Tuesday, 07 January 2020 06:30

Thần Khí Với Đời Sống Thiêng Liêng (6/1) Featured

KHÁI LUẬN THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Tác giả: Lm. Felipe Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

PHẦN VI: THẦN KHÍ VỚI ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

 


Kitô giáo hiểu rằng đời sống “thiêng liêng” phát xuất từ Thần Khí Thiên Chúa, Đấng ngự trong tâm hồn tín hữu và biến đổi tình trạng hiện hữu “theo xác thịt” sang thể dạng hiện hữu “theo thần khí.” Thần Khí – là “Thiên Chúa đang hoạt động” – sáng tạo và tái tạo, nắn đúc và phục hồi thực tại nhân loại, làm cho nó trở nên phù hợp với ý định sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa. “Thần Khí ban sự sống” – mà người kitô tuyên xưng trong kinh Tin kính – đang thổi sức sống thần linh một cách đặc biệt vào những tâm hồn Người đã xức dầu qua phép rửa. “Thần Khí ban sự sống” giải thoát con người khỏi “tội lỗi và sự chết,” làm cho con người dần dần triển nở đến tầm vóc viên mãn của Đức Kitô Giêsu; và sở dĩ con người có thể được như vậy thì không phải là nhờ nỗ lực thực thi một lề luật nào đó – chẳng hạn, việc thực hành khổ chế – nhưng chính là nhờ ân sủng do Thần Khí ban cho (x. Rm 8:2tt).

Mối tương quan giữa người tín hữu với Thánh Thần có thể khởi đầu từ một số kinh nghiệm, đặc biệt là các kinh nghiệm có sức tác động sâu sắc đối với tâm hồn; tuy vậy, tiến trình suy tư về mối tương quan này nhất thiết phải được khởi sự “từ trên cao” nhằm đảm bảo quyền ưu tiên tuyệt đối của Thiên Chúa trong hết thảy mọi sự, đặc biệt là trong trật tự cứu độ. Trong đời sống thiêng liêng, mọi thứ người kitô có được đều nhờ cả vào việc “đã lãnh nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’” (Rm 8:15). Đức tin, nền tảng của hết thảy mọi điều khác, khởi đầu với Thần Khí (x. 1Cr 12:3) – và dẫn đến phép rửa – “nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Phép rửa không phải là đích điểm, nhưng là một khởi điểm, một “cuộc sinh ra”, điểm xuất phát của một tiến trình được đưa dẫn từ bước này sang bước khác (“từ vinh quang này đến vinh quang khác,” như lời thánh Phaolô) để tiến tới một tình trạng dự phần ngày càng trọn vẹn hơn vào “cuộc đổi trao kỳ diệu”; thánh Atanaxiô đã diễn tả điều đó như sau: “Ngôi Lời đã được làm cho trở nên kẻ mặc lấy xác phàm [sarkophoros] hầu chúng ta có thể trở nên những kẻ mang Thần Khí [pneu­matophoroi].”[1]Và đà tiến phát trong tiến trình thông phần này thì không bao giờ chấm dứt. Tình trạng hoàn thiện của người kitô không cốt ở một đời sống vô tì vết, đượm nhuần các nhân đức hay được tô điểm bằng các việc lành, nhưng hệ tại ở việc sống trong sự chỉ bảo và dẫn dắt của Thần Khí với thái độ tùy phục trọn vẹn đối với tác động thúc đẩy của Người (x. Rm 8:14). Hoàn thiện là tình yêu, mà tình yêu thì được đổ vào tâm hồn con người nhờ Thần Khí (x. Rm 5:5).

Mọi danh hiệu của Thần Khí đều có liên quan đến – tức mang một ý nghĩa đối với – đời sống thiêng liêng. Trước tiên, nếu Người là “Thánh Thần”, Đấng thánh hóa, thì tất yếu, đời sống thiêng liêng trước hết cũng phải là một hành trình kiếm tìm sự thánh thiện, theo nhiều con đường mà truyền thống đã để lại trong dòng lịch sử. Và khả năng tiến bước – trên bất cứ một con đường nào – đòi hỏi phải có sức nâng đỡ của Thần Khí như là Đấng đồng hành, hướng dẫn và an ủi. Mọi hành trình thiêng liêng đều dẫn đến – hoặc băng ngang qua – hành vi thờ phượng và cầu nguyện; và những hoạt động đó chỉ trở nên đích thực nhờ vào sức năng tác động của Thần Khí (x. Rm 8:26). Kế đến, vì là “Thần Khí Sự thật” (Ga 16:13) nên Người làm cho đời sống thiêng liêng được triển nở dựa trên sự thật, dựa vào Đức Kitô, là Sự thật (x. Ga 14:6), nhưng cùng lúc, cũng dựa trên sự thật hữu hạn, mức độ chính trực, chân thành và lương thiện của con người nữa; và hành trình tiến dần về với sự thật đòi hỏi một nỗ lực tìm kiếm không ngừng, những mức độ “hơn nữa” – điều mà linh đạo Inhã gọi là magis – vốn dĩ chỉ có Thần Khí mới đủ sức ban cho: “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13). Quả là thích hợp khi nhắc lại ở đây rằng thứ tội duy nhất mà Đức Giêsu không thể dung thứ được chính là thái độ giả hình – một loại tội đối nghịch với sự thật. Mọi cuộc kiếm tìm chân lý và tinh thần chân thật đều được Thần Khí làm cho trở nên muôn phần hứng khởi; có xác tín được như thế thì mới có thể tìm ra được một nền tảng thiết thực và vững chắc cho bất cứ một dạng linh đạo đối thoại nào.[2] Thánh Phaolô cũng nhắc đến “ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13), tức là sức năng động giúp phá tan mọi rào cản và hiệp kết các tâm hồn lại với nhau nhằm xây dựng và củng cố cộng đoàn. Đời sống thiêng liêng tư riêng theo kiểu “mai danh ẩn tích” của các ẩn sĩ, đương nhiên là vẫn có thể tiến hành; tuy nhiên, Giáo hội lại muốn các tu sĩ sống hợp quần thành một “cộng đoàn, như là một gia đình đích thực, quây quần bên nhau nhân danh Chúa; và từng thành viên đều nhờ Chúa Thánh Thần mà được lãnh nhận dư tràn tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn mình (x. Rm 5:5)” (PC 15). Sau hết, vì Thần Khí cũng là “Dây se Tình yêu” của Cha và Con, nên đời sống thiêng liêng có triển đạt nhanh mạnh được thì cũng nhờ bởi giao ước tình yêu đó đã hiệp kết toàn thể đoàn dân thiêng liêng lại với nhau và làm cho hiện hữu theo một dạng thể hợp quần, trong đó, những cá biệt riêng tư phong phú làm nên một tổng thể duy nhất. Nếu Giáo hội nói chung và từng cá nhân kitô nói riêng, là “Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 3:16), thì có thể thấy là thực tại đó được biểu lộ rõ ràng nhất dưới mẫu hình dấu chỉ, chẳng hạn như một gia đình – “Giáo hội tại gia” – hoặc một cộng đoàn tu sĩ.

Đời sống thiêng liêng kitô được xây dựng vững chắc trên nền tảng đức tin kiên cố, nhưng lại không ngừng chịu thử thách bởi năng lực tự do của Thần Khí, Đấng muốn thổi đi đâu thì thổi.

I. THỤ TẠO MỚI

Đức Giêsu đã cho Nicôđêmô biết rằng con người nhất thiết phải được tái sinh trong nước và Thần Khí thì mới vào được Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô cảm thấy rất phấn khởi về đời sống mới này – ngài gọi là đời “sống theo thần khí”, đối lập với lối sống “theo xác thịt” trước kia – và đã miêu tả điều đó như sau: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới: cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5:17). Cuộc tạo dựng mới, “trời mới và đất mới” – như các ngôn sứ từng tiên báo trong Cựu Ước (x. Is 65:17) – giờ đây đã thành hiện thực. Thực tại thiêng liêng ấy – trí khôn tự nhiên không đủ sức nắm bắt nổi, nên – đòi hỏi phải có một loại tri thức mới, một dạng ngôn ngữ mới: “với những lời lẽ Thần Khí linh ứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí” (1Cr 2: 13). Thần Khí chính là Đấng dẫn đưa toàn thể vũ trụ tiến đến đích điểm của sự sống này; giờ đây, tuy đời sống mới ấy không miễn trừ cảnh hư nát mà con người sẽ phải kinh qua, nhưng ơn giải thoát đã được hứa ban và tiến trình giải thoát đó đã khởi sự trong con người rồi; đây chính là ý nghĩa của khái niệm “ân huệ mở đầu”, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma: “cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:23). Thân xác con người đang mang thực sự sẽ được làm cho trở nên “thân thể có thần khí” – tức thân xác được hoàn toàn đượm nhuần Thần Khí – trong cuộc sống lại từ cõi chết (x. 1Cr 15:44).

“Ân huệ mở đầu” này là một hạt giống đang từng ngày triển vươn trong tâm hồn người kitô: một đời sống theo Thần Khí. Kitô hữu sẽ ở mãi trong tình trạng trẻ con non nớt trong đời thiêng liêng nếu không từng bước tiến đến mức trưởng thành theo tầm vóc thực sự của “con người thiêng liêng”, như lời nhận định của thánh Phaolô trong 1Cr 3. Theo thánh Tông đồ, “con người cũ” (Ep 4:22; Cl 3:9) là con người – với kiểu sống, lối nhận thức và cách hành động – rập khuôn theo các chuẩn mực thuần tự nhiên, bị tội lỗi làm cho ra hư hỏng, và “không đón nhận những gì thuộc về Thần Khí Thiên Chúa” vì cho đó là điên rồ (x. 1Cr 2:14). Để có thể trở nên kitô hữu thuần thành, nhất thiết con người phải ra sức “sống theo Thần Khí và không còn thỏa mãn các đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5:16). Chẳng hạn, nếu chỉ biết theo đuổi những mục đích vị kỷ, hoặc dấn thân vào các thủ đoạn chính trị chẳng hạn, tất người kitô vẫn còn để cuộc sống mình đắm chìm trong các lề thói người phàm (x. 1Cr 3:3-4); trong khi đó, Thần Khí hằng mời gọi mỗi người phải biết phát triển bản thân để đạt đến tầm vóc thiêng liêng, tức là, vươn đến một mức độ siêu-phàm: mục đích cuối cùng Thần Khí nhắm tới là việc làm cho người kitô trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Phục Sinh (x. 1Cr 15:49; Pl 3:21), đúng theo ý Chúa Cha đã tiền định (x. Rm 8:29).

Cuộc “tái sinh” – như thánh Phêrô trình tả (x. Pr 1:3) – diễn ra qua phép rửa: “nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Theo quy luật tự nhiên, bất cứ một kết quả nào phát sinh từ một tác nhân thì cũng đều đồng dạng – hoặc tương tự – với tác nhân phát sinh ra nó; dùng một dạng cách loại suy, Đức Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô hiểu rằng “cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí” (Ga 3:6). Qua phép rửa, với nước (chất thể) và Thần Khí (Thiên Chúa), người kitô được tái sinh để mặc lấy một thể dạng hiện hữu mà truyền thống thiêng liêng gọi là “thần khí-thiêng liêng” hoặc “thần nhân,” tức là dạng cách hiện hữu bao hàm cả yếu tố thần linh lẫn nhân loại. Thánh Gioan đã nêu bật cho thấy rằng, “phàm ai được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3:9); còn thánh Phaolô thì đã khẳng quyết như sau: qua phép rửa, tín hữu đã được dìm vào cái chết của Đức Kitô để cũng được sống lại như Ngài, và nhờ đó, có khả năng “sống một đời sống mới” (Rm 6:4); nói cách khác, “những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” và – nếu đã là như vậy, thì – “đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau” (Gl 5:24-26). Nếu kitô hữu mà chỉ biết sống theo các nguyên tắc luân thường đạo lý của thế gian – dù là tốt lành – không thôi, thì như thể vẫn còn là “con trẻ” đối với đời sống trong Thần Khí. Kitô giáo là một “con đường” (x. Cv 9:2; 19:9.23), khác hẳn với những con đường khác: “con đường công chính” (x. 2Pr 2:21), “một con đường mới mẻ và sống động” (Dt 10:20), và trên hết, con đường đó chính là Đức Kitô (x. Ga 14:6). Bởi đó, để có thể bước đi trên con đường này, người kitô phải được Thần Khí dẫn dắt: “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, thì đều là con cái của Thiên Chúa” (Rm 8:14); ngoài Thần Khí ra, sẽ chẳng còn có một năng lực nào khác đủ sức đưa dẫn con người trong cuộc hành trình đời sống thiêng liêng.

Giáo hội, đặc biệt là truyền thống phụng vụ, đã hiểu phép rửa như là một cuộc “quang khải” (illumi­na­tion) do chính Thánh Thần chủ động; tác động “quang khải” đó trước hết là tiến trình trao ban ân huệ đức tin và, sau nữa là một số ân huệ giúp lĩnh hội toàn vẹn đức tin đó, tức các ơn thâm hiểu và khôn ngoan cũng như hết thảy mọi dạng minh giác (gnosis) kitô gắn liền với trí tuệ và ngôn ngữ (xem phần dưới đây). Tựu trung, bất cứ khi nào cần đến ơn “soi sáng”, Giáo hội cũng đều khẩn cầu Chúa Thánh Thần: Veni, Creator Spiritus, mentes tuorum visita... hoặc Ve­­­ni, Sancte Spiritus, et emitte caelitus lucis tuae ra­dium...

Mối tử hệ dưỡng nghĩa là diễn ngữ khắc họa rõ nét nhất công trình Thần Khí thực hiện nơi kitô hữu: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế; mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô...” (Rm 8:14-17). Kế hoạch cứu độ của Chúa Cha nhằm vào mục đích này, theo đó, Đức Kitô “là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (8:29), hoặc nói cách khác, là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1:18). Và mục đích đó, Thiên Chúa đã tiền định từ thuở đời đời trong tình yêu: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Thánh Gioan cũng công bố cùng một tin mừng như thế: “những ai tin vào danh Người (Đức Kitô), thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa... được sinh ra bởi Thiên Chúa” (Ga 1:12-13). Và đây chính là nguyên do trọng đại nhất giúp mang lại niềm hoan hỷ: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào; Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa... Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3:1-2). Nếu diễn tả theo cung cách của con người, thì Thần Khí chính là Ngôi Vị thần linh có mối tương quan gần gũi nhất đối với kitô hữu; tuy thế, Người lại không đồng hóa tín hữu với Người, nhưng với Con, để rồi Cha sẽ yêu thương tín hữu như Ngài đã yêu thương Con mình. Chính Chúa Cha là Đấng – qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần – đã nhận người kitô làm dưỡng tử; bởi đó, tín hữu không phải là con cái của Con, không phải con cái của Thần Khí, cũng chẳng hề là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi,[3] nhưng là con cái của Cha. Chúa Con chính là nguyên nhân mẫu mực của mối tử hệ chúng ta có đối với Cha, và mối tử hệ này tùy thuộc vào mối từ hệ Ngài có đối với Ngôi Cha; song, nhất thiết cũng cần phải lưu ý rằng nói thế không có nghĩa là muốn chỉ về Ngôi Lời hằng hữu, nhưng chỉ muốn nói đến Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu: Ngài đã mang lấy thân phận con người hầu con người có thể mặc lấy thân phận của Ngài. Ngài là Đấng Trung gian: “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên [dân ngoại và dân Do thái] được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2:18).

Đời sống hoàn thiện của dân kitô chỉ đơn giản là khả năng trở nên – và sống theo tư cách là – con cái của Cha (x. Mt 5:45). Đó không những là một chân lý đức tin, mà còn phải là một kinh nghiệm, như thánh Phaolô đã quả quyết: Thần Khí kêu lên trong chúng ta “Ápba, Cha ơi”, có một điều gì đó trong chúng ta biểu hiện sự hiện diện ấy; điều đó hiện rõ trước hết qua kinh nghiệm được giải phóng khỏi lề luật Mô­­sê cùng những hệ lụy ràng buộc của nó, tựa như đi từ tình trạng của một kẻ nô lệ đến cương vị của một con cái trong gia đình (x. 2Cr 3:17; Gl 4:31; 5:1.18). Dĩ nhiên, trong thế giới này không có tự do tuyệt đối; sống giữa thế gian, con người bị ràng buộc vào những điều kiện hiện hữu cả về phương diện cá nhân lẫn trong lãnh vực xã hội. Do vậy, tự do khỏi ông chủ này có nghĩa là phải vâng phục một ông chủ khác: tự do kitô là tình trạng thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi để tòng phục đức công chính, như thánh Phao­lô đã giải thích hết sức rõ ràng trong Rm 6.

Đương nhiên, trong xã hội dân sự, người kitô không được sống như là phường vô chính phủ, trái lại phải biết tuân thủ mọi luật lệ do chính quyền đặt ra, như đọc thấy trong lời khuyến dụ của thánh Tông đồ qua một số bức thư: Rm 13:1-7; Dt 13:7; 1Pr 2:13-14.

Mối tử hệ như đã nói tới trên đây, giúp mang lại một dạng cách cầu nguyện mới mẻ. Về điều này, sách Giáo lý Công đồng Trentô chỉ đưa ra lời giáo huấn đơn sơ như sau: “Chúa Thánh Thần chính là ‘tác giả’ các lời cầu nguyện của chúng ta.”[4] Các bản văn của thánh Phaolô đã biểu trình cách sáng tỏ rằng khi làm cho chúng ta trở thành con cái, Thần Khí đã dạy chúng ta cầu nguyện với danh xưng Ápba! – là tiếng mở đầu  lời cầu Đức Giêsu thưa lên với Chúa Cha trong Vườn Cây dầu, và cũng là lời mở đầu kinh nguyện Ngài đã dạy chúng ta. Sống càng kết chặt với Thần Khí thì lời cầu càng tốt đẹp thêm lên. Thực vậy, dù là có tính cách riêng tư đến mấy đi nữa, thì lời cầu của tín hữu bao giờ cũng bao hàm việc để cho Thần Khí nguyện cầu trong chính tâm hồn mình. Quả là thú vị khi nhận ra rằng đặc tính ưu việt của phong trào canh tân đặc sủng chính là cầu nguyện.

Người tín hữu phải sống mối tử hệ thần linh này giữa một môi trường thù địch, chống đối từ phía bên ngoài. Đức Giêsu đã từng cảnh báo: “Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15:19). Trong tư thế là Người Con, Đức Giêsu chính là đối tượng điển hình của thái độ chống đối ấy; thêm nữa, trong Thần Khí, các Tông đồ cũng là những người đã cảm nghiệm được niềm hân hoan khi phải chịu bách hại (x. Cv 5:41); cũng thế, giống như thánh Phaolô, các tín hữu Thêxalônica có được kinh nghiệm “ sống giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban cho” (1Tx 1:6). Phần mình, thánh Phêrô đã khuyên nhủ các tín hữu của ngài như sau: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5:8); từ ngữ “ma quỷ” ở đây không chỉ muốn nói đến những thực thể thần linh, nhưng còn chỉ về một số thể chế hay những cá nhân bằng xương bằng thịt. Cuộc chiến thiêng liêng đó có tính cách miên trường, trải dài suốt cả cuộc đời; nhưng người kitô đã được trang bị chu đáo bằng khí giới của Thần Khí: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em mới có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy, hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáo là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6:11-17). Vững dạ xác tín như thế, tất người kitô có thể đồng cảm được với tâm tình của thánh Tông đồ: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).
 
II. TÌNH TRẠNG CƯ NGỤ TRONG TÂM HỒN

Thần học coi tác động thánh hóa như là “sứ mạng vô hình” chính yếu của Thánh Thần. Cha không thể được sai đi, nhưng lại đến cùng với Con, trong sức tác động của Thần Khí, bởi vì mọi hoạt động đều phát xuất từ tình yêu: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14: 23). Đức Lêô XIII đã nhận định rằng cuộc ngự đến này “được quy gán cho Chúa Thánh Thần theo một dạng cách độc hữu. Bởi vì, dù rằng các dấu hiệu biểu trưng cho sức lực và khôn ngoan thần linh có hiển hiện nơi những kẻ xấu xa đi nữa, thì chỉ có đức ái – vốn dĩ là nét đặc trưng của Chúa Thánh Thần – mới được thông ban cho những kẻ sống công chính mà thôi. Như thế, quả là thích đáng khi gọi Thần Khí ấy là Thánh; bởi vì Người, Tình Yêu tuyệt đỉnh, hằng thúc đẩy các linh hồn và đưa dẫn họ bước vào cảnh giới thánh thiện vốn dĩ hệ tại ở tình yêu dành cho Thiên Chúa. Bởi đó, khi gọi chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, thánh tông đồ đã không đề cập riêng gì đến Cha, Con, hoặc Thánh Thần: ‘Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em’ (1Cr 6:19).”[5]

Thái độ xác tín cùng với kinh nghiệm về sự hiện diện thần linh ấy đã trở nên đà thúc đẩy cho tiến trình đời sống thiêng liêng trong giáo hội kitô sơ khai. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã gọi các kitô hữu là theophoroi, tức “những kẻ mang Thiên Chúa trong mình,” “tràn đầy Thiên Chúa,” “dự phần với Thiên Chúa.”[6] Còn thánh Giúxtinô thì cho rằng người kitô được thụ hưởng “tính bất tử và bất khả hư nát” – theo quan niệm của người Hy lạp, thì đó – là những biệt tính độc hữu dành cho Thiên Chúa.[7] Có thể trưng dẫn thêm nhiều câu hay đoạn viết khác nói lên cùng một ý tưởng “cư ngụ” như thấy trên đây.

Nếu Thiên Chúa đã hiện hữu như là Đấng Tạo hóa – “bằng yếu tính, năng quyền và sự hiện diện” trong hết thảy mọi thụ tạo – thì đâu là nét mới mẻ, đặc trưng trong cách thế hiện diện “ban thêm” này? Thánh Tô­ma A­qui­­nô cắt nghĩa cho rằng đó chính là một dạng tác động thụ tạo thường được gọi là “ân sủng thánh hóa”,[8] tức ơn thánh sủng. Sứ mạng hoặc cuộc ngự đến như thế chỉ có thể được tiến hành nơi các thụ tạo có lý trí, trong đó, Thiên Chúa “giống như là Đấng được biết trong người suy biết và là Đấng được yêu trong người yêu mến.”

Dù vậy, cung cách quan niệm về một dạng thức hiện diện chỉ qua ân sủng không thôi thì có vẻ hoàn toàn chẳng ăn nhập với các lời Kinh Thánh vốn khẳng quyết về một năng lực hiện diện mang tính cách cá vị. Thực thể cư ngụ bên trong này chính là Ba Ngôi Thiên Chúa: nói rằng “chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống,” là thánh Phaolô muốn ám chỉ đến Chúa Cha (x. 2Cr 6:16), nhưng ngài cũng nhắc đi nhắc lại rằng Đức Kitô sống trong chúng ta (x. Gl 2:20; Ep 3:17), cho dù sự việc Thần Khí cư ngụ trong tâm hồn người kitô đã được đề cập đến nhiều nhất.

Một số thần học gia đề xuất ý niệm về một dạng thức hiện diện “hữu thể”[9] hay một nguyên nhân “bán-mô thức”[10] (theo nghĩa kinh viện của thuật ngữ này), hoặc một số dạng cách hiện diện khác, dù cảm nhận là có thực nhưng lại không thể định nghĩa được. Tác động chung của Thiên Chúa Ba Ngôi là thánh hóa, còn gọi là ân sủng thụ tạo; hiệu quả do năng lực hiện diện của từng Ngôi Vị mang lại được gọi là “đặc thù tính” (proprium), tức là hiệu quả có tính cách riêng biệt thuộc về từng Ngôi Vị; đây được gọi là ân sủng vô tạo. Dùng cung cách biểu đạt của loài người, thần học quan niệm Chúa Thánh Thần như là Ân huệ thần linh trác tuyệt, là Đấng trước hết và phải qua Người thì Cha và Con mới cùng ngự đến. Tiếp đó, một mối tương quan có tính cách cá vị được thiết lập giữa tín hữu kitô với từng Ngôi Vị: mối tử hệ dưỡng nghĩa với Cha, tình huynh đệ với Con và mối hiệp thông tình yêu với Thần Khí, hay nói cách khác, Thần Khí ban ơn thánh hóa qua việc đóng một ấn tín của Con lên người kitô, làm cho người kitô trở thành con cái-trong-Con.

Bên cạnh ơn thánh sủng, các hiệu quả khác do năng lực hiện diện bên trong đó mang lại chính là các ân huệ và hoa trái của Chúa Thánh Thần, như sẽ được biểu trình chi tiết hơn trong phần dưới đây. Ấn tích là một hiệu quả mà thần học quy gán cách đặc biệt cho Thánh Thần. Bởi vì Thần Khí được gọi là “Đấng xức dầu” và “ấn tín”, nên ấn tích rửa tội, thêm sức và truyền chức thánh là những hiệu quả đặc biệt phát sinh từ sức tác động của Thánh Thần, Đấng “đóng ấn tín” lên các linh hồn qua một dạng cách hiện diện đặc thù. Có như thế thì khi tội nhân đánh mất ơn thánh sủng, ấn tích kia vẫn giúp giữ được một mối liên hệ với Thánh Thần, Đấng hằng ra sức thực hiện những tác động để cứu giúp tội nhân đó.

Các Giáo phụ gọi hiệu quả của sự hiện diện thần linh đó là tác động “thần hóa”. Trong lãnh vực có tính cách mầu nhiệm này, thiết cần phải lưu ý cho đủ đến cách dùng ngôn ngữ để biểu đạt; thụ tạo vẫn luôn là thụ tạo, không thể nào trở thành thần linh cho được; dù vậy, một số khía cạnh nào đó có tính cách thần linh được trao ban trong tiến trình hiện diện biến đổi này. Khái niệm thần hóa đã được dùng để thử giải thích văn đoạn 2Pr 1:4, qua đó tác giả xác quyết rằng một dạng ân huệ rất quý báu và trọng đại đã được hứa ban, làm cho con người được thông dự vào bản tính Thiên Chúa. Văn đoạn 1Ga 3:2 cũng nhắc lại lời hứa nói rằng ơn tử hệ thần linh sẽ làm cho con người “nên giống như Thiên Chúa” qua khả năng nhìn thấy thực tại của Người. Một niềm hy vọng tương tự cũng được phác tả trong 2Cr 3:18: “tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” Để tâm suy niệm về văn đoạn vừa nêu, cũng như một số văn đoạn có liên hệ khác, thánh Grêgôriô thành Nadian đã đề xuất thuật ngữ theiosis – tức thần hóa – mà về sau thánh Maximô Hiển tu đã khai triển cách đặc biệt; sau đó, đã thấy khái niệm này xuất hiện trong lãnh vực tu đức của cả bên Đông lẫn bên Tây.[11] Tuy nhiên trước đó, ý tưởng này cũng đã trở thành phổ biến rộng rãi trong khắp Giáo hội; thánh Atanaxiô trình xuất một định đề mà về sau sẽ được các Giáo phụ dùng đến: “Ngôi Lời đã làm người hầu con người có thể trở thành những thần linh.”[12] Chứng minh về thiên tính của Thần Khí để chống lại các lạc giáo, thánh nhân viết như sau: “Nếu việc thông phần vào Thần Khí giúp ta thụ lãnh được bản tính thần linh, thì quả là ngây ngô khi bảo rằng Thần Khí mang bản tính thụ tạo chứ không phải bản thể thần linh; mà đã là thần linh, tất Người thần hóa những kẻ Người ngự trong tâm hồn...”[13] Thánh Xyrilô thành Alếcxănđria, người kế nhiệm và là môn đệ của thánh Atanaxiô, cũng quả quyết như sau: “Chúng ta là những đền thờ của Thần Khí, Đấng hiện hữu và cư ngụ trong chúng ta; nhờ Người, chúng ta được gọi là ‘thần linh’, bởi vì nhờ mối tương kết giữa chúng ta với Người, chúng ta có khả năng bước vào trong tình trạng thông hiệp với bản tính thần linh khôn tả” và Người thần hóa chúng ta.[14] Maximô Hiển tu đã đào sâu giáo lý ấy và mang lại cho ý niệm đó một ý nghĩa chuyên môn xác đáng hơn: thụ tạo có lý trí đã được dựng nên cho kết quả này – tức, cho tiến trình “thần hóa” – nhưng dù gì thì cũng phải hiểu rằng đây là một ân huệ có tính cách nhưng không, vốn không đủ sức lấp đầy được khoảng cách giữa Thiên Chúa vô biên với con người hữu hạn. Riêng trong lãnh vực ki­tô học, các Giáo phụ thường coi điểm giáo lý này như là trọng tâm của quan niệm về một “cuộc đổi trao kỳ diệu”, tức về việc Đức Kitô mặc lấy thân phận con người hầu làm cho con người có thể nên giống như Ngài.

Phụng vụ Giáo hội hằng tuyên xưng niềm tin vào ân huệ cao trọng ấy, coi đó như một “cuộc đổi trao kỳ diệu,” như đọc thấy qua lời nguyện trong Phụng vụ Thánh Thể, lúc vị chủ tế hòa lẫn nước và rượu lại với nhau: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”; hoặc như qua lời nguyện trong Thánh Lễ long trọng ngày mừng Giáng Sinh: “Con Cha đã thông phần vào bản tính yếu hèn của chúng con: xin cho chúng con được dự phần vào vinh quang của Người.” Nhất thiết phải quan niệm cho rõ ràng rằng “tiến trình thần hóa” này không hề làm cho hữu thể nhân loại tan biến vào trong thần tính của Thiên Chúa như là hạt muối bị hòa tan giữa khối nước đại dương; ngược lại, trong mối thông hiệp với Thiên Chúa, tính cách thụ tạo của con người được hoàn chỉnh và nhân cách được kiện toàn đến mức tột đỉnh của nó. Tình yêu không triệt hủy nhưng làm triển nở các giá trị. Công đồng Vaticanô II dạy rằng “con người là thụ tạo duy nhất trên thế gian mà Thiên Chúa đã có ý định dựng nên vì chính nó” (GS 24). Điểm cao trào trong kế hoạch thần linh này chính là cuộc Nhập thể của Ngôi Lời, qua đó, tiến trình thần hóa con người đã trở nên một thực tại và mô mẫu ưu việt. Dù vậy, tiến trình đó vẫn mãi là một mầu nhiệm và phải đợi đến sau cái chết qua Đức Kitô để bước vào đời sống của Thiên Chúa, thì con người mới được mạc khải rõ ràng về điều này; và cũng dođó, con người chỉ có thể biểu trình về thực tại nhiệm mầu ấy qua một cung cách dò chừng, ướm thử mà thôi.[15]

Giáo lý này đặt nền tảng trên cách hiểu về cuộc tạo dựng như là một kế hoạch Thiên Chúa đã sắp đặt để thông ban chính mình cho các thụ tạo của Người; ân sủng đó – là một đặc ân được trao ban cách nhưng không – có được là nhờ Thần Khí; Đích điểm cuối cùng là gì thì trí tuệ hạn hẹp của con người chẳng tài nào thấu đạt nổi; tuy thế, ngẫm nhìn đời sống của các thánh chẳng hạn, người kitô cũng đã có thể phần nào hiểu được về năng lực tác động của Thần Khí.

Thần học hiện đại đã dồn nỗ lực vào việc khảo cứu tiến trình thần hóa trong một bối cảnh mới mẻ hơn. Paul Tillich gọi là thần hóa tiến trình “dự phần vào thực trạng Tân-Hiện hữu” – mà theo thần học gia này, đó chính là Nước Thiên Chúa – trong đó, yếu tính của một con người được làm cho tương thích với thực dạng hiện hữu của người đó.[16] Karl Rahner thì quan niệm con người như là một “tinh thần nhập thể” do một năng lực thúc bách có tính cách tiên nghiệm và hướng về Thiên Chúa; tuy nhiên, khuynh hướng tiên thiên này phát xuất từ ý định chuyển thông chính mình cho con người theo một dạng cách độc hữu và vô điều kiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt vào bên trong bản thân con người cái gọi là hiện sinh thể siêu nhiên,[17] một tình trạng phát sinh trong con người như là kết quả của việc được Đức Kitô cứu chuộc; đó đã là một ân huệ được ban cho. Qua thái độ đón nhận Thiên Chúa (dĩ nhiên là con người luôn có khả năng khước từ), tình trạng rộng mở tâm hồn và các tiềm năng của con người được làm cho trở nên trọn vẹn – và đạt đến một mức độ hoàn thiện vượt trên các khả năng tự nhiên – nhờ vào điều mà thần học gọi là “tiềm năng thuận phục thiên ân”, và đó chính là tiến trình “được thần hóa”, như cách truyền thống xưa nay vẫn gọi. “Qua hành vi tự thông ban này, Thiên Chúa – trong dạng thức hiện hữu tuyệt đối của mình – liên hệ với dạng thức hiện hữu thụ tạo theo cách thể như là nguyên nhân mô thức, nghĩa là Ngài không tạo ra một điều gì đó khác biệt với chính mình ở nơi thụ tạo, nhưng đúng hơn, Ngài thông truyền thực tại thần linh của chính mình và làm cho thực tại đó trở nên một thành tố thiết yếu trong bước đường thành tựu của thụ tạo.”[18]
 


[1] Thánh Atanaxiô, De Incarnatione et Contra Arianos, 8.

[2] Một câu châm ngôn thời danh của Ambrosiaster: Omne verum, a quocumque dicatur, est a Spiritu Sancto [điều chân thật dù được ai nói lên, thì cũng đều do từ Chúa Thánh Linh] được thánh Tôma Aquinô trưng dẫn trong Tổng Luận Thần Học, I-IIæ, 109.1 ad 1, và thường được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại, đặc biệt là trong Thông điệp Fides et ratio, số 44.

[3] Cho đến thời gian gần đây, hầu hết các thần học gia đều chấp nhận ý niệm cho rằng chúng ta là con cái của “Thiên Chúa”, tức của Ba Ngôi, căn cứ trên nguyên lý này là mọi hoạt động hướng ngoại (ad extra) của Thiên Chúa đều là công tác chung của cả Ba Ngôi; đó là quan điểm của thánh Tôma Aquinô, in III, q. 23, a. 2. Xem F. Marinelli, Personalismo trinitario nella sto­ria della sal­vez­za, Roma-Paris, 1969.

[4] Sách Giáo lý của Công đồng Trentô, phần 4, chương 7, số 5.

[5] Thông điệp Divinum illud, (1897) số. 9.

[6] Letter to the Ephesians 9.2; 4.2; Lett. to the Magnesians 14.1.

[7] Biện Giáo I, 10.2.

[8] Tổng Luận Thần Học, I, q.43 a.3.

[9] Xem P. Galtier, L’habitation en nous des trois Personnes, Rome2 1950, tr. 214.

[10] A. Michel, thuật ngữ “Trinité” trong Dict.Théol.Cath. vol. 15, col. 1850-1851.

[11] Xem thuật ngữ “Divinisation” trong Dictionnaire de Spiritualité, Vol 3, 1956, 1370-1459; Jules Gross, The Divinization of the Christian according to the Greek Fathers, Anaheim: A&C Press, 2002 (nguyên bản bằng tiếng Pháp, 1938).

[12] De Incarnatione Verbi, 54, PG 25.192b; xem Treaty against the Arians, trong PG 26. 296ab.

[13] Letters to Serapion, I, 24, PG 26, 585bc.

[14] De Trinitate, 7, PG 75,1089cd.

[15] Centuria theologica II, 86-88, PG 90,1165-1168.

[16] Xem P. Tillich, L’existence et le Christ. Théologie systématique, III, Lausan­ne, 1980, tr. 208.

[17] Thuật ngữ này, được vay mượn từ Martin Heidegger (1889-1976), có ý nghĩa chỉ về một tình trạng được coi như điều kiện tiên quyết cho việc thực thi khả năng tự do. Một thí dụ điển hình có thể kể ra đây là nguyên tội, vốn dĩ có sức tác động trên mọi hành động của con người. “Hiện sinh thể siêu nhiên” là điều ngược lại, là tác động của ân sủng trước cả khi nó được đón nhận qua một quyết định tự do, giống như một tình trạng mở lòng ra trước Thiên Chúa.

[18] K. Rahner, Foundations of Christian Faith, New York: Crossroad, 1984, IV, tt. 116-133, tr. 121.