Các Sách Khôn Ngoan

Monday, 10 June 2019 02:36

Tìm Hiểu Sách Khôn Ngoan

Giuse Nguyễn Thuân

 

A. DẪN NHẬP

Theo ngôn ngữ của người xưa, nói đến khôn ngoan là nói đến số phận thực của con người. Lẽ tự nhiên con người khao khát sống vĩnh cửu. Vì sống là một hạnh phúc lớn. Nhưng những ảo tưởng, những sai lầm và sa đoạ có thể làm mất hoặc làm biến chất sự sống đích thực. Một nỗi băn khoăn của con cũng như bao người sống trên trái đất này, đều đã đặt vấn đề là: Liệu ai có thể tìm được một hạnh phúc vững bền? Hạnh phúc ấy là gì? Nó to lớn thế nào? Nguồn gốc chúng từ đâu và nó sẽ đi tới đâu? Vấn đề này đã được sách Khôn ngoan là bước cuối cùng của Cựu ước trong nỗ lực tìm hiểu thân phận con người và mở ra những viễn tưởng vĩnh cửu, giải đáp những vấn đề mà con người thường đặt ra khi nghĩ về chung cuộc của cuộc sống. Tác giả sách Khôn ngoan cũng khuyên con người hãy đối xử với đức Công Chính, tức là đem sự khôn ngoan ra thực hành hợp với luật của Thiên Chúa. Đó là điều kiện không thể không có nếu muốn gặp gỡ Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người. Những người chân thành tìm kiếm sự khôn ngoan để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, thì chính Chúa sẽ đến gặp họ và cho họ kinh nghiệm thế nào là tình yêu và lòng thương xót của Người. Con xin được gới thiệu tổng quát về cuốn sách Khôn ngoan trong bộ Kinh thánh với ơn Chúa soi sáng, để hy vọng phần nào làm sáng tỏ chân lý trên.

I. VỊ TRÍ VÀ KINH BỘ TÍNH (Kinh Thánh Học Tr. 307)

Sách Khôn ngoan thuộc hậu kinh bộ. Những người Do thái ở Palestina loại khỏi Kinh bộ vì sách viết bằng tiếng Hy Lạp và xuất hiện vào thời đại muộn. Nhưng một điều đáng lưu ý là các tác giả Tân ước đã trích dẫn sách Khôn ngoan rất nhiều. Như thế, ắt phải có sự linh hứng, ví dụ có những ám chỉ sau đây:

Rm 9,20-1=Kn 13,7; Eph 6,13-17=Kn5,18-20; Dt 1, 3= Kn 7,26.

Các Thánh giáo phụ đầu tiên cũng coi sách Khôn ngoan là sách có linh hứng và có vị trí trong bộ Kinh thánh. Tuy nhiên có một vài vị chối bỏ.

II. TÁC GIẢ (Kinh Thánh Học quyển II  Tr. 307)

Theo bản Hy Lạp và Syriaque thì tác phẩm được một số người gán cho vua Salômôn viết cuốn sách Khôn ngoan vì nhan đề của nó. Tuy nhiên hai vị thánh lớn là thánh Giêrônimô và thánh Augustinô chối nguồn gốc của sách là của vua Salômôn. Không thể gán sách Khôn ngoan cho vua Salômôn vì những lý do sau:

- Sách được viết bằng tiếng Hy lạp mà tiếng này chỉ lan sang Đông phương thời vua Alexandria đại đế.

- Tác giả sách Khôn ngoan đã biết tới bản dịch 70 vì ông trích dẫn sách theo bản này, mà bản này mới lưu hành từ thế kỷ thứ 3.

- Trong bản văn Khôn ngoan tác giả đã dùng lối văn Haggada(theo cách chú giải của các Rabbi) mà lối văn này có sau thời lưu đày ở Babylon.

- Tác giả sách Khôn ngoan biết một ít kiến thức về văn chương và triết học HyLạp như một người Do thái trí thức Diaspora.

