Friday, 24 January 2020 11:17

Giác Ngộ “Tự Tánh” Trong Thiền Phật Giáo - 3 Featured

GIÁC NGỘ “TỰ TÁNH” TRONG THIỀN  PHẬT GIÁO

(Theo Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng)

Tác giả: Lửa Mới

***

***

PHẦN III

LÀM SAO ĐỂ GIÁC NGỘ "TỰ TÁNH"?

 

I. TIỆM NGỘ VÀ ĐỐN NGỘ

Bằng cách nào để Giác ngộ đó là điều mà nhiều trường phái Thiền khác nhau ra đời. Tuy vậy, đến thời của Huệ Năng, vấn đề của Giác ngộ mới phân ra thành Đốn ngộ và Tiệm ngộ. Ngay ở trong từ ngữ cũng đã diễn tả được phần nào ý nghĩa của hai trường phái này. Tiệm Ngộ tức là đạt ngộ từ từ, dần dần thường được quy về cho Phật Giáo phương Bắc Trung Hoa của sư Thần Tú[1], còn Đốn ngộ tức là Ngộ ngay lập tức. Tinh thần hai trường phái Đốn Tiệm cách nào đó được trình bày khá rõ trong nội dung ở hai bài kệ mà Thần Tú và Huệ Năng viết cho Ngũ Tổ khi Sư yêu cầu viết để được truyền thừa Y Bát.

- Bài kệ của Thần Tú như sau:

Thân thị Bồ Đề thụ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

- Dịch nghĩa:

Thân là cây Bồ Đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn siêng lau chùi,

Chớ cho dính bụi trần.

- Còn bài kệ của Huệ Năng viết lại như sau:

Bồ Đề bổn vô thụ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bổn lai vô nhất vật,

Hạ xứ nhạ trần ai?

- Dịch nghĩa:

Bồ Đề vốn chẳng cây,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?

Thật hư hai trường phái Đốn Tiệm thật ra còn nhiều ý nghĩa bên trong, chúng ta cùng lắng nghe lời luận giải của Huệ Năng khi bàn về những vấn đề này:

“Chánh Giáo vốn chẳng đốn tiệm, tánh người tự có lợi độn, kẻ mê tiệm tu, người ngộ đốn khế. Đốn tiệm chỉ là giả danh kiến lập mà thôi, nếu tự nhận được bổn tâm, tự thấy được bổn tánh thì chẳng sai biệt vậy.” [2]

Ở đây, Huệ Năng chỉ rõ rằng: việc phân thành trường phái Đốn-Tiệm là không quan trọng, việc chính yếu là anh có tự thấy được Tự Tánh hay không. Dù anh theo trường phái nào nhưng miễn là anh tự chứng được Tự Tánh thì anh đã Đốn Ngộ. Đốn ngộ ở đây phải được hiểu chính xác là tự thấy Tự Tánh chứ chẳng phải là chứng ngộ những giới điều bên ngoài thuộc lý trí mà có được. Giác Ngộ Tự Tánh như vậy mới được gọi là Đại Ngộ. Nghĩa là một sự giác ngộ rốt ráo, đến cùng. Từ đây mọi vấn đề trước đây được gọi là mâu thuẫn đều được giải quyết ổn thỏa không còn nghi hoặc nữa. Đốn ngộ là nắm được bổn gốc Bồ Đề của Tự Tánh chẳng lệ thuộc vào gì cả, là tự do tự tại… Do vậy, người đã Giác Ngộ thì chỉ tin nơi Tự Tánh và từ Tự Tánh mà quán chiếu vạn vật, như vậy thì được tự do. Đại ngộ là ngộ được Tự Tánh của tâm, từ đó là một chìa khóa mở ra tất cả các pháp[3]. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng từng nói với Huệ Năng: “Chẳng nhận được bổn tâm, học pháp vô ích, nếu nhận được bổn tâm thấy được bổn tánh, tức gọi là Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật”. Huệ Năng cũng từng nhắc đồ chúng và môn đệ của mình đừng vì phân biệt cao thấp Đốn-Tiệm mà phản lại giáo pháp:

