Friday, 24 January 2020 11:17

Giác Ngộ “Tự Tánh” Trong Thiền Phật Giáo - 5 Featured

GIÁC NGỘ “TỰ TÁNH” TRONG THIỀN  PHẬT GIÁO

(Theo Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng)

Tác giả: Lửa Mới

***

***

PHẦN V

THIỀN DƯỚI LĂNG KÍNH KITÔ GIÁO

(Phản Tỉnh Cá Nhân)

 

I. “TỰ TÁNH” TRONG THIỀN VÀ “THẦN KHÍ” TRONG KITÔ GIÁO

Sau khi lượt qua những ý niệm cơ bản của Thiền Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng quan niệm về bản chất của “Tự Tánh” trong Thiền dường như có vẻ tương hợp với bản chất của “Thần Khí” hay “Chúa Thánh Thần”[1]trong Kitô Giáo. Thánh Thần là Ngôi Ba cũng là Thiên Chúa thiêng liêng, thánh thiện, tự do tự tại, đầy sáng tạo… Những từ thường dùng ở nơi khác hay tôn giáo khác là: Thực Tại Thường Hằng, Chân Tâm, Thực Tại Tối Hậu, Phật Tánh, Thiên Chúa, Thượng Đế, Đấng Vô Cùng, Bản Thể Chân Như,… và có lẽ Lão Tử cũng gọi là “Tính” (Tánh)“Đạo”, Khổng Tử gọi là “Minh Đức”, Ấn giáo lại gọi là “Atman và Brahman”… Tên gọi có thể khác nhau nhưng tất cả đều nói đến thuộc tính của cùng một Thực tại vô hình, linh thiêng, vượt trên trí hiểu con người; là thánh thiện, quyền năng, vô cùng siêu việt; là Chân lý, ảnh hưởng sâu sắc và toàn thể đối với con người và vũ trụ…

Nói như trên, nhiều người Công Giáo có vẻ hơi khó chịu vì họ luôn cho Chúa của mình là vượt trên tất cả. Thật ra, Giáo lý Công Giáo muốn phân biệt Đấng Siêu Việt với các thần thánh khác cũng là thụ tạo từ Đấng Siêu Việt mà ra chứ không phải là phủ nhận niềm tin vào thực tại Siêu Việt nơi các tôn giáo khác. Nếu ai có lỡ thờ “những thần với những tên gọi không là Siêu Việt” là vì họ “không biết” và cho đó là Đấng Siêu Việt nhất của họ thì ta vẫn phải tôn trọng. Vấn đề ở chỗ là mỗi người đang tìm gì, “tìm mình” hay “tìm Siêu Việt”, và hoa trái mang lại là gì; nếu “tìm mình” thông qua việc thờ Siêu Việt thì cũng đồng nghĩa là “tự thần tượng chính mình”.

Nói như thế để muốn nói rằng nếu đúng thật là Siêu Việt thì chẳng giới hạn vào bất cứ tôn giáo nào cả, Chúa là Chúa thật sự thì chẳng là Chúa của ai cả nhưng là của tất cả. Nếu Siêu Việt mà còn “phân biệt” thì cũng chẳng còn Siêu Việt. Có chăng sự phân biệt là do con người tự giới hạn cho mình về một Siêu Việt trong một “ý niệm” hay “hình tượng” mà mình gọi tên là Siêu Việt mà thôi.

Chẳng hạn như Kitô giáo thường gọi Đấng Siêu Việt là “Thiên Chúa”. Khi gọi tên như thế thì ý niệm và kinh nghiệm trong tâm tư mỗi người nghĩ mỗi khác; hoặc có lúc chỉ đơn thuần nói lên một đặc tính nào đó của Thiên Chúa thôi, mà đặc tính Siêu Việt đó cũng mang tính trừu tượng như “Thiên Chúa là Tình Yêu, Nhân từ…”. Ngay cả Môsê khi hỏi “Tên Thiên Chúa” cũng chỉ được Thiên Chúa trả lời là “Ta là Đấng Ta là”[2](I am Who am), vì không có gì hữu hạn có thể được gọi tên mà bao hàm được Đấng Vô hạn.

Thánh Anselm cũng đã từng quan niệm về Đấng Siêu Việt rằng: Thiên Chúa hay Đấng Siêu Việt là Đấng vượt cao hơn những gì chúng ta nghĩ tới được. Do vậy, các mầu nhiệm của Thiên Chúa Siêu Việt thường chỉ có thể được “chiêm ngắm bằng con mắt tinh tuyền” mà thôi và phải “đi vào” như “hạt muối đi vào đại dương” mới hiểu được chứ không thể diễn tả đơn thuần bằng luận lý. Niềm tin Kitô giáo ngang qua Tin Mừng thánh Gioan còn cho thấy rằng: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.”[3]Có lẽ, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về một Thiên Chúa Siêu Việt khi nhìn ngắm hoạt động của Thần Khí ngang qua “Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người”.

II. HOẠT ĐỘNG CỦA THẦN KHÍ THIÊN CHÚA NGANG QUA ĐỨC GIÊSU

Việc Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa cũng là “hiện thân của Chân lý” xuống thế làm người là một Mầu nhiệm của Kitô Giáo, chúng ta chưa thể bàn nhiều ở đây. Thiên Chúa có thể ở trên cao thẳm mà Ngài cũng có thể ở tận đáy vực sâu của phận người là điều mà nhiều người không hiểu nỗi. Tuy vậy, chúng ta không thể lấy thước để đo cả vũ trụ này, cũng như không thể lấy lý trí hạn hẹp của mình để lý luận hay giới hạn Siêu Việt vào một ý niệm hay không gian nào cả. Trong giới hạn của mình, tôi chỉ xin lượt qua những điểm chính quan trọng về hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu mà thôi.

