Monday, 06 January 2020 13:38

Lịch Sử Hình Thành Thần Học Thiên Chúa Ba Ngôi Featured

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hỷ


I. GIỚI THIỆU

“Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”

“Ðức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (Giáo lý Công Giáo, số 266).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nền tảng căn bản đức tin Kitô giáo. Tất cả mọi tín lý đều từ đó mà ra, và tất cả rồi sẽ quy tụ về mầu nhiệm căn bản này.

Chúng ta tuyên xưng “Tôi Tin Một Chúa, Ba Ngôi, Đồng Bản Thể v.v….” như trong Kinh Tin Kính ta đọc hằng tuần, nhưng tín điều này hình thành thế nào? Và được Kitô hữu đón nhận thế nào?

Điều quan trọng nữa là trước khi vào bài viết, tôi xin phân biệt danh từ mà người Việt chúng ta thường bị lầm lẫn khi dùng danh xưng “Thiên Chúa” và “Chúa” trong lời cầu nguyện hay trong câu chuyện hằng ngày. Khi nói đến Thiên Chúa (Deus/ God/ Dieu/Dios), chúng ta nói đến Một Thiên Chúa Đấng làm chủ muôn loài, muôn vật. Từ này được dịch từ Elohim (Do thái) và Theos (Hi Lạp). Còn khi ta dùng từ “Chúa” (Dominus/ Lord/ Seigneur/Senor) như “Chúa Giêsu Kitô” là dịch từ Adonai (Do thái) hay Kurios (Hy Lạp). Từ này có nghĩa là: một ông/bà chủ/ một bậc thầy/ một bậc chúa (như ta nói đến chúa Trịnh, chúa Nguyễn trong lịch sử nước ta.)

Người Do thái không dám kêu tên Thiên Chúa (Giavê), nên họ dùng từ Adonai/Chúa chỉ chức vị mà nói đến Thiên Chúa. Vì thế, trong bài viết, cần phân biệt rằng khi thánh Phaolo viết: Chúa Giêsu Kitô (Lord Jesus Christ/ Dominus Iesus Christus), Ngài không có ý tuyên dương Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mà chỉ nói lên một ngôi vị được kính trọng mà thôi. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng niềm tin này không hẳn có ngay từ đầu với các Kitô hữu sơ khai, kể cả các tông đồ, mà có thời gian dài để chính niềm tin này được thử thách và tôi luyện trước khi được Giáo Hội công nhận.
 

II. BỐI CẢNH SAU KHI ĐỨC GIÊSU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI


Vậy những Kitô hữu đầu tiên nghĩ Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ: “người ta gọi Con người là ai?... và các con gọi Ta là ai?” được Phêrô trả lời nói lên cái nhìn của Kitô hữu đối với Chúa Giêsu trong thời kỳ đầu Giáo Hội “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mat 16:16)

Nói cách khác, những Kitô hữu đầu tiên tin Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến, tin rằng Ngài có những căn tính và phẩm chất vượt trên con người và cả thiên thần, tin rằng Thiên Chúa ưu đãi và ngay cả chọn Đức Giêsu để mặc khải ý định Thiên Chúa cho con người. Tuy vậy, họ chưa dám tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vì họ tin chỉ có Một Thiên Chúa mà thôi. Nếu tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, liệu họ có bị lạc giáo vì tin có Hai Thiên Chúa không?

Các tông đồ và những Kitô hữu đầu tiên là những tín đồ Do Thái giáo, họ tiếp xúc với Cựu Ước và luật Môisê, và họ tin chỉ có Một Thiên Chúa là Vua của mọi loài tạo vật. Dù đi theo Đức Giêsu Kitô, họ tiếp tục xây dựng đức tin mình dựa trên cơ sở Độc Thần (monotheism) mà Thiên Chúa trong Cựu Ước đã nhiều lần cảnh cáo và ngay cả trừng phạt khi dân Israel bỏ Yahweh đi thờ tà thần: “Chúng tôi biết rằng…. chỉ có một Thiên Chúa và không ai khác” (xem Exod 20:3; Isa 45:5; 1 Cor 8:4; Acts 17:24-29). Hơn nữa, họ biết rằng chính Chúa Giêsu cũng thờ phượng và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Giavê, cũng giữ luật (như rửa tay, ngày Sabat…) và mừng các lễ (Vượt Qua…) theo phép Đạo Do Thái.

Dù thánh Phaolô rao giảng nhiều về tin mừng và con người Chúa Giêsu, Ngài không bao giờ tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa (Deus), mà chỉ nói đến là Chúa (Kyrios) mà thôi. Trong ba tin mừng Nhất Lãm (Matthêu, Macô, Luca) cũng không hề nói đến Chúa Giêsu là Thiên Chúa,[1] mà chỉ nói Ngài là “Con Thiên Chúa” mà thôi.[2] Chỉ có phần cuối tin mừng Gioan có lời tuyên xưng của Tôma khi Chúa Giêsu hiện ra với các ông sau khi Ngài sống lại và cho phép ông xỏ tay vào dấu đanh, ông đáp: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Jn 20:28). Các nhà Kinh thánh tin rằng vào cuối thế kỷ đầu tiên (tin mừng Gioan được viết trong thời gian này), cộng đoàn Kitô hữu bắt đầu tuyên xưng “Chúa Giêsu là Thiên Chúa” trong những nghi thức phụng vụ. Dù tuyên xưng như thế, nhưng việc hiểu nội dung của lời tuyên xưng cần nhiều thời gian để tìm hiểu và tranh luận.

Vậy đầu thế kỷ thứ 2, Giáo Hội đã công nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa chưa? Đã có những giáo huấn rõ rệt về căn tính và con người Đức Giêsu chưa? Câu trả lời sẽ không rõ ràng và dễ dàng như ta nghĩ.