Như vậy, sách Khôn ngoan được viết bằng tiếng Hy Lạp thuộc loại đệ nhị lục, nên tác giả sách Khôn ngoan là một người Do thái trung thành với truyền thống Israel, nhưng cũng mang dấu ấn sâu đậm của nền văn hoá Hy Lạp. Ông muốn giúp anh em mình sống niềm tin trong thế giới Hy Lạp đó, một thế giới vừa hấp dẫn vừa dễ sợ. Ông cũng mong muốn, nhưng không phải là mục đích thứ  nhất của ông là truyền bá đức tin trong thế giới Hy Lạp. Ông mượn lý luận triết học để diễn tả niềm tin của mình. Tác phẩm của ông là một tác phẩm hoàn hảo trong các tác phẩm khôn ngoan mà Kinh thánh cung cấp cho chúng ta.

III. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM SÁNG TÁC (Kinh Thánh Học quyển II Tr.308)

1. Năm sáng tác

Có rất nhiều tranh cãi về năm sáng tác của sách khôn ngoan như:

Phần đông các nhà kinh thánh học cho rằng sách Khôn ngoan ra đời vào thế kỷ thứ 2 trước Chúa Giáng Sinh vì lý do:

- Sách Khôn ngoan có sau bản dịch 70 (ra đời vào thế kỷ thứ 3) vì trích dẫn theo bản dịch này.

- Tác giả viết sách đã ám chỉ tới những cuộc bách hại mà người đồng đạo của ông phải chịu (Kn 3, 4-5 ; 6,1-9). Mặt khác đã rõ hai vua là Ptôlêmê IV Philopator (221-203) theo sách Macabê; và cháu ông là Ptôlêmê VII  Evergète Physcon (170-116), được coi là bách hại đạo Do thái.

Vì thế người ta cho rằng sách được viết vào thế kỷ thứ nhất trước Chúa Cứu Thế dười thời vua Ptôlêmê sau cùng (88-30) rất đố kỵ với người Do thái. Cũng có những ý kiến khác cho rằng sách Khôn ngoan được viết đầu thời rao giảng của các tông đồ vì trong thư Rôma khoảng năm 58 sau Chúa Cứu Thế đã sử dụng tới nó. Nên sách Khôn ngoan không thể có trước thế kỷ thứ 3 (tcn) đàng khác, ta không thấy tác giả có những ý tưởng của triết gia Do thái Philon (20tcn-54scn) hoặc liên hệ tới trào lưu tiền Philon. Do đó sách Khôn ngoan không thể có sau năm 50 (tcn) . Có lẽ sách được viết trong nửa đầu thế kỷ thứ 1 (tcn). Vậy sách Khôn ngoan là quyển sách cuối cùng của Cựu ước trong bộ Kinh thánh.

2. Địa điểm sáng tác

Sách Khôn ngoan được sáng tác chắc là ở Alexandria, nơi có nhiều người Do thái lưu vong sinh sống bởi những lý do sau:

- Người Dothái sống lưu vong ở Alexandria nên con cháu họ hoàn toàn hấp thụ nền văn hoá Hy lạp kể cả chữ viết, họ sợ mất truyền thống đức tin của mình. Vì thế họ đã viết bằng tiếng Hy lạp để cho con cháu họ đọc được dễ hiểu vì tiếng gốc của họ đã bị mai một. Ta thấy tác phẩm sách Khôn ngoan được tác giả viết bằng tiếng Hy lạp.

- Tác giả dùng bản dịch 70 là ngôn ngữ hy lạp ra đời ở Ai cập.

- Tác giả sách Khôn ngoan có một kiến thức triết học và văn chương Hylạp ít ra cũng là phổ thông.

- Trong tác phẩm, thì vương quốc Aicập cũng chiếm một chỗ ưu thế, tác giả mô tả ngẫu tượng như thường thấy ở bờ sông Nil (Kn 11,6; 12,24; 15,18) là một nơi có phong tục thờ kính các súc vật như bò, cá sấu…Ông đã tả tỉ mỷ những dấu lạ mà Môsê đã làm ở Aicập ( Kn 19, 5-16; 16, 19).

B. CẤUTRÚC VÀ VĂN CHƯƠNG (Dẫn Nhập Cựu Ước của cha Phanxicô Phan Long Tr. 159 và Kinh Thánh PVGK Tr. 535)

I. CẤU TRÚC

1. Phần nhập đề: Tìm đức nghĩa, khôn ngoan và sự sống (1, 1-15)

2. Phần chính đề: chia làm ba phần

a. Từ chương (1,16-5, 23): Trình bày vai trò của Đức Khôn Ngoan trong vận mệnh của con người và so sánh số phận của những người công chính với những kẻ vô đạo ở đời này và sau khi chết.

