Saturday, 28 December 2019 11:00

Lc 9,51-62: Tự Giải Thoát Và Tự Ràng Buộc Featured

Lm. F.X. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 9,51-62 [1]

51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. 58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. 60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.

61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. 62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.

***

1.- Ngữ cảnh

Với Lc 9,51, Tin Mừng Luca bắt đầu một phân đoạn quan trọng và là phần thứ ba của Tin Mừng, đó là bài tường thuật chuyến đi lên Jerusalem, “Thành” định mệnh (Lc 9,51–19,28). Khác với Tin Mừng Marco, tác giả Luca nhiều lần nói rõ tên Jerusalem ra trong chuyến đi này (Lc 9,53; 13,22.33-34; 17,11; 18,31; 19,11, luôn luôn là Ierousalèm, ngoại trừ 13,22, Hierosolyma).[2] Ta nhận ra phân đoạn này được coi là trọng yếu qua việc tác giả nêu tên “Thành” ra trong liên hệ với việc Đức Giêsu “được rước lên trời” (analèmpsis) và qua việc nhắc tới sự hoàn tất (“Thời gian đã mãn, đến buổi Người siêu thăng”).[3] Nói cách khác, trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đi từ Galilee lên Jerusalem không qua Père (như Marco và Matthew), nhưng Người chỉ nhắm thẳng tới Thành định mệnh bằng cách băng ngang miền đất tượng trưng cho sự đối nghịch, đó là Samari.

Cuộc hành trình lên Jerusalem (Lc 9,51–19,28) có thể được chia ra làm bốn phần, ba phần đầu của riêng Tin Mừng Luca, mỗi phần được đánh dấu bằng một lời nhắc đến mục tiêu Jerusalem; phần cuối có chung với các Tin Mừng Nhất Lãm khác, có câu kết nhắc lại mục tiêu:

- 1/. Lc 9,51–13,21: bắt đầu bằng “Người cương quyết lên đường đi Jerusalem”;

- 2/. Lc 13,22–17,10: bắt đầu bằng “Trên đường lên Jerusalem”;

- 3/. Lc 17,11–18,14: bắt đầu bằng “Trên đường lên Jerusalem”;

- 4/. Lc 18,15–19,28: tương ứng với bài tường thuật về hành trình của các Tin Mừng Nhất Lãm khác; kết thúc bằng “Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Jerusalem”.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba đơn vị, một câu mở với hai phân đoạn khá khác nhau:

     - 1/. Mở: Hành trình lên Jerusalem (Lc 9,51);

     - 2/. Sự đón tiếp tại một làng Samari (Lc 9,52-56);

     - 3/. Những đòi hỏi đặt ra cho ai muốn làm môn đệ (Lc 9,57-62).

3.-Vài điểm chú giải

- Khi đã tới ngày (51): Dịch sát là “việc làm đầy các ngày”. Tác giả đã tạo ra công thức này để giúp hiểu, là nay chương trình của Thiên Chúa bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới trong tiến trình thực hiện.

- Được rước lên (51): Analémpsis có nghĩa là “hành vi cất đi; sự nâng lên”.

- Người nhất quyết (51): Dịch sát “Người đanh/làm chai (stérizein) mặt lại để đi lên…”. “Mặt” trong văn chương Do Thái chỉ cả con người. Ý nói là Đức Giêsu cương quyết đối đầu với định mệnh của Người, Người can đảm thắng vượt nỗi sợ hãi. Ta nghe ra được âm vang của Is 50,7.[4] Nhưng cũng có thể câu này nhắm tới sứ mạng của ngôn sứ Edekiel tại thành Jerusalem (Ed 8–11).

- Người Samari (52): Dân cư Samari. Samari là kinh đô của vương quốc phía Bắc do vua Omri sáng lập vào khoảng năm 870 TCN. Sau này, tên gọi “người Samari” (Hy Lạp: “Samaritès”) trở thành một tên gọi mang tính chủng tộc và tôn giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Giudea và Galilee, về phía tây sông Giordan. Sự đoạn tuyệt giữa người Samari và người Do Thái được giải thích khác nhau tùy mỗi bên. Thường người ta cho rằng có sự chia lìa đó là do có việc đế quốc Assua đưa người Do Thái đi lưu đày sau khi chiếm được đất nước năm 722 TCN và đưa những người không phải là Do Thái vào làm thực dân ở trong miền đó (2V 17,24).[5] Có lẽ cũng do đó mà sau này những người ở lại quê nhà đã phá những người Do Thái hồi hương khi những người này xây lại thành và Đền Thờ Jerusalem (x. Er 4,2-24; Nkm 2,19; 4,2-9).[6] Dù thế nào, những người Samari chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là Kinh Thánh và đã xây một đền thờ trên núi Garidim (Tell er-Râs) vào thời Hy Lạp (đền này đã bị phá hủy dưới thời Gioan Hyeccano, khoảng năm 128 TCN).