III. NHỮNG TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN THỦA BAN ĐẦU

Ta nhận ra cảm nghiệm của Kitô hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi khi đọc thấy những lời tuyên xưng đức tin trong đời sống phụng vụ của họ.

Thánh Phaolô viết: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.”(Gal 1:3)[3] Với dân Thessalonica: “Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa chúng ta là Đức Giêsu san phẳng con đường dẫn chúng tôi đến với anh em.” (1Thes 3:11).[4] Trong thư gởi Êphêsô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí… một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Eph 4:4-6).

Và “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.” (1 Cor 12:4-6).

Và khi Phêrô nói với dân trong ngày lễ Ngũ Tuần: “Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Acts 2:36).

Thư gởi tín hữu Do Thái nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Heb 1:1-3). Đây là lời tuyên xưng Đức Kitô được Thiên Chúa chọn lựa để rao giảng ý định Thiên Chúa.

Rõ nhất và ngắn nhất là công thức trong phụng vụ mà ta vẫn dùng ngày nay: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cor 13:13).[5]

IV. CÁC GIÁO PHỤ SAU THỜI TÔNG ĐỒ

Dù tin chỉ có Một Thiên Chúa (độc thần), nhưng các giáo phụ (khoảng năm 90–140) bắt đầu tìm cách cắt nghĩa về những câu hỏi nhắm đến Chúa Giêsu Kitô: Ngài là ai? Là Thiên Chúa hay con người? Hay cả hai?

Để cắt nghĩa những câu hỏi này, các giáo phụ bắt đầu tìm hiểu về nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu Kitô.

Từ đầu thế kỷ 2, nhiều thần học gia thuộc nhóm Hộ Giáo (apologia) bắt đầu cắt nghĩa thần học để giải đáp những thắc mắc của Kitô hữu.

Đọc tin mừng Gioan, ta thấy: “Lúc khởi đầu đã có Logos (Ngôi Lời). Logos (Ngôi Lời) vẫn hướng về Thiên Chúa, và Logos (Ngôi Lời) là Thiên Chúa.” (Jn 1:1).[6]

Justin Martyr (khoảng năm 100-165), và học trò là Tatian (110-180), ông Theophilus thành Antiokia (chết khoảng 180-185), Athenagoras (cuối thế kỷ 2), và nhiều người khác đã khai thác triết học Hi Lạp đương thời để cắt nghĩa thần học Kitô giáo. Họ là nhóm đầu tiên được xem là những thần học gia cắt nghĩa Chúa Ba Ngôi cách có hệ thống.

Theo nhóm này, Logos của Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài xuất hiện cách kín đáo trong Cựu Ước.[7] Khi đọc sách Châm Ngôn, Justin cho là Thiên Chúa sai Ngôi Lời đến với mục đích tạo dựng vũ trụ: “ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.” (Châm ngôn 8:22).

Chính Logos này giờ đây xuống thế làm người, như được trình bày trong tin mừng Gioan. Nhưng so sánh với Chúa Cha, Justin cho là Logos đứng “hạng hai” và Thần Khí thì “hạng ba”. Nghĩa là chỉ có Một Thiên Chúa, còn Logos và Thần Khí không đồng hạng được.[8]

Nói tóm, Justin và những giáo phụ đầu tiên này tìm cách cắt nghĩa Logos trong chức năng tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, nhưng luôn giữ vững lý luận rằng Chúa Cha là nguồn gốc, là khởi đầu mọi sự.

Một người khác có công đóng góp rất nhiều cho thần học Chúa Ba Ngôi thời sơ khai là Tertullian (150–225). Ông là người đầu tiên dùng danh từ Chúa Ba Ngôi (Latin: trinitas), và những danh từ “bản thể -substantia , ngôi vị- persona” khi cắt nghĩa mầu nhiệm này. Chính ông là người đầu tiên nhấn mạnh rằng Ba Ngôi cùng Bản Thể (Latin: una substantia et tres personae). Nhưng để cắt nghĩa thế nào mà Ba Ngôi chỉ có Một Thiên Chúa, Tertullian cho là mầu nhiệm này hiện hữu với mục đích mặc khải cho con người mà thôi, nghĩa là, vì mục đích tạo dựng và cứu chuộc nên Ba Ngôi đã tỏ cho loài người biết như mình đang tìm hiểu.

Ông phân biệt Nội tại và Nhiệm cục trong Ba Ngôi. “Nội tại- theologia” là sự sống, hoạt động, bản thể, căn tính v.v… của Ba Ngôi mà loài người hoàn toàn không thể nào biết được. “Nhiệm cục- Oikonomia” là những gì Ba Ngôi tỏ ra cho con người hiểu như Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con xuống thế cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hoá con người v.v… Rồi đây, theo ông, cuối cùng thì Nhiệm cục- Oikonomia sẽ chấm dứt để trở lại Nội tại- theologia của Một Thiên Chúa mà thôi.

Với căn bản thần học của những giáo phụ trên đây (và còn rất nhiều những tư tưởng của các vị đương thời), một số những thần học gia đã có những cắt nghiã sai lạc trong khi tìm hiểu, đem lại những lạc thuyết trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết một vài lạc thuyết căn bản để hiểu Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Vì là con người, nếu chúng ta không đủ khả năng để hiểu Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là GÌ, thì ít nhất, qua các lạc thuyết bị lên án, chúng ta hiểu được Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi KHÔNG là GÌ.

V. NHỮNG LẠC THUYẾT

Để tìm cách giữ vững tín điều chỉ có Một Thiên Chúa, một vài những lạc thuyết phổ biến lúc bấy giờ:

Thuyết Phụ Thuộc (hay Thứ Vị Luận - subordinationism): cho là Chúa Con và Chúa Thánh Thần phụ thuộc và Chúa Cha cả bản tính và sự hiện hữu. Nghĩa là, về phẩm trật, Chúa Cha trên Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Về hoạt động hay hiện hữu, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoàn toàn lệ thuộc vào Cha. Thuyết này từ chối Ba Ngôi bằng nhau.