“Người học đạo cần phải dứt trừ cho sạch tất cả thiện niệm ác niệm, cho đến chẳng còn chỗ để gắn tên, rồi lại gắn tên nơi Tự Tánh; Tự Tánh vốn bất nhị, gọi là thật Tánh. Từ nơi Phật Tánh mới kiến lập tất cả giáo môn. Pháp môn của các tông dù có khác, nhưng đều cùng xuất phát từ một nguồn, vốn chẳng cao thấp, người học đạo chớ nên tranh giành hơn thua mà trái nghịch với đạo. Còn pháp Đốn giáo này thì cần phải ngay đó (chẳng tác ý) tự ngộ tự thấy mới được.[4]

II. ĐỐN NGỘ

Để tránh lầm lẫn ta cần hiểu đúng hơn về hai từ “Đốn ngộ” nơi bản chất của nó trong thực tế. Đốn Ngộ như đã nói là cái thấy tức thì, con mắt của Huệ Nhãn nắm lấy toàn thể thực tại chỉ qua một cái nhìn dựa trên Tự Tánh, đó là cái thực Siêu Việt giải phóng khỏi cái nhìn nhị nguyên dưới mọi hình thức. Đốn Ngộ như vậy nghĩa là không diễn ra theo tuần tự, lần hồi và liên tục. Câu nói của Kinh Kim Cương rất quan trọng “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Nghĩa là, không cần biết kẻ ngu người trí chỉ cần nếu tâm thức không còn bám dính vào đâu nữa thì hy vọng sẽ thấy Tánh, cái tâm lúc này là cái Tâm sáng. Cho dù một kẻ ngu muội, đã lâu cố hữu trong tội lỗi tầy trời nếu dứt bỏ đường tà, nhận ra bổn tâm thanh sạch của mình thì cũng thành người trí, cũng có thể thành Phật như thường.

Nói như vậy, nhiều người có vẻ nói hơi quá nhưng đó là sự thật với nhiều tội nhân được cải hóa hoàn toàn sẽ được thành người giác ngộ, thành Phật. Kinh Bồ Tát nói: “Từ ban sơ, cái Tánh của ta vốn là thanh tịnh, nên nếu ta biết tự tâm thấy Tánh là thành Phật đạo”. Kinh Tịnh Danh còn nói: “Tức thì mở thông là được lại Bổn Tánh”. Do vậy, nói đến Đốn ngộ là phải nhắc đến việc Thấy Tánh, chỉ vừa thoáng ngộ là đã vào Đất Phật. Ở đây như một cuộc đảo lộn lớn lao, việc từ một tội nhân hoán cải mà thành Phật ngay thì chỉ trong Một Niệm hay một khoảnh khắc (satna) là có ý như vậy. Chỉ cần Trí Bát Nhã quán chiếu thì trong khoảnh khắc mọi vọng niệm đều tan hết. Hơn nữa, điều khác biệt cần nhấn mạnh ở đây về sự đốn ngộ là sự hoán cải nội tâm đến tận căn, rốt ráo. Đó là một sự “tỉnh giấc” khỏi cơn mê hoàn toàn chứ không lây lất mơ màng, hâm hẩm nửa lạnh nửa nóng nữa. Như một cuộn tơ “chém một mối là chém hết”. [5] Do vậy, đốn ngộ là nắm ngay gốc để biết được hết cả cây từ gốc đến ngọn.

