Các Sách Khôn Ngoan

Monday, 10 June 2019 02:35

Tìm Hiểu Sách Châm Ngôn

 

Giuse Bùi Văn Cường

 

DẪN NHẬP

Trong Cựu ước có một số sách quen gọi là sách giáo huấn đó là: Châm ngôn, Gióp, Giảng viên, Huấn ca, Khôn ngoan, Diễm ca. Ngoài ra còn có một số Thánh vịnh thuộc loại này như Thánh vịnh 1; 49; 73...

Văn chương khôn ngoan là kết tinh của sự suy nghĩ của các hiền nhân tại Israel về thân phận con người, về hạnh phúc và cuộc sống. Các suy tư này nhiều khi có một nhãn giới thực tế như: làm sao để thành công ở đời, có  khi đặt những câu hỏi cao siêu hơn như: tại sao có đau khổ? Báo ứng thưởng phạt ở chỗ nào?... Đó là những câu hỏi, những vấn đề từ ngàn xưa vẫn đặt ra cho mọi người, mọi dân tộc. Tại Israel có vua Salomon nổi tiếng giàu sang, quyền thế và được Chúa ban cho khôn ngoan (1V 3,4-13) tương truyền rằng vua đã nói ba ngàn câu châm ngôn và viết nhiều bài ca vịnh (1V 5,12-13). Vì thế các sách giáo huấn được gán cho vua là tác giả.

Sách Châm ngôn là một bài thơ giáo huấn cách đơn sơ, không có sự liên lạc chặt chẽ giữa các phần với nhau. Các câu văn đơn giản, vắn tắt, nhưng lời khuyến khích gọn ghẽ. Mục đích được nhấn mạnh ở lời tự ngôn (1,1-7) có ý dạy cho chúng ta sự khôn ngoan, tác giả nhằm mục đích thực hành, lệnh truyền, gương mẫu, các bài học có ý làm cho con người nên khôn ngoan và hạnh phúc hơn. Chính vì những điểm này mà con chọn và giới thiệu sách Châm ngôn.

TÊN SÁCH

"Cách ngôn là lời nói đạo đức, có tác dụng hướng dẫn hành vi con người" (từ điển tiếng Việt, Hà Nội 1977). Việt Nam từ điển của Hội khai trí tiến đức (Hà Nội 1931) định nghĩa: "Châm ngôn là lời nói khuôn phép cho mọi người bắt chước", là các phương châm xử thế thường là những câu ngắn gọn, dễ nhớ và dễ phổ biến, đôi khi có vần, ca dao tục ngữ Việt Nam cũng là kho tàng của châm ngôn.

Cách ngôn của Israel ngày xưa cũng thuộc loại văn như thế họ gọi là Mashal. Về hình thức văn học thì khởi đầu Cách ngôn của Israel là những câu ngắn gọn, về sau phát triển thành những câu thơ có hai hay nhiều vế, có hai ý nghịch nhau với dụng ý làm nổi bật điều muốn răn dạy (28,1). Cũng có thể là những câu dài có lý luận (30,20), có khi ở dạng câu đố (30,15) và câu ví (25,16). Có thể do những đặc tính này mà bản Vulgatha dịch là Parabolae Solomonis (1,1).