Thuyết Nhất Ngôi Nhất Thể Luận (Monarchianism) cho rằng chỉ cỏ một Thiên Chúa, một Bản Thể, một Ngôi vị không chia sẻ cho ai (tiếng Hi lạp: monos = một; archein = cai quản, thống trị). Lạc thuyết này rõ ràng từ chối thiên tính trong Chúa Giêsu, vì theo họ, Thiên Chúa không chia sẻ với ai. Họ cũng lý luận: nếu ai công nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì khi Đức Giêsu chết trên thánh giá, Thiên Chúa cũng phải đau khổ và chết. Những người theo nhóm này có có tên là Patripassionism, nghiã là “Chúa Cha Chịu Đau Khổ” (Patri- Cha; passion-đau khổ)

Thuyết Thừa Tự (Adoptionism) cho rằng Đức Giêsu Kitô tự bản chất không là Thiên Chúa, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng, và cho làm con Thiên Chúa, nghĩa là được chọn làm thừa tự. Chủ thuyết này căn cứ vào tin mừng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và được Thiên Chúa Cha công nhận: “Con là con yêu dấu Cha, Cha hài long về con” (Mk 1:9). Lạc thuyết này từ chối Chúa Giêsu LÀ Thiên Chúa từ đời đời, vì Ngài chỉ TRỞ NÊN Thiên Chúa khi Chúa Cha cho phép mà thôi..

Thuyết Hình Thái Luận hay Mô Thức Luận (Modalism) cho là chỉ có Một Thiên Chúa nhưng Ngài có 3 bộ mặt hay hình thức biến thái khác nhau. Từ khởi đầu, Thiên Chúa Cha là đấng tạo dựng vũ trụ. Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa mang hình hài Chúa Con. Sau khi lên trời, Thiên Chúa mang hình dạng Chúa Thánh Thần. Đây có thể là lạc thuyết phổ biến nhất lúc bấy giờ. Thuyết này từ chối Ba Ngôi Vị riêng biệt.

VI. ARIUS VÀ NHỮNG TRANH CÃI THẦN HỌC CHÚA BA NGÔI

Nếu chỉ có một Thiên Chúa, vậy Đức Giêsu Kitô là ai? Là con người hay Thiên Chúa? Rồi Chúa Thánh Thần là ai?

Tất cả những câu hỏi này khởi đầu cho những tranh cãi thần học, giúp làm sáng tỏ những ngộ nhận và khai thông những hiểu biết về đức tin Kitô giáo.

Arius là người đóng vai trò quan trọng khi những tranh cãi thần học xoay quanh lạc thuyết do ông chủ trương, và dĩ nhiên sau này bị Giáo Hội lên án. Tranh cãi bắt đầu khi Arius, một linh mục ở Alexandria, Ai cập (khoảng 256–336), dạy rằng: Đức Giêsu Kitô là con Thiên Chúa, nhưng Ngài là một tạo vật, được Thiên Chúa dựng nên và cho làm nghiã tử. Vì thế, ông kết luận: “có một thời kỳ, người con (Đức Giêsu) đã không có mặt” (ý muốn nói, Chúa Giêsu được tạo dựng, vì thế, trước khi tạo dựng, Chúa Giêsu đã không có hiện hữu; như vậy, Ngài không có hiện diện từ đời đời).

Ông bị giám mục Alexander của thành Alexandria (chết năm 326), họp hội đồng giám mục địa phương năm 321 lên án, cấm ông dạy lạc thuyết này, và ra vạ tuyệt thông cho ông. Arius khiếu nại lên với các giám mục khác, và được giám mục Eusebius thành Nicomedia ủng hộ. Vì thế, Arius tiếp tục giảng dạy. Hơn nữa, thuyết của ông hấp dẫn rất nhiều Kitô hữu bấy giờ vì nó hợp với Kinh thánh , dễ hiểu, bảo vệ được đức tin Độc Thần (Một Chúa), và tránh Đa Thần (nhiều Chúa).[9]

Người chống đối Arius mạnh mẽ nhất là giám mục Athanasius (276-373), với lập luận rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, và Ngài đã có mặt từ đời đời, không thể nào chấp nhận là “đã có lúc không có Đức Giêsu.”

Tranh cãi trầm trọng đến độ đem lại chia rẽ trong Giáo Hội, và đe doạ sự hợp nhất của đế quốc Roma. Đại đế Constantine (280-337) , sau khi nắm quyền cai trị toàn đế quốc Roma (ở phương Tây) và hợp thức hoá Kitô giáo (năm 313), ông thấy cần bảo vệ sự hợp nhất trong đế quốc. Dù không quan tâm lắm đến vấn đề thần học, Constantine triệu tập công đồng chung Nicea (năm 325) với chừng 300 giám mục (1/6 tổng số bấy giờ) tham dự với hy vọng là nếu Công đồng chung ra quyết định, tất cả các giám mục buộc phải tuân theo. Như thế, trật tự xã hội được bảo đảm. Để chắc chắn thành công, đại đế Constantine áp lực và có khi kỷ luật cho những giám mục không ký vào bản tuyên xưng mới, và có vị còn bị lưu đày.

Thành phần tham dự Công đồng có ba nhóm: một thiểu số theo Arius, một thiểu số theo Athanasius, và đa số không thực sự hiểu những phức tạp của nội dung tranh cãi, nhưng chỉ muốn được bình an.

Khi Công đồng Nicea kết thúc với những xác định cụ thể về tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con (Logos): “Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha (homoousios), nghĩa là “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy” chứ không phải là hai bản tính tương tự giống nhau,[10] và Chúa Con được sinh ra nhưng không phải được tạo thành, và Ngài có từ trước đời đời…”[11] ; “hai Ngôi vị khác biệt, không chia nhau một thần tính duy nhất nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn[12] .Công đồng cũng lên án lạc thuyết Arius đang rất phổ biến thời bấy giờ, và kèm theo kỷ luật vạ tuyệt thông cho những ai không chấp nhận giáo huấn hay chống lại lời dạy của công đồng.