Trước hết, chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, không biết từ bao giờ và cho đến muôn đời, Thần Khí của Thiên Chúa vẫn luôn làm việc, tác sinh mọi sự và ở trong mọi loài. Ngài vẫn hằng dùng mọi cách để nâng đỡ và đưa con người về với Thiên Chúa Siêu Việt.[4] Giáo lý Công giáo có vẻ phân ra công việc của từng Ngôi Vị Thiên Chúa để hiểu như: Chúa Cha (Đấng Tạo Hóa): Sáng tạo; Chúa Con (Đức Giêsu): Cứu chuộc; Thánh Thần (Thần Khí): Thánh hóa. Nhưng trong thực tế, hoạt động của Ba Ngôi Vị luôn cùng một thể, không thể phân chia rạch ròi cũng như không thể tách Ánh Sáng Hơi Ấm khỏi Mặt Trời, nhưng ta có thể cảm nhận riêng biệt từng chức năng. Chính Thần Khí nối kết Đức Giêsu với Chúa Cha, và nối kết mọi người, mọi loài với Thiên Chúa thành một thể duy nhất mà có lẽ trong Thiền gọi là “Đại Ngã”.[5]

Về nghĩa thể lý và lịch sử, Đức Giêsu chỉ sống 33 năm trên trần thế, còn Thần Khí trong cả Ba Ngôi (Cha, Con và Thánh Thần) đồng một thể thì luôn hoạt động và tác sinh mọi sự trong mọi thời. Những mạc khải của Đức Giêsu về Thần Khí cũng khá am hợp với “Thực Tại Tự Tánh” mà Thiền Phật Giáo nhắm tới.[6] Thánh Phaolô cũng từng nói: “Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.”[7]

Cần phải nói thêm rằng sự hiện diện và công trình cứu độ của Chúa Giêsu trên trần thế cũng dưới sự tác động không ngừng của Thần Khí. Người nào muốn chân nhận Đức Giêsu là Chúa cũng phải nhờ Thần Khí mới tin như vậy được, vì chính Thần Khí trong tâm hồn mỗi người làm chứng cho Đức Giêsu.[8] Vai trò của Thần Khí là không thể thiếu trong việc biết, hiểu, tin và bước theo Đức Giêsu. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.  Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.[9]

Quả thật, người “biết” Đức Giêsu là ai về mặt danh và mặt trí thì nhiều nhưng người “hiểu, tin và bước theo” Đức Giêsu thực sự thì có vẻ không nhiều lắm. Nếu chưa thực sự được tôi luyện và “sinh lại nơi Phép Rửa của Thần Khí”[10] theo nghĩa “Hoán cải nội tâm tận căn” thì chưa thể gọi “bước theo” Đức Giêsu một cách dứt khoát được. Chính các môn đệ khi theo Đức Giêsu trong 3 năm nhưng vẫn còn mù tối với những toan tính trần thế, đến ngày “Lễ Ngũ Tuần” được tràn đầy Thánh Thần mới hiểu được hết những Lời Đức Giêsu rao giảng và sau đó mới can đảm sống chết, làm chứng cho “Tin Mừng Nước Trời”.[11]

Quả thế, bước trên Đường Đạo Giêsu không chỉ dừng lại ở cái biết nhưng là từng bước thực sự sống và đi vào “con đường hẹp” mà Đức Giêsu đã loan báo và làm chứng. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”[12] Có lẽ, có những người mặc dù không biết Đức Giêsu là ai nhưng họ đã và đang sống trên đường Đạo theo sự hướng dẫn của Thần Khí nơi tiếng lương tâm thì thật sự họ cũng sẽ và đã ở trong được Nước Trời rồi, vì Thần Khí và Đức Giêsu cũng là một Chân Lý trong Chúa Cha. “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài…”.[13] Do vậy, chẳng phải là ở việc tôi có mang danh là Kitô hữu hay không nhưng ở việc có sống trên đường Đạo của Chân lý không mới quan trọng.

Đức Giêsu cũng từng nói: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời.”[14] Ý Chúa Cha là gì thật không dễ để biết rõ hết. Dầu vậy có thể hiểu “Ý Cha” thể hiện cụ thể hơn hết qua những dao động nơi nội tâm qua những biến cố cuộc sống mà tự mỗi người mới tự hiểu được. Tâm hồn mỗi người phải đủ lắng đọng mới lắng nghe được tiếng Thần Khí nói qua lương tâm mình.

Ý cha còn là thể hiện rõ hơn nơi giáo huấn của các bậc thánh hiền, các ngôn sứ, đặc biệt là của Đức Giêsu. Tuy vậy, Giáo huấn hay Kinh thánh chỉ thật sự hữu ích khi được “vang lên” và sinh hoa kết quả nơi một tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Đức Ái chính là nền tảng của giáo huấn Đức Giêsu thể hiện qua hai điều răn quan trọng nhất là: Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn và yêu người khác như chính mình.[15]

Thật khó để tóm gọn đề tài Tình yêu (Đức Ái) trong vài câu chữ vì Tình yêu (Đức Ái) là một mầu nhiệm chỉ nên được hiểu và chiêm ngắm bằng hành động mà thôi. Tuy vậy, ở đây chỉ có thể đưa ra một nhận định nhỏ liên quan đến tinh thần của Thiền rằng: Tình yêu của Đức Ái đích thực bắt đầu trước hết nơi con tim đã được thanh lọc đến kỳ cùng cái tôi vị kỷ chỉ nghĩ cho mình. Một tình yêu tinh tuyền như thế là tình yêu đến cùng, không còn phân biệt đối tượng và tình trạng của ngoại cảnh hay đối tượng mình yêu ghét.