- Cuộc sống theo phường vô đạo (1, 16- 2, 20).

- Lầm lạc của phường vô đạo (2, 21-24).

- Số phận của người đức nghĩa và quân vô đạo (3, 1-5, 23).

b. Từ chương 6-9: Trình bày nguồn gốc và bản chất của Đức Khôn Ngoan cũng như cách để chiếm hữu được Đức Khôn Ngoan.

- Khuyến khích các Vua tìm khôn ngoan (6, 1- 21).

- Salômôn thầy dạy khôn ngoan (6, 22-8, 1).

- Sự khôn ngoan được ban cho Salômôn (8, 2- 9, 10).

c. Từ chương 10- 19, 21: Tán dương hoạt động của Đức Khôn Ngoan và của Thiên Chúa trong lịch sử của dân được tuyển chọn, đáng chú ý nhất là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Aicập. Xen vào giữa phần này (Từ chương 13-15), mỉa mai việc thờ ngẫu tượng và cho thấy hậu quả do đó mà ra.

- Vai trò của Khôn ngoan từ Adam cho tới Xuất hành (10, 1- 11, 3).

+ Đối chiếu thứ  nhất: phép lạ nước hình phạt với người Ai cập và giải thoát Israel (11, 5- 14).

* Đoạn tán rộng: Lòng thương xót của Thiên Chúa (11, 15- 12, 27).

* Đoạn tán rộng khác: Sự điên rồ và ác tính của việc phụng thờ ngẫu tượng (13-15).

- Việc kỳ diệu của khôn ngoan trong cuộc xuất hành (16, 1- 19, 17).

* Đối chiếu thứ hai: Người Ai cập bị thú vật phá, người Israel được no nê chim cút (16, 1-4).

* Đối chiếu thứ ba: Châu chấu và ruồi bọ giết người Aicập, người Israel được rắn đồng chữa lành (16,5- 14).

* Đối chiếu thứ bốn: Các yếu tố thiên nhiên đánh người Aicập; nhưng giúp người Israel(16,15-29).

* Đối chiếu thứ năm: Bóng tối khủng khiếp làm người Aicập lo sợ; một ánh sáng tốt lành được ban cho Israel (17,1-18,4).

* Đối chiếu thứ sáu: Người Aicập mất con đầu lòng; con đầu lòng của Israel được cứu (18,5-25).

* Đối chiếu thứ bảy: Biển đỏ nuốt trửng người Aicập; biển mở ra trước mắt cho người Israel (19,1-9).

* Tóm: Israel và Ai cập (19,10-21).

3. Phần kết luận (19,22)

II. ĐẶC TÍNH VĂN CHƯƠNG CỦA SÁCH KHÔN NGOAN

1.  Duy nhất tính của sách

Như đã xác định, sách Khôn ngoan được viết do một tác giả. Vì thế ta thấy trong tác phẩm có lối hành văn được thống nhất trong cả hai phần chính của sách và về chủ đề là sự khẩn thiết của khôn ngoan mà tác giả luôn đề cập tới. Cho nên sách Khôn ngoan có duy nhất tính.

2. Giá trị văn chương của sách Khôn ngoan

Trong môi trường văn hoá và với những ý hướng của tác giả, trước những uy thế của nền văn hoá Alexandria. Chúng ta không ngạc nhiên lắm khi nhận thấy trong khôn ngoan có nhiều điểm đụng chạm với tư tưởng Hy lạp. Chắc chắn, tác giả thừa hưởng nền giáo dục Hylạp, một ngôn ngữ trừu tượng trong việc lý luận. Nhưng những cái vay mượn này không có ý nghĩa là sự chấp nhận một học thuyết, một lập trường triết lý mà chỉ là những phương tiện giúp diễn tả một tư tưởng thấm nhuần giáo lý Cựu ước. Hơn thế nữa, văn thể sách Khôn ngoan không đồng đều, có lúc thể văn súc tích, chồng chất hình dung từ (Kn 7,22-23), có lúc sắc bén và chua cay trong bức tranh ngẫu tượng (Kn 13, 11-19), nhưng có lúc lại mạnh mẽ khi nói tới sự hình dung của người khoái lạc không tin ( Kn 2), khi họ sợ hãi bởi bức hoạ phán xét (Kn 5). Nên tính văn chương của sách Khôn ngoan mang nặng tính văn chương của Hylạp với những tư tưởng và lý luận triết học để diễn tả niềm tin cho phù hợp với hoàn cảnh của dân Chúa.