Nên biết rằng những giáo huấn của Công đồng không nhằm mục đích định nghĩa căn tính của Thiên Chúa, căn tính của Chúa Giêsu Kitô hay giải thích những căn tính này, nhưng chỉ với mục đích là Tuyên Xưng Đức Tin, nghĩa là, đây là điều ta bắt buộc phải tuyên xưng, ngay cả khi ta không hiểu.

Những tuyên xưng này không chấm dứt nhưng tranh cãi trong Giáo Hội về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà tranh cãi vẫn tiếp tục để làm sáng tỏ vai trò Chúa Giêsu và vai trò Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong những Công đồng sau.

VII.  HOÀN CẢNH GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỒNG NICEA 325

Sau công đồng, các giám mục về lại địa phương mình. Họ tuyên xưng lời dạy của Giáo Hội về thiên tính Chúa Giêsu Kitô (đồng bản thể với Chúa Cha, được sinh ra mà không phải được tạo thành v.v…) nhưng không cắt nghĩa. Khi giáo dân thắc mắc về tín lý này, chính các giám mục cũng không thực sự hiểu nội dung tín điều này để giải thích thoả đáng.[13]

Vì thế, những diễn dịch về lời dạy của công đồng tiếp tục gây tranh cãi thần học. Hoàn cảnh lịch sử chính trị cũng góp phần không nhỏ cho những tranh cãi này kéo dài, rồi dẫn đến những công đồng cần thiết tiếp theo sau đó để giải quyết.

Ngay trong hàng giám mục, không phải tất cả đều đồng nhất với quyết định của công đồng. Marcellus, giám mục của Ancyra vẫn tiếp tục công khai ủng hộ lạc thuyết Hình Thái Luận Sabellianism (một Thiên Chúa nhưng đóng ba vai khác nhau).[14] Ba năm sau Nicea (năm 328), giám mục Eusebius thành Nicomedia đã xin hoàng đế Constantine xét lại phán quyết của Nicea và xin phép được dạy lạc thuyết của Arius. Hoàng đế Constantine cho phép Eusebius dạy lạc thuyết Arius mà không bị kỷ luật (như công đồng Nicea đe doạ).[15]  Rồi sau khi Constantine chết, con là Constantius II lên ngôi cai trị vùng Đông phương cũng tiếp tục cổ động cho lạc thuyết Arius.[16] Năm 335, một thượng hội đồng được nhóm họp tại Tyre dưới sự chủ toạ của Eusebius đã quyết định ủng hộ Arius, và đảo ngược lời dạy công đồng Nicea.

Nhưng giáo huấn của công đồng lúc nào cũng có những giám mục trung thành giảng dạy. Năm 328 giám mục Alexander của Alexandria (Ai Cập) chết, Athanasius được nhiều người tin tưởng chọn để thay thế.[17] Athanasius thuyết  phục rằng việc xác định Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha (homoousios) là tối cần thiết, vì nếu Chúa Giêsu không là Thiên Chúa thì loài người không thể có ơn cứu chuộc được, vì chỉ có Thiên Chúa mới đem lại được ơn cứu chuộc mà thôi.[18]

Tranh luận tại công đồng Nicea về bản tính Chúa Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng”, nhóm Arius cho là Đức Giêsu được Thiên Chúa chọn cho làm Thiên Chúa. Nghĩa là, tự căn tính Đức Giêsu không là Thiên Chúa, mà chỉ được vinh thăng lên hàng Thiên Chúa mà thôi. Athanasius biện luận rằng vì Chúa Giêsu tự bản tính là Thiên Chúa, nên công đồng, sau khi xác nhận thiên tính Chúa Giêsu đã thêm một dòng: “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, chứ không phải Thiên Chúa được vinh thăng như lạc giáo Arius tuyên truyền.[19]

VIII.  CÁC THẦN HỌC GIA VỚI THẦN HỌC CHÚA THÁNH THẦN

Nếu công đồng Nicea đã giải quyết những câu hỏi về thiên tính Chúa Giêsu Kitô, thì nhiều câu hỏi về Chúa Thánh Thần, nhất là từ sau năm 360, đã gây tranh cãi gay cấn trong Giáo Hội. Trong Nicaea, đề tài về Chúa Thánh Thần không được bàn luận nhiều, và nếu được nhắc đến chỉ vì có tương quan với Chúa Con trong những thảo luận mà thôi.[20] Thật ra trong phụng vụ, giáo dân vẫn tuyên xưng Chúa Ba Ngôi qua công thức phép thanh tẩy (làm phép rửa nhân danh Cha-Con-Thánh Thần), nhưng thần học Chúa Thánh Thần chưa được quan tâm đúng mức. Khi cầu nguyện, Kitô hữu có thói quen cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha hay Chúa Giêsu Kitô mà không cầu nguyện trực tiếp với Chúa Thánh Thần, hay đúng hơn họ cầu nguyện TRONG và QUA Chúa Thánh Thần mà thôi.