III. CÁC GIAI ĐOẠN VÀ CẤP BẬC ĐỐN NGỘ

Các câu chuyện hay công án của Thiền môn kể rất nhiều về cách đạt ngộ của các Thiền Sư. Trong việc ngộ đạo sở dĩ mà có người nhanh chậm là cũng do căn cơ mỗi người. Có những cách đạt ngộ một cách đơn giản như Huệ Năng chỉ cần một câu nói trong Kinh Phật hay của Ngũ Tổ cũng đủ để được khai ngộ. Thế nhưng, có những Thiền sư khác cũng phải trả giá rất đắc khi phải hy sinh cả những phần cơ thể tay chân của mình, đôi lúc phải chịu nhục nhã, đau thương, mất mác… có khi một năm, mười năm hay phải cả đời mới được chứng ngộ chứ không đơn giản để đạt ngộ tức thì dễ dàng như nhiều người nghĩ. [6]

1. Khai Ngộ

Bước Khai ngộ (tức bước đầu thấy Tự Tánh) là rất quan trọng đối với những ai đi theo bước Thiền, nếu không được Khai ngộ thì dù có tu luyện lâu năm cũng là “công dã tràng đổ sông đổ biển”. Do vậy, Thiền Sư phải là người rất tinh ý trong việc hiểu căn cơ của các đồ đệ, rồi ngài có thể dùng bất cứ phương tiện gì để giúp đồ đệ của mình cởi bỏ những bám dính Vô minh cố hữu nơi mình. Mỗi người đều có những cái mê khác nhau nên bước Khai ngộ sẽ chẳng ai giống ai. Đôi lúc Thiền Sư chỉ rõ “ngưỡng cửa cần vượt qua” nhưng tâm tư của người môn đệ vẫn ngu muội không tự nhận ra thì “vẫn chưa là gì cả”! Có nhiều người tu cả đời mà không được Ngộ vì lẽ là quá bám dính nơi hư danh trần thế và đặc biệt là nơi “cái tôi quá vĩ đại” của mình. Thiền Sư chỉ là người dẫn lối để đến cửa Thiền của Tự Tánh còn việc nhận ra và bước vào thì đó là việc của chính đương sự. Thiền sư hay ngay cả Phật cũng chẳng giúp được gì cho môn đệ mình, trừ phi tâm trí người môn đệ đã được dọn sẵn để tiếp nhận.

2. Cơ duyên Tự ngộ

Việc được Giác ngộ không chỉ là việc xảy ra vô tình nhưng còn phụ thuộc vào Ý chí của đương sự để vượt qua chính mình nữa. Ngộ thuộc phạm vi cá tính, chẳng phải thuộc tri thức. “Một người tinh nhuệ về tri thức không xô nổi cánh cửa huyền vi của Đạo Thiền nhưng một bản lĩnh uy hùng uống ngay được ngọn nước đầu nguồn.” Bởi vì Ý chí chính là con người. Do vậy, Giác ngộ đòi hỏi một nổ lực cá nhân khủng khiếp thì mới hy vọng có kết quả thỏa đáng. Đôi lúc đương sự phải dùng hết mọi khí lực bình sinh để đoạn triệt với mọi bám víu; vật lộn nhiều, đau đớn, ê chề, với những tật cố hữu ray rứt trong tâm can … Nói là Ý chí nhưng phải hiểu Ý chí để “buông xả thanh thản” chứ chẳng phải là dùng Ý chí để đạt cho được điều gì, ngay cả ý muốn được giác ngộ nhanh chóng cũng phải “buông”. Đó quả thật là một cuộc “rửa tội trong lửa cho tâm trí”. Đó là lúc mà “mảnh đất của Ý thức hoàn toàn lắng sạch, khi mà tâm trí hoàn toàn trong suốt, mọi suy lượng đều ngưng đứng”.[7]

