Tuesday, 07 January 2020 06:31

Thần Khí Trong Thế Giới (7/1) Featured

KHÁI LUẬN THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Tác giả: Lm. Felipe Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

PHẦN VII: THẦN KHÍ TRONG THẾ GIỚI

 

Thế giới là thứ không gian lớn rộng và thoáng đãng nhất để gió – Thần Khí – thổi. Mang tính cách “vô biên vô bờ”, Thần Khí không những vượt lên trên mọi cõi bờ cố định, nhưng còn xuất hiện ở những nơi không ai bao giờ ngờ đến. Trên nguyên tắc, có thể tiên liệu được rằng: hễ nơi nào Ngôi Lời Thiên Chúa khởi công sáng tạo, thì nơi ấy, Thần Khí sẽ ra tay hoàn tất. Bởi đó, Thần Khí hiện diện đầy tràn trong cả không gian lẫn thời gian và làm cho vạn vật được triển nở tròn đầy, viên mãn.
 
I. THẦN KHÍ TRONG CÔNG CUỘC SÁNG TẠO

Thần học quan niệm cuộc sáng tạo như là công trình của Thiên Chúa, tức là của cả Ba Ngôi.[1] Dù vậy, truyền thống đã quy gán các hoạt động chuyên biệt cho từng Ngôi Vị cá biệt,[2] chẳng hạn như: Cha Tạo dựng, Con Cứu chuộc, Thần Khí Thánh hóa. Cha sáng tạo qua Ngôi Lời; mà Lời và Khí thì lại đi đôi với nhau. Trong Kinh Tin kính, người kitô tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha Toàn năng, Đấng Tạo thành trời đất.” Tân Ước làm chứng về vai trò quan trọng của Con, là Ngôi Vị duy nhất trong Ba Ngôi đã hóa thành thụ tạo. Mở đầu Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan khẳng quyết là nếu không có Ngôi Lời – Đấng đã mặc lấy xác phàm (x Ga 1:14) – thì cũng không có thứ gì được tạo thành hết cả (x. Ga 1:1-5). Văn đoạn Cl 1:16-17 cũng quả quyết: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.” Quả thực, Đức Giêsu Kitô đã được sai đến để làm Đầu vũ trụ; do đó, nếu không có Người, tất vũ trụ sẽ đánh mất đi ý nghĩa trọn vẹn của nó. Cha “đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:2), và “đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1:22). Các văn đoạn Kinh Thánh vừa nêu chính là khởi điểm của dạng Kitô học vũ trụ.

Vai trò của Chúa Thánh Thần – cũng giống như tính cách đặc thù của Người – tỏ ra mơ hồ và tản mạn hơn, hệt như gió vậy, nhưng lại mang tính chất toàn tại . St 1:2, một câu văn khó hiểu, đã đề cập đến sự việc Thần Khí Thiên Chúa (hay luồng gió mạnh?) bay lượn trên mặt nước; giải thích văn đoạn này, truyền thống đã coi đây như là dấu hiệu biểu thị sức năng tác động của Thần Khí đối với từng hành vi tạo dựng; là tác nhân thần linh, Người biến đổi khối vật chất hỗn độn (chaos) cho trở thành vũ trụ (cos­mos).[3] Về sau, sách Thánh vịnh đã giúp cho hiểu hơn về câu văn vừa nêu: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6; x. Gđt 16:14); theo thánh Irênêô, đây là văn đoạn nêu bật mối đồng tác giữa Lời với Khí, tức đôi tay của Thiên Chúa.[4] Nhất thiết phải hiểu rằng Thiên Chúa không thực hiện công cuộc sáng tạo một lần duy nhất vào một thuở xa xưa – hay, “lúc khởi đầu” – nào đó, rồi lui về mà “nghỉ hưu” trong thế giới đời đời của Người; trái lại, cuộc sáng tạo biểu thị hành động vĩnh cửu của Thiên Chúa, tức là, hành động sáng tạo không ngừng của Người; và do đó, có thể thấy rằng Lời và Khí đang tạo nên sự sống căn bản của muôn loài muôn vật ngay chính trong lúc này đây. Thần học kitô diễn tả công trình thần linh này như là “cuộc sáng tạo liên tục”. Trước hết, điều này có nghĩa là cuộc sáng tạo kia được liên tục duy trì nhờ Lời và Thần Khí của Thiên Chúa, vì nếu Ba Ngôi thu hồi hành động sáng tạo thần linh kia lại, tất vạn vật sẽ lập tức rơi vào hư vô. Kế đến, cuộc sáng tạo này không hề được thực hiện một lần duy nhất rồi thôi: vũ trụ càng lúc càng sinh sôi nẩy nở thêm lên. Cũng như thuật ngữ “sáng tạo từ hư vô” diễn tả siêu việt tính – hoặc tính cách khác biệt hoàn toàn so với mọi thụ tạo – của Thiên Chúa thể nào, thì thuật ngữ “sáng tạo liên tục” biểu thị tính cách nội tại hoặc sự hiện diện thân tình của Thiên Chúa trong mỗi loài thụ tạo thể ấy. Điều này có nghĩa là các Ngôi vị thần linh liên tục tạo nên và cư ngụ trong vạn vật, làm cho chúng tồn tại, triển nở và đạt đến mức độ hoàn hảo, như lời Đức Giêsu đã từng nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5:17).

