Saturday, 28 December 2019 11:02

Lc 12,13-21: Mức Độ Của Đời Sống Như Là Giá Trị Lớn Nhất Featured

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 12,13-21 [1]

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”.

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

***

1.- Ngữ cảnh

Những lời Đức Giêsu ngỏ với các môn đệ trước mặt một đám đông (Lc 12,1-12.22-34) [2] bị cắt ngang bởi lời thỉnh cầu của một người trong đám đông, để xin Đức Giêsu can thiệp vào một vụ tranh tụng giữa anh ta và người anh liên hệ đến chuyện gia tài (Lc 12,13-15). Sự cố này lại là dịp để Đức Giêsu kể Dụ ngôn Ông phú hộ (câu 16-21). Như thế, đề tài chuyển đi từ những lời nói về việc thụ hưởng cho bản thân, đến những thái độ đối với của cải trần thế (Lc 12,13-34):[3] “Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (câu 15). Bài dụ ngôn tiếp theo có thể được coi như một bài bình luận cho câu nói của Đức Giêsu về sự tham lam (x. câu 15).

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

     1) Một vụ kiện (Lc 12,13-15);

     2) Dụ ngôn Ông phú hộ (Lc 12,16-20);

     3) Nhận định kết luận của Đức Giêsu (Lc 12,21).

3.- Vài điểm chú giải

- Thưa Thầy (13): Bởi vì vấn đề chia gia tài được bàn đến trong Bộ Ngũ Thư (chẳng hạn: Đnl 21,15-17; Ds 27,1-11; 36,7-9),[4] một vị tôn sư về đạo giáo hoặc một kinh sư là những con người thích hợp để tham vấn.

- Này anh (14): Dịch sát là “này người” (anthrope, hô-cách của anthropos, “người”; x. Lc 5,20). Từ này thường được dùng theo dạng này để từ chối, hay diễn tả sự dè dặt.

- Tham lam (15): Từ Hy Lạp “pleonexia” thường có trong những đoạn văn khuyến thiện của Tân Ước (Rm 1,29; 2Cr 9,5; Cl 3,5; Ep 4,19; 5,3; 2Pr 2,3.14).[5] Đây là sự ham muốn có thêm nữa, quá mức cần thiết (x. 1Tm 6,10).[6]

- Thiên Chúa bảo ông ta (20): Nghĩa là trong một giấc mơ ban đêm. Ông này được chính vị Chúa tể của sự sống ngỏ lời với, trong khi ông sắp xếp chương trình sống không có Ngài.

- Ngốc (20): Từ Hy Lạp “aphron” có nghĩa là “kẻ mất trí, ngu dốt, ngu ngốc, điên, rồ dại” (x. Lc 11,40).[7]

- Người ta sẽ đòi lại mạng ngươi (20): Động từ “aitousin” ở ngôi thứ ba vô định, số phức, tương đương với một thái bị động thay tên Thiên Chúa: “Thiên Chúa sẽ đòi lại mạng ngươi”.

- Cho mình (21): nghĩa là không phải cho người khác, như người nghèo, quả phụ, trẻ mồ côi, người ngụ cư (x. Đnl 24,17-22; 2Cr 6,10b).[8]

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Một vụ kiện (13-15)

Đức Giêsu lấy khởi điểm để giáo huấn là một vụ kiện về vấn đề chia gia tài. Rất có thể đây là một người em trong gia đình không đồng ý với cách quản lý và thụ hưởng chung gia tài, nên muốn có phần của mình để dùng theo cách độc lập. Trong những vụ tranh cãi như thế, người ta thường đến gặp các kinh sư để xin soi sáng vấn đề. Đức Giêsu dứt khoát từ chối can thiệp. Yêu cầu của người ấy và yêu cầu của Đức Giêsu ở trên hai bình diện khác nhau. Người ấy thì muốn có một phần sở hữu độc lập, Đức Giêsu thì dựa vào đó để nói về tương quan của con người với của cải. Chính các tranh chấp về gia tài thường đưa ra ánh sáng một liên hệ chặt chẽ với sở hữu và thường đưa đến những mối thù nghịch kéo dài suốt đời. Điều này có lẽ khiến chúng ta hiểu vì sao ở đây Đức Giêsu khuyến cáo chống lại lòng tham lam mạnh mẽ đến thế. Của cải sở hữu không phải là giá trị cao nhất, khiến ta phải hy sinh mọi sự để có cho bằng được. Đức Giêsu sẽ minh họa điểm này bằng dụ ngôn tiếp theo.

* Dụ ngôn Ông phú hộ (16-21)

Với dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng: Giá trị của các của cải trần thế rất nhỏ bé, nên nếu bám víu vào đó là một tính toán sai lầm.

Theo một quan niệm nào đó về cuộc sống, hoàn cảnh Đức Giêsu phác ra có thể coi là lý tưởng. Con người này giàu có. Không hề có nguy cơ là của cải của ông sẽ giảm thiểu đi, bởi vì ông đang nhắm tới một vụ thu hoạch dồi dào. Vấn đề duy nhất ông đặt ra là: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”. Đây là một vấn đề cũng dễ giải quyết. Như thế, ông này có trong tay các phương tiện để sống một cuộc sống không phải bận tâm lo lắng; ông có thể tự do sống theo ý thích, trong sự sung túc.

Đức Giêsu cho thấy: Thiên Chúa và cái chết sẽ ập vào cuộc đời ấy như thế nào. Cái chết đột ngột đảo lộn tất cả các toan tính nhắm thụ hưởng an toàn trong nhiều năm trời. Tất cả những gì đã thu tích được và tất cả những gì người ta đã dự phóng cách hợp lý trở thành vô giá trị. Đức Giêsu cho biết rằng một cuộc sống chỉ dành cho chuyện ăn uống và hưởng thụ tiện ích thì không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Một người sống như thế thì không giàu có trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu khẳng định rằng để đạt được sự sống đời đời, cần có tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận (Lc 10,25-37).[9] Chỉ nhờ đi trên nẻo đường này, người ta mới trở thành giàu có trước nhan Thiên Chúa.

* Nhận định kết luận của Đức Giêsu (21)

Câu kết luận của Đức Giêsu cho hiểu rằng, có lẽ đời sống trần thế tùy thuộc các của cải trần thế, nhưng đời sống này không được đảm bảo hay đạt được mức thành toàn nhờ các của cải ấy. Chúng ta phải nhận được sự thành toàn cuộc đời chúng ta từ lòng nhân lành của Thiên Chúa.

+ Kết luận

Đức Giêsu không quan tâm đến những điểm tranh luận phụ thuộc; Người chỉ cứu xét những câu hỏi lớn liên quan đến sự sống: đâu là điều quan trọng nhất? Ta có thể tín nhiệm vào điều gì? Điều gì ta phải tìm cách đạt cho được? Ta phải sử dụng cuộc sống và dấn thân thế nào để đạt được mục tiêu cuộc đời? Đức Giêsu nói rõ ràng các của cải vật chất không thể đảm bảo cho cuộc sống, còn sự sung túc, thoải mái, không thể là nội dung của cuộc sống được. Sự thành toàn chỉ được một mình Thiên Chúa ban cho mà thôi. Vậy trong cuộc sống này, chúng ta có thể và phải tính sổ với Thiên Chúa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình trước mặt Ngài.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Vấn đề thu hoạch dồi dào đến nỗi người ta không biết để của cải ở đâu đã trở thành phổ biến, vào thời đại hôm nay. Mỗi người cần phải tự hỏi theo ý mình, thế nào là cuộc sống lý tưởng, mình vận dụng sức lực cho chuyẹn gì, nếu lại không phải là “mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Ở bên ngoài các giá trị này, còn những giá trị và mục tiêu nào có thể nên được nhắc đến?

2. Cái chết “phá rối”, ai cũng biết. Người ta tìm mọi cách để đối phó với nó. Người ta cản bước nó tối đa bằng các cách trị liệu y khoa. Người ta nghĩ tới nó ít chừng nào tốt chừng đó. Người ta tránh để cho lòng mình bị xúc động trước cái chết của người khác. Dĩ nhiên người ta vẫn không tránh được cái chết. Do đó, người ta phải khai thác tối đa thời gian của cuộc sống được ban cho ta. Cũng phức tạp, nhưng cách nào đó, người ta có thể “đạt thắng lợi” trên cái chết. Nhưng làm thế nào đạt thắng lợi trên vị Thiên Chúa “phá rối”? Người ta cũng tìm cách tránh xa Ngài, quên Ngài đi. Người ta có thể không nói đến Ngài nữa và sống y như thể không có Ngài. Tuy thế, người ta không thể tránh né Ngài kiểu tiêu cực. Phải sống làm sao để cuộc sống của mình có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Người nào chỉ sống cho những nhu cầu riêng và những đòi hỏi vật chất, thì đã chết trong cuộc đời này rồi, vì đã bị cô lập trong tính ích kỷ của mình. Tình trạng cô lập này trở nên trọn vẹn và được xác nhận bằng cái chết.

3. Cuộc sống viên mãn chỉ hệ tại tình yêu. Chỉ cuộc sống nào nhắm đến tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân thì mới là cuộc sống trung thực. Chỉ một cuộc sống như thế mới có thể được Thiên Chúa chuẩn nhận và được Ngài đưa đến chỗ thành toàn với ân huệ là sự sống đời đời. Chúng ta đã nhận đời sống từ Đấng Tạo Hóa, thì chúng ta cũng phải nhận cả ý nghĩa của đời sống từ Ngài. Và đối với Ngài, ý nghĩa của đời sống không phải là tiện nghi, mà là tình yêu.

4. Trong ánh sáng của dụ ngôn hôm nay, được “giàu có  trước mặt Thiên Chúa” có thể là: nhìn của cải trong cái nhìn về nhu cầu của người khác; không chỉ tự mình quyết định điều thiện hảo; nhận thức sáng suốt điều Chúa muốn trước khi tôi hành động; nghĩ đến cái giá mà người khác phải trả vì quyết định của tôi; không đặt tin tưởng nơi những thứ chóng qua; xem trọng sự giàu có mà mình có nơi những tương quan với tha nhân và việc họ bị ảnh hưởng thế  nào vì quyết định của tôi.

Tôi có bao nhiêu tài sản không quan trọng, tôi đến dự Tiệc Thánh Thể này vì đói khát Thiên Chúa và đường lối của Người. Tôi biết ơn vì những ân huệ thực sự: cụ thể như việc đủ ăn và hoa mầu ruộng đất. Nhưng cũng còn biết ơn vì đức tin mang lại cho tôi cái nhìn sáng sủa để biết khi nào là đủ và ai mới là gia tài đích thực của tôi. Điều gì làm cho tôi nên giàu có trước mặt Chúa? (Siciliano)

 

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 12,1-12.22-34: 1 Trong lúc ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. 4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy. 6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. 8 “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. 11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói”. 22 Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; 23 vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. 24 Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao! 25 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay? 26 Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? 27 Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 28 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 29 Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. 30 Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. 31 Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho. 32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. 33 “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

[3] Lc 12,13-34: 22 Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; 23 vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. 24 Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao! 25 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay? 26 Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? 27 Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 28 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 29 Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. 30 Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. 31 Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho. 32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. 33 “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

[4] Đnl 21,15-17: 15 Khi một người đàn ông có hai vợ, một vợ được yêu, một vợ không được yêu, và cả người được yêu lẫn người không được yêu đều sinh con cho người ấy, mà con trai trưởng lại là con của người không được yêu, 16 thì khi chia gia tài cho các con, người đàn ông ấy không được dành quyền trưởng nam cho đứa con của người vợ mình yêu, khiến đứa con của người vợ không được yêu, là con trai trưởng, bị thiệt. 17 Trái lại người đàn ông ấy phải nhìn nhận đứa con của người vợ không được yêu là trưởng nam, mà chia cho nó hai phần sản nghiệp: nó là hoa quả đầu đời trai tráng của người ấy, nên nó được quyền trưởng nam.

Ds 27,1-11; 36,7-9: 1 Bấy giờ các con gái của ông Xơ-lóp-khát tiến đến. Ông này là con ông Khê-phe, cháu ông Ga-la-át, chắt ông Ma-khia, chít ông Mơ-na-se, thuộc chi tộc ông Giu-se. Và đây là tên các cô gái đó: Mác-la, Nô-a, Khoóc-la, Min-ca và Tia-xa. 2 Họ đứng trước mặt ông Mô-sê, trước mặt tư tế E-la-da, trước mặt các thủ lãnh và toàn thể cộng đồng, ở cửa Lều Hội Ngộ, và nói: 3 “Cha chúng tôi đã mất trong sa mạc. Người đã không có chân trong nhóm những kẻ toa rập với nhau chống lại ĐỨC CHÚA, tức là nhóm Cô-rắc. Chỉ vì tội riêng mình mà người đã mất đi, khi chưa có con trai. 4 Tại sao cha chúng tôi lại bị xoá tên khỏi thị tộc của người, vì người không có con trai? Xin cho chúng tôi một phần đất giữa các anh em của cha chúng tôi”. 5 Ông Mô-sê trình lên ĐỨC CHÚA trường hợp của họ. 6 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: 7 “Các con gái của Xơ-lóp-khát nói có lý. Ngươi phải cho chúng một phần đất làm gia nghiệp giữa các anh em của cha chúng; ngươi sẽ chuyển cho chúng gia nghiệp của cha chúng. 8 Và ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en: ‘Khi một người nào chết mà không có trai, thì anh em sẽ chuyển gia nghiệp của người đó cho con gái người đó. 9 Nếu người đó không có con gái, anh em sẽ trao gia nghiệp cho anh em của người đó. 10 Nếu người đó không có anh em, thì sẽ trao gia nghiệp cho anh em của cha người đó. 11 Còn nếu cha người đó không có anh em, thì sẽ trao gia nghiệp cho thân nhân gần nhất trong thị tộc; người này sẽ làm chủ gia nghiệp đó.’ Đối với con cái Ít-ra-en, đó sẽ là một quy tắc pháp lý, như ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê”. 36 7 Như thế, gia nghiệp con cái Ít-ra-en sẽ không chuyển từ chi tộc này sang chi tộc khác, nhưng mỗi người con cái Ít-ra-en sẽ gắn bó với gia nghiệp của chi tộc cha ông mình. 8 Trong các chi tộc con cái Ít-ra-en, người con gái nào hưởng gia nghiệp, thì phải lấy chồng thuộc một trong các thị tộc của chi tộc cha mình, để mỗi người trong con cái Ít-ra-en giữ được gia nghiệp cha ông mình. 9 Không gia nghiệp nào được chuyển từ chi tộc này sang chi tộc khác, nhưng mỗi chi tộc con cái Ít-ra-en sẽ gắn bó với gia nghiệp của mình”.

[5] Rm 1,29: 29 lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu.

2Cr 9,5: 5 Vậy, tôi nghĩ cần phải xin mấy người anh em đến với anh em trước chúng tôi và chuẩn bị cho anh em quyên góp rộng rãi như đã hứa, để anh em sẵn sàng quyên góp với lòng quảng đại, chứ không phải theo tính hẹp hòi.

Cl 3,5: 5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.

Ep 4,19; 5,3: 19 Họ đã mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ. 5 3 Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh.

2Pr 2,3.14: 3 Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. Án phạt họ đã sẵn sàng từ lâu, và hoạ diệt vong đã gần kề. 14 Nhìn thấy phụ nữ là họ ao ước ngoại tình, họ phạm tội mãi không chán; họ nhử mồi các tâm hồn nông nổi; lòng họ đã quen thói tham lam. Thật là những kẻ đáng bị nguyền rủa!.

[6] x. 1Tm 6,10: 10 Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.

[7] x. Lc 11,40: 40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?

[8] x. Đnl 24,17-22: 17 Anh (em) không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người goá bụa làm đồ cầm. 18 Anh (em) hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai-cập, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã giải thoát anh (em) ra khỏi đó. Vì vậy tôi truyền cho anh (em) thực hành điều đó. 19 Khi anh (em) gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ; như vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ chúc phúc cho anh (em) trong mọi việc tay anh (em) làm. 20 Khi hái ô-liu, thì anh (em) không được trở lại tìm trái sót; những trái đó dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ. 21 Khi hái nho, thì anh (em) không được mót lại; những trái còn sót dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ. 22 Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên đất Ai-cập. Vì vậy, tôi truyền cho anh (em) thực hành điều đó.

2Cr 6,10b: 10 coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.

[9] Lc 10,25-37: 25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” 27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. 29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.