3. Sứ điệp thời đại

Sách Khôn ngoan được viết cho người Do thái vì chỉ họ có thể hiểu được các ám chỉ về lịch sử quốc gia của họ.

Tác giả đối chiếu số mệnh dưới con mắt của con người với những gì Thiên Chúa thực hiện thực sự. Nhờ những đóng góp của triết học Hy lạp về vấn đề và tính bất tử của linh hồn con người. Tác giả sách Khôn ngoan đã mang lại một giải đáp mới cho những vấn đề của Israel về việc ân thưởng cho những người công chính sau khi chết, giúp cho con người hiểu rằng sau khi chết, linh hồn kể lành sẽ được sống với Thiên Chúa mãi mãi (2,23-3,9; 5,15-16). Đối với tác giả thì người công chính, cái chết không thể làm gì được họ vì linh hồn họ thuộc về Thiên Chúa (Kn 3,1) như khẳng định của (Daniel 12,1-3 và như 2Mac 7). Như vậy tác giả sách Khôn ngoan đã giải quyết được các thắc mắc của Gióp và giảng viên; Nếu Thiên Chúa công bằng, tại sao trên trần gian kẻ lành lại khổ và người ác lại sướng? Tác giả không ám chỉ tới việc xác sống lại, nhưng cũng hé mở cho thấy một khả năng xác sống lại dưới trạng thái được thiêng liêng hoá. Đó là sự móc nối quan điểm của Hy lạp về tính cách bất diệt của linh hồn với những giáo lý của Thánh kinh hướng về sự sống lại của thể xác (Đaniel).

Thứ đến là trước một xã hội bất công, bất bình đẳng nhưng họ lại không có phương tiện để thay đổi, nhiều người Hy lạp lẩn tránh trong các cộng đồng tôn giáo. ở đó họ tạo ra một xã hội và sống với những nghi thức đầy huyền bí. Hơn nữa có nhiều người Hylạp lại lao vào con đường tìm kiếm sự hiểu biết và khôn ngoan hòng giải thoát vật chất. Nên tác giả sách Khôn ngoan chủ ý khuyến khích người đồng đạo của mình, giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa Độc Nhất trong khi bị thử thách, phải khôn ngoan đề phòng ngẫu tượng, biết ơn Giavê về các ơn lành Người đã làm cho cha ông họ trong các lời hứa về sự thiện hảo mai hậu, hy vọng trông chờ vào sự cứu thoát.

Cuối cùng tác giả cũng không phải là một triết gia hay một nhà thần học mà ông chỉ là một hiền nhân Israel. Nhưng ông cũng khuyên nhủ mọi người tìm kiếm sự khôn ngoan. Ông lấy lại truyền thống Israel và trình bày sự khôn ngoan đích thực như là một ân huệ  của Thiên Chúa nên phải cầu xin (Kn 8,21-9,12). Khôn ngoan là phản ánh chính Đức Chúa (7,22-29). Các vua cũng rất cần sự khôn ngoan để thi hành luật pháp (6,1-11). Khi đọc lại các suy niệm đó về cuộc xuất hành mà người tín hữu Alexandria biết được con đường họ phải theo. Bởi vì tác giả cũng ngỏ lời cùng các người ngoại và muốn lôi kéo họ về với Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi người. Nhưng trong phần chính yếu thì sách Khôn ngoan vẫn là một tác phẩm có ý hướng tự vệ cho người Do thái hơn là chinh phục dân ngoại.

C. SÁCH KHÔN NGOAN VỚI KITÔ GIÁO (Kinh Thánh Học quyển II Tr.318)

I. GIÁO HUẤN TÍN LÝ

1. Về Thiên Chúa

Khôn ngoan thực tiễn, khôn ngoan thuần lý chỉ là sự tham dự vào khôn ngoan của Thiên Chúa. Thực vậy sách Khôn ngoan đã bày tỏ tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc trình bày Đức Khôn Ngoan là một Ngôi vị (7,25-26), trình bày bản tính của Đức Khôn Ngoan (7,22-8,8); một Ngôi vị có trước sáng tạo mà đó là một chứng nhân, một dụng cụ và là một người thợ, đặc biệt là một căn nguyên tác thành trong sáng tạo (7,21; 8,4-6; 9,1-2).

- Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan (11,20) . Ngài là Đấng Hiện Hữu (13,1). Thiên Chúa đẫ điều khiển mọi sự cách công bình và ra hình phạt tương xứng với tội ác(12,15-18).

- Thiên Chúa vô cùng tốt lành Người là bạn của loài người và chỉ mong họ được điều tốt lành, Người là Đấng yêu thương mọi tạo vật(11,23).

- Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất(9,1) là căn nguyên tác thành và cũng là căn nguyên cứu cánh, Chúa dựng nên mọi sự không vì khẩn thiết mà là hành vi ý chí, tự do của Ngài (11,26). Vũ trụ là tạo vật, mọi vật đều tốt đẹp, phản ánh sự tốt lành của Thiên Chúa và dẫn con người tới Thiên Chúa (13,1-9). Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài phân phát mọi điều thiện hảo (12,8) và bảo tồn công trình Ngài đã làm nên(11,26).

2. Về con người

- Sách Khôn ngoan trình bày con người không phải là thuần vật chất, mà nơi con người còn một nguyên lý sinh tồn (Néphesh) tức là linh hồn. Qủa thế, con người có sự sống nhờ Chúa (7,1-6), xác là bụi đất (15,8), linh hồn là hơi thở sinh lực Chúa thổi vào(15,16), nhờ linh hồn mà con người giống Thiên Chúa, được làm theo hình ảnh Ngài (2,23).

- Tự mình con người không đạt tới sự khôn ngoan mà do tác động của Thiên Chúa (6,14-17). Do đó con người phải giữ luật và cầu nguyện để được sự khôn ngoan (18,21-9,19). Con người có tự do và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình (7,16).

3. Về đau khổ và cứu cánh tối hậu

- Đau khổ của người công chính là Chúa dùng để thanh lọc họ(3,1-9) đau khổ của kể dữ là Chúa dùng để dẫn họ về chính lộ, ban cho họ thời gian để họ nghĩ lại mà sám hối(12,2.8-11).

- Chết là số phận chung của mọi người (7,1-6). Người công chính không sợ chết mà ngược lại chết là bắt đầu cuộc sống mới (5,16). Qua cái chết người công chính được hiểu biết chân lý (3,9).

- Cuộc phán xét chung được diễn ra vào cuối thời lúc ấy kẻ dữ biết việc mình làm là lầm còn kẻ lành được hưởng và kẻ dữ phải chịu hình phạt (16,13-14).

II. GIÁO HUẤN VỀ LUÂN LÝ

Sách Khôn ngoan đề cập đến luân lý cá nhân, đó là các nghĩa vụ cá nhân phải có đối với Chúa, đối với tha nhân và đối với chính mình.

1. Đối với Chúa

- Kính sợ Thiên Chúa là nguyên tắc cơ bản của con người đối với Chúa, kính sợ là liên kết và cậy trông vào Người (16,25-26). Tỏ lòng kính mến Thiên Chúa bằng những hình thức phụng thờ như kinh nguyện với mục đích là thờ lạy và tạ ơn Chúa (16,28); cầu khẩn sám hối (8,21) với tâm tình quảng đại nội tâm.

- Tránh phạm các tội nặng phạm đến Chúa như phạm thượng (1,6.11), tà thuật (12,4), sát tế con người (12,5; 16,22), tôn thờ ngẫu tượng (13,10) . Vì tất cả các tội ấy gây bao thiệt hại khôn tả(14,12-31).

- Sự hiểu biết và tìm kiếm sự khôn ngoan là tìm kiếm Chúa, là nền tảng cho đời sống luân lý (1,1-5).

2. Đối với tha nhân

Bổn phận công bình ta phải tôn trọng tha nhân như sách khôn ngoan đã dạy:

- Phải tôn trọng sự sống của tha nhân, nếu Chúa ghét tội sát nhân thì Ngài cũng ghét tranh chấp, báo thù, làm sỉ nhục và đe doạ (14,25).

- Phải tôn trọng danh dự, tôn trọng của cải và phải có nghĩa vụ bác ái đối với anh em. Tuy nhiên đức khôn ngoan phải điều khiển và làm điều hoà việc bác ái, đừng bảo lãnh nhẹ dạ, sau cùng việc thương xót là sửa bảo anh em.

3. Đối với bản thân

Sách Khôn ngoan giúp con người thực thi bổn phận đối với chính mình:

- Trước hết con người phải có bổn phận tìm kiếm khôn ngoan và thánh thiện, phải xa lánh tội lỗi và thói xấu, kìm hãm  đam  mê. Đừng kiêu ngạo, hà tiện, đừng dâm dật dưới mọi hình thức (3,16; 4,6).

- Các khía cạnh tích cực giúp con người nên trọn lành, là thánh hoá, là kinh nguyện, là các việc thương xót và sám hối. Đó là các nhân đức trang điểm cho linh hồn người khôn ngoan.

III. BÀI HỌC CỦA SÁCH KHÔN NGOAN CHO CON NGƯỜI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

Nhìn lại sách Khôn ngoan, nhiều đoạn có thể xa xôi đối với chúng ta (như chương 10-19 chẳng hạn), nhưng từ chương 1-5 rất hữu ích, giúp ta hiểu ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Thiên Chúa là Đấng Khôn ngoan, nhân từ. Ngài dẫn dắt tất cả mọi tạo vật. Người công chính có thể gặp thử thách nhưng sẽ được phần thưởng huy hoàng. Lời Chúa trong sách Khôn ngoan giúp ta giữ vững niềm tin và lòng cam đảm. Thật vậy, Hội thánh Chúa ngày nay, cũng như những người Dothái năm xưa đang phải sống trong một thế giới đầy rẫy những bất công và nguy hiểm bởi những trào lưu, học thuyết của các khoa học phát triển, những chạy đua theo tiền tài, thế lực và danh vọng để thoả mãn những dục vọng trần thế. Một điều đáng sợ nhất nơi con người hôm nay là sự đánh mất niềm tin, khi đang phải đối diện với một xã hội đầy dẫy những trộm cắp, lường gạt, bạo động, giết người; khi phải sống trong sự thất vọng vì những hành vi gian dối, xấu xa và độc ác. Khiến cho ai ai cũng sinh lòng nghi ngờ chán nản và mất niềm tin nơi Thiên Chúa cũng như mất  lòng yêu người và yêu đời.

Đó là những ngẫu tượng thần mới mà dân Chúa ngày nay tin theo tôn thờ, chạy theo những giá trị tạm bợ phù vân mà quên đi những giá trị vĩnh cửu mai ngày, cũng như dân Israel ngày xưa bị mê hoặc trong đất Ai cập. Thì đây sứ điệp Lời Chúa trong sách Khôn ngoan lại vang lên kêu mời con người hãy tìm kiếm Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan ấy chỉ có nơi Thiên Chúa vì Ngài là nguồn sức mạnh và là chính sự Khôn Ngoan. Nghĩa là con người hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy gắn bó tin tưởng và cậy trông nơi Ngài, bằng sự lắng nghe Lời của Ngài nơi Kinh thánh và qua các dấu chỉ thời đại, bằng kinh nguyện, bằng các việc bác ái và bằng sự giữ luật vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Hãy sắm cho mình sự khôn ngoan như 5 cô trinh nữ trong (Mt 25,9-10) hay như người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá (Mt 7,24).

Chúng ta xin Chúa giúp và ban cho ta sự khôn ngoan, đừng để những sự gian dối độc ác của người đời làm mất đi cái nhìn trong sáng và niềm tin nơi sự thiện hảo và khôn ngoan của Thiên Chúa. Ước chi ánh sáng Lời Chúa sẽ xoá đi mọi tối tăm tội lỗi trong lòng con  và soi đường dẫn lối cho con trong cuộc sống giữa thế giới hôm nay. Để con trở nên như những người đầy tớ khôn ngoan luôn cầm đèn cháy sáng trong tay và tỉnh thức chờ đợi chủ đi ăn cưới  về để cùng vào dự tiệc cưới trong bàn tiệc Thiên quốc(Lc 12,36-37).

KẾT LUẬN

Sách Khôn ngoan là một quyển sách trong bộ Kinh Thánh được biên soạn ở thế kỷ thứ I trước Chúa Giáng Sinh, trong môi trường văn hoá Hy lạp ở Alexandria bên Aicập. Cuốn sách được viết ra chống lại sức cuốn hút của văn hoá Hylạp đang làm cho người Dothái bị lung lạc bằng cách đề cao sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bộc lộ trong số phận của mỗi con người và trong lịch sử Dân Chúa.

 

Media