Không chỉ khám phá ra nhiều điều bí mật ẩn tàng trong vũ trụ, khoa học còn hình thành nên một dạng phương pháp luận khoa học mà thần học có thể dùng đến để liên tục đào sâu mầu nhiệm Thiên Chúa. Các dạng chủ nghĩa duy lý và duy khoa học cổ xưa đều đã tắt thở tự bao giờ; trở nên khiêm nhường hơn, khoa học ngày nay đang bắt đầu nhìn nhận “chỗ đứng” của tôn giáo. Thuyết tất định kiểu duy vật đã hết thời, còn thuyết tiến hóa thì có thể được cắt nghĩa theo nhiều cách khác nhau; và như thế, thần học có thể lấy thuyết vụ nổ lớn (big-bang) và thuyết ý định khôn ngoan (intelligent design) làm đất dụng võ để định vị vai trò của Chúa Thánh Thần.[5] Lẽ tất, có thể nhìn cuộc sáng tạo như là hành động tự hủy của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới quá hoàn hảo đến độ nó có vẻ như có khả năng tự túc, tự cấp mà bất chấp Thiên Chúa. Như trong các cuộc thần hiển khác, “áng mây” vừa tiết lộ vừa ẩn giấu Thiên Chúa, đức tin có khả năng nhìn rõ “dấu vân tay” của Người, nhưng khoa học thì chỉ thấy “khối vật chất” của vũ trụ cùng những thuộc tính của nó mà thôi. Là Tình Yêu, Cha sẵn sàng nhận lấy rủi ro khi tạo nên con người có tự do ý chí: ẩn mình đi để con người có thể thấy mình hoàn toàn tự do và có trách nhiệm đối với phần còn lại của cuộc sáng tạo. Mang khuôn mặt tự hủy hoàn toàn của Thiên Chúa, Thần Khí sẽ luôn củng cố hoạt động của vạn vật thụ tạo, kể cả khi chúng tỏ thái độ chối từ Người.

Đối với cặp mắt đức tin, vai trò của Thần Khí được nhận thấy rõ ràng hơn qua cuộc tạo dựng sự sống, như Tv 104 diễn tả: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (29-30). Cuộc tạo dựng sự sống đã đạt đến đỉnh điểm của nó khi “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7) và Người tiếp tục làm điều này để duy trì sự sống, như Êlihu, bạn của Job đã nói: “Sinh khí của Thiên Chúa đã làm ra tôi, hơi thở của Đấng Toàn năng đã cho tôi được sống” (G 33:4). Ở đây, thần học có được một tia sáng mà nhân loại học không nhận ra: lúc nào thì một cá thể giữa họ người (loài linh trưởng) trở thành một nhân vị hoàn chỉnh? Từ thời còn là giáo sư, Jo­seph Ratzinger đã giữ vững lập trường cho rằng chỉ khi bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa thì ‘con người’ mới đạt tới được mức độ trưởng thành của ‘nhân vị’; tác giả viết: “Đến đây thì bước quyết định trong quá trình hình thành loài người đã bước xong. Bởi lẽ con người được cấu thành không phải là bằng cách dùng đến vũ khí hoặc khói lửa, cũng chẳng phải là với việc dùng tới những hình thức mới của tàn bạo hoặc vị lợi, nhung là bởi khả năng con người có để bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa. Đó là điểm mà giáo lý về công trình tạo dựng con người một cách đặc biệt, cho thấy rõ (trong St 1—2). Hơn hết, đó là tâm điểm niềm tin của chúng ta đối với công cuộc tạo dựng.”[6] Bởi vậy, Thần Khí – Sinh khí – là nguyên lý sự sống siêu việt của hết thảy mọi loài sinh vật, là tác nhân đưa tạo vật buớc tới mức độ hoàn thiện, thành một nhân vị trọn vẹn, và là nguồn tái sinh vạn vật: “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:30). Theo đó, truyền thống đã quy gán công cuộc tạo dựng cho Thần Khí: “Các ân huệ của Thánh Thần thì nhiều vô kể. Không cần đề cập chi đến công cuộc tạo dựng thế giới, cuộc truyền sinh và quản trị mọi loài thụ tạo, như đã được bàn ở tín khoản thứ nhất, chúng tôi chỉ muốn trình bày cho thấy rằng hoạt động trao ban sự sống được đặc biệt quy gán cho Chúa Thánh Thần, và điều này còn được củng cố thêm nhờ lời chứng của Êdêkien: Ta sẽ ban thần khí cho ngươi, và ngươi sẽ sống.[7]

Lời xác tín ấy của Cựu Ước, dòng văn chương khôn ngoan đã suy ngắm và truyền lại cho Tân Ước. Đức Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí được liên kết với nhau trong các hoạt động sáng tạo, duy trì và tái tạo. “Sinh khí bất diệt” của Thiên Chúa, Đấng trao ban sự sống, “ở trong muôn loài muôn vật” (Kn 12:1; x. Tv 139:7-10), vì nhờ chính Thần Khí mà Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Nhận thấy một ít dấu vết của niềm tin ấy nơi các dân ngoại, thánh Phaolô mới nói với những người Aten rằng “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:28). Hiểu được tính cách kết hiệp của “đôi tay”, tức Lời và Thần Khí, ngài đã tuyên xưng rằng: “Chúa là Thần Khí” (2Cr 3:17), và Thần Khí này là “Đấng ban sự sống” (Ga 6:63) vì Người đổ sự sống mới trên hết thảy những ai tin vào Đức Kitô Giêsu (x. Rm 5:5; 8:2; 9-11; 1Cr 15:44-45). Đến đây, cái gọi là “tự nhiên” và “siêu nhiên” hòa lẫn vào nhau, vì vượt lên trên tầm nhìn hạn hẹp thông thường, “con mắt đức tin” có khả năng nhận ra chiều kích giấu ẩn của thực tại.

Tóm kết điểm giáo lý trên đây, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc lại như sau những gì toàn bộ Truyền thống đã dạy: ‘Lời và Sinh khí của Thiên Chúa là nguồn hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo’ (số 703). Và một bản văn dồi dào ý nghĩa trong phụng vụ Bizantiô có đoạn: ‘Chính Thánh Thần là Đấng cai trị, thánh hóa và làm cho thụ tạo trở nên sống động, vì Người là Thiên Chúa, đồng bản thể với Cha và Con... Quyền ban sự sống thuộc về Thần Khí, vì là Thiên Chúa, Người bảo tồn muôn loài thụ tạo trong Cha, qua Con’.”[8]

Bởi đó, Giáo hội hằng kêu cầu Thần Khí Sáng tạo – Veni, Creator Spiritus – “hãy đến và đổ ân sủng thần linh vào những tâm hồn Người đã dựng nên.” Chiêm niệm hoạt động của Thần Khí trong cuộc sáng tạo, những tâm hồn tràn đầy Thần Khí sẽ có được cái nhìn thấu suốt và mới mẻ về thế giới loài người, một thế giới đang rất cần sự hiểu biết, sức chữa lành và tình yêu. Như C. H. Pinnock đã nói: “Thần Khí là quyền năng sáng tạo mang lại nhiều điều bất ngờ, đẩy thế giới vào trạng thái ngây ngất tình yêu, và cất lên trong thế giới ấy một thứ âm vọng của mối quan hệ thần linh.”[9] Chính Thần Khí là Đấng nối liền – liên kết – tâm hồn con người với muôn loài muôn vật khác trong vũ trụ, hầu tất thảy vạn vật có thể trở nên một gia đình với những mối lưu tâm chung: đây là vấn đề căn bản của thế giới ngày nay. Người kitô phải ra sức khôi phục lại một truyền thống tỏ ra nhạy cảm hơn đối với lãnh vực này, lãnh vực mà “các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ” đã từng làm cho trở nên suy yếu đi; trong các nền văn hóa khác, cách riêng là ở Á châu, hai chiều kích thiêng liêng và thiên nhiên có vẻ như dễ dàng sánh bước bên nhau, cùng nhau phát triển trong bầu khí hài hòa, êm đẹp.[10]
 
II. CHÚA THÁNH THẦN TRONG THIÊN NHIÊN

Với những gì đã thấy trên đây, thiết tưởng có thể nói đến một vũ trụ bí tích. Nếu được tạo dựng nhờ hơi thở của Thần Khí, thì xét về căn bản, vũ trụ ắt phải mang một chiều kích bí tích. Ý niệm về bí tích tính có tính cách loại suy, trước hết được áp dụng cho Đức Giêsu là bí tích của Cha và là bí tích nền tảng, thứ đến là cho 7 bí tích, và sau hết là cho nhiều thực thể khác, chẳng hạn như Giáo hội, Lời Chúa, vũ trụ, v.v. Do đó, công trình tạo dựng nhờ quyền năng Thánh Thần cũng được coi như là một bí tích của Thiên Chúa hằng sống. Đó là luận đề căn bản của nền thần học môi sinh. Vạn vật trong vũ trụ đều khả dĩ trở nên một thể dạng mạc khải về tính cách vô cùng của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã đề cập đến trong Rm 1:19-20. Đối với đôi mắt đức tin, thế giới trở nên hiển hiện rõ ràng, như lời Thánh vịnh tung hô: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19:1-2). Đã linh ứng việc viết ra Kinh Thánh thể nào, tất Thần Khí – theo một cung cách tương tự – cũng “linh ứng” hết thảy mọi thụ tạo như thế, hầu chúng có thể vén lộ những “vết vân tay” của Đấng Tạo thành ra chúng.

Hiện diện bên trong hết thảy mọi loài, Thần Khí Chân lý đảm bảo cho việc các loài thụ tạo giữ vững được bản chất đích thực của chúng; đây chính là điều kiện siêu nghiệm đối với khoa học: sự vật mang bộ mặt đích thực, nghĩa là không bao giờ chúng nói dối về bản thân chúng. Cũng hiện diện bên trong dòng sinh hoạt trí tuệ của con người, Thần Khí Chân lý thắp lên thứ “ánh sáng lý trí”, khiến nó có thể lĩnh hội được sự thật về sự vật. Ý niệm có thể trùng khớp với thực tại – tức là chân lý – bởi vì cả ý niệm lẫn thực tại đều xuất phát từ một Thần Khí Sáng tạo duy nhất, Đấng là Chân lý. Ở trong một mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thần học và khoa học đều chấp nhận câu châm ngôn căn bản sau dây: “Dù kẻ phát biểu chân lý có là ai đi nữa, nhưng hễ cái gì là chân lý thì đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần.” Cuộc ly gián giữa đức tin với khoa học là một điều sai lầm tai hại, và tình trạng bóp nghẹt sự thật khách quan – như thấy trong nhiều lãnh vực rộng lớn của nền văn hóa hiện đại – chính là một dạng tội phạm đến Thánh Thần.

Thần Khí là “Chúa và là Đấng ban Sự sống”. Có thể dễ dàng nhận biết Thần Khí hơn qua các sinh hữu thể. Trình thuật về cuộc tạo dựng con người trong sách Sáng thế đã ghi lại sự việc Thiên Chúa thổi sinh khí vào hình đất sét và biến nó thành con người; tuy nhiên, chính Ađam mới – Đức Kitô – mới thực sự là con người đầu tiên nhận lấy Thần Khí và đã trở nên “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1:15). Đức Kitô – thủ lãnh muôn loài trong trời đất (x. Ep 1:10, 22) và Sự sống nhập thể (x. Ga 1:4; 5:26; 6:48.53; 11:25; 14:16) – đã chia sẻ sự sống của Người với các thụ tạo. Chính ở trong các thụ tạo sống động mà đôi bàn tay Thiên Chúa, Lời và Sinh khí, Đức Kitô và Thần Khí, thể hiện rõ nhất mối hiệp lực, đồng tác với nhau. Dù vậy, sức sống hay sinh khí ấy không phải là một kết quả tự nhiên của quá trình tiến hóa vũ trụ, cũng không phải là một thứ gì đó được thổi vào khối “vật vô tri” (inanimate matter) như việc đưa khí nén vào bình chứa; sự sống ấy là một chiều kích trọn vẹn của mọi tạo vật.

Triết học định nghĩa Thiên Chúa như là actus purus, hoạt động thuần túy, năng động lực thuần nguyên, và do đó, Người tạo nên một thế giới năng động tự bản chất, một vũ trụ sống động, tràn trề sinh khí. Đương nhiên, sinh khí không phải là một dạng thực thể đơn nghĩa; tuy nhiên, tính cách đa dạng – đến độ làm cho bối rối, lẫn lộn – của nó lại có một nền tảng chung và sâu xa, từ những lực căn bản mà vật lý học khám phá ra nơi các hạt cơ bản, cho đến những thực thể con người gọi là thần linh. Thần Khí Sáng tạo thổi sinh lực vào thực thể (có thể gọi là vật chất, năng lượng, sinh khí, v.v.), gây ra đà phát triển từ “vụ nổ lớn” cho đến “điểm cuối cùng” (omega point). Đây chính là “sự sống” này truyền dẫn năng lực cho các dải thiên hà hay ngân hà và – trong hành tinh thân yêu và đẹp đẽ của con người – chuyển di các lục địa, làm rung động vỏ trái đất, làm các ngọn núi lửa phun trào, làm cho các sinh vật xuất hiện, sinh sôi nẩy nở và phát triển phong phú về giống loại, v.v. J. Moltmann đã viết như sau: “Gọi những dạng năng lượng sống động và sáng tạo đó là thần Khí (divine Spirit), là bởi vì nó vượt lên trên hết thảy mọi hữu thể – ngay cả những dạng năng lượng – nó tạo ra. Gọi nó là Khí vũ trụ (cosmic Spirit) bởi vì nó chính là sức sống nội tại của những gì sống động. Người Trung Hoa gọi đó là chi, người Hy lạp gọi là eros, người Do thái gọi là ruah.”[11]

Đantê cũng nhận thức rằng: “Tình Yêu làm vầng dương và các vì tinh tú khác chuyển động”,[12] bởi vì động lực sâu xa nhất hiện diện bên trong mọi sự là chính “tình yêu”, và khởi nguồn của mọi dạng tình yêu là chính Chúa Thánh Thần. Nếu sự sống là thành tựu của công cuộc tiến hóa, thì đó là nhờ tác động đặc biệt của Thần Khí, Đấng giữ vai trò của “Đấng hoàn tất” trong Ba Ngôi Thiên Chúa; khi bất cứ một thụ tạo nào đạt đến mức hoàn hảo của nó, thì Thần Khí cũng hiện diện ở đó, thực hiện tác động dứt điểm (final touch) để hoàn tất hành vi sáng tạo của Cha. Tác giả Samuel Rayan S.J. viết: “Thần Khí được nối kết với hết thảy mọi bước khởi đầu lớn lao. Người là vị Chủ xướng của các bước tiến mới mẻ và là vị Dẫn dắt các phong trào mới lạ. Người tác động nơi từng bước ngoặt quyết định trong đà diễn tiến của sự sống trên địa cầu. Người là Thần Khí Sáng tạo.”[13]

Sự sống là lãnh vực qua đó dung mạo thần linh lộ rõ hơn cả. Các sinh hữu thể được eros thúc đẩy; dạng “ái lực” này (dù phải hiểu cách loại suy đến độ đi nữa) làm cho các sinh vật trở nên hoàn hảo với việc sở hữu bạn yêu dấu, tạo ra sự sống mới, sinh sản bản thân chúng và duy trì các giống loài. Bàn về nhân loại, Đức Bênêđíctô XVI viết rằng “Bằng cách nào đó, eros đâm rễ sâu vào trong bản chất con người”;[14] tương tự, điều này cũng đúng đối với bất kỳ một loài sinh vật nào khác. Đấng ban Sự sống khơi dậy dòng sinh lực sáng tạo – tức sự sống – nơi sinh hữu thể, làm cho nó có thể thông phần vào nguồn Sinh lực sáng tạo tuyệt đối là Thiên Chúa. Đến đây, tưởng cũng cần tránh xa lối quan niệm – do phiếm thần thuyết, hoặc phong trào “Tân Sinh” chủ xướng – về một sinh vũ trụ có linh hồn là Thần Khí Thiên Chúa. Dù mang tính cách hoàn toàn siêu việt, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm tiếp tục ban sinh lực bên trong cho muôn loài để chúng hiện hữu “nhiều hơn” và “tốt hơn.”

Mối “lưu tâm” đặc biệt của Thần Khí đối với thiên nhiên và sự sống có thể rọi một luồng sáng, giúp cho nhìn rõ hơn vào các vấn đề sinh thái.[15] Một số người đã coi văn đoạn St 1:28-30 – nói về việc Đấng Tạo hóa trao cho con người quyền cai trị trên hết các loài thụ tạo khác – như là nguyên cớ làm dấy lên tình trạng khai thác và tàn phá thiên nhiên; ngược lại, cách đây không lâu, các nhà tư tưởng đã lên tiếng ca ngợi cho rằng mệnh lệnh thần linh kia là chính bước nguyên khởi của nền công nghiệp và văn minh hiện đại! Cũng có phần đúng trong trong các nhận định đó: một mặt, con người sống trong mối liên đới khăng khít với công trình sáng tạo, đặc biệt là với các sinh vật, nhờ việc cả đôi bên cùng chia sẻ “hơi thở sự sống”; mặt khác, con người đã phạm tội, và do tội, con người hóa kiêu căng, ngu dốt, chỉ còn biết tìm cách thống trị bạo tàn đối với thế giới; tháp Baben là một biểu tượng điển hình. Thiên Chúa dựng nên con người là để con người thay Người mà quản lý – chứ không phải làm chủ – công trình sáng tạo, ban cho con người một “thiên viên” là để con người coi sóc, chăm nom nó (x. St 2:15), và đặt ra cho con người một giới hạn: hai cây cấm. Vậy mà, con người hiện đại đã quen với việc phá vỡ các giới hạn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể, mà không thấy cắn rứt lương tâm. Vì thế, mọi loài sinh vật trên hành tinh này đều phải lâm vào cảnh cùng quẫn, điêu linh.

Thần học lưu ý đến thực tế này là mọi thụ tạo đều có chung một cội nguồn duy nhất (Thiên Chúa Ba Ngôi), một vận mệnh duy nhất (thông phần vinh quang Thiên Chúa). Mọi loài thụ tạo đều đã được dựng nên trong một mối liên đới với nhau, và do đó, hết thảy những gì hiện hữu đều mang tính cách đồng hiện hữu, vì chỉ có như vậy thì chúng mới có thể tồn tại. Vì Ba Ngôi Thiên Chúa hiện hữu cùng nhau (co-existence) và trong nhau (in-existence) qua các mối quan hệ tương hỗ, nên mọi loài thụ tạo cũng đều mang dấu vết thần linh đó. Mọi thụ tạo được liên kết với nhau theo một thể dạng hiệp thông. Đặc biệt, sự sống là một mối hiệp thông, để từ đó tất cả những gì sống đều sống cho những cái khác; và khi một cái gì đó mất đi, mọi cái khác cũng đều mất đi chút ít.

Nói về mối hiệp thông trong vận mệnh chung, thánh Phao­­lô đã diễn tả hết sức rõ ràng như sau: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:20-23). Từ đó, có thể nhận thấy rằng cảnh trạng khó khăn mà muôn loài lâm phải là do tội lỗi con người – ít là một phần nào đó – gây nên; rằng thân xác con người là mối dây nối kết với mọi loài thụ tạo; rằng còn có một niềm hy vọng cho tất cả – con người và những thụ tạo khác – nhờ vào Thần Khí là Đấng ngự trong con người, là Đấng – như “ân huệ mở đầu” – đã khởi sự tiến trình giải phóng cho tất cả; do đó, con người mang lấy một gánh trách nhiệm nặng nề trong việc quyết định kết quả thành, bại của công cuộc giải phóng kia. Chiêm ngắm thiên nhiên trong ánh sáng này, sẽ thấy Thần Khí đang phải “quằn quại đau đớn” với những vết thương mà thiên nhiên phải gánh chịu, vì công cuộc hoàn tất hóa của Người có vẻ giống như muối bỏ bể.

Các thánh nhân và các thi nhân – những người có mối đồng cảm nhiều hơn với Thần Khí – cũng cảm nhận nỗi đau đớn ấy, như thi sĩ Hopkins, dòng Tên, đã diễn tả: “And all is seared with trade; bleared, smeared with toil;/ And wears man's smudge and shares man's smell: the soil/ Is bare now, nor can foot feel, being shod” (đại để: “Mọi vật đều khô héo, bị lợi dụng đổi chác, ra đần độn lọ lem bởi vất vả đọa đày; còn mang cả bẩn dơ, cùng mùi tanh con người: ruộng đất thành trơ trọi, bàn chân chẳng cảm gì, bởi đã được gói kỹ trong chiếc giày xa hoa”)[16] “Thần học sinh thái”[17] phải ra sức khôi phục mối liên hệ giữa công trình tạo dựng và công cuộc cứu chuộc, đào sâu cuộc nghiên cứu ý niệm truyền thống về “cuộc sáng tạo liên tục” trong khung cảnh tiến hóa, và chỉ ra tính cách phi lý của việc đặt niềm tin vào một Thiên Chúa hoàn toàn dửng dưng với những gì đang xảy đến với công trình tạo dựng của Người. Thần Khí, Đấng đưa dẫn chúng ta tiến đến sự thật toàn vẹn, đang hướng dẫn chúng ta cách đọc cuốn đại thư của công trình tạo dựng là nơi mà Người đang thổi sinh khí vào hết mọi chiều kích của nó.
 
Dưới ánh sáng này, người kitô có thể hiểu rằng vật chất, chẳng hạn, không đơn thuần chỉ là một “sự vật” nằm ở hàng dưới cùng trong “trật bậc hữu thể”, nhưng là thứ dung chứa tràn trề sự sống, ý thức và trí tuệ. Như thế mới thấy tại sao Teilhard de Chardin đã cất vang hát lên bài “Tụng ca Vật chất” (Hymne à la Matière), và nói về “vật chất thánh thiêng...”[18]; còn thánh Gioan thành Đamascô lại viết: “Vì biến cố Nhập Thể, tôi chào đón hết thảy những gì là vật chất với lòng kính trọng.” Thái độ đối với vật chất phản ánh lối quan niệm về Thiên Chúa: phái Manikêô ghét bỏ vật chất; lương dân tôn thờ vật chất; người theo chủ nghĩa duy vật lại dửng dưng (mỉa mai thay!) đối với vật chất. Người kitô dâng lời cảm tạ và quy vật chất về Đấng Tạo dựng. Kỳ thực, vật chất là chính Thân mình Đức Kitô; điều đó lộ hiện rõ ràng nhất trong Thánh Thể, khi cộng đoàn ki­tô hữu dâng lên Thiên Chúa “hoa màu bởi ruộng đất và lao công bởi tay con người”. Các thị kiến nhân cũng xác quyết rằng đó là mầu nhiệm của hết thảy mọi sự, như Đostoyev­sky đã nhờ cha Zossima dạy mà nói rằng: “Hãy yêu hết thảy mọi thụ tạo của Thiên Chúa, yêu chúng cách trọn vẹn; hãy yêu từng hạt cát. Hãy yêu từng chiếc lá, từng tia sáng của Thiên Chúa. Hãy yêu muông thú, cỏ cây, hãy yêu hết mọi sự. Nếu biết yêu vạn vật, bạn sẽ hiểu được mầu nhiệm thần linh trong muôn vật, muôn loài.”[19]

Bởi Thần Khí hiện diện tràn đầy trong mọi sự, nên chúng ta hiểu ngay rằng gây tổn hại cho thiên nhiên là “làm phiền lòng Thánh Thần”: đây là một loại tội xúc phạm đến Người.

Cuối cùng, “nguyên tắc Sabát” cũng là điều đáng lưu ý cân nhắc: ngày cuối trong cuộc sáng tạo là để nghỉ ngơi. Giáo huấn kinh thánh cổ xưa chỉ thị việc phải dành ra một ngày trong tuần để làm ngày tạ ơn và chiêm ngắm. Vào mỗi năm thứ bảy – tức cứ bảy năm một lần – đất đai phải được “nghỉ ngơi” và bỏ hoang, không canh tác (x. Xh 23: 10-11; Lv 25:1-7), nợ nần được miễn và nô lệ được thả tự do (x. Đnl 15:1-6). Thông lệ này được 2Sb 36:21 cắt nghĩa như là cách thức toàn dân thanh toán “món nợ đã mắc với đất” do việc sử dụng những sản phẩm của nó. Do đó, nhất thiết phải biết nhìn vẻ dư dật và phong nhiêu của thiên nhiên với tinh thần tri ân và với thái độ tôn trọng những “quyền lợi” của nó. Giữa bối cảnh hiện nay của dự phóng nhằm tới những bước phát triển và tăng trưởng không giới hạn, vượt quá cả chính quy trình, lẽ tất tầm trọng yếu hiển nhiên của nguyên tắc đặc biệt kia càng nổi bật hẳn.

Dựng nên con người theo hình ảnh mình, là Thiên Chúa muốn đặt con người làm “tư tế vũ trụ” (cosmic priest), tức là trở thành kẻ trung gian giữa hết thảy mọi thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Nơi con người, mọi thụ tạo đạt đến ý thức và trách nhiệm; bởi đó, chính con người có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, tri ân Đấng Tạo Hóa về ơn hiện hữu và “hiện hữu dồi dào” cùng ra sức gìn giữ món bảo vật hiện hữu đó, cùng hiện thực hóa các tiềm năng đi kèm. Cảnh trạng hài hòa giữa các loài thụ tạo là một “viên ngọc quý” Thiên Chúa đã trao vào tay con người để con người giữ lấy.
 
III. THÂN XÁC

Con người là một bộ phận không thể thiếu của thiên nhiên, và đó chính là do thân xác; với thân xác con người, trình độ tiến hóa của thiên nhiên đạt đến đỉnh điểm. Vì vậy, là hết sức tự nhiên việc nghĩ rằng sự hiện diện của Thần Khí trong thiên nhiên đạt đến chóp đỉnh nơi thân xác con người; bởi đó, thánh Phaolô mới quả quyết: “thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần, và Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em…” (1Cr 6:19). Chính ở chỗ này quan niệm thường thấy theo cách dị loại giữa “vật chất” và “tinh thần” đang đi đến chỗ bế tắc: một dạng triết học kitô chỉ rõ cho thấy rằng, vì con người là một bản thể đơn nhất, nên kỳ thực mà nói, thân xác và linh hồn là hai mặt của thực thể duy nhất đó, là một dạng tổng hợp của công trình tạo dựng. Xét từ quan điểm vừa nêu, trong toàn bộ vũ trụ, con người là nơi Thần Khí Sáng tạo hiện diện đầy tràn nhất.[20]

Và vì vậy, thân xác con người mang tính cách thánh thiêng. Chẳng có gì phi kitô (unchristian) cho bằng chủ trương ghét bỏ thân xác của ngộ đạo thuyết và của phái Ma­­nikêô, hoặc lối quan niệm của người Hy lạp cổ gọi soma sema – tức coi thân xác là mồ chôn linh hồn – rồi tưởng tượng ơn cứu độ như là một cuộc giải thoát linh hồn cho khỏi ngục tù thân xác. Đối lại, thánh Phaolô chỉ rõ cho thấy rằng niềm mong đợi kitô về ngày “cứu chuộc thân xác” đã được biểu thị rõ ràng qua “những ân huệ mở đầu của Thần Khí” (Rm 8:23); ơn cứu độ kitô cũng là ơn cứu chuộc thân xác. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ đã coi là cùng chung phẩm giá, hết thảy mọi yếu tố cấu thành hữu thể con người: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không có gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1Tx 5:23). Con người là một dạng hữu thể phức hợp, và các phần hợp thành đó có thể hoặc tựa vững vào nhau, hoặc sụp đổ theo nhau, như Đức Bênêđíctô XVI đã viết: “Ai chỉ khao khát có được tinh thần thuần túy mà chối bỏ xác thịt vì coi nó gắn liền với thú tính, thì cả tinh thần lẫn thân xác người đó đều sẽ đánh mất đi phẩm giá của nó.”[21]

Chính nơi thân xác, người kitô lãnh nhận phép rửa và phép xức dầu; chính qua thân xác, người kitô được Thần Khí thánh hiến và làm cho nên thánh. Có là con cái của Cha theo xác thể, thì người kitô mới trở nên những chi thể của Thân Mình Đức Kitô. Tình trạng hiện hữu trong thân xác của người kitô phải trở thành một hành vi thờ phượng, như lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12:1). Đức tin làm cho người kitô cảm thấy kinh ngạc khi chứng kiến cung cách Thần Khí biến đổi những công việc vặt vãnh thường ngày cho trở thành một dạng phụng vụ thần linh. Trong kinh Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy các tín hữu kitô cầu nguyện cho các nhu cầu phần xác (lương thực hằng ngày) trước hết, rồi mới đến các nhu cầu phần hồn (tha tội): đây quả là điều hết sức thú vị. Chính qua thân xác mà Thiên Chúa thánh hóa dân Người (cái chết của Đức Kitô, các bí tích), và cũng chính qua thân xác mình mà người kitô làm vinh danh Người: “vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em; vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6:20).

Đôi khi, thân xác bị coi là “kẻ thù” của linh hồn; tuy nhiên, kỳ thực mà nói, chính linh hồn – nếu muốn dùng kiểu ngôn ngữ này để biểu đạt – mới đích thực là tội phạm; thân xác chỉ là phương tiện “tôi” dùng để làm điều lành hay điều dữ mà thôi. Đức Giêsu gọi đó là lòng người: “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7:21-22); rồi, người ta còn buộc tội thân xác vì hết thảy những điều xấu xa kia. Thánh Phaolô cũng đã đổ lỗi cho “những hành động sai quấy của thân xác” về nhiều vấn đề rắc rối ngài gặp phải trong bản thân (x. Rm 7:14-8:12). Quả thực, nơi thân xác mình, con người cảm nhận được hết sức nặng của thú tính; trên thực tế, hầu hết các tôn giáo đều đề ra những phương cách giúp luyện tập khả năng tự chủ thông qua nỗ lực chế ngự thân xác; đường lối này tỏ ra là khá hữu hiệu, bởi qua việc chế ngự “thân xác”, con người có thể thuần hóa bản thân mình! Như thế, có thể hình dung thân xác như một trận địa chiến đấu của các xu hướng tinh thần; điều này quả không sai, bởi vì qua thân xác con người, ân sủng Thiên Chúa hoạt động để chế ngự Satan, và Chúa Thánh Thần hoạt động để tôn vinh Cha. Người kitô mắc bản thân mình món nợ là lòng tôn trọng lớn lao dành cho thân xác, là lối đối xử quan tâm đến nó, là thái độ không lạm dụng nó – cả việc hành hạ lẫn việc nuông chiều – và là việc biết nhận rõ nơi thân xác của tha nhân những tia phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa.

Thân xác được tạo dựng với một vận mệnh vinh quang, vận mệnh của con người được cứu chuộc trong hết mọi phương diện. Như thánh Phaolô viết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11). Hạt giống phục sinh thân xác ấy đang âm thầm nhú mầm từng ngày nhờ bởi Mình Thánh Chúa, tức là nhờ vào cuộc gặp gỡ thân xác với Đức Kitô, Đấng thông ban sự sống trường sinh đến hết thảy mọi chi thể của Người (x. Ga 6:54).

Con người đi về phía Thiên Chúa ngang qua thân xác. Dù là với khối thịt thô nặng, hoặc là với tâm lý tinh nhạy đi nữa, thì cảm quan của người kitô vẫn hoạt động như là bộ tiếp phát các làn sóng của Thần Khí; linh hồn chỉ là một dạng thần trí kết nhập vào thân xác. Trong cuộc kiếm tìm Thiên Chúa qua kinh nguyện, thân xác phải đóng vai trò như kẻ dẫn lối, đưa đường, phải biết thuận theo Thần Khí; vai trò đó được biểu hiện qua thái độ thinh lặng, tư thế, cử chỉ, hơi thở, v.v. Khi các bậc thầy về đời sống thiêng liêng đề cập đến ơn an ủi hay sầu khổ, là họ muốn nói đến các dạng phản ứng của cơ thể đối với sự hiện diện của Thiên Chúa bên trong con người. Qua đôi mắt, con người nhìn thấy ánh sáng thể nào, thì qua não bộ, con người cũng nhận biết Thiên Chúa như thế; không bước theo con đường thể xác thì di đến đâu được cả. Nói cho văn chương một chút: Thần Khí chỉ chơi khúc nhạc thần linh của Người với cây vĩ cầm là cơ thể; bởi đó, việc chăm lo giữ gìn thân xác là điều hết sức quan trọng.
 
IV. THẦN KHÍ TRONG DÒNG LỊCH SỬ

Hiện diện trong khắp không gian của vạn vật thụ tạo thể nào, tất Thần Khí cũng hiện diện đầy tràn xuyên suốt thời gian của con người – tức dòng lịch sử – như vậy. Trong địa hạt thời gian, Thần Khí Sáng tạo/Thần Khí Sự thật là Đấng gợi hứng siêu việt cho cuộc hành trình phiêu lưu kiếm tìm bất tận của con người. Khuynh hướng bẩm sinh dồn thúc tiến tới và khát vọng hiểu biết của con người là một ân huệ Thần Khí ban tặng. Câu châm ngôn đã đọc thấy ở trên – “phàm hết thảy những gì là chân lý, bất chấp do ai phát ngôn, thì cũng đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần” – càng tỏ ra thích đáng hơn nữa khi xét về phương diện luân lý và tôn giáo, như những lời lẽ sau trong sách Khôn ngoan cho thấy: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.” (Kn 9:17-18).

Lịch sử dân Ítraen đóng vai kiểu mẫu cho lịch sử của hết thảy mọi dân tộc; những gì có thể nhìn thấy tỏ tường nơi dân tộc Ítraen thì cũng đúng với trường hợp những dân tộc khác, dù là theo những cách thức kín ẩn và bí nhiệm hơn. Môsê đã đặt tay trên Giôsuê để ông này lãnh nhận tràn đầy thần khí khôn ngoan mà hướng dẫn dân tộc (x. Đnl 34:9). Trường hợp các thủ lãnh Ítraen cũng tương tự như vậy: “Thần khí của Đức Chúa ở trên ông, và ông đã lãnh đạo Ítraen” (Tl 3:9-10; x. 11:29; 13:25). Lúc chế độ quân chủ đã được thiết lập, hành động xức dầu cho vua biểu thị việc Thần Khí ngự xuống, như thấy ở trường hợp của Saun (x. 1Sm 10:1-8) hoặc của Đavít (x. 1Sm 16:1-13). Vì tin rằng, một cách nào đó, việc cai trị của các nhà cầm quyền trên các dân tộc là một hoạt động mang tính cách như là khí cụ thần linh, nên người kitô luôn tỏ thái độ tôn trọng các chính quyền dân sự: cả Phêrô lẫn Phaolô đều khuyên nhủ điều này (x. 1Pr 2:13; Rm 13:1). Như Thánh vịnh 99 đã cho thấy dân Ítraen cảm nhận được rằng: “Chúa là Vua hiển trị... Người trổi vượt trên tất cả mọi dân...”; “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương; qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100:5).

Đức tin kitô nhận thấy nơi đây sự Quan phòng của Thiên Chúa, và cụ thể hơn, như công đồng Vaticanô II đã dạy: “Thần Khí Thiên Chúa, Đấng điều khiển dòng biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu” (GS 26). Đương nhiên, lo nhận cho ra Thần Khí Sự thật giữa những gì là hỗn tạp, giả trá và sai lầm, lo tìm cho thấy Thần Khí Tình yêu giữa những gì là bất hòa, bạo lực và oán thù, lo nhìn cho tỏ dung mạo hiền lành của Thiên Chúa giữa những gì là xấu xa, ác dữ, lo nhận cho rõ những lối hẹp mà Đấng Quan phòng đã đi giữa những con đường khúc khuỷu của lịch sử: là một thách đố đối cho đức tin; dù vậy, đức tin có thể nhìn thấu suốt thực trạng đó.

Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu như sau: “Nhờ ân huệ Thánh Thần, thế giới con người trở nên một ‘spatium verae fraternitatis’, một không gian của tình huynh đệ đích thực (x. GS 37).”[22] Trên thực tế, đọc “các dấu chỉ thời đại”, công đồng Vaticanô II đã nhận ra rằng: “giữa các dấu chỉ trong thời đại chúng ta, đáng chú ý nhất là cảm thức về tình liên đới giữa các dân tộc với nhau, một cảm thức không ngừng tăng triển và không thể không hiện rõ trước mắt” (AA 14). Thần Khí là niềm hiệp thông đặc biệt; hết thảy những gì tăng triển trong mối tương thuộc, trong tình liên đới và hiệp nhất đều do bởi ân huệ Người. Dù có mang những khía cạnh tiêu cực và đem lại những hậu quả tai hại đi nữa, thì tiến trình toàn cầu hóa ngày nay cũng có thể được coi như là một dấu chỉ rõ ràng của ý định thần linh dành cho cộng đồng nhân loại. Trở nên tinh tường hơn, cặp mắt con người có khả năng nhận rõ những kết cục xấu xa trong những ý định tốt lành; tuy nhiên, cặp mắt đức tin còn phải lo nhận cho ra điều lành trong điều dữ nữa, chẳng hạn như tình đoàn kết mới mẻ lộ hiện sau những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, những loại thuốc men mới ra đời từ các cuộc nghiên cứu vũ khí khoa học, những vật liệu và công cụ mới được tạo nên do các ngành kỹ nghệ chỉ nhắm lợi nhuận, v.v. Với niềm xác tín sâu xa, người kitô phải nhận chân việc sự dữ sẽ không thể nào gióng lên tiếng nói cuối cùng, tiếng nói quyết định; sự thiện sẽ toàn thắng.

Bộ phận cấu thành của lịch sử nhân loại, Giáo hội là nơi niềm xác tín ấy mang tính cách sống động hơn cả: “Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời. Thực vậy, đức tin lấy ánh sáng mới mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải pháp hoàn toàn nhân bản” (GS 11). Dù có xác tín rằng những gì của Cêda phải được trả về cho Cêda, nhưng Huấn quyền Giáo hội cũng quả quyết là mình có một nguồn sáng đặc biệt nào đó khả dĩ góp phần vào công ích, vì nếu kế hoạch của Thiên Chúa là “để giờ đây, nhờ Hội thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Ep 3:10), thì ở khắp thế giới này, qua Giáo hội, sự khôn ngoan ấy ắt còn được biểu lộ nhiều hơn thế nữa.

Giáo hội Chính thống cũng có dạng quan điểm tương tự như thế: “Qua Thần Khí, Thiên Chúa cưu mang thế giới, hoạt động trong thế giới ấy, và dùng mầu nhiệm Giáo hội để hướng dẫn nó tiến về cứu cánh (telos), về chỗ hoàn tất của nó. Qua Thánh Thần, Người thực hiện kế hoạch cứu độ và thần hóa thế giới. Nhờ Thánh Thần, con người nhận được Mạc khải của Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể hoạt động qua con người.”[23] Trong nền thần học lịch sử (bàn về tác động thần linh ngấm ngầm dưới các biến cố khả dĩ kiểm chứng), Giáo hội đóng giữ một vai trò nền tảng.

Có vẻ như qua những biến cố có tính cách thúc bách, khẩn thiết, Thần Khí được nhận ra dễ dàng hơn... Đức Giê­su đã hứa ban Thánh Thần cho những ai phải chịu bách hại, ngược đãi vì Người: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12:11-12); đây là điều được xác nhận trong rất nhiều trường hợp. Óc thù ghét mà thế gian dành cho người kitô và các giá trị kitô – hệt như âm bản của một bức ảnh – vén lộ cho thấy hoạt động của Thần Khí trong dòng lịch sử.

Lịch sử mang tính cách năng động; đó là tiến trình phát triển của nhân loại và của thế giới. Thần Khí được ban xuống để làm cho chúng ta trở nên những con người đích thực, trong vinh dự và khôn ngoan; và điều này chỉ có thể trở thành hiện thực vào hồi chung cục, sau một tiến trình lâu dài. Như một đứa trẻ sơ sinh phải lớn lên để nên người trưởng thành (quá trình phát triển cá thể, ontogenesis) thể nào, thì dòng giống con người cũng phải trưởng thành lên (quá trình phát triển nhân loại, anthropogenesis) như thế; đức tin có khả năng nhận ra một dạng “chương trình” – được Thần Khí Sáng tạo viết nên – trong các tiến trình như thế. Cũng có thể nói theo cách tương tự về quá trình hình thành và tiến phát của văn hóa: cả trong lãnh vực này  nữa, Thần Khí cũng hướng dẫn con người trong nỗ lực cải tạo thiên nhiên theo những cách thức phù hợp với công trình ban phát sự sống của Người. Quá trình chỉ dẫn này có thể đưa đến việc chào đời của các giá trị hoặc các phát minh trong ngành công nghiệp. Chẳng có gì khả dĩ trở thành nhân bản nơi con người nếu không có Thần Khí Thiên Chúa tác động.

Trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, công đồng Vaticanô II đã dạy như sau: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (số 34). Ở đây, có thể quay trở lại với vấn đề sinh thái. Nhìn những thành quả được dệt nên từ nỗ lực của con người suốt trong dòng lịch sử, thần học nhận ra rằng “các ngành khoa học nhân văn đã đạt đến một dạng tri thức phân tích và phân ngành về thiên nhiên, với mục đích hành quyền trên nó. Đức tin, trái lại, có nhiệm vụ phải cổ xúy một dạng tri thức tổng hợp và hiệp nhất về công trình tạo dựng, với mục đích hiểu biết, duy trì và hoàn tất nó.”[24] Theo đường lối này, đức tin kitô có thể giúp ích rất nhiều cho óc sáng tạo của con người trong việc đạt đến các mục tiêu lịch sử mà Chúa Thánh Thần đã vạch ra.