ trong cử sổ, ông thấy thân con gầy ốm tiều tụy, phân đất bụi bặm làm bẩn cả người. Tức khắc, ông cởi chuỗi ngọc, cởi áo mềm mịn thượng hạng và bao nhiêu đồ trang sức khác, thay vào, ông mặc chiếc áo thô rách cáu bẩn, lại làm cho bụi đất lấm lem cả người, rồi tay phải cầm dụng cụ quét dọn dơ bẩn, bộ dáng có vẻ ghê sợ đồ dơ, đến bảo những người làm thuê: các người hãy làm cho siêng, đừng nhác đừng nghỉ. Với cách phương tiện ấy ông mới gần được con ông. Sau đó lại bảo: chàng trai này, hãy làm luôn ở đây, đừng đi đâu nữa. Ta sẽ trả thêm tiền thuê cho anh. Cần gì về thau chậu, gạo bún, muốn giấm, thì đừng có e ngại. Có người vừa sai vặt vừa già vừa xấu kí, cần thì ta cấp cho. Anh hãy yên tâm. Ta như cha anh, anh đừng lo nghĩ gì cả. Ta đối xử như vậy là vì ta già cả mà anh trai trẻ, với lại anh làm việc thường không dối không nhác, không tức giận không óan than. Ta không thấy anh có những tính xấu ấy như các người làm thuê khác. Từ nay về sau anh như con trai của ta sinh ra. Trưởng giả tức thì đặt cho cái tên gọi là con. Người con nghèo khốn, dẫu mừng vì sự đãi ngộ ấy, vẫn tự xưng như cũ, rằng mình là người ngòai, người làm thuê hèn hạ. Do vậy mà trong hai mươi năm trời, vẫn chỉ được bảo quét dọn dơ bẩn. Qua thời gian này rồi lòng mới tin nhau, và người con nghèo khốn ra vào trong lâu đài một cách không e ngại gì nữa. Nhưng chỗ ở thì vẫn thích ở chỗ cũ.

c/. Bấy giờ trưởng giả bị bệnh, tự biết gần mất, mới bảo người con nghèo khốn, ta có lắm vàng ngọc, kho tàng tràn đầy. Trong đó nhiều ít và đáng thu đáng chi thế nào, con phải biết cho rõ. Ý cha như vậy, con phải thể theo. Nay thì cha với con không khác gì cả. Con phải chú ý, đừng để thất thoát. Người con nghèo khốn, khi ấy, tức thì vâng lời, lãnh nhận và biết rõ mọi thứ, từ vàng ngọc cho đến kho tàng. Nhưng không có ý gì mong lấy cho đủ một bữa ăn., và chỗ ở vẫn ở chỗ cũ, tâm lý thấp kém cũng chưa bỏ được. Phải qua ít lâu nữa, cha biết con tâm trí đã thênh thang, chí lớn đã thành đạt, đã biết tự khinh bỉ tâm lý ngày trước của mình, nên lúc sắp chết, ông gọi con và triệu tập họ hàng, quốc vương, đại thần, sát lợi, cư sĩ. Mọi người tập hợp cả rồi, ông tự tuyên bố rằng: “Xin các vị biết cho, người này là con trai của tôi, do tôi sinh ra. Trước đây, tại đô thành cũ, con tôi đã bỏ tôi mà trốn chạy, lưu lạc khổ sở hơn năm mươi năm. Con tôi vốn tên như vậy, tôi tên như vậy. Ngày xưa, tại đô thành ấy tôi lo lắng tìm kiếm mà không được, ngày nay, tại đô thành này bỗng nhiên tôi gặp được con tôi. Nó thật con tôi, tôi thật cha nó. Ngày nay, hết thảy tài sản bảo vật của tôi đều là của con tôi, và trước đây thu chi thế nào con tôi đã biết rõ cả”.

Khi người con nghèo khốn nghe lời ấy của người cha trưởng giả thì cùng cực vui mừng, được sự chưa từng có, nghĩ rằng mình vốn không có lòng nào mong cầu, vậy mà ngày nay kho báu tự đến.

Chú giải:

Người cha, vị trưởng giả là đức Thế tôn. Chúng sinh là những người con. Do u mê và lầm lẫn, người con tuy bị khổ nhưng ưa thích giáo pháp thấp nhỏ dơ bẩn, nghĩa là những phép tu luyện tự sức mình. Bây giờ Ngài đưa giáo pháp vĩ đại mà giáo hóa.

 

 

 


[1] Bài viết này được Lm. Giuse Trần Ngọc Thiện, OP. tổng hợp và lược dịch theo tư tưởng của Đức Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, trích từ hai chương 7 và 8 trong tác phẩm: “An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life”by The Dalai Lama, edited by Nicholas Vreeland, Little, Brown and Company, Boston, 2001, tr. 89-106.

[2] Tiếng Việt có thể dùng nhiều cách gọi khác nhau, nhưng diễn tả ý tương tự như nhau như: tâm từ bi, lòng từ bi, lòng trắc ẩn, lòng bi mẫn, lòng thương cảm,…

[3] “Phạm trú” theo tiếng Pali được gọi là “brahma-vihara”. “Brahma” có nghĩa là Phạm thiên, còn “Vihara” có nghĩa là nơi cư trú. “Brahma-vihara” được dịch là Phạm trú hay Thiên trú, tức là nơi cư ngụ của chư thiên. “Bốn Phạm trú” hay “Tứ vô lượng tâm”, là những trạng thái tâm thức tốt đẹp và mạnh mẽ nhất mà người tu tập, dù là hạng xuất gia hay tại gia có thể thực tập để chứng nghiệm được. Đức Phật dạy hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế, cho mọi loài chúng sinh ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện, là lối sống của bậc thánh. Nếu mỗi người tự cố gắng thực hành “Tứ vô lượng tâm”, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da, giai cấp,… thì mỗi người sẽ trở thành một công dân lý tưởng trong một thế giới hòa bình, an lạc.

[4] Đạo Phật không đặt trọng tâm quá nhiều vào Đức Phật như một con người thần thánh, hay vào những người tu tập theo ngài, tức là Tăng đoàn, mà nhấn mạnh vào Chánh pháp, tức là giáo pháp và sự thực chứng, còn gọi là chứng ngộ hay giác ngộ (thấy Chân lý). Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời cách đây hơn 2.500 năm ở Ấn Độ, không phải sinh ra đã là bậc toàn giác. Ngài cũng đã từng là con người bình thường như chúng ta, cũng có cùng những bất ổn và nghi hoặc như chúng ta. Nhờ đi theo con đường tu tập hướng đến giác ngộ mà ngài trở thành một vị Phật. Tương tự, mỗi chúng ta đều có khả năng trở thành đại bi, toàn trí và thiện xảo. Khoảng cách giữa đức Phật và chúng ta không phải là không thể vượt qua, vì chúng ta cũng có thể trở thành những vị Phật. Khi ta tạo tác nhân giác ngộ bằng cách tích lũy thiện hạnh và trí tuệ thì tự nhiên rồi ta sẽ chứng ngộ. Nhiều người đã làm được như vậy. Mặc dù khi nói về Đức Phật là chỉ đến Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng trên thực tế còn có rất nhiều vị Phật khác.

[5] Bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích Trí Quang, tải từ địa chỉ: www.budsas.org/uni/u-kinh-ph/phaphoa00-htm.

[6] Cuốn Hai. Phẩm 3: “Ví dụ”.

[7] Cuốn Hai. Phẩm 4: “Tin hiểu”.