Tuy nhiên, đó vẫn chưa là cứu cánh, chỉ mới là cơ duyên, là bước “chuẩn bị đất” rất cần thiết để hạt giống của Tự Tánh sinh sôi nảy nở dễ dàng. Việc chuẩn bị đất kỹ càng chừng nào thì cơ duyên giác ngộ càng dễ chừng nấy, tình trạng như thế Thiền môn gọi là “Đại Nghị”. Sau đó, việc cơ duyên thức tỉnh thành Đại ngộ có thể là dựa trên bất cứ điều gì miễn là ở “trạng thái tập trung nung đến cực độ và có sự nổ bùng trong ngộ”. Quả vậy, “những chuyện ngộ đạo có vài hàng chữ khiến ta có cảm tưởng ngộ chỉ là một trò chơi dễ như ăn cơm uống nước”. Thật ra, đó chỉ là lúc “lúa chín và gặt về”, là lúc “rung cây cho trái chín rụng xuống thôi, trước đó là một tiến trình dài từ hạt giống đến mầm, lá, nụ, hoa, trái… trải qua bao ngày nắng sương, bao mưa gió giải dầu” thì không là chuyện đùa chút nào![8]

3. Ngộ Nhập

Cũng phải nói rằng, khai ngộ là bước ngoặc quan trọng của đời người, nhưng Thiền đúng nghĩa thì không dừng lại đó. Ngộ Thiền lý thôi chưa đủ, còn phải tiếp tục tu hành. Giờ đây, người giác ngộ “không cần phải ở lại Thiền đường nữa nhưng phải được trui rèn qua những thử thách mới trong cuộc trộn lẫn với thế gian”. Người được Giác ngộ Tự Tánh phải chứng thực sự Giác ngộ của mình nơi cái nhìn quán chiếu sự vật trong đời sống của mình. Đây là lúc anh phải “sắp xếp mọi ngõ ngách đời sống mình theo một nhãn quan mới”. Mỗi động tác sinh hoạt đều phải “thấm nhuần Thiền vị”. Mức độ Giác ngộ vì thế không phải là ai cũng giống ai nhưng khác nhau ở chỗ là anh đã đánh đổi tất cả ngay cả chính mình để được tự do và có lối sống hòa nhập với Tự Tánh đến mức nào. Ngộ là phải nhập, mức độ hòa nhập với Tự Tánh nói lên mức độ Giác ngộ của anh. Muốn thế, cả một đời người có lẽ không thấm vào đâu. “Tương truyền rằng cả đến Phật Thích Ca và Phật Di Lặc vẫn còn đang hồi tu tập”.[9]

IV. BÌNH THƯỜNG TÂM

Người ta thường nghĩ bước vào Thiền môn là quên hết mọi sự nên có vẻ đời sống không thực tế lắm. Thiền sư là người có vẻ khác người, đầy nghịch lý nên không thể thích ứng với thời đại, hay nói mạnh hơn là chỉ có lên núi tu mới phù hợp. Làm sao có thể sống trong thực tế mà lại không phân biệt điều gì cả, lối sống như thế có là trên mây trên gió quá chăng? Đi ngang qua, ngưỡng cửa Thiền môn quả là khó hiểu và lạ lẫm nhưng lạ một điều là nhiều người lại muốn đến đó nương thân cho yên tịnh tâm hồn vì sự đời đảo điên quá không thể chịu nổi. Nhiều người có tâm cầu đạo thật sự ban đầu có vẻ khó hiểu nhưng khi hiểu Thiền rồi thì dấn thân đến cùng, đời sống cũng được biến đổi theo vì cảm thấy tự do và hạnh phúc. Như vậy, Thiền có quá xa thực tế như nhiều người nghĩ không?

Thật ra, điều mà nhiều người vẫn nói là xa thực tế là bởi vì Thiền “quá thực tế”, thực tế đến “không chịu nổi”. Thiền cũng đi vào cuộc sống thực tế như ai, đáp ứng với cảm nghĩ cuộc sống bình thường như: “đói thì ăn cơm, mệt thì đi ngủ”, “uống trà là uống trà thôi”… Nói là nói vậy, Thiền cũng khác với đời sống thế tục lắm! “Người đời khi ăn, thật ra chẳng phải ăn cơm thật sự nhưng trong lòng còn băn khoăn lo lắng nhiều chuyện thế sự, còn vọng cầu trăm thứ; khi ngủ thì ngủ cũng chẳng ngon giấc, trong giấc ngủ còn toan tính ngàn điều.”[10] Thiền đúng nghĩa là sống trọn giây phút hiện tại, không nghĩ ngợi xa vời.