TÁC GIẢ VÀ THỜI GIAN SOẠN THẢO

Châm ngôn 1,1 viết: "Cách ngôn của Salomon, con của David, vua Israel". Sau này Salomon còn được nhắc đến hai lần nữa như tác giả của hai bộ sưu tập châm ngôn quan trọng nằm trong sách này (10,1; 25,1). Vậy có phải Salomon là tác giả của cả bộ sưu tập này không? Chắc chắn Salomon không phải là tác giả của cả 31 chương trong sách Châm ngôn, bởi trong đó còn có những lời của các nhà khôn ngoan không phải người Israel như A-gua, Lơ-mu-en (30,1; 31,1). Đàng khác, còn có những lời của các nhà khôn ngoan vô danh (22,17-24,34). Chúng ta cũng không chắc Salomon đã viết tất cả các châm ngôn ở các chương 10-12 và 25-29. Vậy, bởi đâu mà Salomon được truyền thống coi là tác giả sách Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca (1,1)? Sở dĩ truyền thống Do-thái và Kitô giáo gán sách Châm ngôn cho Salomon vì muốn chứng tỏ lòng hâm mộ ông vua được coi là rất mực khôn ngoan của Israel (1V3,16-28; 10,23) và là người sáng tác nhiều châm ngôn (1V 5,9-14). Mặc dù sự mô tả về sự tài giỏi của Salomon có phần qúa đáng, nhưng phải công nhận rằng ông thực sự là một vị vua khôn ngoan, ông đã xây cất Đền thờ, xin ơn khôn ngoan để trị nước (1V3,5-15), có thể dưới thời ông nền văn chương khôn ngoan ra đời. Lời giới thiệu còn xác định thêm: "Salomon con của David". Xác định này có ý cho biết rằng Salomon thuộc hoàng tộc David. Người Trung Đông cổ thời vẫn quan niệm đạo thánh hiền xuất phát từ nhà vua. Lời giới thiệu còn thêm: "Vua Israel" thực lại không phải là Giavê sao? Vì người làm vua cai trị Israel là cai trị nhân danh Giavê (21,1).

Như vậy, chúng ta có thể coi hai phần chính 10-12 và 25-29 là do Salomon soạn hoặc do các ký lục trong triều đình lấy cảm hứng từ ý nhà vua mà soạn ra, phần còn lại, ta có thể hiểu vua là soạn giả tinh thần.

Sách Châm ngôn "sưu tập những bộ sưu tập" rất khó xác định thời gian soạn thảo từng phần của sách này. Trước khi các châm ngôn được viết lại thì chúng đã phải trải qua giai đoạn truyền khẩu, sau đó trong gia đình, hay cộng đoàn xuất hiện những bộ sưu tập châm ngôn rồi dưới thời Salomon và các vị kế tiếp thì chúng được viết ra. Chín đoạn đầu có lẽ do một số ký lục biên soạn vào sau thời lưu đày. Từ đó ta có thể nói được rằng sưu tập hiện nay được hoàn thành quãng năm 480.

I- BỐ CỤC - NỘI DUNG

1. Bố cục

Bố cục của sách không có hệ thống chặt chẽ, sách gồm 9 sưu tập gộp lại (TOB/ 1514) tất cả đều xoay quanh 2 sưu tập chính 10-22,16 và 25-29. Sưu tập gồm các đoạn 10-22,16 được gọi là cách ngôn của Salomon. Sưu tập gồm các đoạn 25-29 được giới thiệu đây là những cách ngôn của Salomon do những người của Ezekia, vua Giuđa thu thập (25,1). Sưu tập một có thêm phần phụ lục "lời hằng khôn ngoan". Đó là sưu tập các lời hiền nhân vô danh xưa được truyền lại: (22,16-24). Hết sưu tập thứ hai thêm phần phụ lục lời của A-gua (30,1-14) và của Lơ-mu-en (31,1-9) là những vay mượn của ngoại quốc, trong đó dân Chúa nhận ra được mối thao thức của mình về sự công bình với người xung quanh (30,14-31...) Giữa hai sưu tập đó chen vào những châm ngôn được ghi bằng số (30,16-31) gọi là châm ngôn số vì được xây dựng theo lối tiến cấp số mà chúng ta gặp nơi Amos (1,3-2,6).

2. Nội dung

Dựa vào những tiểu đề, chủ đề và bố cục văn chương của sách chúng ta có thể chia làm chín sưu tập như sau.

1) Châm ngôn 1-9 nhập đề: mời gọi học lấy sự khôn ngoan

Là những lời giáo huấn của những bậc làm cha, thầy và của Đức khôn ngoan trong đó 1,1-7 là phần dẫn nhập tổng quát. Phần này nói lên dụng ý của sách là "để biết lẽ khôn ngoan và giáo dục" qua các cách ngôn và ẩn ngữ. Tiếp đó là lời cha dạy con về khôn ngoan (1,8) rồi chính sự khôn ngoan răn dạy (8,4) vì Đức khôn ngoan được coi gần như là một ngôi vị bên Thiên Chúa (8,22-34).