Dù có bị kẻ thù hay ngay cả những người thân yêu, những người mình làm ơn phản bội, vu oan, giáng họa, sỉ nhục hay giết chết mình… nhưng vẫn tỏ lòng thương xót đến cùng, không hờn không trách, không một lời than van lại còn cầu nguyện cho họ nữa… “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.[16] Hầu như tôn giáo nào cũng hướng con người đến việc yêu thương người khác, nhưng để có thể yêu đến kỳ cùng bằng một tình yêu không tính toán phân biệt tốt xấu thì ít là phải có kinh nghiệm đụng chạm được Tuyệt Đối cách nào đó.

Hơn nữa, không biết tự bao giờ tình yêu được gắn liền với đau khổ như một định mệnh. Nhưng có lẽ, chính trong đau khổ mà cái tôi được tôi luyện đến kỳ cùng và khi đó tình yêu đến cùng mới có cơ hội được thể hiện trọn vẹn. Tình yêu trong tương quan giữa con người thường có nhiều mức độ khác nhau, làm sao những con người đầy tham sân si như chúng ta có thể yêu bằng một tình yêu lớn như thế nếu không một lần đụng chạm đến lòng thương xót vô biên của Siêu Việt. Vì thế, dường như khi được hoán cải nội tâm và giác ngộ “Tự Tánh cũng là Thần Khí Tình yêu” người ta mới hiểu rõ “Tình yêu là gì” và mới có can đảm yêu đến cùng như thế!

Nhìn chung, dưới sự hướng dẫn tác động của Thần Khí sứ mệnh quan trọng nhất của Đức Giêsu ở tại thế không gì khác hơn là đến loan báo “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (Nước Trời)” và nhất là làm chứng về Nước đó bằng chính “Tình yêu tự hủy đến cùng” qua hành động, cái chết và sự Phục Sinh của mình ngay trên trần gian này…

Trước tình cảnh “lực bất tòng tâm” khốn cùng của con người, tình yêu và lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu đã trở nên niềm tin, niềm hy vọng và sức mạnh cho những ai tội lỗi, bế tắc, lạc lối, cùng đường… Ngài đã trở nên “cầu nối tuyệt vời” giữa con người và Thiên Chúa. “Chính Thầy là con Đường (Đạo), là Sự thật (Chân lý) và là Sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.[17] Có lẽ, thông qua sự can thiệp kỳ diệu của Thần Khí “Con Thiên Chúa làm người để con người làm con Thiên Chúa” là có ý như vậy!

III. “THỰC TẠI TỰ TÁNH” TRONG THIỀN VÀ “THỰC TẠI NƯỚC TRỜI” TRONG KITÔ GIÁO

Nếu chỉ về trạng thái, điều mà Thiền gọi là “Thực Tại Tự Tánh” có lẽ cũng có thể gọi là “Thực tại Nước Thiên Chúa” hay “Nước Trời” trong Kitô giáo. “Thực tại Tự Tánh hay Nước Trời” là một Thực tại Siêu Việt nên cả hai bên không thể dùng đến lý luận hay từ ngữ nào để biện giải hết được. Đó là thực tại chỉ bằng chứng nghiệm mới biết được và nó không ở đâu xa mà là ngay trong thâm tâm mỗi người và giữa con người với nhau: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông”,[18] Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”.[19]

Hơn nữa, Nhà Phật cũng như Kitô Giáo đều nhấn mạnh ở chỗ “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tự bản chất ban đầu ai cũng là “Phật”, ai cũng là “Thánh” là “Con Chúa” cả, đó là cái “Bổn lai diện mục” mà Huệ Năng hay nhắc đến. “Khuôn mặt ngàn đời” vốn tinh tuyền thánh thiện, đó là khuôn mặt trẻ thơ đơn sơ không hằn “nếp nhăn” của lo lắng sầu buồn. Sở dĩ con người có trở nên xấu đi là cũng do những bóng đen của Vô minh nơi “lý trí phân biệt” và tội lỗi nơi những “tham sân si” làm cho tối tăm và bế tắc.[20] Làm thế nào để “mở mắt tâm hồn” con người, giúp họ xa tránh mê lầm tội lỗi để được vào Nước Trời và trở nên Con Thiên Chúa trở lại được trình thuật rất nhiều trong các lời rao giảng của Đức Giêsu nơi các Tin Mừng.