Bởi thế, đời sống Thiền bên ngoài thì có thể giống nhau nhưng bên trong thì một trời một vực. Đời sống thường ngày được gắn với nhiều nỗi lo lắng băn khoăn sợ hãi, trong khi Thiền rất tự do tự tại. Thiền mang tính “vô vi” là ở chỗ đó, chẳng phải là sự thụ động an nhàn lười biếng nhưng ở chỗ Thiền cũng làm việc, cũng ăn uống ngủ nghỉ như ai nhưng trong tâm thế thoải mái hơn, yên tịnh hơn, vui tươi hơn. “Phong thái cuộc đời như đang hồi xuân”, tâm hồn như một mặt hồ không chút gợn sóng, dù sự đời đảo điên nhưng vẫn an nhiên tự tại, chẳng bao giờ bấn loạn từ bên trong.

Lối sống như vậy cũng chẳng phải là dửng dưng, vô cảm như ở trên mây nhưng luôn sẵn sàng để “thỏng tay vào chợ”[11], là chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy tới một cách bình tâm, là chấp nhận mọi người như chính họ không phân biệt tốt xấu, sang hèn,… Họ cũng đau nỗi đau của nhân sinh, cũng khóc với người khóc, cũng cười với người cười nhưng khác ở chỗ là tâm hồn họ không quá quỵ lụy vào điều gì cả. Ngộ như vậy là lành mạnh bổ ích, là sống cuộc sống bình thường một cách phi thường, chấp nhận mọi sự xảy đến cách tích cực nhất. Họ sống trọn giây phút hiện tại, hết mình cho công việc hôm nay. Nếu có dự tính thì họ cũng chỉ là định hướng theo bản chất và sự thúc đẩy từ bên trong của Tự Tánh, không lo lắng quá về thành công hay thất bại sẽ xảy ra. Họ chỉ quan tâm vun đắp cho những gì liên quan đến niềm vui và sự sống thật xuất phát sự từ bên trong “ở đây và bây giờ” và họ cũng muốn giúp người khác có được niềm vui và sức sống như họ. Đó chính là niềm vui và sức sống của tâm hồn có “Tự do nội tâm”.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, “Giác ngộ được Tự Tánh” là điều đáng khao khát nhưng không phải là điều dễ dàng và không phải ai cũng nhận ra và khao khát điều đó. Ai đó đã nói: “Mặc dù con người luôn mang trong mình con tim khao khát chân lý nhưng phản ứng đầu tiên khi đối diện với những mầu nhiệm của chân lý là sự đối nghịch và sợ hãi”. Hơn nữa, tâm thế bình thường của con người phần lớn ai cũng thích được “ru ngủ” nơi những an ủi bên ngoài nơi “giấc mộng đẹp mà mình đang ao ước và nếm hưởng” hơn là được thức tỉnh để trở về với hạnh phúc thật là bên trong tâm hồn mình. Cho dù biết rằng mình đang mơ ngủ và biết rằng “cuộc đời chỉ là tạm bợ” nhưng thực tế là chẳng ai muốn mình được tỉnh giấc và chấp nhận sự thật đó cả!

Do vậy, điều tiên yếu mà Thiền chú ý đến là làm sao để “biết mình”. Biết mình đang trong tình trạng nào, khao khát gì và điều gì đang chi phối mình là điều tưởng chừng như thừa nhưng không phải ai cũng thật sự “biết” và “muốn biết”. Phần lớn, con người không thoát ra được chính mình vì luôn tự đánh lừa chính mình trong những lý lẽ ngụy biện và cố dùng mọi cách để vùi dập tiếng nói Lương Tâm trong mình.

Làm sao để được giác ngộ đây khi mà tâm hồn tôi luôn ở trong những bề bộn ngạt thở của cuộc sống? Điều kỳ lạ là ta sẽ không đi đâu xa để kiếm cho được một “Thiền đường” phù hợp, vì dù muốn dù không chúng ta cũng đang ở trong đó rồi. Quả thế, cuộc đời là một Thiền đường tuyệt vời và “Tiếng nói của Tự Tánh bên trong mình” chính là một Linh Sư đầy khôn ngoan. Các biến cố và những khó khăn mà chúng ta cần phải vượt qua là những bài thực tập để ta từng bước được thức tỉnh, lột bỏ những “giấc mộng ảo” mà mình hay bám víu. Vấn đề là sau những đau khổ, đau thương mất mát trong cuộc sống chúng ta có trở về và lắng nghe tiếng nói của “Vị Linh Sư trong tâm mình” hay không, hay lại trở nên cứng cỏi để tìm sự xoa dịu nơi những ảo vọng khác!

Nói cho cùng, thành công lớn trong cuộc đời con người chẳng phải là có được hay làm được điều này điều kia để đáng tự hào, nhưng là làm sao chính mình thức tỉnh và tự nhận ra kho tàng Tự Tánh Siêu Việt bên trong mình. Cuộc sống luôn cần những “khoảng lặng của Thiền đường nội tâm” để trở về với chính mình, lắng nghe và để đời sống mình hòa điệu nhịp nhàng với cuộc sống và vũ trụ.

Có lẽ, đã đến lúc người ta sẽ không còn so sánh với nhau về địa vị sang-hèn, giàu-nghèo, hay-dở, hơn-thua, mạnh-yếu hay ai đúng hơn ai nữa nhưng ở chỗ là xem chính mình có thực sự “Vui, Bình an và Thanh thản không” từ trong sâu thẳm tâm hồn!

 

-----------------

CHÚ THÍCH

[1] Thần Tú cũng là học trò thân cận của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nhưng so với Huệ Năng thì ông chưa đạt được cốt tủy Tự Tánh của Thiền Đạo nên không được truyền Y Bát và chủ yếu theo pháp Đại Thừa để tu hành. (Xem thêm Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm tựa thứ nhất).

[2] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Định Huệ thứ tư, tr.33.

[3] Pháp được hiểu là giáo lý rút ra từ Tự Tánh, diễn đạt bằng lời nói văn tự.

[4] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Đốn Tiệm thứ tám, tr.76.

[5] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.258-259

[6] x. sđd, tr.321-381.

[7] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.302-310.

[8] x. sđd, tr.311-312.

[9] Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.423.

[10] Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.317-318.

[11] Bức tranh thứ 10 của Thập Mục Ngưu Đồ theo Thiên Tông.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu chính:

1. Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh.

2. Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Thượng, NXB. TP.HCM.

Tài liệu khác:

1. Thích Thiên Ân, Triết học Zen, Tập I, Đông Phương xuất bản, 1966.

2. Suzuki, Thiền và Phân tâm học, NXB. Phương Đông, (Như Hạnh dịch).

3. Shunryu Suzuki, Thiền Tâm – Sơ Tâm, NXB. Phương Đông, (Nguyễn Duy Nhiên dịch).

4. Đan Minh, Thiền Đến Phiền Đi, Phương Đông, (Thích Thiện Phước dịch).

5. Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Hưng Giáo Văn Đông xuất bản, 1970-1974.

6. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết học Cương yếu.

7. Lý Minh Tuấn, Triết lý chữ Hòa (Từ linh đạo Kitô Giáo đến các Linh đạo Đông Phương), Phương Đông.

8. Thường Nhân, Thanh Tịnh Tâm – Tu thiền thực tập, NXB. Phương Đông.

9. Anthony de Mello SJ, Một Phút Khôn Ngoan, Antôn Đuốc Sáng.

10. Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước.