E. Schillebeeckx, O.P.
I. THIÊN CHÚA HÀNH ĐỘNG TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Kitô giáo, theo mạc khải, không chỉ là một học thuyết. Trước hết là một biến cố: biểu lộ hành động của Thiên Chúa trong và qua lịch sử nhân loại. Mạc khải là một biến cố hiện sinh, khi thực tại của Thiên Chúa trở nên khả giác trong các thực tại của nhân loại, thì đó là lịch sử cứu độ. Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Người đến cứu độ chúng ta. Trong tôn giáo “vương quyền Thiên Chúa” đến. cựu ước chỉ nói về Thiên Chúa đến, còn Tân ước đặt trọng tâm nơi việc Đức Kitô đến: sinh ra và ở giữa chúng ta, lên trời, sai Chúa Thánh Thần Xuống, sau lại đến. Giáo hội là vương quốc Thiên Chúa đang thực hiện.
Do sự kiện Thiên Chúa đi vào lịch sử chúng ta, thì lịch sử đó đã trở nên lịch sử cứu độ: nó là sự tiếp nối đầy ý nghĩa các sự kiện lịch sử, trong đó và qua đó Thiên Chúa tự biêu lộ như Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Vì rằng hành động cứu chuộc luôn luôn hiện tại của Thiên Chúa được tỏ ra trong thời gian, qua các biến cố trầ thế và qua những hành động của Ngôi vị sống động thì việc cứu chuộc tự nó có một chiều kích lịch sử. Trên bình diện đó, cần những biến cố cứu độ: sự kiện, điều bất ngờ, con người và xã hội, là những yếu tố quyết định cho việc cứu độ toàn thể thế giới. Trọng tâm của tất cả lịch sử cứu độ này được tìm thấy trong con người Giêsu: Thiên Chúa hằng sống và hành động trong một hình thức thực sự nhân loại và lịch sử. Nơi Đức Giêsu, lịch sử tự nó đã trở nên một giai đoạn của đời sống ngôi vị Thiên Chúa. Biến cố lịch sử cũng biểu lộ đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, như một thực tại lôi cuốn con người. Lịch sử tính ấy nhận lấy một chiều kích vượt quá lịch sử. Về phương diện lịch sử, Đức Giêsu là một con người như bao nhiêu người khác. Một con người sống trong những hoàn cảnh lịch sử cần được chinh phục, có lúc tưởng như Người bị thất bại. Nhưng thực tế lịch sử của Người là một cuộc thần hiện, nghĩa là một hành động của Thiên Chúa được đặt vào những hành vi của con người có điều kiện theo lịch sử, một hành động của Thiên Chúa can hệ đến chúng ta, nhưng lịch sử cứu độ được lời giải thích, đã cho chúng ta nội dung cụ thể và đầy ý nghĩa.
Sau Đức Kitô, trinh nữ Nazareth là nhân vật chính trong biến cố lịch sử này. Trong Thánh Mẫu học, nói đến đời sống của một con người, một ngôi vị hiện diện trong lịch sử trần thế, đó là Mẹ của Đức Giêsu thành Nazareth. Đức Maria là huyền nhiệm của một người Mẹ đón nhận một nguời con. Nhưng đời sống có điều kiện lịch sử là lời mạc khải hành động của Thiên Chúa cứu chuộc đang trở nên thực tại lịch sử nơi người con của Đức Maria.
Vậy huyền nhiệm Maria mang hai chiều kích: chiều kích lịch sử con người cho phép chúng ta xem huyền nhiệm đó trên bình diện khiếm tốn của một người phụ nữ bình thường, mà lòng đạo đức thì lại đơn sơ hoàn toàn thấm nhuần lối nhìn của thời Cựu ước và sống thời quân Roma chiếm đóng. Hiển nhiên lịch sử trần thế, hoàn cảnh chính trị, cũng như tôn giáo của những người Do thái đườn thời đã ảnh hưởng đến đời sống của người phụ nữ đó. Tuy nhiên, vì thiếu tài liệu lịch sử, nên nhiều sự kiện liên quan đến đời sống của Đức Maria vẫn còn nằm trong bóng tối.
Lịch sử đó đồng thời là lời Mạc khải, là khía cạnh hiển nhiên, hữu hình, lịch sử của một chiều kích siêu lịch sử đang hướng tới việc cứu độ toàn thể nhân loại. Chính vì thế, Kinh thánh chỉ ghi lại những sự kiện có liên quan đến đời sống của Đức Maria, khi mà chiều kích cứu độ vượt ra ngoài lịch sử, là yếu tố quyết định. Mọi góc cạnh có tính cách giai đoạn nơi sống của người trinh nữ Nazareth này, mà nơi khác Thánh kinh không đề cập tới – là một sự tiện lợi so với thời gian hay là những biến cố nhân loại đầy ơn sủng của đời sống đó dành riên để biểu lộ hành động cứu chuộc siêu việt của Thiên Chúa. Các sự kiện khác, người ta có thể lặp lại với ít nhiều chắc chắn nhờ nghiên cứu của xứ Palestin, hay các phong tục, thì chỉ là nền tảng mà trong đó, đời sống của người phụ nữ đã diễn ra. Nhưng ý nghĩa của đời sống đó chỉ xuất hiện từ việc suy nghĩ dựa trên những hành động nhân loại có tính cách quyết định, những sắc thái mà trong đó hành động cứu chuộc của Thiên Chúa sắp ăn sâu vào lịch sử nhân loại của chúng ta.
Tìm lại ý nghĩa cứu độ có tính cách thần học và siêu lịch sử của những hành động nhân loại có tính cách lịch sử của Đức Maria là công việc chúng ta đang đặt ra ở đây, nhờ vào ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa.
“Nghiên cứu” một ngôi vị sống động, tự nó là một công việc chán ngán. Người ta không thể phân tích một ngôi vị, dù họ có tương quan mật thiết về tình bạn với người đó. Nhưng Thiên Chúa, Đức Kitô và Đức Maria vẫn tôn trọng sự hiểu biết và tư tưởng của chúng ta khi cầu xin.
Cơ cấu huyền nhiệm Đức Maria, tức là sự biểu lộ ý định cứu chuộc của Thiên Chúa trong những biến cố trần thế và những hành động nhân loại đang làm cho chúng ta nghiên cứu về Đức Maria, cho dù Người xuất hiện rất ít trong Kinh Thánh. Những nghiên cứu Thần học này có thể định nghĩa những sắc thái còn tiềm ẩn đó.
II. ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA “NGƯỜI NỮ TỲ THIÊN CHÚA”
Thường người ta ưa trình bày đời sống thâm sâu của Đức Maria, thánh Giuse và Đức Giêsu ở Nazareth như một câu chuyện thần tiên. Đời sống ở đây thật êm đềm và tốt đẹp như một bản tình ca: Lời Chúa Con vang lên trong mái nhà và khi bồng bế Người là vừa bồng con trẻ, vừa bồng ẵm Thiên Chúa. Như thế, không thể là câu chuyện thần thoại được, nhưng là một câu chuyện có thực. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng cuộc sống trần thế của Đức Maria đang diễn ra trong bóng tối của đức tin, không thể thấy được, hiểu được, nhưng chỉ tin vào những ý định bất khả thấu nhập của Thiên Chúa. Chúng ta quên đi sự trọng đại lớn lao và lời khước từ mà đời sống đức tin này nơi Đức Maria chứa đựng, đã làm cho người thành “Nữ Vương các tín hữu”. Chúng ta nghĩ rằng Mẹ trực kiến Thiên Chúa nơi thân phận nhỏ bé này, mà Kinh Thánh lẫn truyền thống không hề đề cập đến, và có thể đối nghịch lại với những dữ kiện lịch sử mà thánh Luca đã tường thuật trong Tin Mừng của người. Chúng ta cũng không nhận ra sự cao cả thực sự của Đức Maria trong đời sống đức tin của Người.
Toàn thể đời sống của Người được biểu hiện qua những đòi hỏi vững chắc của một đức tin không thể hiểu được, nhưng hoàn toàn phó thác, và triển nở trong tương giao mật thiết với Chúa Con đang lớn lên, nhờ việc suy niệm ngày càng thâm sâu hơn. Thánh sử Luca nói rõ về chủ đề này. Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, và lạc mất trong đám người hành hương, thì ông Giuse và bà Maria đã ưu sầu trong ba ngày liền. Với lời trách móc dịu dàng của Mẹ Người: “Tại sao con làm cho cha mẹ buồn vì con?” Chúa Con trả lời: “Cha mẹ không biết con còn có công việc nơi nhà Cha con sao?” Thánh Luca còn thêm: “Ông Giuse và bà Maria không hiểu lời Người vừa nói ra” (Lc 2,50). Đối với chúng ta, bản văn đó có điểm thuận lợi lớn. Vì lòng sùng kính, nên thời Trung Cổ đã gán cho Đức Maria biết trước mọi giai đoạn cuộc đời của Đức Giêsu lúc truyền tin. Người ta không thể chấp nhận một quan điểm như thế, và quan điểm đang cất đi khỏi Đức Maria những gì làm cho Người cao trọng và tạo cho Người đau khổ: để biết sự mờ tối của đức tin đang đắm chìm vào một mầu nhiệm không thể hiểu thấu và một tương lai mờ tối. Đức tin mà Đức Maria sống rất gần với đời sống đức tin của chúng ta hơn là những câu chuyện do trí thần thoại hay ho về “Chúa Giêsu và thánh Gioan” do trí tưởng tượng và sự sùng kính dân quê tạo nên. Chỉ có ý thức mới có thể ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống chúng ta. Đời sống của Mẹ cũng rất gần với đời sống chúng ta và Mẹ biết những khó khăn của chúng ta, nhưng trong đức tin, Mẹ đã phó thác vào huyền nhiệm khôn dò cuộc sống của mình mà Thiên Chúa là Đấng điều khiển.
Lời truyền tin của thiên thần làm cho Đức Mẹ Maria hiểu rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Chúa, Đấng Mêsiah – Vua sẽ cứu dân Người. Phải chăng Đức Maria cũng biết con của mình là Con Thiên Chúa thật, Thiên Chúa nhập thể? Đức Kitô trong suốt cuộc đời công khai của mình đã ghi sâu vào các tông đồ chân lý sau cùng này và họ chỉ ý thức được cách đầy đủ lúc Chúa Phục Sinh. Vì là con người và nhất là não trạng Do Thái khó chấp nhận một chân lý có tầm cỡ như thể. Phải chăng đó cũng là trường hợp của Đức Maria? Chúng ta hãy phân tích các bản văn Tin Mừng.
1. Biến cố truyền tin
Nội dung của lời truyền tin liên quan đến Đức Kitô gồm những điểm sau:
Vui lên hỡi người đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng người, người được chúc phúc giữa các người phụ nữ (Lc 1,28). Lập tức, Đức Maria đoán được trong lời chào đó một sứ điệp cứu thế và làm cho Mẹ phải choáng váng. Thiên thần lúc bấy giờ dùng cách song đối kiểu Semit điều mình đã nói:
Câu 28 | Câu 30 |
Hãy vui lên đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng người. | Hãy an tâm vì người đã được ân sủng nơi Thiên Chúa; này đây trinh nữ sẽ thụ thai. |
Trong phần thứ hai, lối diễn tả còn mơ hồ “Chúa ở cùng người” được diễn tả rõ ràng: “Trinh nữ sẽ hạ sinh một người con trai”. Người ta nhận thấy trong bản văn này có những nét tương ứng với Sophonia (3,14–17).
Sophonia | Luca |
Hãy vui mừng lên Hỡi thiếu nữ Jêrusalem Giavê là vua Israel ở giữa ngươi, Người không còn phải sợ Hỡi Sion! Giavê, Thiên Chúa của ngươi Đang ở giữa ngươi Hỡi người chiến thắng |
Hãy vui mừng lên đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng người Hãy an tâm Hỡi Maria Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ người con trai mà người sẽ đặt tên là Giêsu. |
Chúng ta sẽ còn đi xa hơn nữa dựa vào tất cả những điều mà việc đối chiếu này hàm ẩn.
Phần 3 của lời truyền tin cho thấy nguồn gốc Đavít của Đấng Cứu Thế. Người ta thấy ở đây có nhiều điểm cứ thời Cựu Ước, nhưng song song với lời tiên tri Nathan nói cho Đavít, ở trong 2 Sm 12–16, còn hiển nhiên hơn nữa.
Luca | Samuel |
Con trẻ sẽ lớn lên | (c.12) Ta sẽ duy trì dòng dõi Người và củng cố ngai báu Người. |
Và người ta sẽ gọi con trẻ là con Đấng Tối Cao. | Ta sẽ là cha nó và nó sẽ là con ta. |
Ta sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít Tổ phụ Người. | Nhà của ngươi và vương quyền ngươi sẽ bền vững mãi trước mặt ta; ngai báu của ngươi sẽ bền vững muôn đời. |
Và vương quyền Người sẽ vô cùng vô tận. | Ta sẽ làm cho vương quyền nó kiên vững mãi muôn đời. (13) |
Sau cùng, nguồn gốc siêu việt của Con Trẻ được xác định: “Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
Chúng ta không thể tìm thấy một bản văn bản nào trong Cựu Ước trực tiếp song song với đoạn này. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sứ điệp đó quy chiếu vào ý tưởng Chekinad của Cựu Ước, diễn ngữ được dành để chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa thường lấy một áng mây chói lọi làm biểu tượng. Một đám mây đang bao phủ khám giao ước (Xh 40,35), đám mây che khuất Đức Kitô trước mắt các môn đệ lúc Người biến hình và thăng thiên, đó là lối diễn tả chỉ sự hiện diện của Giavê.
Chúng ta có thể đối chiếu những bản văn này với cuộc thăm viếng:
Elisabeth ca ngợi Đức Maria: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” song đối với Judith 13,23–24:
Judith | Luca 1,42 |
Hơn mọi phụ nữ trên trần, Con của Người được Thiên Chúa Tối Cao chúc phúc | Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ |
Chúc tụng Đức Chúa, Đấng tạo thành trời đất | Hoa quả của lòng Bà được chúc phúc. |
Việc nhớ lại Cựu Ước đã thêu dệt nên kinh Magnificat (nhất là nếu chúng ta so sánh bản Hy Lạp với bản LXX):
Luca 1,46–56 | LXX |
Linh hồn tôi tán dương Thiên Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi | Lòng tôi nhảy mừng trong Giavê, uy tôi được nâng cao, vì tôi vui sướng được Ngài đáp cứu (1 Sm 2,1) |
Vì Người đã đoái nhìn thân phận hèn mọn tớ nữ Người. Vậy từ nay mọi đời sẽ khen tôi có phúc | Nếu Người đoái đến nỗi khổ của tớ nữ Người; xin đừng bỏ quên tớ nữ của Người (1 Sm 1,11). Vì mọi người nữ sẽ được phúc tôi (St 30,13) |
Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người là thánh | Thiên Chúa đã làm cho ngươi một điều trọng đại (Tl 10,21) và danh thánh của Người |
Lòng thương xót của Người trải qua từ đời nọ đến đời kia trên những ai kính sợ danh Người | Lòng nhân hậu trải dài đến muôn đời đối với những ai kính sợ Người (Tv 103,17) |
Người đã vung cánh tay ra oai thần lực Người dẹp tan bọn kiêu căng |
|
Người lật đổ những ai quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ | (Tv 89; 2 Sm 22,28; Tv 146,6; 33,10; 107; Gb 12,19) |
Kẻ đói khổ Người ban của cải dư đầy và đuổi người giàu có trở về tay không. | |
Người đáp cứu Israel tôi tớ Người, vì nhớ lại tình thương của Người | Hỡi Israel tôi tớ Ta, hỡi Giacob, người Ta chọn dòng giống bạn hữu của Abraham (Is 1,8–9; Tv 98) |
Như người hứa với cha ông ta và dòng giống ông mãi đến muôn đời. | Lòng thương xót Người đã thề hứa với cha ông ta từ những ngày xa trước (Mi 7,20); Đấng cho vua Người chọn, hiển vinh thắng trận, xử nhân nghĩa với người được xức dầu của Người (2 Sm 22,51). |
Chúng ta không thể xác quyết rằng những bản văn ấy sống lại cách rõ ràng trong kinh Magnificat, mà chỉ nói rằng kinh Magnificat là một cách biểu lộ lòng thương xót có tính cách Thánh Kinh của Israel. Ở đây, chúng ta chỉ muốn nói đến một người tín hữu sống trong và bằng tinh thần Cựu Ước, khi thân thưa với Chúa, người đó cầu xin bằng những bản văn Kinh Thánh ăn sâu vào trong tâm trí mình, như Đức Kitô trên thập giá, hay chính chúng ta mượn một vài công thức của thánh vịnh để cầu xin. Chính qua lời truyền tin một vài bản văn Kinh Thánh có thể được phát xuất bởi trí nhớ của một người tín hữu nào đó.
Khi phân tích các văn bản khác nhau này, một đàng chúng ta có bổn phận phải xác quyết rằng những bản văn đó ở trong khuynh hướng thế luận của Cựu Ước, và đàng khác chúng làm cho chúng ta chấp nhận rằng lúc truyền tin, Đức Maria đã có một ý thức mơ hồ nào đó về thiên tính con của Người.
Vậy chúng ta thử đi sâu vào một vài chi tiết:
“Con Đấng Tối Cao” và “Con Thiên Chúa”
Khi áp dụng vào cụ thể, đề mục này có một ý nghĩa rất bao quát trong Do Thái giáo. Sách Xuất Hành gọi dân Israel là “Con Thiên Chúa” (Đnl 1,31), thực sự là “một người con” (Kn 2,13–16). Kẻ nào giữ luật là Con Thiên Chúa. Dân Do Thái thành phần đặc tuyển sẽ được gọi là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Hs 2,1). Vua chúa và thẩm phán là “Con Đấng Tối Cao” (Tv 82,6). Và đặc biệt người ta gọi các vua Israel là “Con Thiên Chúa”. Như người được Thiên Chúa xức dầu (2 Sm 7,14). Các thánh vịnh loan báo Đấng Mêsiah – vua như “Con Thiên Chúa” (Tv 2,89). Vậy “Con Thiên Chúa” là một hạn từ có tính luân lý và phổ cập. Sau này, các nhà chú giải cận đại Công giáo cũng như Tin Lành và Tin Mừng Nhất Lãm thường hay sử dụng hạn từ “Con Thiên Chúa” để chỉ về Chúa Kitô: Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian (Ga 11,27). Thời các Tin Mừng được viết ra – nhất là do kinh nghiệm phục sinh, một biểu lộ rõ ràng về thiên tính của Đức Kitô – thì các tác giả Tin Mừng mới tin vào thiên tính của Đức Kitô cách hiển nhiên, đến nỗi hạn từ “Con Thiên Chúa” có một ý nghĩa rất sâu xa và có tính cách giáo điều.
Nhưng cũng cần phải nói tới hoàn cảnh của các tác giả trước khi Chúa Giêsu mạc khải cách trọn vẹn, nhất là về mầu nhiệm truyền tin, là huyền nhiệm duy nhất nói cho chúng ta những gì mà Đức Maria đã biết trước về người con của mình cách rõ ràng. Hay là những lời truyền tin như là lời để cho Đức Maria hiểu những gì đã nói tới, tức là con của Mẹ sẽ là Đấng Cứu Thế được mong đợi từ ngàn xưa, là vị sứ giả vĩ đại của Thiên Chúa có tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Chính vì có tương quan mật thiết với Thiên Chúa và tương quan đặc biệt đó được biểu lộ do việc can thiệp đặc biệt dưới bóng cánh của Người mà “con trẻ” sẽ được gọi là “Con Thiên Chúa”, “Con Thiên Chúa” ở đây là một hạn từ dành để chỉ Đấng Cứu Thế mà bản văn truyền tin cho thấy rõ ràng ngai vàng của vương triều Đavít là Đức Giêsu, Mêsiah – vua, sẽ sinh ra như lời thiên thần đã nói với Đức Maria. Nội dung rõ ràng của trình thuật biến cố truyền tin tự nó không khẳng định một điều gì về thiên tính của Đức Kitô.
2. Ý thức của Đức Maria về thiên tính của Đức Giêsu
Khi thông đạt nội dung biến cố truyền tin cho Đức Maria, đương nhiên Thiên Chúa cũng đã soi sáng bên trong linh hồn Mẹ. Nếu chúng ta đối chiếu sâu tôn giáo của việc Đức Maria hoàn toàn tín thác vào mầu nhiệm khôn lường với điều gì siêu nhiên hơn trong đức tin – nghĩa là hoạt động của Thiên Chúa bên trong linh hồn (hay ánh sáng đức tin) hướng linh hồn đến một nội dung xác thực như thế, thì chúng ta phải khẳng định rằng: trong tiếng “Xin Vâng” của biến cố truyền tin đã có sự hiện diện thực sự, mặc dù không rõ ràng của những gì mà trong đời sống Đức Maria và do việc tiếp xúc của Mẹ với Con Thiên Chúa, dần dần trở nên rõ ràng đối với Mẹ. Nhưng không những phải đối chiếu hoạt động của Thiên Chúa, hay ánh sáng đức tin với nội dung biến cố truyền tin, mà còn với tất cả những khuynh hướng hàm ẩn về Đấng Mêsiah của Cựu Ước lên tới tột đỉnh trong biến cố truyền tin.
Vậy nếu Cựu Ước chưa nhận ra thiên tính Đấng Mêsiah cách rõ ràng, tuy nhiên, nhiều bản văn đã có khuynh hướng chấp nhận thiên tính đó.
Trước tiên, người ta coi Đấng Mêsiah – vua, vị đại sứ giả của Thiên Chúa, như Đấng có tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Đối với người Do Thái, Đấng Mêsiah – vua là một thực tại huyền nhiệm mà người ta đồng hóa với Lời của Giavê.
Quan niệm Mêsiah, được đào sâu nhờ ý tưởng “Con Người” – ý tưởng này được Ezékiel chuẩn bị và được văn chương Khôn Ngoan nuôi dưỡng, rồi Daniel sử dụng – sẽ đóng góp đặc biệt vào sự “chín muồi” của ý tưởng về Đấng Mêsiah siêu việt. Đó là người từ trời ngự đến trên đám mây; “bên cạnh” Đấng Mêsiah thuộc dòng dõi Đavít được coi như con người thuần túy, người ta còn thấy xuất hiện khái niệm về nguồn gốc thiên giới của Đấng Mêsiah.
Cuối cùng, chúng ta hãy đặc biệt lưu ý rằng trong Cựu Ước, có một khuynh hướng “kép” liên quan đến việc cứu chuộc. Giavê chính là Đấng Cứu Chuộc. Người luôn can thiệp vào lịch sử dân đặc tuyển, nhưng nhất là mỗi khi dân bất trung. Từ đó phát sinh niềm xác tín rằng chính Giavê sẽ can thiệp cách dứt khoát vào “thời cuối cùng”. Một tiên tri nói về việc Giavê đến cứu chuộc: “Hãy chuẩn bị cho Giavê một con đường trong sa mạc” (Is 40,3); chính Giavê sắp tạo dựng một trời mới, đất mới (65,17) và mọi quốc gia sẽ tuôn về đó (2,3). Như thế, lịch sử dân Do Thái trở thành lịch sử “những kỳ công của Thiên Chúa”, lịch sử những can thiệp của Thiên Chúa dẫn đến cuộc phán xét cuối cùng của Giavê, Đấng sẽ vĩnh viễn ngự trị trong thế giới. Cho nên Giavê là Thiên Chúa Cứu Độ – đó là đường thẳng đứng có tính cách cánh chung ngang qua Cựu Ước và nối liền đường thẳng ngang khác cũng có tính cách cánh chung: khi đó, vấn đề không còn trực tiếp là Giavê, nhưng là “Đấng sẽ đến”, Đấng Mêsiah, một con người sẽ trở thành dụng cụ Giavê dùng để thực hiện kế hoạch cứu độ của Người vào thời cuối cùng. Cánh chung luận siêu việt và thiên sai luận được nối liền và sau cùng được tổng hợp trong Thiên Chúa Cứu Chuộc nhập thể: Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa đang đến, vừa là Con Người sẽ đến.
Với biến cố truyền tin, Đức Maria là cách biểu lộ cao nhất mong đợi Thiên Chúa và Đấng Mêsiah trong Cựu Ước, Mẹ là tổng hợp và là cao điểm của lòng mong đợi Đấng Mêsiah nơi người Do Thái. Chính thánh Luca đã thấy điều đó trong kinh Magnificat, các giáo phụ cũng thế, và điều đó còn được gợi lại trong thần học hiện đại. Nhờ ơn vô nhiễm nguyên tội và hiển thánh vẹn tuyền cho Thiên Chúa, trong ánh sáng đức tin, Mẹ đã có một cảm nhận sắc bén và tinh tế phi thường đến nỗi Mẹ đã mở ra một cửa ngõ nền tảng và ngày càng rõ nét cho lòng mong đợi của Cựu Ước đối với “Giavê Cứu Chúa”.
Từ tiến trình nội tâm đã hoàn thành nơi Đức Maria, chúng ta có thể cùng thánh Luca tìm hiểu tiến trình ngoại tại của Mẹ bằng cách so sánh các bản văn Cựu Ước với nội dung rõ ràng của biến cố truyền tin.
Bởi tính cách song đối Kinh Thánh, phần đầu của biến cố truyền tin đã coi Đức Maria như tiêu biểu cho Israel. “Giavê đi vào lòng dân Israel như một Đấng Cứu Độ” (Sôphônia) được đặt song đối với Đức Giêsu, Giavê Cứu Chúa mà Đức Maria tiếp nhận trong lòng (st. Luca). Sống trong trào lưu thiên sai luận, Đức Maria đã đoán được chiều sâu của thực tại “Con Thiên Chúa”. Thực sự Mẹ biết, mặc dù mơ hồ, bằng tình mẫu tử là bây giờ chính Thiên Chúa sẽ đến trong lòng Mẹ, như ngày xưa Người đã đến trong lòng dân Israel. Đàng khác, ẩn ngữ chékinad (rợp bóng trên) chỉ có thể nhấn mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Song đối giữa Judith và Lc 1,42 gợi lên một cách huyền nhiệm hay ẩn tàng rằng: “Quả phúc của lòng Bà” có thể là “Đức Chúa, Đấng tạo dựng trời đất”. Song đối giữa “Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,26) và “Bà sẽ thụ thai một con trai” có cùng một ý nghĩa ngay từ lời đầu tiên của thiên thần, Đức Maria đã đoán rằng đó là một điều gì độc nhất. Với lòng khiêm nhường, Mẹ đã bối rối, không phải như Zacaria đã kinh ngạc khi thiên thần xuất hiện (Lc 1,11–12): thấy thế Zacaria xao xuyến, sợ hãi thâm nhập cả mình ông, nhưng vì những lời thiên thấn nói với Mẹ: “và người tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì” (Lc 1,29). Sự kinh ngạc của Mẹ là do thái độ thận trọng đối với mầu nhiệm thâm sâu được bày tỏ cho Mẹ.
Đặt Đức Maria cách cụ thể ở cao điểm của lòng mong đợi Đấng Mêsiah và chiêm ngắm Người trong cuộc đối thoại với thiên thần truyền tin, chúng ta hiểu rằng toàn thể thực tại Cựu Ước sắp sống dậy trong linh hồn Mẹ, linh hồn mà Thánh Linh Thiên Chúa ngự trị. Chính ở tột đỉnh đợi trông của Israel mà Mẹ nghe loan báo biến cố truyền tin. Mẹ hiểu rằng Con Trẻ được loan báo, Đấng Mẹ sẽ sinh ra mà vẫn đồng trinh, sẽ vượt xa con trẻ thuộc dòng dõi loài người vì phải hoàn thành một nhiệm vụ tôn giáo đặc biệt, đó sẽ là một con trẻ mà ý niệm về Người vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.
Vậy tiến trình đức tin nơi Đức Maria không phải là một tiến trình đi từ chỗ không biết hoàn toàn đến chỗ nhận thức rành mạch, nhưng là tiến trình đi từ chỗ ý thức thực sự nhưng mơ hồ và không rõ ràng đến chỗ ý thức rõ ràng. Đó là sự chuyển biến từ ý thức đến nhận thức, tựa như sự chuyển biến ta thấy trong ý thức của Giáo Hội, dù sau khi mạc khải chấm dứt; trước khi một tín điều được định tín, thì nó đã sống trong lòng các tín hữu (nơi tín điều đó phát sinh “cách tất nhiên”).
Dụng ngữ tài tình của thánh Thomas được áp dụng thích hợp trong trường hợp Đức Maria “hành động tin (của Đức Maria) tựu trung không nhắm tới lời phát biểu rõ ràng (của biến cố truyền tin) nhưng nhắm tới thực tại (của Ngôi Lời nhập thể)”.[1] “Ánh sáng đức tin” thiết lập một tương quan mật thiết giữa tiếng “Xin Vâng” riêng tư của Đức Maria với thực tại cứu độ khách quan này: sinh Con Thiên Chúa mà vẫn đồng trinh. Giả thiết là: tương giao này ngay từ đầu không phải là một hiện diện thực sự và mật thiết thì sự tiến triển của đức tin, do Mẹ liên tục làm quen với thực tại huyền nhiệm này, thực tại diễn ra trước mắt Mẹ như “Thiên Chúa mặc xác phàm” không bao giờ có thể được gọi là sự nảy nở cách nội tại của việc chấp nhận đức tin đã được bày tỏ. Đó là điều bổ túc được thêm vào từ bên ngoài, chứ không phải là sự trưởng thành từ bên trong.
Kinh Thánh gợi lên sự trưởng thành nội tại của đời sống đức tin nơi Đức Maria như sau: “Đức Maria không hiểu lời Đức Kitô vừa nói với Người” (Lc 2,50), “Cha mẹ con trẻ ngạc nhiên về những điều nói về Người” (Lc 2,23), “Cha mẹ Người thất kinh khi nhìn thấy Người” (Lc 2,46). Vả lại không nên quên rằng ngay đối với Đức Maria, mạc khải không chấm dứt với biến cố truyền tin nhưng hoàn tất trong và qua tiến trình lịch sử của đời sống Đức Kitô, Đấng là mạc khải sống động.
Tất cả điều đó phải chăng thực chất chỉ là một vấn đề tâm lý thuần túy, vì sự nhận thức, một thực tại bén nhạy, có thể mang lại những thay đổi nổi bật về phương diện tâm lý? Chúng ta thấy ở đó còn có gì hơn nữa: giá trị tôn giáo của đời sống đức tin tăng triển nơi Đức Maria cho chúng ta một mẫu gương trổi vượt. Những đoạn Kinh Thánh trưng dẫn ở trên mà thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh sẽ không có nghĩa gì nếu ta chối rằng đời sống đức tin của Đức Maria đã không có một sự tăng triển rõ ràng. Nếu chấp nhận dữ kiện này, chúng ta có thể chân thành khẳng định rằng: giữa biến cố truyền tin và việc tỏ mình công khai lần đầu tiên của Đức Kitô ở Cana cũng như sau này, có cả một tiến trình đức tin; tình thân mật giữa Đức Maria và Con của Mẹ trong suốt đời sống ẩn dật của Đức Giêsu là một thời kỳ mà mầu nhiệm Đức Kitô được mạc khải dần dần cho Mẹ. Biến cố truyền tin không trực tiếp nói gì cho Đức Maria về cuộc khổ nạn của Chúa, trừ phi lúc đó hiện lên trong ký ức Mẹ những cái nhìn tiên tri về “người tôi tớ đau khổ” mà Thánh Kinh đã nói đến. Vào ngày 40, ngày Con Trẻ được thanh tẩy trong đền thờ, một yếu tố mới xuất hiện làm sáng tỏ một vài dữ kiện đối với Mẹ và Con của Mẹ: “Này Con Trẻ sẽ làm cớ vấp ngã và chỗi dậy cho nhiều người trong Israel, Người sẽ là dấu gợi lên chống đối; phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2,34–35). Biến cố truyền tin không ám chỉ tất cả những điều đó, tuy nhiên, cái chết chuộc tội của Đức Kitô là yếu tố chính, và qua biến cố phục sinh, nó trở thành cao điểm của toàn thể mầu nhiệm Đức Kitô. Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, Đức Maria không hiểu tất cả những gì đã xảy ra (Lc 2,50). Từ phép lạ Cana đến thập giá, Đức Maria đã lui vào “hậu trường”, Mẹ không theo sát lời rao giảng và các phép lạ của Đức Kitô như các tông đồ; là vì đời sống ẩn dật của Đức Giêsu, liên kết mật thiết với đời sống Đức Maria trước kia, đối với Mẹ là một yếu tố tích cực của mạc khải về con của Mẹ. Mẹ học biết Đức Giêsu bằng tất cả thái độ của Người, do đó Mẹ hiểu biết Người rõ hơn các tông đồ được nghe giáo huấn của Người. Sự phong phú trong tình thân mật giữa Mẹ và Con ở Nazareth – điều đó không cho phép chúng ta nghĩ rằng đã xảy ra những điều kỳ diệu như trong những chuyện thần tiên, hay ở đó có những mạc khải trước về hiến tế trên núi Calvario và biến cố phục sinh – thuộc về lãnh vực tôn giáo và tâm hồn, nhưng Đức Maria đã thận trọng giữ gìn để khỏi thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta. Đó là bí mật của đời sống tôn giáo thâm sâu nơi Mẹ. Dầu vậy, dường như Mẹ đặc biệt bị đánh động bởi sự vâng phục của Đấng Mêsiah đối với một con người, tức Mẹ Maria của Người. Hình như Mẹ đã thông đạt chi tiết đó cho thánh Luca qua môi giới của thánh Gioan, và tác giả Tin Mừng thứ ba đã ghi nhận điều đó trong Tin Mừng Thời Thơ Ấu.
Lúc này, chúng ta đang xét tới chính đời sống đức tin của Đức Maria, tức chiều sâu, sự tăng trưởng, sự trưởng thành của đời sống đó trong sự tương giao mật thiết hàng ngày với nhân tính Đức Kitô, và khi đó, Đức Maria đã trở thành một tấm gương trổi vượt cho chúng ta. Nếu Mẹ vui mừng vì đặc ân vô nhiễm và thiên chức làm mẹ, tuy nhiên, Mẹ vẫn phải tuân theo quy luật bình thường của bất kỳ đời sống Kitô hữu nào trên trần gian; đời sống đức tin tăng trưởng và lớn lên không phải trong một bầu khí được thị kiến thường xuyên – biến cố truyền tin là thị kiến duy nhất của Đức Maria mà chúng ta nghe thuật lại – mà do sự tiếp xúc của những nhân đức đối thần với thực tại sống động. Đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là chính Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta để chúng ta có thể sống nhờ Người, trong nhân tính của Người qua các bí tích của Giáo Hội; và đối với Đức Maria, điều đó có nghĩa là: Thiên Chúa đã được ban cho Mẹ qua người con của riêng Mẹ, Con Người Thánh mà Mẹ gọi là Giêsu. Như vậy, Đức Maria là khuôn mẫu của Giáo Hội lữ hành nơi trần thế, cũng như việc lên trời vinh quang của Mẹ, Mẹ trở thành khuôn mẫu của Giáo Hội cánh chung trên thiên quốc. Điểm ghi chú trong trình thuật Lc 2,51: “Mẹ Người đã giữ kỹ những kỷ niệm đó trong lòng”, là tổng hợp toàn bộ thái độ sống của Đức Maria trước mầu nhiệm Đức Kitô, mầu nhiệm giãi bày trước mắt Mẹ.
Mẹ đã đạt được nhận thức rõ ràng và thấu suốt bằng đức tin vào lúc nào trong đời sống? Trước phép lạ Cana hoặc sớm hơn, hay muộn hơn như nơi các tông đồ? Hay phải chăng dưới cây thập giá, Mẹ đã có nhận thức rõ ràng và đúng đắn như chúng ta bây giờ? Hay tính cách anh hùng đồng hiến tế của Mẹ phải chăng hệ tại đức tin vững vàng và huyền nhiệm của Mẹ “vào Đấng Mêsiah chịu đóng đinh” và sắp trút hơi thở? Mẹ vẫn tiếp tục tín thác vào Đấng Mêsiah. Điều đó đã không bao hàm một đức tin mờ tối, bất chấp hiến tế đau thương sao? Thật là huyền nhiệm đối với chúng ta! Lễ Hiện Xuống đối với Mẹ phải là một ân sủng thâm sâu! Đàng khác, không nên đặt nhận thức rõ ràng này vào một giai đoạn được xác định rõ. Đó là một thực tại thiêng liêng, một trực kiến của đức tin “chín muồi” từ nội tâm, khởi từ thái độ hoàn toàn tín thác của Mẹ vào mầu nhiệm cụ thể của Đức Kitô. Thực tại đó dù chưa được diễn tả nhưng đã hiện diện cách tích cực để cuối cùng được khẳng định thật rõ ràng. Do đó sẽ sai lầm nếu đề cao đức tin “đã biết hết mọi sự” hơn giá trị tôn giáo của một đức tin hiến tế không tính toán và hoàn toàn tín thác vào những sự việc và biến cố mới lạ xem như liên tục mâu thuẫn với nội dung biến cố truyền tin liên quan đến “Vua” Mesiah. Đức tin của Đức Maria không ngừng bị dồn đến những “mâu thuẫn”. Con Trẻ mà người ta đã nói rằng Người sẽ đặt vương quyền trên vai thì Mẹ lại thấy sinh ra trong máng cỏ vì ở quán trọ không có chỗ “cho họ” – tức là không có chỗ cho một người đàn ông và một người phụ nữ mang thai – bị Hêrođê đe dọa, Mẹ phải chạy trốn với “Con Trẻ của tương lai” này. Cũng chính “Con Trẻ Vương Đế” này, lớn lên trong những hoàn cảnh không ai lưu ý đến.
Cuối cùng, Mẹ chứng kiến “Vua của Mẹ” chết nhục nhã trên thập giá. Khi đó, Đức Maria không có ý niệm gì về điều sẽ xảy ra sau đó, nhưng Mẹ tin và hoàn toàn tín thác vào biến cố truyền tin xưa “tuyệt vọng mà vẫn cậy trông”. Mẹ không yếu tin như các tông đồ. Tuy nhiên, đối với Mẹ cũng như đối với các tông đồ, biến cố đó là một mầu nhiệm khôn dò. Hiến tế của Abraham là một mẫu mực. Như Abraham, Đức Maria cũng hiến tế Người Con duy nhất của mình. Abraham hiến tế con mình, người con mà theo lời hứa sẽ phát sinh một dòng dõi đông đúc, “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” (Rm 4,18); Đức Maria hiến tế con mình, người con mà sau biến cố truyền tin, được hứa ban một vương quốc bất diệt và đó chính là Đấng giờ đây Mẹ thấy chết trên thập giá! Hiến tế đẫm máu của Đức Kitô, đối với Mẹ là hiến tế của Abraham, và bất chấp nghịch cảnh, Mẹ vẫn tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa.
Như thế, khi hoàn toàn tin rằng con mình là Đấng Mêsiah – Vua, thì Đức Maria đã dần dần đạt đến ý niệm trọn vẹn về điều mà mầu nhiệm này hàm chứa cho Mẹ và cho mọi người. Trong suốt sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã đi bước trước trong việc mạc khải Người cho Đức Maria vì dù là con, Người vẫn độc lập với Mẹ: Người ta đã chẳng thấy khi Con Trẻ 12 tuổi đi hành hương ở Jêrusalem, Mẹ đã kinh ngạc về sự khẳng định độc lập của con đó sao! Sự khẳng định này giống như sự khẳng định của Người ở tiệc cưới Cana. Như một vài giáo phụ đã quả quyết, đó không phải là lời Đức Kitô trách Đức Maria, nhưng đúng hơn đó là một nhân tố giúp Đức Maria dần dần khám phá mầu nhiệm Đức Kitô. Một vài sự kiện mà Đức Maria để mình hòa nhập trong suốt đời sống công khai của Đức Kitô cũng có cùng một ý nghĩa. Chẳng hạn, đặc biệt nhất là những lời lẽ của Đức Giêsu trước sự thán phục của một người phụ nữ: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang thầy” (Lc 11,27), hay khi người ta báo cho Người: “Mẹ thầy ở kia” (Mt 12,46–50; Mc 3,31–35; Lc 8,19–21). Sự cao trọng đích thực của Đức Maria không bị lu mờ mà trái lại: “phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ” (Lc 11,27–28). Đó là lời ca ngợi cao trọng nhất về đời sống đức tin của Đức Maria, của tiếng xin vâng sống động. “Xin thực hiện cho tôi theo lời Người”. Đức Giêsu đã nói: “Những kẻ nghe lời Thiên Chúa và thực hành, đó là mẹ Ta” (Lc 8,21). Thực sự như thế: Đức Maria là mẫu mực của đời sống đức tin Kitô hữu. “Luật phân cách” mà cha Braun đã nói hình như có một ý nghĩa thâm sâu hơn sự khẳng định thuần túy về quyền ưu tiên của mối liên hệ thiêng liêng so với những mối liên hệ họ hàng: điều đó liên quan tới thực trạng của chính Đức Kitô.
Bất chấp nghịch cảnh, tin tưởng và hy vọng mãnh liệt là yếu tố đặc trưng của tâm lý tôn giáo nơi Đức Maria. Vì giả như đời sống Đức Maria không trải qua khó khăn, thì đức tin đó sẽ không tỏ rõ sức mạnh trong những hoàn cảnh tương đối dễ dàng. Một sự thánh thiện lớn lao nhất tự nó không bắt đầu bằng một đời sống phũ phàng hơn, cũng không bằng một đời sống êm dịu hơn, không khổ cực cũng chẳng buồn phiền. Thực ra, Đức Maria không phải chịu những đối kháng do tự bản tính con người tội lỗi và bất trị; nhưng hoàn toàn như Đức Kitô trong Vườn Cây Dầu, bản tính của Mẹ thiêng liêng cao quý và được tinh luyện nhờ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nên rất nhạy cảm. Ơn vô nhiễm của Mẹ không kéo bản tính của Mẹ ra khỏi thế giới của tội lỗi và vô tri, cũng không che chở bản tính Mẹ khỏi những may rủi phi lý và không lường trước được của đời sống con người. Sự hỗn độn của đời sống, của những mưu mô xã hội, sự phóng túng mù quáng của dục vọng con người có thể gây nên những tình cảm làm rối loạn những nạn nhân vô tội. Ơn vô nhiễm của Đức Maria không làm cho Mẹ thoát khỏi tình cảnh bình thường của con người, nhưng ban cho Mẹ một sức mạnh, sức mạnh đó không cất đi những nỗi khó nhọc, nhưng giúp Mẹ chấp nhận khía cạnh đau khổ đó trong tâm hồn với một cách thế hoàn toàn khác. Nazareth là nhà của các tín hữu chiến đấu và cam đảm đương đầu với những khó khăn của đời sống trong sự tín thác nơi Chúa Quan Phòng. Chính lối kể giản dị của các Tin Mừng chứ không phải lối kể tán giải của các ngụy thư đã mô tả đời sống đích thực của Đức Maria. Đời sống này không phải là một câu chuyện thần tiên như chuyện Nàng Bạch Tuyết: không có những chú chim nhỏ dễ thương hót líu lo quanh Mẹ, đưa Mẹ lên trời mây và giúp Mẹ tránh khỏi những nguy hiểm. Đối với chúng ta là những người phải đương đầu với thực tại phũ phàng của một thế giới không có chút thi vị nào, thì đời sống thần tiên đó không phải là một mẫu gương khích lệ, nhưng là một thức uống say sưa chỉ để lại cho ta một nỗi thất vọng và buồn chán sau khi tỉnh giấc. Đời sống của Mẹ hoàn toàn giống chúng ta, cũng có 1001 cái ngẫu nhiên, khó khăn và phũ phàng của đời sống xã hội loài người. Kính cẩn trước mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống, Mẹ cho chúng ta một mẫu gương đức tin mạnh mẽ hơn sự sống nhân loại, mạnh mẽ hơn cái chết... và hơn cả cái chết của Đấng Mêsiah.
Đó là cách tóm tắt đời sống Đức Maria. Mạc khải không những là sự thông đạt nhận thức và chân lý mà còn là, và trước hết là một biến cố cứu độ, đòi hỏi chúng ta phải dấn thân bằng đức tin và lòng mến để có thể khám phá ở đó mầu nhiệm ẩn giấu đang được mạc khải. Đức Maria là mẫu mực, là hình ảnh đầu tiên của đời sống đức tin có tính cách các bí tích và Kitô giáo thực sự. Hòa nhập và liên kết trong đức tin với những biến cố trần gian hữu hình của đời sống nhân loại nơi Đức Kitô, Mẹ được nâng tới cho đón nhận với lòng tín thác mầu nhiệm Thiên Chúa biểu lộ qua “dấu chỉ bề ngoài của bí tích” nơi nhân tính Đức Kitô và Mẹ đã để cho ân sủng thấm nhập cả bên trong. Chính đức tin vững vàng và niềm tín thác của Mẹ đã xuyên thấu “lớp vỏ” nhân tính nơi Đức Kitô để dần dần đạt tới thế giới thần linh. Đó là toàn thể mầu nhiệm của đời sống đầy tin tưởng và thánh thiện của Đức Maria, tức là ba nhân đức Tin, Cậy, Mến của Mẹ.
Những dữ kiện hiếm có của Kinh Thánh cho thấy hình thức cụ thể của cuộc chinh phục niềm tin cách tiệm tiến nơi Đức Maria và do đó, cho thấy đời sống có tính cách bí tích của Mẹ là như thế nào. Dầu sao, những gì chúng ta đã biết về Mẹ cũng đủ để chúng ta gọi Mẹ là “Nữ Vương các tín hữu bị bách hại”.
III. ĐIỂM THEN CHỐT CỦA MẦU NHIỆM SỐNG TÔN GIÁO NƠI ĐỨC MARIA
Bí quyết đời sống tôn giáo của Đức Maria nằm trong tầm hiểu biết của chúng ta, vì nó bộc lộ cho chúng ta qua những lời này: “Đây là nữ tỳ của Chúa”. Hạn từ này hàm xúc sự phong phú của cả một linh đạo trong Cựu Ước. Trong Cựu Ước, phụng sự hay phục vụ Thiên Chúa, là “tôi tới” hay “nữ tỳ của Chúa” đều chỉ rõ ràng một đời sống được hiến trọn cho Thiên Chúa. Thực vậy, Giavê là một vị vua tối cao; Người sáng tạo và điều khiển mọi sự theo ý Người. Những “đầy tớ của Giavê” là những người Israel đạo đức, biết đón nhận uy quyền của Chúa và thuận theo sự can thiệp của Người trong suốt cuộc đời mình. “Đây là nữ tỳ của Chúa” cũng nằm trong sự đón nhận ý định của Thiên Chúa và tâm trạng thuận theo thánh ý Người. Mở lòng ra trước mầu nhiệm Thiên Chúa với ý thức mình hoàn toàn “thuộc về” Chúa, đó là mầu nhiệm về Đức Maria. Đức Maria bộc lộ chiều sâu tâm hồn tôn giáo khi Mẹ nhìn nhận mình là Nữ Tỳ của Giavê. Tuy nhiên, để thấu hiểu nội dung vấn đề, cần phải so sánh hạn từ “Nữ Tỳ của Chúa” với nội dung bài Magnificat, trong đó Đức Maria đặt mình giữa những Anawim hay Ebyônim, nghĩa là những “người nghèo của Israel”. Những “người nghèo của Giavê”, “những người đầy tớ của Thiên Chúa”, đó là những người đã đặt hết niềm tin nơi Giavê trong sự khiêm tốn – và trên bình diện nhân loại, họ không có chút uy lực nào (cũng cần thấy ở đó nguồn gốc xa xưa của quan niệm “nghèo khó” trong Cựu Ước mà nó ngày càng trở nên một thực tại tôn giáo), cuối cùng được đồng hóa với “số còn sót lại của Israel” mà vương quốc Thiên Chúa sẽ trở lại với họ. Israel trở thành “người nghèo của Thiên Chúa”.
Quan niệm về “Anawah” (nghèo khó – khiêm tốn) rút gọn một cách chính xác linh đạo của những sách Cựu Ước kể từ sau thời lưu đày. Những “Anwim” hay những người nghèo là những người biết kính sợ Thiên Chúa, biết cậy trông vào Chúa, biết tìm kiếm Chúa, đó là các thánh nhân của Chúa, những người công chính, những người mà trong cuộc đời thường gặp đau khổ và là những người bị sỉ nhục. Nhưng không chỉ có thế, họ còn là những người tôi tớ của Thiên Chúa. Đây là linh đạo của họ: “Ngươi hãy nín thính trước mặt Giavê và chờ đợi Người” (Tv 37,7), vì “ai trông cậy ở Giavê sẽ làm chủ đất đai” (Tv 37,9). Sau cùng, theo nghĩa sung mãn của Kinh Thánh, những người nghèo là những người trung tín, thuộc về số “những người tin”, nghĩa là họ dâng lên Thiên Chúa niềm tin vô điều kiện. Họ có những ưu điểm về mặt tôn giáo trong dân Do Thái. Những người nghèo không đội trời chung với những “phường kiêu căng”, “ngạo mạn”, “những kẻ vô đạo” vốn đặt niềm tin vào chính mình, những kẻ tự mãn và không có một chút quan niệm nào về “sự khiêm tốn tôn giáo”; với họ, mọi sự có vẻ thành đạt trên đời này. Nhưng những người nghèo hãy vui lên vì “Giavê biểu dương những người nghèo khó” (Tv 149,4) và triệt hạ những kẻ kiêu căng tự mãn về công lênh thì người thu thuế giống như người nghèo của Cựu Ước, lại đấm ngực một cách khiêm tốn.
Trong bài giảng trên núi, Đức Kitô đã tóm tắt thái độ căn bản của người nghèo. Trong đó, “Người nói về những người nghèo trong tinh thần, những người khiêm tốn, những người hiền lành”. Đối với Đức Kitô cũng như đối với Cựu Ước, Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn nghèo khó (Mt 5,3). Đó là “những người khó nghèo trong tinh thần”, “những người hiền lành”, “những người khóc than”, “những người đói khát sự công chính”, “những người tinh sạch trong lòng”, “những người biết thương xót”, “những người tác tạo hòa bình”, “những người bị bắt bớ vì lẽ công chính”, “những người bị sỉ nhục và bị bắt bớ (vì Giavê)” (Mt 5,3–11): đó là những thành ngữ khác nhau trong Cựu Ước để diễn tả: “Một người nghèo”, “một người khốn khổ” (về mặt tôn giáo), “một người bé mọn” hay “một người khiêm tốn”. Chính trong viễn tượng về người nghèo này mà Đức Kitô “hân hoan” cảm tạ Chúa Cha vì đã mạc khải ý nghĩa Nước Trời cho “những người bé mọn” (Lc 10,21). Sự kiện Tin Mừng được loan báo cho người nghèo (Mt 11,5) đã được Đức Kitô trình bày như là dấu chỉ nước Thiên Chúa đã đến. Đi xa hơn nữa, Đức Kitô xuất hiện như là một người nghèo khó: “Hãy biết rằng Ta là người nghèo khó, nghĩa là hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Như thế, quan niệm về “sự nghèo khó” trở thành định nghĩa về lòng đạo đức của người Kitô hữu, “từ chỗ giàu có Người trở nên nghèo hèn vì chúng ta” (2 Cr 13,9). “Người đã hủy mình ra không... Người còn hạ mình hơn nữa” (Ph 2,7–8). Chính Đức Kitô thể hiện sâu xa nhất sự khiêm tốn tôn giáo đến độ người ta không thể ngờ được. Mặt khác, Cựu Ước tiên đoán rằng Đấng Mêsiah là Ebeb Yahveh, “Con người đau khổ”, “Đầy tớ của Thiên Chúa”, “Người nghèo của Giavê”, trước hết được ám chỉ về dân tộc Israel, trong “số còn sót lại”, và kế đó được phóng dọi trên chính con người của chính Đấng Mêsiah qua lời các tiên tri (x. Lc 52,52–53).
Câu nói “Đây là Nữ Tỳ của Chúa” và những lời trong bài Magnificat diễn tả chính tinh thần của Anawah: “Người đã đoái nhìn đến phận nữ tỳ”, “người nghèo khó, Người ban dư đầy, còn người giàu có, Người đuổi về tay không”, “Người nâng cao những kẻ thấp hèn”, “Người độ trì Israel tôi tớ”, “Tình thương Người trải rộng trên những ai kính sợ Người”. Trong tâm hồn Đức Maria đã tập trung cao độ lòng đạo đức của người nghèo khó nơi Israel, đó là tổng hợp niềm tín thác trổi vượt vào Thiên Chúa Cứu Chuộc.
Mẹ là dân tộc Israel được nhân cách hóa, là “người nghèo khó của Giavê”, đã được Thiên Chúa nâng lên. Đây là Nữ Tỳ của Chúa là một sự ưng thuận sống động đầy niềm tin vào những ý định của Thiên Chúa! Cùng với Đức Kitô, “người tôi tớ của Giavê”, thì Đức Maria cũng là “Nữ Tỳ của Chúa”, đó là lòng khiêm tốn được triển nở dưới cái nhìn của Thiên Chúa, là sự “tiếp nhận” hoàn toàn.
Ý niệm về cái nghèo thì không phải là ý niệm duy nhất trong thành ngữ “Nữ Tỳ của Chúa”. Trong Cựu Ước, người đầy tớ (hay nữ tỳ) mang một ý nghĩa đặc biệt. Các tổ phụ, các tiên tri, những người lãnh đạo tôn giáo của dân được tuyển chọn Abraham, Moise, Giosue, David... là những tôi tớ Chúa, vì một lý do đặc biệt. Họ là những người của Chúa, được Thiên Chúa ủy thác một sứ vụ tôn giáo rất đặc biệt và họ đã hiến cả cuộc đời cho sứ vụ đó. Trong cùng một tinh thần đó, nhưng với một mức độ rộng lớn hơn, Đức Maria đã đón nhận sứ vụ của mình là trở thành thân mẫu Đấng Mêsiah – Vua. Vô hình trung, Mẹ đã tuyên xưng vai trò của mình là “Nữ vương các tổ phụ và các tiên tri”.
Trước tiên, Mẹ coi mình là “Nữ tỳ của Chúa”, rồi sau đó Mẹ đã ưng thuận: “Xin thành sự nơi tôi theo ý Người”. Đương nhiên Mẹ biết rõ tương lai của mình cho do ân sủng chứ không tùy thuộc vào sự trợ giúp của nhân loại, biết rõ sứ mạng làm Mẹ sau này đối với Con Trẻ mà Mẹ cưu mang cũng là một ân sủng. Mẹ không dám trả lời bằng một tiếng “xin vâng” tích cực hay một lời “tôi nhận” cách cụt ngủn. Đó là một câu trả lời đầy tham vọng mà Mẹ không bao giờ nghĩ đến. Tính đơn sơ của Mẹ thật huyền nhiệm: Mẹ trả lời: “xin vâng như lời thiên thần truyền dạy”. Mẹ là sự tiếp nhận hoàn toàn, là tâm hồn tự do và rộng mở: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”.
Tường thuật Tin Mừng cho chúng ta biết bí quyết đời sống đức tin của Đức Maria: chúng ta biết Đức Maria đã bày tỏ bí quyết đó như thế nào; và Kinh Thánh đã cho chúng ta biết làm thế nào Đức Kitô, người đã sống bao nhiêu năm mật hiết với Đức Maria, chính Người đi vào lòng chúng ta bằng sự thánh thiện, miễn là chúng ta biết tìm ra ý Người. Khi loan báo ơn cứu độ của “Bát phúc”, là lời ngợi khen được nhắc đi nhắc lại về người nghèo, trong bài giảng trên núi, Đức Kitô không muốn đem ra một ý tưởng Kitô giáo trừu tượng, nhưng là một ý tưởng được thể hiện cụ thể ở Nazareth, nơi Đức Maria và thánh Giuse. Những phúc thật, hoa trái của Chúa Thánh Thần, không là một lý thuyết Kitô giáo hão huyền nhưng những mối phúc đó là lời tán dương của Đức Kitô đối với Đức Maria và những ai muốn sống theo gương Mẹ.
Phúc thay những ai bị ngược đãi và những ai như Đức Maria, vì sự công chính – là chính Đức Kitô – họ phải trốn sang Ai Cập, phúc thay những ai khóc lóc và như Đức Maria đã lo âu tìm kiếm vì họ đã đánh mất Con Chúa (Lc 2,48). Phúc thay những người hay thương xót và những ai như Đức Maria trong tiệc cưới Cana qua phép lạ hóa nước thành rượu, họ muốn giúp đỡ một gia đình lâm cảnh khốn khó. Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó và khiêm tốn trong lòng, vì Thiên Chúa sẽ đoái đến họ như Người đã ghé mắt nhìn xem phận hèn tớ nữ (Magnificat); phúc thay những người hiền hậu, họ không phẫn nộ, như Đức Maria không có chỗ trọ khi sinh Đức Kitô ở Betlehem, vì họ sẽ được Đất của Đấng Cứu Thế (nghĩa là Nước Trời) làm gia nghiệp; phúc thay những ai đói khát trong sự công chính và đói khát niềm trông đợi của dân Israel, như Đức Maria, vì họ sẽ được no thỏa. Tóm lại, hạnh phúc hoàn hảo này chỉ trình bày tường tận những dữ kiện của thánh vịnh 149,4: “Giavê tán dương những người nghèo”. Đức Maria trở nên Mẹ của Đấng Công Chính đã được mong đợi từ lâu.
“Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, Nước Trời thuộc về những trẻ nhỏ”. Trong quan niệm về người nghèo (nghèo khó – khiêm tốn), Đức Maria tự cho mình là nhỏ bé nhất trong các loài thụ tạo. Vì thế, Đức Maria là người lớn nhất trong Nước Trời. “Vậy ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ này, người đó sẽ lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4). Điều đặc trưng là, Chúa Thánh Thần, Đấng đã rợp bóng trên suốt cuộc đời Đức Maria, được gọi là “Cha của những người nghèo khó” trong kinh Veni Creator.
Việc phác thảo về tâm lý tôn giáo nơi Đức Maria nói ở trên, là một lời dẫn nhập tuyệt vời vào mầu nhiệm hay đạo lý về thực tại tôn giáo này.
Thiên sứ nói: “Chúa ở cùng Bà”. Trong thánh lễ Misa, khi hướng về các tín hữu, vị chủ tế chào: “Chúa ở cùng anh chị em”. Đó là một lời cầu của vị linh mục xin Chúa thực hiện như vậy, vì Thiên Chúa còn vắng mặt trong nhiều ẩn khúc của tâm hồn chúng ta. Đời sống chúng ta không được hiến trọn cho Người, tâm hồn chúng ta cũng không được hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa, nên cách sống Kitô giáo của chúng ta vẫn chưa hoàn hảo. Trái lại, Đức Maria hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, được hiến trọng cho Người như là nữ tỳ của Người. Câu văn “Thiên Chúa ở cùng Mẹ” cho thấy rằng tất cả những nhịp rung nơi tâm hồn và thể xác của Đức Maria đều tập trung về Chúa. Thiên Chúa hằng sống đổ đầy trên Đức Maria bằng sự hiện diện của Người.
Thiên Chúa ở cùng Đức Maria: đó là ân sủng và sứ mệnh của Mẹ. Nhưng Mẹ cũng ở với Thiên Chúa, và sứ mệnh này Đức Maria thực hiện một cách trổi vượt. Khi cưu mang Đức Kitô, Thiên Chúa hằng sống đến với Mẹ và Mẹ đến với Đấng hằng được mong đợi từ bao đời: quá trình hướng về Chúa Kitô của Mẹ là một sự vươn lên mang tính chất tôn giáo hướng tới Đấng Cứu Thế. Đối với Đức Maria, mầu nhiệm nhập thể là cuộc gặp gỡ sống còn của Thiên Chúa Cứu Chuộc và của nhân loại đang mong đợi Đấng Cứu Thế. Đức Kitô cũng đến với những người cùng niềm tin như Đức Maria. Tuy nhiên, những người thân của Người đã không đón nhận Người, vì họ không chờ đợi Người trong tâm hồn. Nơi Đức Maria là cả một sự trông đợi và khát vọng vị Thiên Chúa đang đến. Chính vì thế mà Đức Maria đã đón nhận khi Đức Kitô ngự tới. Khát vọng của Đức Maria mở đầu cho thực tại của cuộc gặp gỡ thiêng liêng nơi tâm hồn và trong cung lòng Mẹ, vì Thiên Chúa ở với Đức Maria ngay trong giây phút hiện hữu đầu tiên của Người.
Sự liên hệ mật thiết của thế hệ nhân loại là Đức Maria với Thiên Chúa của mình thật thâm sâu, đến độ Thiên Chúa, trong sự liên hệ mật thiết của Người với Đức Maria, đã muốn hóa thân làm người bằng cách trở thành nhục thể từ thân xác của Đức Maria. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được thể hiện bằng chính tình yêu tín thác: về phía Thiên Chúa, đó là tình yêu trao ban, còn về phía Đức Trinh Nữ, đó là tình yêu hỗ tương, Người đã trở thành Mẹ của Thiên Chúa làm người do niềm tin và lòng mến. Ngay từ giây phút đó, Đức Maria được kết hợp rất mật thiết với Đức Kitô, đến độ tất cả những gì Đức Kitô thực hiện, thì Đức Maria cũng thực hiện, mặc dầu một cách thức khác.
Giờ đây, chúng ta cố gắng phân tích tính chất hiền dịu này là sự dấn thân của người Mẹ trong quá trình sống của con mình. Việc phân tích này hiển nhiên chỉ là một sự tìm hiểu. Tuy nhiên, việc tìm hiểu này cũng cần thiết và hữu ích, miễn là sự phân tích của chúng ta đặt trọng tâm trên điều chính yếu và thường xuyên quy chiếu vào đó. Vì vậy sẽ có một thực tại nổi lên cụ thể và sống động của thiên chức làm Mẹ, tựa như một bức nên, Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta.
[1] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II–II, q.1, a.2 ad 2.