Vì thế, nhóm Phản Thánh Thần (Pneumatomachian) rao giảng rằng Thánh Thần không là Thiên Chúa mà chỉ là tạo vật, và Thiên Chúa mặc khải qua Thánh Thần như Ngài dùng thiên thần hay tiên tri trong Cựu Ước, và ngay cả Thánh Thần trong Cựu Ước khác với Thánh Thần trong Tân Ước.[21]

Để bênh vực cho thần học Chúa Thánh Thần, một số những người đáng được chú ý trong lịch sử là thánh Athanasius,[22] các giáo phụ vùng Cappadocian như thánh Basil thành Caesarea (330-379), em trai ngài là thánh Gregory thành Nyssa (330-395), và thánh Gregory thành Nazianzus (329-389).[23]

Athanasius dùng cùng phương thức suy luận “Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha” khi áp dụng với Chúa Thánh Thần và bảo vệ lý luận Ba Ngôi bằng nhau.[24] Đồng lòng với Athanasius, Basil tranh luận rằng Chúa Thánh Thần phải được tôn vinh và thờ phượng như Chúa Cha và Con.[25] Gregory thành Nyssa nhấn mạnh đến Một Bản Thể của Ba Ngôi Vị, và Gregory thành Nazianzus cùng với Cyril thành Alexandria nói đến Chúa Thánh Thần đồng bản thể với Chúa Cha, như trường hợp Chúa Con.[26]  Các giáo phụ Cappadonian đã giúp giải thích cội nguồn và tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha là cội nguồn, Chúa Con sinh ra từ Cha, và Chúa Thánh Thần thì từ Cha mà ra.[27]

IX.  CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE ĐƯỢC TRIỆU TẬP 381

Sau khi đại đế Constantine I chết (năm 337), đế quốc Roma chia ra làm 2 miền: Tây phương và Đông phương. Thời Valens (328-378), ông cai trị Đông phương, và người anh là Valentinian (321-375) cai trị Tây phương. Ở Đông phương, Valens ủng hộ lạc thuyết Arius. Những giám mục trong vùng Đông phương tin theo phán quyết của công đồng Nicea thì bị ông đuổi khỏi giáo phận, và nhà thờ được giao cho những nhóm theo lạc thuyết Arius.

Khi Valens chết (378), Theodosius I (một người ở bên vùng phương Tây) lên thay và đảo ngược những quyết định của Valens. Trong sắc lệnh tháng 2 năm 380, Theodosius I ra lệnh phải dạy những giáo huấn của công đồng Nicea, và những ai không chấp nhận “một thiên tính của Cha, Con, Thánh Thần, và ba ngôi vị bằng nhau” bị coi là Lạc Giáo, và nếu là giáo sĩ thì bị kỷ luật, có khi bị đi đày.[28]

Theodosius I muốn củng cố địa vị chính trị của mình, và hàn gắn những chia rẽ trong đế quốc, ông triệu tập công đồng Constantinople năm 381 vì hai lý do khẩn cấp: một là tình trạng chia rẽ trầm trọng của đế quốc bị đe dạo bởi những lạc giáo khi nhiều giám mục vùng Đông phương vẫn còn ủng hộ Arius, hai là nhóm lạc giáo Phản Thánh Thần nổi lên rất mạnh và lôi kéo nhiều người khiến Giáo Hội cần phải có câu trả lời rõ ràng về vai trò Chúa Thánh Thần.[29]

Theodosius I triệu tập công đồng Constantinople (381)[30] có 186 giám mục tham dự, nhưng 36 người bị coi là “lạc giáo” vì ủng hộ lạc thuyết Arius, còn lại 150 người đồng nhất lên án lạc thuyết Arius để bênh vực Chúa Con đồng bản thể Chúa Cha, lên án Apollinarianism để bênh vực Chúa Giêsu có đầy đủ bản tính con người (con người thật), và lên án nhóm Phản Thánh Thần để bênh vực thần tính của Chúa Thánh Thần.

Công đồng Constantinople tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha mà ra, Người được thờ phượng và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri giảng dạy”.

Dù công đồng xác định thần tính của Chúa Thánh Thần, nhưng lời văn không trực tiếp và rõ ràng như thần tính Chúa Giêsu trong Nicea “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật…” Công đồng Constantinople không dùng từ “đồng bản thể - homoousios” để nói đến tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng trong Điều Luật 1 của công đồng có lên án lạc giáo Macedonians vì không chấp nhận thiên tính đồng bản thể của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con.

X.   FILIOQUE - XUNG ĐỘT GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY

Chúng ta không thể kết thúc mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà không nói đến vấn nạn “Filioque- Và Chúa Con” trong kinh Tin Kính ta đọc hằng tuần. Chính cụm từ này là nguyên nhân chia cắt giáo hội Đông và Tây từ 1054 cho đến nay.

Như ta đọc thấy lời tuyên xưng của Constantinople: “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà ra.” Nhưng người Công giáo La mã ngày nay thường đọc: “Chúa Thánh Thần…. bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.” Vậy cụm từ “Và Chúa Con – Filioque” từ đâu mà có?

Từ cuối thế kỷ thứ 6 bên Tây Ban Nha tái xuất hiện lạc thuyết Arius, từ chối Chúa Con là Thiên Chúa. Vậy để khẳng định Chúa Con là Thiên Chúa thật, một số giáo phận đã thêm “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra.” Về thần học, tư tưởng này không có gì mới, vì thánh Augustinô và thánh Hilary thành Poitiers đã nói đến cách hiểu này.[31] Nhưng khi công đồng miền vùng Toledo (Tây ban Nha) họp năm 589 quyết định thêm cụm từ “Filioque – và Con” vào kinh Tin Kính, lại còn ra vạ tuyệt thông cho ai từ chối lời dạy này, vấn đế trở nên rất phức tạp. Lúc này, Giáo Hội bên phương Đông cho là Toledo vi phạm quyết định của các công đồng chung Constantinople (381), Ephesus (431) và Chalcedon (451) vì Toledo chỉ là công đồng miền mà thôi, không thể thay đổi quyết định công đồng chung được.[32]

Lịch sử ghi lại là hoàng đế Charlemagne (768-814) đọc kinh này trong cung điện vua, và dần dần lan ra toàn vùng Tây phương. Tuy vậy toà thánh Roma, dù không phản đối “filioque” nhưng chưa đọc thêm cụm từ này trong kinh Tin Kính ở Roma. Cao điểm là năm 1014, ĐGH Benedict VIII (1012-1024), trong nghi lễ trao vương miện cho vua Henry II tại Roma, đã đọc thêm cụm từ này trong Kinh Tin Kính.

Khi Đấng kế vị Phêrô ở Roma chấp thuận và đọc thêm cụm từ này, vấn đề trở nên cực kỳ trầm trọng vì liên quan đến tín lý của Giáo Hội. Giáo Hội Đông phương lên tiếng phản đối vì cụm từ thêm này không diễn tả đúng thần học Chúa Ba Ngôi trong lời dạy cúa các công đồng xưa. Giáo hội Đông phương lý luận rằng họ có thể chấp nhận Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha “qua Chúa Con – per filium” nhưng không thể “và Chúa Con – filioque” được. Một phần vì chỉ có Chúa Cha là “Cội Nguồn duy nhất” mà cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần từ Ngài mà ra, và một phần vì công đồng Constantinople không dạy điều này.

Sau khi tố cáo nhau là lạc giáo, hai Giáo Hội Đông và Tây (Chính Thống gíáo và Công Giáo) tách biệt nhau từ năm 1054. Với Giáo hội Công Giáo Tây phương, công đồng Lateran năm 1215 tái khẳng định Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra, và được công đồng Lyons (1274) và Florence (1438-1445) lặp lại lời dạy này.[33]

Vấn nạn “và Chúa Con - filioque” đem lại chia rẽ trong Giáo Hội là điều đáng buồn. Nhưng ngày nay, cả hai giáo hội Đông và Tây đang có nhiều cố gắng tìm đến hợp nhất với nhau. Mọi sử gia và thần học gia ngày nay đều hiểu rằng hoàn cảnh chính trị và xã hội thời đó góp phần nhiều cho sự chia rẽ 1054. Nhưng về căn bản thần học, dù tuyên xưng “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà ra", hay "từ Chúa Cha và Chúa Con (filioque) mà ra", hay "từ Chúa Cha qua Chúa Con (per filium) mà ra"…  tất cả chỉ là những cách diễn tả khác nhau cho cùng một thực thể: "Một Thiên Chúa nhưng Ba Ngôi Vị, Bằng Nhau và có Bản Thể Như Nhau (đồng bản thể)". Nói cách khác, vấn đề không còn là sai lạc thần học tín lý, mà phần lớn là quyền bính Đức Giáo Hoàng và điều hành mục vụ có là nguyên nhân ngăn trở đối thoại hiệp nhất giữa Đông và Tây không?[34]  Lời ước nguyện Chúa Giêsu “Lạy Cha, xin cho chúng nên một” (Jn 17:21) không biết khi nào mới trở nên hiện thực?

XI.  KẾT LUẬN

Hai công đồng Nicea (325) và Constantinople (381) đã làm sáng tỏ thần học Chúa Ba Ngôi, xác định rõ ràng đối tượng của đức tin được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính mà Kitô hữu vẫn đọc hằng tuần, và để lại một công thức mẫu mực đức tin căn bản nhất cho mọi Kitô hữu, được tóm gọn trong giáo lý Công Giáo: “Ðức tin công giáo hệ tại điều này: chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi và Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa mà không lẫn lộn các Ngôi Vị, không phân chia bản thể: thật vậy Ngôi Cha là khác, Ngôi Con là khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng thần tính, sự vinh quang ngang nhau và uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là một” (số 266).


 

--------------------

[1] Trong Phúc Âm Matthew, ta đọc được Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28:19). Liệu câu này có phải là câu khẳng định Chúa Ba Ngôi (Cha-Con-Thánh thần) như ta hiểu ngày nay không? Các nhà kinh thánh đều đồng ý rằng đây là công thức tuyên xưng đức tin cho những người gia nhập Giáo Hội thời sơ khai, nhưng nội dung thần học về tín lý Chúa Ba Ngôi lúc bấy giờ hoàn toàn không như ta hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi sau này. Nghĩa là, lúc đó Kitô hữu chưa hiểu Chúa Cha-Con-Thánh Thần đồng ngôi vị, đồng bản thể v.v… như Giáo Hội dạy sau này. Ta sẽ nói thêm về nội dung này sau.

[2] Danh xưng “Con Thiên Chúa” được dùng trong Kinh Thánh không nhất thiết nói lên thiên tính của người được lãnh nhận danh xưng này. Trong Cựu Ước, từ “Con Thiên Chúa” đôi khi được dùng để nói đến các thiên thần (Gen 6:2), hay các vị vua (Ps 2:7), hay những người lành thánh (Wis 2:18), hay dân Israel nói chung (Exod 4:22). Đến thời Chúa Giêsu, danh xưng này mang thêm tính Mesia và có hàm ý thiên tính.

[3] Xem thêm thư 2 John 3.

[4] Xem thêm trong 1 Tim 2:5-6 và 1 Cor 8:6.

[5] Đầu thánh lễ, chủ tế đón chào: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Ki-tô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em…”

[6] Từ Logos được hiểu là “Lời, Lý Luận, Tư Duy, Logic…” Trong kinh thánh ta dịch là Lời hay Ngôi Lời. Với tư tưởng triết Hi Lạp, Logos là một sản phẩm của Thượng Đế (Thiên Chúa) ban cho con người và nhờ đó con người biết suy nghĩ. Justin Martyrs dùng lý luận này để cắt nghĩa tại sao người Do Thái và Hi Lạp cùng đọc và hiểu được chân lý chứa đựng trong Cựu Ước. Xem J. Blenkinsopp, The Pentateuch: An Introduction to the First Five Books of the Bible (New York, 1992), 176.

[7] Trong sách Sáng Thế kể chuyện có ba nhân vật viếng thăm Abraham ở Mamre (Gen 18:2). Có phải là Thiên Chúa viếng thăm trong hình hài thiên thần không? Tư tưởng này cảm hứng cho Andrei Rublev, một tu sĩ Nga, vẽ bức i-con Chúa Ba Ngôi vào thế kỷ 15. Một nơi khác là câu nói của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ: “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." (Gen 1:26). Liệu chủ từ số nhiều “chúng tôi” ở đây có ám chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa và diễn tả căn tính Thiên Chúa hay không?

[8] Xem G. Von Rad, Old Testament Theology, translated by D. M. G. Stalker, (New York, 1962-1965) vol. 2: 206.

[9] Arius trích Kinh Thánh để chứng minh là Chúa Con được tạo dựng bởi Thiên Chúa Cha. Trong John 17:3 “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Kitô.” Trong Col 1:15 “Người con là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là con đầu được sinh ra trước mọi loài thọ tạo.” và Châm Ngôn 8:22 “ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.” Công đồng Nicea khi lên án Arius đã nói đến bản tuyên xưng đức tin không chỉ dựa vào Kinh Thánh, mà còn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua Giáo Hội.

[10]Sau khi công đồng Nicea công bố “Chúa con đồng bản thể với Chúa Cha,” nhóm theo lạc thuyết Arius không muốn chấp nhận lời dạy này vì họ sợ cụm từ “đồng bản thể” sẽ đem lại hiểu lầm là có Hai Thiên Chúa thay vì Một Thiên Chúa. Họ bắt đầu phổ biến một lạc thuyết chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng không “đồng bản thể” mà bản tính chỉ “giống” hay“tương tự” với Chúa Cha mà thôi (tiếng Hi Lạp gọi là homoiousios). Xem Giáo lý Công Giáo số 253-254.

[11] Trong bản tuyên xưng này, Công đồng cũng chưa nói nhiều đến vai trò Chúa Thánh Thần, nhưng những công đồng sau sẽ tiếp tục những gì đã được mở đầu ở công đồng này.


[12]Xem Giáo lý Công giáo số 253.

[13]Thắc mắc về thiên tính của Chúa Con và Chúa Thánh Thần càng trở nên nóng bỏng sau công đồng Nicea, vì trước đó, vấn đề được bàn luận phần lớn trong giới thần học và giám mục. Sau công đồng, kỷ luật vạ tuyệt thông cho ai theo Arius khiến mọi người đều biết đến vấn nạn này, nhất là tranh cãi giữa các giám mục vùng miền Đông trong các bài giảng, giáo lý… khiến vấn đề trầm trọng ở miền Đông hơn là miền Tây. Đó là lý do tại sao công đồng Constantinople được triệu tập bên miền Đông (vì mục đích giải quyết khủng hoảng này). Xem Gerald O’Collins, The Tripersonal God: Understanding and Interpreting the Trinity (Paulist Press, 1999), 86 ff.

[14]Xem E. H. Klotsche, The History of Christian Doctrine, rev. ed. (Grand rapids: Baker Book House, 1979) p. 67.

[15]Eusebius thành Nicomedia đóng vai trò quan trọng với đại đế Constantine vì ông làm các phép bí tích khai tâm cho Constantine ở giường bệnh năm 337. Sau khi hoàng đế Constantine chết, Eusebius viết cuốn “Cuộc Đời Constantine –tiếng Latin: Vita Constantini” được coi là cuốn sách lịch sử gía trị nói về cuộc đời hoàng đế và hoàn cảnh Giáo hội thời bấy giờ.

[16]Đại đế Constantine có ba con trai. Sau khi ông chết, con đầu Constantine II và con thứ ba Constans coi vùng Tây, và con thứ hai Constantius II coi vùng Đông của đế quốc Roma. Cả 3 người này đều có thiện cảm với lạc thuyết Arius. Vì thế, thuyết Arius có được dịp sống lại trong Giáo Hội.

[17]Athanasius là một phó tế và là thần học gia trụ cột của công đồng Nicea. Ngài bị trục xuất khỏi giáo phận Alexandria 5 lần chỉ vì không chịu theo thuyết Arius. Xem A. McGiffert,A History of Christian Thought, Early and Eastern (New York-London, 1947) 1, pp. 246-257.

[18]Athanasius hiểu rằng sở dĩ có người chống đối Nicea vì họ sợ nếu chấp nhận “Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha” sẽ dễ gây hiểu lầm là Chúa Con không còn khác biệt với Chúa Cha nữa, như thế thì không còn là Hai Ngôi Vị, mà chỉ còn Một Ngôi Vị thôi.

[19]Vì thế, nhiều người không muốn nói “đồng bản thể - homoousios” mà nói là “giống (tương tự) bản thể - homoiousios” mà thôi. Dù Athanasius, theo công đồng Nicea, lên án “giống bản thể - homoiousios” là lạc giáo, Athanasius cũng chấp nhận lối giải thích của công đồng miền Alexandria năm 362 nói là Chúa Cha-Con-Thánh Thần có “Một bản thể” nếu lối nói này phải hiểu là Ba Ngôi Vị riêng biệt khác nhau, và cũng có thể nói là “Ba Bản Thể” với điều kiện không được hiểu là Ba Thiên Chúa. Xem John A. McGuckin “The Trinity in the Greek Fathers”inThe Trinity – The Cambridge Companion, ed. P. Phan (Cambridge University Press, 2011), p. 62-65.

[20]Một câu đơn điệu trong tuyên ngôn công đồng Nicea: “Chúng ta tin vào Chúa Thánh Thần”. Câu này thêm vào nhằm chống lại nhóm Phản Thánh Thần lúc bấy giờ tuyên truyền rằng Chúa Thánh Thần không là Thiên Chúa, mà chỉ là tạo vật được Thiên Chúa dựng nên, rằng Chúa Thánh Thần luôn đứng sau Chúa Cha và Chúa Con. Họ xem Chúa Thánh Thần là một tertum quid - hữu thể thứ ba, giữa Thiên Chúa và con người. Xem H. Jedin,History of the Church, The Imperial Centuries from Constantine to the Early Middle Ages (New York, 1980) vol. 2, p. 73.

[21]Xem A. von Harnack,History of Dogma (New York, 1961) 4, p. 119. Thánh Basil tranh luận về thiên tính của Chúa Thánh Thần và tính bình đẳng của Ngài với Chúa Cha và Chúa Con dựa vào công thức rửa tội. Xem tác phấm của Ngài Về Chúa Thánh Thần trong bộ Nicene and Post-Nicene Fathers, 2nd series., vol. 8, p. 24.

[22]Thánh Athanasius là thần học gia chính chống lại lạc thuyết Arius. Những lý luận của Ngài được áp dụng trong tranh luận về thần học Chúa Thánh Thần, và những tư tưởng của Ngài được công đồng Constanstinople (381) đón nhận và được công đồng Chalcedon (451) lặp lại khi đúc kết thành Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng ngày nay. Xem Athanasius of Alexandria, Against the Arians, 3.1-3.

[23]Anna Hunt, Trinity (Orbis book, New York) 14-17.

[24]Athanasius đã không sống để thấy những cố gắng của mình được công nhận ở công đồng Constantinople 381.

[25]Basil viết tác phẩm thần học quan trọng On the Holy Spirit (năm 375) trong đó ông nói Chúa Thánh Thần, cũng như Chúa Con, là đồng bản thể - homoousios với Chúa Cha, nhưng Basil không dám tiến xa hơn, nghĩa là không dám nói Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.

[66]Các giáo phụ Cappadocians không hoàn toàn có cùng quan điểm thần học giống nhau, nhưng vì cùng ủng hộ lời dạy của Nicea và cùng hiểu tầm quan trọng của thần học Chúa Thánh Thần, họ được gom thành một nhóm gọi là các giáo phụ Cappadocian. Về danh từ “một bản thể, ba ngôi vị”, dù ít thấy trong các bài viết của các giáo phụ, nhưng tư tưởng này được các ngài giảng dạy rõ ràng.

[27]Trong bản kinh tin kính gốc tiếng Hi Lạp, các giáo phụ dùng những động từ khác nhau để chỉ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần từ Cha mà ra, và cũng để nói lên sự khác nhau giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần dù cả hai đến từ Chúa Cha. Với Chúa Con thì Ngài “được sinh ra –monogenes); với Chúa Thánh Thần thì Ngài không được sinh như Chúa Con, nhưng “từ Cha mà ra – ekporeuomenon). Basil còn nói Chúa Thánh Thần không được “sinh ra” như Chúa Con, mà là “hơi thở từ Chúa Cha”. Xem thêm tác phẩm của Gregory thành Nazianzus Oration 25.16; Oration 26.19.

[28]Tháng 11 năm 380, Theodosius I đến Constantinople và ra lệnh trục xuất giám mục Demophilus vì ông này theo lạc thuyết Arius. Tìm hiểu sắc lệnh “Cunctos populos” xem The Theodosian Code, ed. C. Pharr (Princeton, 1952) 16.1.2. và xem H. Jedin,History of the Church, The Imperial Centuries from Constantine to the Early Middle Ages (New York, 1980) 2, p. 68.

[29]Nhóm Phản Thánh Thần được coi là một phần của bè phái Macedonians, và chủ trương Chúa Thánh Thần không là Thiên Chúa, mà là tạo vật được dựng nên. Nhóm này bị công đồng vùng Alexandria (năm 362) và ĐGH Damasus (378) lên án.

[30]Câu hỏi là tại sao Theodosius triệu tập công đồng ở phương Đông (Constantinople) và chỉ mời giám mục ở phương Đông mà thôi (không có giám mục phương Tây dự)? Thưa, vì cơ bản, ông là hoàng đế bên phương Đông (còn Gratian là hoàng đế phương Tây lúc bấy giờ), và lạc thuyết Arius chia rẽ Giáo Hội và đế quốc đe doạ bên Đông nhiều hơn. Khi triệu tập công đồng, ông không hỏi ý kiến Đức Giáo Hoàng Damasos, nhưng có báo cho giám mục Thessalonika biết. Vì không có Đức Giáo Hoàng dự, công đồng Constantinople không được công nhận là công đồng chung cho đến khi công đồng Chalcedon (451) xác định lời dạy và vai trò công đồng này là công đồng chung.

[31]Những tranh luận trước công đồng Constantinople thuyết phục là Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha và Chúa Con. Xem Yves Congar, I Believe in the Holy Spirit, 3 vol. Trans. by David Smith (New York:Crossroad, 1997), xem đặc biệt 3:192-214.

[32]Công đồng chung được hiểu là cuộc họp được triệu tập cho toàn thể giáo hội; công đồng miền thì chỉ trong một vùng nào thôi. Các công đồng Nicea (325), Constantinople (381), Ephesus (431) và Chaceldon (451) là những công đồng chung.

[33]Giáo hội Công Giáo lý nhắc đến Chúa Thánh Thần nhận mọi sự từ Chúa Con (Gioan 16:14), được Chúa Kitô sai đi, và được gọi là Thần Khí của Đức Kitô (Rm 8:9; 1 Pet 1:11) hay Thần Khí của Đức Giêsu (Acts 16:7; Phil 1:19). Vì đã chia cắt từ năm 1054, nên Giáo hội Công giáo gọi ba công đồng trên là công đồng chung, nhưng giáo hội Chính Thống không công nhận vì họ không tham dự.

[34]Xem them Boris Bobrinkskoy, The Mystery of the Trinity: Trinitarian Exprericence and Vision in the Biblical and Patristic Tradition, (Crestwood, N.Y.: St. Vladimir’s Seminary Press, 1999).