1. “Trở nên như trẻ thơ mới được vào Nước Trời”

Chúa Giêsu luôn nhắc các môn đệ phải “trở nên như trẻ thơ mới được vào Nước Trời”, nghĩa là phải “sinh lại một lần nữa trong Thần Khí”. Trở lại tinh thần trẻ thơ nguyên sơ ban đầu đòi hỏi phải trải qua một cuộc thanh luyện bằng lửa trong Thần Khí, lúc đó mới có lại tinh thần đơn sơ thánh thiện ngày nào. Tinh thần trẻ thơ là đi vào con đường nhỏ bé, khiêm tốn, phó thác hoàn toàn; chẳng xét đoán phân biệt, toan tính thiệt hại, tranh dành hơn thua hay so đo nghĩ ngợi nhiều vì “ngày mai cứ để ngày mai lo”. “Trước hãy lo tìm kiếm Nước Trời và đức Công chính của Người còn mọi sự khác Người sẽ ban cho sau”.[21]

Thánh Têrêsa Hài Đồng đã khám phá và sống đến cùng theo tinh thần “đơn sơ” đó nên đã trở nên một vị đại thánh và còn là Tiến sĩ Hội Thánh nữa vì đã khơi lại sức sống nơi “con đường bé nhỏ”“Khôn Ngoan Nước Trời” mà một thời người ta có vẻ quên lãng.[22] Quả vậy, Thiên Chúa thường chỉ mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người đơn sơ, khiêm hạ, yếu đuối, nghèo hèn: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.[23]

Trở nên trẻ thơ còn là trở về với tinh thần “nghèo” của Nước Trời. Chỉ có những “tâm hồn nghèo” mới dễ dàng đón nhận mầu nhiệm Nước Trời. Khi nói đến “nghèo” nhiều người sẽ nghĩ đến là không có tiền, không có những nhu cầu cần thiết của đời sống… Nói như vậy cũng đúng nhưng chưa đủ. Cái “nghèo của Nước Trời” ở đây có vẻ nhấn mạnh hơn ở tinh thần và tâm hồn. “Nghèo” là không còn cậy dựa vào những điều mình sở hữu, là không bám víu vào những tài năng, đam mê hay chính cái tôi mình mà cho đó là giàu. Có thể có những người rất nghèo về vật chất nhưng lại đầy ham muốn công danh lợi lộc… Nhưng cũng không thiếu những người giàu có về tiền bạc, tài năng, chức quyền, học thức nhưng lại rất thanh thoát. Họ có rất nhiều nhưng không bám dính vào gì cả, và cũng không coi đó là tự mình làm ra tất cả nên cũng sẵn sàng cho đi nhưng không.[24]

Do vậy, vấn đề không phải là tôi có hay không có cái gì nhưng ở chỗ là con tim tôi có bám dính và “bán linh hồn” vào đó không? Vì “kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đó”. Con người thường chỉ nhìn một mặt và tự giới hạn mình vào một “điều gì” rồi cho đó là đủ nên dễ tự mãn và bị nô lệ cho điều mình đang bám víu. Về sau khi nhìn thấy mặt trái của điều mình đang tìm kiếm lại trở nên thất vọng. Tuy vậy, điều lạ lùng là chính sự thất vọng khốn cùng đó là cách sẽ làm cho họ nhận ra mình “chẳng là gì cả” và lúc đó Thiên Chúa mới có thể dễ dàng đi vào cuộc đời họ. Quả vậy, người nghèo thật sự là người nhận ra mình “nghèo” và chính trong sự nhỏ bé, mọn hèn, yếu đuối của con người mầu nhiệm của Thiên Chúa mới được tỏ hiện. Đức Giê su đã từng nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.[25]

Thật ra, là thân phận thụ tạo thì ai cũng “nghèo” như nhau thôi, nhưng tự trong thâm tâm để nhận ra mình nghèo thật sự không dễ dàng chút nào! Theo quan niệm Kitô giáo “Nghèo” và “Trẻ thơ” thật sự là chỉ lấy Chúa làm “gia nghiệp” đời mình và khi đó lại trở nên “giàu”, vì “không có gì cả những lại có tất cả”. Không tự giới hạn mình vào những điều hữu hạn con người sẽ trở nên vô hạn. Có lẽ, câu nói “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”[26] phần nào được diễn tả với ý như vậy.

2. Vai trò của các Dụ Ngôn để diễn tả Nước Trời

Ai đó đã nói: “khoảng cách giữa con người và Chân lý là một câu chuyện”. Điều này có phần rất đúng đối với quan niệm truyền đạo của các bậc Thánh hiền Phương Đông và một số ở Phương Tây. Phần lớn các ngài chỉ toàn là kể chuyện hay kể dụ ngôn. Khi như thế sẽ dễ cuốn hút người nghe hơn và người nghe cũng dễ chấp nhận hơn, vì chẳng ai lại đi chống đối một câu chuyện. May ra chỉ những người có căn cơ thì những lời giải thích mới có giá trị phần nào.

Các Thiền Sư và những người đã thực sự chứng ngộ Thực tại Tự Tánh chẳng bao giờ nói rõ cho hết Thực tại đó là gì. Bởi vì dù có nói ra rõ mấy mà người môn đệ lại chấp dính vào câu chữ mà bàn thì dẫn đến thành kiến và “hiểu mà hiểu sai”, lại thêm phỉ báng lại điều người nói thì càng không hay. Đức Khổng Tử nói: “Không giáo hóa một người đã chín mùi, là bỏ phí con người. Giáo hóa một người chưa chín mùi, là phí đi lời nói.” Lão Tử còn đưa ra nhận xét khi nói đến Siêu Việt rằng “Người nói thì không biết, mà người biết lại không nói” là vậy.