2) Chân ngôn 10,1-22,26: châm ngôn của Salomon-răn dạy cách sống

Gồm 376 câu răn dạy cách sống tốt, thấm nhiễm tinh thần đạo Chúa. Tên của Đức Chúa được nhắc tới luôn.

3) Châm ngôn 22,17-24: lời hiền nhân dạy cách cư xử

Là bộ sưu tập những lời của các nhà khôn ngoan. Theo các nhà chuyên môn thì Cn 22,17-23 giống với các điều dạy khôn trong tập Amen-em-ope của Ai-cập. Trong đó có khúc châm biếm người say rượu rất hóm hỉnh (23,29-35).

4) Châm ngôn 24,23-34 lời hiền nhân dạy cách cư xử

Là bộ sưu tập những lời khác của các nhà khôn ngoan, nêu lên bức tranh về người biếng nhác rất hay (24,30-34).

5) Châm ngôn 25,1-29,27, Châm ngôn của Salomon: răn đời

Đây là sưu tập thứ hai của Salomon gồm 127 câu do những người của Ezekia vua Giuđa thu tập, hình thức giống như sưu tập hai với những nhận xét rất thực tế về nhân tình thế thái, đôi khi châm biếm và khôi hài (người biếng nhác 19,24; 20,4; 22,13) người đàn bà hay cãi lộn (21,19; 27,15...) luân lý đơn giản: ăn ngay ở lành sẽ được thành công, sẽ được sống, còn kẻ làm điều ác sẽ dẫn tới diệt vong. Theo quan niệm của sách Châm ngôn cũng như sách Cựu ước thời xưa sự thưởng phạt đó xảy ra ngay ở đời này. Nhiều câu trong phần hai và phần 4 giống với tục ngữ ca dao Việt Nam. Riêng đoạn 25-27 vận dụng lối ví nhiều hơn như 26,20.

6) Châm ngôn 30,1-14 là lời của Agua: "Thiên Chúa khôn ngoan, loài người nhỏ bé"

Phần này là lời của Agua, một nhà khôn ngoan không phải là người Israel, diễn tả theo lối độc thoại. Nội dung gần giống như Gióp (40,4 và 42,2-6). Các câu 5-14 không thuộc loại văn dạy khôn vì gồm những câu tuyên tín (5-6), cầu khẩn (7-9), cảnh cáo (10), chúc dữ (11-14).

7) Châm ngôn 30,15-33 được gọi là "châm ngôn số"

Vừa là châm ngôn vừa là câu ví, câu đố. Đoạn này quan tâm đặc biệt đến điều kỳ diệu của vũ trụ và lối sống của thú vật.

8) Châm ngôn 31,1-9 là những lời của Lơ-mu-en răn dạy vua chúa, ông là một nhà khôn ngoan không phải người Israel

9) Châm ngôn 31,10-31 ca tụng người phụ nữ đảm đang

Phần này được gọi là thi khúc mẫu tự vì chữ đầu của mỗi câu là một mẫu tự Do-thái. Nội dung mô tả hình ảnh một người nội trợ nhân đức, gương mẫu: đảm đang công việc nhà cửa, biết giáo dục con cái, đầy lòng thương người và hết lòng kính sợ Chúa.

II- VĂN THỂ

Sách Châm ngôn không chỉ gồm những câu châm ngôn mà còn có những văn thể khác bằng tiếng Hipri mang ý nghĩa rộng hơn. Mashal là một văn thể lớn, nó có thể là một bài thơ, bài châm biếm như (Is 14,4-21) hay một dụ ngôn (Ed 17,2-8; 24,3-6), một lời sấm (Ds 23,7-10) hay một diễn từ dài (G 29,1-31,37) chứ không chỉ là một câu châm ngôn gồm hai vế. Sách Châm ngôn có nhiều văn thể, nhưng tất cả đều nằm trong văn thể Mashal này. Có những văn thể chính sau đây.