- Vì Người đang đi về hướng Jerusalem (53): Dịch sát là “mặt Người đang hướng tới Jerusalem”. Mục tiêu của cuộc hành trình của Đức Giêsu chính là lý do khiến người Samari từ chối đón tiếp Người.

- Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? (54): Mặc dù Luca dùng “analosai” (aor. act. inf. analyo, “tháo gỡ; tiêu hủy”) thay vì “kataphagein” (aor. act. inf katesthiô, “ăn ngấu nghiến, thiêu hủy, phá hủy”) của Bản LXX, câu văn vẫn là một lời nhắc rõ ràng đến 2V 1,10 (hay 12).[7] Các môn đệ muốn chia sẻ quyền lực của Đức Giêsu để làm một phép lạ trừng phạt.

- Quay lại (55): xem cả Lc 10,23; 14,25.[8] Tác giả cho thấy là Đức Giêsu dẫn đầu nhóm môn đệ.

- Quở mắng (55): Đức Giêsu sửa các môn đệ vì các ông vẫn chưa hiểu sứ mạng của Người nhắm điều gì (x. Lc 9,45).[9] Người không chấp nhận cho người ta coi Người là ngôn sứ Elijah, nhà cải cách được ví với lửa. Người không chấp nhận phản ứng theo kiểu thường tình loài người (x. Lc 6,29).[10]

- Chôn cất cha tôi (59): Theo truyền thống kinh sư sau này, bổn phận chôn cất cha mẹ qua đời bó buộc với các na-dia (nazir), tư tế, và cả với thầy thượng tế, cho dù tiếp xúc với một thi hài thường được coi như là cớ gây nhiễm uế (x. Ds 6,6-7; Lv 21,11).[11]

- Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ (60): Câu này được giải thích nhiều cách, nhưng dựa vào một câu tục ngữ, giáo sư J.A. Fitzmyer cho rằng: ý nghĩa của câu này là “Cứ để kẻ chết (về thiêng liêng) chôn kẻ chết (về thể lý) của họ”.

- Xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã… Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau (61-62): Xem truyện ngôn sứ Elijah gọi Elisha (1V 19,19-21).[12] Nhưng Đức Giêsu đòi hỏi hơn Elijah, vì vị ngôn sứ còn cho phép môn đệ về từ giã bà con thân thuộc, còn Đức Giêsu thì không cho phép.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Mở: Hành trình lên Jerusalem (51)

Câu mở với giọng long trọng của bài tường thuật chuyến đi lên Jerusalem có ba điểm:

- a/. Thời gian Chúa Cha ban cho Con để thực hiện chương trình của Người trên trần gian đã đến lúc chấm dứt;

- b/. Đức Giêsu nhất quyết đi cho tới Thành thánh. Người biết chuyện gì đang chờ Người ở Jerusalem. Người thấy những đau khổ, cái chết và cả sự sống lại đang đến gần. Ta nghe ra gợi ý xa xa về cuộc hấp hối trong vườn Olive. Khi đến lúc, Người cắt đứt những liên hệ với miền Galilee và cương quyết tiến về Jerusalem, hiên ngang đối diện với định mệnh của Người;

- c/. “Người sai mấy sứ giả đi trước”: Hẳn là tác giả Luca gợi đến sấm ngôn thiên sai Ml 3,1,[13] với ý nghĩa Đức Giêsu chính là Đức Chúa (YHWH), còn các tông đồ là những sứ giả.