Bởi thế, các câu chuyện dụ ngôn các ngài kể chỉ như những bảng chỉ đường dẫn người ta đến cửa Chân lý, muốn biết như thế nào thì tự đương sự bước vào mới hiểu được. Đức Giêsu cũng thế, mặc dù Ngài chính là hiện thân của Chân lý nhưng Ngài cũng không muốn diễn đạt Nước Thiên Chúa bằng các từ ngữ trừu tượng, khó hiểu, gây hoang mang nhức đầu cho người nghe vì những người bình dân sẽ “không chịu nỗi”. Ngài biết rằng dù có giải thích ra như thế nào thì cũng ít ai hiểu, vì thực tại Nước Trời ngược hẳn với lối nghĩ thông thường của con người. “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu”.[27] Khi kể xong một dụ ngôn Ngài chỉ nói rằng “ai có tai thì hãy nghe” mà thôi![28]

Các dụ ngôn là những gì rất sát với thực tế đời sống con người. Những gì thân thiết nhất mà còn chưa hiểu nổi thì làm sao có thể hiểu được những điều cao siêu của thực tại Siêu Việt. Thực tại Siêu Việt là điều không thể hiểu bằng luận lý đơn thuần. Có những điều quá ư là đơn giản trong cuộc sống nhưng lại phản ánh những thông điệp Nước Trời.

Nếu là người có “tâm hồn trẻ thơ” đã “chuẩn bị mảnh đất tâm hồn mình tốt”[29] thì sẽ nhận ra Nước Trời đó trong bất cứ điều gì. Người “có tai” là người “khao khát công chính”,[30] là người thực tâm cầu đạo, có sẵn mảnh đất tốt,[31] là người đã được cày bừa, xới đất bởi gian khổ và đã thanh luyện khỏi những quyến luyến gai góc, đá sỏi của cõi trần. Người nhận ra được Tự Tánh hay Nước Trời trong tâm hồn mình thì vui mừng khôn kể xiết ví như người “tìm được kho báu trong ruộng, rồi bán hết những gì mình có mà mua cho bằng được thửa ruộng đó”.[32] Tìm lại được kho báu cũng là một hành trình “trở về nhà xưa” nơi có vòng tay yêu thương của Cha Già.[33]

Bước vào lãnh thổ của Nước Trời cũng phải có những tiêu chuẩn như là giấy thông hành phải có, được trình bày rõ ràng nơi “Hiến Chương Nước Trời của Tám Mối Phúc thật”.[34] Tám mối phúc là các bước gột rửa cần thiết để mặc được tấm áo tinh sạch, những người như thế mới được dự tiệc Nước Thiên Chúa.[35] Như vậy, Nước Trời mà các dụ ngôn nói về cũng có thể hiểu trước hết chẳng phải như nơi chốn của không gian và thời gian nhưng chính là thực tại cụ thể trong tâm hồn mỗi người, có thể là sau khi chết nhưng cấp thiết hơn hết là ngay tại đời này.

3. “Một Địa Đàng đã đánh mất và một Nước Trời được tìm thấy”

a. Một Địa Đàng đã đánh mất

Nói về một Nước Trời đã đánh mất gợi lại cho ta câu chuyện dụ ngôn về Vườn Địa Đàng năm xưa trong sách Sáng Thế.[36] Người ta thường nghĩ Vườn Địa Đàng là ở đâu đó của Thiên Đàng siêu hình sau khi chết. Thật ra, điều đó không sai nhưng nghĩ như vậy thì hơi đi xa quá so với hiện trạng ơn cứu độ trước hết là nơi tâm hồn mỗi người “ở đây và bây giờ”.

Adam hay Eva thường được cho là “tổ tiên của loài người” nhưng cách nào đó cũng được hiểu chính là Cái Tự Ngã (Adam) và Cái Ngã Tâm lý (Eva) trong thâm tâm mỗi người. Nhưng nhìn lại, Tự Ngã hay Ngã Tâm lý cũng chỉ là một trong cái Đại Ngã của Siêu Việt bao la mà thôi. Bao lâu Adam và Eva còn là “một xương một thịt” thì còn ở trong Thiên Chúa, bao lâu “tự tách ra” với những xung đột thì cũng tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Có lẽ, đó là điều mà Đức Giêsu luôn khẩn nài cùng Chúa Cha: “Xin cho họ hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta”.[37]

Những phẩm tính của “Adam”, “Eva” và những nỗi gian truân của Vô Minh-Cám dỗ đến việc phạm tội phần nào diễn tả trong ý nghĩa của các phần trên. Lý trí phân biệt Thiện-Ác đã được ma quỷ gieo rắc cho Eva khi ăn “trái cấm”, rồi Eva đưa đến cho Adam. Sau đó, mắt Vô Minh của hai ông bà “mở ra” để rồi tâm thần bấn loạn với cái nhìn Thiện-Ác đầy thiên lệch, luôn bất an. “Con người” một khi bị cuốn vào thì “vướng mắc” bám dính với những “tham sân si” nơi ngoại cảnh của cuộc đời.

Thánh Augustin đã đưa ra một định nghĩa về tội rất xác đáng rằng: Tội là ở tình yêu mất trật tự. Dù thế, sự mất trật tự này không diễn ra đâu xa nhưng chính ngay trong tâm hồn mỗi người, nơi các tương quan giữa Siêu Việt (Tạo Hóa) => Tôi = Tha nhân (thụ tạo) => Sự vật (thụ tạo). Con người luôn đề cao “đức ái” trong các tương quan với chính mình và các thụ tạo khác, nhưng vấn nạn khốn khổ là ở con mắt tâm hồn chỉ nhìn một mặt nên thường lẫn lộn giữa “đức ái” và “tình yêu mất trật tự”. Khi con tim mình bám dính vào điều gì là thụ tạo đến nỗi tôn lên làm “thần tượng” sẽ tạo nên những “quyến luyến lệch lạc” thay vì quy về Tự Tánh Siêu Việt bên trong để có đức ái quy tha đích thực, con người lại quy kỷ cho “cái tôi” để tìm thỏa mãn cho mình bên ngoài. Khi “mãi chạy theo một điều gì đó” con người thường có xu hướng “coi trời bằng vung, coi người khác như rơm rác” và bất chấp nhân phẩm, mạng sống của mình và người khác để đạt cho bằng được điều mình ham muốn.