1. Châm ngôn

Chiếm phần lớn tác phẩm 10,1-22,16; 25,1-29,27 gồm những câu được viết thành hai vế, vế dưới có thể lặp ý của vế trên với một chút thay đổi (16,18...) nếu ý của vế hai ngược ý vế một, ta có song đối nghịch chuyển (10,4). Nếu hai vế không lặp lại và ngược ý nhau nhưng để tư tưởng vế trên đi xa hơn, ta có song đối tổng hợp (16,31). Các châm ngôn thường để ở ngôi thứ ba. Châm ngôn thường ngắn gọn và súc tích, dễ nhớ gắn liền với kinh nghiệm, diễn tả một chân lý phổ quát đã được dùng từ lâu nhằm mục đích răn dạy. Châm ngôn thường mang chất thơ, có vần điệu, hình ảnh sinh động.

2. Huấn dụ

Chương 1-9 có 7 huấn dụ, ngoài ra còn có những huấn dụ khác ở 22,17-24 và 31,1-9. Huấn dụ thường dài gồm những mệnh lệnh, cấm đoán, thường ở ngôi thứ hai. Trong thể văn này, người cha hay người thày thường kêu gọi người thụ giáo "này con!".

3. Các diễn từ của Đức khôn ngoan

Có ba bản văn 1,20-33; 8,1-36; 9,1-6 trong đó, khôn ngoan được nhân cách hóa thành một nhân vật đầy uy quyền.

4. Thi khúc mẫu tự

Châm ngôn 31,10-31 là một bài thi khúc mẫu tự trọn vẹn, gồm 22 câu. Mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái trong bộ mẫu tự Hipri.

III- CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH

1. Kính sợ Đức Chúa

Khi đọc sách Châm ngôn, ta thấy đây là một cẩm nang dạy người ta nghệ thuật để thành đạt trong cuộc sống. Sách này dạy các bạn trẻ sự khôn ngoan, giúp họ rút ra bài học từ kinh nghiệm qúa khứ để áp dụng cho hiện tại. Sách này tuy đụng đến nhiều vấn đề của đời thường và nhằm những mục tiêu thực tiễn nhưng đã nối kết sự khôn ngoan với lòng kính sợ Chúa (1,7; 9,10; 15,33). Khôn ngoan không chỉ là chuyện khôn khéo dựa trên kinh nghiệm nhưng là thái độ đạo đức đối với Chúa. Kính sợ nói lên sự tôn kính hơn là khiếp đảm. Kính sợ Chúa tóm kết lòng đạo đức của Israel, nó gồm cả lòng trung tín, mến yêu và vâng phục. Các châm ngôn trong bộ sưu tập của Salomon tuy mang sắc thái trần thế, nhưng vẫn đậm nét tôn giáo.

2. Khuôn mặt Đức Chúa

Trong các chương 10-22, cụm từ Đức Chúa xuất hiện nhiều lần. Ngài được coi như Đấng tạo thành con người: (14,31; 17,5...) kể cả người nghèo (14,31). Người hướng dẫn mọi bước đi của con người: (16,9; 20,24) và mắt Người thấy mọi tư tưởng, hành động của nó: (5,21; 15,3; 16,2). Người là Đấng thưởng phạt người lành kẻ dữ: (24,4; 24,12).

3. Nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan

Ngay trong chương đầu 1,20-33, theo một số nhà chú giải, khôn ngoan được  mô tả như một phụ nữ đi tìm môn đệ trong thành. Bà này tương phản với bà thứ hai - khờ dại (9,13). Cả hai cố lôi kéo con người vào đường của mình. Có lẽ đây là lối nhân cách hóa thường thấy trong thơ Hipri (Is 52,9; Tv 98,8).

Châm ngôn 8,1-22. 32-36 là một lối nhân cách hóa, nhưng 8,22-31 rất bí ẩn. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, nhưng Bà Khôn Ngoan cho rằng mình có dự phần vào công trình sáng tạo đó (8,30). Nếu chỉ là nhân cách hóa một thuộc tính thần linh, thì không có vấn đề; bởi lòng nhân hậu, chân lý, công lý của Thiên Chúa cũng được nhân cách hóa như vậy (x. Tv 85,10-14). Nhưng ở đây khôn ngoan được coi như biệt lập với Đấng tạo hóa (8,22). Đây không còn là nhân cách hóa mà là ngôi vị hóa một thuộc tính thần linh. Khôn ngoan được mô tả như một thụ tạo có đời sống riêng, hiện hữu trước mọi thụ tạo, có hoạt động vượt qúa thời gian và không gian. Khuôn mặt Bà Khôn Ngoan ở đây có thể bắt nguồn từ vị nữ thần khôn ngoan mà cha ông của Israel xưa đã tin. Dù sao Bà này không còn được coi như một nữ thần nữa, mà tượng trưng cho sự khôn ngoan huyền diệu đang chi phối vũ trụ. Ta không nắm bắt được vì nó thuộc về Thiên Chúa.

4. Sống đạo đức

Sách Châm ngôn nhắm mục đích khuyên người ta sống đạo đức. Nó nhằm vào từng cá nhân hơn tập thể. Người khôn ngoan không phải chỉ là con người trí tuệ nhưng là con người đức hạnh vì đức hạnh thì dẫn tới hạnh phúc (10-13). Nêu cao sự tự chủ cá nhân, đặc biệt trong lời nói: (14,23; 16,24...) cảnh giác trước cám dỗ của phụ nữ: (2,16-19; 6,20-35), tôn trọng người nghèo: (14,31; 22,2), giúp người cô thế: (21,13), tránh sự làm biếng (6,6-11), rượu chè (23,20-21.29), thảo kính cha mẹ (1,8; 6,20; 30,17).

IV- SỨ ĐIỆP

Với các tác giả sách Châm ngôn, thế giới loài người được chia làm hai khối: những người khôn ngoan và những kẻ khờ dại. Có một hạng người ở giữa, đó là những người mộc mạc thiếu kinh nghiệm, nên có thể ảnh hưởng một trong hai khối trên, sự khôn ngoan đối lại với sự ngu ngốc chứ không đối lại với dốt nát. Người khéo léo, có văn hóa cũng có thể là một kẻ ngu ngốc nếu không nắm được ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Người khôn ngoan không nên mất thời giờ để hoán cải những kẻ ngu đần mà nên trở về với những kẻ khôn ngoan khác hay với những người chất phác.

Sách Châm ngôn cũng lưu ý tới cách xử thế: tự chủ trong ăn uống, nói năng, thành đạt trong công việc, trung thành trong hôn nhân, sống công bằng, vô tư, sống đức tin. Cuối cùng sách Châm ngôn cho biết nền tảng của sự khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa (1,7). Qua đó cho thấy nền văn chương khôn ngoan của Israel nối tiếp truyền thống ngôn sứ và tư tế ( x. Gr 9,22-23).

Các hiền nhân bảo đảm rằng: hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi người tùy thuộc vào lòng trung thành với luật của Đức Chúa mà ta thường gặp trong giáo thuyết của khối lịch sử theo Đệ Nhị Luật về sự thưởng phạt.

V- GIÁO HUẤN

Sách Châm ngôn nói đến nhiều phương châm xử thế và lãnh đạo, là thành quả của bao thế hệ thánh hiền đã để tâm suy nghĩ về kinh nghiệm sống hằng ngày của kẻ tin thờ Chúa. Sách là một chứng từ quả quyết: đời sống thường nhật không xa lạ với lòng tin thờ Chúa. Hơn thế, chính tin thờ Chúa mà người tín hữu đem lại một giá trị vĩnh cửu cho cuộc sống tầm thường hằng ngày. Sách quả quyết Chúa sẽ thưởng cho những người ăn ngay ở lành và luận phạt những ai sống bất lương.

Vì thế, lẽ khôn ngoan thật của chúng ta là lòng kính sợ Chúa (1,7). Theo Thánh kinh từ ngữ đó có nghĩa là lòng đạo đức sốt sáng, nhiệt tình với Chúa. Đừng quên câu đầu sách đã giới thiệu "cách ngôn của Salomon, con của David". Câu này ngụ ý rằng nội dung sách do một tín đồ nhiệt tình với đạo Chúa răn dạy cách sống, cách lãnh đạo, không phải theo thói khôn ngoan của người đời, nhưng theo lẽ khôn ngoan của người sống có kết ước với Thiên Chúa. Dạy khôn là dạy cho biết "Kính sợ Giavê" (15,16).

Danh Giavê được nhắc tới 70 lần trong sách này. Đây là đạo lý truyền thống của các sách: Lêvi, Thứ luật, Tiên tri, Thánh vịnh. Sau này thánh Phaolô đã khai triển đạo lý đó đối chiếu với Chúa Kitô: "Tôi đã rao giảng Tin mừng không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không trống rỗng" (1Cr 1,17). Vì thế "Phàm điều gì anh em làm, ngôn hành bất luận, mọi sự hết thảy, hãy làm vì Danh Chúa Giêsu, và nhờ Người, hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha" (Cl 3,17).

Hai ngả đường "sự sống và sự lành, sự dữ và sự chết" (Đnl 30,15) là chủ đề được sách Châm ngôn phát biểu dưới hình ảnh cây sự sống (13,12) và nguồn sự sống (13,14) ở vườn địa đàng. Lẽ khôn ngoan như vậy được dạy cho hết mọi người kể cả người ngây dại, người trẻ tuổi, kẻ nhạo báng (1,4.22). Các lẽ khôn ngoan đó hàm chứa trong các sách giáo huấn ám chỉ đến "Mười Lời" của Giao ước Sinai. Sách kêu gọi chớ quên lời Ta dạy bảo, hãy đeo chúng nơi cổ, viết chúng trong lòng con (3,1.3).

Đọc sách Châm ngôn ta thấy những lời giáo huấn ở đây có vẻ thấp so với giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng cũng đừng quên rằng tôn giáo đích thực bao giờ cũng được triển khai dựa trên đời sống lương thiện, nhân bản. Đã có những châm ngôn báo trước luân lý của Tin mừng (14,31; 15,8; 20,22...) Mời gọi ta làm điều tốt vì yêu tha nhân. Tân ước trích dẫn Châm ngôn 14 lần và nhiều lần lấy lại tư tưởng hoặc nội dung dù không trích dẫn trực tiếp. Đức Giêsu được gọi là sự khôn ngoan của của Thiên Chúa (1Cr 1,24); Người khôn ngoan hơn cả Salomon (Lc 11,31). Trong các chương 11-22 cụm từ Đức Chúa xuất hiện nhiều. Đức Chúa được coi như Đấng tạo thành con người (14,31; 17,5; 20,12). Người hướng dẫn mọi bước đi của con người (16,9; 20,24); mắt Người thấu suốt mọi tư tưởng, hành động của nó (5,21; 16,2). Người cũng là Đấng thưởng phạt người lành kẻ dữ nơi trần gian (22,4; 24,12). Người lành được hạnh phúc, mạnh khoẻ... kẻ dữ sẽ bị phạt. Sách Châm ngôn chưa có được quan niệm về sự thưởng phạt đời sau, chưa tin vào sự phục sinh của người chết như Đn 13,2. Đó là một thiếu sót vì mạc khải của Cựu ước còn phải qua nhiều giai đoạn tiệm tiến trước khi tới chỗ hoàn toàn và sáng tỏ trong Tân ước. Vì thế luân lý của Châm ngôn cần phải được bổ túc qua mạc khải Tân ước.

VI- CHÂM NGÔN VỚI CHÚNG TA NGÀY NAY

Sách Châm ngôn dựa vào sự kính sợ Thiên Chúa và ý muốn của Ngài để kêu gọi người ta biết tự chủ và tiết độ. Luân lý này nhằm củng cố sự hòa thuận trong gia đình, ngoài xã hội, với mục đích làm cho con người sống hạnh phúc. Những đức tính mà sách Châm ngôn đề cao nhiều khi chưa mang đậm nét tôn giáo như: chăm chỉ, lịch sự, ngay thẳng... nhưng có thể giúp người Kitô hữu đặt một căn bản tự nhiên vững chắc, là một cách sống hợp với phẩm giá con người, để có thể đón nhận chân lý và xây dựng tòa nhà siêu nhiên. Nếu thiếu nền tảng tự nhiên thì cái siêu nhiên tựa như lớp sơn lâu ngày dễ bong vậy.

Cuộc sống thực tế rất phức tạp và bất ngờ. Ta có thể thấy cái nhìn của Châm ngôn có vẻ ngây thơ và tĩnh. Nhưng đừng quên các châm ngôn không có ý nói hết mọi sự, mà chỉ phản ánh một mảng đời. Châm ngôn còn là những suy tư về kinh nghiệm, giúp ta biết khôn khéo để ứng xử trong từng hoàn cảnh. Đây không phải là những chỉ thị phải tuân giữ cho bằng là những ví dụ để học hỏi. Người Kitô hữu chúng ta hôm nay vẫn có thể tìm thấy trong sách Châm ngôn nhiều điều hữu ích cho cuộc sống đức tin của mình.

VII- KẾT LUẬN

Qua việc giới thiệu ở trên ta thấy sự đóng góp quan trọng cho quyển sách là tập sách nhỏ của chương 1-9 và phần kết 31,10-31. Chúng ta gặp được trong đó những giáo huấn của một bậc thày với một môn sinh mà ông gọi là con (1,8). Các lời răn bảo đó nhằm tránh cho môn sinh khỏi rơi vào đời sống trụy lạc, mời gọi anh em sống trung thành với nền giáo dục đã lãnh nhận và yêu mến tha nhân (3,27-33). Lặp đi lặp lại nhiều lần các lời dạy dỗ đó thúc đẩy môn sinh chống lại cám dỗ ngoại tình và coi chừng vợ của người khác (2,16-19; 5,1-23; 6,20-35). Sự nhấn mạnh đó cho thấy bầu khí đạo đức mà Malakia (2,1.4-16) cũng có phản ứng chống lại. Đây cũng là cơ hội để tác giả ca ngợi cái đẹp của tình yêu phu phụ (5,15-19) với những cung giọng đã gợi lên tư tưởng của Diễm ca.

Lẫn trong các giáo huấn đó có những đoạn văn trong đó Đấng khôn ngoan nói với loài người (1,20-33; 9,1-6...) Nhưng sự khôn ngoan được nhân cách hóa đó là ai? Từ đâu những suy tư của mình con người thấy rằng có qui luật điều khiển vũ trụ, cách cư xử của con người, các kỹ thuật lao động. Từ đó rút ra rằng: có một trật tự nào đó điều khiển thế giới, thế giới không phải một thứ hỗn mang không đọc được ý nghĩa nhưng có một ý nghĩa. Khám phá trật tự đó, ý nghĩa đó là tạo cho mình cơ may tốt để thành công trong lao động, trong gia đình và việc cai trị quốc gia. Đó là một người khôn ngoan, là khôn ngoan. Dân Israel chia sẻ ý tưởng đó với các dân tộc lân bang. Nhưng để trả lời câu hỏi sự khôn ngoan từ đâu đến, do đâu mà cuộc sống con người và của vũ trụ có một ý nghĩa? Dân Israel trả lời: Từ Đức Chúa mà có. Trước khi bắt đầu công trình sáng tạo, Đức Chúa đã "sinh ra" sự khôn ngoan, điều đó mang lại ý nghĩa cho vũ trụ thụ tạo, bảo đảm cái đẹp và sự hài hòa của vũ trụ (8,22-31). Như vậy sự khôn ngoan kia là một ngôn ngữ phổ quát mọi người có thể hiểu sứ điệp ngay lúc con ngưới đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình và của thế giới (1,20-23; 8,1-21; 9,1-6).

Sách Châm ngôn còn cho chúng ta cái nhìn lạc quan về cuộc sống, cái nhìn ấy có được là nhờ xác tín rằng vũ trụ có trật tự và nhờ ơn Chúa ta có thể sống theo trật tự đã an bài để được an bình và hạnh phúc.

Sách Châm ngôn cho con cái nhìn toàn cục về những đức tính tự nhiên cần phải có trong đời sống thường ngày như: tránh sự tà dâm, ngoại tình (2,16-22; 6,24-35), biết sống khiêm tốn (27,2; 3,5-7), tránh rượu chè, lười biếng... để từ đó có thể xây dựng những đức tính siêu nhiên: ly thoát của cải (10,2; 14,4...), biết tìm kiếm sự khôn ngoan và thánh thiện.

 

 

 

Media