* Sự đón tiếp tại một làng Samari (52-56)

Cũng như sứ vụ tại Galilee được dẫn nhập bằng một truyện Đức Giêsu bị loại trừ (Lc 4,16-30),[14] chuyến đi lên Jerusalem cũng được dẫn nhập bằng một truyện như thế. Có một làng Samari đã không đón tiếp Người vì Người lên Jerusalem, chứ không lên Garidim là nơi có đền thờ của người Samari. Sự từ khước này không làm cho lòng Người ra chua chát. Người quở mắng hai môn đệ Giacôbê và Gioan vì các ông đã đề nghị chuyện bạo lực. Người yêu cầu người ta nghe Người, nhưng Người để cho người ta tự do, chứ không muốn ép buộc người ta phải đón tiếp Người. Người không thể diễn tả quyết định của Người ra bằng những biện pháp hà khắc, bất kể hoàn cảnh cụ thể của người khác.

* Những đòi hỏi đặt ra cho ai muốn làm môn đệ (57-62)

Trên con đường này, Người nhắc lại những điều kiện để đi theo Người. Có ba người đến để xin đi theo Người. Không biết là điều gì đã thúc đẩy họ xin như thế. Chắc chắn là họ đã bị Người thu hút, nên muốn ở với Người. Chúng ta cũng không biết là sau đó họ có thật sự đi theo Người chăng. Nhưng chúng ta biết những hoàn cảnh và những điều kiện cần thiết để có thể đi theo Người.

Người thứ nhất diễn tả một tình trạng sẵn sàng vô điều kiện. Đức Giêsu cho anh ta biết rõ điều gì đang chờ đợi anh nếu anh bước theo Người. Đặc điểm con đường Người đang theo là những bất ngờ và sự nghèo khó. Người không thể cung cấp sự an toàn và tiện nghi nơi ăn chốn ở. Chính Người đã cho thấy điều đó khi đi qua Samari: Người lệ thuộc vào sự tiếp đón của kẻ khác. Người chấp nhận bị từ chối và lại bắt đầu tìm chỗ khác. Người từ chối những tiện lợi của một nơi ở cố định. Như thế Người tự giải thoát khỏi dây ràng buộc với một nơi cố định và trở thành hoàn toàn tự do mà thi hành nhiệm vụ. Người cũng yêu cầu kẻ muốn theo Người phải có sự từ bỏ ấy, sự tự do ấy và dây liên hệ ấy.

Hai người khác nêu ra các điều kiện (chôn cất cha; từ giã người thân). Cho cả hai trường hợp, Đức Giêsu không chấp nhận những điều kiện ấy, trong đó luôn liên hệ đến gia đình. Đức Giêsu cho thấy rõ ràng là Người đòi hỏi người ta bước theo Người vô điều kiện.

+ Kết luận

Khi bước theo Đức Giêsu, người ta không được nhìn lại đàng sau, nhưng phải dứt khoát nhìn tới trước, nhìn vào chính Đức Giêsu và tất cả những gì được hàm chứa trong quan hệ với Người. Không những trong lãnh vực của cải vật chất, cả trong lãnh vực các tương quan người với người, liên hệ với Người đòi hỏi một số những từ bỏ đau đớn. Nhưng phải biết vấn đề ở đây là gì: đó là gắn bó với Người, phục vụ Người, sống thân tình với Người. Phần Người, Đức Giêsu đề nghị, nhưng luôn tôn trọng tự do của từng người.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Thông thường chúng ta muốn nắm tối đa những giải pháp có thể có. Mỗi quyết định hàm chứa một liều lĩnh, hàm chứa một sự từ khước hoặc thậm chí nhiều sự từ khước. Khi có chuyện không thích hoặc nặng nề, hoặc khi thấy có những viễn tượng khả quan hơn, chúng ta liền muốn thử hoặc muốn thay đổi. Chúng ta muốn thoát khỏi những gì mình không thích, những gì trở thành khó khăn hay phiền toái. Những chao đảo này, sự lưỡng lự này liên hệ đến tương quan của chúng ta với các sự việc, các nhiệm vụ và các con người. Nhưng Đức Giêsu đã nêu gương: khi biết là mình đã quyết định đúng, thì Người giữ tới cùng. Tin vào Thiên Chúa là một quyết định đúng; đi theo Đức Giêsu là một quyết định đúng; chọn làm Kitô hữu là một quyết định đúng. Nhưng lâu nay chúng ta sống thế nào?

2. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải dứt khoát chọn Người và liên kết với Người. Chỉ có sự cương quyết này và một quyết định như vậy mới giúp ta bước đi với Đức Giêsu và cùng với Người phục vụ việc loan báo Nước Thiên Chúa. Bước theo Đức Giêsu thường xuyên bao hàm những từ bỏ đau đớn. Chúng ta có thể suy nghĩ thêm về các của cải vật chất: chúng có giá trị gì? Theo nghĩa nào, các của cải vật chất là một sự hỗ trợ, và theo nghĩa nào, chúng là một trở ngại?

3. Mỗi người được nối kết tự nhiên với cha mẹ và gia đình mình. Khi nói những lời cứng rắn với những kẻ muốn đi theo Người, Đức Giêsu không hề chủ trương thiếu kính trọng và yêu thương đối với gia đình mình. Nhưng Người nêu bật rằng việc đi theo Người đòi hỏi một sự đoạn tuyệt; các tương quan sống cho đến nay, ta không thể tiếp tục như cũ được nữa.

4. Muốn đi theo Đức Giêsu, người ta phải:

- a/. Bỏ mọi an toàn;

- b/. Mau mắn đặt mọi sự tùy thuộc bổn phận loan báo Tin Mừng;

- c/. Quay lưng lại với quá khứ và nhìn tới trước.

Người ta có thể từ khước làm môn đệ Đức Giêsu vì những định kiến tôn giáo (như dân Samari), nhưng người ta cũng có thể từ khước tiếng gọi của Đức Giêsu vì quá bám víu vào sự an toàn, những tình cảm con người hoặc quá khứ.

5. Ngay từ ban đầu, Đức Giêsu đã nói rất rõ với các môn đệ về những hy sinh mà các ông sẽ phải gánh chịu để bước theo Người. Không lâu sau đó thì họ nhận được một phản ứng điển hình dành cho các ngôn sứ: những người họ gặp gỡ trên đường đã loại trừ họ. Người Samari không loại trừ các môn đệ vì họ là người Galilee và có mối hận thù trong quá khứ, nhưng vì các ông “đang đi về hướng Jerusalem”. Đức Giêsu chống lại phản ứng bạo lực đối với người Samari. Trong thực tế, theo sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca có tường thuật lại sự kiện người Samari sau cùng cũng đón nhận Tin Mừng (Lc 8,5-25).[15] Không giống như ông Elijah, Đức Giêsu không hề do dự hay hèn yếu trong quyết định của Người để hoàn tất sứ vụ. Người sẽ không dừng lại hay trì hoãn, thậm chí ngay cả khi người Samari từ chối tiếp đón Người. Trên con đường ấy, các môn đệ chẳng thể thoát khỏi cảnh trái ngang đó, mà còn được cảnh báo rằng: cái giá của việc theo Thầy Giêsu là sẽ bị khước từ.

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 9,53; 13,22.33-34; 17,11; 18,31; 19,11, luôn luôn là Ierousalêm, ngoại trừ 13,22, Hierosolyma.

53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 13 22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được’. 34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 17 11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 18 31 Đức Giê-su kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. 19 11 Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.

[3]   Kinh Thánh, Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn

[4] Is 50,7: Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

[5] 2V 17,24: Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này.

[6] x. Er 4,2-24: 2 thì những kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min đến gặp ông Dơ-rúp-ba-ven, và những người đứng đầu các gia tộc, mà nói: “Chúng tôi muốn được cùng xây với các ông, bởi cũng như các ông, chúng tôi tìm kiếm Thiên Chúa của các ông, và dâng lễ tế kính Người, từ ngày Ê-xa-khát-đôn, vua Át-sua, đem chúng tôi lên đây”. 3 Ông Dơ-rúp-ba-ven, ông Giê-su-a và những người khác, là những người đứng đầu các gia tộc Ít-ra-en, bảo họ: “Việc xây Nhà cho Thiên Chúa chúng tôi không phải là việc chung của các ông và chúng tôi, vì chỉ có chúng tôi sẽ xây cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, theo lệnh vua Ky-rô, vua Ba-tư, đã ban cho chúng tôi”. 4 Khi đó, dân trong xứ bắt đầu làm cho dân Giu-đa bủn rủn tay chân và sợ hãi, để họ không xây cất nữa. 5 Chúng mua chuộc các cố vấn, để làm hỏng ý định của dân Giu-đa trong suốt thời vua Ky-rô, vua Ba-tư, mãi cho đến triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư. 6 Dưới triều vua Xéc-xét, vào thời đầu triều đó, chúng viết một bản cáo tội dân cư Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 7 Vào thời vua Ác-tắc-sát-ta, Bít-lam, Mít-rơ-đát, Táp-ên, và các bạn đồng liêu khác đã viết cho vua Ác-tắc-sát-ta, vua Ba-tư. Bản văn ấy được viết bằng tiếng A-ram và được phiên dịch. Nguyên văn tiếng A-ram: 8 Rơ-khum, thủ hiến, và Sim-sai, thư ký, gửi lên vua Ác-tắc-sát-ta một bức thư tố cáo Giê-ru-sa-lem, với những lời lẽ như sau: 9 “Rơ-khum, thủ hiến, Sim-sai, thư ký, và các bạn đồng liêu khác, các thẩm phán và khâm sai, những người Tác-pơ-lai, E-réc, By-by-lon và Su-san, nghĩa là những người Ê-lam, 10 và các dân tộc khác mà vua Át-náp-pa vĩ đại và lừng danh đã bắt đi đày và cho định cư tại các thành của Sa-ma-ri và các miền khác thuộc Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, đồng tấu:

11 (Đây là bản sao bức thư họ gửi:) 'Tâu vua Ác-tắc-sát-ta, bầy tôi của đức vua, những người ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát xin thưa:

Và bây giờ, 12 xin trình để đức vua tường: từ nơi đức vua, người Do-thái đã lên chỗ chúng tôi tại Giê-ru-sa-lem, và đang tái thiết cái thành phản loạn và xấu xa ấy; chúng dựng lại tường thành và đặt lại nền móng. 13 Vậy xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, tường thành được dựng lại, thì chúng sẽ không nộp cống vật, thuế má, thuế thông quá; và như vậy, cuối cùng nhà vua sẽ phải thiệt thòi. 14 Vậy, vì được hưởng lộc của triều đình, chúng tôi thấy không được phép ngồi nhìn đức vua bị nhục mạ; cho nên chúng tôi đệ lên đức vua bản tường trình này, 15 để người ta tra cứu sách Sử Biên Niên của tổ tiên đức vua. Trong sách Sử Biên Niên đó, đức vua sẽ tìm ra và nhận thấy rằng thành ấy là một thành phản loạn, làm thiệt hại cho nhà vua và các tỉnh; ở đó, từ thời xa xưa chúng đã làm loạn. Vì thế thành ấy đã bị tàn phá. 16 Chúng tôi xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, và tường thành được dựng lại, thì điều đó sẽ làm cho đức vua chẳng còn phần đất nào nữa trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát’”.

17 Vua gửi thư trả lời: “Gửi lời vấn an quan thủ hiến Rơ-khum, thư ký Sim-sai và các đồng liêu cư ngụ ở Sa-ma-ri và ở các nơi khác trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát!

Vậy bây giờ, 18 bức thư mà các ngươi đệ lên ta, đã được dịch và đọc trước mặt ta. 19 Theo lệnh ta, người ta đã tra cứu và tìm ra rằng từ thời xa xưa, thành ấy đã từng nổi dậy chống các vua, và những cuộc phản loạn, những cuộc nổi dậy đã từng diễn ra ở đó. 20 Ở Giê-ru-sa-lem đã có những vua hùng mạnh làm bá chủ khắp Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát. Người ta đã nộp cho họ cống vật, thuế má, thuế thông quá. 21 Vì thế, các ngươi hãy ra lệnh cấm chúng không được tái thiết thành ấy, cho đến khi có lệnh ta ban. 22 Các ngươi hãy coi chừng chớ trễ nải công việc này, kẻo gây nhiều thiệt hại cho nhà vua”.

23 Như thế, sau khi bản sao sắc chỉ của vua Ác-tắc-sát-ta được đọc trước mặt quan thủ hiến Rơ-khum, viên thư ký Sim-sai và các đồng liêu, thì những người này vội vàng đi Giê-ru-sa-lem gặp người Do-thái, và dùng võ lực mà ngăn cản họ. 24 Khi đó, công việc xây Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem phải ngưng lại và ngưng lại mãi cho đến năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư.

Nkm 2,19; 4,2-9: 19 Nghe tin này, Xan-ba-lát, người Khô-rôn, Tô-vi-gia, người nô bộc gốc Am-mon, và Ghe-sem, người Ả-rập, nhạo cười và khinh dể chúng tôi. Họ nói: “Các người làm gì thế? Các người nổi loạn chống lại nhà vua sao?” 4 2 Cả bọn liên minh với nhau để tiến đánh Giê-ru-sa-lem, nhằm gây rối loạn trong thành. 3 Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa chúng tôi và đặt chốt canh để phòng ngự ngày đêm. 4 Dân Giu-đa nói: “Sức khuân vác đã giảm, đá vụn lại nhiều. Ta không xây lại tường thành nổi đâu!” 5 Đối thủ của chúng tôi nói: “Chúng sẽ không hay không thấy gì cho tới khi ta đến giữa chúng. Ta sẽ giết chúng, bắt chúng phải ngưng việc”. 6 Lúc đó có những người Do-thái sống gần bọn chúng đến báo cho chúng tôi cả chục lần rằng: “Từ mọi nơi chúng ở, chúng lên đánh ta đấy”. 7 Vậy, ở phía dưới chỗ sau tường thành, nơi những khoảng đất trống, tôi bố trí dân theo từng thị tộc, trang bị cho họ gươm đao, giáo mác và cung nỏ. 8 Sau khi đã thị sát, tôi đứng lên tuyên bố với các trưởng tộc, quan chức và những người dân khác rằng: “Đừng sợ chúng! Hãy tưởng nhớ đến Chúa Tể khả tôn khả uý, và hãy chiến đấu cho anh em, cho vợ con và nhà cửa mình!” 9 Khi kẻ thù nghe tin chúng tôi đã biết chuyện và Thiên Chúa đã phá vỡ ý đồ của chúng, thì tất cả chúng tôi trở lại tường thành, người nào việc nấy.

[7] 2V 1,10 (hay 12): 10 Ông Ê-li-a trả lời sĩ quan chỉ huy năm mươi quân: “Nếu ta là người của Thiên Chúa, thì chớ gì một ngọn lửa từ trời xuống thiêu đốt ngươi và năm mươi quân của ngươi!” Một ngọn lửa từ trời liền xuống thiêu đốt viên sĩ quan và năm mươi quân của ông. 11 Vua lại sai một sĩ quan khác chỉ huy năm mươi quân đem năm mươi quân của mình đến với ông Ê-li-a. Viên sĩ quan đó lên tiếng nói: “Hỡi người của Thiên Chúa, vua nói thế này: Xin ông xuống mau!” 12 Ông Ê-li-a trả lời họ: “Nếu ta là người của Thiên Chúa, thì chớ gì một ngọn lửa từ trời xuống thiêu đốt ngươi và năm mươi quân của ngươi!” Một ngọn lửa từ trời liền xuống thiêu đốt viên sĩ quan và năm mươi người của ông.

[8] Lc 10,23; 14,25: 23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 14 25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su.

[9] x. Lc 9,45: Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

[10] x. Lc 6,29: Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.

[11] x. Ds 6,6-7: 6 Suốt thời kỳ khấn đặc biệt để kính ĐỨC CHÚA, nó không được tới gần xác chết. 7 Dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình nhiễm uế, bởi vì nó mang trên đầu lời khấn na-dia kính Thiên Chúa; Lv 21,11: Không được đến gần người chết nào, và không được làm cho mình ra ô uế, dù vì cha hay vì mẹ mình.

[12] 1V 19,19-21: 19 Ông Ê-li-a bỏ đó ra đi và gặp ông Ê-li-sa là con ông Sa-phát đang cày ruộng; trước mặt ông Ê-li-sa có mười hai cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. 20 Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Ê-li-a và nói: “Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông”. Ông Ê-li-a trả lời: “Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu?” 21 Ông Ê-li-sa bỏ ông Ê-li-a mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông.

[13] Ml 3,1: Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

[14] Lc 4,16-30: 16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” 23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” 24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi”. 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

[15] Lc 8,5-25: 5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe”. 9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10 Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu. 11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả. 16 “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”. 19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. 22 Một ngày nọ, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ. Người nói: “Chúng ta sang bên kia hồ đi!” Rồi thầy trò ra khơi. 23 Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giê-su thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy. 24 Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay. 25 Người bảo các ông: “Đức tin anh em ở đâu?” Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: “Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?”.