Tất cả đều có trật tự và vị trí thích hợp của nó trong cái Một Tuyệt Đối của Đại Ngã Siêu Việt, nếu chỉ cần thay đổi một chút trật tự trong tâm thức thì con người sẽ dẫn đến bấn loạn. Sự bất ổn của tâm hồn nói lên một sự mất trật tự nào đó mà mình không ý thức. Do vậy, phải cần sự lắng đọng nội tâm mới nhận ra được để sắp xếp lại thì mới ổn thỏa.

Hậu quả của tội là ở chỗ gánh lấy “một con tim mù tối, đầy chao đảo hổn loạn”. “Con mắt tinh tuyền thánh thiện” của tinh thần trẻ thơ đã khép lại, cửa Trời cũng khép lại tại đó. Đau khổ là “món quà” của lòng tham quyến trao tặng. Ta tham sân si điều gì thì chính những điều đó làm cho ta khổ chứ chẳng có ông Trời nào bắt con người phải khổ! Thư Thánh Giacôbê còn nói rõ về nguyên nhân cám dỗ dẫn đến tội: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết.”[38]

Cũng nên nói mạnh rằng, cái gian nan nhất của cõi trần không phải là ở những đau khổ gặp phải nhưng là ở “con mắt bị quáng vì lệch lạc” như bị một “lăng kính nào đó” của dục vọng tham sân si làm lệch đi sự thật trước mắt. Những giá trị thật thì cho là giả dối, những điều chóng qua lại cho là thật là rất thực tế, chẳng biết gì mà lại tự mãn nơi cái biết của thuần lý, nơi những bám víu có vẻ “tốt lành, thánh thiện” để tìm chính mình hơn là tìm Chúa… rồi cứ đâm đầu xuống hố mà chẳng biết!

Cái đau thương hơn nữa của cõi trần là: chính mình lãnh hậu quả của những tham quyến si mê đã đành lại còn gây ra bao thiệt hại và thương tích cho những người xung quanh nữa. Khi mình “đau” sẽ là nguyên cớ làm cho người khác tổn thương và cũng có cái nhìn lệch lạc như mình. Và cứ thế sự tổn hại về tâm hồn và cái nhìn lệch lạc được truyền từ người này qua người khác, từ đời này đến đời khác một cách vô thức như một lẽ hiển nhiên. Khi một điều lệch lạc được đa số chấp nhận đều có thể trở nên như một “luật bất thành văn” và không ai có thể phủ nhận cho dù điều đó trói buộc con người. Đức Giêsu cũng đã từng lên án những người gây cớ cho người khác sa ngã: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”[39] Phải chẳng đó là “dấu tích của việc con người truyền lại tội vạ cho nhau”?[40]

Cũng phải nói thêm rằng, nếu giả sử có một ai đó được giác ngộ nói lên sự thật về thực tại cuộc sống thì đều nhận được sự chống đối khốc liệt. Ai cũng chế nhạo và cho họ là khùng điên, không bình thường,… Sở dĩ họ bị như vậy là vì những lời sự thật họ nói ra thường gây khó chịu, đụng chạm đến đam mê và quyền lợi mà những người liên quan đang tìm kiếm… Đa số các bậc thánh hiền, các thánh tử đạo, các ngôn sứ và ngay cả Đức Phật, Đức Giêsu ban đầu cũng bị cho là bất thường, rồi sau đó phần lớn các ngài đều nhận được cái chết như là một minh chứng cho Chân lý và Sự thật… Những điều này, tự mỗi người chứng nghiệm lấy trong thâm tâm mình nơi những trình thuật của Kinh thánh và kinh nghiệm thiêng liêng của các nhà thần bí. Từ đó, ta sẽ cảm nghiệm sâu hơn về thực tại Nước Trời mà Đức Giêsu muốn nói đến.

b. Một Nước Trời được tìm thấy

Nhìn lại những kinh nghiệm những người đã được “mở mắt”, đã nhận ra Tự Tánh – Thiên Chúa trong đời mình dường như chúng ta thấy rằng những đau khổ, thất vọng, khủng hoảng, bế tắc mà họ gặp phải lại trở nên những ơn huệ lớn lao để được hoán cải trở về. Cảnh cùng đường của người con hoang đàng trong Tin Mừng,[41] cảnh sàn lọc khủng khiếp của các môn đệ trong Vườn Cây Dầu, là nước mắt sám hối của Phê rô khi chối thầy ba lần, đó cũng là cú ngã ngựa mù mắt của Phaolô trên đường Damas[42]… Cũng vậy, không thể không nhắc đến sự bế tắc khốn quẩn của Inhaxiô Loyola ở Manresa,[43] những hoang mang bối rối không cùng của Augustine khi cứ mãi tìm Chúa bên ngoài[44]… Quả vậy, hình như các cuộc khủng hoảng và bế tắc đến không thể bám víu vào đâu nữa chính là cái “lò nung” đến cùng tột của những tội nhân muốn trở về và chỉ muốn “buông ra tất cả” để “Tuyệt Đối bắt lấy” mà thôi. Đó là lúc “lúa đã chín đang chờ gặt về”, “những người làm giờ thứ mười một” cũng được lãnh một đồng như những người trước.[45]

Như vậy, cần phải có một sự đánh đổi nào đó nơi những mất mác của cuộc sống để được “thức tỉnh” còn hơn là được an toàn mà “mất cả chì lẫn chài”. “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục.”[46] Quả thật, một khi đã nhận ra được “kho tàng thật” của cuộc đời mình thì việc “từ bỏ tất cả”“đánh đổi tất cả để mua lấy” lúc đó sẽ dễ dàng hơn, nếu chưa thật nhận ra thì quả là gian nan…!

Cho dù biến cố gì xảy ra đi nữa thì với Đức tin, người Kitô hữu có niềm tin sẽ vượt qua tất cả vì tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa.[47] Cho dù “không hiểu gì cả” những gì xảy đến cho cuộc đời mình nhưng họ vẫn Tin, chỉ Tin thôi! Đối với Chúa Giêsu ngoài Đức Ái thì Đức Tin là điều vô cùng quan trọng. Phải chăng đó là cách mà các Thiền sư muốn nhấn mạnh khi “nhìn mọi sự trong Một Niệm”. Chỉ cần “Một niệm”“TIN” thôi, không nghĩ gì khác nữa, con người có thể “chuyển núi dời non”. Chỉ với Đức tin, con người sẽ có “cái nhìn khác hẳn” và nhận ra rằng tất cả là Thiên Chúa làm, là Tự Tánh làm chứ bản thân con người chẳng làm được gì!

Dầu vậy, Tự Tánh hay Thánh Thần Thiên Chúa chỉ cần nơi con người một bước của “Tự Độ” nghĩa là hãy “Buông ra” để chính Thiên Chúa hay Tự Tánh “Bắt lấy”. Nếu con người không can đảm “Buông ra” nơi những “tham sân si” hay trở nên “tuyệt vọng” không có “Niềm Tin” để “quay đầu” thì Chúa, Phật hay bất cứ ai cũng chẳng làm được gì. Niềm tin vào Thần Khí Thiên Chúa hay Tự Tánh sẽ biến đổi tận bên trong con người và một cuộc sống mới lại được bắt đầu từ đây, một cuộc Tái Sinh thật sự để có thể nói rằng: “Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế”.[48]

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.[49]

KẾT LUẬN CHUNG

Đến đây, chúng ta còn phải tóm lại điều gì về đề tài “Giác Ngộ Tự Tánh” trong Thiền đây? Con đường để Giác ngộ có thể có nhiều ngỏ khác nhau, nhưng Tự Tánh thì chỉ có một. Giác ngộ được Tự Tánh không phải là điều dễ dàng, và đạt được Tự Tánh là như thế nào sẽ không thể ai diễn tả hết cho ai được. Bấy nhiêu trang giấy cũng chỉ là những khái niệm và những bảng chỉ đường của Thiền Môn cho những ai thực tâm cầu đạo muốn Giác Ngộ Tự Tánh mà thôi. Còn gặp được hay không là do ở căn cơ và kinh nghiệm riêng tư của mỗi người, và điều quan trọng là có can đảm “buông xả để được thanh thản” không!

Về tương quan giữa Thiền và Kitô giáo thiết nghĩ sẽ không bàn gì thêm, chỉ xin lấy lại kinh nghiệm trở về của Augustine, một vị đại thánh của Công Giáo như một điển hình. Kinh nghiệm của Augustine phần nào có vẻ gần gũi và am hợp với việc Giác Ngộ Tự Tánh của Thiền hơn cả. Kinh nghiệm này được trích lại từ ý tưởng một lời kinh nổi tiếng của Augustine trong bài hát “Ngài có đó” do Linh mục Ân Đức phổ nhạc. Âm điệu bài hát sẽ như là một âm giai nền để phần nào giúp lột tả ý nghiệm bên trong. Còn sau đó là gì thì xin để lại một “khoảng lặng” cho ngôn ngữ của chính tâm hồn mỗi người bày tỏ

1. Ngài có đó, khi con tưởng mình đang cô đơn. Ngài nghe con khi chẳng ai đáp lời. Ngài yêu con khi mọi người lìa bỏ xa con, khi tình đời là mối giây oan, ân tình Ngài hằng luôn chan chứa.

2. Ngài có đó, dang tay chờ đợi con bao năm. Ngài kêu con mong được con đáp lại. Ngài bên con trên đường đời mờ khuất tương lai, chân mệt nhoài thập giá trên vai, con mong đáp Tình Yêu Chúa.

ĐK: Ôi! Con yêu Chúa quá muộn màng, con yêu Chúa quá muộn màng. Ngài đã chiến thắng, con mù lòa Ngài đã chiếu sáng. Ngài tỏa ngát hương và làm con say mến. Ngài là dịu êm và làm con khao khát ngày đêm.

3. Ngài có đó, như bóng hình nào trong con tim. Ngài trong con thế mà con vẫn tìm. Ngài thương con, xoa dịu hồn đầy vết thương đau, tha tội tình nhẹ gánh gian lao, con tin Chúa là Tình Yêu.

***

THAY ĐỔI

Tôi bị căng thẳng thần kinh trong nhiều năm. Tôi lo lắng, xuống tinh thần và trở nên ích kỷ. Mọi người đều lặp đi lặp lại rằng tôi phải thay đổi.

Và tôi đã oán hận họ, nhưng rồi cũng đồng ý với họ và mong muốn mình phải thay đổi nhưng đành chịu thôi, cho dù cố gắng cách mấy.

Điều đau đớn nhất là, cũng như bao nhiêu người khác, những bạn bè thân thiết nhất cứ thúc giục tôi thay đổi. Do đó, tôi cảm thấy cùng đường, không lối thoát.

Ngày kia, anh ấy bảo tôi: “Bạn đừng thay đổi làm chi. Tôi vẫn yêu thương bạn như bạn hiện có.”

Những lời nói đó vang vọng vào tai tôi như một điệu nhạc êm đềm: “Bạn đừng thay đổi. Đừng thay đổi. Đừng thay đổi…Tôi vẫn yêu thương bạn như bạn hiện có.”

Tôi cảm thấy thanh thản. Tôi đã lấy lại sức sống. Và rồi lạ lùng thay, tôi đã thay đổi! Bây giờ đây tôi rõ biết tôi không thể thực sự thay đổi được cho tới khi tôi gặp được người nào đó thương yêu tôi cho dù tôi có thay đổi hay không.

Chúa thương yêu con cách thế đó phải không Chúa?

Althony de Mello, SJ.

***

ĐẠI BÀNG HAY GÀ?

Một người tìm được một quả trứng chim đại bàng và để ấp trong ổ gà mái. Chú  đại bàng con đã nở ra với bầy gà con và đã lớn lên như lũ gà vậy. Nó cục tác; bươi đất để kiếm trùng giun; vỗ cánh đen đét và tập bay vài bước trên mặt đất.

Nhiều năm tháng trôi qua. Ngày kia chim đại bàng trở nên già nua, trông thấy một con chim oai phong lẫm liệt bay lượn cao vút trên nền trời xanh, ở trên đầu nó. Chim đó lượn qua lượn lại một cách duyên dáng và oai phong, ngược dòng các cơn gió dũng mảnh mà chỉ khẽ rung đôi cánh màu vàng rực rỡ.

Rất đổi say mê, chim đại bàng hỏi: “Con chim gì thế?”

Con gà bên cạnh trả lời: “Đó là con chim đại bàng, chúa tể của các loài chim. Giống chim đó thuộc về trời cao bể rộng. Còn chúng ta đây thuộc về đất đai – chúng ta là giống gà mà.”

Bởi thế chim đại bàng đã sống và chết như một con gà vì cứ tưởng mình là gà.

Althony de Mello, SJ.

 


[1] Chúa Thánh Thần: Thường được lấy biểu tượng là “Chim Bồ Câu, Lửa, Gió…”

[2] Xh 3, 13-15

[3] Ga 1, 18

[4] Rm 8, 22-27

[5] Ga 14, 1-12

[6] Ga 14, 16.26 + 15, 26 + 16, 7-8 + 16, 13

[7] 1Cr 12, 3b-7. 12-13.

[8] 1Ga 4, 2 + 1 Cr 12, 3b-7. 12-13.

[9] Ga 16, 12-13

[10] Ga 3,1-21.

[11] Cr 2, 1-11

[12] Mt 7, 13-14

[13] Mt 8, 11-12

[14] Mt 7, 21-29

[15] Mc 12, 28b-34

[16] Lc 23, 34

[17] Ga 14, 6

[18] Lc 17, 20-25

[19] 1Cr 3, 16

[20] 1Ga 2, 16

[21] Mt 6, 25-34

[22] Mt 18, 1-4 + Mt 19, 13-15

[23] Lc 10, 21

[24] Đọc thêm câu chuyện Gia kêu Lc 19, 1-10

[25] Mt 9, 12-13

[26] Mt 5, 3

[27] Mt 13, 1-23

[28] Mt 13, 10-17 + Mt 13, 34-35

[29] Mt 13, 1-23

[30] Mt 5, 6

[31] Mt 13, 4-9, 18-23

[32] Mt 13, 44-46

[33] Lc 15, 11-32

[34] Mt 5, 1-12

[35] Mt 22, 1-14

[36] St 3

[37] Ga 17, 21

[38] Gc 1, 13-15

[39] Mc 9, 42

[40] St 3.

[41] Lc 15, 11-32

[42] Cv 9, 1-30

[43] Xem Tự Thuật của Thánh Inhã Loyola

[44] Xem Tự thuật của Thánh Augustine

[45] Mt 20, 1-16a

[46] Mc 9, 47

[47] Mt 6, 24-34

[48] Ga 14, 23

[49] Ga 14, 27

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu chính:

1. Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh.

2. Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Thượng, NXB. TP.HCM.

Tài liệu khác:

1. Thích Thiên Ân, Triết học Zen, Tập I, Đông Phương xuất bản, 1966.

2. Suzuki, Thiền và Phân tâm học, NXB. Phương Đông, (Như Hạnh dịch).

3. Shunryu Suzuki, Thiền Tâm – Sơ Tâm, NXB. Phương Đông, (Nguyễn Duy Nhiên dịch).

4. Đan Minh, Thiền Đến Phiền Đi, Phương Đông, (Thích Thiện Phước dịch).

5. Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Hưng Giáo Văn Đông xuất bản, 1970-1974.

6. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết học Cương yếu.

7. Lý Minh Tuấn, Triết lý chữ Hòa (Từ linh đạo Kitô Giáo đến các Linh đạo Đông Phương), Phương Đông.

8. Thường Nhân, Thanh Tịnh Tâm – Tu thiền thực tập, NXB. Phương Đông.

9. Anthony de Mello SJ, Một Phút Khôn Ngoan, Antôn Đuốc Sáng.

10. Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước.